Nguồn: Hyoung-kyu Chey (2013). “Can the Renminbi Rise as a Global Currency? The Political Economy of Currency Internationalization”, Asian Survey, Vol. 53, No. 2 (March/April), pp. 348-368.
Biên dịch: Hà Thị Thu Hà | Hiệu đính: Nguyễn Hoàng Mỹ Phương
Do quyền lực chính trị quốc tế và nền kinh tế của Trung Quốc chưa đủ mạnh, cho nên ít nhất trong thời gian tới, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc chưa chắc đã thay thế được đồng đô la Mỹ để trở thành đồng tiền quốc tế hàng đầu, tuy nhiên trong chừng mực nào đó, nó có thể phát triển thành đồng tiền châu Á.
Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-09, chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu đẩy mạnh quốc tế hóa đồng nhân dân tệ (NDT).[1] Việc làm được chú trọng đầu tiên là tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng đồng NDT trong thương mại quốc tế và phát triển một thị trường đồng NDT ở nước ngoài tại Hồng Kông.[2] Ví dụ, Bắc Kinh đã cho phép sử dụng đồng NDT trong thanh toán thương mại xuyên biên giới, thiết lập các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương với 19 quốc gia/vùng lãnh thổ (bắt đầu từ tháng 2/2013) và cho phép phát hành trái phiếu định danh bằng NDT còn gọi là trái phiếu “dim sum” tại Hồng Kông.[3]
Hơn nữa, chính phủ Trung Quốc đã cho phép các ngân hàng ở nước ngoài chuyển đồng NDT qua lại lẫn nhau nhằm mở đường cho việc tạo ra các sản phẩm tài chính định danh bằng NDT. Trung Quốc cũng cho phép ngân hàng trung ương nước ngoài giao dịch hoán đổi tiền tệ với Trung Quốc và các ngân hàng nước ngoài tham gia thanh toán thương mại xuyên biên giới bằng đồng NDT để đầu tư vào thị trường trái phiếu liên ngân hàng của Trung Hoa đại lục, mở ra nhiều cơ hội đầu tư cho những nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ đồng NDT. Bắc Kinh cũng cho phép nước ngoài trực tiếp đầu tư vào đại lục (FDI) bằng đồng NDT thu được từ nước ngoài. Cuối cùng, Bắc Kinh cũng đã bắt đầu cung cấp viện trợ nước ngoài bằng đồng NDT.
Gần đây, những nỗ lực của chính phủ Trung Quốc đối với việc quốc tế hóa đồng NDT đã bắt đầu gặt hái được những kết quả ý nghĩa. Chẳng hạn như lượng giao dịch thương mại xuyên biên giới dùng đồng NDT đã tăng vọt từ 3,6 tỷ NDT (530 triệu đô la) trong nửa cuối năm 2009 lên 312,6 tỷ NDT (46,9 tỷ đô la) trong quý IV năm 2010, quý I năm 2011 có khoảng 7% tổng giá trị thương mại quốc tế của Trung Quốc là dùng đồng NDT, một bước nhảy vọt so với chỉ 1% của năm trước đó. Tiền gửi bằng đồng NDT tại ngân hàng và phát hành trái phiếu dim sum tại Hồng Kông cũng tăng đột biến, từ 64 tỷ NDT (9,37 tỷ đô la) giữa tháng 1/2010 tăng lên 609 tỷ NDT (95,35 tỷ đô la) vào tháng 8/2011, và từ 16 tỷ NDT (2,34 tỷ đô la) năm 2009 tăng lên 35,7 tỷ NDT (5,28 tỷ đô la) vào năm 2010. Đồng NDT trong “miếng bánh” doanh số của thị trường ngoại hối toàn cầu tăng gần gấp đôi trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến năm 2010, mặc dù vẫn chỉ chiếm 0,9%.[4]
Trong khi đó, sức hấp dẫn nội tại về mặt kinh tế của đồng đô la Mỹ – với vai trò là đồng tiền quốc tế – đã giảm đi đáng kể kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, chủ yếu là do chính sách nới lỏng tiền tệ và tài khóa của Mỹ nhằm phục hồi nền kinh tế đã làm xói mòn niềm tin dài hạn của nước ngoài về đồng đô la.[5] Sức hấp dẫn của đồng euro – đối thủ tiềm năng mạnh nhất của đồng đô la – cũng đã bị hoen ố nghiêm trọng bởi cuộc khủng hoảng nợ châu Âu. Trong bối cảnh đó, việc quốc tế hóa đồng NDT đã và đang thu hút rất nhiều chú ý và do những tác động kinh tế chính trị quan trọng đối với cả Trung Quốc và các quốc gia trên thế giới mà việc quốc tế hóa này đã trở thành vấn đề trung tâm liên quan đến tương lai của hệ thống tiền tệ toàn cầu.
Những lợi ích tiềm tàng chính về mặt kinh tế mà Trung Quốc dự kiến đạt được từ việc quốc tế hóa đồng NDT bao gồm lợi ích từ việc in tiền trên phạm vi quốc tế;[6] khả năng chi trả cho sự thâm hụt của cán cân thanh toán (nếu có phát sinh) bằng chính đồng NDT và tiếp theo là mở rộng tính linh hoạt của kinh tế vĩ mô; giảm rủi ro của hiện tượng chênh lệch tiền tệ (currency mismatch); lợi nhuận kinh doanh cho các tổ chức tài chính trong nước xuất phát từ lợi thế cạnh tranh do giao dịch bằng đồng NDT; chuyển rủi ro tỷ giá hối đoái từ các công ty trong nước sang các đối tác nước ngoài; tăng sức mua của người tiêu dùng trong nước bằng việc tăng giá trị của đồng NDT do khả năng chấp nhận rộng rãi của chúng.[7]
Hơn nữa, việc quốc tế hóa đồng NDT cũng có thể củng cố thêm quyền lực chính trị của Trung Quốc. Về lợi ích trong nước, Trung Quốc có thể tăng cường sự tự chủ chính sách của quốc gia khỏi ảnh hưởng của thị trường bởi việc quốc tế hóa sẽ giúp Bắc Kinh tăng cường khả năng tránh được gánh nặng của việc điều chỉnh tình trạng mất cân bằng thanh toán.[8] Quyền tự chủ của Trung Quốc so với các quốc gia khác cũng có thể được tăng cường bởi việc sử dụng đồng tiền của chính đất nước mình trong các hoạt động giao dịch kinh tế quốc tế, giúp nước này bớt phụ thuộc vào ngoại tệ, qua đó giảm ảnh hưởng của nước ngoài. Việc sử dụng đồng NDT trên toàn cầu cũng có khả năng giúp Trung Quốc nâng cao quyền lực đối với các nước khác, gia tăng “quyền lực cứng” nhằm ép buộc các quốc gia đang phụ thuộc vào đồng NDT trong các hoạt động kinh tế quốc tế phải chấp nhận trao cho Trung Quốc quyền ảnh hưởng hoặc lợi thế chính trị quan trọng.[9] Việc quốc tế hóa
đồng NDT cũng có thể tăng cường quyền lực cấu trúc (structural power – tức quyền lực được định hình và lan tỏa thông qua cấu trúc hệ thống quốc tế nhờ vị thế ưu việt của một quốc gia trong hệ thống đó – NBT) của đất nước: chẳng hạn như sự phụ thuộc của nước ngoài vào đồng NDT có thể làm thay đổi nhận thức của nước đó về lợi ích riêng của họ theo hướng có lợi cho Trung Quốc, khiến họ tự thấy có lợi ích trong việc giúp ổn định đồng NDT.[10] Hơn nữa, việc sử dụng đồng NDT trên toàn cầu cũng giúp Trung Quốc tăng cường quyền lực mềm – khả năng đạt được những gì quốc gia này mong muốn thông qua thuyết phục hoặc thu hút hơn là việc sử dụng biện pháp ép buộc hoặc mua chuộc. Từ lâu tiền tệ đã được xem là biểu tượng hữu hình của chủ quyền, việc sử dụng tiền tệ rộng khắp thế giới đã nói lên một điều rằng quốc gia phát hành đống tiền đó đã nâng cao được vị thế của mình trên trường quốc tế.[11]
Liệu đồng NDT có thực sự trở thành đồng tiền toàn cầu? Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều nghiên cứu đã có thể trả lời cho câu hỏi này.[12] Tạm đặt những phân tích trên báo chí sang một bên, phần lớn các nghiên cứu hàn lâm nghiêm túc có cái nhìn thận trọng hoặc bi quan về khả năng này. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, có nhiều quan điểm lạc quan xuất hiện. Ví dụ, báo cáo hàng năm của Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ – Trung năm 2011 gửi tới Quốc hội Mỹ đã cho thấy rằng “có lẽ trong vòng 5 đến 10 năm tới việc đồng NDT có thể tạo ra những thách thức cho đồng đô la dường như không còn khó tưởng tượng nữa”.[13] Trong khi đó, nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Trung ương châu Âu cho biết hệ thống tiền tệ quốc tế chính là hệ thống tiền tệ ba cực, trong đó đồng NDT chiếm một cực và hai cực còn lại là đồng đô la và đồng euro.[14]
Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu đó đều có cùng một hạn chế quan trọng bất kể là quan điểm tiêu cực hay tích cực về việc quốc tế hóa đồng NDT – đó là các nhà nghiên cứu hầu như chỉ xem xét vấn đề từ góc độ kinh tế mà ít chú ý đến các vấn đề chính trị.[15] Theo những chi tiết ở trên thì thật kì lạ khi vấn đề chính trị đã không được đề cập tới vì những tiến bộ vượt bậc gần đây trong việc quốc tế hóa đồng NDT phần lớn là kết quả của các chính sách tích cực của chính phủ Trung Quốc. Trên thực tế, quốc tế hóa tiền tệ chủ yếu là các vấn đề kinh tế chính trị, thành công hay thất bại của công cuộc này chịu ảnh hưởng không chỉ của nhân tố kinh tế mà còn cả nhân tố chính trị nữa. Để tin cậy hơn nữa thì việc phân tích tính khả thi của việc quốc tế hóa đồng NDT nên cân nhắc kĩ lưỡng cả điều kiện chính trị lẫn điều kiện kinh tế.[16]
Bài nghiên cứu này hướng sự chú ý đến vai trò của một nhân tố chính trị mang tính hệ thống đặc biệt: quyền lực chính trị quốc tế. Quyền lực chính trị quốc tế của một nước có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng đồng tiền của nước đó trên phạm vi quốc tế bằng cách ảnh hưởng tới sự tín nhiệm của nước ngoài về đồng tiền đó. Đây là một trong những đặc tính kinh tế cốt lõi của đồng tiền quốc tế. Quyền lực chính trị toàn cầu không chính thức của quốc gia phát hành tiền cũng có thể thúc đẩy trực tiếp việc sử dụng đồng tiền của quốc gia đó ở phạm vi quốc tế bằng cách tích cực khuyến khích các quốc gia khác sử dụng đồng tiền đó thông qua việc cung cấp các hỗ trợ về mặt quân sự, ngoại giao hoặc kinh tế, thậm chí là ép buộc. Hoặc quốc gia phát hành tiền có thể tự nguyện cung cấp các ưu đãi cho các quốc gia khác nhằm củng cố mối quan hệ thông qua việc sử dụng ngày càng nhiều đồng tiền của quốc gia đó. Về mặt này, nếu như trong tương lai gần quyền lực chính trị toàn cầu của Mỹ tiếp tục vượt qua Trung Quốc thì việc mở rộng phạm vi sử dụng đồng NDT có thể sẽ gặp nhiều khó khăn.
Việc quốc tế hóa đồng NDT chắc hẳn cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi nhân tố kinh tế. Và về mặt này, trái ngược với lý giải thông thường, bài nghiên cứu này không coi mức độ tự do hóa tài chính thấp hiện nay ở Trung Quốc, bao gồm việc tài khoản vốn không được tự do chuyển đổi, là vấn đề lớn nhất cản trở quá trình quốc tế hóa đồng NDT. Tuy nhiên, phân tích của tôi cho rằng quy mô kinh tế còn hạn chế của Trung Quốc dù tăng trưởng đáng kể trong suốt các thập niên vừa qua cũng như các kênh cung cấp đồng NDT cho thế giới vẫn còn hạn hẹp sẽ có khả năng gây ra những trở ngại kinh tế quan trọng cho việc sử dụng đồng NDT trên toàn cầu. Cuối cùng, bài nghiên cứu này cho thấy trong tương lai gần, đồng NDT dường như không có khả năng thay thế đồng đô la để trở thành đồng tiền quốc tế hàng đầu. Tuy nhiên, bài viết lập luận rằng trong chừng mực nào đó, đồng NDT có thể phát triển thành đồng tiền khu vực của châu Á bởi Trung Quốc có sức ảnh hưởng lớn trong khu vực này.
Phần còn lại của bài nghiên cứu này được tổ chức như sau. Đầu tiên, tìm hiểu các nhân tố kinh tế sau đó là nhân tố chính trị có thể ảnh hưởng đến việc quốc tế hóa đồng NDT, qua đó đánh giá tính khả thi của quá trình này ở phạm vi toàn cầu. Sau đó, bài nghiên cứu xem xét tính khả thi của việc quốc tế hóa đồng NDT ở phạm vi châu Á. Phần cuối cùng là kết luận.
Điều kiện kinh tế tác động đến quá trình quốc tế hóa đồng NDT
Mặc dù nỗ lực quốc tế hóa đồng NDT của chính phủ Trung Quốc có thể là một nhân tố ảnh hưởng đến thành công hay thất bại của kế hoạch nhưng bản thân nó không đảm bảo chắc chắn cho thành công. [17] Quốc tế hóa tiền tệ là một quá trình phức tạp chịu ảnh hưởng bởi các nhân tố khác nhau. Từ lâu, các chuyên gia kinh tế đã đề cập đến một danh sách các nhân tố kinh tế ảnh hưởng đến quốc tế hóa tiền tệ.
Các nhân tố này có thể chia thành hai nhóm chính, đó là sự tin cậy và tính tiện lợi – trong đó những nhân tố ảnh hưởng đến tính tiện lợi bao gồm 2 nhóm con, đó là tính thanh khoản và mạng lưới giao dịch.[18] Sự tin tưởng vào tính ổn định giá trị của đồng tiền là cần thiết đối với việc sử dụng tiền tệ trên toàn cầu vì tính không ổn định giá trị của đồng tiền sẽ làm tăng thêm rủi ro trong việc nắm giữ đồng tiền đó và theo đó cũng làm giảm sức hút của vai trò lưu trữ giá trị của đồng tiền. Độ tin cậy vào một đồng tiền có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố như chính sách tài khóa và tiền tệ của chính phủ, tài khoản vãng lai của quốc gia phát hành tiền và tình trạng nợ ròng, tất cả những nhân tố này đều ảnh hưởng đến khả năng trả nợ quốc gia.[19] Ngoài ra, thanh khoản cũng là điều kiện kinh tế quan trọng đối với việc sử dụng đồng tiền rộng khắp thế giới bởi các quốc gia sử dụng đồng tiền quốc tế luôn luôn nắm giữ nó dưới dạng tài sản sinh lợi, có tính thanh khoản hơn là nắm giữ chính đồng tiền đó. Hơn nữa, sự tồn tại các thị trường tài chính mở và phát triển tốt tại quốc gia phát hành tiền là điều quan trọng đối với việc sử dụng đồng tiền quốc tế: các thị trường tài chính này giúp giảm chi phí giao dịch.[20] Trong nền kinh tế toàn cầu, việc sử dụng đồng tiền quốc tế chịu ảnh hưởng bởi quy mô mạng lưới giao dịch của quốc gia phát hành tiền bởi lợi ích của việc sử dụng một đồng tiền cụ thể sẽ gia tăng cùng với số lượng các bên khác sử dụng tiền tệ do các tác nhân bên ngoài mạng lưới, cũng tương tự như việc toàn cầu sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chung.[21] Vì vậy, các nhân tố quyết định sự hội nhập của quốc gia phát hành tiền vào nền kinh tế toàn cầu, chẳng hạn như quy mô nền kinh tế và tỉ trọng trong thương mại quốc tế, sẽ ảnh hưởng tới việc sử dụng đồng tiền quốc tế.[22]
Hơn nữa, có tranh luận cho rằng các tác nhân bên ngoài mạng lưới đã sinh ra sức ỳ và tính phụ thuộc vào thói quen trong việc chọn lựa sử dụng đồng tiền quốc tế và vì vậy, tạo ra lợi thế cho đồng tiền quốc tế chiếm ưu thế. Tuy nhiên, một vài nghiên cứu gần đây cho rằng ảnh hưởng của các tác nhân bên ngoài mạng lưới lên việc lựa chọn đồng tiền quốc tế là yếu, cho thấy đồng bảng Anh, đồng franc Pháp và đồng mác Đức đã chia sẻ vai trò là đồng tiền dự trữ trong những năm 1910, còn đồng bảng Anh, đồng đô la và đồng franc cũng đảm nhận vai trò đó vào những năm 1920 và 1930.[23]
Trong số các điều kiện kinh tế liên quan đến quá trình quốc tế hóa đồng NDT, phần lớn các nghiên cứu có khuynh hướng đánh giá độ tin cậy của giá trị đồng NDT và mạng lưới giao dịch sẽ tạo nhiều thuận lợi cho việc quốc tế hóa đồng NDT, nhưng nhấn mạnh tính thanh khoản thấp của tiền tệ – cụ thể là việc tài khoản vốn không được tự do chuyển đổi và tình trạng kém phát triển của thị trường tài chính Trung Quốc sẽ là những trở ngại cơ bản.[24] Tương tự, việc các thị trường tài chính tại Nhật Bản và Đức được điều tiết chặt chẽ thường được cho là vấn đề chính ngăn cản quốc tế hóa đồng tiền yên và đồng mác Đức.[25] Hơn nữa, nhiều nghiên cứu vẫn còn hoài nghi về khả năng tự do hóa tài chính của Trung Quốc trong thời gian tới, vì điều này sẽ yêu cầu loại bỏ mô hình phát triển của Trung Quốc mà trong đó các thành phần chính bao gồm kiểm soát tín dụng và tăng trưởng xuất khẩu.
Khả năng tự do chuyển đổi của tài khoản vốn và tình hình phát triển của thị trường tài chính tại Trung Quốc hẳn có thể sẽ thúc đẩy quá trình quốc tế hóa đồng NDT. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh việc liệu điều kiện thị trường tài chính Trung Quốc gần đây vẫn đang và sẽ là trở ngại quan trọng nhất trong quá trình thực hiện quốc tế hóa đồng NDT hay không. Gần đây, chính phủ Trung Quốc đã lập kế hoạch đưa Thượng Hải phát triển thành trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu đến năm 2020 và cũng trong năm đó đạt được tính có thể chuyển đổi trong tài khoản vốn.[26] Kế hoạch 5 năm 2011-15 của chính phủ đã lần đầu tiên đề ra những biện pháp cụ thể để tăng nhu cầu trong nước, qua đó cho thấy chính phủ Trung Quốc đã sẵn sàng thay đổi mô hình phát triển truyền thống.[27] Mặc dù thay đổi lớn như thế không thể thực hiện được trong vòng một đêm nhưng nó hoàn toàn khả dĩ trong vòng một thập niên. Và về mặt này, đã có một tiền lệ là trong vòng 10 năm sau khi thành lập Cục Dự trữ Liên bang năm 1913, New York đã phát triển thành trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu, một sự quy hoạch cần thiết cho quá trình phát triển của thị trường tài chính Mỹ,[28] và đồng thời, đồng đô la từ vị trí mà trước đó không có sức ảnh hưởng lớn đối với quốc tế đã phát triển thành đồng tiền quốc tế hàng đầu.[29] Thực tế, vào giữa năm 2012, chính phủ Trung Quốc đã công bố kế hoạch thành lập một đặc khu để thử nghiệm việc tự do chuyển đổi tiền tệ tại Thâm Quyến, qua đó cho phép các ngân hàng Hồng Kông có thể cho các khách hàng Trung Quốc đại lục trong thành phố này vay trực tiếp. Kế hoạch này thành công có thể mở rộng khả năng tự do chuyển đổi của tài khoản vốn cho phần còn lại của đại lục.
Trong khi đó, thậm chí nếu thay đổi quan trọng này không được thực hiện thì sự phát triển của thị trường đồng NDT tại Hồng Kông một phần nào đó vẫn có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện quốc tế hóa đồng NDT. Trên thực tế, tự do hóa tài chính có phải là điều kiện tiên quyết cho quốc tế hóa tiền tệ hay không vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi. Trái với những gì chúng ta đã biết, nghiên cứu gần đây của He và McCauley cho rằng tự do hóa hoàn toàn tài khoản vốn không phải là điều kiện cần, cũng không phải là điều kiện đủ để quốc tế hóa tiền tệ. Nghiên cứu cũng rút ra kết luận rằng thị trường ở nước ngoài đang phát triển có thể thúc đẩy quá trình quốc tế hóa tiền tệ, trong khi vẫn cho phép quốc gia phát hành tiền giữ quyền kiểm soát tài khoản vốn của mình.[30] Nghiên cứu nhấn mạnh rằng việc kiểm soát vốn chặt chẽ ở Mỹ vào những năm 1960 và đầu những năm 1970 đã không những không làm giảm sút vai trò quốc tế của đồng đô la, mà phần nào đó còn hỗ trợ sự tăng trưởng của thị trường eurodollar [eurodollar: đô la Mỹ gửi ở các ngân hàng ngoài nước Mỹ, đặc biệt là các ngân hàng Châu Âu - NHĐ], nhờ đó mà đồng đô la có được vị trí thống trị quốc tế như ngày hôm nay. Do đó nỗ lực thử nghiệm của Trung Quốc nhằm đạt được sự quốc tế hóa đồng NDT chủ yếu thông qua thị trường tại Hồng Kông trong khi hạn chế tự do hóa trên đại lục không nên vội vàng bị đánh giá là sẽ thất bại vì thiếu tiền lệ trong lịch sử.[31]
Hơn nữa, một điều đáng chú ý là các tổ chức tài chính Anh đã nỗ lực thuyết phục để London trở thành trung tâm giao dịch đồng NDT ở nước ngoài và gần đây, chính phủ Trung Quốc cùng với chính phủ Anh đã chính thức tuyên bố hỗ trợ cho mục tiêu của họ.[32] Kết quả là vào tháng 2/2013, hai quốc gia đã quyết định thành lập thỏa thuận hoán đổi đồng NDT và đồng bảng Anh trong tương lai không xa.[33]
Tuy nhiên, ngay cả khi các vấn đề về khả năng tự do chuyển đổi của tài khoản vốn và sự phát triển của thị trường tài chính được tạm đặt sang một bên thì những rào cản kinh tế quan trọng khác đối với việc quốc tế hóa đồng NDT vẫn còn tồn tại. Một vấn đề chính đó là quy mô kinh tế của Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc đã đuổi kịp Nhật Bản – nước có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 2010, nhưng tổng sản phẩm trong nước (GDP) tính theo tỷ giá hối đoái thị trường của nền kinh tế Trung Quốc vẫn mới chỉ bằng 1/3 so với nền kinh tế Mỹ. Giả sử trong thập niên tới Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng hàng năm là 7% thì GDP có thể cũng chỉ bằng một nửa của Mỹ tính tới năm 2020.[34] Ngay cả khi đặt ra những giả thuyết có triển vọng hơn thì Trung Quốc vẫn chưa chắc đã trở thành quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới cho tới giữa những năm 2020.[35] Do những hạn chế này nên đồng NDT dường như khó có thể vượt qua được vị trí thống trị của đồng đô la để trở thành đồng tiền quốc tế, đặc biệt nếu chúng ta để ý rằng đồng đô la lên ngôi trở thành đồng tiền quốc tế hàng đầu vào đầu những năm 1910 khi mà quy mô nền kinh tế của Mỹ đã lớn hơn gấp hai lần quy mô của nền kinh tế Anh.
Ai đó có thể chỉ ra rằng quy mô kinh tế của Trung Quốc sẽ tăng lên khi đo lường GDP theo sức mua tương đương (PPP). Và nhận định này chính xác. Tuy nhiên, ngay cả khi sử dụng cách tính GDP theo phương pháp này thì nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2011 cũng vẫn mới ở mức 75% so với nền kinh tế Mỹ. Hơn nữa, GDP tính theo tỉ giá hối đoái thị trường là chỉ số thích hợp hơn để đánh giá các điều kiện kinh tế cho việc quốc tế hóa tiền tệ vì chỉ số GDP này có mối liên hệ chặt chẽ với các giao dịch quốc tế hơn so với chỉ số GDP tính theo sức mua tương đương.[36]
Hơn thế nữa, hiện nay các kênh cung cấp đồng NDT cho thế giới khá khiêm tốn. Đây là vấn đề quan trọng của việc quốc tế hóa đồng NDT bởi vì trước khi sử dụng, các quốc gia khác phải tích lũy đồng NDT. Một kênh cung cấp đồng tiền chính cho thế giới là thông qua thâm hụt tài khoản vãng lai, nhưng Trung Quốc đã liên tiếp có mức thặng dư tài khoản vãng lai khổng lồ. Một quốc gia tất nhiên có thể cung cấp tiền tệ cho thế giới qua kênh trung gian tài khoản vốn, hay nói cách khác là đi vay ngắn hạn và cho vay dài hạn ngay cả khi quốc gia đó vẫn duy trì thặng dư tài khoản vãng lai. Thực tế, Anh và Mỹ đã lần lượt thực hiện chính xác cách này vào trước Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất và giữa thế kỷ 20 – hai nước này đã liên tục thặng dư tài khoản vãng lai.[37] Thực tế kênh tài khoản vốn thích hợp hơn so với kênh tài khoản vãng lai: thâm hụt tài khoản vãng lai của một quốc gia có thể đe dọa lòng tin của các nước khác về đồng tiền của nước đó, do đó sẽ gây bất lợi cho quá trình quốc tế hóa tiền tệ, đặc biệt là trong những giai đoạn đầu tiên. Tuy nhiên, cung cấp đồng NDT thông qua kênh tài khoản vốn chỉ khả thi sau khi Trung Quốc đạt được tính hoán đổi tài khoản vốn đáng kể, thật sự mở cửa và phát triển thị trường tài chính.[38]
Như vậy, cuối cùng thì dường như điều kiện kinh tế không thuận lợi cho quốc tế hóa đồng nhân dân tệ. Không giống với các quan điểm thông thường khác nhấn mạnh vào việc tài khoản vốn không được tự do chuyển đổi và sự kém phát triển của thị trường tài chính Trung Quốc, bài nghiên cứu này tập trung vào quy mô tương đối nhỏ của nền kinh tế Trung Quốc và sự hữu hạn của các kênh cung cấp đồng NDT cho thế giới.
[1] Một đồng tiền được xem là đồng tiền quốc tế khi thực hiện ba chức năng – phương tiện trao đổi, đơn vị đo lường, và nơi lưu trữ giá trị – ở hai cấp độ khác nhau, đối với giao dịch công và tư, nằm ngoài quốc gia của đồng tiền đó. Là phương tiện trao đổi, ở cấp độ tư, đồng tiền quốc tế được sử dụng để thanh toán các giao dịch kinh tế quốc tế, trong khi đó, ở cấp độ công, nó đóng vai trò như một đồng tiền can thiệp của thị trường ngoại hối. Là đơn vị đo lường, ở cấp độ tư, nó được sử dụng trong các giao dịch kinh tế quốc tế hoặc là cái neo để các chính phủ neo đồng tiền của mình vào khi ở cấp độ công. Là nơi lưu trữ giá trị, đối với tư nhân, họ sử dụng đồng tiền quốc tế như tài sản dùng để đầu tư hay đối với chính phủ, họ sử dụng như đồng tiền dự trữ. Số lượng đồng tiền quốc tế có thể thực hiện được tất cả các chức năng này rất hiếm. Hiện nay, trên phạm vi toàn cầu, chỉ có duy nhất đồng đô la Mỹ là đảm nhận được những chức năng đó và đóng vai trò là đồng tiền quốc tế chủ chốt trong nền kinh tế thế giới. Còn một số đồng tiền khác như đồng euro và đồng yên cũng đảm nhận được tất cả những chức năng đó nhưng chúng chỉ được sử dụng hạn chế trong một số khu vực địa lý. Xem Benjamin J. Cohen, The Future of Sterling as an International Currency (London: Macmillan, 1971), pp 28–32.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét