Nguồn: Pierre Asselin (2011). “Revisionism Triumphant: Hanoi’s Diplomatic Strategy in the Nixon Era”, Journal of Cold War Studies, Vol. 13, No. 4, (Autumn), pp. 101-137.
Biên dịch: Đỗ Hải Yến | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Giới thiệu
Tiếp nối sự khởi đầu mạnh mẽ của cuộc “Kháng chiến chống Mỹ cứu nước” vào mùa xuân năm 1965, các lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam (ĐLĐVN – Đảng Cộng sản), cơ quan dẫn dắt Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Việt Nam DCCH, tức Bắc Việt Nam) sau khi đất nước chia cắt năm 1954, đã thề sẽ đánh bại “quân xâm lược” ngoại bang cũng như “tay sai” của chúng ở miền Nam Việt Nam cho đến khi họ đạt được “thắng lợi hoàn toàn” và “giải phóng” miền Nam.[1] Tiến tới những mục tiêu ấy, chính sách đối ngoại của Việt Nam DCCH xoay chuyển theo hướng bảo toàn nguồn viện trợ vật chất tối ưu cho chiến tranh từ các đồng minh xã hội chủ nghĩa cũng như hỗ trợ chính trị từ các lực lượng “tiến bộ” trên khắp thế giới. Với ý định “giành thắng lợi toàn diện”, các lãnh đạo ĐLĐVN đã khước từ một cuộc dàn xếp chiến tranh thông qua đàm phán.[2]
Trên thực tế, họ thậm chí không chấp nhận hội đàm hòa bình với kẻ thù bởi điều đó có thể báo hiệu sự thiếu quyết tâm từ phía họ trong việc đạt được mọi mục tiêu của mình.[3] Họ sẽ không “để lộ bất kỳ điểm yếu nào”, đồng nghĩa với việc “không chấp nhận thêm một hiệp ước Munich – không giành lấy hòa bình trong ô nhục”.[4]
Vì thấm nhuần chủ nghĩa giáo điều, các lãnh đạo ĐLĐVN đã đi quá đà khi khởi xướng một cuộc thanh trừng các nhân vật nổi bật thuộc đảng, chính phủ và các nhân vật khác vào cuối năm 1967 nhằm dập tắt những bất đồng quan điểm đang hiện hữu cũng như tiềm tàng (nghĩa là “tư tưởng hữu khuynh”) trong Việt Nam DCCH. Theo Sophie Quinn-Judge, cuộc thanh trừng bắt nguồn từ “cuộc đấu tranh” giữa bộ phận ôn hòa vốn theo đuổi “thống nhất nước nhà, phát triển khoa học và tiến bộ kỹ thuật” với bộ phận cực đoan vốn tin vào “sức mạnh chuyển hóa của bạo lực cách mạng”. “Những bất đồng” giữa hai phe, theo như bà viết, về bản chất là “một phần của xung đột Trung – Xô xoay quanh ‘chủ nghĩa giáo điều’ và ‘chủ nghĩa xét lại hiện đại’”. Việc khai trừ và buộc 300 nhân sỹ ôn hòa phải đồng loạt câm lặng trong cái gọi là Vụ án Chống Đảng đã hủy hoại nghiêm trọng nền dân chủ của đảng, thông qua việc “hạn chế những lựa chọn của đội ngũ lãnh đạo cộng sản”, tạo nên một bức mành “bí mật hoàn toàn” bao phủ cơ chế ra quyết định của ĐLĐVN (“đời sống nội bộ của đảng”), đồng thời tăng cường quyền lực của những nhà ra quyết định cực đoan, độc đoán và không khoan nhượng tại Hà Nội.[5]
Sau cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân đầu năm 1968, Việt Nam DCCH đồng ý đàm phán với các đại diện của Hoa Kỳ ở Paris. Nhưng Bắc Việt Nam đã sử dụng các cuộc hội đàm sau đó với chính quyền Johnson không để đàm phán theo ý nghĩa truyền thống mà nhằm thăm dò ý định của Hoa Kỳ và tác động lên chính trị nội bộ của những nhà nước khác.[6] Hà Nội tiếp tục trò chơi này cho đến năm 1969, thời điểm tình hình trong nước và quốc tế buộc Hà Nội phải đánh giá lại từ từ nhưng toàn diện chiến lược ngoại giao của mình.
Bài báo này nghiên cứu quá trình đánh giá lại đó. Vấn đề liên quan đến câu chuyện “đấu tranh ngoại giao” của Hà Nội – những sáng kiến chính sách đối ngoại được thực hiện nhằm đáp ứng các mục tiêu của cuộc kháng chiến – và của chặng đường hướng đến một dàn xếp chiến tranh thông qua đàm phán với Hoa Kỳ. Bài báo hình thành dựa trên những nỗ lực toàn diện hơn trước đây của Lưu Văn Lợi và Nguyễn Anh Vũ, Ang Cheng Guan, Liên Hằng Nguyễn và những cá nhân khác (trong đó có tôi), những người đã nghiên cứu các sự kiện vốn thúc đẩy Hà Nội lựa chọn một chiến lược ngoại giao mới trong năm đầu nhiệm kỳ tổng thống của Richard M. Nixon mà đỉnh điểm là việc ký Hiệp định Hòa bình Paris vào tháng 1 năm 1973.[7]
Nhờ những nguồn tư liệu tiếng Việt đã xuất bản và chưa xuất bản, tài liệu tiếng Pháp và Bungary cũng như những tư liệu chưa được khai thác hoặc đa phần bị xem nhẹ của các học giả, bài báo góp phần làm sáng tỏ chiến lược ngoại giao của Hà Nội và những sáng kiến liên quan đến cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân đồng thời giải thích cho sự chuyển dịch nhận thức về mục đích ngoại giao của ĐLĐVN suốt thời kỳ đó. Bài báo xác định những lực lượng định hình nên chiến lược, các sáng kiến và nhận thức.[8] Những thất bại về quân sự và kinh tế ở miền Nam và miền Bắc, kết hợp với việc thừa nhận các hạn chế của khối đoàn kết xã hội chủ nghĩa đã buộc Hà Nội trước hết phải hội đàm bí mật và sau đó là đàm phán nghiêm túc với chính quyền Nixon, và rốt cục là chấp nhận một thỏa thuận hòa bình không đáp ứng hoàn toàn những mục tiêu từng được tuyên bố của cuộc kháng chiến.
Mặc dù không đưa ra một quan niệm mới hoàn toàn về các khía cạnh ngoại giao trong Chiến tranh Việt Nam, bài báo nêu bật cách nhìn mới đối với các khía cạnh này, cách tư duy về vai trò ngoại giao trong việc tiến hành chiến tranh của Hà Nội, và về cách diễn giải những quyết định chủ chốt của các nhà hoạch định chính sách Bắc Việt Nam từ năm 1969 đến năm 1973. Đặc biệt, thảo luận nhấn mạnh vai trò tích cực của các nhà hoạch định chính sách Việt Nam DCCH trong những sự kiện mà họ tham gia.
Có một giả định lâu đời trong nghiên cứu lịch sử về Chiến tranh Việt Nam, được nhắc lại hay ngầm định qua nhiều tác phẩm, đó là sau khi mở các cuộc hòa đàm, Hà Nội đã đi theo chiến lược ngoại giao “vừa đánh vừa đàm” mang tính “nguyên thủy, sơ khai”.[9] Cách diễn giải này đã hạ thấp tầm quan trọng của các khía cạnh ngoại giao khác ngoài đàm phán và ít nhiều hạn chế nhận thức về tiến trình vận dụng ngoại giao của Hà Nội cũng như những lý do khiến Hà Nội khước từ đàm phán nghiêm túc trong một thời gian dài. Vận động công luận thế giới, lôi kéo đồng minh và các lực lượng tiến bộ toàn cầu, tuyên truyền phổ biến vai trò tiên phong của Việt Nam trong tiến trình cách mạng thế giới, và hạn chế những tác động tiêu cực từ xung đột Trung – Xô cũng là những vấn đề quan trọng đối với chiến lược ngoại giao của Việt Nam DCCH không kém gì việc đàm phán nhằm chấm dứt hoàn toàn sự can dự của Hoa Kỳ vào Việt Nam theo những điều khoản có thể chấp nhận được. Mặc dù tầm quan trọng của mỗi nhu cầu cấp bách này lên xuống theo thời gian, các lãnh đạo Hà Nội luôn nhận thức được những giá trị của đấu tranh ngoại giao. Đấu tranh ngoại giao có thể còn quan trọng hơn so với đấu tranh quân sự trong việc quyết định kết cục của Chiến tranh Việt Nam.
Nhiều lực lượng khác nhau đã định hình nên chiến lược ngoại giao của Hà Nội thời kỳ Nixon. Sau khi mở hòa đàm, ban đầu các lãnh đạo Bắc Việt Nam khước từ đàm phán và không chấp nhận thỏa hiệp bởi những lý do thuộc ý thức hệ. Các khái niệm như chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội không thể chung sống và bạo lực cách mạng mang trong mình những quyền lực chuyển hóa đã điều khiển tư duy chiến lược của họ về điểm này. Nhưng trong giai đoạn 1970-1971, tình hình khó khăn ở miền Nam cũng như những nơi khác ở Đông Dương buộc họ phải tư duy thực tế hơn, giống như các lãnh đạo Liên Xô từng làm trong một thời gian và người Trung Quốc lúc đó cũng bắt đầu tiến hành, đồng thời phải thừa nhận rằng một dàn xếp mang tính thỏa hiệp với Washington có thể phù hợp hơn so với việc tiếp tục giao tranh về quân sự cũng như chính trị mà lúc đó vẫn đang là chính sách chủ đạo.
Từ quan điểm ấy, các lãnh đạo ĐLĐVN không còn xem ngoại giao là một vũ khí chiến tranh bổ trợ như quan điểm của học thuyết Mác – Lê nin, mà chấp nhận ngoại giao như một giải pháp khả dĩ thay thế chiến tranh, một biện pháp đạt được hòa bình mà họ có thể vận dụng để theo đuổi các mục tiêu cách mạng. Chủ nghĩa thực dụng trong cơ chế ra quyết định của ĐLĐVN thậm chí trở nên rõ ràng hơn vào năm 1972, khi tình trạng hòa dịu Mỹ – Xô và việc Trung – Mỹ xích lại gần nhau đã phơi bày những hạn chế của chủ nghĩa quốc tế vô sản như một nền tảng chiến lược chống Mỹ của Việt Nam DCCH. Nhận thức này kèm theo nỗi thất vọng của cái gọi là Cuộc tấn công lễ Phục sinh (tức cuộc tấn công xuân hè 1972 – NBT) và những e ngại về tác động của việc Hoa Kỳ ném bom trở lại miền Bắc đã thuyết phục các lãnh đạo ĐLĐVN đi đến đàm phán nghiêm túc và có chủ đích. Vì vậy, mặc dù ý thức hệ đã định hướng cơ chế ra quyết định của Hà Nội sau khi chiến tranh bắt đầu, nhưng chủ nghĩa thực dụng – hay “chủ nghĩa xét lại” như cách mà giới lãnh đạo Hà Nội trước đây gọi sự chung sống với phương Tây với cái giá phải trả là sự phương hại đối với ý thức hệ và tiến trình cách mạng thế giới – cuối cùng đã chiến thắng.
Đấu tranh ngoại giao của Hà Nội thời kỳ đầu nhiệm kỳ Nixon
Việc Nixon lên cầm quyền vào tháng 1 năm 1969, qua đó chỉ huy cuộc chiến của Hoa Kỳ, đã đánh động Hà Nội. Việc một chiến binh trung thành của Chiến tranh Lạnh (tức Nixon – NBT) lên cầm quyền và tình hình quân sự bất ổn ở miền Nam đã thúc đẩy các lãnh đạo ĐLĐVN “mở rộng” đấu tranh ngoại giao – chiến lược cho đến lúc đó được tính toán nhằm vận động công luận thế giới, củng cố mối quan hệ với các đồng minh xã hội chủ nghĩa và các quốc gia không liên kết, đồng thời xoa dịu ảnh hưởng của xung đột Trung-Xô – và chấp nhận đề nghị mở các cuộc hội đàm bí mật (chứ không chỉ là riêng) từ Nixon trong khi vẫn duy trì đối thoại bán công khai vốn được khởi xướng vào năm cuối nhiệm kỳ tổng thống Lyndon Johnson.[10] Cùng với quyết định chấp thuận đối thoại bán công khai trước đây, Bắc Việt Nam đã thực hiện bước đi này mà không tham khảo ý kiến hay thông báo cho Cộng hòa Nhân dân (CHND) Trung Hoa hay Liên Xô. Họ hành động như vậy trước hết là bởi lực lượng quân sự ở miền Nam vẫn đang chịu hậu quả nặng nề của cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân và bởi xung đột Trung-Xô đang tiến lên những nấc thang mới với các cuộc xung đột chết người dọc biên giới trên sông Ussuri vào tháng 3 năm 1969.
Hà Nội thấp thỏm hy vọng rằng những cuộc hội đàm bí mật với Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ cuộc kháng chiến nhờ ngăn cản được Nixon leo thang chiến tranh. Hội đàm bí mật nghĩa là Hà Nội có ít nguy cơ thất bại khi chấp thuận đối thoại vì bản thân tính bí mật không phương hại đến các mục tiêu cách mạng hay tư duy ý thức hệ đang làm cơ sở cho các mục tiêu ấy. Tuy nhiên, tính bí mật lại đặt ra những thách thức làm trì hoãn hội đàm, khiến đối thoại mãi đến tháng 8 mới bắt đầu. Sự ra đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tháng 9 dường như đã hợp thức hóa quyết định tán thành các cuộc đàm phán bí mật của Hà Nội. Trên vũ đài quốc tế, Hồ Chủ tịch là “hạt nhân đoàn kết mạnh mẽ nhất cho những người cộng sản” như nhà sử học Ang Cheng Guan từng ghi nhận; và sự ra đi của Người “đã làm suy yếu… mối quan hệ cân bằng khéo léo của Hà Nội với Matxcơva và Bắc Kinh”.[11] Trong hoàn cảnh ấy, các cuộc hội đàm bí mật trở thành một chiếc van an toàn, một kênh ngoại giao mà Hà Nội có thể khai thác nếu đấu tranh vũ trang bế tắc hay các điều kiện quốc tế trở nên bất lợi.
Quyết định tổ chức hội đàm bí mật khiến Bắc Kinh ngạc nhiên, cho rằng ĐLĐVN đã quyết định kết thúc chiến tranh bằng thỏa hiệp và tiến hành sớm còn hơn muộn.[12] Thất vọng bởi viễn cảnh ấy, Bắc Kinh hối thúc Hà Nội bám lấy mục tiêu giành chiến thắng quân sự. Tại thời điểm đó, người Trung Quốc đang “dần chứng minh họ đã thông thoáng hơn với ý tưởng đàm phán” nhưng vẫn chưa “hoàn toàn ủng hộ” ý tưởng đó hoặc “chưa từ bỏ phương châm [của họ] về ‘chiến đấu cho đến thắng lợi cuối cùng’”.[13] “Các đồng chí có thể đàm phán”, Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông cảnh báo vào tháng 5 năm 1970, “nhưng sức mạnh chủ đạo của các đồng chí nên dồn vào chiến đấu”.[14] Bắc Việt Nam không bằng lòng với lời rao giảng này và nhắc nhở người Trung Quốc rằng chính Trung Quốc đã thúc giục họ chấp nhận các thỏa hiệp trong Hiệp định Geneva 1954, lấy đi của Hà Nội những thành quả từ chiến thắng Điện Biên Phủ. “Chúng tôi sẽ luôn ghi nhớ kinh nghiệm của năm 1954”, ủy viên Bộ chính trị ĐLĐVN kiêm “đặc phái viên” của Việt Nam DCCH trong các cuộc hòa đàm Paris Lê Đức Thọ đã bình luận ngắn gọn sau đó. “Bởi cả Liên Xô và Trung Quốc đều gây sức ép, hậu quả đúng như những gì đã xảy ra”. Giờ đây, Hà Nội “cần phải độc lập về tư duy”.[15]
Ban đầu, ĐLĐVN khước từ đàm phán thực chất tại các cuộc hội đàm bí mật như cách họ đang làm trong các cuộc đối thoại bán công khai và trong các cuộc thảo luận riêng với các quan chức chính quyền Johnson trước đây. Chủ nghĩa giáo điều cứng nhắc của các lãnh đạo Bắc Việt Nam đã cản trở các hướng đi khác. Bên cạnh đó, họ tự tin rằng sớm hay muộn, áp lực trong nước và quốc tế cũng sẽ buộc Nixon phải thực hiện những nhượng bộ lớn, có lẽ bao gồm cả việc đơn phương rút quân.[16] Tình hình kháng chiến ở miền Nam vẫn còn nhiều vấn đề, nhưng Hà Nội không thấy có lý do nào để nhượng bộ trong lúc ý chí chính trị của Washington dường như đang hao mòn. Quan trọng hơn, các lãnh đạo ĐLĐVN nghĩ rằng về lâu dài, cuộc chiến vẫn có thể thắng lợi về mặt quân sự và vì vậy vẫn có thể góp phần thúc đẩy cách mạng thế giới (cho dù thắng lợi chậm trễ có khả năng không còn mang tính trọng tâm đối với đấu tranh cách mạng thế giới như họ từng dự tính).[17]
Cũng bởi những lý do ý thức hệ, các lãnh đạo ĐLĐVN nghi ngờ động cơ của Nixon trong việc theo đuổi đàm phán bí mật trong khi vẫn tiếp tục các cuộc đối thoại bán công khai. “Gần đây,” Bộ Ngoại giao Việt Nam DCCH lúc đó lưu ý, “Hoa Kỳ đã lớn tiếng công bố việc đơn phương rút một số quân” cũng như việc các cuộc đàm phán bán công khai đang diễn ra. Bộ cho rằng chính quyền Hoa Kỳ đang cố gắng “xoa dịu công luận vốn đang đòi hỏi chấm dứt chiến tranh, rút toàn bộ và vô điều kiện quân đội Hoa Kỳ cũng như quân đội nước ngoài thuộc phe Mỹ, đồng thời kết thúc kế hoạch tiếp tục chiến tranh, kéo dài tình trạng chiếm đóng quân sự và bám níu miền Nam Việt Nam”. Vì vậy, “cái gọi là ‘phi Mỹ hóa’ và ‘Việt Nam hóa’ chiến tranh” thực chất là “[những] thủ đoạn để tiếp tục và tăng cường chiến tranh dưới danh nghĩa mới, mở rộng sự hiện diện của các quân đoàn viễn chinh Hoa Kỳ ở miền Nam Việt Nam”.[18]
Vì vậy, mặc dù mở các cuộc hội đàm bí mật, chiến lược ngoại giao của Việt Nam DCCH ở điểm này về cơ bản vẫn duy trì những gì đã áp dụng khi mới bắt đầu chiến tranh. Chiến lược bao gồm việc thúc đẩy hỗ trợ về vật chất và chính trị từ nước ngoài cho cuộc đấu tranh cách mạng của Việt Nam dưới danh nghĩa đoàn kết xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh tinh thần đoàn kết của phe xã hội chủ nghĩa, đồng thời khai thác các “mâu thuẫn” trong hàng ngũ quân thù để đưa cách mạng Việt Nam và thế giới tiến lên. Mục tiêu cuối cùng này phải được xúc tiến bằng cách khơi dậy quan điểm chống chiến tranh ở Hoa Kỳ và những nơi khác nhằm “cô lập” đội ngũ ra quyết định của Hoa Kỳ khỏi dư luận và do đó buộc họ phải rút bớt quân đội Hoa Kỳ đóng tại Đông Dương. Theo Nguyễn Khắc Huỳnh, một nhà ngoại giao cấp cao của Bắc Việt Nam, những chiến lược này được hiểu là “tiến hành ngoại giao và hội đàm hòa bình nhằm phục vụ cuộc đấu tranh vũ trang [và] chính trị trên chiến trường [cũng như] tập hợp bạn bè quốc tế, đồng thời hỗ trợ phong trào phản chiến của nhân dân Mỹ”.[19]
Vì những mục đích ấy, tháng 6 năm 1969, Hà Nội đã phê chuẩn việc thành lập Chính phủ Cách mạng Lâm thời (CPCMLT) của Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Một CPCMLT có khả năng tồn tại được xem là giúp thúc đẩy tính hợp pháp cho cuộc nổi dậy ở miền Nam và tập hợp sự ủng hộ cho cuộc kháng chiến.[20] “Đối với chúng tôi và Nixon, ngoại giao là một trò chơi chữ”, Thủ tướng Việt Nam DCCH Phạm Văn Đồng phát biểu trước Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai vào tháng 9 năm 1970. “Chúng tôi hay ông ta đều không có bất kỳ ảo tưởng nào về ngoại giao [song phương Việt Nam DCCH – Hoa Kỳ]”. Tuy nhiên, duy trì đàm phán, đặc biệt các cuộc đàm phán bán công khai, là vấn đề quan trọng để “giành được sự đồng cảm từ nhân dân miền Nam, nhất là người dân thành thị” và “tác động đến dư luận chống chiến tranh ở Hoa Kỳ, trong đó, ngoài đại bộ phận nhân dân còn có các nhóm chính trị, kinh doanh, trí thức và nhà thờ”. Mục tiêu là “dồn Nixon vào thế bí” trong lúc “hỗ trợ cho các cuộc đấu tranh quân sự và chính trị ở miền Nam”. Các lãnh đạo ĐLĐVN không mang “ảo tưởng” rằng các cuộc đàm phán, dù bí mật hay hình thức nào đi chăng nữa, “sẽ đem lại kết quả” ngoài những kết quả mà Nixon phải hứng chịu thông qua áp lực chính trị.[21] “Tôi thấy rằng các đồng chí có thể tiến hành đấu tranh ngoại giao và các đồng chí làm tốt”, Mao phát biểu, đáp lại một cách hòa giải trước sự thể hiện tinh thần độc lập này (của Bắc Việt Nam). “Đàm phán đã diễn ra được hai năm. Đầu tiên chúng tôi hơi lo sợ các đồng chí bị gài bẫy. Chúng tôi giờ không còn lo lắng nữa”.[22] Vào thời điểm Mao phát ngôn, Bắc Kinh không chỉ chấp nhận các cuộc đàm phán của Hà Nội với Hoa Kỳ mà còn ủng hộ lập trường đàm phán của Hà Nội.[23] “Cuối cùng”, như một cuốn sách lịch sử của Việt Nam về những sự kiện này kết luận, Bắc Kinh “đã ủng hộ sách lược vừa đánh vừa đàm của ta”.[24]
Ngoại giao như một công cụ hòa bình
Mưu đồ “Việt Nam hóa” chiến tranh của Nixon rốt cuộc đã tạo ra một thay đổi quan trọng trong chiến lược ngoại giao của Hà Nội. Bằng cách từ từ biến xung đột ở miền Nam thành một cuộc nội chiến giữa những phe phái người Việt mâu thuẫn nhau, chiến lược Việt Nam hóa khiến ngày càng khó mô tả cuộc đấu tranh của những người Cộng sản như là một sự nghiệp dân tộc chủ nghĩa và chống đế quốc, và vì thế cũng khó khăn hơn để duy trì sự ủng hộ các quốc gia và các nhóm phương Tây, không liên kết, thậm chí là chủ nghĩa xã hội.[25] Trong vòng luẩn quẩn đó, Việt Nam hóa chiến tranh “[đã] hạn chế sự hỗ trợ quốc tế cho cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống xâm lược Hoa Kỳ”.[26] Việt Nam hóa chiến tranh “không phải là thành công như ngài Nixon và nội các của ông ta khẳng định”, một quan sát viên phương Tây ghi nhận vào thời điểm đó, nhưng chính bởi mưu đồ này mà “Hà Nội không còn hy vọng áp đặt đường lối của mình lên miền Nam bằng sức mạnh”.[27] Việt Nam hóa chiến tranh đồng thời ở Campuchia và Lào đã gây thêm lo âu trong lòng Hà Nội theo cách thức tương tự, như cuộc xâm lược Campuchia của Hoa Kỳ từng gây ra vào tháng 5 năm 1970 (trước đó là cuộc lật đổ chế độ trung lập của Hoàng thân Norodom Sihanouk bởi viên tướng “phản động” Lon Nol) và cuộc xâm lược Lào của các lực lượng miền Nam Việt Nam vào tháng 1 năm 1971.[28]
Trước những thách thức này, các lãnh đạo ĐLĐVN đã ngừng nhìn nhận ngoại giao như một chức năng của đấu tranh cách mạng, thứ yếu so với mệnh lệnh chiến thắng quân sự. Giờ đây, lần đầu tiên họ nhận ra và chấp thuận đàm phán như một công cụ hòa bình, một phương tiện để giải quyết xung đột. Điều đó dẫn tới việc chấm dứt chính sách đối thoại đơn thuần thay vì đàm phán thực chất.[29] Kể từ nay, Hà Nội sẽ đàm phán thực sự một khi tình hình quân sự, chính trị và ngoại giao tỏ ra không hứa hẹn, nhằm giảm thiểu tổn thất nếu cần trong khi vẫn bảo vệ thành quả nếu có thể. Nếu điều kiện tiến triển, Việt Nam DCCH sẽ quay lại lập trường ban đầu, cả về phương diện đàm phán lẫn đấu tranh ngoại giao nói chung, nhằm đẩy mạnh các mục tiêu kháng chiến. “Khi… thế cân bằng lực lượng xoay chuyển có lợi cho ta”, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh nói về sách lược này, “chúng ta sẽ… buộc kẻ thù… chấp nhận thất bại của chúng”.[30]
Ngày 13 tháng 7 năm 1971, Chu Ân Lai đến Hà Nội với những tin tức đáng lo ngại: Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Henry Kissinger, người tương nhiệm của Lê Đức Thọ trong các cuộc hội đàm bí mật Paris, vừa có chuyến viếng thăm bí mật Bắc Kinh và các lãnh đạo Trung Quốc đã đồng ý mời Tổng thống Nixon đến Trung Quốc để tiến hành các cuộc thảo luận khác nhau.[31] Tin tức khiến Hà Nội sửng sốt. Phạm Văn Đồng bày tỏ với Chu rằng bất kỳ giao thiệp nào với Nixon cũng đều “đi ngược lại lợi ích của Việt Nam và các quốc gia Đông Dương khác”, cũng như lợi ích của “tiến trình cách mạng thế giới”.[32] Đối diện với sự thẳng thừng ấy, Chu cố gắng cam đoan với Phạm Văn Đồng và Bí thư thứ nhất Lê Duẩn, một “nhân vật cực đoan hàng đầu”, rằng “Trung Quốc sẽ luôn bảo vệ cho lợi ích của người Việt Nam cũng như các quốc gia Đông Dương khác”. Những lời cam đoan được bỏ ngoài tai. Cả Lê Duẩn và Phạm Văn Đồng đều lặp lại quan điểm của cá nhân và của ĐLĐVN “phản đối quyết định của Trung Quốc mời Nixon sang thăm vào năm tới”.[33] Các lãnh đạo Bắc Việt Nam đặc biệt lo ngại rằng Mao sẽ đồng ý để Nixon gắn việc dàn xếp vấn đề Đài Loan với việc giải quyết cuộc Chiến tranh Việt Nam.[34] Hà Nội đã “thất vọng và không chấp nhận các biện pháp mà Trung Quốc xúc tiến nhằm cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ cũng như quyết định mời Nixon đến Bắc Kinh”, một báo cáo hội đàm với Chu nêu rõ.[35] Lời mời như “một quả ngư lôi” nhắm vào cuộc Kháng chiến chống Mỹ mà rộng hơn nữa là chủ nghĩa quốc tế vô sản.[36] Sự kiện Lin Biao (Lâm Bưu) diễn ra trước đó và những thay đổi liên quan trong giới lãnh đạo Trung Quốc cũng khiến các lãnh đạo ĐLĐVN lo ngại, họ “nghĩ rằng những thay đổi này… liên quan đến những thay đổi trong chính sách dành cho Hoa Kỳ và lời mời Nixon”, đồng thời đe dọa “lập trường tương lai của Trung Quốc về Đông Dương”.[37]
Bắc Việt Nam có lý do để lo lắng về những tình thế này, ít nhất là ở một mức độ nào đó. Sau chuyến viếng thăm đầu tiên của Kissinger, những người Trung Quốc với bản tính thực dụng ngày càng tăng nhìn thấy rằng tương lai mối quan hệ của họ với Hoa Kỳ ngày càng gắn kết chặt chẽ với tình hình Việt Nam và vì vậy hy vọng cuộc chiến tại đó sẽ kết thúc nhanh chóng. Ngày 15 tháng 7, Nixon công khai ý định viếng thăm Trung Quốc vào đầu năm 1972. “Theo Hà Nội”, Liên Hằng Nguyễn viết về tuyên bố này, “chỉ riêng việc tuyên bố về chuyến thăm của Tổng thống Nixon đến Trung Quốc cũng đã cản trở cuộc đấu tranh ngoại giao của Việt Nam”.[38] Các nhà ngoại giao Pháp tại thủ đô của Trung Quốc kết luận tương tự rằng “vì những lý do can hệ trực tiếp đến vấn đề an ninh, Trung Quốc mong muốn có được một dàn xếp tổng thể và dứt khoát cho cuộc xung đột ở Đông Dương”.[39] Tuy nhiên, mong muốn ấy đã không tạo ra bất kỳ sức ép được ghi nhận hay cảm nhận nào khiến Hà Nội phải đẩy nhanh việc chấm dứt chiến tranh.
Bất chấp những mối đe dọa hiển nhiên đối với mức độ tin cậy của Trung Quốc trong vai trò một đồng minh cũng như những hạn chế rõ ràng của chủ nghĩa quốc tế xã hội chủ nghĩa, giới lãnh đạo ĐLĐVN nuốt giận đồng thời từ chối “cho phép mối quan hệ của mình với CHND Trung Hoa trở nên xấu đi”.[40] Người Việt Nam “phải chiến đấu chống lại một đế quốc lớn”, Lê Đức Thọ giải thích trước các đồng minh Campuchia. “Vì thế không lợi ích gì nếu chúng ta chọn phe” trong cuộc xung đột Trung – Xô, vốn sẽ là hệ quả nếu Hà Nội rời xa Bắc Kinh vào thời điểm mùa thu năm 1971.[41] Thay vào đó, Hà Nội nỗ lực chia rẽ việc Trung – Mỹ xích lại gần nhau bằng cách tán dương những ưu điểm của khối đoàn kết xã hội chủ nghĩa. Các phái viên Trung Quốc được cử đến Hà Nội nhằm làm dịu lo ngại của Việt Nam đã nhận được những bài thuyết giảng về cam kết của Việt Nam DCCH đối với tinh thần đoàn kết ấy. “Tôi hy vọng rằng Đảng của chúng tôi sẽ làm mọi thứ liên quan để hỗ trợ hiệu quả cho việc khôi phục khối đoàn kết của các đảng anh em trên cơ sở chủ nghĩa Mác – Lê nin và chủ nghĩa quốc tế vô sản”, Phạm Văn Đồng bày tỏ trước các phái viên. “Nhân dân Việt Nam chúng tôi cùng dốc toàn bộ trí lực và tinh thần nhằm củng cố khối đoàn kết quân sự với các nước xã hội chủ nghĩa anh em, phong trào cộng sản quốc tế, các phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á, Phi và Mỹ Latinh cũng như các quốc gia trên toàn thế giới”.[42]
Mặc những lời bên ngoài ấy, các lãnh đạo Bắc Việt Nam vẫn mất tinh thần vì những hành động của Trung Quốc, khiến Hà Nội nghiêng về phía Matxcơva. “Đương nhiên là các lãnh đạo Việt Nam buộc phải tiến tới hợp tác chặt chẽ hơn với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác”, một nhà ngoại giao Bungary ở Hà Nội đưa ra báo cáo vào thời điểm đó.[43] “Nhân dân Việt Nam sẽ luôn sát cánh cùng nhân dân Liên Xô”, Phạm Văn Đồng phát biểu trước vị đại biện của Liên Xô tại Hà Nội vào ngày 24 tháng 11.[44] Tuy nhiên, Bắc Việt Nam vẫn phải duy trì cảnh giác. Matxcơva cũng đã đồng ý tiếp kiến Nixon vào mùa xuân năm 1972, tin tức được tổng thống Hoa Kỳ công khai vào ngày 12 tháng 10.[45]
Mặc dù các lãnh đạo ĐLĐVN đã cố gắng giảm nhẹ ảnh hưởng từ các quyết định đồng thời của Bắc Kinh và Matxcơva nhằm thu hút sự chú ý của chính quyền Nixon, diễn biến này đã giáng một đòn đau vào lòng tin mà các lãnh đạo ấp ủ khi tiến hành đấu tranh ngoại giao. Theo kế hoạch, Bắc Kinh chủ trì các cuộc đối thoại kéo dài với Nixon vào cuối tháng 2 năm 1972. Các lãnh đạo Hà Nội tin tưởng chắc chắn rằng việc Hoa Kỳ và Trung Quốc xích lại gần nhau có liên hệ với tình trạng bớt căng thẳng diễn ra đồng thời trong quan hệ Mỹ – Xô và họ lên án cả hai là những âm mưu nhằm “cô lập cách mạng Việt Nam”, lôi kéo những người khổng lồ xã hội chủ nghĩa nhằm thu hẹp sự trợ giúp từ họ.[46] Một nguồn tư liệu ở Bắc Việt Nam gọi những mánh khóe này là trò giả dối, là “chiến tranh bóp nghẹt”.[47] Nguồn khác lại đánh giá chúng theo cách này: “Ý định của Mỹ là lợi dụng mâu thuẫn giữa Liên Xô và Trung Quốc để tạo ra tình trạng bớt căng thẳng với cả hai nước, hy vọng cả hai sẽ tác động đến Việt Nam trong các cuộc đàm phán [Paris]”. Vì vậy, Washington cố gắng “dùng Liên Xô và Trung Quốc để tạo áp lực buộc chúng ta chấp nhận” những điều khoản hòa bình, không vì lợi ích của Việt Nam mà vì lợi ích của những người khổng lồ xã hội chủ nghĩa.[48]
Giới lãnh đạo ĐLĐVN thừa nhận rằng người Mỹ giờ đây đang tiến hành cuộc đấu tranh ngoại giao của riêng họ hoặc một cuộc tấn công nhằm cô lập Hà Nội trên bình diện quốc tế. “Hoa Kỳ là kẻ thù số một không chỉ đối với nhân dân Việt Nam mà còn đối với toàn thể nhân loại tiến bộ”, một quan chức Việt Nam DCCH bình luận. “Những động thái và nỗ lực của chúng nhằm tìm kiếm giải pháp có lợi trong vấn đề Việt Nam, thông qua các biện pháp và các quốc gia khác, sẽ không giúp ích gì chúng”.[49] Tuy nhiên, Hà Nội không thể kiểm soát những diễn biến này hay giảm nhẹ tác động của chúng lên tinh thần chủ nghĩa quốc tế vô sản vốn từng khuếch trương lòng tin của Hà Nội về khả năng đánh đuổi Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam. Một báo cáo tiếng Việt bày tỏ sự tiếc nuối: “Chúng ta đã không phát hiện kịp thời [các điều khoản của] thỏa hiệp [đạt được] giữa Washington, Bắc Kinh và Matxcơva [cũng như những tác động của chúng] đến cuộc chiến tranh của nhân dân ta”.[50]
Các lãnh đạo ĐLĐVN xem việc Trung-Mỹ xích lại gần nhau – và “sự mềm yếu” đi kèm trong lập trường của Bắc Kinh đối với cuộc chiến – là điều đặc biệt gây hại cho lợi ích của họ, xem những diễn biến ấy là khởi đầu cho sự chấm dứt khối liên minh ý thức hệ mà họ từng có với Bắc Kinh. “Những nguyên tắc của chủ nghĩa quốc tế xã hội chủ nghĩa khó tránh khỏi tình trạng xói mòn khi đội ngũ cộng sản Nga, Trung Quốc và Việt Nam trở nên bận tâm hơn bởi các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc riêng rẽ của họ”, David Marr viết.[51] Sau chuyến thăm của Nixon, Bắc Kinh không còn ủng hộ lời kêu gọi mang tính chiến lược cho một “thắng lợi dứt khoát của chủ nghĩa xã hội” ở Việt Nam.[52]
Đối với các lãnh đạo ĐLĐVN, chuyến thăm của Nixon tới Bắc Kinh khẳng định rằng viện trợ của Trung Quốc không còn – nếu như đã từng – là kết quả từ cam kết của Bắc Kinh đối với chủ nghĩa quốc tế vô sản mà là một biểu hiện cho lợi ích dân tộc theo nhìn nhận của Trung Quốc . Việc xích lại gần với Nixon vì thế báo hiệu “sự phản bội” sắp diễn ra của Trung Quốc.[53] “Nền tảng cho mọi hành động của Trung Quốc chính là chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa sô-vanh nước lớn Trung Quốc”, một quan chức Việt Nam DCCH kết luận.[54] Hoặc, như một nhà ngoại giao Bungary tại Hà Nội diễn tả vào cuối năm 1971 “Các đồng chí Việt Nam nhận thức rõ rằng giới lãnh đạo Trung Quốc còn lâu mới hy sinh ‘lợi ích dân tộc tối thượng’ của họ trong cuộc đấu tranh ở Việt Nam nếu trong thời gian dài Trung Quốc vẫn không chịu chấp nhận một sự hy sinh ít ỏi để có được sự đoàn kết của các quốc gia xã hội chủ nghĩa”.[55] “Trung Quốc muốn chúng tôi đấu tranh lâu dài”, một nghiên cứu bằng tiếng Việt gần đây đưa ra kết luận về những diễn biến của thời kỳ 1971-1972, và “dùng những sự kiện ở Đông Dương để ghìm chân người Mỹ [trong lúc] cố gắng xích lại gần với Mỹ và tập hợp các lực lượng thế giới, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển [và] các phong trào giải phóng dân tộc, nhằm phục vụ cho chiến lược của họ”.[56] Với tính toán ấy, Bắc Kinh đã thao túng Bắc Việt Nam, xem họ như những quân tốt để gia tăng ảnh hưởng của mình lên Đông Nam Á và những nơi khác thuộc Thế giới thứ ba, gây bất lợi cho cách mạng thế giới”.[57]
Đối với Hà Nội, sự sai lệch ý thức hệ của Bắc Kinh còn đáng lo hơn của Matxcơva bởi Bắc Kinh có tiếng nói mạnh mẽ và quan trọng hơn trong việc thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc ở Thế giới thứ ba.[58] Tình trạng hòa dịu của Liên Xô (với Mỹ) cũng không tốt gì, nhưng rốt cuộc cũng không dẫn đến điều gì khác hơn là sự tiếp nối chính sách chung sống hòa bình sẵn có của Matxcơva. Bên cạnh đó, các lãnh đạo Liên Xô đã hứa hẹn hỗ trợ Hà Nội “cho đến thắng lợi cuối cùng” đồng thời tăng cường viện trợ quân sự về mặt số lượng và chất lượng ngay cả khi họ theo đuổi sách lược giảm nhẹ căng thẳng.[59] Nhưng sự từ bỏ thấy rõ của Bắc Kinh đối với cách mạng thế giới tại một thời điểm trọng yếu của cách mạng Việt Nam là điều hoàn toàn không được mong đợi và gây bối rối. “Trong mắt Hà Nội”, Chen Jian viết, “hành xử đáng ngờ của Bắc Kinh đã hình thành một sự tương phản sắc nét so với lý luận cách mạng về chống chủ nghĩa đế quốc và chống chủ nghĩa xét lại mà các lãnh đạo Bắc Kinh đã nhào nặn xuyên suốt những năm Chiến tranh Việt Nam”.[60] Năm 1965, một lãnh sự Anh tại Hà Nội báo cáo: “Bắc Việt Nam an tâm và được tiếp sức khi biết rằng đất nước của họ được hỗ trợ về mặt địa lý và chính trị bởi Trung Quốc, đất nước Cộng sản duy nhất mà kể từ năm 1949 chưa bao giờ ‘đứng ngoài’, ‘từ bỏ’ hay không hỗ trợ toàn diện cho ‘cuộc chiến tranh giải phóng’ đang được tiến hành” ở Đông Dương.[61]
Tới năm 1972, kinh nghiệm đã chỉ dạy lãnh đạo ĐLĐVN rằng họ phải nhẫn nhịn “những người theo chủ nghĩa xét lại” Liên Xô, nhưng sẽ là đòi hỏi quá mức nếu họ cũng phải chấp nhận bản tính tự phụ thấy rõ của “những kẻ theo chủ nghĩa bá quyền” Trung Quốc.[62] Sau này, khi nhìn lại về hệ quả lý thuyết của việc Trung – Mỹ xích lại gần nhau, một quan chức Việt Nam DCCH đã phát biểu đầy mỉa mai với các đồng nghiệp châu Âu rằng trong tư duy của những nhà tư tưởng Trung Quốc, “tư tưởng Mác – Lê nin là khó nắm bắt và vận dụng”, đồng thời “cách mạng vô sản không thể được dẫn dắt bởi ý thức hệ của nông dân và thợ thủ công”.[63]
Quá sửng sốt trước hành xử của Trung Quốc, một số nhân vật Việt Nam DCCH lên tiếng thắc mắc liệu Bắc Kinh có phá hoại các phong trào giải phóng dân tộc và những sự nghiệp tiến bộ mà họ vừa cổ vũ gần đây hay không. Mối quan ngại này còn trở nên đáng báo động hơn bởi sự gia tăng rõ ràng vị thế quốc tế của Trung Quốc. Một trong những điều mà Nixon và các quan chức Trung Quốc thảo luận tại Bắc Kinh là viễn cảnh CHND Trung Hoa sẽ giành lại ghế đại diện cho Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc (LHQ), đi kèm với vị trí thường trực tại Hội đồng Bảo an và quyền phủ quyết đối với mọi quyết định của hội đồng. “Nếu CHND Trung Hoa có mặt ở LHQ”, quan chức Việt Nam DCCH nói về viễn cảnh này, thì “chắc chắn sẽ có thêm một tiếng nói chống lại lập trường của Việt Nam”.[64]
Việc Trung-Mỹ xích lại gần nhau cũng khiến Hà Nội lo âu bởi những nguyên do lịch sử và địa lý.[65] Việt Nam và Trung Quốc là những láng giềng và đồng minh lâu đời, thân tình như “răng với môi”, như câu sáo ngữ thường dùng. “Nếu tồn tại một mối quan hệ đặc biệt trong lịch sử của chủ nghĩa cộng sản châu Á”, Christopher Goscha viết về tình huống này, “thì đó chính là mối quan hệ gắn bó những người Cộng sản Việt Nam với những người anh em Trung Quốc”.[66] Cả Trung Quốc và Việt Nam đều là những quốc gia phi phương Tây, thuộc châu Á và Thế giới thứ ba với tiến trình lịch sử cận đại nối kết bền chặt với nhau. “Nền tảng cho mối quan hệ thân tình về chính trị, kinh tế và xã hội giữa Bắc Kinh và Hà Nội không khó để nhận diện”, một lãnh sự Anh tường trình vào thời điểm mở đầu cuộc chiến tranh. “Đó là sự kết hợp của sự gần gũi về mặt địa lý, tính tương đồng dân tộc, sự ngưỡng mộ, e sợ và hàm ơn… Sẽ không có chiến thắng Điện Biên Phủ nếu thiếu đi những khẩu pháo 105mm do Trung Quốc viện trợ”.[67]
Là quốc gia nhỏ hơn và phụ thuộc vào Trung Quốc hơn, Bắc Việt Nam càng mong mỏi, đặc biệt là lòng trung thành và sự hỗ trợ về chính trị từ người láng giềng Trung Quốc, nhiều hơn là từ các đồng minh xã hội chủ nghĩa khác. “Nếu Bắc Kinh và Hà Nội không quá thân tình như vậy, họ sẽ ít có dịp gặp phải những bất đồng”, Chen bình luận. “Một mối quan hệ quá mật thiết tạo thêm nhiều cơ hội mâu thuẫn”.[68] David Marr cũng phát biểu như thế về việc Bắc Kinh và Washington xích lại gần nhau, rằng “hơn bất kỳ nhân tố nào khác, mâu thuẫn này làm sống lại những nỗi sợ hãi nguyên sơ của người Việt về trò chơi hai mặt của người Hán”.[69] Chính vì sức nặng của những suy xét này, một nhà sử học ngày nay có thể sẵn sàng chấp nhận một bản báo cáo đánh giá của Lê Duẩn về chuyển biến của các sự kiện lúc đó. Đảng Cộng sản Liên Xô, theo nhận định được cho là của Lê Duẩn “là đội ngũ lãnh đạo chủ nghĩa Mác – Lê nin, tận tâm với cách mạng thế giới, trung thành với các nguyên tắc của chủ nghĩa quốc tế vô sản”. Nhưng, ông tiếp tục, “các lãnh đạo Trung Quốc hiện thời không phải là những nhà cách mạng mà thực chất họ hành động như những kẻ phản bội lợi ích của các lực lượng cách mạng trên thế giới”.[70] Tương tự, Phạm Văn Đồng được cho là đã thúc giục đại sứ Cuba “thuật lại cho Fidel biết rằng các lãnh đạo Trung Quốc không phải những nhà cách mạng, không phải những người theo chủ nghĩa Mác – Lê nin và đang tạo ra cũng như sẽ tạo ra nhiều khó khăn cho cuộc cách mạng ở Đông Dương”.[71]
….
0 nhận xét:
Đăng nhận xét