Đây là lần đầu tiên một thiên thạch được xác định và theo dõi trước khi va chạm với Trái Đất, và các “thợ săn thiên thạch” đã đổ xô tới nơi.
Nhiều mảnh vỡ của thiên thạch được đặt tên là Almahata Sitta này đã được thu thập.
Người ta nhanh chóng phát hiện ra là có kim cương nằm trong các mảnh đá của thiên thạch này.
Thực ra chuyện này cũng không gây ngạc nhiên lắm, vì một vài loại thiên thạch cũng thường chứa kim cương. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới nói rằng những hạt kim cương này lớn hơn nhiều so với bất kỳ hạt kim cương nào từng được tìm thấy trong các thiên thạch trước đó.
Theo các nhà khoa học, điều này chứng tỏ những hạt kim cương đó đã được tạo ra một cách bất thường. Kim cương lớn thường hình thành bên trong những khối đá cực lớn, phải cỡ như một hành tinh.
Nếu lập luận của họ là chính xác, thì những viên kim cương này phải đến từ một hành tinh tồn tại từ khi hệ mặt trời được hình thành, và sau đó bị tan vỡ.
Các kết quả nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí Geochimica et Cosmochimica Acta.
Masaaki Miyahara từ Đại học Hiroshima ở Nhật Bản và các đồng nghiệp đã kiểm tra các mẫu thiên thạch. Phần lớn là những hạt kim cương nhỏ xíu, cỡ khoảng 40 micromet (tức 0,004mm), tuy vậy, cũng có một viên có kích thước tới gần 100 micromet (tức 0,01mm).
Tuy nhiên, một số hạt trông giống như bị vỡ, và các hạt đó đều vỡ theo cùng chiều như nhau.
Điều này cho thấy các hạt kim cương nhỏ là mảnh vỡ từ một viên kim cương lớn hơn.
Người ta cho rằng kim cương trong thiên thạch được hình thành khi các tiểu hành tinh va chạm với nhau. Cú va chạm đủ mạnh để nén carbon thành những hạt kim cương nhỏ xíu.
Nhưng những viên kim cương này có vẻ quá lớn, cho nên giải thích theo cách đó thì có vẻ không phù hợp.
Thay vào đó, các tác giả cho rằng có thể có hai cách để hình thành những viên kim cương này.
Có thể là những viên kim cương được hình thành từ quá trình tích tụ từ từ các nguyên tử carbon đơn nhất trong lớp khí mỏng ở ngoài vũ trụ. Nhưng cách giải thích này không hợp lý lắm.
Khả năng lớn hơn là kim cương được hình thành bên trong một "planetesimal” - vi thể hành tinh, tức là một khối đá không đủ lớn để được coi là một hành tinh, nhưng lại lớn hơn các tiểu hành tinh nhiều.
Vi thể hành tinh này hẳn là đã tồn tại vào giai đoạn đầu tiên của quá trình hình thành hệ mặt trời, trước khi các hành tinh được tạo ra và chuyển động theo quỹ đạo của chúng.
Nếu đó là sự thật, vi thể hành tinh này đã tan rã thành từng mảnh từ rất lâu rồi, và thiên thạch Almahata Sitta chỉ là một phần của nó.
Chúng ta chẳng thể chắc chắn điều này có thật sự xảy ra hay không, và đó chỉ là một phép ngoại suy lớn từ vài hạt kim cương trong một mảnh thiên thạch.
Nhưng có điều chắc chắn rằng, hệ mặt trời ban đầu chỉ là một khoảng không gian hỗn loạn với vô vàn khối đá, băng chuyển động lung tung, va đập vào nhau.
Bản gốc tiếng Anh bài này đã đăng trên BBC Earth.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét