Nói như vậy nghe chẳng có vẻ gì là hòa dịu cả, và câu trả lời của tôi cũng có người khen kẻ chê.
Nhưng đó là sự thật. Thật là không thể hiểu nổi vì sao có một số những người trẻ tuổi được giáo dục bởi những trường giỏi nhất lại chưa bao giờ nghe đến một lý luận súc tích cổ võ cho sự hợp tác tự nguyện của tư nhân? Tôi muốn trình bày ở đây một lý luận mà tôi cho là hữu ích nhất. Khi dùng từ "hữu ích," tôi muốn nói rằng những người nghe lần đầu tiên sẽ cảm thấy bối rối.
"Thị trường" không phải là điểm lý luận
Để bắt đầu, lý luận cổ võ cho sự tự do không phải là lý luận cổ võ cho "thị trường." Cặp đối lập nhị phân: thị trường - nhà nước là một tư tưởng được những nhà xã hội học người Đức trong thế kỷ 19 tưởng tượng ra. Đừng bận tâm đến sự phân biệt này; nó là một cái áo dành cho người điên trói chặt ta trong những mỹ từ, và nó chẳng phải là điều lý luận tốt nhất của chúng ta.
Vấn đề ở đây là làm thế nào để đạt được vô số những lợi ích mà sự hợp tác tư nhân tự nguyện, được viết tắt thành HTT, mang lại. Thị trường chỉ là một phần của HTT, một cách thức hữu dụng để đạt đến thịnh vượng, trong số những sự sắp xếp xã hội khác đang hiển hiện quanh ta-được nhận định đúng đắn hơn dưới cái nhãn hiệu chung "xã hội"-cũng quan trọng cho sự thịnh vượng.
Lý luận đầu tiên mà tôi vẫn thường nghe, nhất là từ những người mới nghe về HTT lần đầu như thế này: "Nếu thị trường hay ho như vậy, tại sao phần lớn thế giới vẫn nghèo?" Cái vấn nạn về sự nghèo khó không phải là điều cần được giải thích. Nghèo khó xảy ra khi những nhóm người không đạt được sự hợp tác, hay bị cản trở không cho hợp tác. Sự hợp tác nằm sẵn trong "gien" của chúng ta; khả năng sống thành xã hội là phần lớn nhất khiến cho con người trở nên người. Phải có những tác nhân đầy quyền lực như nhà nước, hay những sự tình cờ ác nghiệt như những sự xung đột, thù hằn chủng tộc hoặc lịch sử, mới có thể ngăn cản con người không hợp tác với nhau. Hãy nhìn ra xung quanh, bất cứ ở đâu mà người ta sống sung túc, đó là nhờ người ta hợp tác với nhau, làm việc với nhau. Nếu người ta bị nghèo khó đến mức thê thảm, đó là vì người ta đã bị khước từ những phương tiện để hợp tác, và [không có] những định chế nhằm giảm những chi phí giao dịch của sự hợp tác tư nhân tự nguyện và tự phát.
Vì thế hãy quên chuyện giải thích sự nghèo khó đi. Điều ta cần chú trọng là hiểu cho rõ thịnh vượng là như thế nào.
Có hai lý do khiến HTT trở thành cốt lõi của sự thịnh vượng và phát triển của con người.
1. Trao đổi và hợp tác: Nếu tôi với bạn mỗi người có một trái cây: một trái táo và một trái chuối, và nếu tôi thích món bánh táo còn bạn thích bánh chuối kem, thì cả hai chúng ta đều có thể cải thiện tình trạng của mình bằng sự hợp tác. Tôi đưa cho bạn trái chuối, bạn đưa cho tôi trái táo, và thế giới trở thành một chốn tốt đẹp hơn. Và thế giới tốt đẹp hơn ngay cả khi không có sự thay đổi nào về tổng số kích thước của những cái bánh chúng ta làm. Số lượng táo và chuối vẫn như vậy, nhưng cả hai chúng ta mỗi người đều vui vẻ hơn.
Nhưng không có lý do gì để ta phải "mê say" sự trao đổi (theo kiểu cặp đối lập nhị phân thị trường-xã hội/nhà nước). Tư tưởng trọng tâm của James Buchanan,[3] nhà kinh tế học đoạt giải Nobel, là những hình thái hợp tác của những nhóm người cũng mang tính chất chính trị như trao đổi [hàng hóa]. Những hình thức trao đổi phi-thị trường, mà qua đó ta hợp tác để đạt được những mục đích mà tất cả cùng thấy là mang lại lợi ích hỗ tương, có lẽ còn quan trọng hơn những trao đổi trong thị trường. [Thí dụ như] kết hợp lại với nhau để có sự bảo vệ tập thể và tận dụng sự thuận lợi của những định chế đang hiện hữu như ngôn ngữ, quyền tư hữu, và tiền tệ, đều là những khí cụ rất lợi hại của HTT.
Nếu ta hợp tác, ta có thể sử dụng những tài nguyên đang có hữu hiệu hơn rất nhiều bằng cách tái phối trí những nguồn tài nguyên này để sản xuất ra những thứ có ích, có giá trị và ta cần hơn. Thành thử, ngay cả khi ta chỉ nghĩ về sự hợp tác theo cái nghĩa tĩnh của nó, như một cái bánh cố định, thì ta thấy mọi người đều khá hơn nhiều nếu hợp tác với nhau. Sự hợp tác chỉ là một hình thức chia sẻ, với điều kiện là mọi cách hợp tác phải là tự nguyện. Cách duy nhất mà bạn và tôi cùng đồng ý với một phương cách hợp tác mới là khi mỗi người trong chúng ta đều trở nên khá hơn.
2. Lợi thế tương đối/phân chia lao động: Tuy nhiên, ta không cần phải hài lòng với việc dùng cái bánh cố định đó làm sao cho tốt hơn. Cùng làm việc với nhau và trở nên lệ thuộc vào nhau, ta có thể làm cho cái bánh to hơn. Chẳng có lý do gì để nghĩ rằng mỗi người trong chúng ta chỉ thích hợp nhất để làm một công việc mà ta thích. Và ngay cả khi điều này đúng, ta có thể sản xuất nhiều hơn bằng cách làm việc cùng nhau.
Hãy nhớ rằng tôi thích táo và bạn thích chuối. Nhưng tôi sống ở vùng nhiệt đới, khí hậu nóng khiến cho việc trồng táo trở nên khó khăn hơn. Bạn sống ở vùng mát hơn nhiều, và khí hậu này khiến cho việc trồng chuối của bạn trở nên quá mắc mỏ. Ta có thể đặc biệt hóa những gì mà ta làm tốt nhất. Tôi trồng chuối, bạn trồng táo, và chúng ta trao đổi cho nhau. Sự chuyên môn hóa cho phép chúng ta gia tăng sự đa dạng và phức tạp của những kết quả có ích cho cả hai.
Một điều thú vị nữa là điều này cũng đúng ngay cả khi một trong hai bên thực sự có khả năng hơn trong việc sản xuất cả táo lẫn chuối; Khái niệm "lợi thế tương đối" của David Ricardo[4] cho thấy rằng cả hai bên đều trở nên khá giả hơn nhiều nếu họ chuyên môn hóa, ngay cả trong trường hợp một bên sản xuất kém hơn và hầu như không có thể cạnh tranh. Lý do đơn giản là những phí tổn cơ hội của những hoạt động khác nhau; đó là tất cả những gì cần thiết để tạo ra những lợi ích tiềm ẩn của sự hợp tác.
Nhưng đó cũng không phải là lý do để ta "mê say" cái khái niệm lợi thế tương đối. Nói cho đúng, những trường hợp thực sự để có lợi thế tương đối tất định rất là hiếm hoi. Sức mạnh thực sự của sự chuyên môn hóa đến từ sự phân chia lao động, hay từ kinh tế quy mô[5] vĩ đại xuất phát từ sự tổng hợp năng lượng. Sự tổng hợp năng lượng có thể là thành quả của sự cải thiện tay nghề, dụng cụ, và tiền bạc đầu tư vào tiến trình sản xuất gồm nhiều bước nhỏ trên quy trình sản xuất, hay từ sự sáng tạo sử dụng sự tưởng tượng của doanh nhân về bước ngoặt mới trong tương lai. Sự tổng hợp năng lượng không được tạo ra bởi những tình cờ tất định của thời tiết, sự màu mỡ của đất đai, hay những điểm đặc trưng vật lý của trái đất mà những nhà kinh tế vẫn bị ám ảnh. Sản xuất ra sợi len và hải cảng tùy thuộc vào vị trí địa thế (phải gần biển thì mới mở hải cảng được); [nhưng] sự khéo léo và khôn ngoan của con người có thể tạo ra sự tổng hợp năng lượng bất kỳ chỗ nào mà sự phân chia lao động có thể được khích lệ. Tất cả những sự thu hoạch quan trọng đầy sôi động từ sự trao đổi có thể được tạo ra bởi hành vi của con người, bởi HTT.
Người phu khuân vác và triết gia[6]
Doanh nhân có lẽ là những người có viễn kiến hơn cả những kỹ sư hay những nhà địa lý. Argentina có một lợi thế tương đối, có thể đó cũng là lợi thế tuyệt đối, trong việc sản xuất thịt bò, bởi vì có khí hậu, điều kiện đất đai tốt và cơ man nào là đồng cỏ. Nhưng Argentina nghèo. Singapore hầu như không có gì hết, và cũng chẳng sản xuất gì nhiều. Nhưng Singapore đã xây dựng cả hai định chế về vật chất (hải cảng, kho chứa hàng, nhà cửa) và kinh tế (pháp trị, quyền tư hữu, một hệ thống tài chánh tinh vi) nhằm thăng tiến sự hợp tác. Và Singapore trở nên giàu có vì những định chế này đã góp phần tạo ra sự tổng hợp năng lượng mạnh mẽ.
Dĩ nhiên, người ta có thể phản bác rằng Singapore có lợi thế tương đối về mậu dịch vì vị trí địa lý nằm ở cực nam của Bán đảo Malaysia, nối liền eo biển Malacca với cả vùng Đông Á. Nhưng cũng có những nước khác không được thiên nhiên ưu đãi về địa lý như Singapore đã sử dụng cùng mô hình của Singapore. Portugal vào thế kỷ 15, Tây-ban-nha và Hà-lan trong thế kỷ 16, và Anh quốc trong thế kỷ 18, tất cả đã xây dựng những xã hội thịnh vượng, to lớn bằng cách chuyển dịch năng lực của công dân của họ sang sự hợp tác. Có thể những nước này không co quan hệ tốt với những nước khác, trong mỗi nước họ đã xây dựng được sự tổng hợp năng lượng đến mức sự thịnh vượng và sự quan trọng của họ [trên thế giới] được nhân rộng lên vượt quá những gì mà ta nghĩ họ sẽ đạt được nếu chỉ đánh giá qua dân số, khí hậu, hay phẩm chất đất đai của mỗi nước.
Con người xây dựng sự tổng hợp năng lượng qua sự bồi dưỡng HTT. Thí dụ của Adam Smith về triết gia và người phu khuân vác vẫn thường được nhắc đến, nhưng ít khi được hiểu rõ ràng. Những lợi ích của sự chuyên môn hóa không cần phải là tự bẩm sinh. Người phu khuân vác cũng có thể đã trở thành một triết gia nếu anh ta có được cơ hội tiếp cận với những dụng cụ dùng để phát triển HTT. Giáo dục và tính lưu động xã hội có nghĩa là nơi chốn một người sinh ra không ăn thua gì đến vị thế [xã hội] mà người ấy đạt được.
Tính uyển chuyển của những khả năng của con người tối thiểu cũng tương ứng với sự mềm dẻo dễ uốn nắn của những định chế xã hội hay kinh tế. Xã hội của con người không nhất thiết phải bị giới hạn bởi những gì con người có thể cùng nhau nghĩ ra. Sự phát triển của sự chuyên môn hóa cùng hệ quả của nó là sự gia tăng về năng suất sản xuất là một tiến trình xây dựng mang tính xã hội, cũng như nhà triết học của Smith-là kết quả của hàng ngàn giờ nghiên cứu, thực hành, và học hỏi. Người phu khuân vác của Smith không thể được coi là thất bại khi không trở thành một triết gia vì thiếu lợi thế tương đối. Người phu khuân vác chỉ thất bại (hay phải nói là bị khước từ một cơ hội, bởi thành kiến của xã hội) để được chuyên môn hóa.
Để trở nên hữu dụng, sự hợp tác phải có tính cách phá hủy
Cái khuyết điểm của sự phân chia lao động lại cũng là ưu điểm. Sự phân chia lao động và chuyên môn hóa tạo ra một môi trường trong đó chỉ có một số ít người trong xã hội được tạm gọi là tự túc. Hơn thế nữa, kích thước của "thị trường"-nói cho đúng hơn là cái tầm xa của sự hợp tác sản xuất có tổ chức-giới hạn những ích lợi của sự phân chia lao động và chuyên môn hóa. Nếu tôi mướn khoảng chục nhân công và [dùng máy] tự động hóa công việc bơm nhân vào bánh táo, tôi có thể sản xuất nhiều hơn bạn, gia đình bạn, làng xã của bạn, đến nỗi có thể cả nước của bạn có thể dùng chưa hết. Tôi phải tìm những khách hàng mới, mở rộng tâm điểm của sự lệ thuộc và phạm vi của sự cải thiện phúc lợi từ những cơ hội trao đổi đã được gia tăng thêm.
Điều tương tự cũng đúng với những ích lợi của sự chuyên môn hóa. Trong một ngôi làng có năm người, người chuyên viên y tế có thể biết cách cấp cứu và có một "hộp thuốc" chứa những miếng băng tạm dùng để cứu cấp hay băng dùng để bó chân tay bị trặc gân. Một thành phố có năm triệu người sẽ có những bác sĩ giải phẫu phát minh ra những kỹ thuật mới để thực hiện những phẫu thuật phức tạp trên võng mạc, trên bộ não, và giải phẫu thẩm mỹ để làm đẹp. Một ngôi làng có 250 người có thể có một nhạc sĩ vĩ cầm; một thành phố có 250 ngàn người sẽ có một dàn nhạc giao hưởng. Sự phân chia lao động và chuyên môn hóa bị giới hạn bởi phạm vi của HTT.
Trọng lượng của câu nói đó, được trích từ Adam Smith, là căn bản lý luận của HTT. Người ta là tài sản chứ không phải là những trái khoản. Những dân số lớn hơn thì sẽ có những nhóm người lớn hơn làm việc chung với nhau, và phạm vi hợp tác được nới rộng dẫn đến sự chuyên môn hóa nhiều hơn. Bốn người làm việc trong một hệ thống dây chuyền có thể làm gấp 10 lần hai mươi người làm việc riêng rẽ; 10 người có thể sản xuất hơn gấp cả ngàn lần. Những nhóm người lớn hơn và sự hợp tác khi được gia tăng sẽ tạo ra vô vàn cơ hội cho sự chuyên môn hóa : không phải chỉ làm ra những cái tủ lạnh, nhưng còn sáng tác âm nhạc, nghệ thuật, và những thứ khác mà ta khó có thể định nghĩa hay tiên đoán.
HTT cho phép số lượng lớn những người mà khởi đầu không biết nhau có dịp tin tưởng lẫn nhau, nương nhờ vào nhau. Emile Durkheim, một lý thuyết gia về xã hội nổi tiếng người Đức, đã nhận ra một cách rõ ràng và đã ghi nhận một cách chính xác rằng cái phần "thị trường" của sự phân chia lao động là phần ít quan trọng nhất để giải thích tại sao ta lại phụ thuộc vào sự phân chia lao động. Durkheim đã viết trong kiệt tác Sự Phân chia Lao động trong Xã hội, như sau: "Những dịch vụ kinh tế mà sự phân chia lao động có thể cung cấp thực ra không quan trọng lắm khi so với hiệu quả đạo đức sản sinh ra từ sự phân chia lao động, và chức năng thực sự của điều này là tạo ra giữa hai hay nhiều người một tình cảm đoàn kết và liên đới."
Cái "tình cảm liên đới" đó là xã hội-một xã hội tự nhiên của con người tự nguyện, không bị ép buộc. Ta không cần quốc gia, không cần quốc kỳ và quân đội để làm cho chúng ta được thịnh vượng. Tất cả những gì ta cần là sự hợp tác tư nhân tư nguyện, và cái tình cảm liên đới và sự liên lập xuất phát từ sự sáng tạo của con người khi không còn bị gò bó nữa.
© Học Viện Công Dân 2014
Nguồn: http://www.fee.org/the_freeman/detail/the-case-for-voluntary-private-cooperation
[1] DukeUniversity là một đại học tư, được những người theo đạo Tin Lành thuộc hai giáo phái Methodist và Quakers sáng lập năm 1838. Duke cũng được xếp hạng trong những trường đại học Ivy League của Mỹ. Học phí của những đại học tư ở Mỹ cao hơn học phí của những đại học công nhiều lần.
[2] Ở Mỹ, hệ thống giáo dục từ mẫu giáo đến lớp 12 là hệ thống công lập, hoạt động bằng tiền thuế của người dân, học sinh đi học không phải đóng học phí; ngoài ra còn có những trường tư dành cho những gia đình khá giả có thể đóng học phí cho con em của họ.
[3] James M. Buchanan (1919-2013) là nhà kinh tế học người Mỹ, đoạt giải Nobel về Kinh tế năm 1986 qua Lý thuyết Lựa chọn Công (Public Choice).
[4] David Ricardo (1772-1823) là một nhà kinh tế người Anh, và là một trong những cây đại thụ của kinh tế học cổ điển như Adam Smith, Thomas Malthus, và James Mill.
[5] Kinh tế Quy mô (economies of scale) xảy ra khi tổn phí trung bình trong một thời gian dài giảm xuống vì sản phẩm tăng lên. Qua sự phân chia lao động và chuyên môn hóa, nhân viên chỉ làm một công việc chuyên biệt mà không đòi hỏi phải được huấn luyện nhiều về công việc này (giảm chi), qua một thời gian họ trở nên rất giỏi và do đó, hiệu năng tăng lên. Thí dụ cụ thể nhất là hệ thống dây chuyền trong những công ty sản xuất lớn như xe hơi hay máy điện toán.
[6] Adam Smith lập luận rằng "sự khác biệt giữa những năng khiếu của con người trên thực tế không có ảnh hưởng nhiều lắm; và chính cái thiên tư làm cho thiên tài có vẻ khác người khác trong những nghề nghiệp khác nhau, [thực ra] khi cùng đạt đến mức trưởng thành thì sự khác biệt đó không phải là nguyên nhân mà là hệ quả của sự phân chia lao động. Sự khác nhau giữa những cá nhân mà ta thấy rất khác nhau, thí dụ như một triết gia và một người phu khuân vác, không phải đến từ sự khác nhau về bản chất, tập quán, phong tục hay giáo dục. Khi được sinh ra, trong sáu hay tám năm đầu tiên cả hai đều giống nhau đến nỗi cả cha mẹ hay bạn trẻ chơi chung cũng không nhận ra được sự khác biệt đặc thù nào. Vào khoảng tuổi đó và sau này, hai đứa trẻ này làm những công việc khác nhau. Sự khác biệt về tài năng lúc đó mới được chú ý đến và sự khác biệt càng lúc càng trở nên sâu rộng hơn, cho đến khi, dù có tự cao triết gia cũng phải nhận không có sự khác biệt nào hết" (Quyển I, Chương 2).
0 nhận xét:
Đăng nhận xét