Việc nên hay không vay Trung Quốc 300 triệu USD đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái và vay bằng hình thức nào hiện vẫn có nhiều ý kiến trái chiều từ các Bộ ngành cho ý kiến và các chuyên gia kinh tế.
Không chỉ định cho nhà thầu Trung QuốcLiên quan đến việc Trung Quốc đề xuất cho Việt Nam vay 300 triệu USD, tương đương khoảng 7.000 tỉ đồng làm đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Vân Đồn – Móng Cái ( Quảng Ninh ), Bộ Tài chính có ý kiến góp ý cho rằng các khoản vay ưu đãi bên mua của Trung Quốc đều là các khoản vay có ràng buộc, phải sử dụng nhà thầu, công nghệ và máy móc thiết bị Trung Quốc.
Trong khi, dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc là dự án đầu tư phát triển có nguồn thu trực tiếp do đó cần tính toán, so sánh với khả năng huy động vốn từ các nguồn khác có chi phí rẻ hơn hoặc chất lượng, công nghệ tốt hơn nhằm giảm rủi ro trong quá trình xây dựng dự án.
Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng cho biết việc huy động vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để đầu tư xây dựng dự án là phương án thích hợp trong điều kiện hiện này.
Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch Đầu tư do điều kiện vay của khoản tín dụng 300 triệu USD chưa đủ ưu đãi để sử dụng cho dự án theo cơ chế tài chính ngân sách nhà nước cấp phát như đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải do vậy chủ trương này cần được cân nhắc kỹ hơn.
Bộ Kế hoạch Đầu tư cho rằng cần tiếp tục đàm phán với Trung Quốc để xác định điều kiện cụ thể của khoản vay theo hướng đề nghị phía Trung Quốc áp dụng điều kiện vay ưu đãi so với điều kiện vay gần nhất phía Trung Quốc đề xuất, không áp dụng điều kiện thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng EPC bởi nhà thầu Trung Quốc. Ngoài ra, có thể xem xét khả năng sử dụng khoản vay này cho dự án theo hình thức PPP.
Trong khi đó, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị áp dụng cơ chế tài chính theo hình thức cấp phát toàn bộ vốn vay nước ngoài cho dự án. Ngoài Trung Quốc hiện nay chưa có nhà tài trợ nào khác quan tâm đến dự án này. Do đó, Bộ cho rằng tại thời điểm này, việc sử dụng nguồn vốn vay Trung Quốc là hợp lý.
Theo số liệu được Bộ Tài chính dẫn ra, trước đây Bộ Tài chính đã đàm phán với China Eximbank về điều kiện khoản tín dụng ưu đãi bên mua dự kiến sử dụng cho dự án cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn, tại thời điểm đó China Eximbank đề xuất điều kiện vay với trị giá vay 300 triệu USD, lãi suất cố định 2%/năm, thời hạn vay 20 năm gồm 7 năm ấn hạn, phí quản lý 0,25%/giá trị khoản vay; phí cam kết 0,25%/năm.
“Đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông là một bài học”
Trao đổi với BizLIVE, ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch Đầu tư), cho biết việc đầu tư xây dựng đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái thuận lợi cho Việt Nam, Trung Quốc, không chỉ lợi cho một phía Trung Quốc hay Việt Nam vì đây là con đường mà các doanh nghiệp Việt Nam thường xuyên vận tải hàng hoá sang Đông Hưng, xuất khẩu hàng hoá bên cạnh con đường từ Lạng Sơn, Lào Cai. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý bên cạnh ý nghĩa về mặt xuất khẩu cần cân nhắc yếu tố an ninh quốc phòng.
Cụ thể hơn, xét về mặt kinh tế, theo ông Lưu Bích Hồ, cần xem xét trên các khía cạnh hiệu quả, lãi suất cho vay hợp lý, có thể triển khai đúng tiến độ… “Theo tôi không áp dụng điều kiện thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng EPC với nhà thầu Trung Quốc vì đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông là một bài học, về tình trạng đội vốn, nhà thầu Trung Quốc quyết định toàn bộ. Hiện cũng có mấy chục công trình thực hiện theo hình thức EPC trong tình trạng dây dưa, không đảm bảo chất lượng” - ông Hồ nhấn mạnh.
Theo ông, phía Việt Nam cần yêu cầu vay vốn nhưng thầu do Việt Nam chọn lựa nhà thầu, không bị ràng buộc, vì chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm làm ăn với Trung Quốc trong suốt thời gian qua.
“Không thể rơi vào tình trạng tiêu cực, cần làm rõ những điều kiện vay vốn trong khả năng chấp nhận được về lãi suất, về thi công tổng thầu…” - ông Hồ kết luận.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển cho biết xét tại Việt Nam, hầu hết các dự án vốn vay Trung Quốc đều đội vốn công trình và kéo dài thời gian.
“Tôi chưa xét tới việc lỗi của giám sát Chính phủ, chủ đầu tư hay ban quản lý dự án nhưng thực tế chưa thấy dự án nào vốn vay Trung Quốc, nhà thầu Trung Quốc mà trọn vẹn, hoàn thành đúng tiến độ, hiệu quả” - ông Hiển nhấn mạnh.
Ông Hiển cũng cho biết hầu hết các khoản vay Trung Quốc đều kèm theo các điều kiện thi công, nhà thầu của Trung Quốc. Điều này cũng hết sức quan ngại, trong một thời gian dài, chúng ta đấu thầu chỉ dựa vào tiêu chí giá rẻ mà không đưa vào tiêu chuẩn kĩ thuật hay tiêu chuẩn lựa chọn các nhà thầu có các công trình uy tín, được đánh giá cao.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét