(Mathieu 5:39-40)
Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2015
NIỀM TIN VÀ HY VỌNG
16:13
Hoàng Phong Nhã
No comments
Mật Nghiêm Đặng Nguyên Phả
NHÌN VÀO THỰC TRẠNG KITÔ GIÁO
Thế giới đang chuyển mình để bước vào thế kỷ 21. Giáo hội Thiên Chúa La Mã
cũng đang chuyển mình để Bước qua ngưỡng cửa hy vọng.
Sự
chuyển mình của Giáo Hội La Mã đã khởi sự từ đầu thập niên 60 dưới triều đại
Giáo Hoàng John 23 bằng Đại hội Công Đồng Vatican 2 vào ngày 11 tháng 10 năm
1962. Giáo Hoàng này là một người có tinh thần canh tân và là người nhìn xa
trông rộng. Ngài được bầu lên thay Giáo Hoàng Pius 12 vào ngày 28 tháng 10
năm 1958 khi đó đã 76 tuổi. Đúng ba tháng sau ngày nhậm chức, vào ngày
25-1-1959
Ngài công bố ba quyết định lớn:
1-
Mở một hội nghị của giáo khu La Mã thuộc Tòa thánh.
2-
Mở một cuộc hội nghị Công Giáo toàn thế giới (Công Đồng
Vatican
2).
3-
Tổng xét lại các nghi thức phụng vụ.
Những quyết định này mở đầu cho một loạt cải tổ của Giáo hội La Mã mà đối
với tất cả những nước theo hệ thống giáo quyền này thì đó là bắt đầu sự
chuyển mình. Sau Công Đồng Vatican 2, một luồng gió mới đã thổi vào hệ thống
Thiên Chúa Giáo La Mã, các y phục và nghi thức rườm rà đã được bỏ bớt, hoặc
thay đổi. Các giáo dân Á châu đã được đốt nhang và cúng vái tổ tiên. Nhiều
sự canh tân trong nội bộ giáo hội đã được thi hành.
Giáo Hoàng John 23 còn có ý hướng muốn hợp nhất hay là thống nhất tất cả các
giáo hội theo Thiên Chúa giáo trên toàn thế giới, nhưng trong đời Ngài vẫn
chưa thực hiện được, mặc dầu Ngài đã phá lệ lần đầu tiên tiếp vị Tổng Giám
Mục Geoffrey Fisher cai quản giáo tòa Canterbury, đứng đầu Anh Quốc Giáo vào
ngày 20-12-1960, ngoài ra còn cử đại diện đặc biệt sang Thổ Nhĩ Kỳ và Liên
Xô để nói chuyện với hai vị Thượng phụ đứng đầu Chính Thống giáo của 2 nước
này. Chủ trương “mở vòng tay lớn tìm lại anh em” của Giáo Hoàng John 23 đã
được người kế nhiệm thực hiện, nhưng cũng chỉ là nối lại giao hảo sau 913
năm đoạn giao giữa giáo hội La Mã và Chính Thống giáo, bằng sự thăm viếng
của Giáo Hoàng Paul VI với vị Thượng Phụ Trưởng giáo Chính Thống Giáo thế
giới Athenagoras I tại Istambul Thổ Nhĩ Kỳ ngày 25-7-1967.
Sở
dĩ các vị Giáo Hoàng chú ý đến Chính Thống giáo và Anh Quốc giáo là vì ảnh
hưởng chính trị cùng vị trí quốc tế của họ rất quan trọng nếu đem so với
Giáo hội Tin Lành, dù rằng Tin Lành có số tín đồ đông hơn. Hiện giờ trên thế
giới, những tín đồ theo Thiên Chúa giáo gồm tổng quát có 4 giáo hội như vừa
kể trên, mà có thế lực và ảnh hưởng lớn nhất là Giáo Hội La Mã, vì vậy nên
Giáo Hoàng của tòa thánh La Mã được cả thế giới kính ngưỡng.
Tôi viết hơi dài dòng về các vị “Chủ chăn La Mã” là để chứng minh 3 vị Giáo
Hoàng gần đây đang chủ trương:
-
Cải tiến giáo hội,
-
Đoàn kết nội bộ và
-
Bành trướng thế lực Thiên Chúa giáo La Mã mà Giáo Hoàng đương nhiệm đang thi
hành một cách mạnh mẽ.
Bây giờ chúng
ta nhận xét về ba điểm trên đây vì nó có liên quan mật thiết và là động cơ
thúc đẩy cho cuốn Bước Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng ra đời.
1.
Trước hết, tại sao Giáo hội La Mã lại phải cải tiến ?
-
Là vì những tín lý và nghi thức quá cổ không còn hợp thời.
-
Là vì trình độ tri thức của con người thời đại đã cao nên đòi hỏi những đáp
ứng có tính cách thực tiễn và khoa học hơn là giáo điều.
-
Là vì Thiên Chúa giáo từ nửa thế kỷ trở lại đây đang phải đối đầu với sự
khủng hoảng niềm tin lớn lao, ngay trong hàng ngũ tín đồ nhất là ở Âu Châu.
-
Là vì những tín đồ bỏ Giáo hội sang theo Tin Lành hay bỏ luôn đạo Thiên Chúa
đi theo đạo khác ngày một nhiều.
-
Là vì các nhà tri thức và khoa học gia đã bỏ Giáo hội La Mã, lại còn thẳng
thắn phê bình những sai lầm của Kinh Thánh là không xác chứng, còn mang nặng
tính chất huyền hoặc.
-
Là vì một số các luật cấm ấn định trong sách giáo lý từ Công đồng Trent năm
1530 nay không còn phù hợp. Tháng 11/1992 Đức Cha Jean Honoré Giám mục địa
phận Tours (Pháp quốc) là trưởng uỷ ban tu chính giáo lý, đã cho ra đời cuốn
giáo lý mới 676 trang của Giáo Hội La Mã, sau 6 năm biên soạn, qua sự tham
khảo với 3.000 vị giám mục và 24.000 ý kiến cải tiến.
2.- Vì sao
Giáo Hội La Mã lại cần đoàn kết tất cả các tín đồ Thiên Chúa Giáo theo các
hệ phái ngoài La Mã?
-
Vì ảnh hưởng của Giáo hội La Mã ngày một yếu kém.
-
Vì muốn tạo một thế lực để chống lại sức bành trướng của Hồi giáo và Phật
giáo.
-
Vì muốn sửa sai quan niệm độc tôn của La Mã đã kéo dài gần 10 thế kỷ.
Thật ra thì sự
phân hóa của đạo Thiên Chúa giữa hai giáo hội La Mã và Chính Thống đã manh
nha từ sau Công đồng Chalcedon năm 451, giáo hội La Mã đã bác bỏ giáo điều
28 chứng tỏ quyền hành lấn át Constantinople, nhưng mãi đến 24-7-1054 hai
bên mới đoạn giao thực sự. Nguyên nhân của việc đoạn giao là vì sự bành
trướng quyền lực của Giáo hội La Mã, với địa vị độc tôn của các Giáo Hoàng,
ngoài ra còn những nguyên nhân sâu xa chồng chất, qua những quyết định tự
quyền thay đổi các tín lý để phục vụ cho quyền lực của La Mã.
Giáo Hội Chính Thống có giáo tòa tại Constantinople, thuộc Thổ Nhĩ Kỳ kết
tội giáo hội La Mã đã phạm vào giới răn của Chúa trao cho Ô. Maisen ở trên
núi Sinai và đã gây ra 3 trọng tội:
-
Một là dám sửa Thánh kinh Tân Ước (Thánh Kinh mà hiện nay đang dùng trong
các nhà thờ trong các giáo hội La Mã) để trọn quyền chi phối tín đồ.
-
Hai là dám sửa ngày sinh nhật của Chúa thành 25 tháng 12 thay vì từ trước là
mồng 6 tháng giêng.
-
Ba là dám đổi ngày lễ trọng Sabbath từ thứ bảy sang ngày Chủ nhật, trái với
truyền thống cũ.
Sự
tranh chấp giữa hai giáo hội này thật dài dòng và phức tạp, nhưng những lỗi
nặng mà Giáo hội La Mã đã làm, do Giáo hội Chính Thống kể ra trên đây đều có
chứng cứ từ Công đồng Nicaea I, khiến La Mã không thể chối cải được. Ngày
nay cả thế giới và các tín đồ Thiên Chúa đã đón mừng ngày lễ Giáng sinh
25-12 nhưng chắc phần lớn không biết rằng ngày này đã được đặt ra vào thế kỷ
thứ 4 qua sự thoả thuận của Vua Constantine nước Ý và sự nhượng bộ của Giáo
Hoàng Sylvester I cùng hai giáo phái thờ “Thần mặt trời” thời đó, vì ngày
25-12 nay là sinh nhật của Thần mặt trời, cũng coi như ngày Chúa sinh trong
tinh thần hòa đồng tôn giáo. Cho đến hiện nay các tín đồ Chính Thống giáo
vẫn kỷ niệm ngày Sinh Nhật Chúa là ngày 6 tháng 1 mỗi năm.
Còn Tin Lành thì tách khỏi La Mã từ đầu thế kỷ thứ 16 (1529) do các người
chủ trương là những giáo sĩ Thiên Chúa giáo Martin Luther (1483-1546) người
Đức và John Calvin (1509-1564) người Pháp khởi đầu phong trào, sau này thành
giáo hội Tin Lành. Anh Quốc giáo cũng tách khỏi La Mã vào cuối thế kỷ 16
(1563) phối hợp Tin Lành với Thiên Chúa và truyền thống Anh Quốc.
3- Tại sao
Giáo hội La Mã cần bành trướng thế lực?
Không một ai
có thể phủ nhận được thế lực chính trị và ảnh hưởng tôn giáo của Giáo hội La
Mã trong 16 thế kỷ vừa qua đã khuynh đảo thế giới. Hiện nay ảnh hưởng này
cũng đang tồn tại và còn có thể khuynh đảo một số đường lối chính trị trên
thế giới. Ngoài ra còn có thể can thiệp làm đổi thay một vài thể chế chính
trị tại một vài vùng trên thế giới. Cộng sản khi còn là một đế quốc rộng lớn
ở Âu – Á cũng rất sợ thế lực của Thiên Chúa giáo La Mã. Ngày nay mấy nước
cộng sản còn lại trên danh nghĩa như Trung Hoa và Việt Nam… cũng vẫn ngại
ngùng Thiên Chúa giáo La Mã. Người ta còn thì thầm về sự sụp đổ của khối
Cộng sản Đông Âu là có bàn tay của Giáo Hội La Mã hay nói khác đi là của
Giáo Hoàng đương nhiệm John Paul II.
Trên thực tế,
nếu nhìn bề ngoài thì Giáo hội La Mã rất là vững vàng và thế lực rất lớn lao,
nhưng nếu tìm hiểu và nghiên cứu một cách sâu xa, thì mới thấy được Giáo Hội
này đang phải đương đầu với một sự khủng hoảng niềm tin lớn lao và có nguy
cơ đi đến băng hoại tinh thần, ảnh hưởng đến sự mất còn của Giáo hội, vào
những thế kỷ sắp tới. Điều này đã được chứng minh cụ thể qua sự giảm sút tín
đồ theo Thiên Chúa giáo La Mã ở Âu Châu với 40% bỏ đạo và hầu như 80 đến 90%
giới trẻ không bao giờ bước chân vào ngưỡng cửa của giáo đường, hay nói khác
đi là họ không đi nhà thờ xem lễ. Ngay tại giáo phận San Francisco trong năm
1993 cũng đã được phép Tòa Thánh đóng cửa một số nhà thờ vì không có tín đồ.
Đây là một sự thật mà các tín hữu Thiên Chúa giáo đều biết và can đảm nhìn
nhận. Vấn đề là tìm hiểu nguyên nhân mà sự kiện này đã xảy ra, để mà tìm
thuốc chữa chứ không phải chối bỏ và che dấu sự thật.
THẮC MẮC ĐẶT
THÀNH CÂU HỎI.
Cũng trong
tinh thần khủng hoảng niềm tin này mà cuốn sách Bước Qua Ngưỡng Cửa Hy
Vọng ra đời. Tất cả những câu hỏi trong đó đều mang những ưu tư thật sự
của giới trẻ thời đại và bao trùm lên tất cả 35 câu hỏi đều nói ra “sự khủng
hoảng niềm tin”. Giới trẻ ngày nay ở Âu Châu vốn là thành trì của Giáo hội
La Mã, đã không còn tin ở Giáo Hội, không còn tin ở Giáo Hoàng và hàng giáo
phẩm, không còn tin ở Thiên Chúa, ở Chúa Giêsu Kitô và ở Thánh Kinh nữa.
Mặc dầu Giáo
Hoàng đã trả lời những câu hỏi của nhà báo Ý Vittorio Messori rất khéo, bằng
cách đem Phúc Âm của các Thánh, hoặc dùng triết học và Thần học để giải đáp,
nhưng cũng có vài chỗ Ngài dùng tuyệt chiêu lái hẳn câu hỏi đồng thời dẫn dụ
người đọc qua Phúc âm, thay vì đáp thẳng vấn đề. Tất cả những câu trả lời
của Đức Giáo Hoàng đều được giải đáp qua đức tin, qua tín lý, qua Phúc âm là
cái mà hiện thực đang bị lung lay vào lúc này, vào thời đại này!
Hai tác nhân
quan trọng đã làm lung lay Đức tin của các tín hữu Kitô trong suốt thế kỷ
vừa qua là:
1- Khoa học
thực nghiệm, khoa học tự nhiên, khoa nhân chủng học và thiên văn học đã
chứng minh những lời nói trong Thánh Kinh là không đúng sự thật.
2- Ảnh hưởng
của các triết thuyết đã bác bỏ rất nhiều những điều từ trước đến giờ vẫn
được coi như chân lý trong Kinh Thánh. Chính chủ thuyết Cộng sản “Marxism”
trong thời gian bành trướng và tồn tại mấy chục năm đã đánh một đòn mạnh
thẳng vào thành trì Thiên chúa giáo.
Nếu Giáo Hoàng
trả lời những câu hỏi bằng sự mặc khải của Ngài, qua sự hiệp thông với Thiên
Chúa, thì không còn gì để nói cả, vì lời Ngài nói ra chính là lời của Đấng
Tạo dựng. Nhưng, nếu Ngài trả lời bằng tri thức con người, bằng tín lý, được
đặt ra qua tư duy, thì Ngài vẫn không giải quyết được vấn đề khủng hoảng
niềm tin của thế hệ ngày nay.
Hai điều kẹt
lớn khiến cho Giáo Hoàng khi trả lời những vấn đề được đặt ra là, Giáo Hội
đã khẳng định:
-
Những điều nói trong Thánh Kinh đều là đúng và
-
Giáo Hoàng không bao giờ sai lầm.
Nếu đặt 2 điều trên thành các “điều tiên quyết” thì đã không có 35 câu hỏi
và cuốn Bước qua ngưỡng cửa hy vọng. Vì thời đại ngày nay không còn
là thời Trung Cổ của Châu Âu, buộc người ta chỉ được phép tin những gì do
Kinh Thánh nói, không được nghi ngờ, không được nghĩ khác và cũng không được
phép hỏi, dù là hỏi để mà củng cố thêm niềm tin.
* * *
Bây giờ tôi xin đi vào cuốn sách. Thật ra thì qua 35 câu hỏi, câu nào cũng
đáng cho người đọc, được phép góp ý, trình bày quan điểm khách quan và xây
dựng của mình, nhưng phạm vi bài này chỉ đề cập riêng phần nhận định về Phật
giáo của Giáo Hoàng mà thôi, do đó tôi xin chỉ bàn quanh một vấn đề này.
PHẬT GIÁO ĐƯỢC ĐỀ CẬP.
Trong toàn bộ cuốn sách có tất cả ba đoạn Giáo Hoàng đề cập đến Phật giáo.
-
Một là trong câu trả lời thứ 7 về “Chúa Giêsu có phải là con Thiên Chúa
không?” Trang 66 bản dịch tiếng Việt (trang 43 bản dịch tiếng Anh) Ngài so
sánh Chúa Giêsu với Phật khi viết rằng:
“Ngài
cũng chẳng giống Phật, với sự chối bỏ tất cả những gì tạo dựng. Phật Thích
Ca đúng khi không nhìn thấy khả năng cứu rỗi con người qua việc tạo dựng,
nhưng lầm khi, vì lý do này, Đức Phật chối bỏ cả việc tạo dựng có bất cứ giá
trị nào cho nhân loại”.
-
Hai là trong câu trả lời “Vì sao có quá nhiều tôn giáo” Trang 100 trong bản
dịch tiếng Việt (trang 80 trong bản dịch tiếng Anh), Ngài đã dẫn Điều 2
trong thông điệp NOSTRA AETATE:
“Phật
giáo theo nhiều tông phái khác nhau, lại nhìn nhận sự thiếu sót căn bản của
cuộc đời thay đổi này và vạch ra con đường cho những người thành tâm tin cậy,
hoặc đạt đến chỗ giải thoát trọn vẹn hay giác ngộ hoàn toàn, bằng những cố
gắng của riêng mình hoặc bằng sự trợ lực của ơn trên”.
-
Ba là câu trả lời thứ 14 nói về Đức Phật, từ trang 104 đến 109 bảng dịch
tiếng Việt và trang 84 đến 90 trong bản dịch tiếng Anh. Thật ra thì bản dịch
tiếng Việt so với bản dịch tiếng Anh có vài chỗ không sát, vì người dịch
tiếng Việt đã đem kiến thức của mình để giải thích rõ hơn ý tác giả nhưng
làm thế thì không trung thực với nguyên văn. Thí dụ như trang 105 dòng 10
chữ “bad” trong bản tiếng Anh được dịch là “Tham – sân – si”, và cũng trang
này dòng 23 Giáo Hoàng viết: “Phật giáo theo sự cân nhắc rộng rải thì là một
“hệ thống vô thần”. Bản dịch tiếng Anh là “Atheistic system” trong khi tiếng
Việt người dịch đã nói rộng ra là: “hệ thống không đề cập đến Thượng đế hay
Trời Đất (vô thần)”, là ý người dịch muốn giải nghĩa chữ “vô thần” theo nhận
định của người Thiên Chúa giáo. Như vậy cũng tốt nhưng không nên thêm vào ý
tác giả.
Trong cả phần nói về Phật giáo, chỉ có đoạn quan trọng nhất nằm ở trang 105
bản dịch tiếng Việt. Tôi không chép lại đây vì tương đối hơi dài, mà tôi chỉ
chép lại từng đoạn mỗi khi trình bày ý kiến của mình.
Bây giờ tôi xin trở lại vấn đề.
VÀI LỜI MINH XÁC CỦA NGƯỜI VIẾT
Trước khi trình bày ý kiến, tôi xin minh xác một vài điểm:
Một là: Những lời tôi viết ra đây đều hết sức khách quan, nhằm tinh thần
xây dựng, chứ không có tính cách đả phá. Hơn nữa, tôi luôn luôn áp dụng lời
nói của Chúa Giêsu trong “Bài giảng trên núi” là: “Anh em chớ đoán xét để
khỏi bị đoán xét và… Anh em đong đấu nào thì sẽ được đong lại bằng đấu đó”
(Matthew 7:1-2).
Hai là: Giáo lý của Phật rộng như biển, những điều Chúa Giêsu dạy trong
Phúc Âm thì nhiều như rừng, với kiến thức nhỏ bé của tôi đâu dám lạm bàn,
hơn nữa sự hiểu biết của tôi rất là giới hạn, nên những ý kiến trình bày chỉ
là ý kiến cá nhân, không thể nào tránh khỏi sơ sót, chỉ mong lấy sự chân
thật để đền bù lại những điều chưa được trọn vẹn.
Ba là: Tôi không muốn bị chụp mũ là “Một Phật tử cuồng tín” hoặc “Một kẻ
chống đối KiTô giáo” hay “Một tên Cộng sản phá hoại” vì cả ba mũ đó tôi đội
không vừa. Đức Phật dạy rằng: “Nếu ai đem cho con cái gì mà con không nhận
thì nó vẫn là của người ấy!” Tôi chỉ muốn những vị độc giả đọc bài viết này
xin hãy tiếp thu với một tinh thần rộng rãi, tha thứ và can đảm nhìn nhận sự
thật, nhưng sự thật tôi viết ra nếu có bị nghĩ là những sự thật xúc phạm đến
người đọc dù là Phật giáo hay Thiên Chúa giáo, thì sự thật vẫn ngàn đời vẫn
là sự thật.
Bốn là: Tôi sẽ cố gắng đứng ở một vị trí khách quan mà nhìn nhận và góp
ý. Khi phân tích thì tôi bàn riêng từng phần nói về Phật giáo, nhưng khi
nhận định thì tôi trả nó về với vị trí của nó trong toàn bộ cuốn sách, như
thế cái mạch lạc không bị mất đi và những sai lầm hay chủ quan của sự phê
phán trong cuốn sách đối với Phật giáo có thể khoan nhượng được.
Năm là: Tôi luôn luôn chủ trương hòa nhã và đoàn kết giữa các tôn giáo,
để xây dựng đất nước và con người, chống lại những tinh thần cực đoan, độc
tôn cho rằng Đạo mình là “chính” còn Đạo khác là “tà”. Tôi quan niệm Đạo nào
cũng khuyên người ta làm lành lánh dữ, là ngọn đuốc soi đường, là ngón tay
chỉ hướng cho chúng ta đi đến đích chân lý, đem lại sự an vui tâm hồn cho
con người. Phật hay Chúa đều là các vị giáo chủ, đã mang chân lý đến cho mọi
người, nên đều đáng tôn trọng, không nên phân biệt Phật cao hơn hay Chúa lớn
hơn. Ai hơn ai là do đức tin của mỗi người, cứ việc tự do đặt để, nhưng điều
quan trọng là không nên bắt người khác cũng phải đồng ý theo quan niệm của
mình.
ĐI
VÀO GÓP Ý TỪNG PHẦN
Trước khi phân tách những lời nhận xét về Phật giáo của Giáo Hoàng, tôi xin
xác định vị trí và tinh thần cuốn Bước Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng theo
nhận xét chủ quan của tôi:
1-
Cuốn này được viết ra trong bối cảnh lịch sử hết sức quan trọng, sau thời kỳ
chiến tranh nóng và lạnh, và sau khi Cộng sản sụp đổ. Tinh thần của người
tín hữu Kitô Âu Châu đang ở vào tình huống khủng hoảng niềm tin cao độ, và
Giáo hội La Mã có nguy cơ phá sản, khi tín đồ ngày một sút giảm, bỏ đạo, lớp
người trung niên thì ra đi, còn lớp trẻ thì không bao giờ bước chân đến cửa
nhà thờ. Điều này là một sự thật, mà những ai trung thực đều phải công nhận,
không thể viện dẫn một lý do nào để bào chữa hoặc che đậy. Nó đã được xác
chứng ở ngay trong cuốn sách này qua câu hỏi thứ 24 (trang 166 bản dịch
tiếng Việt) dòng 7:
“… nếu
nhìn kỹ vào những năm tháng ngay sau Công đồng Vitican II, thì những cánh
cửa Công đồng khai mở lại để cho những người “ở trong” đi ra nhiều hơn những
người “ở ngoài” đi vào. Nhiều người không ngần ngại lo lắng cho thực trạng
Giáo hội, cho rằng sự đồng nhất của Đức Tin và quyền bính không còn vững
mạnh như xưa…”
chứng tỏ rằng những người bỏ đạo ngày một đông, sau Công đồng Vatican 2, và
sự khủng hoảng niềm tin mà tôi nói là có thật.
2-
Cuốn này viết cho đối tượng là các tín đồ Thiên Chúa giáo La Mã, và đứng
trên lập trường “Kitô La Mã” để nhìn nhận và phê phán các đạo khác, trong vị
trí chủ quan của “Ngươi Chủ Chăn” là Giáo Hoàng, người được tin là hiệp
thông với Thiên Chúa, tiếp nối công việc của Chúa Con và là theo sự thể hiện
của Chúa Thánh Thần, nên không bao giờ nhầm lẫn, vì rằng tiếng nói của Ngài
là tiếng của Thiên Chúa!
Nếu chúng ta nhận định cuốn Bước Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng theo tinh
thần là những lời giáo huấn, là không sai lầm thì đâu còn để nói nữa! Điều
rất may là chúng ta đang sống trong một thế giới có tự do về ngôn luận và tư
duy, nên chúng ta có quyền phát biểu ý kiến trong tinh thần xây dựng để làm
sáng tỏ vấn đề.
PHẦN I: ĐỨC
PHẬT CÓ CHỐI BỎ TẠO DỰNG KHÔNG?
Bây giờ, tôi xin trình bày những ý kiến thô thiển của mình qua những nhận
xét về Phật giáo của Giáo Hoàng John Paul II. Ngài nói:
“Chúa Giêsu không giống Phật Thích Ca, với sự chối bỏ cả việc tạo dựng. Phật
Thích Ca đúng khi không nhìn thấy khả năng cứu rỗi con người qua việc tạo
dựng, nhưng lầm khi, vì lý do này, Đức Phật chối bỏ cả việc tạo dựng có bất
cứ giá trị nào cho nhân loại”.
Đọc xong câu này tôi thấy Giáo Hoàng đúng khi Ngài đứng về lập trường Công
giáo và ở vị trí Chủ chăn nói với con chiên của Ngài, nhưng Ngài sai ở chỗ
nhìn Phật giáo qua lăng kính Thần học Thiên Chúa giáo.
Câu này hoàn toàn nói về tín lý gồm có 3 phần, dẫn 3 ý như sau:
2.
Đức Phật chối bỏ tất cả những gì được tạo dựng.
3.
Đức Phật không nhìn thấy khả năng cứu rỗi con người qua việc tạo dựng.
4.
Đức Phật chối bỏ cả việc tạo dựng có bất cứ giá trị nào cho nhân loại.
Trước khi nhận xét từng phần của câu trên, tôi xin phê bình cách dùng chữ
trong câu này. Giáo Hoàng dùng chữ “chối bỏ” tôi thấy không được chỉnh và
đầy tính chủ quan. Khi người ta dùng chữ “chối bỏ” là để chỉ một điều gì có
thật, là đúng, nhưng đối phương vì một lý do nào đã gian trá nói là không
đúng, như Thánh Phê-rô chối Chúa chẳn hạn. Nếu thật khách quan thì Ngài phải
viết là “Đức Phật không công nhận” mới đúng. Khi nói “không công nhận”
có nghĩa đối với người đó thấy điều này là không đúng, không thật theo quan
điểm nhận xét của người ấy. Khi nói về một vị Giáo chủ của một tôn giáo bạn
mà Giáo Hoàng dùng chữ như thế có hơi quá chăng! Theo tôi, đây là nguyên
nhân chính mà chư tăng Sri Lanka cho là Giáo Hoàng xúc phạm.
Bây giờ, tôi xin bắt đầu nhận xét từng phần của câu nói trên. Vào phần thứ
nhất nói là: “Đức Phật chối bỏ tất cả những gì đã tạo dựng”. Muốn cho sáng
tỏ việc nhận xét về câu nói này thì tôi xin bổ túc thêm hai điểm:
-
Do ai tạo dựng? và - Tạo dựng để làm gì?
để
phân biệt rõ quan điểm khác nhau giữa Phật giáo và Thiên Chúa giáo.
Tôi cũng xin thưa rằng, Đức Phật không hề và chưa bao giờ “chối bỏ những gì
đã tạo dựng” mà trái lại Ngài luôn luôn công nhận một cách rộng rãi và xác
quyết trong toàn bộ kinh điển của Ngài bằng hai chữ “chúng sinh” và “thế
giới”.
-
Chúng sinh: là để chỉ muôn loài vạn vật hiện hữu trên thế gian này,
kể cả các loài nhỏ nhất cho đến lớn nhất, chỉ cả muôn loài nói chung, không
chỉ riêng nói loài người, mà cũng không phân thực vật, động vật. Tóm lại là
tất cả những gì thực hữu trên thế gian này, có thể con người thấy được, có
khi không thấy. Điển hình là ở vào thời đại trước cả Chúa Giêsu hơn 500 năm
và trước thời đại khoa học bắt đầu khoảng 2000 năm mà Đức Phật đã dạy các đệ
tử là: “Các ông uống một ly nước, các ông có biết rằng các ông đã sát hại
nhiều chúng sinh trong đó không?”.
-
Thế giới: để chỉ hằng hà sa số thế giới nghĩa là để nói đến rất nhiều
thế giới ở ngoài địa cầu của chúng ta, khác với đạo Thiên Chúa là chỉ có
Nhân loại, Nước Trời và Địa Ngục.
Sự
khác biệt giữa Kitô giáo và Phật giáo đối với “Những gì được tạo dựng” nằm
trong hai quan điểm sau đây:
1- Đức Phật
không thừa nhận “những gì được tạo dựng” là do “ MỘT ĐẤNG THIÊN CHÚA hay
THƯỢNG ĐẾ TOÀN NĂNG” sinh ra mà Đức Phật thấy rằng những tạo dựng đó là do
“NHÂN DUYÊN” – Tức Nhân quả và Duyên nghiệp – bởi TÂM chúng sanh tạo thành,
trong một quan hệ tương liên “cái này có nên cái kia có”.
2-
Đạo Phật khác với KiTô giáo ở chỗ không nhận những tạo dựng là “DO Ý CHÚA”
mà là do “SỰ TIẾN HÓA của VŨ TRỤ và VẠN VẬT” – Trong đó có CON NGƯỜI –về
phương diện tâm linh trong tương quan chuyển hóa của tất cả chúng sinh tức
muôn loài, vạn vật, về cả hai phương diện vật chất và tinh thần.
Do
đó, khi Giáo Hoàng viết: “Đức Phật đúng khi không nhìn thấy khả năng cứu rỗi
con người qua việc tạo dựng, nhưng lầm khi, vì lý do này, chối bỏ việc tạo
dựng có bất cứ giá trị nào cho nhân loại” là Giáo Hoàng đã đứng trên quan
điểm của Thiên Chúa Giáo mà phê phán Đức Phật. Như thế không thể nào tránh
khỏi chủ quan và thiên lệch, hơn nữa lại có tính cách áp đặt tín lý của mình
lên Vị Đạo Sư của một Tôn Giáo bạn. Ngoài ra, Giáo Hoàng cũng đã quên đi lời
của chính Ngài viết trong đoạn đầu của câu trả lời thứ 14 rằng: “Tuy nhiên,
cần phải nói ngay rằng, tín lý cứu độ của Phật giáo và Kitô giáo trái ngược
nhau”.
Theo Thiên Chúa giáo, việc cứu rỗi của Thiên Chúa chỉ dành cho con người.
Thiên Chúa đã tạo ra con người, rồi vì con người tội lỗi, nhất là tội Tổ
Tông do ông Adam và bà Eva lỡ ăn phải trái cấm, nên Thiên Chúa phải cứu rỗi.
Ngài lại thương loài người đến độ cho CON MỘT của Ngài là Đức Chúa Giêsu
KiTô xuống thế chịu chết đóng đinh để chuộc tội cho nhân loại.
Phật giáo thì cứu độ dành cho tất cả chúng sinh nghĩa là mọi loài chứ không
riêng với loài người. Đối với loài người, Phật giáo không tin là vốn có tội
lỗi, mà vì con người bị mê muội nên “bản chất Thiện” bị che lấp, lại do tham
lam – sân hận – si mê và dục vọng sai khiến nên đã bị lầm lạc, rồi tự mình
gây nên đau khổ cho chính mình và cho chúng sinh. Do đó muốn cứu độ thì phải
khởi đầu ngay từ bản thân, với nhận định rằng: “Mỗi người mỗi sửa thì gia
đình và xã hội sẽ thay đổi”, cho nên hướng đi của Phật giáo là “tự cứu” chứ
không trông cậy ở một Thượng đế hay thần linh nào.
Bây giờ, giả sử như chúng tôi đồng ý với quan niệm về “Đức Tin” của Thiên
Chúa giáo là:
-
Thiên Chúa là Đấng tạo dựng ra tất cả.
-
Thiên Chúa là Đấng duy nhất có khả năng cứu rỗi nhân loại qua CON NGÀI là
Giêsu KiTô mà “khả năng cứu rỗi nhân loại” của Đấng tạo dựng chỉ được mặc
khải cho con người khi Chúa Giêsu Kitô xuống thế.
Vậy thì trên 500 năm trước, khi Phật Thích Ca do Cha Mẹ Ngài sinh ra - không
biết có theo ý Thiên Chúa không - thì chưa có Đạo KiTô, vì lúc đó Thiên Chúa
chưa có ý định cho CON NGÀI xuống thế. Vậy thì vấn đề Đức Phật vào thời đó
“không nhìn ra hay chưa nhìn thấy” khả năng cứu rỗi của Thiên Chúa là đúng
thôi!
Nhưng, theo Trí Tuệ của Phật giáo, thì chỉ tin vào Chân lý tức là “Sự thật”,
tin vào những gì có thể chứng minh được, qua thực nghiệm cuộc đời, chứ không
tin những gì giải thích qua thần quyền huyền hoặc. Do đó Đức Phật không thừa
nhận có một Thượng đế toàn năng sinh ra tất cả, và càng không tin vào khả
năng cứu rỗi của con người là do từ Đấng đó.
Trở lại vấn đề Giáo Hoàng trách Đức Phật, vì không nhìn thấy khả năng cứu
rỗi của Thiên Chúa nên “lầm khi chối bỏ cả việc tạo dựng có bất cứ giá trị
nào cho nhân loại”. Tôi xin thưa, Phật giáo nhận thức là mọi giá trị tinh
thần cũng như vật chất của nhân loại là do chính Tâm con người làm ra chứ
không do một thần quyền nào sắp đặt cả. Hơn nữa trong toàn bộ kinh điển Phật
giáo để lại, ghi chép những lời thuyết pháp của Đức Phật, thì không hề có
một kinh nào Đức Phật đã phủ nhận “GIÁ TRỊ NHÂN SINH” và “SỰ TỒN TẠI CỦA VẠN
HỮU CẢ”.
Tóm lại, tất cả nhận thức của Giáo Hoàng về Đức Phật mà tôi vừa trình bày
trên, là cái nhìn chủ quan dựa trên tín lý Thiên Chúa giáo, hoàn toàn không
đúng với tinh thần Phật giáo. Có người bênh vực Ngài sẽ nói là: Giáo Hoàng
có toàn quyền tự do nhận định, hơn nữa đây là những lời Ngài nói với cộng
đồng Thiên Chúa giáo thôi! Tôi xin thưa, nếu tài liệu này chỉ là phổ biến
nội bộ thì chúng tôi không dám có ý kiến, nhưng mà Ngài đã cho phép công
khai phổ biến thì nó không còn nằm hạn hẹp trong phạm vi Giáo hội KiTô La Mã
nữa, mà cho toàn thế giới học hỏi. Trong trường hợp này thì cái nhìn phải
rộng rãi, nhận định phải nhìn cả từ hai phía - phía ta, phía người - mới tìm
ra lẽ chiết trung chứ không thể phiến diện đứng về một bên mà phê phán.
Vừa rồi tôi đã góp ý về những nhận định của Giáo Hoàng về Đức Phật trong câu
trả lời thứ 7 trong cuốn sách đó là: “Có phải Chúa Giêsu là con Thiên Chúa
không?”. Đem trả lại vị trí của câu trả lời này vào mạch lạc cuốn sách, sở
dĩ Ngài đề cập đến Đức Phật là vì trong câu hỏi người hỏi đã đặt ra nguyên
văn như sau:
“Tại
sao Chúa Giêsu không được coi như nhà hiền triết Socrates? Hoặc như nhà tiên
tri Mahômết? Hay giác ngộ như Đức Phật? Tại sao người ta lại duy trì một
khẳng định không tiền khoáng hậu rằng cái người Do Thái đã bị xử tử trong
một tỉnh lỵ nghèo nàn, lại là CON THIÊN CHÚA, và mang cùng bản chất với CHÚA
CHA? Điểm đòi hỏi căn bản này của Thiên Chúa giáo không giống với bất cứ
niềm tin nào của các tôn giáo khác. Chính Thánh Paul đã định nghĩa đây là
“Một sự xúc phạm và điên rồ” (Trang 42 bảng tiếng Anh).
(Why isn’t Jesus simply considered a wise man like Socrates? Or a prophet
like Muhammad? Or enlightened like Buddha? How does one maintain the
unprecedented certainty that this Jew condemned to death in an obscure
province is the SON of GOD, of one being with the Father? This radical
Christian claim has no parallel in any other religions belief. Saint Paul
himself defined it as “a scandal and madness”). (Đã dịch ở đầu trang).
Vì
câu hỏi này nên Giáo Hoàng đã lý luận để chứng minh rằng Đức Chúa Giêsu là
độc đáo, duy nhất khác hẳn ba vị kia. Ngài trả lời hoàn toàn dựa vào tín lý
và thần học rồi sau cùng lấy Thánh Kinh ra để chứng minh là “Không ai biết
người Con, trừ Chúa Cha, và cũng không ai biết Chúa Cha, trừ người Con, và
kẻ mà Cha muốn mặc khải cho” (Lc 10:21-22). Và câu số 18 trong đoạn đầu phần
Phúc âm của Thánh Gioan: “không ai đã từng nhìn thấy Thiên Chúa. Chỉ có Chúa
Con là Thiên Chúa, ngồi bên cạnh Chúa Cha, đã biểu lộ Ngài”.
Sự chứng minh
này là hoàn toàn dựa trên đức tin, qua Thánh Kinh, cho các tín hữu KiTô La
Mã còn đối với người không phải con chiên thì thật khó hiểu, khó mà chấp
nhận! Điều mà Giáo Hoàng muốn chứng minh là Đức Giêsu Kitô hơn nhà hiền
triết Socrates, hơn Giáo chủ Đạo Hồi và Đạo Phật là vì Chúa Giêsu là con
Thiên Chúa là Người được Chúa Cha cho xuống đây và mặc khải cho. Thật ra,
trước kia Đức Giêsu Kitô chỉ được coi như một nhà tiên tri, mãi đến thế kỷ
thứ 4, sau Công đồng Nicaea I năm 325, đời Vua Constantine, Giáo Hội mới ra
thông điệp: “Nhận Chúa Giêsu là con Thiên Chúa” và kể từ đó Kinh Thánh cũng
như những bài giảng đều hướng theo sự xác quyết này.
PHẦN II : PHẬT
GIÁO QUAN NIỆM THẾ NÀO VỀ ƠN TRÊN?
Sang phần thứ 2 trong cuốn sách có đề cập đến Phật giáo, đó là câu trả lời
của Giáo Hoàng về “Tại sao có quá nhiều tôn giáo?”. Ngài đã trích dẫn một
đoạn trong thông điệp NOSTRA AETATE của Công đồng Vatican II:
“Phật giáo
theo nhiều tông phái khác nhau, lại nhìn nhận sự thiếu sót căn bản của cuộc
đời thay đổi này và vạch ra con đường cho những người thành tâm tin cậy,
hoặc đạt đến chỗ giải thoát trọn vẹn hay giác ngộ hoàn toàn, bằng những cố
gắng riêng mình hoặc bằng sự trợ lực của ơn trên” (trang 100-101 bản dịch
tiếng Việt).
Câu này thật ra chưa trọn nghĩa ở chỗ: “nhìn nhận sự thiếu sót căn bản của
cuộc đời thay đổi này” rồi bỏ lửng. Tôi xin hỏi rằng những thiếu sót đó là
cái gì? Khi biết nó là cái gì thì mới tìm ra phương pháp giải quyết mà trong
này nói là: “… vạch ra con đường cho những người thành tâm tin cậy…”. Theo
tôi, nếu đầy đủ thì phải thêm vào: “Các tông phái Phật giáo nhìn nhận ra
sự thiếu sót căn bản của cuộc đời thay đổi này… (là cái gì)… và vạch ra con
đường cho những người thành tâm tin cậy, v.v…” thì mới dễ hiểu, chứ nếu
muốn viết như trong sách thì cả chính người Phật Tử đọc cũng chưa hiểu, nói
gì đến các KiTô hữu.
Còn một điểm
nữa trong đoạn cuối của câu nhận xét này mà tôi cần minh xác để khỏi ngộ
nhận, đó là: “Đạt đến chỗ giải thoát trọn vẹn hay giác ngộ hoàn toàn, bằng
những cố gắng riêng mình hoặc bằng sự trợ lực của ơn trên”. Điều mà tôi muốn
minh xác là hai chữ “ƠN TRÊN”. Hai chữ này người KiTô hữu hiểu là quyền năng
của Thiên Chúa hoặc Chúa Thánh Thần, nhưng người Phật Tử lại hiểu là “THA
LỰC” đó là thứ năng lực khác, ngoài “TỰ LỰC” là năng lực của chính mình. Tha
lực chỉ trợ duyên tức là giúp thêm cho tự lực, chứ không có tính
quyết định như “Ơn trên của Thiên Chúa” bên Kitô giáo. Ngoài ra, người Phật
tử còn hiểu là tha lực hiện có ngoài không gian, nằm trong vũ trụ lực, do
tâm thức con người tạo nên, chứ không phải do một Đấng thiên liêng nào sinh
ra, kể cả Phật lực là lực do các Ngài tự tu mà thành chứ không được ai ban
phát cho cả.
PHẦN III: GIÁO
HOÀNG NHẬN XÉT SAI CHỖ NÀO?
Giờ đây, tôi xin bàn đến phần chính nhận định của Giáo Hoàng về Đức Phật và
Giáo Lý Phật giáo trong cuốn sách của Ngài. Đây là câu trả lời thứ 14 và
người hỏi đã đặt thẳng vấn đề với Giáo Hoàng về Phật giáo xem Ngài phán xét
ra sao? Tôi xin chép lại đây câu hỏi để một số độc giả không có sách dịch
hiểu rõ hơn vấn đề. Câu hỏi thế này:
“ Trước khi
bàn tới Tôn giáo độc thần, trong đó có hai tôn giáo Do Thái giáo và Hồi Giáo,
là những tôn giáo chỉ thờ phượng một Thiên Chúa, con xin Cha nói thêm về
Phật giáo. Thật thế, như Cha đã biết - tôn giáo này cống hiến một “Đạo Lý
Giác Ngộ” hình như đang thu hút nhiều người Tây Phương như một “hoán đổi”
cho KiTô giáo, hoặc như “Bổ sung” cho Kitô giáo, ít nhất trong những phương
pháp khắc khổ và thần bí của Tôn giáo này”.
Và
Giáo Hoàng đã trả lời:
“Trong
những tôn giáo được đề cập tới trong tài liệu NOSTRA AETATE của Công đồng,
cần lưu ý đặc biệt tới Phật giáo, trong một số quan điểm, giống như Kitô
giáo, là một tôn giáo Giác Ngộ. Tuy nhiên cần phải nói ngay rằng, tín lý cứu
độ của Phật giáo và Kitô giáo trái ngược nhau” (trang 104 bản dịch tiếng
Việt của NXB Thăng Tiến).
Trước khi chép tiếp, tôi xin nói ngay là người dịch của bản Việt ngữ này đã
dịch không sát nghĩa hai chỗ là:
-
Đạo lý giác ngộ.
-
Một tôn giáo giác ngộ.
Không hiểu sao chữ “Doctrine of Salvation” mà lại dịch là “Đạo lý giác ngộ”,
rồi cũng trong câu này ở đoạn dưới cũng chữ “Doctrine of Salvation” lại dịch
là “Tín lý cứu độ”. Chúng tôi e rằng khi dịch chữ Salvation là “giác ngộ”
thay vì “cứu rỗi” hay “cứu độ” sẽ làm sai cả ý của người đặt câu hỏi và câu
trả lời của Giáo Hoàng, hơn nữa, còn làm cho người đọc hiểu lầm, vì ý nghĩa
của “Giác ngộ” và “cứu độ” khác xa nhau nhiều lắm, ngoài ra còn trộn nhầm cả
tín lý Kitô La Mã và Phật giáo một cách vô tình nữa. Như trong câu hỏi phần
tiếng Anh: (Trang 84)
“…
Essentially - as you well know - it offers a “doctrine of Salvation” that
seems increasingly to fascinate many Westerners as an “alternative” to
Christianity or as a sort of “complement” to it…”
(Đã
dịch ở đầu trang 31)
Rõ ràng là
người hỏi đặt vấn đề so sánh “doctrine of Salvation” tức là “giáo lý cứu rỗi”
chứ không phải giác ngộ. Và câu trả lời của Giáo Hoàng là:
“…
Among the religions mentioned in the Council document NOSTRA AETATE, it is
necessary to pay special attention to Buddhism, which from a certain point
of view, like Christianity, is a religion of Salvation. Nevertheless, it
needs to be said right away that the doctrine of salvation in Buddhism and
Christianity are opposed”.
(Đã
dịch ở trang 31)
Đại ý Ngài nói:
Phật giáo giống Kitô giáo là tôn giáo cứu rỗi, nhưng về giáo thuyết cứu rỗi,
thì hai bên trái ngược nhau. Về điểm này Giáo Hoàng hoàn toàn đúng vì Kitô
giáo nhận định sự cứu rỗi là do Thiên Chúa qua Đức Chúa Giêsu còn Phật giáo
là do tự nỗ lực cá nhân mình là chính.
Và
Ngài nói tiếp: “Ngày nay chúng ta đang thấy một vài bành trướng của Phật
giáo tại Tây Phương” (trang 105). Ngài nhắc đến Đức ĐẠT LAI LẠT MA là người
mang Phật giáo đến với những người Kitô giáo Tây Phương và đã gây ra được sự
quan tâm về tinh thần Phật giáo cùng phương pháp cầu nguyện Phật giáo. (Trong
bảng dịch đã dịch chữ Buddhist spirituality là “đường hướng tu đức” không
sát nghĩa) (Trang 104). Rồi Giáo Hoàng phê phán về Giáo lý Phật giáo như sau
(trang 105):
“Giáo lý Phật giáo về ơn cứu độ tạo thành tâm điểm, hoặc đúng hơn là điểm
duy nhất trong hệ thống này. Tuy nhiên, cả truyền thống Phật giáo lẫn những
phương pháp khơi nguồn từ đó đưa ra một nền thần học cứu rỗi hầu như độc hữu
tiêu cực”.
Đọc xong câu trên, chúng tôi nhận thấy có hai điểm nổi bật được đề cập đến
đó là:
1- Cứu độ là
tâm điểm và là điểm duy nhất trong hệ thống Phật giáo.
2- Cả truyền
thống Phật giáo và các phương pháp của Phật giáo đều đưa ra một nền Thần học
cứu rỗi độc hữu tiêu cực.
Chúng tôi xin
trả lời:
1- Đối với
Phật giáo “Cứu độ” chỉ là một trong những phương tiện, hoàn toàn không phải
là Tâm điểm hay điểm duy nhất trong hệ thống Phật giáo. Điểm duy nhất và là
tâm điểm của Phật giáo là Giải thoát, giải thoát khỏi luân hồi sinh
tử. Đức Phật đã dạy: “Cũng như nước biển chỉ có một vị mặn, giáo lý của ta
cũng chỉ có một vị là vị giải thoát”. Tất cả một rừng kinh điển Phật giáo,
trong suốt 49 năm thuyết pháp, Đức Phật đều nhắm theo một mục đích giải
thoát mà thôi.
2- Nếu phân
tích giáo lý Phật giáo theo hướng triết học thì là một sự sai lầm và nếu lại
nhìn theo lăng kính Thần học Thiên Chúa giáo thì lại càng sai hơn. Vì toàn
bộ giáo lý Phật giáo là giáo lý thực nghiệm được hình thành từ nơi cuộc sống
và con người, do đó không phải là một sản phẩm của tư duy mà cũng không phải
những điều được mặc khải do một vị thần linh nào. Trong câu này Giáo Hoàng
đã viết:
“Nevertheless,
both Buddhist tradition and the method deriving from it have an almost
exclusively negative Soteriology”. (Tuy nhiên, cả truyền thống Phật giáo lẫn
những phương pháp khơi nguồn từ đó đã có một sự cứu rỗi hầu như độc nhất
tiêu cực.).
Chữ
“Soteriology” là một danh từ Thần học chỉ sự cứu rỗi của Thiên Chúa qua Chúa
Giêsu Kitô. Như vậy là Giáo Hoàng đã nhìn Phật giáo qua lăng kính Thiên Chúa
Giáo để mà phê phán. Theo nhận xét của chúng tôi thì vấn đề Phật giáo ở đây
đã được phân tích qua triết học và thần học, vì vậy nên mới bị nhận định là
cứu rỗi độc nhất tiêu cực. Đây chẳng qua là hai thái độ và hai cái nhìn khác
nhau về vấn đề cứu độ mà thôi.
Theo Phật giáo
thì “cứu độ” trước hết là cứu mình ra khỏi sự u mê, rồi sau đến cứu người,
đó là tinh thần “tự độ” và “độ tha”. Còn “Tích cực” và “Tiêu cực” thì Phật
giáo lại quan niệm rằng khi tự mình tìm giải thoát cho mình là có tinh thần
“Tích cực”, còn dựa vào thần quyền hay vào người khác thì là “Tiêu cực”. Tôi
xin dẫn ra đây câu của Ngài Narada Thera viết trong “Buddhism in a
Nutshell”, chương I: “To depend on others for Salvation is negative, but to
depend on oneself is positive”. (Nương vào kẻ khác để được cứu độ là tiêu
cực, nhưng dựa vào chính mình là tích cực).
Và trong kinh
Đại Bát Niết Bàn (Parinirvana Sutra) Đức Phật dạy các đệ tử là:
“Hãy làm những
hòn đảo cho chính các ngươi, hãy làm chốn nương tựa cho chính mình, đừng tìm
kiếm nương tựa ở nơi nào khác”. (Be ye islands unto yourselves, be ye a
refuge unto yourselves, seek not for refuge in others.).
Trong khi đó
thì người Thiên Chúa giáo lại hiểu là sự cứu rỗi đến từ Thiên Chúa và chỉ
coi là tích cực khi không chối bỏ Thiên Chúa, đồng thời tin Đức Giêsu Kitô
đã đem thân cứu chuộc cho loài người. Và “cứu rỗi” là cứu con người khỏi sự
xấu xa, tội lỗi, hay là những sự dữ.
Vậy thì Giáo
Hoàng đã phê phán tinh thần Phật giáo “cứu độ tiêu cực” có phải vì không
thừa nhận Thiên Chúa hay là vì lý do nào khác? Nhưng, dù vì lý do nào đi nữa
thì cũng không đúng với quan niệm Phật giáo. Nếu chúng ta đọc tiếp trang
107, những dòng cuối của trang này đã giải thích rõ nhận xét của Thiên Chúa
giáo đối với Phật giáo về vấn đề “Tiêu cực” như sau:
“Công đồng
Vatican II đã xác nhận mạnh mẽ chân lý này. Duy trì thái độ tiêu cực đối với
thế giới, với kết luận rằng thế giới chỉ là một biển khổ cho con người và vì
thế con người phải giải phóng toàn triệt khỏi đó, đó là điều tiêu cực, không
những có tính cách một chiều, mà còn hoàn toàn trái ngược với những phát
triển của chính con người và thế giới mà Đấng Tạo hóa đã ban cho và trao phó
cho người như một sứ mạng”.
(Trang 88 bản tiếng Anh).
Quan
điểm nguyên thủy của Thiên Chúa giáo về tích cực và tiêu cực là điều mà
chúng tôi đã trình bày ở trên, còn quan điểm này chỉ có sau Công Đồng
Vatican II, nó nêu ra 2 nhận định:
1-
Cho rằng thế giới là một bể khổ vì thế con người cần thoát ra là tiêu cực.
2-
Nói rằng thế giới này là một bể khổ là nhận xét ngược chiều và trái với sự
phát triển của con người và thế giới mà Đấng Tạo Hóa đã ban cho và trao cho
con người một sứ mạng.
Vế
thứ nhất đã nói rõ lìa bỏ thế giới này là tiêu cực mà theo tinh thần Kitô
giáo thì như vậy là chối bỏ Thiên Chúa, chối bỏ cái thế giới mà Chúa đã ban
cho con người. Vế thứ hai là nhận xét đời là khổ là một chiều, rồi tìm cách
thoát ly là trái với sự phát triển của con người và thế giới mà Chúa đã trao
cho con người một sứ mạng.
Mới
nghe qua thì có vẽ hữu lý, song le xét kỹ thì những nhận xét này của Thiên
Chúa giáo đối với Phật giáo còn mang đầy tính chất chủ quan, ngoài ra còn
trộn lẫn giữa hiện tượng và tâm lý, giữa nhân sinh và tâm linh và bao trùm
tất cả là một tính cách thần quyền lại muốn áp đặt người khác phải thừa nhận
tín lý của mình. Muốn giải rõ vấn đề này chúng tôi xin trích dẫn tiếp lời
nhận xét của Giáo Hoàng về Phật giáo như sau: (Trang 105).
“Sự
“khai ngộ” do Đức Phật thể nghiệm thực sự được tóm kết trong niềm xác quyết
rằng thế giới này đầy những tham-sân-si, rằng đó là nguồn mạch sự dữ và đau
khổ cho con người. Để giải thoát chính mình khỏi tội ác, con người phải giải
thoát chính mình khỏi thế giới này, đòi hỏi phải đoạn tuyệt với những ràng
buộc nối liền chúng ta với thế giới bên ngoài – những ràng buộc hiện hữu nơi
bản chất của con người chúng ta, nơi tâm thức và cả nơi ngũ quan nữa. Chúng
ta càng giải thoát khỏi những ràng buộc đó nhiều, chúng ta trở thành thản
nhiên trước những gì thuộc về thế giới đó, và càng tránh được đau khổ, nghĩa
là tránh khỏi những sự dữ đến từ thế giới.
Chúng ta có thể tiến tới gần Thiên Chúa bằng đường lối này không? Đó cũng
không là vấn đề được đặt ra trong “Khai Ngộ” do Đức Phật truyền đạt. Phật
giáo theo nhận định rộng rãi là một hệ thống Vô thần (không đề cập đến
Thượng Đế hay Trời Đất). Chúng ta không giải thoát chính mình khỏi sự dữ nhờ
chính sự Thiện đến từ Thiên Chúa; chúng ta chỉ giải thoát chính mình qua
việc tách rời khỏi thế giới vô thường. Hành động tách rời hoàn toàn không
phải là việc thông hiệp với Thiên Chúa, nhưng Niết Bàn chỉ là tình trạng
hoàn toàn thờ ơ trước thế giới. Ơn cứu độ trên tất cả là sự giải thoát khỏi
sự dữ, bằng cách hoàn toàn cách biệt với thế giới huyễn tượng chính là nguồn
sự dữ. Đó chính là cao điểm của diễn trình tâm linh trong Phật giáo!”
Trên
đây là thành phần quan trọng nhất về nhận định đối với Phật giáo của Giáo
Hoàng, nó đã nói lên sự hiểu biết của Ngài nói riêng và của những người
Thiên Chúa giáo nói chung về Phật giáo, đồng thời nó cũng trình bày sự khác
biệt về nhận thức giữa hai tôn giáo về con người và thế giới. Đại để Giáo
Hoàng nhận xét như sau:
1-
Sự “ngộ” của Đức Phật là thấy rằng thế giới này đầy xấu xa, là nguồn mạch
của sự dữ và đau khổ cho con người.
2-
Muốn thoát khỏi điều đó thì theo Phật giáo là phải thoát khỏi thế giới này.
3-
Phương pháp để thoát khỏi là cắt đứt những ràng buộc về tinh thần và vật
chất giữa mỗi người với thế giới bên ngoài.
4-
Kết quả là càng cắt đứt ràng buộc được bao nhiêu thì càng thản nhiên với thế
giới và tránh được đau khổ.
Còn
đối với Thiên Chúa giáo thì trong phần này được giải thích bằng những nhận
định như sau:
1-
Sự “ngộ” của ngươi Kitô giáo là đến gần với Thiên Chúa.
2-
Người Kitô hữu không giải thoát chính mình khỏi sự dữ mà nhờ ơn Thiên Chúa
ban cho sự Thiện.
3-
Nếu tách rời khỏi thế giới này thì mất sự hiệp thông với Thiên Chúa.
4-
Người Kitô hữu đã có ơn cứu độ để giải thoát khỏi sự dữ.
Chúng tôi chưa bàn đến những nhận xét của Giáo Hoàng về Phật giáo có chính
xác không và ở mức độ nào, mà chúng tôi chỉ phân tích ra đây để đọc giả thấy
rõ sự khác biệt giữa hai quan điểm. Theo Phật giáo thì tự mình phải đấu
tranh để thoát khỏi những khổ đau về tâm lý trên phương diện vật chất cũng
như tinh thần. Theo Thiên Chúa giáo thì là cầu nguyện xin sự cứu rỗi của Ơn
trên để được thoát khỏi sự dữ.
Chúng tôi xin trích dẫn ra đây 1 câu trong cuốn giáo lý Phật giáo do Ngài
NARADA THERA (SRILANKA) viết để thấy rõ quan điểm của Phật giáo:
“A
Buddhist should not pray to be saved, but should rely on himself and win his
freedom”, nghĩa là: “Người Phật tử không nên cầu nguyện để được cứu độ, mà
cần tin cậy nơi mình và đạt được sự tự do cho chính mình”
Sự
tự do ở đây là muốn nói đến giải thoát sự ràng buộc.
*
* *
Bây
giờ tôi xin góp ý về những nhận xét của Đức Giáo Hoàng.
Vào
đầu Ngài viết:
“The
“Enlightenment” experienced by Buddha comes down to the conviction that the
world is bad, that it is the source of evil and suffering for man”, nghĩa
là: “Sự “Giác Ngộ” do Đức Phật thể hiện đem đến sự xác quyết rằng thế giới
này là xấu xa, là nguồn của tội lỗi và đau khổ của con người”.
“To liberate
oneself from this evil, one must free oneself from this world, necessitating
a break with the ties that join us to external reality – ties existing in
our human nature, in our psyche, in our bodies. The more we are liberated
from these ties, the more we become indifferent to what is in the world, and
the more we are freed from suffering, from the evil that has its source in
the world”.
“Để giải thoát
mình khỏi tội lỗi, con người phải giải thoát chính mình khỏi thế giới này,
đòi hỏi một sự cắt đứt với những ràng buộc nối liền chúng ta với thực tại
bên ngoài – Những ràng buộc nơi bản chất con người, nơi tâm hồn và thể xác
chúng ta. Chúng ta càng giải thoát khỏi những ràng buộc đó bao nhiêu thì
chúng ta càng trở nên lãnh đạm với những gì ở trong cuộc đời, và càng thoát
khỏi đau khổ, khỏi tội lỗi bắt nguồn từ thế giới này”.
Trước khi
trình bày ý kiến mình, chúng tôi xin xác nhận rằng đây không phải là cuộc
tranh luận về đúng sai, phải trái mà chỉ là một sự đả thông giữa hai nhận
thức và hai quan điểm. Chúng tôi không thể đòi hỏi Giáo Hoàng phải hiểu
về Đạo Phật đúng như người Phật Tử, cũng như bản thân chúng tôi, lẽ dĩ nhiên,
không thể hiểu Đạo Thiên Chúa như một Kitô hữu. Do đó những trình bày
của chúng tôi chỉ để minh xác những gì là sự thật theo nhãn quan Phật giáo
bằng những hiểu biết rất là nông cạn và còn thiếu sót của mình.
Trong tinh
thần đó chúng tôi xin bắt đầu:
Trước hết nói
đến sự “Giác Ngộ” (Enlightenment) của Đức Phật. Khi nhắc đến sự “giác ngộ”
này là người Phật tử hiểu rằng đây là một trạng thái thăng hoa của Tâm thức,
nó vượt lên khỏi những gì thuộc về ý thức và nó đạt đến chỗ trí tuệ tột cùng
và giải thoát tuyệt đối, gọi là “Toàn giác”. Nó không phải được hình thành
bởi sự kết tụ kinh nghiệm của ý thức, mà cũng không sinh ra do ý tưởng hay
lý luận bình phàm. Nó không giống như một triết gia khi tìm ra một triết
thuyết hay như một nhà tâm lý học, một nhà xã hội học tìm ra một phương thức
xây dựng lý thuyết của mình.
Thật sự, Đức
Phật sau khi đạt được “Toàn giác” đã đến “Vườn Nai” ở Varanasi để thuyết
giảng bài giảng đầu tiên về “thuyết Trung Đạo” và “Bốn lẽ thật” (Tứ Diệu đế)
trong đó có đề cập đến “Đời là bể khổ”. Sau này bài pháp đó trở thành Giáo
Lý căn bản của Phật giáo (Kinh Chuyển pháp luân) nhưng không phải giáo
thuyết này được sinh ra từ trạng thái Giác Ngộ trên. Vì giáo thuyết này sinh
ra từ thực nghiệm cuộc đời và nằm trong nhận thức bình phàm mà Đức Phật đã
có ngay từ khi còn là Thái Tử lúc đi thăm bốn cửa thành gặp những cảnh già,
bệnh, chết chứ không phải đợi đến ngày đắc đạo mới tìm ra. Vấn đề này thật
rất khó giải thích cho những người phương Tây hiểu được, nhất là những vị
thường quen với luận lý Triết học và nặng về Thần học.
Tôi xin bàn
tiếp về nhận định của Giáo Hoàng. Ngài nhận xét rằng: Đức Phật thấy cuộc đời
này là xấu xa, đau khổ nên đưa ra phương cách giải thoát khỏi thế giới này
bằng cách cắt đứt những ràng buộc từ bản chất, tâm hồn và thể xác với thực
tại bên ngoài, khi càng thoát được những ràng buộc đó bao nhiều thì càng thờ
ơ với thế sự và càng bớt đi đau khổ, tội lỗi vốn bắt nguồn từ thế giới này
bấy nhiêu.
Đọc xong những
lời nhận xét của Giáo Hoàng mà tôi vừa tóm gọn ở trên thì ta thấy Ngài đã
hiểu Đạo Phật quá khái quát. Đây là Ngài muốn diễn tả về “Bốn lẽ thật” của
Phật giáo, nhưng tiếc thay Ngài chỉ nhận thức theo lý luận, không phải thực
hành, hơn nữa lại thiếu một bước lớn trong bốn bước của chuỗi luận thuyết
này.
Ngài nhận xét
ở ba điểm như sau:
1.
Đời là khổ.
2.
Phải dứt khổ đau.
3.
Muốn dứt khổ thì phải cắt đứt mọi ràng buộc.
Cái
thiếu quan trọng nhất mà Giáo Hoàng không nói đến là “nguyên nhân của khổ”.
Theo “Bốn lẽ thật” (Tứ Diệu đế) của Phật giáo thì:
1.
Đời là khổ.
2.
Nguyên nhân của khổ.
3.
Sự chấm dứt khổ.
4.
Con đường hay phương pháp dứt khổ.
Phương pháp luận của Đức Phật dù đã trên 2500 năm nhưng vẫn rất chính xác và
rõ ràng. Nếu không biết “nguyên nhân” thì làm sao dứt bệnh? Phương pháp của
Phật giáo đưa ra thì đủ nhưng khi lập lại thì Giáo Hoàng đã bỏ sót, từ đó
dẫn đến sự phê phán không chính xác và nhận thức sai lầm.
Ngài
đã phê bình thái độ của Phật giáo là “tiêu cực” vì hai lẽ : (Trang 107)
1.
Duy trì thái độ tiêu cực đối với thế giới, với kết luận rằng thế giới
chỉ là một biển khổ cho con người.
2.
Vì thế con người phải giải phóng toàn triệt khỏi đó, đó là điều tiêu
cực.
Về
điểm thứ nhất ở đây, tôi xin thưa, chữ DUKKHA trong Đạo Phật có một nghĩa
rất rộng, nó còn bao gồm cả những gì bất toàn, những gì không như ý, những
gì đổi thay cho nên chữ “khổ” hay “Suffering” chưa lột hết ý. Chính vì nó
nhiều nghĩa như vậy nên nó đã biểu hiện một thực hữu của tâm lý con người.
Và Dukkha đã mang trọng trách làm “tiền đề” cho phương pháp luận “Bốn lẽ
thật” của Đạo Phật.
Nếu
chỉ xét theo lý luận một cách ngoại vi thì có thể thấy đời có lúc vui, lúc
buồn, khi sướng, khi khổ, nhưng nếu nhìn sâu hơn vào sự không vững bền, vào
những đổi thay ngoài ý muốn, vào sự không trọn vẹn thì sẽ thấy đời con người
ta lúc nào cũng bao trùm bằng một tâm lý lo âu, sợ sệt và buồn khổ. Người
Thiên Chúa giáo được dạy dỗ rằng nếu muốn giải quyết những điều trên thì tìm
về với Chúa để được cứu rỗi, còn với Phật tử thì được dạy rằng phải tự mình
giải quyết cái tâm lý của mình bằng cách cắt đứt rễ, vứt bỏ cái nhân gây nên
nỗi khổ là tham-sân-si và cái dục, chứ không ai có thể giúp mình được cả.
Cho nên đối với tín đồ Phật giáo khi nhìn nhận “Đời là bể khổ” chỉ là khách
quan nhìn vào một hiện tượng nên không có vấn đề tiêu cực hay tích cực ở
đây, mà tích cực hay tiêu cực là ở tinh thần của mình có tự phấn đấu, có dám
đấu tranh với hoàn cảnh hay là buông xuôi hoặc cầu trời khấn Phật.
Còn
vấn đề thứ hai mà Giáo Hoàng cho là tiêu cực khi muốn giải thoát khỏi cuộc
đời thì tôi xin thưa rằng theo tinh thần Phật giáo, dù là Tiểu thừa hay Đại
thừa cũng vẫn lấy cuộc đời và chúng sinh là môi trường hành đạo nên không có
việc tách mình ra khỏi xã hội trong thực tế của nó.
Còn
việc giải thoát bằng cách cắt đứt mọi liên hệ với thực tại bên ngoài, thì
lại là một nhận định trộn nhầm thực hành với lý luận. Vì thế cho nên Ngài
nói: cắt đứt những ràng buộc về bản chất, tâm hồn và thể xác rồi càng cắt
đứt bao nhiêu thì thờ ơ bấy nhiêu! Nếu hiểu như thế này thì thật là lệch lạc
quá sức.
Người Phật tử đều hiểu là:
-
Bản
chất là Phật tánh.
-
Tâm
hồn là vọng thức do giác quan và ngoại cảnh tạo thành.
-
Thể
xác là do vật chất mà có.
Do
vậy nên không cắt đứt Phật tánh mà là làm sáng ra cái Phật tánh đang
bị sự mê mờ, tối tăm do vọng tâm và ngoại cảnh che lấp, nay muốn trở về với
tâm hồn trong sáng tức là chân tâm, thì phải thực hành phương pháp làm chủ
thân và tâm để khỏi bị vọng tâm chi phối. Chính ở điểm này đã bị hiểu lầm về
phương pháp cắt đứt mọi liên hệ với bên ngoài. Hiểu như vậy là hoàn toàn
theo lý luận. Sự thật cắt đứt với bên ngoài có nghĩa là không để bị lôi cuốn
vì ngoại cảnh mà thôi, chứ không phải chối bỏ hoặc xa lìa thực tại. Điều này
tôi có thể thưa rằng chỉ những người nào có uống nước mới biết thế nào là
nóng hay lạnh, còn đứng ngoài bàn thì chỉ là tưởng tượng bàn suông mà thôi!
Chúng tôi biết Giáo Hoàng đã sinh ra và trưởng thành trong tín lý Thiên Chúa
giáo và sống với triết học cùng thần học về phương diện tinh thần, nên chúng
tôi rất kính trọng Ngài trên phương diện học giả, nhưng nếu muốn hiểu và
nhận xét về Phật giáo thì phải vừa là học-giả vừa là hành-giả, điều
này không thể có được nơi bất cứ người nào khi còn dùng tư duy để suy luận
và phán đoán Phật giáo, vì đâu có hành mà nói được thực tế ra sao.
Đạo
Phật có một câu rất hay là “Dùng Sự để hiển bày cái Lý” hay nói khác đi là:
thực hành để chứng thực chân lý, vì vậy mới là “Đạo Thực Nghiệm”. Ngày xưa,
khi Phật còn tại thế Ngài cũng đã khuyên các đệ tử là nên hành mà không nên
lý luận suông và Ngài đã gọi tất cả những gì dùng suy tư để mà bàn luận đều
là “Hý luận” mà thôi, nghĩa là nói cho vui chứ không thực tiễn.
Ngoài ra, tôi xin nói thêm một điều nữa, đó là theo nhận xét của chúng tôi,
thì phần lớn người Tây Phương, kể cả Giáo Hoàng, chỉ mới làm quen với hai
môn phái của Phật giáo là “Thiền” là “Mật” trong khi Phật giáo còn hàng chục
môn phái khác nữa. Nay nếu nhìn Phật giáo qua lắng kính của “nhà Thiền” hay
“nhà Mật” thì cũng vẫn còn khiếm khuyết chứ chưa thật có cái nhìn tổng quan
về Phật giáo.
Bây
giờ chúng tôi xin góp ý tiếp về đoạn sau khi Giáo Hoàng nhận xét rằng :
“Buddhism is
in large measure an “atheistic” system” và: “… but what is called Nirvana, a
state of perfect indifference with regard to the world. To save oneself
means, above all, to free oneself from evil by becoming indifferent to the
world, which is the source of evil. This is the culmination of the spiritual
process”.
“Với sự cân
nhắc rộng rãi, Phật giáo là một hệ thống vô thần”, và: “nhưng cái gì gọi là
Niết bàn, là một trạng thái hoàn toàn lãnh đạm với thế giới. Cứu độ chính
mình có nghĩa trên hết là giải phóng khỏi tội lỗi bằng cách trở nên lãnh đạm
với thế giới vốn là nguồn của xấu xa. Đó là cao điểm của diễn tiến tâm linh”.
Trong câu này
có ba ý:
1.
Phật giáo là một hệ thống vô thần.
2.
Niết Bàn là một trạng thái hoàn toàn lãnh đạm với thế giới.
3.
Cứu độ mình bằng cách trở nên lãnh đạm với thế giới.
Đối với người
Việt Nam ta, khi nghe đến hai chữ “vô thần” thì thường rất bị xúc động và
không có ý tốt, đôi khi còn coi như bị thóa mạ. Nhưng “vô thần” mà Giáo
Hoàng dùng đây mang ý nghĩa Triết học, để chỉ là không tin ở Thượng đế,
không tin ở Nhất Thần giáo mà thôi, hay theo Thần học có nghĩa là không tin
ở Thiên Chúa. Nếu hiểu theo nghĩa này thì Giáo Hoàng đã nói đúng. Còn hiểu
theo nghĩa thông thường là không tin có thần thánh thì Đạo Phật thuộc về
quan niệm là có thần thánh tức là “Hữu Thần” chứ không giống Duy vật Vô thần.
Về trạng thái
Niết Bàn, Đức Giáo Hoàng nói là: “a state of perfect indifference with
regard to the world”, nghĩa là: “một trạng thái hoàn toàn lãnh đạm với những
gì thuộc về cuộc đời hay thế giới”, là một định nghĩa hoàn toàn sai. Nó
không những sai cả về ý nghĩa mà còn sai luôn cả về sự diễn tả. Ở đây chúng
tôi không muốn đi vào danh từ, vào định nghĩa Nir là gì, Vana
là gì vì nói như thế là lại rơi vào chỗ hạn hẹp của ngôn ngữ và lại khiến
cho người đọc - chưa bao giờ thực hành - lại rơi vào lý luận và sai lầm. Vì
nó là một trạng thái nên chỉ có “cảm nhận” không có “mô tả”, hơn nữa không
thực hành thì không biết nổi, nói ra chỉ sai thôi!
Tôi xin dẫn ra
đây lời một học giả người Anh là Ngài EDWIN ARNOLD mà người Thiên Chúa giáo
biết rất nhiều qua cuốn thơ “The light of the world” (Ánh sáng của thế giới)
nói về Đạo Thiên Chúa. Nhà học giả kiêm thi sĩ người Anh đã viết về Niết Bàn
như thế này:
“If any teach
Nirvana is to cease
Say unto such
they lie
If any teach
Nirvana is to live
Say unto such
they err”
From a
metaphysical standpoint Nirvana is deliverance from suffering.
From a
psychological standpoint Nirvana is the eradication of egoism.
From an
ethical standpoint Nirvana is the destruction of lust, hatred and ignorance.
Nghĩa là :
“ Nếu có ai
dạy Niết Bàn là sự chấm dứt,
Bạn hãy nói
rằng người ấy dối ta.
Nếu có ai dạy
Niết Bàn là đang sống đó,
Bạn hãy nói
rằng người đó sai lầm.”
Về phương diện
siêu hình, Niết Bàn là sự giải thoát khỏi khổ đau,
Về phương diện
Tâm Lý, Niết Bàn là nhổ bỏ lòng ích kỷ,
Về phương diện
Đạo đức, Niết Bàn là phá tan Tham-sân-si.
Sir Edwin
Arnold là một người Thiên Chúa giáo Anh quốc nói về Niết Bàn như trên, đã đủ
để bổ túc thêm những thiếu sót trong định nghĩa hoàn toàn phiến diện hoàn
toàn lý luận của Giáo Hoàng. Sau cùng, theo chỗ chúng tôi được biết thì tùy
theo mức độ tu tập của mỗi người, sẽ có cảm nhận khác nhau, nhưng tổng quát
có thể nói Niết Bàn là một trạng thái an lạc, tự tại, sáng suốt và giải
thoát mà chỉ những ai có thực hành mới hiểu và đạt được.
Nói đến điểm:
“Muốn tự độ, giải thoát mọi khổ đau thì phải trở thành lãnh đạm với thế giới
là nguồn của tội lỗi”, theo nhận thức của Giáo Hoàng, thì chúng tôi cũng xin
thưa là Ngài đã quá nặng về phân tích triết học và lý luận, không có một
chút thực nghiệm nào trong này cả, mà Đạo Phật là Đạo thực nghiệm chứ không
phải lý luận, do đó nhận xét này hoàn toàn không đúng với thực tế.
Đạo Phật có
một câu căn bản mà người học Phật và tu hành không ai là không biết, đó là :
“Phật pháp bất lý thế gian giác” có nghĩa là “Giáo lý của đạo Phật không lìa
thế gian để giác ngộ” hay nói một cách khác là “không thể giác ngộ nếu lìa
bỏ thế gian này”. Hơn thế nữa môi trường để người Phật tử tu học chính là
cái xã hội xung quanh mình. Ngoài ra thực tế Đạo Phật lấy Tâm làm gốc với
tinh thần “Nhất thiết duy TÂM tạo” nghĩa là tất cả đều do TÂM, mà muốn thấy
Tâm mình tốt, xấu, rộng, hẹp, mê mờ hay tỉnh giác thì chỉ có thể thấy được
trong sự tiếp xúc giữa mình với xung quanh.
Nói khác đi,
Đạo Phật lấy thế gian làm nơi để chứng nghiệm chân lý, với tinh thần “không
có chúng sanh thì làm sao có Phật” và chính chúng sanh sinh ra Phật vậy.
Từ quan điểm hoàn toàn khác biệt này nên quý vị bên Thiên Chúa giáo, kể cả
chính Giáo Hoàng cũng không thể nào hiểu được Đạo Phật thì làm sao sự nhận
xét và phê bình không phiến diện và thiếu sót! Chúng tôi viết những dòng này
với một sự thông cảm dạt dào chứ không mảy may chê trách. Vì sao? Vì quý vị
theo một nếp suy tư khác, có một quan điểm nhận thức khác nên rất khó hiểu
nhau.
Rồi từ sai lầm
này dẫn đến sai lầm khác, cũng vẫn nằm trong phạm vi tư duy và lý luận. Giáo
Hoàng đã đem ra những nhận xét qua Thánh John Thánh giá và khoa thần bí
Carmelo của dòng nữ tu Carmelite để so sánh với các pháp khổ hạnh và Mật
tông Phật giáo, rồi Ngài kết luận là:
“Khoa thần bí
Carmelo này khởi đầu chính ở điểm mà những suy tư của Đức Phật dừng lại cùng
với những chỉ dẫn tâm linh của Ngài!”
Trong một đoạn
dưới Ngài tiếp:
“… khoa thần
bí Kitô giáo ở mọi thời điểm… đã không bắt đầu với “khai ngộ” hoàn toàn tiêu
cực. Khoa thần bí này không phát sinh từ nhận thức về sự dữ hiện diện trong
việc con người bị ràng buộc vào thế giới qua giác quan, trí thông minh và
tinh thần. Thay vào đó, khoa thần bí Kitô giáo phát sinh từ mặc khải của
Thiên Chúa hằng sống”.
Thú thật rằng,
sau khi đọc xong những nhận xét trên đây của Giáo Hoàng tôi buồn ghê lắm!
Tôi tự nghĩ rằng: “Nếu Giáo Hoàng hiểu Đức Phật như là một nhà tư tưởng hay
một triết gia, lập thuyết để dạy đời, thì đâu còn là “Phật” nữa, và như thế
thì đâu còn cái gì gọi là Đắc “Anuttara- Samyak-Sambodhi” tức là được “Vô
thượng Chánh đẳng Chánh giác”. Lại nữa, nếu Giáo Hoàng hiểu Đạo Phật như một
thứ luận thuyết tiêu cực, đòi hỏi con người ta phải cắt đứt mọi liên hệ với
thế giới về giác quan, về trí thông minh và tinh thần, thì còn gì là Đạo
Phật, và giải thoát là biến con người thành một thứ ROBOT bằng xương, bằng
thịt hay sao?
Ngài đem khoa
thần bí Thiên Chúa giáo ra so sánh với Đạo Phật hay đúng ra với tư tưởng của
Đức Phật nên bảo rằng “Khoa thần bí Carmelite bắt đầu từ chỗ mà những suy tư
của Đức Phật chấm dứt, cùng với những giáo huấn của Ngài về đời sống tâm
linh”. Thế có nghĩa là, theo nhận xét của Giáo Hoàng thì dòng Carmelo đã đi
xa hơn những suy tư của Đức Phật cùng với giáo lý Phật giáo. Chúng tôi không
hiểu rõ “Dòng tu Hành khất” này nên không thể luận bàn, so sánh mà chỉ xin
góp ý về nhận xét của Giáo Hoàng ở điểm “suy tư của Đức Phật chấm dứt”.
Vâng, nếu nói
về mặt Tâm thức thì Ngài đúng, nhưng nếu hiểu về suy tư như Ngài thì sai!
Đức Phật đã chấm dứt suy tư từ lâu, chứ không phải đợi đến khi đi thuyết
pháp dạy đời mới ngừng suy tưởng. Bởi vì sao? Vì suy tư là sản phẩm của ý
thức, và suy tư là “hữu ngã” là “cái Ta” có mặt. Mà muốn đạt “Trí tuệ siêu
việt” thì phải mở cánh cửa “Vô Ngã” mà vào mới có đèn trí tuệ thắp sáng.
Điều này tôi nói ra chắc các nhà Thần học không thể tin và cũng không hiểu
nổi! Và khi đã “Phát Huệ” thì Đức Phật nhìn rõ tất cả cái “Thực tướng” tức
là “cái đúng thật” của muôn sinh, vạn vật. Lúc đó quả thật Ngài không dùng
suy tư và kiến thức để đo lường, phân biệt, mà Ngài dùng Trí tuệ quán chiếu
vạn vật cùng con người và vũ trụ.
Vào cái lúc mà
suy tư dừng lại, thì trí tuệ lại bừng sáng và phát triển, cho nên những giáo
huấn của Đức Phật lại không dừng lại, mà biến hiện ra thiên hình vạn trạng,
để tùy duyên cứu độ chúng sinh nên đời sống tâm linh càng thêm phong phú. Vì
thế cho nên giáo lý của Đức Phật là một vườn hoa muôn màu, ngàn sắc không
thể nào tả được. Do đó khi đem tư tưởng của khoa thần bí Carmelo ra so sánh
với tư tưởng Phật giáo, Giáo Hoàng đã mắc phải hai sai lầm lớn, đó là:
Thứ nhất:
đem tiến trình suy tư của ý thức ra so sánh với Trí Tuệ Phật giáo là loại
kiến thức đã vượt ngoài phạm vi ý thức.
Thư hai:
đem
đường lối một môn phái của Kitô giáo ra so sánh với cả hệ thống giáo lý Phật
giáo với hàng trăm môn phái rồi vội kết luận là “khoa thần bí Carmelot khởi
đầu ở điểm mà suy tư của Đức Phật dừng lại”, như thế Giáo Hoàng đã không
hiểu gì về Phật giáo, ví như một người có sáng kiến ra chợ mua nắm muối biển
bỏ vào ly nước khuấy lên rồi hô to rằng, “Bà con ơi! Đây là nước biển, nước
biển nằm trong ly này và biển chính là đây!” trong khi thực sự người đó chưa
biết biển thế nào.
Tôi nói như
thế để quý vị độc giả hiểu rằng không chỉ đọc vài quyển sách tóm lược và
phân tích những giáo lý căn bản của Phật giáo mà có thể hiểu được Phật giáo.
Nhà học giả người Anh Edward Conze đã bỏ ra 40 năm chỉ để học kinh Bát Nhã
là 1 trong 12 bộ kinh lớn của Phật giáo. Riêng kinh nghiệm bản thân của
chúng tôi cũng như một số bạn bè học Phật, đã vài chục năm, nhưng càng vào
thì càng thấy nhiều hoa thơm cỏ lạ, đồng thời cũng thấy Phật pháp nhiều như
rừng, rộng như biển mà sự hiểu biết của mình chỉ như muối bỏ bể, hơn nữa cứ
càng học thì càng thấy dốt.
Tôi lại được
biết trong Phúc Âm của Thánh John, câu chót có viết: “Còn nhiều việc khác
Chúa Giêsu đã làm mà nếu ghi chép lại từng việc một thì tôi nghĩ cả thế giới
này không đủ chỗ để chứa các sách đã viết ra”. (John 21:25). Ấy là Chúa
Giêsu chỉ đi rao giảng có 3 năm mà Thánh John còn nói thế, vậy mà Đức Phật
đi giảng Đạo 16 lần nhiều hơn Đức Chúa tức là 49 năm thì rừng kinh sách còn
lưu lại nhiều biết chừng nào. Đó là chỉ nói về lượng cho vui mà thôi. Kinh
sách Phật giáo còn lại hiện thời đã bị đốt bỏ đi nhiều qua thời kỳ Thổ Nhĩ
Kỳ cai trị Ấn Độ và thời kỳ Ba La Môn phục hồi ở đó (thế kỷ thứ 9 đến 13).
Trở lại vấn đề
đang bàn giải, tôi đã phân tích, góp ý hầu hết những lời nhận xét của Giáo
Hoàng về Phật giáo. Chiều hướng bài viết của tôi là để giải thích những nhận
xét khiếm khuyết mà Giáo Hoàng nhìn vào Đức Phật và Phật pháp, chứ không
phải để tranh luận về giáo thuyết ai đúng, ai sai. Những trình bày của tôi
là đứng trên vị trí của một Phật tử nghĩ gì và thấy thế nào, qua sự phê phán
về Đạo Phật của Giáo Hoàng. Chúng tôi viết với tinh thần:
-
Đi tìm sự thật và
-
Chuyển hóa nhận thức của người không rõ Phật pháp.
Cho nên tôi
không muốn phê phán về tín lý ở đây để khỏi mang tiếng chủ quan và mất niềm
tin hòa khí vì Đạo Phật vốn là đạo hiếu hòa.
Sau cùng, Giáo
Hoàng đã ngỏ lời cảnh giác riêng với tín hữu Thiên Chúa giáo là:
“Do đó, không
phải là không thích đáng khi cảnh cáo những tín hữu Kitô khi nhiệt thành đón
nhận một vài tư tưởng khởi sự từ các truyền thống tôn giáo Viễn đông - Thí
dụ như những kỹ thuật và phương pháp định tĩnh và thực hành khổ tu. Tại một
vài nơi, những điều này trở thành mốt thời trang và được chấp nhận hơn là
phê phán”.
(For this
reason it is not inappropriate to caution those Christians who
enthusiastically welcome certain ideas originating in the religious
traditions of the Far East - For example, techniques and methods of
meditation and ascetical practice. In some quarters these have become
fashionable and are accepted rather uncritically).
Đọc xong đoạn
này tôi thấy nổi lên hai vấn đề:
1- Ở Âu Châu
ngày nay người ta đang tìm tu theo các phương pháp phát xuất từ các tôn giáo
Đông phương như Thiền, Mật của Phật giáo và Yoga của Ấn Độ giáo, v.v… rất
nhiều, thậm chí đã trở thành phong trào hay mốt thời thượng.
2- Mối quan
tâm của Giáo Hoàng về ảnh hưởng và sự bành trướng của những pháp môn trên
đối với các Kitô hữu, lẽ ra họ phải gạt bỏ hay phê phán chứ không được hoan
hỷ chấp nhận, nên đáng cảnh cáo.
Đoạn cuối của
câu trả lời về Đức Phật này, Ngài có lên án và phê bình về “Phong trào New
Age” hiện đang bành trướng tuy cũng tin Thiên Chúa nhưng đi ngược lại với
tín lý Kitô giáo.
Chúng tôi
không muốn bàn đến hiện trạng của mấy điều vừa nêu trên, vì nó đi ra ngoài
phạm vi của bài này, nhưng thực sự những vấn đề đó đã và đang làm nhứt nhối
Tòa Thánh La Mã không ít !
TÂM SỰ CUỐI
BÀI
Phật giáo với
nhiều tông phái và vô lượng pháp môn nhưng đều nhằm đi đến “Giác Ngộ” và
“Giải thoát”. “Giác Ngộ” có nghĩa là nhìn thấy cái “Đúng là” và “Đang là”
của con người, nhân sinh và vạn vật; còn “Giải thoát” có nghĩa là trút bỏ
được những lo âu, phiền muộn, làm chủ chính mình và tự tại trong cuộc sống.
Chân lý của Đạo Phật là những sự thật ngàn đời rút ra từ cuộc sống. Phật
pháp là những giải pháp cho con người đi vào đời mà vơi đi những khổ đau
trong kiếp sống. Cho nên con đường mà Phật giáo đang đi là con đường mà mọi
người đang bước, vào đời để tìm thấy sự an vui và sự tự do tinh thần ngay
trong môi trường sống. Do đó Phật giáo vì Đời mà có, nên không lìa Đời và
sống mãi với Đời trong suốt quá trình tồn tại của nó.
Tuy nhiên,
theo tiến trình văn minh của nhân loại, cùng với sự đổi thay về thấy biết,
về tri thức và về tâm linh qua mọi thời đại, Phật giáo không đặt ra một ước
lệ, một tín lý nào, để bắt buộc con người phải theo, mà để “tùy duyên giác
ngộ”.
Hôm nay, cũng
trên tinh thần “Tùy duyên” mà chúng tôi viết ra những dòng này, với ý hướng
là cố gắng trình bày một cái nhìn chân thực về Phật giáo để tránh cho người
khác hiểu lệch lạc, phiến diện đối với tín ngưỡng của mình. Những điều tôi
viết ra đây để gởi đến những người bạn, ở các tôn giáo khác, để mong tìm ở
quý vị một sự cảm thông đầy thân ái. Tôi cũng viết ra cho chính những người
bạn đạo của tôi, để củng cố niềm tin với nhau để vững vàng nắm tay tiến bước
trên con đường đang cùng nhau đi tới.
Đối với Giáo
Hoàng John Paul II, Người được cả thế giới tôn trọng do địa vị là người lãnh
đạo một tôn giáo lớn trên địa cầu, tôi quý trọng Ngài ở chỗ: Ngài là người
can đảm, thẳng thắn và rất nhiệt tình. Tôi nhận thấy Ngài đã có hai điều can
đảm lớn:
1- Ngài là
người chính thức và đầu tiên đứng đầu Giáo Hội La Mã, đã công khai xác nhận
sự sai lầm của Giáo Hội, từ đời đức Giáo Hoàng URBANS VIII (1623 - 1644) vaò
thế kỷ thứ 17, về vụ “GALILEO GALILEI” (1564 - 1642) một nhà thiên văn học Ý
đã bị tòa án dị giáo của tòa thánh xử tội cấm cố cho đến chết, chỉ vì dám
nói là: “Trái đất tròn và xoay quanh mặt trời” trái với Thánh Kinh là
“Trái đất vuông và mặt trời do Chúa sinh ra cho địa cầu này, nên phải xoay
quanh trái đất !”. Từ thời Kha Luân Bố người ta đã biết được địa cầu đúng là
hình tròn và điều mà nhà thiên văn học Galilei tìm ra rất đúng. Vậy mà trải
qua gần 4 thế kỷ (vụ xử Galilei ngày 22 tháng 6 năm 1663) qua 26 đời vị Giáo
Hoàng, chưa vị nào dám công khai xác nhận sự sai lầm này.
2-
Vào ngày 14 tháng 11 năm 1994, trong một lá thư mục vụ gửi cho các giáo hữu
của Ngài, Ngài đã nói: “Để bước vào thiên niên kỷ mới năm 2000 - giáo hội
Kitô La Mã phải biết dọn mình xưng tội” (To enter new millennium, Pope says,
church must confess) và Ngài viết thế này:
“Một
chương đau đớn khác của lịnh sử mà những người con cái Chúa không thể không
nhìn lại với nổi niềm ăn năn đó là qua nhiều thế kỷ đã tán thành sự thiếu
khoan dung và đôi khi dùng cả bạo lực để phụng sự chân lý”.
“Another painful chapter of history to which the sons and daughters of the
church must return with a spirit of repentance is that of the acquiescence
given, certainly in certain centuries, to intolerace, and even to the use of
violence in the service of the truth). (Trích L.A. Times ngày 15-11-1994).
Ở
đây ý Ngài muốn nói đến bảy cuộc chiến tranh Thập tự giữa Kitô giáo La Mã
với Hồi giáo, và các Vua chúa không thần phục Tòa Thánh kéo dài suốt từ thế
kỷ 11 đến thế kỷ 15 (1095 đến 1453) đã giết hại biết bao dân lành vô tội và
khiến bao nhiêu thanh niên Kitô giáo phải hy sinh chỉ vì quyền lực của Giáo
Hội La Mã dưới danh nghĩa “Bảo vệ Chân lý”.
Tờ Los Angeles
Times viết :
“Trong thiên niên kỷ này, với cuộc chiến tranh Thập tự quân, với những vị
Giáo Hoàng phóng đãng và ham mê quyền lực đã tạo nên sự nổi dậy của Tin Lành,
việc thành lập các tòa án dị giáo là những trang sử đen tối của Giáo hội”.
(In
this millennium, the warmongering crusades, dissolute popes who lust for
power fueled Protestant revolt, and the selfconsuming courts of Inquisition
are all the dark pages in church histoy).
Khi Giáo Hoàng khuyên nhủ giáo dân nhìn về quá khứ để thấy lỗi lầm của Giáo
hội mà ăn năn, xưng tội, lại một lần nữa tỏ ra Ngài can đảm nhận những sai
lầm từ trước của Giáo hội. Tôi vẫn gọi hai điều đó là can đảm dù hai điều
này là hai điều hiển nhiên ai cũng biết rồi. Còn về điểm “thẳng thắn và
nhiệt tình”, Ngài đã chấp nhận đối thoại với chính những tín hữu của mình và
thẳng thắn trình bày ý kiến, không che dấu, do đó mới có cuốn Bước Qua
Ngưỡng Cửa Hy Vọng này, và mới có đề tài cho chúng tôi góp ý hôm này.
Cũng vì nhìn thấy tinh thần cởi mở của Giáo Hoàng Kitô Paul II và học hỏi ở
sự thẳng thắn của ý giả Vittorio Messori, người đứng ra đặt các câu hỏi đôi
khi rất trắng trợn - làm sườn cho cuốn sách này, nên chúng tôi cũng mạnh dạn,
không ngần ngại thẳng thắn trình bày quan điểm của mình với sự góp ý rất
trung thực và đầy thiện chí.
Ngôn từ thì thường rất giới hạn nên thật ra sự trình bày của chúng tôi cũng
chưa nói lên hết được ý mình, lại nữa, người đọc cũng hiểu theo ý họ, nên
đôi khi không đúng như ý người viết muốn phát biểu.
Nhưng, dù sao đi nữa, chúng tôi cũng muốn nói lên ở đây một tinh thần đối
thoại bình đẳng và thành khẩn giữa hai tôn giáo. Và, với “MỘT NIỀM TIN VÀ HY
VỌNG”, chúng ta - các bạn và chúng tôi – sánh vai, cùng song song bước vào
thế kỷ 21, một thế kỷ của Tâm linh và Tiến bộ, bằng niềm tin tưởng vào con
đường mình đang đi và với hy vọng đem nhân loại và thế giới này vào một kỷ
nguyên của tình thương và ánh sáng, của Hạnh phúc tràn đầy.
Để
kết thúc bài viết này, chúng tôi xin trích dẫn ra đây lời dịch từ tấm bia ở
Sarnath của Đại đế Asoka nước Ấn Độ khoảng 250 năm trước Tây lịch, để lại
cho hậu thế như sau:
“ Ta không nên chỉ tôn vinh tôn giáo riêng của mình và chỉ trích các tôn
giáo khác, mà ta nên kính trọng các tôn giáo khác vì lý do này hay lý do nọ.
Làm vậy, ta đã giúp cho chính tôn giáo mình phát triển và cũng đồng thời hỗ
trợ những tôn giáo khác. Hành động ngược lại chính là ta đã tự đào huyệt
chôn tôn giáo mình và cũng gây hại cho những tôn giáo khác. Bất cứ ai tôn
vinh tôn giáo mình và chỉ trích tôn giáo khác, tưởng như vậy là sùng bái tôn
giáo mình, nghĩ là đã “Tuyên dương tôn giáo mình”. Nhưng, ngược lại làm như
vậy là đã gây tổn thương nặng nề cho tôn giáo mình. Nên hòa thuận thì tốt:
Hãy lắng nghe tất cả và sẵn sàng nghe các học thuyết của các tôn giáo khác
với thiện chí”.
(One should not honour only one’s own religion and condemn the religions of
others, but one should honour others religions for this or that reason. So
doing, one helps one’s own religions to grow and renders service to the
other religions too. In acting otherwise one digs the grave of one’s own
religion and also does harm to other religions. Whosoever honours his own
religion and condemns other religions, does so indeed through devotion to
his own religion thingking “I will glorify my own religion”. But on the
contrary, in so doing he injuries his own religion more gravely. So concord
is good: let all listen, and be willing to listen to the doctrines professed
by others). (Trích trong cuốn: “Buddhism in the eyes of intellectuals” của
Ven. Dr.K.Sri. DHAMANADA).
Đọc xong những lời để lại trong bia đá của tiền nhân, tôi tự hỏi chúng ta,
những kẻ hậu sinh, đã làm được điều mà người xưa nhắc nhở chưa? Tôi lại cảm
thấy rất là xốn xang, nếu trong bài viết này của tôi, có chút gì tôn vinh
Tôn giáo của mình!
Sau cùng, tôi
lại nhắc đến lời Chúa Kitô dạy:
“
Nếu bị người ta vả má phải thì hãy giơ má trái ra nữa.
Nếu ai muốn
kiện con để lấy áo trong, hãy trao cả áo ngoài cho kẻ ấy!”
(Mathieu 5:39-40)
(Mathieu 5:39-40)
Khiến tôi càng thấy não lòng! Thì ra, ngày nay các con của Chúa đã quên mất
lời Chúa dạy lâu rồi! Và hỏi rằng: “Đã có ai thực hiện điều này chưa nhỉ?”
Điều thiện này, không phải chỉ dành riêng cho những người theo Thiên Chúa
giáo, mà là cho tất cả mọi người không phân biệt tôn giáo, chủng tộc, màu da
và xứ sở…
Tôi nhìn thấy khổ đau của con người ngày càng lớn, tội lỗi ngày một nhiều mà
lòng tôi rớm máu! Trong cơn nức nở tràn dâng này, tôi nghe văng vẳng đâu đây
những tiếng: “NIỀM TIN và HY VỌNG! NIỀM TIN và HY VỌNG!...”
Sách Việt tham khảo:
-
Giáo Lý Công
Giáo
(Hoài Chiêu và
N.K. Chuyên dịch)
-
Kinh Thánh Tân
Ước
(Đức Hồng Y
Trịnh Văn Căn dịch)
-
Nguyệt san
Hiệp Nhất
(số 24 và 27)
Sách tiếng Anh
tham khảo:
-
A Concise
History of the Catholic Church,
by Thomas Bokenkotter.
-
Christian
Theology since 1600,
by H. Cunlife-Jones
-
Our Christian
Heritage,
by Powel Mills Dawley
-
The Essence of
Christianity,
by Ludwig Feuerbach
-
A Buddhist
critique of the Christian Concept of God,
by Gunapala Dharmasiri.
-
Buddhism in a
Nutshell,
by Narada Thera
-
The Buddha,
his life retold,
by Robert Allen Mitchell
-
Crossing the
Threshold of Hope,
và bản dịch tiếng Việt của NXB Thăng Tiến.
-
Buddhism in
the Eyes of Intellectuals,
by Ven.Dr.K.Sri.
Dhamananda.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét