Mặc dù tổng thu ngân sách có tăng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó thu nội địa đạt trên 404 ngàn tỉ đồng, nhưng thu từ dầu thô ước chỉ đạt trên 42 ngàn tỉ đồng, giảm gần 34% so với cùng kỳ 2014. Một trong những nguyên nhân dẫn đến bội chi là do dự toán thu chi ngân sách năm 2015 đã được xây dựng dựa trên dự báo giá dầu thô là 100 USD/thùng trong khi hiện tại giá dầu thô chỉ ở mức 50 – 60 USD/thùng và vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc trở lại. Theo các chuyên gia, nguồn thu từ dầu thô trước đây chiếm 10% thì nay có thể chỉ còn chiếm 5% số thu ngân sách.
Tuy nhiên, ngoài nguyên nhân giá dầu sụt giảm, nguồn thu của Việt Nam không ổn định, theo Ngân hàng Thế giới, còn do việc thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan theo các Hiệp định thương mại đã ký kết, trong khi Việt Nam lại nới lỏng chính sách tài khóa nên dẫn tới thâm hụt ngân sách lớn. Theo VinaCapital, nếu như năm 2009, thu ngân sách của Việt Nam bằng 26,3% GDP thì đến năm 2014 chỉ còn bằng 20,1% GDP. Vấn đề bội chi ngân sách năm 2012 là 5,2% GDP, qua năm 2013 tăng lên 6,6% GDP, đến năm 2014 khống chế còn 5,3% và năm nay dự kiến ở mức 5% GDP.
Chính trong điều kiện khó khăn, thâm hụt như vậy mà Bộ Tài chính đã phải đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho ngân sách vay hoặc tạm ứng 30.000 tỉ đồng. Về mặt kỹ thuật và tính hợp pháp, luật pháp cho phép trong điều kiện có sự lệch pha tạm thời giữa dòng tiền thu và chi ngân sách, Bộ Tài chính có thể đi vay Ngân hàng Nhà nước để bù đắp khoản thiếu hụt trước mắt với điều kiện phải hoàn trả ngay trong năm tài khóa chẳng hạn, nhưng xét về tính bền vững của ngân sách thì không thể xem nhẹ điều này.
Điều đáng nói là về cơ cấu chi, chi thường xuyên vẫn chiếm tỉ trọng lớn với 69% và chi trả nợ, viện trợ chiếm gần 15% tổng chi ngân sách. Đồng thời, chi trả lãi nợ cũng đang chiếm gần toàn bộ phần tăng trưởng của thu ngân sách. Một chuyên gia kinh tế cho hay chi trả lãi chiếm gần 7% thu ngân sách. Tiến sỹ Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, trả lời phỏng vấn của TBKTSG, cho rằng: “(Ngân sách phải đi vay) Do thâm hụt, mà nguyên nhân chính là chi quá nhiều. Tới gần 70% ngân sách là chi thường xuyên thì quá lớn, chưa kể trả lãi vay cũng gần 10%. Chi cho đầu tư phát triển còn lại rất ít (…). Quan trọng nhất là phải giảm bộ máy. Bộ máy Nhà nước quá cồng kềnh, trùng lắp. Ngoài ra, có những hoạt động như vui chơi, giải trí, lễ hội, thể thao thì ngân sách không nên chi. Hiện nay có tình trạng các tỉnh thi nhau xây dựng các công trình như tượng đài, bảo tàng. Những công trình này làm ngân sách thêm khó khăn (…). Lẽ ra phải cơ cấu lại chi, thì tôi thấy động thái tăng thêm các loại phí, tạo khó khăn cho người dân và doanh nghiệp”.
Theo Vietnamnet (6/6/2015), báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính gửi Quốc hội về tình hình sử dụng vốn vay của Chính phủ cho thấy, năm 2014, Chính phủ đã đứng ra bảo lãnh 2,44 tỉ USD nợ nước ngoài, tăng 22%, đẩy số nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh lên 234.939 tỉ đồng, bằng 52% tổng nợ bảo lãnh của Chính phủ và chiếm 10% tổng số nợ công.
Tám dự án được nhận ưu đãi bảo lãnh tiền vay thì có 6 dự án trọng điểm về điện như: nhiệt điện Thái Bình 2 do Tập đoàn Dầu khí (PVN) làm chủ đầu tư được bảo lãnh tới 937 triệu USD, là khoản vay nặng ký nhất, dự án Thuỷ điện Lai Châu của Tập đoàn Điện lực (EVN) được bảo lãnh 300 triệu USD… Hai dự án còn lại là dự án alumin Nhân Cơ của Tập đoàn Than – Khoáng sản (TKV) và dự án mua 2 chiếc máy bay A321 của Vietnam Airlines. Bộ Tài chính khẳng định, các lĩnh vực này đều thuộc danh mục ưu tiên xem xét cấp bảo lãnh của Chính phủ để thực hiện các công trình trọng điểm, cấp bách, công trình hạ tầng cần vốn lớn, và đó là một hoạt động bình thường. Tuy vậy, khi xảy ra rủi ro, Bộ Tài chính lại phải ứng từ Quỹ tích lũy trả nợ ra để trả thay.
Bằng chứng là trong kết quả kiểm toán ngân sách năm 2013, chuyên đề nợ công được công bố mới đây, Kiểm toán Nhà nước đã cảnh báo, Quỹ tích lũy trả nợ phải ứng trả nợ thay lớn và có nguy cơ biến thành nghĩa vụ trực tiếp của ngân sách nhà nước. Thông tin từ cơ quan Kiểm toán cho biết, riêng năm 2013, Quỹ này đã phải ứng trả nợ thay cho 6 dự án số tiền là 992 tỉ đồng tương đương 47 triệu USD. Đến 31/12/2013, số còn phải thu về Quỹ tích lũy trả nợ đối với số tiền ứng trả nợ thay cho các dự án là 3.956 tỉ đồng (tương đương 188 triệu USD), bằng 2,1% tổng dư nợ được Chính phủ bảo lãnh. Năm 2014, Bộ Tài chính rút thêm 1.728 tỉ đồng từ Quỹ tích lũy trả nợ để ứng trả nợ thay, nâng tổng số dư vay Quỹ này lên tới 23.442 tỉ đồng, bằng 5,3% tổng nợ được Chính phủ bảo lãnh. Con số này tương đương hơn 1 tỉ USD.
Đối tượng được trả nợ thay hầu hết là DNNN triển khai dự án thua lỗ, như Tổng Công ty Cơ khí xây dựng, Tổng Công ty Giấy Việt Nam, Tổng Công ty xây dựng Công nghiệp Việt Nam, Tập đoàn Sông Đà, Tổng công ty xi măng Việt Nam… Kết quả kiểm toán ngân sách chuyên đề nợ công của Kiểm toán Nhà nước vừa công bố nêu rõ, nhiều dự án nhận bảo lãnh nợ nước ngoài khi xây dựng, thẩm định và phê duyệt dự án đã không sát thực tế, đầu tư không đồng bộ, dự án triển khai chậm, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư nhiều lần. Nhiều vi phạm đã được phát hiện, như không thực hiện đúng cơ chế quản lý cấp bảo lãnh các dự án khoản nợ nước ngoài. Cụ thể như việc góp đủ vốn đối ứng 20% tổng vốn đầu tư chỉ được chủ đầu tư cam kết trên giấy và khi thực hiện, bị hầu hết các chủ dự án làm lơ. Năm 2013, kiểm toán phát hiện cả 38 dự án được Chính phủ bảo lãnh vay nước ngoài đều chưa đăng ký tài sản thế chấp đảm bảo dù đã hoàn thành rút vốn và nghiệm thu quá 6 tháng. Đó là chưa kể, cơ quan kiểm toán còn phát hiện 36 dự án chậm nộp phí bảo lãnh và 10 dự án đã bị phạt chậm trả 129 triệu đồng, 13 dự án đã không thanh toán phí bảo lãnh năm 2013 đúng quy định với số tiền nợ phí là 103,68 tỉ đồng. Sáu dự án đến năm 2014 cũng vẫn chưa thanh toán phí bảo lãnh (gồm 0,74 triệu USD; 0,63 triệu EUR; 22,89 triệu JPY).
Vài tuần trước, Ngân hàng Thế giới đã công bố số nợ công của Việt Nam (không tính nợ của DNNN) là gần 120 tỉ USD. Nếu nhìn tổng thể bức tranh thu chi ngân sách và nợ công (nếu tính cả nợ DNNN mà Chính phủ bảo lãnh) thì tình hình rõ ràng không mấy sáng sủa và tiềm ẩn không ít rủi ro. Ngoài rủi ro do cơ cấu chi không hợp lý, đầu tư thiếu hiệu quả thì rủi ro lớn nhất chính là những khoản nợ được Chính phủ bảo lãnh của các DNNN làm ăn thua lỗ mà ngân sách nhà nước cuối cùng cũng phải gánh, và những khoản chi cho các công trình, dự án hoành tráng nhằm thỏa mãn bệnh hình thức trong khi hiệu quả mang lại không bao nhiêu như các công trình bảo tàng, nhà hát, tượng đài… Trong điều kiện đó, những hoài nghi, bức xúc của dư luận trước thông tin về những dự án ngàn tỉ, nhiều ngàn tỉ từ ngân sách là không có gì khó hiểu.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét