Với tình hình bất ổn của nền kinh tế Trung Quốc, bao gồm thị trường chứng khoán, tiền tệ, bất động sản, và khả năng nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong năm nay, nhà đầu tư nước ngoài đang tăng cường rút vốn khỏi các thị trường mới nổi.
Theo hãng tin Financial Times, tổng số vốn rút ròng của 19 thị trường mới nổi lớn nhất trong 13 tháng qua tính đến tháng 7/2015 đã đạt 940,2 tỷ USD. Động thái này cho thấy sự thay đổi trong xu thế của nhà đầu tư nước ngoài khi trước đó, dòng vốn đổ vào 19 thị trường trên trong khoảng tháng 7/2009-6/2014 đạt 2 nghìn tỷ USD.
Ngay sau khi ban hành quy chế điều hành tỷ giá mới ngày 11/8/2015, đồng Nhân dân tệ đã giảm khoảng 4% trong tuần trước. Để bảo vệ tỷ giá, ngân hàng trung ương nước này (PBOC) đã yêu cầu các ngân hàng thương mại tích cực bán ra ngoại tệ. Tỷ giá tham chiếu cũng đã được PBOC nâng nhẹ trong vài phiên gần đây.
Tuy nhiên, hậu quả là là dự trữ ngoại hối của nước này đang giảm mạnh. Theo khảo sát của hãng tin Bloomberg, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc có thể suy giảm 40 tỷ USD/tháng nếu nước này tiếp tục bảo vệ tỷ giá đồng tiền. Kho dự trữ ngoại hối của nước này trong 7 tháng qua đã giảm 192 tỷ USD.
Mặc dù việc hạ giá Nhân dân tệ đem lại lợi thế cạnh tranh cho xuất khẩu và được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hoan nghênh, nhưng nợ bằng ngoại tệ của Trung Quốc đang tăng lên chóng mặt. Hãng Nomura ước tính tổng vay nợ bằng ngoại tệ của Trung Quốc có thể đạt khoảng 1,13 nghìn tỷ USD. Cổ phiếu của các hàng nhập khẩu và hàng không đã chịu tác động mạnh do Nhân dân tệ giảm giá, góp phần lớn vào đà đi xuống của Shanghai Index phiên 18/8.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét