12:20 23/02/2011
Vài tuần trước khi giải Nobel Kinh tế năm 1994 được công bố, vào ngày 11/10, hai nhà toán học Harnold W.Kuhn và John Forbes Nash tới thăm người thầy cũ của họ - Albert W.Talker, khi đó đã gần 90 tuổi và đang nằm liệt giường ở một nhà điều dưỡng gần hồ Meadow. Trong rất nhiều năm, Nash đã không nói chuyện với người thầy của mình và bây giờ họ ngồi hàng giờ ấy để đàm đạo những vấn đề liên quan đến học thuyết số học.
John Nash trên giảng đường. |
Giải thưởng này quả là một điều kỳ diệu. Điều kỳ diệu ở đây không phải chỉ là do Nash được coi là một trong những thiên tài toán học trong những năm hậu chiến rốt cuộc cũng giành được sự công nhận mà ông xứng đáng được hưởng, hay Nash được vinh danh bởi bản luận án Giáo sư của ông chỉ vỏn vẹn 27 trang giấy mà ông viết đã gần nửa thế kỷ trước trong độ tuổi 21 còn non nớt. Sự thần kỳ thật sự ở đây là Nash nay đã là một ông già 66 tuổi, tóc hoa râm với đôi mắt buồn, giọng nói êm ái nhưng ngắt quãng, đã vượt qua bao biến cố bệnh tật của cuộc đời để vẫn còn sống và đủ khỏe mạnh để lên nhận giải thưởng.
Bệnh tật tàn phá
Căn bệnh kinh hoàng của Nash từng là một bí mật để ngỏ trong giới toán học và kinh tế. Khi mà Tạp chí Fortune bầu chọn Nash là ngôi sao trẻ xuất chúng nhất trong làng "tân toán học" vào tháng 7/1958 thì bệnh tật cũng bắt đầu tàn phá con người và cuộc sống của ông. Nash không viết bất cứ bài viết khoa học nào kể từ năm 1958 và năm sau đó ông cũng không còn tham gia bất cứ buổi giảng dạy nào nữa. Rất nhiều người đồn đại là Nash đã được phẫu thuật thùy não, còn phần lớn bên ngoài Princeton mọi người đều cho rằng Nash đã chết.
Đúng là Nash không chết, nhưng cuộc đời ông từ chỗ xán lạn đầy hứa hẹn trở nên tối tăm không khác gì địa ngục. Những lần ông vào viện để điều trị tâm lý lặp đi lặp lại nhiều lần, những cuộc điều trị không thành công chứng bệnh ảo giác đáng sợ...
Mọi người cho rằng chứng rối loạn thần kinh đầu tiên xuất hiện là do sự lo lắng của John về sự nghiệp và cái thai trong bụng Alicia vợ ông. Bạn bè John lần đầu để ý đến việc này là khi họ thấy những cư xử kỳ quặc của John tại bữa tiệc mừng năm mới, khi John ăn mặc như một đứa trẻ, cả buổi tối chỉ uốn quăn vạt áo Alicia và mút ngón cái của mình. Có lần John chỉ định một sinh viên đã tốt nghiệp đảm nhận giảng dạy về Lý thuyết trò chơi thay ông và biến mất trong vòng vài tuần lễ. Lý giải về sự mất tích đột ngột của mình, John nói rằng ông được người ngoài hành tinh trao cho một bức thư mật mã thông qua tờ New York Times! Rồi lần khác, John làm đứt đoạn một bài giảng chỉ để nói rằng, ông đã lên bìa tạp chí Life cải trang thành Giáo hoàng!
Nash mắc chứng hoang tưởng. Lúc nào ông cũng nghĩ mình được trao nhiệm vụ vĩ đại lãnh đạo phong trào hòa bình thế giới. Ông viết rất nhiều thư và tự lái xe đến sứ quán các nước tại Washington trao thư gửi tới các yếu nhân chính phủ các nước và quan chức Liên Hiệp Quốc, bàn về chuyện lập chính phủ toàn cầu để bảo vệ hòa bình thế giới.
Trên thực tế hồi ấy giới trí thức phương Tây đang có trào lưu thân Liên Xô, ưa thích chủ nghĩa xã hội, chống làm bom nguyên tử và chống chiến tranh. Họ muốn lập một chính phủ thế giới để bảo vệ hòa bình. Albert Einstein, Jean Paul Sartre ... đều ủng hộ ý tưởng này. Khoa Toán Trường MIT thật sự là một "hang ổ" Cộng sản. Trưởng khoa, phó khoa đều là đảng viên đảng Cộng sản Mỹ, 3 người con của Earl Browder lãnh tụ đảng này đều học khoa Toán ở MIT. Những người này về sau đều nhiệt tình giúp đỡ Nash khi ông đau ốm.
Những năm 50 là thời kỳ chủ nghĩa chống Cộng McCarthy, những người này đều bị chính quyền Mỹ điều tra, đến mức nhà trường phải mời luật sư bảo vệ thì họ mới không bị rắc rối. Sự căm giận và sợ hãi bộ máy nhà nước góp phần làm tăng tình trạng tinh thần thất thường của Nash, ông chỉ muốn đi khỏi nước Mỹ.
John Nash và Alicia Ladre trong ngày cưới hạnh phúc. |
Sau gần hai tháng điều trị, Nash được ra viện. Oán trách lãnh đạo Trường MIT "nhốt" mình vào "nhà thương điên" và vì hoang tưởng chỉ nghĩ đến "sự nghiệp vĩ đại" cho mình, Nash xin thôi việc ở Trường MIT, rút tiền hưu trí, một mình sang châu Âu "làm nhiệm vụ bảo vệ hòa bình thế giới".
Việc đầu tiên ông làm là đến Sứ quán Mỹ ở Luxembourg tuyên bố từ bỏ quốc tịch Mỹ, rồi tới Cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc và cơ quan chính quyền Thụy Sĩ tại Geneva tự xưng là nạn nhân của cả hai khối quân sự NATO và khối Warsaw, xin tị nạn chính trị với lý do trốn lính và muốn nghiên cứu toán học quốc phòng. Các cơ quan này đều nghĩ Nash là người điên nên họ không chấp nhận yêu cầu của ông. Nash liền vứt hộ chiếu rồi bỏ sang Leipzig thuộc CHDC Đức. Rất may là những người cộng sản Đông Đức nhận thấy nhà khoa học Mỹ này có giá trị gì đó nên đã cho ông nhập cảnh dù không có hộ chiếu.
Sau một thời gian vất vưởng ở châu Âu, năm 1960 Chính phủ Mỹ cử người sang châu Âu đưa Nash về Mỹ. Nash trở về Princeton, nơi ông đã từng là ngôi sao đang lên. Tại đây ông trở thành "Bóng ma của đại sảnh Fine". Người ta chỉ còn nhìn thấy một thân hình liêu xiêu tha thẩn ở các giảng đường, luôn nguệch ngoạc những phương trình toán kỳ lạ lên bảng đen và mong muốn tìm kiếm được những thông điệp bí mật ẩn giấu trong các con số...
Sự thần diệu làm cả thế giới ngạc nhiên
Đầu năm 1970, John Nash ra viện. Đại học Princeton đã chìa bàn tay nhân ái cứu nhà toán học đang trong tình trạng bơ vơ không nơi nương tựa và mời ông về trường. Sau này khi khỏi bệnh, Nash cảm kích nói: Nhờ sự đùm bọc của Princeton nên tôi đã thoát khỏi cảnh vô gia cư. Chính tại Princeton, Nash được Alicia đón về hết lòng chăm sóc. Quái ác thay, dường như là di truyền, người con trai của ông là John Charles Martin Nash, một tiến sĩ toán rất giỏi, cũng bị mắc chứng hoang tưởng. Tình yêu và lòng nhân ái vô bờ cùng ý chí và nghị lực phi thường đã giúp Alicia (lúc này đã ly dị với Nash) vượt qua muôn vàn gian khó để nuôi nấng và chạy chữa cho chồng cũ và con trai trong nhiều năm.
Thật may mắn vì Princeton là nơi tập hợp những nhà trí thức lớn, trong đó có nhiều người quen biết và ngưỡng mộ Nash. Họ rất tôn trọng và bảo vệ ông. Hành vi kỳ quặc của Nash nếu ở nơi khác thì đã bị cho là điên dại, nhưng tại Princeton thì người ta lại có thể nghĩ rằng đó là lối sống của một thiên tài. Nhà trường và các bạn đồng nghiệp đều tìm mọi cách để giúp Nash. Người quản lý phòng máy tính đã cho ông dùng tài khoản máy tính của mình (vì Nash không ở trong biên chế nhà trường), nhờ đó ông học được cách sử dụng máy. Trong 30 năm Nash đau ốm, công nghệ máy tính đã có tác dụng tích cực giúp Nash bớt dần chứng hoang tưởng.
Và chuyện kỳ diệu đã xảy ra: bệnh tình của Nash thuyên giảm dần. Quá trình ấy diễn ra rất chậm. Từ cuối thập niên 80, ông bắt đầu trò chuyện một cách tỉnh táo với mọi người, làm quen một số nghiên cứu sinh, thậm chí có thể bàn bạc vài vấn đề toán học có ý nghĩa.
Russell Crowe trong phim "Một tâm hồn đẹp" đoạt 4 giải Oscar năm 2002. |
Thực ra nhiều năm trước, John Nash từng được đưa vào danh sách ứng cử viên giải Nobel. Năm 1985, ông bị loại ra khỏi diện xét chọn, chủ yếu do người ta nghi ngại trí lực của ông có vấn đề. Thường lệ, người được trao giải Nobel phải đến Stockholm đọc một đáp từ ngắn gọn, có nội dung sâu sắc súc tích trước Nhà vua, Hoàng hậu và Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển cùng đám đông đại biểu, nhà báo. Ngoài ra, tuy chưa có văn bản quy định không trao giải cho người đã nghỉ hưu hoặc không có chức danh khoa học, nhưng nói chung người có chức danh thì hợp lẽ hơn. Trong hai thập niên 70-80, Nash hoàn toàn không có những điều kiện đó.
Đến năm 1994, do Lý thuyết trò chơi ngày càng được ứng dụng nhiều trong kinh tế học nên việc xét thưởng Nash trở nên có lợi. Một bạn học cũ và đồng nghiệp của Nash là Giáo sư Harold W. Kuhn - nhà kinh tế toán lý nổi tiếng tại Đại học Princeton đã hết sức cố gắng giúp Nash. Kuhn thuyết minh với Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển rằng nếu chỉ vì tình hình sức khỏe của Nash mà tước mất giải Nobel ông rất xứng đáng được nhận thì điều đó hết sức phi lý. Kuhn còn đề nghị Đại học Princeton phong cho Nash chức danh "Nhân viên hợp tác nghiên cứu". Đề nghị này được chấp nhận. Như thế Nash được chính danh đi Stockholm dự lễ trao giải. Cũng chính Kuhn dự thảo bản lý lịch của Nash và gửi cho Ủy ban Nobel theo yêu cầu của họ.
Và ngày 11/10/1994, Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển tuyên bố: Ba nhà khoa học John F. Nash Jr., John C. Harsanyi (quốc tịch Mỹ) và Reinhard Selten (Đức) được trao giải Nobel Kinh tế "vì các phân tích mở đường của họ về khái niệm cân bằng trong Lý thuyết trò chơi bất hợp tác".
Đại học Princeton họp báo hân hoan công bố tin này, từ nay Princeton có thêm một chủ nhân giải Nobel. Mọi người đều tiếc là nếu Nash không ốm đau thì lẽ ra một mình ông phải được trao giải này từ rất lâu rồi.
Trong lý lịch tự khai gửi Ủy ban Nobel, Nash viết: Sau 25 năm gián đoạn suy nghĩ, giờ đây ông tin rằng mình có thể đạt được một số giá trị nào đấy qua các nghiên cứu hiện nay của ông hoặc với bất kỳ ý tưởng mới nào sẽ đến trong tương lai. Năm 2001, Nash chính thức tái hôn với người vợ cũ. Giải Nobel cũng chẳng làm cuộc sống của họ thay đổi đáng kể, họ phải chăm sóc con trai cũng bị tâm thần. Giải này hồi ấy có 930.000 USD, chia cho 3 chủ nhân nên mỗi người cũng chẳng được bao nhiêu.
Sau giải Nobel, John Nash trở lại làm giáo sư toán học ở Đại học Princeton, ông không giảng dạy mà chỉ lặng lẽ làm nghiên cứu. Nhưng một lần nữa thế giới lại xôn xao về câu chuyện cuộc đời chìm nổi thần kỳ của thiên tài toán học này. Cuốn tiểu thuyết mang tên “Một tâm hồn đẹp” (A Beautiful Mind) hơn 400 trang được Sylvia Nasar, nhà kinh tế kiêm giáo sư khoa Báo chí thương mại Đại học Columbia viết từ chính cuộc đời thật của ông phát hành năm 1998. “Một tâm hồn đẹp” đoạt giải thưởng Sách Quốc gia năm đó và nhận một để cử Giải Pulitzer cùng hợp đồng làm phim với Hãng Universal Pictures and DreamWorks. Năm 2002, đạo diễn Ron Howard của Hollywood đã dựng câu chuyện này thành bộ phim cùng tên và gặt hái được thành quả hơn cả mong đợi: đoạt 4 giải Oscar danh giá!
Câu chuyện phim tuyệt vời có dẫn lời một đồng nghiệp của Nash: "Tất cả các nhà toán học đều đồng thời sống trong hai thế giới khác hẳn nhau, một thế giới thanh cao thuần khiết kiểu triết gia Plato và một thế giới với cuộc đời hiện thực ngắn ngủi, hỗn độn, đòi hỏi phải luôn luôn thích ứng mọi biến đổi". Riêng Nash thì ông còn sống 30 năm trong một thế giới đặc biệt nữa, đó là thế giới hoang tưởng của người điên dại
Ngọc Mai
0 nhận xét:
Đăng nhận xét