Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Năm, 28 tháng 7, 2016

Sử Việt thời thổ tả

Hình như đây là lấy từ một phần tên sách của một nhà văn danh tiếng,
thôi thì mượn tạm để thay thế ý tưởng của một blogger về tình hình (dịch)
“Giới học thuật sử học bằng tiếng Việt bị chết” để thấy đỡ bi quan hơn.
– TCĐT

NHÓN LẤY MỘT TÚM TÓC LÀM ÐIỂN HÌNH

Từ tin tức truyền thông đến khu vực bán học thuật
Xin cứ dẫn những nguồn tin nắm được, chắc cũng không đến nỗi sai lệch nhiều lắm. Tin tức báo chí cho biết ngày 16-1-2013 tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Hà Nội) có cuộc hội thảo “Cao Lỗ – danh tướng thời dựng nước” do Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cùng tổ chức. Tin về đề tài thảo luận đưa ra có đổi thay theo nhu cầu riêng biệt của cơ quan truyền thông: Thể thao và Văn hoá ghi lấy tin từ Thông tấn xã Việt Nam, Thanh Niên đặt tựa “Bài học Cao Lỗ”, Tiền Phong với “Xới lại chuyện nỏ thần và danh tướng Cao Lỗ”, và ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị của nó càng nổi bật lên với sự hiện diện của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Theo báo chí, “dù bận rộn”, ông vẫn “ngồi dự hết cuộc hội thảo” và nêu ý kiến tán dương các công trình nghiên cứu đưa ra khiến dẫn đến những suy nghĩ liên hệ với thời hiện tại không cần phải thốt ra lời.
Tin tức về cuộc hội thảo được thông báo trên Xưa và Nay, số Tết 420 (2013) nhưng một số bài tham luận đã đăng trước trên tạp chí này số 417 ở mục Phụ trương. Chúng ta có thể nói ít nhiều về tình trạng nghiên cứu sử học nước nhà, chỉ riêng nhìn về vị trí Phụ trương đó của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Ở đây, chúng ta chú ý đến nội dung các bản tham luận để hiểu về cuộc hội thảo thôi. Các tác giả chỉ có tên mà không thấy dấu tích khoa bảng và chức vụ nhà nước. Báo Tiền Phong cho biết “Hội thảo quy tụ 9 tham luận trong đó 6 tham luận được trình bày đi sâu phân tích những cống hiến của Cao Lỗ, vai trò và phẩm giá của ông, đặc biệt những bài học lịch sử để lại cho đời sau”. Cũng qua các báo đã dẫn, có các Tiến sĩ của Viện Xã hội học, Viện Sử học, Viện Lịch sử Quân sự, có Giáo sư Phan Huy Lê, ông Dương Trung Quốc, Tổng thư kí Hội Khoa học Lịch sử, cùng những người có vẻ là của tỉnh Bắc Ninh tham gia trình bày vấn đề. Nói kĩ như vậy để phân định rành rẽ chuyện chuyên môn do các chuyên gia kia gợi nên và gây tác động.

Vấn đề nhân thân lịch sử của Cao Lỗ và sự lập lờ trong nghiên cứu
Tất nhiên mỗi tác giả có sự riêng biệt xê xích cho thuận tiện với vị trí của mình nhưng nổi bật trên hết là ý tưởng “Cao Lỗ: nhân vật lịch sử” KHÔNG SAI CHẠY. Ðiều đó có ghi sẵn trong chủ đề hội thảo: Cao Lỗ, danh tướng thời dựng nước. Và ở tên các bản tham luận: “Danh tướng Cao Lỗ và bài học lịch sử thời kì đầu dựng nước”, “Danh tướng Cao Lỗ với việc chế tạo vũ khí, cung nỏ thời An Dương Vương”, “Tướng quân Cao Lỗ và thời Thục An Dương Vương trong quan hệ với vùng Hoa Nam Trung Quốc”… Nhà xã hội học có thể né tránh vấn đề một chút: “Sự tích Cao Lỗ Vương là sự huyền thoại hoá sức mạnh tồn tại và phát triển của cộng đồng Việt Nam” nhưng các dẫn chứng vụng về, hỗn tạp vẫn cho thấy không thoát khỏi sự ràng buộc chủ yếu của mục đích tổ chức hội thảo. Có tham luận nêu vấn đề hoài nghi (“Cao Lỗ Vương là huyền thoại hay lịch sử?”) nhưng lại chỉ là một thủ thuật để xác định tính lịch sử của Cao Lỗ, bởi vì được ghi cả năm chết : 179 (chắc là 179tCn.) và xác nhận ông đã “thiết kế, chỉ huy công trình xây thành Cổ Loa”! Ðiều xác quyết tính lịch sử của nhân vật Cao Lỗ đối với những người nghiên cứu là ông ta có bản quán hẳn hòi, chứng tỏ nơi cái đền trên đất thôn Ðại Trung, xã Cao Ðức, huyện Gia Bình, Bắc Ninh ngày nay để nhà chức trách tỉnh này lấy vai trò chủ đất mà tổ chức hội thảo, rồi tổ chức thêm kỉ niệm 2290 năm sinh chắc nịch có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tham dự trong hai ngày 9 và 10 tháng Ba Quý Tị (18-19/4/2013). Và để làm vững chắc cho lập luận, đã có một bài tham luận dài với nhiều đồ thị, biểu đồ minh hoạ khiến Xưa và Nay phải cắt bớt. Bài “Vùng quê Cao Lỗ sau đổi mới” nói chuyện ngày nay nhưng rõ ràng là nêu sự sung túc, phồn tạp sinh hoạt nơi này trong đó có lễ hội Cao Lỗ, có vẻ đề cao tính văn hoá lễ hội đó với dụng ý chứng minh ngược thời gian, là Cao Lỗ CÓ THẬT. “Mánh lới” này từng được thấy thành công vượt tầm mức địa phương lên đến tầm mức quốc gia, đạt bằng cấp quốc tế trong việc UNESCO công nhận Lễ hội Hùng Vương ở Phú Thọ mà có thể sử dụng để chứng minh luôn rằng Hùng Vương có thật!
Họ đã chứng minh tính lịch sử của nhân vật Cao Lỗ như thế nào?
Tất nhiên theo thói quen thông thường nhất là dựa vào sách vở xưa, không những xưa mà còn là nay. Gần nay. Cứ thấy có sách, có chữ dẫn Cao Lỗ là đưa ra, không cần phân biệt. Từ Thuỷ Kinh chú của Trung Quốc, dựa thế cái xa xưa của bản gốc thuộc Hán, Ngũ Ðại gì đó cho đến sách vở của ta: Việt điện u linh tập, Lĩnh Nam chích quái, Ðại Việt sử kí toàn thư, Khâm định Việt sử (?) cương mục… cùng sách của ông nội Tổng bí thư Trường Chinh, của ông Khâm sai đại thần Hoàng Cao Khải thoát lưới Việt gian bán nước như đã gán cho Phan Thanh Giản, nhờ ở ngay vùng trung ương, có toà dinh thự được công nhận lịch sử di tích quốc gia từ những năm 1960. Họ dẫn thần tích, các câu đối trên đền thờ thần không cần biết xuất hiện vào lúc nào, không thắc mắc về thời gian, kể cả dẫn tác giả di tản Cao Thế Dung! Thấy mặt đặt tên cho nên dẫn cả sách nói Cao Lỗ chỉ là “thần nhân”, không thắc mắc với sách vừa cho Cao Lỗ là người thần, vừa là “lương tướng” của An Dương Vương. Dẫn sách nói về một tổ sư nghề rèn thấy có tên là Lư Cao Sơn liền nhất định đó là ông Cao Lỗ! Không thể nói chuyện nguyên tắc sử dụng tài liệu với các bậc khoa bảng Phó Tiến Sĩ, Tiến sĩ, với các viên chức nhà nước Phó Giáo sư, Giáo sư này được rồi.
Nhưng các “học giả” này lại đúng là những nhân vật có tăm tiếng, có chức danh nhà nước thật như đã thấy. Cho nên, trong những nghiên cứu để chứng minh Cao Lỗ là nhân vật lịch sử, là “danh tướng thời dựng nước”, họ không chỉ sử dụng các phương pháp xưa cũ mà còn viện dẫn đến những ngành khoa học mới, đặt nhân vật Cao Lỗ trong khung cảnh lịch sử cổ Việt theo “thành tựu rực rỡ” của một thời Chống Mĩ Cứu Nước vừa qua. Ðến đây là động đến “vấn đề nhạy cảm” để biết sợ lời răn đe của ông Phạm Huy Thông (1985) nhưng không nói không được.
Nhóm từ chỉ định “thời dựng nước” nói về Cao Lỗ cho thấy các tác giả không thể tách rời với sự kiêu ngạo của thế hệ nghiên cứu cổ sử Việt có công trình tập họp trong 4 quyển Hùng Vương dựng nước, công trình tuy đã lẩn khuất trong thời gian nhưng vẫn chưa có ai trong hệ thống công khai nói ra sự yếu kém của nó. Giáo sư Phan Huy Lê thuộc thế hệ đó nên đến ngày nay còn quả quyết “(Cao Lỗ) là người rất có tài, có công và trước sau như một muốn bảo vệ nước Âu Lạc” cũng không hề gì. Có điều tệ hơn, trong khi bàn về Cao Lỗ, ngày nay người ta còn xác quyết rằng chuyện Trọng Thuỷ Mị Nương là có thật để nói đến “bài học lịch sử” về sự mất cảnh giác dẫn đến tình trạng mất nước. Chuyện nỏ thần “bắn một phát giết 300 người, xuyên qua hơn chục người”, giết hàng vạn người được Giáo sư họ Phan khuyên “không nên vì bức màn bí ẩn của truyền thuyết mà mất niềm tin vào sự thật lịch sử…” nên được thế hệ kế tiếp chuyển qua tập trung vào các mũi tên đá, đồng, bộ phận nỏ do khảo cổ học tìm được. Chứng thực tân kì của khoa học đấy nhé! Tiếc thay ở đây đã có chen vào những ngờ nghệch của kiến thức, nếu không cho là có sự cố ý ráp nối thiếu lương thiện. Sản vật nỏ gỗ và tên tre còn thấy trên Tây Nguyên, được Ðảng dụ anh thanh niên Bà Na, Ra Ðê nào đó bắn dính vào trực thăng Mĩ cho đế quốc hoảng hồn chơi. Tất nhiên mũi tên đó không thể làm bằng chứng xuất phát từ xưởng chế tạo của ông Cao Lỗ nhưng cũng là một gợi ý rằng cái lẫy nỏ tìm thấy ở Làng Vạc Nghệ An không biết làm ra vào thời nào, không thể ghép với ông Cao Lỗ ở Cổ Loa đã bỏ đi trước khi nước Âu Lạc mất. Cả đến các mũi tên đào lên ở thành Cổ Loa cũng vậy. Cứ nói rằng thành Cổ Loa là của An Dương Vương xây với sự trợ giúp của thần Kim Quy theo một chuyện thần thuyết biết rằng không có thật mà phải nhận, chỉ là để có chút tự tín mà thôi. Cứ thấy sự lơ là của nhà nước với Cổ Loa thì đủ hiểu ngầm ý. Chỉ có sự công nhận Cổ Loa là di tích lịch sử cấp quốc gia thôi. Nếu không có một mớ luận cứ bài bác dè dặt mà khó chịu của ông Ðào Duy Anh (không kể tác giả Trung Hoa, và lời chen phụ hoạ của kẻ này?) và chứng cớ cắt mặt thành năm 1960 (?) thì người ta đã cố công cùng sức tổ chức, ví dụ hội Vua giả làng Nhồi, dựng thêm cung điện trên thành Nội để nằn nì chèo kéo xin UNESCO cấp phát bằng rồi.
Thật ra thì với quan điểm văn minh về di sản, một ngôi thành như Cổ Loa, xuất hiện trong mù mịt của lịch sử, năm trăm năm sau được sử quan, học giả đồn thổi có tới chín vòng thành, kéo dài hơn hai ngàn năm hiện diện để học giả Mĩ cho là sản phẩm thời tiền-Việt, một ngôi thành như thế đáng được tôn vinh, gìn giữ không nệ vào là một thời dựng nước hồng hoang hay của tên xâm lược nào cả. Nhớ một hôm nào trong một buổi gặp mặt tình cờ giữa bạn cũ, nghe giới thiệu một nhân vật của Bảo tàng lịch sử Hà Nội được đưa vào Sài Gòn làm việc, tôi đã quên cả dè dặt vụt nói: “Sao các anh phá mả Bá-đa-lộc? Người nằm dưới đó là một ‘thằng Tây’, một cố đạo thực dân nhưng kẻ xây cái mả kia là người dân Gia Ðịnh ngay đầu thế kỉ XVIII, cứ phá kiểu đó thì còn lại cái gì là di tích lịch sử nữa?” Nói liều một lúc, chưa kịp nghe chuyện ông Bí thư quận đã chỉ vào dấu viên đạn hồi Mậu Thân sượt trên vách câu lạc bộ Huỳnh Hữu Bạc của Tân Sơn Nhứt, và nói rằng: “Di tích lịch sử là đây”. Cái tường đó hình như bây giờ cũng không còn nữa.
Chẳng nhà nghiên cứu nào thấy chuyện bình thường là đương thời, trong bản tự thuật của Mã Viện, trong tiểu sử của các nhân vật liên hệ nằm ở Hán thư, không có ghi việc trên đường tiến công Mã Viện đã gặp được quân địch kháng cự ở ngôi thành nào hết, dù là viên danh tướng để lại cho đời thành ngữ “Da ngựa bọc thây” đã nhớ cả chi tiết ở nơi “dưới thì nước lụt, trên thì mây mù”, đất trời độc địa đến mức “con diều hâu ở lưng chừng trời bỗng sa xuống nước mà chết”, nơi vùng nước có dáng là hồ Lãng Bạc và con chim bói cá quen thuộc của người dân bản xứ. Chỉ thấy chuyện ông ta xây thành Kén (Kiển Thành) ở khu vực trung tâm kháng cự, tên cái thành-có-nhiều-vòng-quây-quanh và vị trí kia dễ khiến người ta liên tưởng đến thành Loa mà không sợ mang tiếng bợ đỡ kẻ thù. Tuy nhiên có quên thành Kén, từ đó mới kéo ra ông Cao Lỗ liên hệ với mấy mũi tên đồng đào được ở Cổ Loa. Ðể việc chứng thực có sức nặng thì phải có nhà khảo cổ học lên tiếng: “Các cuộc khai quật khảo cổ học… kết hợp với các nhà khoa học Mĩ, (giúp) chúng ta đã tìm được các bằng chứng để khẳng định trong huyền thoại về An Dương Vương và tướng Cao Lỗ có những sự thật…”
Chú ý: Có “các nhà khoa học Mĩ” nữa đấy! Không hiểu tại sao chẳng nhắc đến tên ông học giả Nhật vừa bị xe cán chết (6-2013), nhân đó người ta kể công ông tìm ra khuôn đúc trống đồng và khuôn mũi tên Cổ Loa! Cho nên đã thêm ý tưởng rằng “Với tư liệu mới, đã đến lúc chúng ta có thể nói người Việt thạo đúc tên, nỏ. Người đứng ra phải lả thủ lĩnh lớn, mà truyền thuyết nói đến là tướng quân Cao Lỗ. Ðiều này không phải là không có lí”. Loại chính thể về chiefdom là ý tưởng mới sử dụng trong nước để thêm vào các hình trạng cai trị cổ điển mà nhà sử học vẫn dùng: bộ lạc, nước, quốc gia… và cũng từng được một nhà khảo cổ học gán (2009) cho thời kì sơ sử ở Nam Bộ. Còn có thêm điều tra dân tộc học, văn hoá dân gian, chứng dẫn xã hội học nữa… Nghĩa là, nói theo thời thượng, người ta đã “bằng vào phương pháp liên ngành” để khảo cứu về “danh tướng Cao Lỗ”. Ở đây cũng chưa phải chỗ để nói chung về phương pháp này, thấy được tán tụng nhiều ở Việt Nam từ khi khai thác cạn kiệt tài liệu sử học, trong lúc ngành khảo cổ học sau thời lên ngôi tác quái ở sử học với “thời đại Hùng Vương” đã không đem lại kết quả khởi sắc thêm. Vấn đề ở đây, chưa phải là bàn thảo về những lập luận mang tính tổng quát mà chỉ là rút lại hạn hẹp vào trong việc sử dụng các bằng chứng theo những nguyên tắc căn bản, bình thường của lí trí là đủ. Không thể cứ hễ thấy có mũi tên, có nỏ thì phải nhất định là của ông Cao Lỗ: Cao Lỗ nếu là nhân vật lịch sử thì phải chịu sự giới hạn của thời gian, nơi chốn, còn tên, nỏ là chứng cớ của văn hoá vật chất lâu dài của một hay nhiều tập họp người, có khi không có “bà con” gì với nhau hết. Không thể cứ thấy nói Cao Lỗ dính với An Dương Vương là mở rộng đến thành Cổ Loa, đến đời Hùng Vương, Triệu Ðà, Ðông Sơn… loạn xà ngầu như thế. Làm việc nghiên cứu theo kiểu đó thì cũng dễ thôi, nhưng muốn được chấp nhận thì phải trông đợi thẩm quyền ở một nơi chốn không dính dáng gì đến học thuật.

Sự kiện trần trụi và hoang tưởng tập thể nhỏ, lớn
Mà chuyện học thuật thì cũng chẳng có gì ghê gớm lắm. Nó cũng phải tuân theo những quy luật bình thường của cuộc sống như bất cứ ở lãnh vực nào. Sách vở bảo Cao Lỗ là thần nhân mà muốn chứng minh là người thường thì phải tìm cho ra thân xác cụ thể của con người đó. Chuyện của quá khứ thì tìm nơi các bằng chứng của quá khứ, biện biệt đúng sai từ các bằng chứng đó, có mang khoa học mới vào cũng phải dựa vào các thành quả gần cận nhất đến quá khứ đó… Công việc tiến hành theo với ý thức về sự tương đối của chuyên ngành, ý thức về mong muốn tiếp cận chân lí chứ không phải là làm thay sử học. Cho nên chớ đem các bài bác viển vông của sự tầm thường hay của triết lí cao siêu vào đây. Về sự xác định nhân thân Cao Lỗ trong khung lịch sử đã được trình bày nơi khác nhưng cũng xin nói lại ở đây.
Chuyện bình thường là, dù ở bất cứ tài liệu nào cũng không thấy dấu vết “người” của kẻ được gọi là Cao Lỗ hay Cao Thông. Có thấy nhắc đến hành tung như người thường thì đó cũng chỉ là mượn tiếng “người” để cho thế nhân, người đọc sách, người nghe kể chuyện hiểu được mà thôi. Chuyện ở đất Việt thì người ở xa chỉ là “nghe ngóng” nhất là khi xét đến các điều kiện xuất hiện của nó đối chiếu với xác nhận của tác giả, người ghi chép. Vậy cho nên Cao Lỗ hay Cao Thông của Thuỷ Kinh chú hay Giao Châu ngoại vực kí dù có xưa hơn Việt điện u linh tập(1329) cũng không có độ khả tín bằng. Huống chi về mặt chính quy, VÐULT là ghi chép của nhà nước tại chỗ (Lí, Trần) chứ không phải của du khách từ xa.
Trong chi tiết, ngoài xác nhận “thần nhân” của sách Trung Hoa, sách Việt còn dẫn từ quan chức Ðỗ Thiện (xuất hiện 1127) nêu thêm các dạng khác làm nổi bật tính chất thân xác cụ thể của ông thần: “Vương vốn tên là Cao Lỗ, một lương tá của An Dương Vương, tục hiệu là Ðô Lỗ hoặc Thạch Thần”. Chữ Hán đi vào khung Hán Việt quen thuộc, được chấp nhận không thắc mắc nên ít ai lưu ý dịch ra “tiếng Việt” để cho thấy ông thần-người kia có tên nôm na là “thần Ðá”, “To Thô”, “Cao Thô”, nghĩa là để thấy nổi bật lên là Cục/Hòn/ Tảng Ðá. Vua quan đời Lí ít học, còn gần với sự kiện nguyên thuỷ nên thấy sao nói vậy, gán cho ông thần cái tên thô thiển theo hình thức xuất hiện, còn vua quan Trần nhiều chữ, xa đời thấy có dịp lí tưởng hoá nhân vật đến cầu cúng nên phong cho các tên Quả Nghị (1285), Cương Chính (1288), nói lòng vòng Cứng Cỏi, Cứng Thẳng thì cũng chỉ là Ðá thôi! Ðể cho thấy ông Cao Lỗ giống như bà con với Lí Ông Trọng ngự trị ở đền Chèm, ông Ðống Phù Ðổng “vụt lớn lên” cưỡi ngựa đi cứu nước, vốn là những tảng đá menhir của nền văn minh cự thạch ở Ðông Dương tập trung nhiều nhất ở Thượng Lào và nhân hoá với các ông Khổng Lồ bình dân “húi sạch rừng, bưng ngang lũ”, bắt cá biển bằng tay không…
Nhà khảo cứu ngày nay khi tìm quê hương cho nhân vật lịch sử của-mình, đã chứng minh đền thờ là ở ngay “quê hương thần” (thôn Ðại Trung…), vô tình cũng xác nhận bản chất thật của thần khi trích dẫn thêm Ðại Nam nhất thống chí: “đền Cao Công ở bên bờ sông, cạnh đền có tảng đá dựng đứng”, và thêm với quan sát của mình về các nơi có thờ “Ðại Than Ðô Lỗ Thạch Thần Ðại Vương”. Bấy nhiêu đó là đủ rồi. Nếu muốn nói thêm về “biểu tượng văn hoá” của Cao Lỗ lại là chuyện khác. Mà hình như vấn đề này cũng chỉ là được gợi ý từ các biến động của mấy mươi năm vừa qua mà thôi.
Không có cách nào chứng minh theo cách bình thường khác tuy cũng thấy là không dễ được chấp nhận, có khi vì nó bình thường — tầm thường quá trong tìn hình hoang tưởng lịch sử tràn đầy trước mắt. Không kể đến hiện tại có điều kiện thúc hối các học giả trong nước tìm cách bồi đắp cho thần tượng của mình, có người may mắn vượt ra ngoài khuôn khổ cũng thấy khó kềm được vướng vít của quá khứ. Nhớ có lần đọc một bài của blogger Le Minh Khai thấy lối giải thích của chúng tôi không được chấp nhận. Chen vào đây là làm chuyện bắt-quàng nhưng cũng thấy cái quá khứ “truyền thống” thật là nặng nề, sâu đậm, gây ảnh hưởng (mong là thoáng chốc trong tiềm thức) của con người thấy thật là ôm đồm thông thái, thông hiểu đa ngữ và rất mực thoải mái với các cách thức nghiên cứu trong thời đại văn minh. Chỉ là để không ngạc nhiên với các tác giả cuộc hội thảo.
Kết thúc của cuộc chiến 30 năm dù diễn ra thật huy hoàng, gây ngây ngất nhưng rồi cũng lại phải kéo đất nước về đúng vị trí trong thời đại toàn cầu. Trong chiến tranh, ít ai chú ý đến sự thất vọng của phóng viên O. Fallaci đến Sài Gòn của biểu tình tăng ni dưới uy thế Thích Trí Quang, của ngọn lửa Thích Quảng Ðức cháy rực trên màn hình thế giới, nhưng bà ta lại thấy ra những ngôi chùa chỉ là hơn một cái nhà, không giống như ở các xứ đồng đạo Miến Ðiện, Thái Lan, kể cả Lào, Miên. Mà có được dẫn đi thăm chùa Một Cột thì chắc bà ta cũng sẽ hỏi như học giả ngoại quốc hỏi hướng dẫn viên Trần Quốc Vượng: “Hình mẫu ở đây còn chùa thật thì ở đâu?” Có nghĩa là dấu vết quá khứ của Việt Nam không tương xứng với các biến động vừa qua. Không thể trưng ra Ðại tứ khí vốn chỉ hiện diện có vài chữ xưa, để khoe với người ngoài, với kẻ hậu sinh. Chỉ còn lại văng vẳng các lời hô hào, ca tụng “trái tim loài người/ lương tâm của nhân loại”.
Và học giả nội địa, trong vị trí thuộc hạ truyền thống, có thể là với cả sự thành tâm tận lực với khả năng kiến thức của mình, thấy có bổn phận lấp đầy khiếm khuyết đó. Phải nhân nói về một nhân vật lịch sử mà đề cao cả sức mạnh dân tộc: “Sự tích Cao Lỗ Vương là sự huyền thoại hoá sức mạnh tồn tại và phát triển của cộng đồng Việt Nam”. Có thế mới được người cầm quyền lơ đãng chịu đọc bản văn cũng của đại biểu tầng lớp thư lại thảo ra, gián tiếp tán tụng tầng lớp mình: “(Cao Lỗ là người) có tầm nhìn xa, tỉnh táo cảnh giác và đầy bản lĩnh để can ngăn nhà vua không sa vào quỷ kế của kẻ thù, dù rằng vì chuyện đó bị nhà vua xa lánh. Nhưng khi đất nước bị xâm lược, tổ quốc bị lâm nguy thì lại ra phò vua giúp nước (?!)… Cao Lỗ là một vị anh hùng dân tộc, biểu tượng của trí tuệ, bản lĩnh và sức mạnh Việt Nam trong thời kì đầu dựng nước”. Có tự khen như thế, sử gia Việt mới có thể nấp lánh bắt chước người xưa làm phận sự gián quan, đưa ra những câu sáo mòn, nêu ý kiến thời sự về tình hình đất nước hiện tại, chỉ đường dẫn lối cho nhà cầm quyền, chêm một chút phê phán kiêu ngạo ngầm mà không giấu được ý thức nhẫn nhịn bất lực của tầng lớp: “(Lịch sử mất nước của Âu Lạc) là bài học về nhận thức đối với kẻ xâm lược, về việc sử dụng người hiền tài, về việc phải biết lắng nghe ý kiến khuyên can. Ðó còn là kinh nghiệm về chiến lược chiến thuật tổ chức kháng chiến bảo vệ đất nước. Thành cao hào sâu, vũ khí tốt, quân đội mạnh nhưng… bị tách ra khỏi nhân dân và mất khả năng huy động được sức mạnh của nhân dân thì cuộc chiến đấu bị cô lập và thất bại khó tránh khỏi”.
*
Trong lúc này, định kiến về Bài học lịch sử không thể nào gạt bỏ được để một khoa học lịch sử Việt Nam thực sự thành hình, cho nên hãy cứ bằng lòng với những xuất hiện của nó. Bởi vì đây cũng là chứng cớ lịch sử.

Người thắng / kẻ thua, và rồi LỊCH SỬ Hồi đó, có một quyển sách… 

  
BÊN THẮNG CUỘC
Không cần khen Phò mã tốt áo: quyển sách đã gây được tiếng vang lớn. Với thời internet, có người đã nhấp chuột, gõ máy để có sự kiện, con số đủ thuyết phục người hoài nghi. Sách được dịch ra tiếng nước ngoài (Nhật) cũng được thông báo (BBC phỏng vấn 14-7-2013). Lại có ý nghĩ rằng sự ồn ào rồi cũng sẽ chóng qua như mọi thứ thời trang khác trên đời, nhất là khi bắt đầu đặt một chân là trên thế giới ảo. Tuy nhiên chính khu vực này cũng là một yếu tố thành công cho tác giả không phải chỉ vì sự loan truyền mà cả trên tiến trình hình thành tác phẩm nữa.
Số lượng trang sách không mang tính cách tiểu thuyết feuilleton lằng nhằng ngày nào, nói lên đầy ắp các sự kiện được dẫn chứng – chê hay khen lại là chuyện khác. Tác giả là một phóng viên có nghiệp vụ, quen sự ghi chép, có ý thức về cái đích nhắm tới như đã thú nhận, thì từ năm 1997 đó, tạm cho là 15 năm đã qua, đã tích tụ được những điều dành cho các trang giấy, hẳn cũng có thể gọi là nhiều. Có điều giá thuộc vào lớp người trước, Huy Ðức không thể có, không thể ví dụ thành thạo sử dụng máy ghi âm, không có cái PC chứa tạm gọi là bao nhiêu data cũng được – chưa nói đến những iPhone, iPad, tablet… thêm dạng hình thông tin hầm bà lằng, và loại quảng bá cái gì mà Amazon Kindle và Smashbook. Kĩ thuật mới chật vật đi vào kiến thức của các nhà lãnh đạo già bao nhiêu thì lại dễ dàng mang ích dụng cho lớp người trẻ bấy nhiêu. Với phương tiện mới, Huy Ðức rõ ràng vượt được Vũ Thư Hiên quá xa nếu ta nghĩ đến những thú nhận khó khăn của tác giả Ðêm giữa ban ngày, một quyển sách tạm gọi là đồng dạng, từng nổi tiếng một thời, khi ông này phải viết dấm dúi, đánh máy lén lút, giấu đút bản thảo, đem nó ra khỏi nước… Cái lợi thế về kĩ thuật internet đã phá vỡ mọi sự bưng bít thông tin của mọi quyền hành nào muốn giấu nhẹm với dân chúng. Có internet, Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt mới dám khởi động đòi đất của Nhà Chung trong tay người cầm quyền Hà Nội. Có internet, vụ Tiên Lãng mới ồn ào, gây phản ứng cấp thời mà lan rộng gây khó khăn với nhà cầm quyền hơn là vụ nông dân Thái Bình (1997) trong thế kỉ trước. Có internet, những quyển hồi kí mà những người vượt qua được nỗi sợ hãi di luỵ đến muôn đời con cháu mai sau, đã dằn run rẩy viết lên nhưng vẫn không có nơi phổ biến, đã được tung lên mạng, dù có khi được đẩy đưa trách nhiệm vào tay kẻ khác. Tấm màn thâm cung bí sử che lấp những điều lưu truyền qua xầm xì lấm lét, bị vẹt ra khiến người ta thoải mái tỏ bày với anh chàng kí giả có “âm mưu”, để rồi giật mình khi thấy nó xuất hiện trên giấy trắng mực đen… Tác động chính trị của internet cũng rõ ràng không vượt qua tầm mắt của những người đầy phương tiện đã đem ra để bảo vệ quyền lực.
Người có trách nhiệm một thời nói ra ý nghĩ của mình, chịu kể chuyện “nội bộ” cũng chỉ vì nghĩ anh kí giả kia là của “phe ta”. Hãy cứ nhìn bà Dương Thu Hương từng được bắt tay Tổng Bí thư, rồi sau khi phản tỉnh chỉ phải ở tù vài tháng, và viết thư vẫn gọi tướng công an là “Anh”! Chuyện thoáng qua ngày ấy đã có thể là “sử” nhưng bằng cớ gần gũi thì đầy dẫy nơi các cuộc biểu tình những năm 2007, 2011… trong đó các lời đấu khẩu giữa một bên có quyền lực dùi cui và bên kia có những cái miệng la lối, thấy cứ như là chuyện gấu ó lẫn lộn giữa cái làng Hà Nội của tân cựu hương chức có đàn em đi theo. Và chỉ có nhắm mắt lại mới không thấy những bày tỏ về cùng một sự kiện cũng có khác trên phố Hà Nội và đường Sài Gòn. Cùng chống mất đất, Ðoàn Văn Vươn của Hải Phòng cho nổ súng hoa cải nhưng hai người phụ nữ ở Hậu Giang chỉ có thể vùng vẫy trần truồng mà thôi. Sự cách biệt / khác biệt đi theo với lá cờ, chìm lấp bởi các cách nhìn sôi động từ các vị trí khác biệt mang tính thời sự trong vụ Phương Uyên – Nguyên Kha (5-2013) nhưng đã là trọng tâm công kích của phe Lề phải, và đủ lọt vào mắt ông Jonathan London để ông không bằng lòng về sự xuất hiện cho là “lạc hậu” đó. Kẻ thua cuộc biết phận mình, không dám ngạo mạn nhưng cũng được một người thắng cuộc ranh ma chỉ rõ, là “Các ông (lãnh tụ) ấy muốn tỏ ra bình dân nên cũng dễ tiếp cận lắm”. Cái lợi thế ta/địch lớn lắm dù đôi khi cứ tưởng chỉ là của những “chuyện nhỏ”. Cung Tích Biền muốn lưu giữ các phần viết tiểu thuyết của mình từ các trang báo hàng ngày trước 1975 cũng không được. Về phần Huy Ðức thì không phải chỉ thoải mái đọc Sài Gòn Giải Phóng mà còn tận mắt ghi chép các tài liệu mật về cải tạo, đánh tư sản, cho vượt biên “bán chính thức”, đọc giấy tờ của cái Tổng cục II ghê gớm kia…
Lại không phải chỉ có vấn đề của nội dung sách trần trụi. Giống như hòn đá ném xuống nước có những vòng to nhỏ lan truyền. Sách nói chuyện chủ yếu về một quốc gia mà lại được xuất bản đầu tiên trên đại lục, cách nơi xảy ra một bờ đại dương chứa đến ¾ nước địa cầu. Chuyện lại không phải mới hôm qua mà bắt đầu từ 30-4-1975, nếu không muốn kéo thêm về trước. Cho nên ngoài sự lệch chuẩn không gian còn có cả sự lệch chuẩn thời gian để cho những tâm tình phán đoán đủ đổi thay, nhân rộng khác biệt. Khoảng thời gian đó giúp cho những sự kiện ẩn giấu, đi từ những xầm xì lén lút ra lời công khai theo kiểu bị chê là “ngồi lê đôi mách” nhưng có khi lên đến báo chí bình thường, sách vở nghiên cứu mà người ở xa không biết. Ðó là lí do một chừng mực hữu lí của những người công kích sách đưa ra: “Chuyện ai cũng biết hết rồi”. “Không có gì mới”, là nói trong tầm mức sự kiện phổ biến đó chớ không phải đem đặt trên bình diện phát hiện nghiên cứu, như một vài học giả đã nổi nóng. Vả lại ngay cả ở tầm mức nhận định, thời gian cũng chen vào gây biến chuyển chứ không còn dừng lại ở lằn ranh khởi đầu. Không phải “ai cũng biết hết” nhưng có nhiều, có khá nhiều người biết để không ngạc nhiên mà tán thưởng đến mức vồ vập, như những người đang có một số vị trí an bình nào đó trên đất mới, không có cơ hội tiếp xúc với thực tế, không rảnh rang nghe chuyện tiếu lâm thời mới như biến dạng của sự thật phi chính thống, râm rang từ lâu trong nước – và đôi khi cũng lộ diện công khai bất ngờ, có lẽ trong sự sơ suất “mất cảnh giác” của người cầm quyền: “Hồ hởi làm sao được hỡi Hồ?” (Vương Hồng Sển, Nxb. Trẻ 2003). Ngay ở tầng lớp nghiên cứu, nơi một vài bài nhận định về cuốn sách Bên thắng cuộc của một vài nhân vật được giới thiệu là gồ ghề, cũng vẫn chỉ thấy những ý kiến nhàn nhạt “ai cũng biết rồi”. Người cùng tiếng nói còn như thế huống chi khách khoa bảng ngoại quốc sao lại không luận bàn theo cách có người chê là “ai cũng biết”, dù rằng khách ở vào vị trí thuận tiện để thu nhận sự kiện, có khi bởi vị thế “Tây” của mình lấn lướt đám dân nội hoá bản xứ, bởi sự cả nể của người cầm quyền không che giấu được mặc cảm tự ti một khi sự tự tôn đành phải loại bỏ.
Khoảng cách địa lí không làm mờ nhạt sự kiện mà còn khuấy động thêm chỉ vì có một nhóm dân tản lạc chưa thể nào quên khá khứ rướm máu: “Chúng tôi có gần bốn mươi năm để làm người thua cuộc / Chúng tôi không viết hoa vì đã thua người thắng lâu rồi” (Nguyễn Tấn Cứ). “Mỗi một người Việt xa xứ mang theo cả một kho truyện đầy bi hài của một giai đoạn lịch sử nước Việt. Tốt nhất là đừng đụng đến nó, nó như một ngọn lửa âm ỷ cháy, dễ bùng lên…” Người của Phe thắng cuộc Lưu Trọng Văn không phải đến Australia mà đến Mĩ thì cũng vẫn giữ nguyên ý kiến đó. Ở đây không còn kịp cho vấn đề dàn trải lí lẽ Phải Trái. Sự kình cãi giữa những kẻ lưu vong trên khu phố Bolsa diễn ra bằng các lời đối đáp đem lại hãnh diện cho người đắc thắng có-chữ: “Ðã đọc chưa?” – “Không cần đọc, không cần biết!” Không cần biết đến những thống kê lằng nhằng rắc rối, những tranh chấp cung đình phức tạp của những kẻ ngự trị bằng quyền lực, đã hay đang đấu đá nhau. “Thấy mặt là đã không ưa rồi!” Bỏ xứ chạy, cứ tưởng là nhà ai nấy ở, không ngờ người ta rượt ra tận biển khơi, hoang đảo đập phá hình tích trốn chạy “đi được thì con nuôi Má, không được thì con nuôi cá…” Rồi thừa thắng xông lên, họ lấy tính cách chính thống chiếm lĩnh dân nước, mở rộng uy thế của một thành phần quốc tế, dẫn dụ kẻ “chiêu hồi” nói lời đầu hàng nhục nhã, đem rao giảng đạo đức bình thường mà trở thành độc tôn của kẻ thắng vào đến tận từng nhà trên đất mới, gây thêm nỗi nhục hí hửng tưởng lầm “chỉ một lần thôi / Không thể có cơ thua thêm lần nữa bao giờ!” Nghị quyết 36 kia không phải là lời hoà giải nhưng là mưu toan mang tính tấn công vào “hang ổ cuối cùng”của bọn sổng thoát, nhen nhúm lại sau ngày 30-4-75. Muốn “cấm cửa Việt cộng” như các thị xã Westminster, Garden Grove đã làm, người ta phải nại cớ thật sự khác: sợ tốn tiền “chào đón”! Chửi thề, chổng mông tuột quần như ngày nào ở San Jose đúng là chướng, nhưng trong đó có sự thú nhận thất bại, là phản ứng của kẻ cùng đường, dồn tức giận vào người trước mắt, bên cạnh. Trong giới hạn tranh chấp thu gọn thì báoNgười Việt cũng nên coi mình cũng chỉ là một nạn nhân của thời thế, cái thế chịu đựng của sự hiện diện có-thế của mình – hãy so sánh với sự chống đối Việt Weekly thì dễ chấp nhận hơn.
Gọi Huy Ðức là Việt-cộng-con, dựa vào thời điểm 30-4-1975 đó, có lí không phải từ thành kiến về nơi xuất thân của anh mà còn từ chính ưu thế vẫy vùng của anh trong tiến trình phổ biến quyển sách nữa. “Bên thắng cuộc nói gì viết gì / cũng không ghê rợn bằng chúng tôi đã sống”. So sánh với hiện tượng best-seller của sách báo ở hải ngoại thì rõ ràng sự xuất hiện của các quyển Ðêm giữa ban ngày, Chuyện kể năm 2000 (có người còn nhắc thêm các sách của Nguyễn Khải, Nguyễn Ðăng Mạnh…) và bây giờ, Bên thắng cuộc, tuy mang yếu tố khích động tò mò về chuyện trong nước nhưng cũng không tránh khỏi cho thấy có sự vồ vập ẩn giấu từ sự thu hút của Bên thắng cuộc. Sách vở Bên thua cuộc cũng đã có nhiều nhưng được coi như thêm một bằng cớ thua cuộc nhục nhã (kiểu ông Hoàng Phúc Hải, cựu sĩ quan Cộng Hoà, đương kim đại biểu Quốc hội của Tp. Hồ Chí Minh đưa ra). Hay rộng rãi ra thì chỉ là tiếng thở than, căm giận có thể gợi thông cảm của kẻ thất thế chứ không thể là một bằng cớ cần ghi nhận về một sự biến, một thời đại. Ở đây nổi bật lên vấn đề: phần của người thua cuộc phải được nói lên từ người thắng cuộc mới có giá, giá bao nhiêu thì còn tuỳ… Những người phản tỉnh một thời tự ca tụng, nay thấy như một dịp để bào chữa xuê xoa với kẻ mình hất hủi xưa kia. Cả người thua cuộc xiêu xiêu đang sống trong an bình, cũng có dịp coi như một lần tự sướng để phải được nhắc nhở: “Không có gì phải sung sướng ghê lên / khi họ bắt đầu trò chơi sám hối…/ khi họ buộc phải chìa ra bàn tay hoà hợp”. Hoà hợp hoà giải là lí tưởng đẹp như mơ nhưng cũng là bằng chứng thử thách trí óc ngu muội của con người. Huy Ðức không có chủ ý vẫn phải chịu đựng sự hoài nghi không phải chỉ trở thành định kiến mà còn là sự hiển nhiên, đương nhiên: “Bên thắng cuộc nói gì viết gì / cũng không gì mới hơn”. Phong trào vượt biên bị chặn lại vì thế giới kinh hoàng trước làn sóng người đổ ào ra biển chứ không phải vì người cầm quyền Hà Nội chùn bước trước nhu cầu an ninh của mình, phải “xuất khẩu phản động / nghèo đói”, trong đó không khỏi có tham vọng “tát nước theo mưa”, cấy người làm cách mạng thế giới theo đà tự huyễn với chiến thắng choáng ngợp ngày 30-4-1975. Cứ nhìn những diễn tiến từ bao nhiêu năm qua, và những lời công kích đúng lập trường, hay tuy có chệch hướng vừa đủ mà vẫn không mất tính chính thống, được đưa ra từ trong nước, nơi các comments trên mạng ủng hộ Nhà nước đương quyền, hay cả trên các phát biểu bất chợt của những nhân vật như hiện vật khảo cổ đồng thời với con cháu họ, thì đủ biết.

Và “lịch sử” kế tục
Bởi vỉ lịch sử vẫn tiếp tục ở một phía. Có lẽ vì được ra ngoài, Huy Ðức mới có thêm được các chứng thực đầy kinh hoàng về chuyện cải tạo, vượt biên. Cho nên mới có phản ứng gay gắt của anh sĩ quan Thuỷ quân lục chiến nọ. Còn trường hợp nếu kẻ liên can không biết tới thì lại không có dịp cải chính. Ví dụ chuyện nhà nước ta đến những năm 1980 còn giữ “BẢY TƯỚNG LĨNH Nam Triều Tiên” già yếu gần chết trong các trại tập trung. Người không thạo chuyện binh lửa thì dễ tin như nghe chuyện anh hùng Nguyễn Văn Bé “ba lần dũng sĩ: diệt Mĩ, diệt nguỵ, diệt xe tăng” của Viện Sử học, trong khi Seoul mắc lo đào củ sâm làm kim chi, có vài anh mang bằng Tiến sĩ Việt (!) viết tiếng Việt không xuôi đăng bài, in sách dạy dân nhà nước ta học sử, những người đó chắc không đủ chữ để tìm ra tin vể Bảy ông tướng của mình còn mắc nạn trong rừng chữ của Huy Ðức. Chỉ có anh lính thường của Bên thua cuộc mới giựt mình: “Cấp bực (ví dụ) Tiểu đoàn trưởng của Ðại Hàn là tướng hay sao mà để Việt Cộng bắt tới BẢY người như bắt ruồi vậy?”
Loại viết theo thời sau 30-4-1975 — kể cả của những người từng quậy tưng bừng giữa đường phố, hiên ngang trên sách báo, ở nghị trường, loại viết cầu sống này, bọn tù cải tạo đã ngậm ngùi đọc và cười ngất trong trại. Không có gì lạ. Ông Hoàng Ngọc Hiến từng nói với tôi (đại khái): “Ðọc sách của anh mới biết chuyện dữ dằn bên trong nhà giam (Dân chủ Cộng hoà)”. Ấy là tôi được ở trong một nơi nghe nói chưa đủ “đô” so với các nơi khác, dù rằng Gia Trung là trại công an trực thuộc trung ương đầu tiên của Miền Nam. Sự cách biệt trong, ngoài vòng rào giúp ta hiểu vì sao người ta truy bức tác giả Chuyện kể năm 2000. Sức tràn lấn của binh đội chiến thắng ngày 30-4-1975 khiến cho những biến động sau đó, dù to lớn, dù đau thương thức mấy cũng chỉ được coi như những xáo trộn đương nhiên phải có chứ không thể đặt thành vấn đề chính nghĩa cho chế độ.
Cho nên, chớ nghĩ rằng các bài viết chê trách Bên Thắng Cuộc trên báo chí trong nước, dù là của Công an, cũng chỉ là đơn thuần kiếm cơm, theo chỉ thị. Mà có là xỏ xiên móc ngoéo, mắng mỏ chửi bới thì cũng chỉ giống nơi phía đối kháng – cái khác ở đây là họ đứng ở vị trí thành phần cai trị nước mà thôi. Căn bản của sự lên tiếng vẫn là bằng chứng của lịch sử đã thành hình. Ðả phá “cái nhìn thiên kiến về lịch sử” của quyển sách vì cho rằng phải “hiểu đúng về bản chất của cuộc chiến tranh” kết thúc ngày 30-4-1975 đó, là tóm thâu cả một tin tưởng được thành hình để làm nên chiến thắng, là chính lịch sử đã qua của họ, là quá khứ ùn ùn thiên lệch được trân trọng viện dẫn: “nhân dân một lòng theo Ðảng”, để người ta chống đối những ai “bắn vào quá khứ” theo cách lúc nào cũng dễ tìm ra một danh ngôn phù trợ cho mình. Ở trình độ thấp hơn, là những người ném đồ dơ vào nhà kẻ chống đối, còn anh, nhắc đến Tổ quốc, công lao tiền nhân… dùng cho một phản biện, là một thủ thuật đã trở thành bình thường mà người thanh niên thế hệ mới, được dạy bảo để bênh vực cho chế độ anh cho là không thể nào có mặt trái. Anh chỉ đau lòng thấy các thần tượng “bị phỉ báng” mà không có dịp để bào chữa, chứ không nhận ra rằng sinh thời các “vĩ nhân” đó hành động không cần tự bào chữa, không cần ai bào chữa giùm, vì đã có một thời đại ùn ùn dâng lên che lấp các khuyết điểm – chưa nói đến xấu xa, của họ. Trong giai đoạn tiến chiếm quyền hành, họ đã tụ tập được một lớp quần chúng trung thành được gọi là Ðảng viên, hưởng chút ân huệ đứng ngoài pháp luật để đổi lấy ảo tưởng là tầng lớp ưu tú của nhân loại, có những người như họ với vị thế lãnh tụ thần thánh nằm ở tột đỉnh, đứng trên pháp luật của mọi thời. Họ đã vượt qua những triều đại đi trước trong khi thừa hưởng luôn cả những thu xếp trong quá khứ, để sống với đặc quyền đặc lợi (“có chiếu cố đến nhân thân”) kéo dài đến sau khi chết, lưu giữ cả cho thế hệ tiếp nối. Ðó là trường hợp tập ấm khá khôi hài trong tù của Cù Huy Hà Vũ, với một số đối xử riêng biệt, bất ngờ phải xuất hiện công khai khi nhà cầm quyền lấy đó làm chứng cớ cho tính nhân đạo ban phát đều khắp trong tù ngục của chế độ mình.
Ðắm mình vào giá trị đạo đức tưởng chỉ dành riêng cho tập thể mình, người ta viện dẫn đến trường hợp cặp đôi : Lưu Quý Kỳ – Lưu Ðình Triều: “Không nhẽ, bố anh lại… không có trái tim”. Trong chuyện này có sự lệch chuẩn thời gian, sự đổi thay tâm tình qua năm tháng mà Huy Ðức khi “phân trần” với Lưu Ðình Triều đã giữ vững lời lẽ của mình. Còn bọn cải tạo, không chỉ có bằng chứng trên thân xác mà còn ghi được trên giấy tờ, thì thấy rằng chuyện người “cách mạng” bảo lãnh cho người thân đang cải tạo cũng xảy ra theo thực tế phức tạp của cuộc sống chứ không phải là chuyện của sĩ diện đạo đức vu vơ. “Ảnh sợ mất tuổi Ðảng, má ơi!” Du kích làng, điếc không sợ súng, có khi làm giấy bảo lãnh nguỵ với lời lẽ mạnh hơn bất cứ ông Cao cấp nào. Còn muốn bảo vệ giá trị đạo đức cho ông Lưu Quý Kỳ thì có thể viện dẫn đến lập luận về dân chủ tập trung, về sự hi sinh cá nhân cho lí tưởng, về sự xấu xa của đạo đức tiểu tư sản so với nền đạo đức vô sản ưu việt, về tinh thần khoan dung trời biển của dân tộc Việt, tất cả đầy dẫy trong sách vở mới, nhẫy tai trong các cuộc hội họp. Từ đó đã xuất hiện một phong cách hành xử lạ lùng, không có nơi nào, cả trong sách vở tranh bá đồ vương, về một lối thành thực nói dối trước những người biết mình đang nói dối! Lối hành xử vẫn còn lẩn khuất trong đường hướng chủ đạo dẫn dắt đất nước bây giờ, không chỉ ở chuyện “cải tạo” đã trở thành quá khứ.
Nhắc lại chuyện xưa, khi Lưu Hữu Phước rủ rê người điên Nguiễn Ngu Í: “Hay là Nguyễn hãy vào chơi Thiên Thai với Lưu một chuyến…” và được trả lời: “Ở Thiên Thai không có tình người”. Người cộng sản tự phụ mình đầy nhân tính nhưng cái nhân tính đó chỉ là dành cho đời sau, đời của thứ lí tưởng mà dần dà với thực tế được thấy là hoang tưởng, còn với ở đời này thì “tình yêu giai cấp” được cổ xuý đó mang tính cách giai đoạn, phường hội, dẫn đến tình trạng trở trái làm mặt, xoay chuyển phụ thuộc vào sự điên đảo của quyền lực ban phát – không phải cùng phe là “diệt”, “tận diệt”, cái đó khó có thể gọi là nhân tính. Lằng nhằng thêm về một hai trường hợp riêng rẽ như thế cũng để chỉ lặp lại, là lịch sử đã thành hình, đủ cho một cái khuôn may ra có thể vẽ thêm một chút gam màu cho bắt mắt hơn chứ còn lâu mới tìm được một cái khuôn khác.
Lịch sử là tập họp, kết tụ của những diễn biến đã xảy ra, tiên vàn là trong hình thức xuất hiện trần trụi của chúng. Nhưng cùng lúc, tác động lan toả cũng đã khác trên những tập đoàn khác nhau để dẫn đến những suy luận thành hình khó xoá bỏ. Tấm hình cô bé trần truồng kêu khóc giữa khung cảnh bom đạn đem lại huy chương quốc tế cho người phóng viên tập sự, thật ra chỉ là chụp được cách xa mặt trận, nếu ta chú ý tới hậu cảnh gần với toán lính đi theo, đầu súng chúc xuống đất (nhận xét của Trần Hoài Thư). Thế mà nó đã được chỉnh sửa tung ra theo nhu cầu thông tin nhạy cảm cấp thời – chưa tính tới sự khích động tiềm ẩn từ khuynh hướng tả phái của nhóm, tập đoàn, ít nhiều cũng làm nên một yếu tố chống đối một phe nhóm – sau này là Phe thua cuộc. Mọi thứ như thế cùng lúc với các yếu tố khác đã làm lệch cán cân quyền lực trong tranh chấp đương thời. Sự định hình quanh bức ảnh vẫn không suy suyển dù rằng với thời gian, Phe thắng cuộc đã phô bày sự bất xứng của mình. Chính hình tích cô bé cũng đã mờ nhạt nơi phía bồi đắp thêm vinh quang cho cô, vì lúc lớn lên cô đã không chọn lựa phía ấy nhưng bốn mươi năm sau, khi xuất hiện trên tivi (The Power of the Picture, đài ABC 2, 3-6-2012), vẫn thấy lửa napalm như chồm lên người cô, như cháy tràn thị xã Củ Chi ngói lầu tở mở của năm 2012, còn cách thế phát biểu tiếng Anh lưu loát, dáng vẻ phúc hậu an bình thì không gợi lại một chút gì giả trá được tạo dựng dành cho hình ảnh cô ngày xưa. Vinh quang từ đó chỉ có người thắng cuộc được nhận lãnh, không suy suyển.
Còn nói gì đến các sự thật chòng chéo hơn. Như tính cách lệch chuẩn văn hoá khi tôi nói về bức hình tướng Loan bắn người đặc công, “bức hình làm thay đổi đường hướng cuộc chiến” (National Geographic tháng 10-2013). Ông ta được tình thế xếp hàng với tập đoàn những người đồng minh muốn thấy chiến binh ra trận như tướng trên sân khấu hát bội: “Như ta đây là… Việt cộng!” Ông ta vốn cũng xuất thân như những người ông chống đối, cho nên đoàng một phát trong lúc nóng giận – hay để tỏ oai phong / “giựt le” , cũng không có gì là tàn nhẫn hơn cách thế đồng đội, cả bà con dân chúng, từng phải chịu đựng khuất lấp trong xóm làng, có thể là cùng ngày hôm đó trên xứ Huế quê hương của ông. Rủi ro là các hình chụp từ các đống xác sình thúi vài tháng sau, lúc sôi động đã qua một ít, lại không có một tấm hình tương đương lúc người ta “đập đầu cá lóc”, để làm bằng chứng, khỏi phải tranh cãi về thủ phạm đích danh với những người khăng khăng một mực, phát biểu như tụng kinh, hô khẩu hiệu, ngây thơ đến chết người: “Phe ta mang chính nghĩa ngời ngời tiến hành cuộc chiến tranh thần thánh, có lẽ nào lại như thế!” Ðể Huế hàng năm có trống rung, cờ mở ăn mừng chiến thắng, mắt ngơ tai điếc trước những bàn thờ khấn vái hàng trăm, hàng ngàn người cùng một ngày khuất bóng. Chuyện không dừng ớ đó. Bức hình như bằng chứng tội phạm, không tha lúc Ông thua cuộc chạy trốn sự xua đuổi của cả những người cùng phe, chắc hẳn cũng chưa thấy được giải thoát ngay cả lúc chết dù tác giả bức hình đã lên tiếng phân trần cho ông. Sự hận thù có thể hạ nhiệt với thời gian nhưng bằng chứng chính/tà vẫn không suy suyển. Thế hệ sau của Phe thắng cuộc có người lặp lại bằng bức tranh triển lãm vẽ người đặc công nhăn mặt nhận được quả trứng vào mắt! Và đau thương hơn, có con cháu kẻ di tản, được hưởng gia tài khoan dung trên đất mới, cũng lại chê trách thế hệ trước, coi như đó là bằng chứng của lí lẽ thua cuộc hiển nhiên. The Power of the Picture không chỉ là sức mạnh tự thân của hình ảnh mà còn phải vướng thêm sự định hướng của thời sự, thời thế cho nên Mĩ Lai mới lấn át Dak Sun ở xứ Thượng (1967) và gây cả tranh cãi, phân vân trước thực trạng Huế! Muộn màng bên lề còn có chuyện đám con cháu lính Ðại Hàn, sống trong thế giới an bình, tách rời khung cảnh truyền thống chiến tranh “thảo phạt” / chặt (loài) cỏ rác, nên lên tiếng tố giác tội ác tày trời của cha anh họ trên đất Việt hiền hoà họ được tiếp đón ngày nay, nhờ các đồng tiền củ sâm đấy bổ dưỡng! (Nói cho cùng thì chuyện “cải tạo” chỉ là hồi tiếp theo của quan niệm truyền thống thảo phạt kia. Những phóng viên ngoại quốc ít oi còn hiện diện trong ngày 30-4 năm ấy, đang phải lăng xăng quanh dinh Ðộc Lập xem cái xe tăng nào húc đổ cây cổng đã mở ra, có ai quan tâm tới cảnh đập đầu, thắt cổ nơi tỉnh, làng xa tít mờ mịt đâu!)
Quyền lực vững vàng của chính quyền thừa hưởng từ chiến thắng càng củng cố thêm những quan điểm ủng hộ cũ, hay được coi là mới mà thật ra chỉ vì làm theo thói quen của phát biểu. Trên các bản tham luận trong các cuộc hội nghị Việt Nam học ở Hà Nội của học giả ngoại quốc, thấy có các nhóm từ (đại khái) “từ lúc / qua quá trình Ðổi mới…” Loại lời ca trong khẩu hiệu “Ðảng Cộng sản Việt Nam quang vinh…” trở lại trên tivi CBS. Giới thiên tả quốc tế ngượng ngùng lẩn tránh sau các biến động vượt biên, sau sự suy yếu của phong trào cộng sản, hay đã chuyển hướng qua các đề tài mới kiểu Bênh vực đồng tính… cũng có dịp trở lại minh định chính nghĩa cũ với loại khảo cứu muộn màng kiểu Kill Anything that Moves (2013) của Nick Turse. Ðã nói, lịch sử vẫn còn dịp là của người chiến thắng.

Nên lịch sử chính thống vẫn đang rùng rùng đi tới
Vì có cái thắng nào lại không có cái hữu lí của nó? Có lí hay không chỉ là do khác tiêu chuẩn định hình cho phán đoán. Vượt trên mọi trở ngại lựa chọn tiêu chuẩn, Bên thắng cuộc đã tỏ rõ quyết tâm của mình. “Giới lãnh đạo VNDCCH nắm chắc mục tiêu ‘dân tộc – cộng sản’ thẳng tiến vào Nam đến chiến thắng tận Sài Gòn, không ngừng bước trước bất kì trở ngại nào và không ngần ngại trước bất kì hi sinh nào”. Sử gia F. Guillemot chỉ lặp lại với một dạng khác lời của chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dù phải chiến đấu đến 5 năm, 10 năm hay lâu hơn nữa, chúng ta cũng kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn”. Có thế nên sau chiến tranh, ông Trần Bạch Ðằng mới chê bai chuyện Mĩ kiên trì tìm vài ngàn người mất tích của họ, để so sánh với 800 000 MIA Việt nằm trên Trường Sơn, được giao phó cho nỗi nhớ của người thân và sự lùng sục của các ông bà ngoại cảm xoáy tiền của nhà nước vô tội vạ với sự chuẩn nhận chia chác của các nhà lãnh đạo cùng tâm thức, làm phát sinh thêm một ngành “khoa học tâm linh” phồn tạp với các danh xưng Tổ chức, Trung tâm, Viện Nghiên cứu… không chừa các ghi chú bằng Anh ngữ oai phong với những người đầu ngành là các Tiến sĩ, một cựu Bộ trưởng Giáo dục lên tiếng bênh vực ngay cả khi các “đồng nghiệp” ra toà vì tội lường gạt! Chỉ với thời gian làm loãng các đầu óc nhồi nặn căm thù, có người mới nhận ra: “Cuộc chiến chỉ tính nó là thắng lợi là chiến thuật là đấu trí mấy ai đong đếm máu người mấy ai nhòm ngó đến nỗi đau khổ nhỏ nhoi cụ thể”, để chỉa mũi dùi trách móc vào “người đàn ông quyết liệt… đêm đêm đi lại trong ngôi biệt thự xây kiểu Pháp giữa khu nhà dành cho những ngôi vị cao nhất” (Lê Minh Khuê, 2012). Người đàn ông quyền lực đó lúc còn chưa đạt đỉnh cao đã chịu ăn mặc tồi tàn, sống cam khổ, đủ dáng vẻ chuẩn mực đạo đức cao vời, lấn át thực tế chiếm đoạt, giúp an ủi thuyết phục cô tiểu thư con một chức chưởng thời “thuộc địa”, “phong kiến” vừa bị buộc bỏ tình nhân đã có vợ để lấy người có vợ khác! Và một khi đã “quyết liệt” bằng thân xác kẻ khác thì cũng dễ an tâm chuyên chú vào những mục tiêu cố định, đem lại thành công chắc chắn, không dành chỗ cho những dao động khác chen vào.
Ðây là lần đầu tiên – mà có lẽ cũng là độc nhất trong lịch sử, Việt Nam có một lớp người làm chính trị với tính cách chuyên nghiệp – ăn, ngủ, thở, chết đều là với cái đích quyền bính. Ðối địch với họ chỉ có những người hời hợt của đất thuộc địa lạc đường vào lịch sử, ngu ngơ giữa chợ đời chính trị, ngông nghênh gắn bảng tên “révolutionaire annamite” trong khi đi cầu cơ, những người vung tay múa chân giật micro trên sân khấu cải lương, hờn dỗi chống ba-toong làm ăn mày biểu tình, hay đem pha trộn chút lí tưởng nhà nho thời suy tàn với sắc màu lãng mạn Tây phương trong hình ảnh nhân vật một chiều trên bến vắng “lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang”, để rồi không chế ngự được nghịch cảnh, phải vật vã khùng điên lúc cuối đời. Chính trị đối với những người này là những lúc hăng say bất chợt, vụt thấy “bên kia sông là ánh mặt trời”, vui làm buồn bỏ, hoặc rồi sẽ trở về đời thường ở ẩn như ngày xưa, hay “trùm chăn” theo nghĩa thời nay, nhai nuốt ân hận, nếu có bị đưa đẩy vào cuộc đời gió bụi thì cũng sẽ đến hoang mang lạc lõng, tàn tạ như lời nhận xét trong lúc thành thật cuối đời của ông Nghiêm Xuân Hồng khi nói về các lãnh tụ đồng thời (1945): “Có gì đâu, chỉ là (thuốc) phiện với đĩ thôi…” Cứ đọc hồi kí của “Việt cộng” tư sản Trương Như Tảng, hay loại hồi kí “khoe một thời, giấu một lúc” của Lý Quý Chung thì đủ rõ những hoàn cảnh khác nhau mà cùng chung một tính chất. Và cũng có thể kể thêm các nhân vật của “Lực lượng thứ Ba” ngờ nghệch, phụ hoạ, bị chế riễu là “cầm cu cho chó đái”. Với số đông dân chúng thì sự ngây thơ chính trị tỏ lộ trong những lần kéo đi xem “đánh nhau”: đảo chính, giải phóng – nhóm từ được sử dụng một cách thản nhiên, hồn nhiên ngay cả khi họ phải sống cơ cực, cùng khốn dưới quyền những người “giái phóng” họ. Tính chất ơ hờ, hơ hỏng của những người được nuôi dưỡng trong một không khí pháp lí bình thường, khiến cho họ khi cầm quyền, dù phải nghi ngờ, dò xét lại vẫn xử lí kẻ chống đối theo mức độ liên can “tội ai làm nấy chịu”, ví dụ không truy bức gia đình Lữ Phương, Nguyễn Thành Trung, vẫn cho con gái Trương Như Tảng du học Mĩ, con gái Huỳnh Tấn Phát học ngôi trường Gia Long quý tộc, con trai đỗ Tú tài rồi mới (bị) “bắt lính” vào Thủ Ðức như với một công dân bình thường…
Trong khi, ở những người đối địch là lí tưởng cao vời trong hiện tại hoà nhập vang vọng đâu đó với ước vọng khu vực về thời hoàng kim an lạc thái bình, được thực hiện theo những tấm gương tranh đoạt quyền bính ở các tập “diễn nghĩa” Xuân Thu, Lương Sơn Bạc, noi gương các nhân vật giết vợ để làm tướng quốc (Ngô Khởi), lăm le chăm sóc cho cái lưỡi của mình vẫn còn đó để đủ thuyết phục đấng quân vương (Tô Tần)… Ông lãnh tụ “Danh nhân văn hoá thế giới” hụt, không phải đang hồi lao đao lận đận trốn chui trốn nhủi, mà vào lúc đang ngồi trên đỉnh cao quyền lực, đã ép mình vào cảnh nghe lời “ các Chú ở Bộ Chính trị (bảo) không lấy vợ thì có lợi hơn” nên chịu để khử cô sơn nữ ngây ngốc, không muốn làm cha đứa con mất mẹ rơi rớt, cốt để giữ danh vị Cha già dân tộc, để được tung hô làm đấng khai sáng triều đại, thúc giục hàng triệu người “Tiến lên toàn thắng ắt về Ta!” Câu hỏi: “Ông Hồ có vợ hay không?” ồn ào khuất lấp một thời, đã làm bay chức cô Tổng thư kí báo Tuổi Trẻ,thực ra chỉ mang tính cách thời sự nhưng bị ngăn chặn để không làm nảy ra câu hỏi mang tính cách trắng trợn hơn: “Ông Hồ / Bộ Chính trị có giết vợ / xoá bỏ vật chướng ngại trên đường thành đạt không?” Trắng trợn nhưng cụ thể để có thể đưa vào lãnh vực nghiêm túc, hàn lâm của các nghiên cứu về tâm thức tranh đoạt quyền bính, đề làm bằng cớ trong hiện tại mà phỏng đoán về hành động các nhân vật lịch sử ít được soi sáng vì thiếu tài liệu để lại.
Không chừa chỗ trống cho một hơ hỏng nào khác, người ta đày đoạ gia đình những người di cư làm việc cho nguỵ, để một sớm tưng bừng nào đó, những người vợ, những đứa con dưới đáy tầng xã hội kia chợt nghe báo rằng chồng, cha của họ mang quân hàm tướng tá, là anh hùng lực lượng đấu tranh trong lòng địch, nằm ở những vị tri cốt cán của kẻ thù. May mắn hiếm hoi có lẽ là trường hợp người con cả của của Thủ tướng / Tổng thống Trần Văn Hương, Trần Văn Dõi / Lưu Vĩnh Châu, viên Ðại uý dự trận Ðiện Biên Phủ đó nhờ ông “du côn” Ung Văn Khiêm khuyên chớ “tự giác” (vì đó là tự sát), nên sau ngày thống nhất được về sống với cha, để Ðảng lại được thêm tiếng bao dung…
Cái lối tính tiêu chuẩn giá trị dành riêng cho phe phái mình của người cộng sản đã trở thành bình thường đến mức, khi đà thành công nâng cấp cho chủ thể, người ta liền đẻ ra một loại triết lí, giả triết lí để biện minh : triết lí về bản chất và hiện tượng. Nó dẫn đến một tiêu chuẩn hành động ngang ngược nhất: Hễ cứ cho là đứng về phía có chính nghĩa, nắm chân lí thì làm gì cũng là đúng, là phải hết. Không phải của phe ta là diệt, tận diệt. Trừ khử trước để khỏi lo hậu hoạ có thể đến. Ám sát không phải là giết người, giết kẻ khác-Phe, mà là Trừ gian, như Văn Cao đã làm, và cũng đã ân hận khi thất thế để có cùng hoàn cảnh tạo được sự thông cảm. Ông thiếu cái may mắn của người giết Viện trưởng Nguyễn Văn Bông, sinh viên Lê Khắc Sinh Nhật, người suýt có cơ hội “khử” Trịnh Công Sơn, Hồ Ngọc Nhuận… để có dịp huênh hoang trong khoảng đời chiến thắng tiếp nối. Giáo sư Nguyễn Văn Trung một hồi tỉnh ngộ về “người anh em phía bên kia”, cũng thắc mắc: “Các ông tín đồ lợi dụng sự cả tin của các giới chức đạo để leo cao luồn sâu vào tận ngóc ngách cầm quyền cao cấp, thành công thì có đó nhưng cũng đúng là chuyện ‘lừa thầy phản bạn’ không được chấp thuận ở bất cứ thời đại nào”. Chỉ có ông chê trách muộn màng, chứ cái lối làm đám ma đưa quan tài chứa vũ khí vào thành phố đã được coi là phát kiến thần kì tự khen, và được cả người ngoại quốc coi như là biểu hiện sự tinh ranh thông thái của một phe. Không ai thắc mắc về sự lừa đảo ấy đã đụng chạm đến cả nền tảng đạo đức của dân tộc, của loài người, chính là một trong hàng trăm hàng ngàn hành động nhân danh lí tưởng, rồi sẽ làm xói mòn cả nền tảng xã hội xây dựng trên chiến thắng vào hồi tiếp theo. Không chỉ lường gạt kẻ địch, cả về sau như trong trường hợp tìm cách len vào WTO, người ta sẽ cứ áp dụng lề lối lường gạt “đả đả đàm đàm” đó, cả với người dân trên đất thang mộc của mình. Cứ hỏi Ðoàn Văn Vươn thì rõ. Lịch sử không thể được dựng nên bằng các tiêu chuẩn đạo đức lạc hậu cũ kĩ, đó là ý thức sâu kín hướng đến đỉnh cao quyền lực của những người đưa vận mệnh dân tộc đến ngày 30-4-1975. Nền độc lập được tha thiết kêu gào thúc đẩy dân chúng phi chính trị, giương cao trong mơ chủ nghĩa xã hội mang tầm thời đại, lúc đầu có thể là mục đích nhưng về lâu về dài chỉ là phương tiện để tranh đoạt quyền lực trong cơn say máu ngà. Và lịch sử nay vẫn đang đi tới trong bản chất những người điều hành đó.
Vì trước tiên, họ là người của một hội kín, hội kín Việt Nam, hội kín phương Ðông – cái đà có sẵn để tiếp nhận thần phục dạng thức Trung Hoa thời mới, theo một trình tự thúc đẩy của một Hội chứng Phiên thuộc ngàn năm mà một trăm năm thuộc Pháp ngắn ngủi khó có thể dứt bỏ được. Không phải bỗng dưng, vì thù nghịch mà mật thám Pháp ghép đảng cộng sản Ðông Dương vào danh mục “hội kín”. Và thật đúng như vậy, chuẩn mực hành động căn bản ban đầu của tập thể này là của riêng một nhóm người, của hội kín đầy dẫy âm mưu, lúc nào cũng là âm mưu. Kể cả đối với đồng chí, nhất thời, như vụ thanh toán nội bộ (1927?) của Xứ uỷ Nam Kì trên đường Barbier (Lí Trần Quán) Tân Ðịnh, Sài Gòn với sự có mặt của Tôn Ðức Thắng, Phạm Văn Ðồng. Cái bất hợp pháp, với họ lại trở thành hợp pháp – hay nhoè nhoẹt xê dịch với gam màu rộng giữa hợp pháp và bất hợp pháp. Cái “nết” thành hình thì trở thành khó bỏ dù đã phát triển rộng lớn hơn. Trên những đường nét lớn, đó là chuyện “giải tán” đảng hồi tháng 11-1946 để thành lập hội Nghiên cứu Mácxít thay thế. Những lãnh tụ đàn em mang đậm chất Liên Xô – xứ chỉ mới có một nửa phương Ðông, không thể hiểu được hành động đó của con ông Phó bảng mà họ chê tính lạc hậu, thoả hiệp đầu hàng nên đã buông lời phản đối. Ðảng không giải tán mà chỉ “lặn” sâu vào bên trong. Ðã có chính quyền làm bình phong mà ví dụ, ông Bí thư Ðảng uỷ làm Phó lại điều khiển ông Chủ tịch của cơ quan nhà nước. Chưa đạt được quyền bính toàn quốc vì hiệp định Genève, nên phải có thành phần phía Nam của đảng Lao Ðộng là đảng Nhân Dân Cách Mạng để cùng với dạng hình chính trị Mặt trận Giải Phóng, tung hoành với tính cách hợp pháp, bán hợp pháp đối với chính quyền tại chỗ, không gây phản ứng bất lợi ngoài khu vực. Có được điều 4 Hiến pháp bảo vệ mà ngày nay các uỷ viên Bộ Chính trị, những người thực sự chỉ đạo đất nước, có khi cũng không được ai biết mặt biết tên. Sự bí mật, ẩn giấu đi theo với quyền uy mở rộng dễ dẫn đến tự tin rồi đồng hoá với địa vị thần thánh, như người ta đã tự sắp xếp theo truyền thuyết để chen vào lễ hội Hùng Vương. Cho nên đến nay, ước mơ về một nước Việt Nam pháp trị đã là điều có thể dẫn đến phạm pháp / phạm thượng, nói gì đến một nền dân chủ pháp trị hoang tưởng chỉ đem lại hệ luỵ cho những cá nhân muốn vượt khỏi quyền uy của Ðảng, Ðoàn, “cầm đèn chạy trước ô tô” lấn vào những vùng cấm vốn vẫn có thể được đổi thay vào một lúc nào đó, cái lúc không tuỳ thuộc vào họ.
Lãnh tụ cầm quyền Nước, dù với nhân số dưới quyền đông hơn gấp bội, vẫn thấy như mình cầm quyền Ðảng nên cách hành xử vẫn mang dáng vẻ ông làng băng đảng cũ. Họ không có ngôn ngữ “công”. Ðường bệ thì có “đồng chí” mà quá khứ đè nặng đã chuyển qua dạng hình du đãng (mày tao), gia trưởng (chú bác, con cháu)… Cho nên trong các “phong trào” “chủ trương” cải cách ruộng đất, công thương nghiệp theo kiểu tạo loạn mà có nhà nước (nhóm lãnh đạo) cầm trịch, họ sử dụng vừa tính hợp pháp của chính quyền vừa tính bất hợp pháp của thảo khấu. Coi người dưới quyền không phải là dân nước, thì có chuyện bán người cho sóng biển mà danh xưng Vượt biên “bán chính thức” có vẻ không thuận lỗ tai lại là chữ dùng xác đáng nhất dành cho tình trạng mù mờ danh nghĩa đó. Ðổi dạng hội kín để lan toả trên bề mặt quyền lực công khai, là các hành xử xã hội đen không giấu diếm với người bất đồng chính kiến. Vững vàng đầy tự tín là những lời đe doạ giết người, làm việc trộm cắp hacker thốt ra từ giới chức cấp cao, là những phán quyết án lệnh bất ngờ (kiểu vụ Phương Uyên Nguyên Kha 8-2013) mang những loại văn từ pháp luật không cần ai cãi lại. Cả đất nước và số lượng dân chúng lớn có trong tay, trở thành món quà trao đổi với bên ngoài để lấy viện trợ, đầu tư (lỗ có con cháu nó trả!), đạt bình thường hoá ngoại giao với Mĩ, vào WTO… với cả nhãn hiệu nhân quyền sử dụng tuỳ thời tiết chính trị. Cách ứng xử có khi chỉ là một loại phản ứng tỏ bày quyền uy, phản ứng cấp thời, mang tính ngắn hạn chính trị đối với sự thách thức quyền uy: đánh chết người vì bị cãi lại, đạp mặt người biểu tình không hẳn vì bênh Tàu, toà án ra tội nặng hơn chỉ vì người ngoài can thiệp nhiều hơn, mạnh hơn. (Hãy nhìn lại vụ Tố Hữu cho nhốt Hoàng Cầm “thêm một năm” và vụ Ðiếu Cày bị tăng án vì Obama lên tiếng!) Trên bề mặt chính trị cấp cao, những người công kích các chủ trương có tầm vóc, khi bị bắt lại là vì động đến cá nhân lãnh tụ. Công trình Dung Quất, bauxit không dừng lại vì Bộ Chính trị, bậc Trên trước, không thể nào sai. Nhưng những người bị bắt vì gián tiếp giúp cho các lãnh tụ có xương sống cứng hơn trước vấn đề biển Ðông, vẫn chưa thể ra tù, người đã hết hạn tù ngục vẫn chưa hết bị hạch sách, đoạ đầy. Người có quyền không thể nào sai. Họ không thể nào bị “giải thiêng”, như lời của một bậc “trí thức” đĩnh đạc tuyên bố. Cho nên không thể chờ đợi họ buông bỏ quyền lực, nhất là khi sự phản đối chỉ thực hiện bằng lời nói, văn từ, căn cứ trên vài nguyên tắc pháp lí, đạo lí thông thường – bình thường. Hầu hết những người có chức trách có vẻ không biết mình đang sống ở thế kỉ XXI của nhân loại mà cứ hành xử như ở thế kỉ XIX rồi ngạc nhiên, hoặc giận dữ với người xung quanh, kẻ dưới tay, có khi với cả chính mình (!). Họ khiến cho những người cùng phe an tâm nên khi phải chống đối với những nguời chống đối, thấy chỉ cần đưa ra những lời lặp lại, những khẩu hiệu vô duyên, kiểu “đất nước đổi mới từng ngày”, nếu không là mắng chửi “bán nước, tay sai”… thấp thỏi trong tranh luận thấy rõ. Quen thói tung hoành trong nước chỉ có người tuân phục, họ lạc lõng với thế giới bên ngoài nên căng cứng, co rút, lúng túng thật tội nghiệp trên diễn đàn quốc tế. Họ không nhìn ra hình tích một thứ phong thuỷ chính trị toát ra từ công sức bảo vệ Ðảng: an ninh chính trị thành hình chặt chịa thì những mâu thuẫn xã hội bức bách bị dồn nén, sẽ như theo long mạch thời mới di chuyển qua lãnh vực dân sự, gây quấy đảo, đưa đến tình trạng suy sụp không thấy có cơ cứu vãn. Chính quyền càng ngang ngược bó gọn lối nhìn an ninh trong sự tồn tại của Ðảng thì càng để hở cho một xã hội lưu manh hoá tràn ngập trước mắt.
Tính chất hội kín phương Ðông nổi bật trong các hành động, tâm tính cá nhân mà Huy Ðức cho thấy thêm chi tiết khi ta đi vào đời sống cung đình lớn nhỏ. Trong tương quan đôi lứa là những vụ lấy nhau theo sự lựa chọn của đoàn thể mà vì là ở số đông, những trục trặc chỉ được thấy ra trong những trường hợp, tình thế đặc biệt. Như tình hình của vài thanh niên xung phong Miền Nam, may mắn là đã không xảy ra ở Miền Bắc lại xuất hiện vào thời kì khủng hoảng hậu chiến của Ðảng – hơi giống như trường hợp Lê Ðạt về Hà Nội bỏ người vợ cốt cán thời cải cách ruộng đất ở chiến khu. Với lãnh tụ thì sự lựa chọn lại mang thêm tính chất xu phụ “dẫn gái”, gây ra những lệch lạc đến tận nền tảng đạo đức vốn lúc nào, dù sao cũng phải được gìn giữ làm bề mặt ở tầng lớp thượng lưu. Kẻ thất thế như Nguyễn Văn Trấn thì chỉ có thể huênh hoang kiểu AQ: “Tao ‘chơi’ bà Lê Duẩn trước ông ta”. May mắn thì qua mặt lãnh tụ, lén lút (không biết?) như chàng trai Võ Văn Kiệt, ngông nghênh như ông Uỷ viên Bộ Chính trị Trần Quốc Hoàn. Nhưng dù thế nào thì thảm cảnh của những bà hoàng hậu, thứ phi tân thời này có vẻ cũng không khác người xưa. Như cô gái Nam Bộ định dành cho ông Chủ tịch, được nhắc nhở chỉ vì ông tình nhân vài đêm về sau may ra làm lớn, có người con lao đao tìm cha mà không dám tìm mẹ. Như bà bé ông Tổng Bí thư sống khuất lấp trên đất Cảng, nhìn vợ chồng ông Bùi Ngọc Tấn xe đạp đưa đón nhau mà tủi phận mình. Thế còn may mắn hơn người chết vô danh ngay giữa thủ đô mà thân thuộc tận trên rừng núi vẫn không thoát được vạ lây. Tất cả được Người trong cuộc / Người thắng cuộc hiểu trong một khung cảnh sinh hoạt hội kín nên trở thành đương nhiên, không gây thắc mắc. Nó chỉ trở thành lạ lùng, phi nhân khi đưa lên đến tầm mức diện địa quốc gia, được nhìn với tâm tính thời đại văn minh. Riêng đối với nữ giới thì bộc lộ thêm cả một khía cạnh thân phận thấp hèn giữa đám đàn ông đang đem hết sức lực của giống Ðực đi tìm quyền bính – trì níu quyền bính, chịu để thân phận khuất lấp rẻ rúng qua những vụ xâm phạm thân xác bên trong các trụ sở hành chính cấp thấp. Chỉ là sự tiếp tục ở thời mới, trên cao độ ngút ngàn của một xã hội trong quá khứ đã sinh ra những đau khổ, lận đận với các nhân vật Hồ Xuân Hương, Tản Ðà mà người như bà Ngô Bá Thành mắc bận lên tiếng kêu gào “phụ nữ đòi quyền sống” trên Quốc hội, đường phố Sài Gòn, và rồi lại quên bẵng trên loại Quốc hội vỗ tay nhất trí nhưng cũng đủ hào nhoáng để Bà bật khóc khi thấy không được “cơ cấu” vào. Và đây cũng là minh chứng về tính chất bảo thủ cực kì của những người lãnh đạo cứ cho rằng mình đang tranh đấu cho một chủ nghĩa tiên tiến. Bởi vậy, chiến thắng 30-4-1975, về mặt văn hoá, là chiến thắng của bảo thủ lạc hậu truyền thống, rồi sẽ dần dần hé mở công khai với những biện minh thúc đẩy mới.
Những mâu thuẫn phát sinh bên trong cái cơ cấu sừng sững đầy đe doạ đó mang đầy tính chất đối phó phản trắc, khuất lấp với bên ngoài, không giống với tính cách tranh quyền đoạt lợi công khai thường thấy. Chuyện kể về thân phận Vũ Thư Hiên ít nhiều gì cũng chỉ là của kẻ bên lề. Cũng giống như nỗi khổ dù là cùng cực của Nguyễn Mạnh Tường, Trần Ðức Thảo, Nguyễn Khắc Viện (cuối đời)… Ðó là sự thất sủng của những nhân vật mang yếu tố lạ cố len lách vào “đại cuộc” – và tưởng là len lách được trong một thời, nay bị gạt ra vì đã hết “nhiệm vụ lịch sử”, nhiệm vụ dài hay ngắn lại không tuỳ thuộc vào họ. Như ở lời tuyên bố đình bản tờ Tin Sángcủa thành phần thứ Ba, thoáng cho thấy sự thất vọng đến tuyệt vọng của một Châu Tâm Luân bị đòn ở trại tị nạn hay của một Nguyễn Ngọc Lan bị lưu đày. Nói gì đến những chiến binh khuất lấp của các thời kì chống tứ phương khi chết đi không có hòm, bị phủ nhận danh tính “vì đại cuộc”. Hãy chú ý đến tình trạng của những nhân vật dòng chính bị thải hồi mà vẫn phải còn chường mặt với thế gian. Ở tột đỉnh quyền lực là trường hợp rơi tự do của Trần Xuân Bách, chỉ được nhắc nhở khi báo tang. Ung Văn Khiêm, Bộ trưởng (?) Ngoại giao rồi Bộ trưởng Nội vụ (trùm Công an), như Huy Ðức kể, khi thất sủng vợ con cũng bị các đồng chí của chồng tránh né, trong đó có Nguyễn Văn Trấn, Hùm xám / “Le Hero de Chợ Ðệm” (lời Võ Nguyên Giáp) không dám gặp mặt vì sợ mất sổ gạo – các đồng chí cùng xứ đó đã từng hãnh diện với nhau: “Thằng cộng sản Nam Kì nào cũng có máu du côn!” Chia sớt máu du côn đó cũng còn là của Trần Văn Giàu, gan dạ hơn Tôn Quang Phiệt, không chịu làm “phó tướng” cho Trung ương Hoàng Quốc Việt, cương quyết chiếm chính quyền Nam Bộ theo tình hình thực tế riêng của địa phương, nên bị lôi về Bắc mà có lời trăn trối “ Nhạc Phi về trào”. Lạc lõng trên đất lạ, ông phải bỏ tiếng gọi “anh Hồ” xoay sang “Bác”, chịu chìm lấp trong chiến tranh, may mắn lấy lại được chút uy thế khi về lại đất cũ để có thể vẫn nằng nặc “xã hội chủ nghĩa” nên chẳng nghe oan hồn Cao Ðài, Hoà Hảo, Hồ Văn Ngà, Tạ Thu Thâu… réo gọi đòi mạng, dù còn gặp chút lúng túng nhỏ nhặt khi phải đối đầu với Phan Thanh Giản của “thế kỉ XXI nhìn lại”. Không có đường sống cho kẻ thất thế, trừ sự chui lòn khuất nhục. Uy danh quốc tế của người chiến thắng Ðiện Biên Phủ được bên ngoài lầm lạc cao rao khen ngợi suốt cuộc chiến 30 năm, không đủ để Võ Nguyên Giáp chịu đựng những ngón đòn thù bao vây, phát sinh một cuộc sống nhẫn nhục quá dài lâu dưới mắt những người bất mãn chứng kiến trong nước. Không phải chỉ chuyện riêng rẽ cá nhân mà liên hệ đến cả anh em họ hàng nữa, như bằng chứng dồn dập không che giấu bây giờ, trước mắt ở mức độ kềm toả trong xóm làng, phường khóm. Chuyện từ đó để hiểu tâm trạng của cả người đảng viên bình thường, khuất lấp cảm thấy lúc bị khai trừ như là “đội thúng cứt đi giữa chợ!” Nhưng họ vẫn còn may mắn vì sự hiện diện thừa thải của họ chưa đe doạ đến sự tồn vong của Ðảng.
Và cái sinh hoạt hội kín đó lại có cơ hội thi hành vượt biên giới trong giao tiếp thậm thụt với láng giềng phương Bắc theo lối nợ nần lẫn lộn ân tình khuất nhục từ ngàn xưa nay được làm mới lại. Chính cái bản chất hội kín phương Ðông không dứt bỏ được này mới đẩy đất nước trượt về phương Bắc, không phải chỉ vì ngón đòn đau 1979-87 thấm lâu mà đã mở màn từ những ngày “đánh thông biên giới” 1949-50, loại trừ nỗi e dè Hoa quân nhập Việt 1945 để tiếp nhận lại sự đồng cảm chống đối Dương Di mới (“diễn biến hoà bình”), về mặt văn hoá là biểu hiện trong sự xung đột với Công Giáo, càng lúc càng nổi bật lên như đang đè nén một ước vọng vượt thoát từ bên trong, lặp lại dạng hình xã hội thế kỉ XIX với sự quân bình lực lượng khác. Có một mặc ước Thiên triều – Phiên thuộc trở lại, với một dạng hình vừa mới đây mang tên tình yêu giai cấp và viễn vọng xã hội chủ nghĩa, nay nối kết với sự tồn vong của Ðảng cầm quyền. “Từ xưa ta vẫn phải xưng thần…” Cho nên không những người đồn trưởng ở biên giới thản nhiên nhận tiền thưởng trực tiếp từ đàn anh bên kia biên giới mà Quân đội Nhân dân ta cũng không thắc mắc, còn hãnh diện lây! Tôi đã từng nói đến loại “kẻ thù êm dịu” này. Bằng chứng mới cho tâm thức cũ – Hội chứng Phiên thuộc, xuất hiện quá nhiều từ trung ương tới địa phương, từ lãnh tụ cấp cao đến người dân thường, không cần phải moi móc thêm. “Tàu thì lạ mà sự hèn hạ thì quen”, người (trong phe) Thắng cuộc có thể chỉ mới hãnh diện về việc mình tìm ra được một câu chữ vần nhịp đắc địa nhưng cái sự quen thuộc kia vốn có thật, đã chất chứa tự ngàn đời, chỉ chực có dịp là tuôn ra. Một chút gượng gạo từ thúc đẩy của những người lưu vong (cũng là một dịp “xả” căm thù!) đã đánh thức nỗi xấu hổ của người cầm quyền, lo sợ cho sự an nguy của Ðảng, chuyển qua đày đoạ trên đám thanh niên dân nước có sẵn dưới tay. “Thời này không còn Hai Bà Trưng, Quang Trung Nguyễn Huệ nữa đâu, ‘nó’ bảo bắt, không bắt thì nó đánh!” Thú nhận đó được chỉ ra là tận Trung ương “Hà Nội”! Dù là lời nói lén lút nhưng “thuận chiều lịch sử” thì cũng đáng tin lắm chứ! Bình luận về vụ Phương Uyên – Nguyên Kha thấy chỉ có chính khách Phạm Hồng Sơn là nhận ra dấu hiệu đặc biệt mới về tình trạng phản kháng của lớp người trẻ, tuy có vẻ như ông này chưa nhìn ra được yếu tố bị chèn ép ở địa phương phải nhận chịu, từ nạn nhân đến cả chính quyền khu vực (ẩn khuất trong diễn biến của vụ án, dài mãi đến hồi phúc thẩm, và cuối cùng nổ bùng với Lê Hiếu Ðằng, Hồ Ngọc Nhuận, hai nhân vật thời chống Mĩ một chừng mực đã “làm xong nhiệm vụ lịch sử”, được đền bù bằng những ân huệ theo cấp bực công trạng, khuất lấp, nên khá xa lạ với người, phe Thắng cuộc). Khẩu hiệu “biến chiến trường thành thương trường” thành hiện thực rõ rệt với dấu vết chiến tranh xoá sạch trên vùng biên giới – chỉ còn vài cái mả của vài người tò mò, với những khoản kí kết chính thức chìm lắng mà nổi bật là các chuyến hàng hoá qua lại dồn dập, của xe cộ công cũng như của cửu vạn, tạo ra nhập siêu phía Việt Nam, được một Thứ trưởng Bộ Công Thương coi là bình thường, vì là một dạng hình cống sứ mới đủ cho các cột mốc được thành hình. Tiêu cực hay tích cực gì thì Trung Quốc vẫn là một yếu tố tồn tại của đảng Cộng Sản Việt Nam. Cứ như ngày xưa cũng đã thấy là đủ.
Lịch sử Việt Nam hiện đại được thành hình từ đó, và có thể lâu dài “vài thập kỉ nữa” trên căn bản đó. Có những phát tán để những dao động bây giờ sẽ đi vào những trọng tâm khác. Ví dụ chuyện vượt biên kinh hoàng, nhức nhối rồi sẽ chỉ là của lịch sử (một số) người Mĩ, người Úc… gốc Việt, với đám con cháu chỉ cảm thấy là truyện kể trên những trang sách – dù là sách Ðại học mang tên “lịch sử truyện kể”, nếu có chút loáng thoáng nào nghĩ về cái xứ bên kia đại dương thì cụ thể trước mắt là các bảng hiệu trên phố Bolsa mà họ không đọc được, hay may mắn có dịp về xứ của ông cha thì sẽ là đối tượng tò mò của người cùng trang lứa, xúm lại nghe thử “thằng Mĩ nói tiếng Việt” ra sao (giống như xướng ngôn viên “đài hải ngoại” nói lạc dấu giọng, phổ biến ngôn ngữ lai Vinglish)… Người của thế hệ Một rưỡi (FOB, Fresh off boat) dễ thích ứng hơn thì coi là một nơi đi du lịch, nơi có thể là “dễ làm ăn”, trong khi đối với lớp người vẫn còn cay đắng thì quê cũ chỉ là một nơi phải nén tự ái để kiếm một chỗ nằm bên cạnh ông bà.
Việt Nam ít có tiền lệ một hệ thống đã thành hình lại bị lật đổ vì dân chúng không đồng tình mà chỉ có hò vè, tiếu lâm xỏ xiên rồi im bặt. Bởi vì hình như dân chúng giỏi chịu đựng người trong nước áp bức hơn là đối với người ngoài, vốn thường cưỡng ép đổi thay nhiều hơn. Bức tranh trước mắt giúp ta hiểu được sự tồn tại của các chính quyền (Nho Giáo) cũ: loạn mà không đổ. Thanh niên bây giờ nói chuyện xã hội chủ nghĩa như các bậc cha anh ngày xưa tụng kinh sách chi hồ giả dã thôi, và cũng lại bất động trong vòng vây đó như người xưa. Có cả vài triệu thanh niên trong học đường mà một người trong bọn bị bắt vì tuyên bố chính trị thì lại chỉ có vài chục người tứ phương biểu tình ngay nơi quê hương người bị nạn! Lịch sử Việt Nam hiện đại có thể rồi sẽ được chỉnh sửa, có thể bớt chút gam màu vàng xỉn dân tộc huênh hoang, chút vệt đỏ đậm máu hung hăng nhưng cũng sẽ vẫn với cái khung đó, lâu dài. Cái khung lịch sử vương triều nay vẫn ẩn hiện với chút hoa hoè khoa học để người cầm quyền chen vào khuyến khích thúc đẩy sáng tạo cho hợp với thời đại. Chiến thắng bằng binh lực mở đường cho sự tràn lấn “Nam tiến” chưa từng thấy trong lịch sử, đến mức có thể nói đến một Chủ nghĩa Thực dân Nội biên về mặt chính trị, hay một tiến trình quy chiếu cưỡng đoạt Ðại Việt Trung tâm luận (Lại Nguyên Ân) về mặt ngôn ngữ, văn hoá, cái thứ văn hoá kênh kiệu vẽ vời quay ngược về truyền thống quê mùa cũ, càng lúc càng phô bày những thể hiện mê tín lố lăng, quái gở mà ngang ngược. Mặt nào thì cũng làm nên nền tảng vững chắc củng cố chế độ trên toàn thể đất nước.
Như hệ quả từ tính chất những người làm lịch sử đã nói thì không mong gì họ buông lỏng dây cương với những người viết lịch sử. Cho nên khó có thể tìm được trong sách vở chính thống một sự điều chỉnh về lịch sử thời hiện đại để mở hướng thoáng đạt hơn. Chỉ vì sử gia Việt Nam theo truyền thống vốn chỉ là viên chức của chế độ cầm quyền. Ngay sau bước chân của quân đội, công an, là các phái đoàn khảo cổ đi tìm dấu vết người Việt cổ qua các trống đồng đào bới trên đất Người thua cuộc, rồi bỏ lửng không cho biết họ đi đâu dưới thời các vua …varman trên đất liền, hay các mohamed trên hải đảo. Sử gia Ðại học Hà Nội, Vinh “viện trợ” cho các Ðại học Miền Nam, thay thế các thầy đã vượt biên hay đang được lưu dung mà làm Ban Ðời sống chia cá chia thịt, cũng tạo được một lớp người “nghiên cứu” ăn theo nói leo chuyện vua Hùng Ðông Sơn, chuyện Bốn ngàn năm giữ nước dựng nước qua các Tuyên ngôn độc lập lần thứ… dưới con mắt canh chừng của các ban Tuyên huấn tỉnh, hay cả đến các ban Bảo vệ chính trị. Vẫn tiếp tục thì thấy Bộ Giáo dục cho ra đời (2004) phát hiện về 98 tên của các Lang, trong 100 con liu điu nở từ trứng của ông bà Lạc, Âu. Bằng chứng ngớ ngẩn đó chỉ ra mối quan tâm của nhà cầm quyền thúc đẩy hình tích bán-kèm “Bốn ngàn năm lịch sử” vừa được UNESCO công nhận giá trị (2012), hình tích có khi bị công kích nhưng vẫn là cần thiết để níu kéo tính chính thống của một phía, dù sao cũng đã bị dao động trong sự phân rẽ vừa qua. Cho nên với chuyện nay thì thấy cụm từ “Việt Nam Cộng hoà” xuất hiện trong quyển Lịch sử Việt Nam 1954-1975 của PGS. TS. Nguyễn Ðình Lê (Nxb. Giáo dục Việt Nam 2010). Tuy nhiên trong hơn 240 trang đó, người cựu tù cải tạo cũng chỉ thấy không hơn mấy bài học mà họ đã trải qua, dàn trải có thể đến 5 năm, 10 năm hay hơn nữa… Thời thế internet là một lối thoát cho sự kềm toả chính trị, thế mà vẫn không thấy xuất hiện một vài bài vở “lệch hướng” tí chút nào của lớp người gọi là nghiên cứu gia đã trở thành công cụ nhẫn nhục mong chờ chỉ đạo, định hướng.
Các danh gia sử học Hà Nội vẫn loay hoay trong địa phương mình, không mở Thực lục của nhà Nguyễn để thấy Tổng đốc Bình Ðịnh Vũ Xuân Cẩn đã làm tờ trình với triều đình Huế, xin cho viết sử Tây Sơn mà kết quả hẳn là “quyển” 30 của Liệt truyện, trong đó chỉ có chữ “nguỵ” là chứng tỏ vị thế của Người Thắng cuộc, không thấy bóng dáng của loại ngôn từ mày tao mi tớ, con kia thằng nọ của sử gia thời xã hội chủ nghĩa, còn thì tất cả vẫn tạm cho là đẩy đủ các sự kiện của một dòng họ, một triều đại chìm nổi từng gây biến động trong ba mươi năm trên toàn thể đất nước. Có quan tâm đến vấn đề thì họ lại gợi ý qua cách giành danh dự đó cho ông tiến sĩ triều Nguyễn thoát tội “phong kiến” nhờ “Ðổi mới”, lại thêm danh vị là ông nội của Tổng bí thư Trường Chinh. Ngành sử chính thống vẫn không cho thấy bóng dáng những con người cụ thể mà chỉ là những con người vung vẩy khuôn khổ nấp sau những đường lối, chính sách và những con số không mấy tin cậy. Do đó không thể thấy họ — và cả người sau, được chuẩn bị thực sự để viết những trang sử thời hiện đại, trước mắt, điều thiếu thốn mà học giả nước ngoài đã cảnh báo là đến ngày nào đó sử gia Việt Nam chỉ có thể tìm tài liệu từ bên ngoài nước. Nhân viên gốc Việt lo bồi dán, chăm sóc vớt vát các tờ giấy cũ nát, có thể nói móc ông Trần Bạch Ðằng trong một chuyến thăm viếng: “Thấy không, các ông đốt sách để bây giờ chúng tôi cực quá”. Nhưng cái ưu thế về tài liệu của phe chiến thắng là điều không thể phủ nhận để sử gia phải bị lôi cuốn theo. Một Nhật kí Ðặng Thuỳ Trâm trở về quê cũ không làm tăng giá trị nhân văn của người, tập thể giữ gìn sự thật lịch sử kia nhưng lại làm bằng cớ củng cố thêm cho một chính quyền đã bị lạt màu uy thế theo với thời gian, trên một xứ sở mà nhân vật chính đã lạc lõng một chừng mực nay, nếu còn sống qua giấc ngủ 30 năm, lại càng không thể tìm ra vị trí của mình như được đặt để. Cuốn phim có lời “Ðừng đốt” không phải là để nhắn nhủ cho họ có cách xử trí khác đối với phe thua cuộc. Học giả ngoại quốc từng nhắc chừng ở Hà Nội rằng có thể rồi Việt Nam phải lấy tài liệu ở bên ngoài mới viết sử hiện đại được, thế mà báo trong nước không dám đăng!
Chuyên viên thì cũng là người của thời đại, bình thường vẫn phải khuất phục cái đã thành hình – có khi hình trạng ấm ức chịu đựng này chỉ diễn ra trong thúc đẩy của tiềm thức. Người bình thường phải chấp nhận cái đã thành hình, và cố uốn nắn vào đó. Quyền bính vững có thể vượt qua những sơ thất để kẻ chịu thiệt thòi trở lại đầu phục, như trường hợp rất nhiều nhân vật nay ra làm chứng nhân lịch sử, công khai kể lể những “công trạng” thời Cách mạng Mùa Thu, thời Chín năm, kể cả thời Chống Mĩ mà nhẹ nhàng thoáng qua giai đoạn bị vùi dập của mình. Trung tá Ðặng Văn Việt, trở về đời thường đi bán bánh cam bị công an xua đuổi, vẫn còn giữ nỗi hãnh diện là Người hùng đường số 4 (1950), tuyệt vọng đi đòi quyền lợi cuối đời. Huỳnh Văn Tiểng của bộ-ba Hoàng (Huỳnh) Mai Lưu danh tiếng nửa đầu những năm 1940, qua thế kỉ XXI mới nhớ lại thoáng qua chuyện làm đảng viên Dân chủ bị người Cộng sản khinh miệt như thế nào… Trần Dần đã chịu chấp nhận sự kiện ban phát trở lại làm hội viên hội Nhà văn khiến những kẻ lệch bên lề “lịch sử” phải ngạc nhiên. Nhưng nếu đặt mình vào tình cảnh như ông: bị hành hạ đến phải cầu mong Tố Hữu và Ðảng ngó lại mà vẫn không được đoái hoài trong 30 năm dài đằng đẳng, thì chút danh hiệu đó không phải là dấu hiệu đạt thành cuối đời mà nạn nhân có thể vớt vát được trước khi về cõi hư vô hay sao? Gần hơn, Bùi Ngọc Tấn đến Boston tuyên bố với người, trong cũng như ngoài, mà chắc là cũng thành thật nói với mình (đại khái) rằng “Những gian khổ phải trải qua cũng chỉ là do tình thế chung, do đại cuộc đòi hỏi sự trong sạch ở hậu phương để cho tiền tuyến chiến thắng”. Ðất nước thì bền vững hơn chế độ nhưng chế độ lại dài hơn hẳn một đời người. Kẻ chịu đựng hệ luỵ bên trong, thấy chế độ từng gạt mình ra nay vẫn sừng sững qua thế kỉ khác, làm sao phủ nhận được, bản thân vốn lại chỉ là một thành phần của nó, thành phần từng dương danh chính nghĩa, cớ sao không tìm ra cách nhận chịu chen lách vào để có chút hiện diện của mình trong đó?
Thế hệ của những người “cách mạng” mang “bằng cấp Ðại học” Sơn La, Bà Rá, Côn Ðảo chỉ có thể gây kì công cướp đoạt chính quyền chứ không đủ khả năng quản lí đất nước. Khẩu hiệu “Vừa chạy vừa sắp hàng” của chiến tranh vẫn tồn tại trong thời bình mang tính chai lì của các chính sách nối tiếp. Ổn định chính trị trước đã. Kiến thức thâu nhận thời thuộc địa không giúp họ có viễn kiến mà chỉ lấy sự liều lĩnh che lấp khuyết điểm. Họ chỉ dừng lại khi phải “đụng đầu” với nguy cơ mất sạch. Hiệp định Paris chỉ được kí sau cơn bão lửa Giáng sinh 1972 mà họ gọi là Ðiện Biên phủ trên không. Và với thời bình thì có đòi hỏi “Ðổi mới hay là chết”. Nhưng do đó cuối cùng, họ cũng đã tận lực xây dựng nên một chế độ độc tài không lối thoát cho đất nước, và cho cả chính họ, canh cánh nỗi lo sợ buông tay để vướng phải cảnh “nằm gầm cầu Thăng Long”, chưa kể đến những gì còn thê thảm hơn. Qua khủng hoảng sau chiến thắng, “bám chặt xe qua khúc quanh” theo lời dặn của Lenin – mà cũng để tự cứu, “cùng tắc biến”, họ đã chấp nhận giải pháp “Ðổi mới ” để nối kết với tương lai. Lớp người kế tiếp tuy phải chịu đựng cái “gân gà” Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa của Ðổi mới nhưng theo đó, thừa hưởng được sự chính thống ràng rịt vững chắc trên một đất nước đồ sộ mà giá trị tiền bạc tăng tiến ngợp người theo với sự hội nhập vào thế giới toàn cầu hoá. Bây giờ không còn có sự hăng say khá vô vọng vì lí tưởng xã hội xa vời nữa mà là theo một dạng quyền lực cụ thể hơn: tiền bạc “sờ thấy được”, đi theo sự thúc đẩy phát triển để bù đắp với sự chậm chân vì cô lập quá lâu, ít tốn xương máu hơn tuy cũng vẫn gay go, như đã bộc lộ công khai lần đầu tiên trong cuộc đấu đá trên đỉnh cao quyền lực năm 2012.
Cụ thể với người bình thường là cuống quýt theo cơm áo trong cảnh thất thế triền miên, hay lấn lướt nhau vồ vập với tiền bạc, cho bù với lúc cơm khoai rau sắn, để mau chóng ít nhiều thủ đắc những chiếc xe, lớp hàng hoá vừa mới xuất hiện đã thấy ngay lạc hậu, để hò hét qua những showbiz, khóc lóc theo thần tượng mới. Một thế hệ, hai ba thế hệ đã trôi qua để có đủ liên hệ thân sơ chia sẻ với quyền bính sừng sững trước mắt mà cùng chung chịu đựng sống chết. Không tìm được trong nước thì “vượt biên” lần nữa, tiếp tục nhẫn nhục chịu đựng hay đem cái thành tựu bất hợp pháp ma mảnh, lấn lướt đổ lên xứ người, lại cũng gây kinh hoàng trên thế giới với các vụ trồng cần sa, săn tê giác, buôn người… Với người cầm quyền là những đào bới khai thác tài nguyên đất nước — cả tài nguyên nhân lực dựa vào những cơ sở kinh doanh ngoại quốc đến đầu tư. Họ làm theo sự xúi giục của các tay “cò” kinh doanh nương theo hệ thống tư bản tài chính khu vực, toàn cầu để trở thành những Ðại gia với nề nếp sinh hoạt không có gì là Thua hay Thắng cả. Ðó là các dự án bắt chước từ bên ngoài — bắt chước đến mức tê liệt trí óc mà không tính được khả năng thực hiện, viễn vọng quản lí, kiểu coi lò nguyên tử như lò gạch, lò vôi… Sự thể chỉ vì xuất phát điểm thấp của tập đoàn lãnh đạo tiến thân qua con đường hành chính sự nghiệp trong Xây dựng Ðảng, tạo ra một tầng lớp thư lại mới đầy quyền uy mà không thể nào bắt kịp với tình hình thế giới. Tuy nhiên sự thay đổi như thế, dù là lẽo đẽo theo sau người, vẫn có cái hào nhoáng bề ngoài che lấp nỗi cùng cực bên trong, sâu xa trên diện địa, sâu kín ở đáy tầng xã hội, gộp lại đã tạo được một thế an bình tương đối giúp quyền bính vốn vẫn vững vàng trên cao, tiếp tục có tiếng nói mạnh cho sự chính thống của mình, và để sử gia tiếp tục an tâm phục vụ.

Một gói viện trợ gây bội thực 

Nhận diện
Lịch sử thường được coi đáng tin cậy nhất là khi ghi nhận vào lúc, và thời nó xảy ra. Mức độ nhận định thì tuỳ thuộc vào kiến thức thời đại chuyển tiếp vào người ghi chép. Thế mà không phải ai cũng đủ khả năng đi vào những ngóc ngách chuyên biệt của các diễn tiến. Bởi vậy cho nên cách giải mã lịch sử vẫn phải luôn luôn xảy ra theo với đà tiến bộ của con người, riêng biệt là theo với kiến thức về bản thân, xác thân con người cụ thể. Về phương diện này thì nền y khoa mới của phương Tây có ưu thế khi muốn xét lại các sự việc xảy ra trong lịch sử Việt Nam liên quan đến nó, không những vì sự tiến bộ chung mà còn vì các phương thức, kĩ thuật tiếp cận xác thân con người đã tách biệt với truyền thống phương Ðông nên cách giải thích sự việc có đà đem lại mới mẻ trong nhận định. Sự tự tín của tác giả và những lời giới thiệu nồng nhiệt dành cho quyển sách Lịch sử nhìn lại dưới góc độ y khoa (Nxb. Văn hoá Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh 2012) của bác sĩ Bùi Minh Ðức (BMÐ) dễ tiếp tay cho những người chờ đợi những khám phá như thế.
BMÐ là một bác sĩ, không phải chung chung mà là bác sĩ chuyên khoa, không những từng được học tập và giảng dạy trong nước mà còn ở ngoại quốc, từ Ðông sang Tây, như ta thấy liệt kê thành tích học tập, tác nghiệp đầy cả trang bìa 4 quyển sách, với bức hình tươi tắn mà không để lẫn lộn nghiệp vụ. Và cũng giống như các bậc thức giả ngày xưa, tác giả không dừng lại ở chuyên ngành của mình mà còn đem dàn trải kiến thức qua các lãnh vực văn hoá, ngôn ngữ như được thấy nơi mục “Sách cùng một tác giả”, ở đó, quyển Từ điển tiếng Huế viết “dâng mẹ” năm 2001 mới có 500 trang được khai triển thành 1000 trang (2004) rồi 2000 trang chia hai tập Thượng, Hạ (2009). Cũng không nên tưởng đó là những thú vui ngoài ngành, tác giả đã coi mình là chuyên gia thật sự ở các lãnh vực đó, vì như ở công trình này, trong lúc thường hay tự xác nhận “là bác sĩ y khoa…”, hay nhấn mạnh hơn: “là bác sĩ y khoa ngày nay…” thì ông cũng thêm: “Là một nhà nghiên cứu lịch sử…” Cho nên, Giáo sư sử học Phan Huy Lê khen ông “là một nhà y học uyên bác… có cả một tấm lòng đối với quê hương đất nước, có vốn trí thức liên ngành rộng lớn… vận dụng vào lịch sử, giải thích một số hiện tượng lịch sử Việt Nam liên quan đến y học”. Còn Giáo sư Bác sĩ Tiến sĩ Nguyễn Ðình Hối thì đi xa hơn, gọi “Ông (BMÐ) là người đầu tiên phối hợp môn Y khoa với môn Lịch sử thành môn ‘Y học lịch sử’” – cái tên ghép gượng ép không đủ xác định một ngành học nhưng cũng cho thấy tâm tình thán phục đối với tác giả.
Có thể nhìn lại quyển sách để xem tham vọng của tác giả đi đến đâu.
Nghiên cứu bao gồm 20 đề tài, có từng nhóm/bài khác nhau khi “nhìn dưới góc độ y khoa” can thiệp vào sự kiện. Có đề tài để tác giả phô trương kiến thức của mình là nhóm bàn về sinh hoạt tình dục Lí Trần, của Minh Mạng, về cái chết của Quang Trung… Tuy nhiên ngay trong tập nhóm này chúng ta cũng thấy có bài chỉ là “cái cớ” để ông đem chuyên môn y khoa của ông vào, như nói chuyện Nguyễn Du chết vì dịch tả (mà ít ra lại không chịu nêu chứng dẫn), để bàn chuyện chữa bệnh dịch tả trong bệnh viện hay kể kinh nghiệm dịch tả ở xứ Huế của ông. Cũng như trong 33 trang về “Cái chết của Hoàng tử Cảnh với những hệ luỵ bi đát” chỉ có 2 trang nói về cái chết đó, mà lí do chính vì bệnh đậu mùa thì ai cũng biết rồi! Chuyện ông muốn “tìm cớ” để làm nhà nghiên cứu lịch sử ở đây thì sẽ bàn sau. Bài “Tam ban triều điển” dành độ mươi dòng cho ông Hoàng Diệu mà ông này thì tự-mình-thắt-cổ chớ không thấy vua ban đâu cả. Cũng theo chiều hướng đó mà càng “ít độ y khoa” hơn thì thấy trong bài bàn về nhân vật Trần Hữu Lượng, và để có thể xếp BMÐ vào hàng ngũ bàn sử, là nhận định về Trần Thủ Ðộ so sánh với Machiavelli, vốn chính danh mà nói thì đề tài thuộc lãnh vực chính trị học chứ không phải của sử học! Cho nên ngờ rằng vì ít “vốn liếng” nên phải kéo dài ra: Bảy bài về Lí Trần có thể gom vào hai/ba bài là nhiều nhất, nếu muốn cho ông Trâu Canh đứng riêng biệt.
Tác giả trình bày phương pháp làm việc, cho thấy các bài viết của ông là theo cách các “bài khảo cứu khoa học (có chú thêm tiếng Anh: Scientific Papers) thường được báo cáo tại các hội nghị y khoa ngày nay”. Chi tiết công việc được viết ra rõ ràng, không ai dám bảo tác giả làm việc không khoa học nhưng đem điều đó vào chung một quyển sách, chuyển sang ngành sử thì phát sinh nhiều điều khó biện minh, và bất tiện. Không lẽ ngành sử không có được một phương thức làm việc khoa học “coi được” hay sao mà phải viện dẫn đến mẫu báo cáo y khoa? Tác giả cho rằng các chi tiết khoa học và những luận cứ đưa ra đều có “đầy đủ tính thuyết phục đối với các đồng nghiệp trong y giới” nhưng ta không thấy được một nhận định riêng biệt nào của giới y khoa cả. (Ðiều dễ hiểu là bài trình bày “theo dạng báo cáo tại các hội nghị y khoa” chứ không phải chính thức trình bày như một luận án lấy bằng y khoa để có giới chuyên môn lên tiếng). Ðã thế hình thức dàn bài theo mẫu mực “y khoa” của nhiều bản văn riêng rẽ, đem gộp in vào sách khiến có nhiều chỗ dư thừa, lặp lại, ví dụ phần tham khảo của từng bài dàn trải tổng cộng hơn 33 trang nếu góp lại cuối tập, chỉ cần độ mươi trang là quá đủ. Có thể là tác giả không thấy điều bất tiện này, nhưng đó lại cũng là một chứng cớ làm việc không khoa học, không cần phải đem chuyên môn sâu xa ra chận lối chê trách. Chuyện chuyên môn khó khăn cao cấp đôi khi cũng có thể bàn như chuyện thường ngày mà không sai lạc lắm. Cũng giống như đầu bếp chỉ nên đưa món ăn cho người ta thưởng thức, nói qua loa làm quà thì được chứ không cần phải giải thích dài dòng. Ðộc giả chỉ cần xem ông trình bày kết quả nghiên cứu có chấp nhận được hay không chứ không cần biết ông phải loay hoay khổ cực như thế nào qua các dòng về phương pháp, tham khảo, mở, kết lặp đi lặp lại trong các trang sách, dù có mang chữ Anh chữ u cũng vẫn có dáng như một luận văn ở nhà trường trung học.

Ít bột mà ráng thì khó gột nên hồ
Khi không bị loá mắt vì các tấm bằng chuyên môn y khoa phô bày ở đây thì dễ nói chuyện hơn. Ông BMÐ đã chọn vị trí làm việc ở một lãnh vực mà ông tưởng mình có thẩm quyền, như ông khoe đã từng đọc kĩ Ðại Việt sử kí toàn thư nên “hầu như thuộc nằm lòng các sự kiện lịch sử (Việt Nam)”. Thế mà sách ông đầy các lỗi sơ đẳng nhất của một người đọc sử bình thường, chưa nói đến của một sử gia. Và chính điều này lại làm khó cho người đọc muốn tìm ở sách ông một lời khen lấy lòng, chỉ vì hàng đống sai lầm từ thấp đến cao làm đổ cả mọi lập luận nấp sau các từ ngữ, kiến thức chuyên ngành của ông. Hãy từ bậc thấp nhất.
Không biết ông học sử Việt theo cách “thuộc nằm lòng” ở đâu mà cho “Tiền quân Nguyễn Văn Thành” bị Gia Long giết chết còn “Trung quân Nguyễn Văn Thiềng” thì lại bị Minh Mạng giết (trang 243, 286). Ta có thể ngờ ông không biết đó là MỘT người tên Thành, gọi theo lối kị huý là Thiềng, được chuyển từ vị trí chỉ huy Tiền quân qua Trung quân (một dạng lên chức), tuy nhiên trong sách cũng thấy ông dẫn tên Nguyễn Văn Thiềng từ Trương Vĩnh Ký, nghĩa là ông đã viết và nhớ loạn xạ! Ảnh hưởng từ chứng cớ kị huý đối với các nhân vật Huế quan cách, vương giả được trình bày khiến cho người theo dõi sách ông, tưởng rằng phép kị huý chỉ mới có từ đời Nguyễn mà thôi! (trang 289: “Mỗi khi nghiên cứu về tiếng Huế, các học giả (?) thường gặp phải nhiều trường hợp tên huý của các vua chúa trong vương triều nhà Nguyễn…”) Lại có tên một sử quan là Phạm Phu Tiên, có chuyện Quốc sử quán triều Nguyễn in Ðại Việt sử kí tiền biên. Có nhớ lộn từ “nhập Tống” thành “nhập Trần”. Ðang nói chuyện Trần HỮU LƯỢNG thấy Việt sử tiêu án chép chuyện NGƯU LƯỢNG liền tương ngay vào sách (trang 196-197)! Ðọc (sử) kĩ mà không kĩ nên BMÐ cứ cho Lí Chiêu Hoàng lấy Trần Cảnh mười mấy năm không con để có cớ lôi y khoa giải thích về bệnh dậy thì sớm (nhảm), về ẩn ức tình dục của bà, của các nhân vật liên hệ… trong lúc thật ra bà này đã có con tên Trịnh chết ngay khi vừa mới sinh.
Ðáng lẽ phải dừng ở đây để khỏi nói tiếp về quyển sách kinh hoàng này, nhưng lỡ rồi… Không biết trong các thèse/thesis y khoa của BMÐ trình ở các trường Ðại học danh tiếng Ðức, Mĩ có dẫn lời phán của ông/bà Thầy Nước Lạnh nào không chớ khi bàn về sử Việt ông lại dẫn sách loạn xà ngầu, từ chính sử tới “bên lề chính sử” (một tên sách của Ðinh Công Vĩ – thấy ở nơi khác là có bằng tiến sĩ), tới sách loại giải trí của Trung Quốc dịch khỏi cần xin bản quyền, rồi tiến đến Truyện Tàu “Di miêu hoán chúa”, truyện kiếm hiệp Kim Dung, văn chương sáng tác Người lữ hành lặng lẽ… Sách cơ quan nghiên cứu in cũng được, sách của hội đoàn tản lạc (Hội Ái hữu Tây Sơn Bình Ðịnh) cũng xong! Ðánh đồng tất cả vì ông không biết đến nguyên tắc lựa chọn độ tin cậy của tư liệu dẫn chứng. Và điều này thì gần như là của cả trong nước bây giờ, chỉ nhắc ở đây vì phải bàn đến ông mà thôi.
Sử chính thức xưa gần như chỉ có quyển Ðại Việt sử kí toàn thư (gọi tắt là Toàn thư) để người sau, cả đến bây giờ, cứ coi như là nơi chứa tài liệu căn bản trưng dẫn chứ không phải là thứ để bàn luận. Cho nên mỗi khi nhắc lại sự kiện xưa thì người ta chỉ chép lại Toàn thư, đôi khi xê xích vài chữ cho có vẻ “sáng tạo”, hay có nổi hứng thêm thì tán rộng tràn lan. Ông BMÐ không cần biết Toàn thư chép về Lí Chiêu Hoàng như sau: “con gái thứ của Huệ Tông. Huệ Tông không có con trai nối, lập làm hoàng thái tử để truyền ngôi [lúc mới 7/8 tuổi]… Chiêu Hoàng trêu chọc hoặc nắm lấy tóc, hoặc đứng lên bóng… vốc nước té ướt (Trần) Cảnh, lấy khăn ném cho Cảnh…” Ông thích sách của Ngô Thì Sĩ hơn. Mối liên hệ “con nít” giữa Trần Cảnh và Chiêu Hoàng được Ngô Thì Sĩ chép lại trong sách Ðại Việt sử kí tiền biên của ông ta, tưởng tượng cảnh họ “cùng ở với nhau như vợ chồng”, rồi lại có thêm lời bàn cho là của Ngô Sĩ Liên (1479): “Chiêu Hoàng bảo Cảnh làm voi ngựa, mình cưỡi lên trên, Cảnh lấy hai tay đỡ lấy, sớm gió đêm trăng…” Ðoạn văn xứng đáng như của một loại sách porno còn làm dáng mắc cỡ ngày nay đó, thật ra là của Ngô Thì Sĩ (1726-1780) mà người dịch 1997 (trang 314) không có chút suy nghĩ, vẫn giữ tên Ngô Sĩ Liên nhưng nội dung thêm thắt đó đủ cho BMÐ khai thác ép buộc cho lí thuyết dậy thì sớm của ông gán vào con người đoán là “xấu người, thấp bé, mặt mày đầy mụn…” có tên Chiêu Hoàng “mới 8 tuổi mà đã biết quan hệ tình dục (?) rất sớm… (có thể phải) mang thai (?) sớm”. Phải có dữ kiện hấp dẫn của Ngô Thì Sĩ đưa ra, ông mới có thể dàn trải hơn hai trang định bệnh, chữa bệnh với chi tiết sex sinh động trên khách hàng giả tưởng của mình. Với sự thiên ái không cần đến nguyên tắc chung về độ tin cậy của tư liệu như thế, ông BMÐ nhất quyết cho rằng giữa 3 quyển sử xưa, ông chỉ cần nêu quyển Tiền biên mỗi khi nêu tên sách tham khảo thôi. Ông đã theo đúng nguyên tắc tự đề ra đó trong tất cả những bài về các triều đại Ðinh, Lê, Lí, Trần, tuy đôi khi lơ đãng cũng nhét Toàn thư vào.
Nhưng nói đúng ra cái lối vơ vào dẫn chứng lịch sử như thế cũng hợp với tính chất con người thường ngày của ông BMÐ. Trước mặt chúng ta là một ông già nhà quê lẩm cẩm, than vãn đạo đức suy đồi, tỏ lòng thông cảm với lỗi lầm của bà Dương hậu “về phương diện lễ giáo (lấy hai chồng)”, rồi thắc mắc tại sao vấn đề loạn hôn của họ Trần “đi ngược đạo lí luân thường của nước Việt Nam ngày xưa như thế mà lại có thể bành trướng qua nhiều đời như vậy, nhất là hiện tượng này lại xảy ra trong hoàng tộc mà đáng lẽ ra họ phải là tấm gương sáng cho thần dân noi theo…” May thay sự khờ khạo (?) tội nghiệp của ông cũng có người chia sẻ, như khi ông dẫn nhà Huế học Nguyễn Ðắc Xuân (trang 250-251). Cho nên chắc ông không ngờ rằng nhiều suy luận của ông, nếu đem bàn tán trong phòng mạch có thể ảnh hưởng đến sự phán xét của bệnh nhân muốn nhờ ông chữa trị. Biết được tỉ lệ tử vong của bệnh nhân đậu mùa là khoảng 20%, mà Hoàng tử Cảnh lại đã chết nên ông có kết luận là Cảnh “đã nằm trong tỉ lệ 20% tử vong này”! Về Minh Mạng: “Với một số nhiều bà vợ (và nhiều con) như vậy, vua… chắc chắn không thể là một người liệt dương (Impotent) hay là một người có tính đồng tình luyến ái (Homosexuel)…” Ðây là loại lí luận có dáng như câu quả quyết : “Trước khi chết thì anh ta còn sống”, loại vérité de la Pallice (?). Cũng như về trường hợp Tự Ðức, BMÐ có lập luận: “Nhà vua không phải là người ‘lãnh cảm’… không phải là người không có ‘hứng khởi tình dục’ vì nếu không, nhà vua đã ‘nạp phi’ đến 5 bà đưa vào Nội cung để làm gì?” Loại lí luận ngớ ngẩn này có rất nhiều trong sách, kể mãi không hết.

Bột/hồ và liên ngành, sáng tạo
Thật ra thì không phải chỉ vì bản thân ông BMÐ không đủ “bột”. Ông chỉ có quá nhiều tự tín để cho rằng mình đã thành công trong lãnh vực y khoa với bao nhiêu văn bằng trường trại quốc nội, quốc tế trưng dẫn, thì quay sang phía sử tất là… dễ ợt! Ông quên câu “Rừng nào cọp nấy”. Thế mà, “bột” thiếu lại ở chính ngay ngành sử, sử Việt.
Ðã nói, sử xưa của ta có thể nói là chỉ gói trọn trong một quyển sách để người sau có thấy ngắn thì kéo dài nó ra – để rồi lại sẽ thành tư liệu lịch sử. Ở trên ta đã dẫn ra trường hợp Lí Chiêu Hoàng, ghi ở hai quyển sử có phần của Ngô Sĩ Liên (thế kỉ XV) và Ngô Thì Sĩ (thế kỉ XVIII). Cho nên đúng là may mắn cho ông BMÐ có thêmTiền biên dài dòng hơn Toàn thư để ông có đà tán rộng hơn chuyện Dương hậu, cha con Lê Hoàn. Ông đỡ cực nhọc hơn với triều Nguyễn để có thể đem chuyện xứ Huế vào, cho đến khi có sách vở người Pháp thì có thể nói là ông được rảnh tay, chỉ lo chuyện chuyển dịch thôi (“Chân dung những người Pháp thuộc địa”).
Thế mà khi tìm đề tài ở sử Việt để phục vụ chuyên môn của mình, ông BMÐ lại chỉ sa đà vào những trường hợp đã từng được gợi ý theo “phong trào”, thời thế như vấn đề của ông Quang Trung nói mãi không hết sự oai hùng, vấn đề của các nhân vật triều Nguyễn tuy đưa ra dưới khía cạnh bệnh tật lại rõ ràng không thoát khỏi sự ràng buộc với những đôi co nặng nề về triều đại xứ Huế này trong nền chính trị sử cận hiện đại. Như vấn đề sex (hình như có công của người viết những dòng chữ này) gợi từ sinh hoạt lạ lùng của họ Trần, từ “bài thuốc Minh Mạng”… Tất nhiên với căn bản kiến thức của ông về sử Việt như đã nói thì điều này cũng là dễ hiểu. Sự hấp dẫn của tình dục học khiến ông mê mải trong ba triều Lê Lí Trần mà quên không hỏi thăm đề tài thời thượng “phi vật thể” là câu chuyện Người đẻ (100) trứng Âu Cơ, nếu khéo khai thác thì từ chuyên ngành Phụ khoa cũng có thể nói đến tình dục, lan qua dân tộc học, folklore, tán rộng đôi co với mấy cái đầu bư trên bờ sông Seine nữa . Không thể trách ông quên lửng không khai thác vụ “thượng mã phong” của Lê Thái Tông để tranh cãi với các cuộc hội thảo quốc gia, từng đề quyết có âm mưu hãm hại công thần, bôi xấu danh tiết của bà vú già Nguyễn Thị Lộ… Lê Thánh Tông được sử ghi “bệnh nặng vì nhiều phi tần”, với chi tiết về “chứng phong thũng”, có bà vợ bôi thuốc độc “vào chỗ lở”, vậy mà không được BMÐ khai thác thêm trường hợp có thể là lậu, tim la hấp dẫn này. Giá như chịu khó một chút ông có thể thấy tiếp theo, chuyện lại-cái của ông hoàng tử con Lê Hiến Tông, để bàn về đề tài đồng tính thật thời thượng trên toàn thế giới mà Việt Nam cũng đang bị lôi cuốn theo cho khỏi mang tiếng lạc hậu. Sao không khai thác thêm trường hợp “lưỡng tính” mạnh mẽ của Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, cho vang danh thêm tiếng Huế y khoa? Cũng có thể bàn về ông Lê Văn Duyệt với chứng cớ hơn người khác, vì có bản vẽ để lại trong Lăng Ông Gia Ðịnh, không lầm lẫn vào đâu được…
“Bột gốc” không đủ nên ông phải tán rộng, phải đặt giả thiết về những “ẩn số tâm lí và tình cảm của Dương Thái hậu” với những nghi vấn “Phải chăng… phải chăng…”, để giải quyết những “bí ẩn… trong thâm tâm” bà hoàng… kéo dài tới chuyện so sánh lạc lõng, vô duyên với bà Kennedy của thế kỉ XX, chỉ với lí do đồng dạng là hai bà First Lady cùng có hai đời chồng! Rồi có đà, khi phân tích tâm lí của những người đàn bà họ Trần, lấn chuyện tình dục từ đàn bà qua đàn ông, BMÐ tuôn chảy chuyên môn về cơ thể học, tình dục học đủ gây thích thú cho những bậc trưởng thượng sống đời nghiêm túc, lần đầu tiên biết tinh trùng đực, tinh trùng cái chạy đua làm sao, lần đầu tiên nghe chuyện rách cổ tử cung… Ông BMÐ cũng đã đề phòng phản bác về sự phô trương chuyên môn của mình trong Lời nói đầu: “Thực chất những bài biên khảo của chúng tôi là những bài nghiên cứu khoa học và vì vậy đã được trình bày với khá nhiếu chi tiết y khoa nên có thể không được hấp dẫn cho lắm đối với các độc giả ngoài y giới”. Ông hơi lo xa nhưng người đọc tuy có thích thú vẫn nghĩ rằng ông đã quá dài dòng, nếu không làm việc thừa thải là khoe khoang thì cũng chỉ vì đã tìm được cách nói cho đầy những trang sách. Ðiều đó hiện rõ, đầy trong các trích văn sử của ông.
Toàn thể chuyện thay đổi triều đại Ðinh Lê, chuyện cung đình của họ, vốn chỉ có một hai trang giấy trong sử cũ được BMÐ viết thành các mục “Theo dòng lịch sử”, “Thân thế bà Hoàng hậu”, “Bà hoàng họ Dương…”, “Vài con số về năm tháng liên hệ với Dương hậu”, “Vể bệnh tâm thần của Lê Ðại Hành”, tất cả được nhắc (phải nói là “chép”) chép đi chép lại trên 60 trang của ông BMÐ. Chưa đủ, ông Lê Ðại Hành còn được nói thêm kèm với chuyện ông con, cũng vẫn bấy nhiêu sự kiện chép không thừa một chữ của sử xưa. Chuyện họ Trần nằm trong 6 bài viết còn hành hạ độc giả hơn. Hết sách Việt qua sử Tàu. (Không biết có nên coi các loại như Mười đại hoàng đế Trung Quốc, Mười đại mưu lược gia Trung Quốc là “sử” hay không?) Trong 33 trang viết về Hoàng tử Cảnh chỉ có 2 trang dành cho chuyện bệnh hoạn như đã nói, còn lại là chép của sử quan Nguyễn, của sách Tây thực dân, của Trương Vĩnh Ký, lôi ra luôn hiệp ước Versailles, chỉ để kết tội Minh Mạng lúc còn là Hoàng tử Ðảm nhiều lần đứng hầu cha, “đã có ý núp sau màn nghe rõ” trong các tướng ai là người chống đối việc lên ngôi của mình. Chuyện Minh Mạng thẳng tay diệt trừ vợ con Hoàng tử Cảnh theo một âm mưu cho là có nguồn gốc từ thời Gia Long còn là Nguyễn Ánh, được BMÐ (và NÐX) diễn giải tội trạng một cách ngờ nghệch, không tưởng là của tác giả mới vừa bàn về những người đàn bà “dậy thì sớm” kiểu Lí Chiêu Hoàng, về hứng thú tình dục ở người đàn bà thay đổi phối ngẫu, được gán cho Lí Thuận Thiên. Rốt lại chỉ có thể nghĩ rằng BMÐ ưa viết tiểu thuyết lịch sử dựa trên mớ kiến thức y khoa của mình, cốt để quyển sách dày thêm. Nhưng điều “nghĩ xấu” này không thể được những người giới thiệu sách đồng ý.
Từ ước vọng chuyên môn của mình, ông Phan Huy Lê nói đến một hướng giải quyết liên ngành của BMÐ cho các vấn đề sử học Việt Nam. Chuyện này thì đã được khai thác từ những năm 1960, có hồi rầm rộ cho rằng đã đem đến thành công khi dùng khảo cổ học để vẽ ra diện mạo ông Hùng Vương. Tất nhiên có những người không chịu “cho rằng…”, chỉ vì đã nghĩ khác về vấn đề liên ngành. Một điểm cần thiết khi ngành sử nhờ cậy những chuyên môn khác, nhất là các ngành khoa học thực nghiệm, là để cốt làm sáng tỏ, trong đó có việc chấn chỉnh sai đúng, những sự kiện mà sử quan, sử gia nhiều văn vẻ không đủ khả năng giải thích, chứ không phải lấy oai phong của các ngành kia để biện minh giúp cho các ông viết sử nọ. Không thể thấy kết quả C14 có các con số 4000, 2500 (bỏ qua các sai số) thì đủ xếp hiện vật vào thời Hùng Vương của Ngô Sĩ Liên hay của tác giả Ðại Việt sử lược rồi từ gán ghép đó, lại vẽ lên một “Thời đại Hùng Vương” rực rỡ, ví dụ với trống đồng có thể được ban phát cho các chư hầu Ðông Nam Á! Giá cứ như bây giờ đúc tượng Cha Rồng Mẹ Tiên để tiêu bớt những đồng tiền ngứa ngáy, cứ xin bằng cấp UNESCO về rước sách, tung bùa yểm, làm lễ hội buôn thần bán thánh dựa dẫm vào tinh thần truyền thống “Việt độc đáo / riêng biệt” đang thúc đẩy lên cao vút, thì cái vui may ra có thể thay thế được nỗi ấm ức phải nhận các ông, bà tổ trời ơi đất hỡi.
Ông BMÐ không biết cái vấp váp quyền uy này nhưng có lẽ theo thói thường, cũng tưởng là đang làm chuyện liên ngành tương tự, với uy thế kiến thức khác. Kết quả là, không nhắc lại các vẽ vời đã nói, ông không biết đến các kiến giải mới ngay ở sử học về một số giai đoạn lịch sử Việt Nam, ví dụ ở đây là chuyện Lí Trần, nên cứ theo những lời kể lể, phê phán của Ngô Sĩ Liên, Ngô Thì Sĩ – nhất là của Ngô Thì Sĩ, cùng những ba hoa phụ hoạ tiếp nối để dồn cho độc giả những gì là Tâm thần học, Sinh lí học, Khoa học hành vi, Khoa học Thần kinh, máy fMRI, làm MRI, phép đo lường LH, FSH… có chú thêm chữ “Tây” khó đọc đến kinh khiếp. Ông có thể cãi lại rằng ông đã phân trần trước rồi nhưng nếu cho là ông không loè chữ, không tìm cách cho dày sách thì cũng là mắc lỗi đãng trí, lạc đề khi sa đà trong lãnh vực y học khi đang nói về sử (tiếp theo cái sa đà khắp nơi khắp chốn khác, mà ở một bài luận lớp dưới thì bị chê là “lạc đề”). Cũng vào khoảng 1960, có người đã dùng sinh vật học để giải thích các phát hiện hươu trắng hươu đen ghi nhiều trong thời Lí nhưng rõ ràng chúng ta không thấy họ sa đà nói chuyện phân loại của Carl Linnaeus, chuyện ngao du của Ch. Darwin, nếu bây giờ thì có thể bắt quàng sang chuyện DNA, lấy mitochondrial DNA đi tìm bà Êvà, bà Âu Cơ chứng minh cho lí thuyết Kim Ðịnh như có “học giả” Việt kiều đã làm…
Mỗi ngành có cái trọng tâm của nó, và cả nguyên cớ, mục đích tạo dựng chuyên ngành đã khiến chúng không thể nào đứng chung lộn mà không “chỏi” nhau. Lập một ngành “y học lịch sử” (?!) riêng, đặt ông BMÐ làm kẻ khai sáng, như ý của ông Giáo sư Bác sĩ Tiến sĩ nọ nhớ loáng thoáng chuyện tách khỏi biologie và chimie để lập bio-chimie chẳng hạn, là chuyện quá phận. Cho nên còn ở liên ngành thì đó là “mượn”, là nhờ cậy chứ không thể để “lấn”, chủ khách phải rành rẽ phân định. Nếu không thể có chi tiết riêng biệt về trường hợp đậu mùa của bệnh nhân (Hoàng tử) Cảnh thì không thể lôi ông hoàng ra để chẩn mạch, tiêm ngừa hay đề nghị chữa trị trong một bài sử được. Còn muốn làm nhà nghiên cứu lịch sử để xét vấn đề truyền ngôi sau Gia Long, như “phát hiện” lớn lao dễ sợ của BMÐ thì tách riêng ra một bài khác, nhập chung trong một bài e rằng vi trùng bệnh đậu mùa có thể lây lan sang Minh Mạng không biết chừng.
Ðối tượng có trách nhiệm của bác sĩ là người bệnh mang những y chứng tổng quát, hiểu theo nghĩa xuất hiện ở mọi thành phần nhân loại, không phân biệt chủng tộc, thời đại… để người thầy thuốc bất cứ từ đâu cũng chữa trị được miễn là có đúng khả năng. Trong khi đó những ông hoàng bà chúa, quan quyền mà ông BMÐ lôi ra khảo tra bệnh trạng lại là những con người cụ thể, sống có nơi chốn, ăn ở vào những thời đại riêng biệt, có vài lời khai bệnh ấm ớ lại được “vẽ” qua các ông bà nhân viên tha hồ phóng bút kiểu Ngô Thì Sĩ. Với những đối tượng như thế, ông bác sĩ tiến sĩ chuyên ngành BMÐ lại ném lên mình họ những bộ sách toàn thư y khoa, những khảo chứng chuyên biệt nhất, với lỉnh kỉnh những máy móc lớn nhỏ tối tân nhất… kèm theo những than vãn đạo đức ngờ nghệch, bệnh nhân chịu sao cho thấu? Cho nên phải có vài lời ngăn chặn vì chỉ sợ ông theo cái đà “thành công” của Từ điển tiếng Huế mà thừa thắng xông lên. Còn cấp thời, trong trường hợp sử Việt bị nhồi nhét đến bội thực này thì hình như có một cách chữa nhanh chóng, là cho mửa ra.
Phải không, bác sĩ?
 

17-4-2013
Ghi Chú:
* Bài đã đăng trên Xưa & Nay số 431, tháng 7 năm 2013, có chút lệch lạc không tránh khỏi vì tình thế trong, ngoài. Duy thấy có điều cần đính chính: “mấy cái đầu BƯ bên bờ sông Seine” được thêm dấu nặng thành: “… đầu BỰ…”. Sai, “đầu bự” là “đầu to”, “đầu bư” là “đầu ngốc” tuy to đầu cũng có thể là ngốc nghếch!

Chuyện gia phả, tông phả họ hàng nhà ta

Gia phả ở Việt Nam và dấu vết “phong trào” bây giờ
Gia phả viết bằng chữ Hán của các dòng họ lớn Việt Nam đã xuất hiện hàng loạt (2006) trên kệ sách theo “Chương trình Nghiên cứu Gia phả Việt Nam của Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, thuộc Ðại học Quốc gia Hà Nội đề xuất và chủ trì, cộng tác với Viện Viễn Ðông Bác cổ Pháp (EFEO), Ðại học Paris VII (Pháp), Ðại học Alberta (Canada)”. Chúng tôi không được biết công việc đã đi đến đâu ngoài 8 bản dịch và chú thích cẩn thận được ghép chung trong Tủ sách Gia Phả Việt Nam do Nhà xuất bản Thế Giới ấn hành. Vị trí địa lí của cơ quan chủ trì nghiên cứu chắc đã khơi dậy trong tiềm thức những người đảm trách công việc về sự chính thống xưa cũ nên đã khiến cho họ phổ biến gia phả của tộc Nguyễn Ðàng Trong mà không tìm đến gia phả họ Trịnh tương đương, dù rằng đã có bản in chữ quốc ngữ trước 1945 của ông Trịnh Như Tấu (Trịnh gia chính phả, được Nxb. Từ điển Bách khoa in lại 2008). Tất nhiên đã có sự yếu kém vì là sách soạn (1933) bởi người có Tây học, viết bằng chữ quốc ngữ kèm theo các bản vẽ ngô nghê, với tài liệu thú nhận không những lấy từ các chính sử mà còn từ cả Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim nữa nhưng dấu vết trước thời làm Chúa hẳn có thể còn đâu đó như chứng tỏ nơi một khuôn in ở đầu sách, như ông Hoàng Xuân Hãn đã ghi lại từ các bản nôm, Hán. Họ Trịnh không phải chỉ gồm những người làm Chúa mà còn các người ở các dòng thứ phái cũng đã có ghi trong sách của ông Trịnh mà các dấu vết riêng tư, nếu được chú ý tìm tòi thì cũng có thể dùng khai thác trong bộ sử chung như bất cứ tài liệu từ ở đâu khác. Vả lại dạng hình chữ quốc ngữ cũng không phải là thứ nên bị coi nhẹ. Chúng tôi đã từng thấy gia phả của nhà Thân Trọng viết bằng chữ quốc ngữ, có những chi tiết không ghi trong các bộ Thực lục, Liệt truyện.
Ngoài các phổ biến của cơ quan nghiên cứu, rải rác cũng thấy các xuất hiện của tư gia, tư nhân từ trường hợpNguyễn Hữu tộc gia phổ (Nxb. Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh 2003) cố vươn liên hệ với dòng tộc trị vì nước, đến trường hợp gia phả tộc Nguyễn Bá ở Quảng Trị, may là có in ấn (2002) và nhắc nhở mới được biết đến tên…
Vấn đề nghiên cứu gia phả Việt Nam được tiến hành nghiêm túc đã xuất hiện trước 1975 ở Miền Nam với ông Dã Lan Nguyễn Ðức Dụ (Gia phả, khảo luận và thực hành, 1970) thấy được tái bản mở rộng toàn quốc với bản in 2010. Sách có dẫn một vài gia phả mà ông sưu tầm hay tập họp được. Có vẻ vì gia phả dù sao cũng mang tính cách riêng tư mà người Việt Nam thì chưa quen với sự bày tỏ nơi công cộng nên khó có chuyện khai thác cho tính cách chung. Thật ra đôi khi chỉ vì tính cách riêng tư đó mà các gia phả thường chi chú trọng đến lề lối dương danh, nghĩa là chỉ ghi chép những điều tốt, thành đạt của các nhân vật trong dòng, giới hạn vấn đề ghi chép không lan qua đến những tiếp cận bên ngoài gia đình, gia tộc nên không thể cung cấp được nhiều thông tin như mong muốn.
Bởi vì mục đích sơ khởi của gia phả trong dân gian là để ghi nhớ ngày cúng giỗ, một dàn trải cụ thể của tục thờ cúng tổ tiên từ ý thức kết nối dòng họ qua thời gian, trong chừng mực một đời người phải chu toàn. Ðiều đó thể hiện rõ ràng ở việc bất cứ gia phả nào cũng có chuyện ghi thế thứ, đôi khi không ghi ngày sinh mà lúc nào cũng phải có ngày, tháng chết. Không cần năm, bởi vì chỉ cần làm việc xác nhận ghi nhớ một ngày, tháng nào đó trong năm là đã đủ căn bản cho công việc cốt yếu. Bởi vậy đối với những dòng họ nhỏ, chi phái riêng biệt các ghi chép thường không nhiều, và các “gia phả” này có các tên riêng là Phổ ý, Mục lục, tờ Tông chi, có khi vỏn vẹn gom trong vài ba trang giấy, chỉ giở ra lúc rối rắm từ cuộc sống làm quên cả ngày cúng giỗ!
Tình hình phát sinh ra các hình thức ghi chép dòng họ như thế là do chênh mực phát triển của các dòng họ nói riêng mà cũng cho thấy mức độ phát triển của tập đoàn, quốc gia chứa chấp các dòng họ đó. Cho nên từ dấu vết gia phả của các gia đình thành đạt có những thành viên hoạt động lan ra ngoài xã hội (phần lớn là làm quan, làm tướng) được ghi chép nhiều, nâng cấp dòng họ đem lại dồi dào nội dung cho gia phả, ta có thể nghĩ là trong những thời yên bình, thịnh vượng gia phả đã được ghi chép nhiều hơn – và tất nhiên cũng sẽ thất thoát nhiều hơn trong các cơn biến loạn tiếp theo đó, như ảnh hưởng Cách mạng văn hoá ở Trung Quốc những năm 1960 trên Miền Bắc với việc thiêu huỷ sách vở xưa, phá nhà thờ họ, chuyển dịch mồ mả… Chứng thực trước mắt là phong trào liên kết dòng họ tìm về cội nguồn, với những thiện ý nhiều cấp bực, lẫn lộn tính ranh ma cơ hội, do từ nguồn gốc những xáo trộn chiến tranh dẫn đến những phát triển đột biến thời bình đã gây ra sự đảo lộn thứ bậc xã hội mà người ta tranh thủ bồi đắp cho dòng họ, cho cá nhân của mình. Từ đó hình thành phong trào viết gia phả, viết lại gia phả với những sản sinh phức tạp mới, không chỉ dẫn đến sự hoài nghi trong hiện tại mà còn gợi ý gây thắc mắc với cả những thành quả xưa. Trong khi ở trung ương chỉ có chương trình nghiên cứu gia phả thì ta gặp ở Tp. Hồ Chí Minh một Trung tâm nghiên cứu và Thực hành gia phả nữa.
Các “chuyên gia” viết gia phả phồn tạp đến mức có lúc thấy loáng thoáng ở những quảng cáo trên báo chí, sau đó lại lẳng lặng biến mất cùng nhịp với phong trào viết lịch sử Ðảng bộ Cộng sản xuống tận cấp xã phường, rầm rộ đến những năm 1990, chứng tỏ có sự liên hệ, tuy là không đồng đẳng, giữa hai phong trào. Các tay thợ viết gia phả đôi khi chỉ là những “sử gia” của phường xã, nhân tiện kịp thời sử dụng chút chữ nghĩa ế ẩm của mình trong thời đại kinh tế thị trường hé mở, theo một cơ hội may mắn mà chính họ cũng biết là không thể kéo dài. Bởi vậy khi chương trình viết lịch sử Ðảng bộ cấp cơ sở bị bãi bỏ vì tổn phí quá nhiều thì họ cũng biến mất tăm, chỉ còn lại những kiên trì thấy ở các dòng họ lớn trên đường mở rộng thu tóm những “chi phái”, hay ở những dòng nhỏ cố chen chân vào các tập họp có danh sẵn, nhân đó cố tìm một vị trí lịch sử cho các nhân vật hiện đại của mình. Các nhân vật này, trong thế núp lén làm “cách mạng”, thay tên đổi họ soảnh soạch (như ông Nguyễn Cơ Thạch vốn họ Phạm, ông họ Nguyễn lấy họ Hồ mà người con oan khuất lại mang họ Vũ) khiến cho những người ngoại cuộc phải ngỡ ngàng khi nghe đính chính.
Khuynh hướng chung là sự “bao chiếm” dòng họ, dựa trên lí lẽ những đổi thay vai trò trong lịch sử khiến có sự tản lạc của các thành viên nay mới có cơ hội gom góp lại. Ở đây thấy có sự chòng chéo của ý thức bao chiếm và dựa dẫm. Một người họ Mạc đã dựa vào lời “những bà con tự nhận nhau qua lai lịch của gia phả (?) hay lời trăn trối của tổ tiên” để cho rằng các họ kê khai như Vũ, Phạm, Hoàng, Thái, Huỳnh… đều là gốc tử họ Mạc Hải Dương phải tản lạc vì mất quyền làm vua. Sự dẫn giải như thế hình như bắt nguồn – hay đồng dạng, không cần thiết lắm, từ/với một bài trên báo hàng ngày Hà Nội Mới, dẫn đến ngầm ý cho rằng ông ta thuộc dòng chính phái, không đếm xỉa gì đến việc những người có các họ kia có chịu tuỳ thuộc vào ông hay không. Có một cách thâu tóm giản dị hơn, là dựa vào tên gọi chắc nịch biểu diễn bằng Hán tự hay chữ Việt quốc ngữ. Cứ cùng một họ Dương là có thể kể từ Dương Ðình Nghệ hồi thế kỉ X qua đến các ông Dương trong sử kí Lí Trần Lê Nguyễn, cuối cùng đến ông Dương-nhà-mình, là có thể thấy mình thuộc vào một dòng họ truyền đời cả ngàn năm. Chuyện này cũng không hẳn là mới bởi vì thấy Ngô Thì Nhậm, nhân bênh vực việc ông bạn Ðặng Tiến Ðông có gia phả móc nối họ Ðặng với danh tướng Trần Hưng Ðạo, liền kéo dài họ Trần lên đến viên tướng Trần Bá Tiên (503-559) có mặt trong cuộc tranh chiến với Lí Nam Ðế, trở về Bắc lên làm vua hai năm ngắn ngủi nhưng cũng được ghi là một triều đại Trung Hoa!
Trường hợp họ Lí, ngoài sự bám víu họ Nguyễn, dựa vào sử cũ ghi việc đổi họ theo lệnh Trần Thủ Ðộ, mới đây còn níu kéo thêm dấu vết cho là đã truyền dòng qua xứ Cao Li xa xôi (nay là Ðại Hàn) với một nhân vật hoàng phái tên Lí Long Tường, trốn nạn quốc phá gia vong đến xứ sở mới vào năm 1226. Chuyện gia phả mơ hồ nhưng được gợi ý tin cậy càng lúc càng sít sao hơn vì mối liên hệ mỏng manh xa xưa, nay nhờ các biến chuyển thời sự đã nối kết lại gần hơn. Chắc cũng có ảnh hưởng từ chính sách Ðại Ðông Á của người Nhật đang chiếm lĩnh Triều Tiên / Ðại Hàn, và mon men, rồi cuối cùng đặt chân lên Ðông Dương nên một học giả Hàn Quốc đã nghiên cứu gia phả dòng Lí này (1936), viết lên (1943) để câu chuyện xuất hiện trên báo chí Việt ngữ đương thời. Chiến tranh 1956-75 và công cuộc làm ăn của người Ðại Hàn trên đất Việt Nam khiến cho một sự kiện vốn chỉ có thể coi là giai thoại lại trở nên là lịch sử thiết thân của hai nước, và quan trọng hơn, là của hai dòng tộc, để có hậu duệ chi phái đời thứ 35 về dự lễ giỗ Tổ (8-4-2009) ở Ðền Ðô (Bắc Ninh), dọn đường cho hậu duệ chính phái đời thứ 26 viếng Việt Nam năm sau. Và cũng dựa vào đó mà người ta đã gộp hai chi phái Lí Long Tường vào vị trí “Việt kiều” ở Ðại Hàn!
Sự phát triển của đất nước sau chiến tranh khiến có việc xây dựng nhà thờ Tổ, làm lăng mộ bạc tỉ, khuếch đại tăm tiếng dòng họ bằng công trình văn hoá theo kiểu đặt gỉải thưởng sử học, như con cháu Phạm Thận Duật đã làm đều đặn, gần như ôm hết các luận án tiến sĩ quốc gia, khôn ngoan không chừa cả những luận án đắc thời đắc thế. Yếu kém hơn một chút, người ta nêu tên dòng họ bằng cách thu xếp các bài viết về một hai nhân vật trong dòng, có căn cứ trong quá khứ (quan triều), có uy thế trong hiện tại (chiến sĩ cách mạng có bằng liệt sĩ, lẵng hoa của nhân vật đương quyền) đủ chút dạng “nghiên cứu”, công cán đem vào làm Phụ trương cho một tạp chí chuyên ngành, kết nối theo một kiểu quảng cáo không đến nỗi lộ liễu lắm. Bởi vì nếu vẽ vời quá quắt thì sẽ gặp phản ứng tai hại, như chuyện nhân vật Phan Vân ở Nghệ An được tộc họ thêm thắt công trạng cứu nước, xin được nhà nước công nhận nhà thờ là Di tích lịch sử quốc gia, gây kiện tụng suốt mười năm, rốt lại bị bãi bỏ, để thêm một dấu vết nhỏ về thời Thổ tả! Những tộc họ đã làm chủ nước đã có Ngọc phả của mình nên chỉ phải gạt ra các trường hợp xu phụ, như Tôn nhân phủ của Nguyễn đã đối xử với phái họ Nguyễn Hữu muốn mon men vào làm dân tôn thất. Sự thất bại của những người này có nguyên nhân vì lẽ quá ôm đồm. Họ níu ông Nguyễn Bặc ở đời Ðinh thì cũng không gây thắc mắc gì lắm nhưng cố bám ông Nguyễn Trãi có danh tiếng truyền đời đặt làm ông Tổ mà lại quên ghi ông Nguyễn Phi Khanh (cha), chứng tỏ có sự xu phụ lộ liễu. Họ không biết đến Nguyễn Anh Vũ, người con lạc loài sống sót sau cơn gia nạn chỉ được Lê Thánh Tông cho làm huyện lệnh (1464) hạng bét trong quan trường, mà lại gán cho con cháu Nguyễn Trãi các chức tước trùm trời, rồi cũng không đọc sử Nguyễn để thấy Tự Ðức chê Nguyễn Trãi như thế nào mà dám ghép vào dòng vua! Mưu toan tự nâng cấp, kết tụ lâu dài có thể bất ngờ trông thấy ở trường hợp ông Tố Hữu vốn tên Nguyễn Hữu Lành có khi đã được coi là “Tôn thất” Lành, và câu chuyện đày đoạ tác giả Cây táo ông Lành hẳn là có duyên do sâu kín từ sự kiêu ngạo hoàng phái kia kết hợp với nỗi run sợ phạm huý chuyển qua thời đại “xã hội chủ nghĩa”.
Khôn ngoan hơn, các dòng họ đồng tự dạng với dòng làm vua, khi không có bằng cớ chắc chắn, đã né tránh, để chừa chỗ cho những dòng họ mang tên có thể lộn sòng được với các “nhân vật lịch sử” có dịp lấy làm căn cứ bao chiếm địa vị cao cấp sâu vào tận quá khứ xa. Ví dụ nhân vật mang tên quen thuộc: Cao Lỗ không cần được hiểu với nội dung “cao thô” từ dạng hình Ðá của cái “tên” kia, chỉ cần nắm bắt từ dạng hình “quốc ngữ” C-A-O, không đếm xỉa gì đến họ Ðô nếu nhắc tên Ðô Lỗ cũng có ghi trong sử sách. Cái họ được chọn lựa theo thành kiến, thói quen đó trở thành một họ riêng biệt, từ đó bao chiếm các họ Cao kết hợp theo những nguồn gốc khác, ôm luôn cả ông Lư CAO Sơn để một nhóm có họ Cao ngày nay đứng ra tổ chức lễ tôn vinh ông tổ (đá!) nhà mình. Lập luận liên hệ của một nhân vật họ Mạc nói trên cũng là một trường hợp tìm cách bao chiếm từ một dòng họ thất thế mà các cuộc hội thảo quốc gia mới đây chỉ đủ để làm công trình sử học theo thời mà không có đủ thời gian để làm tăng nhân số ít ỏi đang thấy trước mắt.
Tình hình kết nối dòng họ như thế rõ ràng là có chen vào những toan tính không phụ thuộc vào chừng mực ham muốn kiến thức bình thường. Loại chen lấn núp bóng đi tìm sự nổi trội, danh vọng tập thể, cá nhân bên ngoài xã hội như thế đã có tác động ngược đến những nghiên cứu ở các lãnh vực khác. Hội thảo “Thế kỉ XXI nhìn về nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản” gặp trở ngại về phần in ấn vì lời đồn: Hội thảo để bào chữa cho Phan Thanh Giản với đề nghị xây dựng đền thờ, là do (cựu) Thủ tướng Võ Văn Kiệt muốn đề cao họ Phan (gốc) của nhà mình. Thật ra thì sự gán ghép cũng bắt nguồn từ sự thật loan truyền, là có tay chân một số nhà lãnh đạo đã tìm cách kết nối chủ mình với một dòng họ, nhân vật tăm tiếng nào đó trong lịch sử, càng xưa càng tốt. Cựu Thủ tướng Phan Văn Khải được loan truyền là con của Tổng bí thư Phan Ðăng Lưu, còn Chủ tịch Trương Tấn Sang thì không dừng lại ở dòng Phó Tổng trấn Gia Ðịnh Trương Tấn Bửu mà còn được cho là có gốc tận xứ Nghệ của chính quyền nông dân Tây Sơn! Ai sống ở xa Phú Thọ hoặc Thăng Long, không thể tìm cách kết nối với bộ tướng Hùng Vương thì phải tìm cho ra một ông tổ trên vùng “cái nôi của dân tộc” đó mới hợp với tinh thần thống nhất của thời đại. Ðiều ghép nối ngang ngược nhất đã xảy ra với một Giáo sư Ðại học Tp. Hồ Chí Minh, người dẫn bằng cớ lung tung để chứng minh ông Nguyễn An Ninh trên xứ Mười Tám thôn Vườn Trầu danh tiếng, buộc phải có các ông tổ bà con với Ðoàn Thị Ðiểm, Lê Hữu Trác của nhà Lê Trịnh, theo thời gian chuyển đổi từ Ðoàn qua Nguyễn, trở lại Ðoàn rồi qua Nguyễn lần nữa theo một nguyên tắc chỉ có ông học giả có bằng cấp quốc tế (giả) và tác phầm đầy kệ sách kia hiểu được mà thôi. Tình hình mối “loạn” kết nối dòng họ dẫn đến loạn gia phả như thế đã khiến ông Phan Huy Lê phải lo lắng cho tương lai sử học nước nhà khi các sử gia lớp sau phải đứng trước hàng đống gia phả mới kết tập, “sáng tác” mà không biết đúng sai ở chỗ nào.
Bách tính và những cái “họ” mang dấu vết Trung Hoa, bản xứ
Ngày nay đọc sách chữ quốc ngữ, người ta dễ lãng quên rằng có cả một nền tảng văn hoá Trung Hoa vẫn đứng sau các biểu hiện sinh hoạt chính trị, xã hội của Việt Nam, tất cả đều từng được ghi chép bằng thứ chữ riêng biệt của Trung Hoa, quen gọi là chữ Hán. Cũng như Nhật Bản, Triều Tiên / Ðại Hàn, các tên họ dù là đọc theo âm bản xứ nhưng cũng đều có thể biểu hiện bằng Hán tự. Họ, tên của Chủ tịch Triều Tiên, Tổng thống Ðại Hàn biểu diễn bằng Hàn ngữ (Han goul) ghi âm La tinh: Kim Jong Un, Park Geun Hye đều có thể viết ra chữ Hán để người Việt thấy các âm Hán Việt: Kim Chính Ân, Phác Cận Huệ trên báo chí ta. Lịch sử Triều Tiên có các ông vua Thái Tổ, Thái Tông… đọc loáng thoáng tưởng như là các ông vua Việt có lúc qua cai trị nơi đó – cụ thể hơn, họ có ông Lí Thái Tổ mở triều đại Lí năm 1392, sau ông Lí Thái Tổ / Công Uẩn đến gần 300 năm! Bởi vậy không lấy làm lạ là các họ Việt dù từ nguồn gốc nào cũng có dạng của “bách tính” Trung Hoa, từ gốc của quan lại cai trị thời thuộc địa, của đồng tộc họ di cư về sau đã đành mà từ trong núi sâu hoang dã ra lị sở “văn minh” cũng có thể mang dạng chữ Hán như vậy. Và sự xuất hiện của chúng là theo quan niệm truyền dòng vay mượn của Trung Hoa, đi theo với sự du nhập các yếu tính văn minh khác. Gia phả do đó được kết thành theo lối kết tập truyền thống phụ hệ của Trung Hoa: quan niệm Tông phả.
Không nên để lậm sâu vào những tranh chấp ngữ nghĩa, việc phân biệt gia phả của Việt Nam và tông phả ở Trung Hoa nơi đây chỉ dừng lại ở độ dày mỏng thời gian và mức độ lan rộng của sự ghi chép về các tộc người được cho là cùng chung huyết thống mà thôi. Tất nhiên là cũng có những dòng họ đi trực tiếp từ phương Bắc xuống và do ý thức kết nối tông phả lâu đời, con cháu khoe là đã giữ được mối liên hệ ấy qua ghi chép, như họ Vũ Mộ Trạch đất “tiến sĩ” của Hải Dương. Nhưng cũng phải phân biệt những người mang chung một “họ” mà di chuyển ở những thời điểm khác nhau, ví dụ họ Lí của con cháu Lí Công Uẩn không thể xếp chung với các người có họ Lí ở Chợ Lớn ngày nay, những người họ Lí đó trong tầng lớp bình dân Trung Hoa đông đến nỗi thấy có thành ngữ Trương Tam, Lí Tứ trong tiểu thuyết chương hồi. Cũng vậy, họ Hoàng vốn gốc quý tộc của lớp thiểu số Nam Trung Hoa (“hoàng” chỉ màu vàng, đặc biệt dành cho vua, người chủ tể) thấy rất rõ quanh các chúa Trịnh, nếu có bà con đi trước vào Nam phải mang họ Huỳnh vì kị huý Nguyễn Hoàng thì sẽ không nhận ra nhau, không nhận cả những Huỳnh… nhập cư từ thế kỉ XVI ở Ðàng Trong – không nhận, không những vì dạng họ đã khác mà còn vì ngay nơi cỗi gốc cũng đã khác xa. Con đường của cái “họ” vòng vèo như thế nên lối kết hợp “họ” theo cùng dạng hình Hán tự (hay chuyển qua quốc ngữ) như đã thấy là làm việc sai lầm, nếu không nói là soán đoạt.
Mặt khác, qua sự kết nối dòng họ, người Việt còn cho thấy những dấu vết mang tính Ðông Nam Á từ xa xưa của mình. Ðó là sự liên hệ mà sách vở Trung Hoa cũng ghi nhận, là theo lối “Phụ tử liên danh”. Nói giản dị là người con lấy tên cha làm họ để con cái lại lấy tên mình làm họ cho chúng. Và cứ thế mà tiếp nối.
Bằng chứng lịch sử là ở cái xứ của tiểu thuyết Kim Dung quen thuộc, đất nước Ðại Lí có họ Ðoàn vì nước Nam Chiếu mà họ kế tục đã theo Trung Hoa, bỏ tục Phụ tử liên danh (Chiêm Toàn Hữu, bản dịch 2004). Về chứng cớ dân tộc học còn thấy ở người Miên (Ðinh Văn Liên 2005), cho nên “Bác” Pot đi làm cách mạng, giấu tên Saloth Sar nhưng khi lộ ra ở bực cao quyền bính thì nổi lên các anh chị Saloth Roeung, (Sa)Loth Soung, Saloth Chhay, Saloth Nhep, tất cả đều là con của một ông có tên riêng Saloth. Trên trường chính trị Ðông Nam Á là các nhân vật quen thuộc: Aung San Suu Kyi con của anh hùng Miến Aung San, Tổng thống Megawati Sukarnoputri là con của (cũng) Tổng thống Sukarno, người giành độc lập cho Nam Dương. Cho nên chớ tưởng “Hai Bà” nổi dậy có “uy danh động đến Bắc phương” là có họ xuyên suốt của “con cháu Hùng Lạc tướng quân”. Cho đến nửa sau thế kỉ XX, ông Nguyễn Duy Hinh (Văn minh Lạc Việt 2004) còn thấy trên vùng đất tổ Mê Linh đó, con cái lấy chữ lót của cha làm họ của mình theo một cách thức khá rắc rối, rõ là bằng chứng của một thói tục “phụ tử liên danh” lệch lạc chỉ vì đã phải trải qua bao nhiêu thế kỉ chịu ảnh hưởng văn minh Trung Hoa. Báo chí của đầu thế kỉ XXI vẫn còn lôi ra bàn tán về tình trạng lạ lùng làm rắc rối công tác hộ khẩu này mà không thấy chuyên viên nào nhảy vô tìm hiểu cặn kẽ thêm, cứ theo thói quen ngạc nhiên một chút rồi lại vẫn mãi mãi bất động, bằng lòng với quá khứ như đã thấy. Cũng nên lưu ý về trường hợp thừa kế nhà ở (và nuôi dưỡng cha mẹ) qua người con út, thấy ở Nam Bộ và vài vùng ở Quảng Nam, không biết có nguồn gốc văn hoá từ đâu…
Quan niệm truyền dòng theo lối Trung Hoa đã ngăn chặn những tính chất riêng biệt phải có của dân Việt khi tách rời thành một nước độc lập. Ðã nói khuynh hướng hướng thượng khiến người ta cố tìm cách ghép mình vào một nhân vật, một dòng họ danh giá. Trước mắt bây giờ là một số bộ tộc phía tây các tỉnh Trung Bộ lấy họ Hồ, họ Phạm của Chủ tịch, Thủ tướng nước. Cho nên họ Nguyễn của dòng có người-làm-vua nay tràn ngập đến nỗi người Mỹ đã lấy Nguyễn làm tiêu biểu cho họ Việt Nam, còn ở Australia thì có người dự đoán là độ mươi năm nữa họ Nguyễn sẽ đè bẹp họ Smith để lên đứng đầu bảng xứ này. Và trong trường hợp văn minh Trung Hoa ngự trị thì không ước vọng nào cao hơn là ghép họ mình với một dòng vua – không được thì quan quyền xứ Tam Hoàng Ngũ Ðế. Trường hợp Ngô Thì Nhậm là một dẫn chứng trong lúc chưa có thể kiểm tra xem Hồ Quý Li thật có ông tổ thuộc đời Ngũ Ðại không, bởi vì từ dấu hiệu thế kỉ X đó ông ta đã không bằng lòng, lại muốn níu kéo lên đến thời hồng hoang của Trung Quốc, cho đến vua Thuấn, hơn cả Thuấn với tên nước: Ðại Ngu.
Tổ chức chính trị bậc cao đặt ra vấn đề kiểm tra dân số thì phải có sổ bộ ghi chép cho nên ví dụ họ Ðinh ở Việt Nam, xuất hiện từ xưa trên đất Bắc hay là bây giở ở phía tây Quảng Ngãi, không cần phải là con cháu ông Ðinh Bàng Ðức thời Tam Quốc. Có một họ Ðinh tại chỗ, dù không hẳn là người “Việt” theo dạng hình ngày nay nhưng cũng dễ cho những người không họ bám víu cầu cạnh “bắc quàng làm họ”. Chỉ rủi ro là dòng tộc từng làm vua được tôn xưng là “hoàng đế đầu tiên” (Tiên Hoàng) mà phúc lộc không dài nên ít người theo, khác với các họ Lí Trần tiếp nối thu phục những người dòng Thái cũ hay mới cho mang vào sử sách triều đại các họ Trịnh, Thân (hay những họ ẩn khuất khác) để tiếp tục truyền dòng xa đời đến ngày nay, không có ai dám bảo là không-Việt hết. Họ Lê xứ Thanh Hoá, một thời chưa chen vào tranh chấp quyền bính trên cao nên không bị tận diệt, chèn ép, cứ giữ danh vị sàn sàn mà cao cấp ở địa phương, đủ cho người ta ngưỡng vọng mong được cùng họ với ông Lê Cốc, Lê Lương của thế kỉ VII, X, XI, kéo theo những tập họp Thái từ phía tây tràn qua phân tán trong vùng với các ông chúa “mường” lớn nhỏ: Lê Lai, Lê Lợi…
Danh vọng dài lâu nhưng sức bung cựa quậy trên vùng chật hẹp của các họ danh giá sẵn khiến họ Lê không đủ hấp dẫn bằng họ Nguyễn thênh thang trên hơn nửa đất mới chiếm vừa rộng, vừa mới mẻ lại không đối thủ, dễ tạo hấp dẫn hơn. Sự hội nhập của các dòng thù nghịch (Mạc, Trịnh) hay đồng hương tuy có tạo ra các cấp bực thân, sơ với các chữ lót “phúc”, “hữu”, “cửu” nhưng không ngăn được các kẻ ở vòng ngoài quyền bính lạm dụng: một ông chủ buôn nguồn nào đó ở Phú Yên đặt tên con là Nguyễn Phúc Long, để ông con bình yên tung hoành trên núi, chỉ hoảng hốt bỏ chữ lót “phúc” khi về đầu quân Gia Ðịnh! Nhát nhớm thì chỉ mượn một họ Nguyễn rồi chen chữ đệm “văn” cho con trai, “thị” cho con gái cũng thấy đủ là gần gũi. Chuyện anh em Tây Sơn với bà mẹ được gán tên Nguyễn Thị Ðồng là bằng cớ nổi trội nhất. Họ Nguyễn đã đi vào dòng quý tộc Chàm còn sót lại là do các ông Chúa ban phát cho kẻ phục vụ mình, hơn là cứ tìm theo dấu vết lãng mạn (tội nghiệp) của công chúa Huyền Trân xưa. Kẻ thừa thải khác chưa kịp đủ tự tin lăn lưng vào họ vua thì chờ được ban các họ Việt, biểu hiện trên giấy má sổ bộ bằng Hán tự hay chữ quốc ngữ ngày nay. Thử kể những người danh tiếng: Sơn Ngọc Thành, Thủ tướng Cambodge 1945, quấy đảo chính trường Chùa Tháp các năm 1950; Sơn Ngọc Minh, có mặt trong Bộ đội hải ngoại thời Kháng chiến Nam Bộ, làm thủ lãnh Issarak cho Việt Minh nên chết khuất lấp sau khi bị Pol Pot tranh đoạt quyền bính; Ieng Sary, Ngoại trưởng Kampuchea Dân chủ, có cái tên Kim Trang từ ngày ở Trà Vinh, ít được biết hơn. Và có những người mang họ mới theo một cách tình cờ của phong cách thư lại thật suôn sẻ tự nhiên: đó là các nhân số chưa có họ, chỉ được gọi theo “tên” mà trở thành mang họ Danh! Có thể suy đoán rằng đây là những người cùng đinh mạt hạng trong tập họp Khmer trên đất Nam Kì, mang họ mới của thời Pháp thuộc trong sổ bộ chữ quốc ngữ, theo ngôn từ cửa quyền quen thuộc: danh (tên) Bên, danh (tên) Xary…
Nguồn gốc thư lại dính dấp với sự dễ dãi ngôn từ của họ Danh khiến ta suy nghĩ về một họ khác, xưa hơn, của tập họp người tiếp xúc sớm hơn với các triều vua Việt: họ Phan của người Chàm xưa và Việt nay. Lại cũng là chuyện đã nói nhiều lần rồi. Không phải chỉ là suy đoán vẩn vơ khi nói rằng các họ Phan thấy trong sử sách Lí Trần – cả Lê, cho thấy đó là những người Chàm tù hay hàng binh, nô lệ chiến tranh. Và cũng không nên vì sự tự tôn của người thời nay mà chùn bước trong lập luận. Những kẻ thấp kém trên đất bị buộc phải sống đó không cần họ, chỉ gọi tên trống không là đủ. Cả đến các ông chủ ruộng trên tấm bia 1210 chỉ có một ông họ Nguyễn, còn bao nhiêu là mang một cái tên cộc lốc. Với thế kỉ XI, XII quan quyền Lí Trần nhận ra các nô lệ kia là người khác nước, khác chủng tộc rõ rệt nên phải thêm cho họ một yếu tính xác định: phiên Ma Lôi, phiên Lân… Gọi “phiên” vì mượn một ý niệm định hướng dân tộc có nguồn gốc Trung Hoa để chỉ toán người trước mắt, cũng cho là thuộc nước nằm phía tây Thăng Long. Cũng không biết tại sao “giống người phiên” lại chuyển qua âm “phan” của một họ người – hay lại cũng chỉ vì nhu cầu hành chính? Lí lẽ của suy luận có chút tự tin nhờ bằng cớ của Lê Quý Ðôn về tên gọi của những người Sách cao cấp ở Ðàng Trong, các “phiên” chịu thuế ở đó đã có dáng mang họ Phan, không để lại ngập ngừng, thắc mắc khi được chuyển qua dạng quốc ngữ ngày nay. Ðiều đáng chú ý là từ sự phát hiện tên tộc họ này, phối hợp với những chứng cớ vững chải từ sử sách các triều đại Lí Trần Lê mà ta thấy bộ phận người Chàm đã cắm rễ sâu trong vùng vẫn thường được coi là cái nôi của người Việt, một quan niệm gốc gác kiêu ngạo địa phương đã ăn sâu vào tâm trí cả ở tầng lớp trí thức, dẫn đến sự hiểu biết lệch lạc trong tiến trình lịch sử tiếp theo. Các tù binh xây đền tháp của Lí đó, các người trong thôn Bà Già tiếp đón Trần Nhật Duật kia, có bao nhiêu người ra đi trong dòng người Nam tiến tiếp nối, như truyền ngôn mơ hồ ở các gia đình phía Nam, mà cụ thể là trong gia phả họ Ong/Ung của làng Phong Lệ quận Cẩm Lệ Tp. Ðà Nẵng?
Ý kiến nhắc lại, cho rằng chính các tù binh đó đã ngân nga những câu lục bát đầu tiên (hình như người nêu vấn đề trước hết là Võ Phiến, và phụ hoạ tiếp bên ngoài là ông Trần Ngọc Ninh, Viện trưởng Viện Việt học California) đã bị một người ngày nay phản đối gay gắt nhưng không trưng ra bằng cớ nào ngoài sự tự phụ là người ấy quá yêu “đất/nước/người Việt”. Bởi vì, tuy cũng vẫn chỉ là giả thuyết, nhưng rõ ràng các văn loại mà người Việt học từ đất Trung Hoa để thi cử, ngâm vịnh… không có thứ nào thu xếp vần điệu theo lối sáu tám cả. Trước 1945 có người mày mò lôi ra vài câu lục bát của Dịch, Thi lạc lõng trong kho tàng văn thơ đồ sộ của Trung Hoa (“lục tam hàm chương khả trình / Hoặc tòng vương sự vô thành hữu chung”) nhưng không thể giải thích vì sao có ông trạng nguyên hay ông nông dân hay chữ nào đó lại moi móc được ra để nối tiếp đặt văn thơ truyền đời. Bây giờ thì học giả Việt đã chứng minh lục bát Việt không phải chỉ xuất hiện vào khoảng thế kỉ XVI nhưng có thể sớm hơn, vào trước thế kỉ XV (Hoàng Thị Ngọ 2011), và tất nhiên cũng được ngầm hiểu là sáng tạo của “người Việt”. Ðề xuất của ông Võ Phiến có thể coi như một loại ý nghĩ bất chợt / xuất thần mỏng manh theo kiểu chuyện trái táo của Newton nhưng nếu đặt trong khung cảnh của các phát hiện về ảnh hưởng của tù binh Chàm như đã thấy, và kết hợp với khám phá của học giả Việt, thì sự xác nhận hình như trở thành có cơ sở vững chải hơn. Cuối thế kỉ XIV có sự chuyển ép cấm nói tiếng Chiêm Lào để dân tộc thuần hoá hơn (1374). Ðiều đó nhất định phải gây ra tình trạng chuyển hoá dứt khoát từ đám hậu duệ tù binh vốn đã Việt hoá nhiều rồi. Lục bát được sinh thành tại chỗ, từ đám con cháu tù binh Chàm, vốn sẵn có cách ngâm nga sáu tám của mình (?) đã đem chuyển sang tiếng Việt học hỏi được, học theo một tiến trình tự nhiên, hay cho giống người để khỏi bị tiêu diệt khi thấy vẫn còn khác người trong vị thế mong manh. Và tất nhiên văn nhân Việt cũng theo đó mà tập tành một văn thể mới, không từng thấy trong kinh sách chữ Hán học được. Tất nhiên giả thuyết này vẫn thật khó chấp nhận đối với những người tự mãn với cái gốc Dân tộc Lớn, Dân tộc Chiến thắng, cố che lấp sự biếng lười trí thức để bằng lòng với những giải đáp có sẵn.
Những tù binh cũ đã chuyển hoá chỉ có thể nhận ra dưới mắt nhà nghiên cứu khi có ông quan Tây làm việc ở Nghệ An chụp được tấm hình một nhà họ Chế áo dài khăn đóng để so sánh với các ông kì mục trên xứ Bình Thuận, nơi vẫn còn sự hiện diện của tộc Chàm. Tuy nhiên ngay trên vùng đất làm nô lệ, khi dạng hình cụ thể đã có sự phân biệt khác đi, dấu hiệu gốc tích vẫn còn ẩn khuất trong tập tục, tín ngưỡng khó xoá bỏ bởi sự linh thiêng thường làm chùn tay tập đoàn thắng thế. Vì thế có những tên Phan Thị Lương… của các nơi thờ nõ nường, có chùa Bà Ðanh / Bà Banh, miếu Bà Chúa Ngựa trên vùng châu thổ, có thần Phan Ðà trong một đền thờ Nghệ An…
Rõ rệt hơn, là ở trên những vùng “xôi đậu” chủng loại, nơi căn bản của người bản thổ, nhất là đối với những người quyền chức địa phương cũ mà ngay cả vua quan Chàm Việt cũng phải tìm cách liên kết, dung dưỡng một chừng mực. Với thời gian người bản thổ sẽ chuyển hoá theo thời, học được cách viết gia phả theo các vọng tộc mới, với một số kiến thức mới tiếp thu. Bản gia phả nhà họ Phan ở hai làng Ðà Sơn, Ðà Li thuộc quận huyện Tp. Ðà Nẵng được hình thành dưới tác động thời gian như thế chứ không hẳn là “một bản phổ chí nói về quan hệ Việt-Chăm” (Võ Văn Thắng, dẫn theo Hồ Trung Tú: Có 500 năm như thế, 2012) theo cách suy nghĩ gượng gạo về một thứ tinh thần “chuộc lỗi” mà không phải phạm huý đối với khuynh hướng chính thống về quan niệm “dân tộc thống nhất” ngày nay. Dòng họ Phan đó rõ ràng còn vướng víu với quá khứ xa nên còn nhớ lịch sử chung của tập đoàn họ, từ đất nước rộng lớn co rút lại nơi khu vực chật hẹp trên đất Quảng Nam. Họ cho thấy dấu vết là của một thủ lãnh địa phương trong chính quyền cũ (“ngã thị Chiêm chủng”), đã giữ được một chừng mực quyền thế trên chính quyền chiến thắng mới để hoà nhập được trong nền văn hoá mới. Cho nên khi họ viết gia phả vào đời Gia Long với chữ Hán, lúc đã có ý niệm về một khoảnh đất Việt Thường với ông vua Lạc – chưa thấy ông vua Hùng, thì phải lộn xộn nhập chung chuyện dòng họ nhà mình cùng với các họ Trần Hồ Lê… Ðòi hỏi làm gì một sự trình bày hợp lí cho một trường hợp phải uốn mình theo các ẩn khuất của hiện thực sống? Dấu vết các Ông/Ung, Ma, Trà Chế còn lại cho thấy khởi đầu gốc Chàm của họ, như trường hợp họ Trà của thôn Ðồng Dương (Indrapura cũ) nay còn chiếm đến 40% hộ dân ở đấy. Tuy nhiên, điều ta không biết là khi các dòng tộc này mang tính phụ hệ rõ rệt như trong tính chất gia tộc Việt Trung thì mức độ huyết thống của họ đã biến đổi ra sao, như sẽ bàn sau đây.
Hình như triều đại Tây Sơn đem lại sự đảo lộn lớn lao trong suốt chiều dài Nam Bắc đã khiến cho vùng đất kinh đô Chàm cũ mất các dấu vết bản thổ, giống như tên Vjaya đã chuyển hoá lạc loài thành Phú Ða, tên của một khúc sông, một làng xóm, ngôi chợ. Tuy nhiên bức hình vẽ người lính Tây Sơn năm 1793 ngay trên đất Quảng Nam xa đã cho thấy dáng dấp Mã Lai, Chàm không sai chạy. Các họ Trà, Man(g) còn thấy lẻ tẻ qua những người bình thường, đôi khi tình cờ nổi bật như lúc phong trào tìm nhà cổ mới lộ ra các ông họ Ma ở Phú Yên, chủ nhân những ngôi nhà lá-mái đặc trưng của dân giàu có trong vùng.
Trường hợp cúng Việc lề cho thấy một cách “viết” gia phả riêng của những tập đoàn không biết chữ (Hán), không rõ là của di dân Việt hay dân bản thổ chuyển hoá. Ông Nguyễn Ðăng Vũ, Giám đốc sở Văn hoá, Thông tin và Du lịch Quảng Ngãi có nhắc đến lối cúng này trong tỉnh của ông nhưng không thấy đưa ra chi tiết. Bản thân chúng tôi trước 1975, biết nó có ở Nam Bộ, về sau thấy một hai tác giả dẫn ra trong tập họp Nam Bộ, đất và người, cũng không nhiều chi tiết lắm, có lẽ vì không nhiều gia đình theo mà cũng có lẽ vì thời thế đổi thay quá nhanh làm mai một một hiện tượng bên lề. Ðó là lối cúng giỗ của vài gia đình cùng họ hay khác họ không ở gần nhau nhưng nhận ra bà con vì cùng một lối làm mâm cúng với một loài cá, một cách trình bày món cúng riêng biệt… Và chứng cớ này cũng cho thấy gia phả là một yếu tố văn hoá mới (Trung Hoa) chồng chất lên quan niệm thờ cúng tổ tiên bản xứ, nó làm sáng tỏ sự liên hệ nhiều đời bằng văn bản, theo một trật tự thế thứ vốn là mơ hồ trước kia.
Vậy là nói tóm lại, tính chất tông phả vay mượn của Trung Hoa dẫn đến sự kết nối, hình thành các dòng họ Việt Nam hiện nay đã bác bỏ mọi ý định tìm ra một “tên” dòng họ “thuần Việt”. Tất nhiên không thể ngăn cản người nào cố công cùng sức đi làm việc ấy, và khi có quyền lực thì có đủ tay chân để lập ra một chủ nghĩa huyết thống tập thể, lập ra chủ thuyết về sự tinh thuần, cao cả của dòng giống Việt buộc mọi người phải theo. Nhưng ngay cả ở cội gốc, ở quan niệm tông phả của Trung Hoa cũng đã có sự thiếu sót trong sự kết nạp các thành phần làm nên một dòng tộc. Không phải người nào cũng được ghi chép như nhau. Ðược chú ý nhất là các nhân vật thuộc ngành Trưởng, và là người nam. Gia phả mang tính phụ hệ, chỉ giữ lại cái “họ” của thành phần nam. Ngưởi nữ được ghi theo chồng, cả theo con, với những chi tiết tối đa gán ghép theo ý nghĩa phục vụ kia, nghĩa là ngoài những điều khoản căn bản phải theo thì những thuộc tính của người nữ được thêm là từ sự liên hệ với người nam gần gũi: công dung ngôn hạnh không có, không cần thiết cũng được nêu ra, chức tước ân thưởng về mặt xã hội được nhận lãnh từ người cha, người chồng, người con.
“Nữ nhân ngoại tộc” nên khi về bên chồng cũng không có được vị trí một nửa thành phần phối giống như họ đã đóng góp. Trong một thế hệ, người nam chỉ đóng góp một nửa, cái họ anh ta mang khi truyền cho con chỉ có giá trị đúng 50%, thế mà trước nhân quần (Việt, Trung) nó vẫn là 100%. Người ta đã không tính đến yếu tố thời gian và không gian trong sự cách biệt thế thứ. Thử nghĩ mươi đời sau, giá trị cái tên nó đại diện thật sự còn được bao nhiêu? Cái gì đã thành thói quen thì trở thành bình thường, sự chiếm hữu lâu ngày trở thành chính đáng là vậy. Người ta đã không thấy, không nhận ra dấu vết soán đoạt cái “tên” của dòng họ trong gia phả. Người ta đã để quy ước xã hội lấn át thực tế, quên dấu vết “huyết” thống trong sự thành tạo nên con người. Vua chúa châu Âu cũng lưu ý đến tính chất này nên tuy cho phụ nữ cũng được kể vào vị trí thừa kế (Bà Hoàng Elisabeth II) nhưng chỉ mới đạt công bình dứt khoát khi có quyết định cho con của cặp Hoàng gia William và Kate dù là gái cũng vẫn giữ địa vị số Một đối với các anh em tiếp nối. Sự bất công về hình thức ưu thế nam có thể được tạm điều chỉnh một lần khi có sự giao tiếp với các tập đoàn theo mẫu hệ. Ví dụ khi người trai Việt lấy vợ Chàm thì con theo họ mẹ, và có lẽ vì thế mà ta thấy còn có các họ Ông, Trà, Chế… khuất lấp trên các vùng Chàm cũ. Chỉ khi tính đến yếu tố nữ để ghi nhận thì sẽ gặp những người bà con bất ngờ, như ông Tổng thống Hoa Kì có nửa máu da đen lại có thể tìm được 400 người bà con từ phía mẹ, trong một ngôi làng heo hút nơi xứ đảo Ireland của châu Âu da trắng! (Và cũng để ghi nhận thành kiến: Sao với với một nửa máu da trắng, ông Tổng thống vẫn bị coi là Da đen?)
Có lẽ tính chất Ðông Nam Á của khu vực, tồn tại ít nhiều suốt thời gian lịch sử của dân Việt đã phá hỏng một phần sự ràng buộc vào quan niệm phụ hệ của gia phả. Bởi vì có những người nữ, sự kiện nữ nổi bật trong lịch sử dân Việt. Coi chuyện thần thoại như là tượng trưng thì cũng có bằng cớ Năm mươi người con theo Mẹ lên núi lập triều đại vua Hùng, trong lúc 50 người con theo cha xuống biển thì lặn mất tăm. Khuất lấp nhưng với tinh thần khoa học mới thì thấy dấu vết dòng mẹ đè nặng trên sự truyền ngôi của các triều đại, không những khi còn yếu ớt, thô thiển như Ngô, Ðinh, (tiền) Lê mà cả đến các thời lập được cơ sở vững chắc như Lí, Trần, Hồ. Sử chính thức không ghi nhưng không phải là chuyện tưởng tượng về các bà trong làng xóm quản lí kinh tế gia đình, nuôi chồng con ăn học, cả đến khi chồng làm quan với mức lương còm cõi. Tính chất bất toàn của gia phả theo quan niệm phụ hệ dẫn đến sự bất công đối với người nữ, đã được ông Phan Khôi nêu ra theo bằng chứng gia đình: bà cố của ông tái giá, dựa vào sinh kế nhà chồng mới, nuôi con chồng cũ học hành đỗ đạt, với chức tước hưng vượng cả nhiều đời sau đó cho những người họ Phan của ông mà vẫn bị nhà chồng cũ bỏ bài vị, không cho cúng giỗ! Bây giờ, thoát khỏi ảnh hưởng của quan niệm Tây phương đã gây nên sự bất mãn kia của ông Phan Khôi, xã hội Việt Nam trở về với “truyền thống” cũng cho thấy bóng dáng người phụ nữ năng động xưa. Tuy các nhân vật nữ trong chính quyền chỉ làm việc tô điểm cho một chính quyền Ðực đến mức thô bạo nhưng nấp sau các công cuộc “làm ăn”, “chạy mánh”, kể cả ở các tập đoàn kinh doanh đều có bàn tay những người phụ nữ tháo vát. Rồi như minh chứng cho sự chèn ép của xã hội, những người nữ chống đối hiện nay cũng nổi bật lên, chịu đựng nặng nề quyền uy sấm sét của những người cầm đầu đất nước đang lúng túng níu kéo quyền lực. Ðã có sự dọ hỏi về số người nữ bị tù dày về chính trị ở Việt Nam hiện nay, cho thấy là họ có số lượng vượt lên mọi nước trên thế giới, kể cả nơi những nước Hồi Giáo có đàn bà đi ngoài đường trùm kín từ đầu đến chân như những bóng ma.
Tông phả, địa vực và ý thức bản thân (identity)
Sự phân tích về phần giá trị cái tên, hình dạng chữ dành cho một “họ”, với sự cấu thành phức tạp của gia phả, thường thì vẫn không làm sa sút mối liên hệ, nhất là về mặt uy danh, của một người được mang tên dòng họ đó. Người ta vẫn hãnh diện về tình trạng “con ông, cháu cha…”, và nếu cần thì trưng gia phả, bịa gia phả như ta đã thấy. Sự nghiên cứu đi sâu vào các ngóc ngách của tâm tư có thể bị coi là những kẽ vạch không xứng đáng nhưng cũng là chỉ ra các khía cạnh ẩn giấu nhân bản của những con người thật với đời sống thật, chưa bị biến đổi vì danh lợi tự thân hay vì cách nhìn của kẻ khác chen vào.
Họ Ðặng của Ðặng Tiến Ðông có ông tổ Ðặng Huấn nhả nghèo, lạc mất mả tổ (“thiên táng”), làm lính hầu mà bị làng từ chối cấp ruộng, nhảy qua nhảy lại trong biến loạn, nhờ đó níu kéo thông gia với chủ tướng cần kẻ phụ giúp nên được Phan Huy Chú bất đắc dĩ ghi chép vào sử sách. Trong đà thăng tiến, người trong dòng đem ghép với một ông họ Trần thất thế có lẽ phải cải đổi thành họ Ðặng, nên nối kết được với danh tướng Trần Quốc Tuấn. Gia phả sau đó lại dày thêm vì Ðặng Tiến Ðông gặp bước ngoặt lịch sử Tây Sơn diệt Lê, đã củng cố sự nối kết kia. Gần giống như nhóm Nguyễn Hữu của Nguyễn Hữu tộc gia phổ, nhân dịp Ngô Ðình Diệm lật đổ Bảo Ðại (1956) đã tự xác quyết mình thuộc dòng chúa chính tông, xoá bỏ sự phủ nhận của Tôn Nhơn phủ nhà Nguyễn đối với họ (1918) bởi vì Nguyễn Hữu (cũng như Nguyễn Cửu) chỉ là ghi nhận sự liên kết ban đầu của họ Chúa mà thôi. Họ Phan Hà Tĩnh thì sau thời làm “phiên”, “thủ lĩnh (một) Nghệ An trại chủ”, đỗ đạt, bỏ chữ lót “văn” (một anh trai nào đó) thành Phan Huy… đổi đời trên vùng đất quyền hành mới, nối kết với hệ thống thần thuyết nơi đây, cho ông tổ làm “bộ tướng của Tản Viên Sơn Thánh” (rể Hùng Vương). Ý thức nâng cao dòng họ đi theo sự thăng tiến quyền hành nơi khu vực chiếm đoạt mở rộng, điều đó thấy rõ trong việc họ Lê từ đất rừng Thanh Hoá, bản thân Mường Thái, khi chiếm đất Thăng Long, lại nhận ông tổ Hùng Vương mang dấu ấn thần thoại Nam Trung Hoa của tập họp “người Việt” từng có nhiều triều đại trên vùng đồng bằng, qua nhiều thế kỉ đã tuần tự học tập cách tổ chức chính quyền theo phương Bắc, nhuần nhuyễn các thần thoại, huyền thoại sáng tác, pha chế từ các tay danh sĩ, sử bút Thiên triều. “Cung cũ của Lạc Vương” ghi nhận thời Minh thuộc ở Phú Thọ, mà nay được gọi là của Hùng Vương đó, có thể cũng là của một thủ lãnh Tày trong vùng, là di duệ của những dòng Thái lấn sang đông từ những thế kỉ trước. Họ Nguyễn rủi ro tụt hậu trong thời gian, khó tìm cho ông thần Tống Sơn Ðại vương của mình một huyền thoại trên đất đã chật người, đầy sự kiện ghi chép cụ thể, nên dù đã có người làm vua, tột đỉnh đương quyền, chỉ có thể gượng gạo đẩy vào gia phả nhà mình một ông Nguyễn Bặc, thân tướng của vua Ðinh – còn hơn là bằng lòng với một ông Nguyễn Kim mà mồ mả không biết tìm nơi đâu, hẳn vì đã theo tục Bỏ mả của thời còn trên núi rừng.
Tuy nhiên sự thất thế đó của họ Nguyễn-làm-vua cũng cho thấy quan niệm tông phả đã có đà chuyển biến mở rộng từ khuôn khổ gia đình, gia tộc ra đến địa vực dân nước. Nhà Nguyễn phải dần dần rời bỏ quan niệm gốc gác từ “Ô Châu” để nhận ông vua Hùng làm tổ, đổi sự chính thống riêng rẽ lấy quyền uy chiếm đóng trên đất An Nam của họ Lê, chịu đựng sự “thông thái” của đám sĩ phu đất Bắc đem truyền thống Quốc tổ ba trăm năm của họ vào thời mới, như một dấu hiệu đầu hàng mà không phản bội chúa cũ. Cái đà đó đã khiến những người dân Việt Nam trên vùng đất cổ Việt, trong thời người Pháp chiếm đóng, vốn không mặn mà với họ Nguyễn cầm đầu chỉ còn lại một ông vua Nguyễn bù nhìn, nên thấy không còn vua mà còn nước, cái nước vẫn có ông tổ Hùng Vương tiềm ẩn sự chính danh của họ Lê trong sử sách. Người ta kêu gào đòi lại đất nước Bốn ngàn năm của con cháu Rồng Tiên, của ông vua Hùng Ngô Sĩ Liên giả định, lấy tính cách thần thánh của quá khứ làm nên kì tích thời hiện đại. Lấy quá khứ làm hiện tại, những người “mở nước” sau 1975 xây đền vua Hùng khắp đất nước, ở những nơi như Sài Gòn trước 1945 ông ta vẫn còn nằm trong một điện phủ. “Nếu nói gia phả là bộ sử của một nhà thì cuốn Hùng Vương ngọc phả (đang để ở đền Hùng Phú Thọ) quả thật là cuốn phả của cả dân tộc Việt Nam ta”. (Lời ông Phan Duy Kha tán dương ông Giáo sư Tiến sĩ Ngô Ðức Thọ, Viện trưởng viện Nghiên cứu Tôn giáo, Uỷ viên Hội đồng Di sản Quốc gia, người “phát hiện” cuốn Ngọc phả kia).
Thời mới mang lại kiến thức mới, và sự lợi dụng – lạm dụng, mới. Có người cũng biết cuốn Ngọc phả kia không phải là sử, vặn vẹo thì cũng thành sử buộc người ta theo nhưng không mấy thuyết phục bằng thành quả khoa học. Thế là thuyết DNA (mtDNA) được đem ra chứng minh về Người Hiện Tại xuất phát từ châu Phi, tất cũng có thể đem áp dụng vào trường hợp lâu đời của ông tổ Hùng Vương vậy. Việc tìm liên hệ dòng giống xa đời qua thử nghiệm DNA bây giờ trở thành một trò chơi không tốn nhiều tiền lắm. Tạp chí National Geographic sẵn sàng làm việc đó với một số tiền, thêm chút công khách hàng quẹt nước miếng vào cục bông gởi cho họ, là xong! Chắc bằng cách tương tự, Oprah Winfrey, nhân vật điều hành talk show nổi tiếng của truyền hình Mĩ, đã tìm ra gốc gác bà con đang sống trong góc rừng Tây Phi nào đó. Một nhân vật họ Trịnh cũng từng đưa ra kết quả thử nghiệm lấy được từ một vài người trong dòng nhưng không thấy có dẫn giải xa hơn từ các mã số quái dị đối với người thường đó.
Một nhóm Việt kiều Úc từng đưa luận thuyết Bắc tiến DNA của mình lên mạng toàn cầu, trên báo giấy để chứng minh sự cổ xưa của nền văn minh Việt, xưa hơn của người Hán, do đó chứng minh chuyện Âu Cơ, Lạc Long là điều khả thể. Người trong nước thấy có ngoại viện khoa học mới liền ghép thêm với các kiến thức khoa-học-làng-nhàng-cũ, khai triển sơn phết cho lí thuyết “Việt vào Tàu trước” của Kim Ðịnh, được cho lãng quên (hay không biết?) tính chất chống cộng, để âm thầm phát triển dòng kiến thức sử bình dân sau 1975, hợp với bản chất đã làm nên chiến thắng của chế độ. Những kiến thức về nhân học, khảo cổ học, cổ địa lí, khám phá DNA chắp vá được trộn chung với cổ sử kí, truyền thuyết làm thành một màn tân cổ giao duyên, Ðông Tây hoà hợp được người có chuyên môn (?) đem ra “hù và doạ”, kẻ nắm bắt chữ qua quýt “gồng và nổ”, đi đến một kết luận cho là không thể nào bác bỏ được: “Trước đây chúng ta thường nghĩ rằng truyền thuyết khởi nguyên của dân tộc là hoang đường huyền hoặc và huyền thoại Rồng Tiên chỉ là sự hư cấu để điểm tô cho lòng tự hào dân tộc thì ngày hôm nay, tất cả đã sáng tỏ qua các công trình nghiên cứu, những kết quả khoa học thuyết phục nhất… Thực tế… xác định Việt tộc là một đại chủng lớn nhất của nhân loại và Việt Nam là một dân tộc có lịch sử lâu đời nhất của nhân loại”. Cứ ôm lấy tin tưởng về một bộ “huyền sử Việt”, một quá khứ Việt huy hoàng như thế để có thể tự an ủi là chỉ có thế mới là người Việt, mới giữ được “phần quê hương trong máu xương”…
Sự mê muội trong thành kiến, sự hoang tưởng học thuật bù đắp cho hoang tưởng chính trị bị gãy đổ, nay đã đến hồi “hết thuốc chữa”, khó có cách nào khuyên người ta trở lại nhìn sự vật theo con mắt bình thường, của người thường. Nói gì đến việc chứng minh vấn đề theo thành quả khảo cứu chứ không phải theo sự dắt dẫn của định kiến, “mượn màu son phấn” khoa học để đạt mục đích riêng của mình? Cứ đọc sách thường thì cũng biết được ông Hùng Vương từ đâu mà có, chuyện Rồng Tiên và con cháu ngụp lặn trên hồ Ðộng Ðình đã bị Ngô Thì Sĩ thế kỉ XVIII thắc mắc ra sao… Và do đó cũng có thể nghĩ rằng dân tộc Việt chỉ có thể xuất hiện trong thời Bắc thuộc theo một tiến trình khá đơn giản của sự kết tập số đông và tổ chức xã hội như chúng tôi từng đề nghị (Bài sử khác cho Việt Nam). Có người hãnh diện về việc chỉ dân tộc Việt mới có ông tổ là con người chứ không phải là thần như các dân tộc khác. Họ không thấy chính đó lại là bằng cớ dân Việt sinh thành ngay trong thời đại có sử, mới có ông tổ là một thủ lãnh địa phương! Sử gia Việt Nam muốn “khá” lên một chút phải thoát sự huênh hoang vô cớ, và cố gắng vượt ra khỏi cái vòng kim cô Bách Việt của đám thư sử phương Bắc. Ông Ðỗ Ngọc Giao (27-5-2012) nhẹ nhàng đặt câu hỏi: “Phải chăng một ai đó, ở một chỗ nào đó trong cái hành lang dài mờ tối kêu bằng quá khứ, đã lầm lẫn?” May mắn là ông đưa ý kiến mình lên mạng toàn cầu: “Chuyện những Thục Phán, Triệu Ðà, Hai Bà Trưng, Lạc Việt, Bách Việt… không ăn nhập gì tới người Việt Nam ngày nay”, nên ông chỉ thấy “thực là khó” (khó ăn khó nói) mà khỏi gặp phản ứng mạnh mẽ từ những người “yêu nước” như chúng tôi đã phải chịu đựng nhiều lần. Cái “khó” kia không đến từ chuyên môn mà từ cả một quyền lực sử học thật sự trùng trùng của quần chúng và cả chính quyền ngày nay.
Tuy nhiên khi đẩy vấn đề tông phả đến mức vượt thời gian, đi vào chốn chữ nghĩa trừu tượng như vậy cũng khiến người ta lạc vào chỗ xa lạ với nhân tính bình thường. Một người Việt Nam ngày nay (người của tộc đa số) thấy mình được ông Ðỗ Ngọc Giao ghép vào nhóm cái gì mà hg O-M175 thì cũng dửng dưng như khi thấy con số nhóm C-M217 của một anh Chàm giả định. Và điều này chỉ khác đi khi một cô Chăm H’roi của thời xưa xưa một chút, mang gùi lặn lội qua đèo Mang Giang An Khê, đi hỏi chồng ở xóm nhà bà Bùi Thị Xuân chẳng hạn. Các con số ảo không thể thay thế được một tiếp cận nhân tình. Cho nên hẳn là một người họ Trịnh khi đọc các con số về DNA của cũng một người họ Trịnh đưa ra, chắc là để dương danh dòng họ, anh ta cũng không thấy mình “thêm Trịnh” một chút nào. Ngược lại, nếu ai vì thấy có sự liên hệ theo bằng chứng lịch sử của họ Phan với những người Chàm, người thiểu số phía tây Miền Trung ngày nay mà đề nghị, ví dụ, một ngưòi họ Phan Quảng Nam đi thử DNA xem có dính phần nào với các tộc Giẻ, Triêng, Rục, Bà Na, Gia Rai… chẳng hạn thì sẽ bị mắng chửi là đã làm nhục con cháu Phan Châu Trinh, các lãnh tụ Cộng Sản Phan Thanh, Phan Bôi!
Con người là một động vật toàn cầu, hiện diện khắp nơi khắp chốn trên mặt đất này. Họ di chuyển liên miên, cá nhân và tập thể, thường gặp nhất là theo sự thúc đẩy của sinh kế và bị thù địch xua đuổi. Và họ phải thích ứng với nơi ở mới, mau hay chậm là do cân bằng giữa sự níu kéo nơi quê cũ và sự hấp dẫn trên đất nương thân. Chính điểm này đã khiến cho ảnh hưởng về sự nối kết tình cảm thân thuộc của gia phả, tông phả bớt phần kiến hiệu trên cá nhân hoặc trên một tầng cấp thế thứ trong dòng. Khi Mông Cổ tiến chiếm, người Tống bỏ chạy sang Trần, có kẻ thề “làm ma đất Việt” nhưng cũng có người đồng hành theo quân Nguyên trở về, trong đó có con của người thà chết trên đất lưu vong kia. Ðọc An Nam chí lược của Lê Tắc tưởng chừng thấy hình ảnh xưa lặp lại trên nhóm người lưu vong ngày nay. Ông ta gắn bó với chủ Trần nên tình cảm kết nối với đất cũ chỉ ẩn náu trong bộ sách kia, trong khi Hồ Nguyên Trừng không thân thuộc, thì tỏ bày tha thiết hơn trong bộ Nam ông mộng lục. Ðã bám rễ nhiều nơi đất mới với quyền chức cao, Trịnh Hoài Ðức đi sứ, không nhớ Phúc Kiến mà bồi hồi vọng về Gia Ðịnh. Nói gì đến Hồ Quý Li đòi có trăm vạn quân để chống phương Bắc! Cho nên không cần phải gắng công tìm ra “tiểu sử” chứng minh dấu vết gốc tích Lí Công Uẩn nằm đâu đó gần Thăng Long, để cải chính sử Việt nhận ông có gốc đất Mân, che giấu sự hổ thẹn không cần thiết. Giống như họ Trần cũng phát xuất từ đó, tuy không hẳn gốc Hoa Hạ nhưng theo học giả ngày nay, là thuộc tộc Ðản sinh sống dọc bờ biển, trên đất Việt có tên Giao Chỉ Ðản, và hình như còn bà con nghèo là tộc người Ngái, Ðản Gia Lão lạc loài trên đất Quảng Ninh bây giờ.
Có thể thấy cùng trường hợp đó với Benigno Aquino, Tổng thống đương nhiệm của Philippin đang tranh giành biển đảo với Trung Quốc. Họ Aquino cũng như họ của cựu Tổng thống Ferdinand Markos (1917-1981) đều có gia phả chứng thực xuất phát từ Phúc Kiến nhưng họ hành động không phải chỉ hời hợt như chủ nhân một đất mới mà đích thực là đã gắn liền tâm cảm với Tổ quốc thật trong hiện tại của họ. Các nhân vật Trung Nam Hải không thể viện dẫn gia phả mà trách họ phản quốc, “quên ông bà tổ tiên” chẳng hạn, hay lấy đó để chiêu hồi họ, lôi kéo xa rời dân Phi, đám dân biết rõ mình đã bầu một tổng thống Phi chứ không phải một chú Con Trời xa đời! Cũng như vậy khi nhìn qua dòng vua đang làm chủ đất Thái Lan, với cái tên mang âm vận đã trở thành xa lạ nơi cỗi gốc, gắn liền tình cảm thiết thân với thần dân “đất của người Thái”, thì chỉ có anh sử gia tò mò mới biết được rằng ông vua đầu dòng, bạn kết thề với Nguyễn Hữu Thuỵ, ông Chakri / Rama I đó (1737?-1809) chỉ có 50% là Thái – như trường hợp Tổng thống Obama với xứ Mĩ ngày nay! Dân Turk sống trên mảnh đất Á Âu hẳn chỉ dành cho nhà sử học nói một hai câu về thời tung hoành trên sa mạc Trung Á với cái tên Trung Hoa Ðột Quyết thôi. Và con cháu Lí Long Tường, nếu quả thật thuộc dòng họ Lí Ðại Việt, nay về thăm “bà con”, chỉ là biểu lộ chút tình cảm lãng mạn của một chuyến du hành, chứ còn được bao nhiêu máu huyết lúc ra đi, còn thấy có tí ti tâm cảm nào là người Việt? Cho nên chính sách bài Hoa những năm 1978 là của những người mang tâm thần hoảng hốt vì sống thường trực với sự phản trắc trong băng đảng, hơn là của đầu óc những người biết mình đang cai trị một đất nước có dân chúng không thể phân chia phe phái theo cách giản dị: Ta và Ðịch. Hãy nghe nhà văn Ngự Thuyết ghi nhận trong một buổi gặp gỡ đồng hương Vĩnh Châu. Từ cái huyện cùng trời cuối đất của tỉnh “Bạc Liêu nước đục lờ đờ / Dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu” đó, những người vẫn chưa nói sõi tiếng Việt mà đã phải phiêu bạt ở Anh, Pháp, Úc, Canada, trong buổi hội ngộ trên đất Mĩ đã giành micro vang vang tiếng hát nghẹn ngào: “Biết bao giờ trở lại Việt Nam thăm đồng lúa vàng… Việt Nam ơi, đất nước tôi…”
Cuộc sống là hiện thực, người ta sống với con người thật của mình, với thời đại, với khung cảnh quen thuộc chung quanh cho nên sự kết nối của con người cũng phải chịu ép mình theo những quanh quất phức tạp của cuộc sống đang diễn ra trước mắt . Dân Nam Bộ không cần biết đến những phê phán về Phan Thanh Giản, vốn phải chịu ảnh hưởng những lệch lạc vì không gian xa cách, vì thời gian làm đổi thay quan điểm. Họ chỉ nhớ đến vị tiến sĩ đầu tiên làm hãnh diện toàn vùng, chỉ biết công ông (cùng Nguyễn Tri Phương) tổ chức khai khẩn đất đai, là đại diện vua đi sứ xa chuộc đất, và tự xử khi để mất đất, nêu gương trung nghĩa cho thời đại, nên không quan tâm đến gốc tích Minh Hương, theo nghĩa một-phần-Việt, của ông. Cũng như trước muôn vàn tiếng khen sùng bái Chu (Văn) An kết nối, kéo dài từ trong sử sách đến các ngôi trường lấy tên ông đã đào tạo ra những nhân vật quyền bính đầy uy tín ngày nay, giá như ai có thấy vị học giả nào cho biết rằng ông ta có một nửa máu “Tàu” thì hẳn họ cũng không bớt lòng kinh trọng, hay có khi không biết chừng lại còn mắng chửi tên học giả khốn nạn kia nữa. Một họ Lê ở Thanh Hoá thờ ông tổ là Vũ Nhân Chính được một nhà nghiên cứu khám phá ra là có thể phát sinh từ một nhân vật chống Lê Trịnh đã tẩu thoát (Vũ Trác Oánh 1741), thế mà con cháu không vì nhân vật lịch sử vang danh kia mà bỏ ông tổ thường ngày của mình, chỉ vì danh tiếng lịch sử xa lạ không bù đắp được sự thiết thân truyền đời được nhắc nhở hàng năm trong các dịp cúng giỗ. DNA ngày nay đã được các cặp vợ chồng hoài nghi cuộc sống, đem dùng để thử nghiệm xem con cái đích thực là của ai, thế mà gia đình cựu Tổng bí thư Hà Huy Tập khi bốc mộ, vẫn chỉ tin ở xác nhận của các nhà ngoại cảm, niềm tin gần gũi với thời đại, với cuộc sống hiện tại của họ hơn là các mã số mơ hồ lấy từ phòng thí nghiệm. Câu chuyện cái răng heo trở thành một phần đầu của liệt sĩ Phùng Chí Kiên không làm mờ danh tiếng của nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng, người từng “tìm ra” mộ Lí Thường Kiệt, từng nói chuyện” với anh em Tây Sơn hai lần trên đất Bình Ðịnh. Trái lại, con cháu Mạc Hà Tiên dù bằng cách thử DNA (nói điều tôi không thông thạo) ví dụ cho thấy gần gũi với Mạc Dương Kinh hơn là với các dòng khác, thì họ cũng có sự hãnh diện riêng, không vì danh tiếng làm vua nhiều đời của nhóm kia mà bỏ rơi vị thế tuỳ thuộc họ Nguyễn của mình. Nói gì đến khuyến khích O. Winfrey bỏ danh vọng trên đất Mĩ, rời ngôi biệt thự hàng nhiều chục triệu đôla để mơ tưởng lãng mạn về khu rừng Phi Châu có hình bóng mình cầm gậy chọc lỗ bỏ hạt, moi củ…

HÙNG VƯƠNG và UNESCO: TRƯỜNG HỢP BÁN KÈM

MỘT DANH VỊ LỊCH SỬ


Sử gia không phải chỉ sống giữa những thư khố hay những tấm thẻ tư liệu… mà còn phải dấn mình vào cuộc sống văn hoá xã hội… Lịch sử do đó phải
mang tính cách toàn diện… bao gồm cả thời gian hiện tại. Nhìn theo khía
cạnh đó thì sử học xuất hiện như một khoa xã hội học của quá khứ, và xã
hội học chính là sử học của thời hiện tại.
(Henri Janne, Lời Tựa của Histoire et critique 1969)

Tin mừng… Tin mừng, và các cách hiểu tuỳ tiện…
Người có ít thông tin chộp được một thông báo ngắn trong bài bênh vực “Tín ngưỡng Hùng Vương…” của Giáo sư Tiến sĩ Ngô Văn Thịnh đăng trên tờ Thanh Niên ngày 7-12-2012: “TS Dương Bích Hạnh từ Văn phòng UNESCO Hà Nội cho biết [ngày 6-12- 2012] vào 12 giờ 10 (giờ Paris), tín ngưỡng Hùng Vương của Việt Nam đã được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại”. Các cô cậu đi thi còn phải ghé qua chạm cái đầu rùa ở Quốc tử giám thì chuyện nhà nước đem tinh thần khoa bảng vươn ra thế giới, mong lấy bằng cấp quốc tế tất cũng không thể nào tránh khỏi bước theo đường lối không thông thường. Do đó cũng không cần biết đến những hệ luỵ và ràng buộc tiếp theo.
Kể từ cuối thế kỉ trước, khi kinh thành Huế được công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới nhờ những luận chứng, hồ sơ lập thành từ thời VNCH thì phong trào đi tìm bằng cấp văn hoá thế giới rộ lên thật sôi nổi. Ít ra thì các bằng cấp có độ uy thế cao đó cùng với một ít tiền trợ cấp trùng tu, bảo tồn cũng giúp cho di sản phong kiến triều Nguyễn tránh được tình trạng Bụt nhà không thiêng, thoát khỏi tình trạng làm nhà kho hợp tác xã, trụ sở này nọ… Ví dụ cụ thể là đàn Nam Giao khỏi biến thành Nghĩa trang Liệt sĩ với mấy cái tượng cứng đờ, nhân mẫu từ bất cứ nghĩa trang nào được xây trước nó. Thế rồi cũng như tình trạng mỗi tỉnh một sân bay, một bến cảng quốc tế (?!), các tỉnh, vùng đua nhau tìm cách thúc đẩy cho tỉnh, vùng của mình có một bộ hồ sơ “trình” UNESCO. Trước nhất là ở vùng trung tâm, vùng được coi là cội nguồn dân tộc theo cách hiểu về truyền thống các vương triều để lại, nay có dịp được tuôn ra tầm nhìn thế giới, lấy “oai phong” đó củng cố thêm vai trò lãnh đạo hiện tại toàn vùng.
Thật ra thì cũng hơi khó đạt tiêu chuẩn nếu cứ dừng ở chứng cứ vật chất của thành trì, đền đài… bởi vì Việt Nam còn được bao nhiêu những thứ ấy? Có cái chùa Một Cột, cứ cho là giống dạng hình cũ của Lí, thế kỉ XI nhưng trước mắt thì chỉ là một cái chuồng cu thờ Phật tội nghiệp, đội tấm nylon che mưa, dù mới phục chế năm 1955 sau khi bị một đơn vị nào đó giật sập trước khi rút vào Nam theo Hiệp định Genève. “Tràng An” Ðinh Lê đã cạnh tranh đồng thời với Huế không được chỉ vì mấy cái đền rời rạc, nhỏ bé tội nghiệp của nó. Xa xưa thì đổ thừa cho lí do thời gian, giặc tàn ác xâm lăng phá huỷ tuy không ai nhớ đến chủ trương tiêu thổ trong cuộc chiến vừa qua, cụ thể ngay trước mắt là kinh thành Huế. Hết chiến tranh thì cũng UNESCO cứu vớt Mĩ Sơn, Hội An thoát khỏi tàn tạ vì sự kì thị Chiêm Mọi / Việt Kinh, Ta/Ðịch. May thay, lại thêm có quan niệm về “Di sản phi vật thể” của nhân loại (the Intangible Cultural Heritage of Humanity) mở rộng tâm tình các nước giàu có, kéo dài danh sách tuyển mộ làm cho ứng viên thêm nhiều hi vọng. Thế là kéo nhau dồn dập xin xỏ đến nỗi được nhắc nhở: “mỗi năm không thể có quá một hồ sơ ứng cứ Di sản văn hoá phi vật thể” khiến có lời phàn nàn UNESCO “siết” danh hiệu (Thanh Niên online). Và vì thế năm 2012, Ðờn ca tài tử của địa phương phải nhường cho Tín ngưỡng Hùng Vương của trung ương, chờ đến năm sau.
Phú Thọ có lúc cũng từng háo hức mong mỏi thế giới công nhận mấy cái đền trên núi Nghĩa Lĩnh của mình, kèm với dấu vết “4000 năm lịch sử” diễn giảng gán ghép từ trong sử sách. Tuy nhiên về dấu vết vật chất thì ngay với người ở xa, rủi ro còn chứng cớ là tấm bia đá 1923 “Hùng miếu kỉ niệm bi” (Văn khắc Hán Nôm 1992: 580) ghi rõ chuyện trùng tu lần đầu năm 1909 tốn 2000 đồng công quỹ, với Khâm sai Ðại thần Hoàng Cao Khải, Tuần phủ Phú Thọ Hoàng Mạnh Trí và Công sứ M.G. Guillard; tiếp theo có việc sửa đền Thượng năm 1915 khi đang xảy ra Thế chiến I, cuối cùng là năm 1921 (Khải Ðịnh thứ 6) với công trình lớn “dựng 7 gian quán, sửa giếng, tạo chính tẩm, bái đường, sắm tế khí (tổng cộng tổn phí?) hết 2125 đồng 8 hào, 41 tiền (xu?)”. Về ngày lễ, bia 1923 ở đền Thượng (“Hùng miếu điển lệ bi”, Văn Kim Chung 2008, Trịnh Sinh 2011*) ghi rõ: “Tục lệ dân xã (Hi Cương, phủ Lâm Thao) lấy ngày 11-3 kết hợp với việc thờ thổ kì, làm lễ riêng. Từ nay lấy ngày 10-3… phụng mệnh kính tế trước một ngày”. Cũng thật dễ hiểu: hội lễ truyền thống vốn gốc là hội mùa nên thường tiến hành trong nhiều ngày, như trước quy định kia thì lễ hội đền Hùng kéo dài từ khoảng 7, 8 đến 16, 17 tháng Ba, nay từ địa phương lên đến triều đình thì phải có ngày nhất định cho vua/quan-thay-mặt đến cúng tế. Vậy ngày lễ Giỗ với câu ca dao: “Dù ai đi ngược về xuôi /Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba” chỉ mới bắt đầu sớm nhất là năm 1923 đó, đến nay là có tuổi vừa đủ Chín mươi. Chưa ai kịp nghĩ có thể nêu danh nó bằng con đường khác. Thế mà, với sức người “sỏi đá cũng thành cơm”.
Lễ hội Hùng Vương năm 2013 Phú Thọ được tổ chức suốt cả tuần từ ngày 4 đến 10-3 âl. (13-4 dl. đến 19-4-dl.) Lễ hội nâng lên tầm mức Quốc gia được nhà nước công nhận từ 2000 nhưng năm nay lại thêm phần long trọng vì có thêm phần “lễ tôn vinh, đón Bằng công nhận ‘Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ’ là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại”. Về việc công nhận này, báo Hà Nội Mới hồ hởi “Ðiều đáng tự hào nữa là bộ Hồ sơ khoa học về di sản của Việt Nam (về Thờ cúng Hùng Vương) đã nhận được số phiếu tuyệt đối 24/24!” Muốn đi tìm cảm xúc cá nhân mượt mà điển hình thời đại thì hãy nghe nhà báo Huy Thắng của tờ Nhân Dân thuật lại: “Chứng kiến cảnh tượng hoành tráng tại buổi lễ khi ông Clê-măng Ê-chiên (Clément Etienne?), đại diện tổ chức UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương trao Bằng công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại cho lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Phú Thọ, chúng tôi lại nhớ lại những khoảnh khắc huy hoàng tại trụ sở UNESCO ở thủ đô Pa-ri, Cộng hoà Pháp ngày 6-12-2012. Tại kì họp lần thứ 7 của Uỷ ban Liên chính phủ về bảo tồn văn hoá phi vật thể, có 36 hồ sơ được đề cử lên Uỷ ban xem xét công nhận. Suốt hai ngày bình xét, các phóng viên thường trú chúng tôi theo dõi hội nghị được sống trong tâm trạng hồi hộp. Khi ông Ác-lây Gin (sic, Harley Jean?), người Grê-na-đa (Grenada), Chủ tịch Uỷ ban Liên chính phủ về bảo tồn văn hoá phi vật thể gõ búa biểu quyết ghi tên “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” vào danh sách di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, cả hội trường vỗ tay chúc mừng đoàn đại biểu Việt Nam. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau mắt nhoà lệ (?!). Những lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong phòng họp thân thương và quá đỗi tự hào”.
Hẳn là Ðảng và Nhà nước Việt Nam đã cố công cùng sức, và được thoả mãn là ngày UNESCO công nhận đã xảy ra trước Hội lễ cho nên từ hai tháng trước đã có chỉ thị “Chuẩn bị chu đáo cho lễ đón nhận bằng di sản thế giới và lễ hội đền Hùng 2013”, với sự đóng góp công sức của các cơ quan trung ương và địa phương trong tình trạng xây cất cực kì khẩn trương. Báo chí nêu chi tiết về những biểu diễn sinh hoạt văn hoá ở tỉnh lị Việt Trì, còn báo nhà nước Nhân Dân thì tất nhiên chú ý đến tính chất nghi thức “trang trọng và thành kính” thực hiện với khắp các cơ quan chính quyền địa phương gần xa.
Ðến dự lễ khai mạc tối 13-4 ở quảng trường lớn tại đền Hùng, có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Ðại diện lãnh đạo Ðảng và các Ðại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam, đại diện 24 quốc gia trong Uỷ ban Di sản Thế giới, cùng đại diện của 8 tỉnh thay mặt (?) cho nhân dân 63 tỉnh, thành phố trong cả nước về “góp giỗ”. Ngày lễ chính 19-4, diễn ra trên đền Hùng, nơi được gọi là điện Kính Thiên (?), với nhân vật cấp trung ương không quên lễ đặt vòng hoa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ðoàn hành lễ có “các chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam rước Quốc Kì, cờ hội, và vòng hoa mang dòng chữ ‘Ðời đời nhớ ơn các vua Hùng đã có công dựng nước’. Theo sau là 14 thiếu nữ mang hương hoa, lễ vật và 100 con Lạc cháu Hồng cầm cờ hội” (Nhật báo Nhân Dân). Ít ai nhận ra nhưng rõ ràng 14 cô gái (“thiếu nữ”) chắc là đẹp kia, là tượng trưng cho 14 vị trưởng lão chưa chịu già đang nằm ở Bộ Chính trị đảng Cộng Sản Việt Nam.
Ðại biểu Hà Nội đã giành làm lễ trước, vào chiều 18-4, như để nhắc nhở địa vị Thủ đô của mình. Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ở Khu Công viên Lịch sử Văn hoá Dân tộc (Suối Tiên) rộng rãi, đủ bề thế cho một Khu tưởng niệm các vua Hùng mà tác giả công trình vừa được Thành phố tặng giải kiến trúc năm 2012. Các nơi khác được tiếp tục kể ra, tuy không quên các tỉnh Tây Nguyên cần thiết cho tinh thần thống nhất dân tộc, nhưng có sự loạc choạc không đều: các nơi đã lập được đền Hùng mới (Ðồng Nai, Kiên Giang, riêng Vĩnh Long nhà thờ nằm trong Bảo tàng tỉnh) thì tổ chức tại đó, còn không thì làm lễ nơi các đình cũ (Bến Tre, Ðồng Tháp). Có cả tin Sa Ðéc tổ chức lễ chỉ trong trường Hùng Vương của tỉnh mà không kịp thấy tin của Huế ở cùng trang của tờ báo lãnh đạo cả nước thì cũng nên thắc mắc tìm hiểu thêm về sự lệch lạc đó. Sự việc được cho hiểu: Lễ hội “Tín ngưỡng Hùng Vương ở Phú Thọ” được UNESCO công nhận vốn là xảy ra ở một tỉnh, lại trở thành lễ hội của cả dân nước Việt Nam gồm 54 dân tộc khác nhau, dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản Việt Nam.
Bởi vì lễ hội có hoành tráng, văn chương tụng ca có dài dòng cũng cốt để truyền thông phổ biến những ý tưởng tầm tầm của tầng lớp lãnh đạo: thời đại vua Hùng với sự kiện thành lập nhà nước vững chắc, có tầm cao văn hoá xuyên suốt đến ngày nay, tất cả đều là CÓ THẬT, và do đó vùng Phú Thọ xứng đáng đứng ở tầm cao lịch sử trên cả các vùng đất nước khác, lấy vị trí địa lí (“đất Tổ”) chuyển đổi qua ý nghĩa tâm linh để kết nối sự thống nhất của người Việt Nam ngày nay. Từ đầu thế kỉ XXI, nhất là sau khi được công nhận ngày Quốc lễ (2007), Phú Thọ đã làm bánh chưng chia đều cho các tỉnh thành cả nước. Dù là có những đua đòi thất bại như các loại bánh chưng thiu, bánh giầy độn bằng mốp, không đủ cho nhân viên Guinness đến dự (2008) ghi thành tích nhưng vẫn có những tiếp tục xây dựng quanh đất đền Hùng cũ, đã tạo được một cơ sở hoành tráng, lấy hiện tại chứng minh cho quá khứ.
Sự thống nhất chính trị năm 1975 đã đem hình ảnh Hùng Vương dựng nước thành đề tài cấm kị, “bất khả tư biện” trên cả nước, phát sinh ra cách nói loạn xạ mà chắc nịch của Giáo sư Tiến sĩ Ngô Ðức Thịnh: (1)“Từ thời đại các vua Hùng đến nay, các danh xưng Lạc Long Quân – Âu Cơ, Quốc tổ Hùng Vương, Sơn Tinh, Thánh Gióng, Chử Ðồng Tử – Tiên Dung đã trở thành các biểu tượng của lịch sử – văn hoá dân tộc, trong đó chứa đựng hệ ý thức quốc gia dân tộc đầu tiên của nước ta, dân tộc ta. Ý thức đó hẳn đã tồn tại trong tiềm thức của người Việt cổ, dù trải qua một nghìn năm Bắc thuộc vẫn không phai mờ. Chính vì vậy ngay từ khi phục hồi nhà nước tự chủ cuối thế kỉ X, các triều đại độc lập đầu tiên đã nâng việc thờ vua Hùng thành Quốc tế (?)…” Không phải chỉ riêng với ông này, có thể nhặt tìm được trong sách vở ngày nay khá nhiều các “tham luận”, “công trình khảo cứu khoa học” có những quả quyết tương tự: “Ngày 10-3… giỗ Tổ Hùng Vương tính đến nay đã hơn 6 thế kỉ… tín ngưỡng thờ vua Hùng đến nay đã có tự ngàn đời” (Nguyễn Ngọc Ân 2011). Trong buổi khai hội có tên khích động “Linh thiêng cội nguồn đất Tổ Hùng Vương”, Chủ tịch nước Truơng Tấn Sang được cho là đã nhấn mạnh: “ Từ bao đời nay, trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam, các vua Hùng là Quốc tổ, có công dựng nước, nhà nước đầu tiên của nhà nước Việt Nam, là tổ tiên chung của dân tộc Việt Nam… ‘Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương’ đã trở thành bản sắc văn hoá, đạo lí truyền thống của người Việt Nam ta, thể hiện lòng biết ơn ân đức của tổ tiên trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Dù làm gì, ở đâu, mỗi người con đất Việt đều hướng về cội nguồn, tổ tiên với lòng thành kinh tri ân…” Thật là cả một nồi lẩu pha trộn hương hoa, bùa mê và sỏi sạn, ẩn giấu gươm giáo của một học thuyết chính trị mang tính huyết thống tập thể, đang trên đà tiến triển lấn lướt mà vẫn còn muốn củng cố thêm bằng một chứng nhận quốc tế để được diễn giải theo ý mình.
Trong tấm bằng quốc tế kia có hai phần riêng biệt được nhập chung một cách đủ khéo léo, để về phần người cấp bằng thoả mãn với sự mơ hồ mà không làm hại đến uy tín của mình, và phần được người sử dụng tha hồ quảng diễn, khai thác trong tiến trình áp đặt quyền lực. Ðó là phần tuyên dương một lễ hội văn hoá địa phương đang bày tỏ trước mắt, và phần lịch sử về sự khai sinh một dân tộc, một đất nước. Cái tên “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” (bản văn thế giới thêm “Việt Nam” để mang tính xác định hơn) tỏ rõ sự nặng nhẹ trong hai phần lịch sử và văn hoá đó.
Chúng tôi không có phương tiện để theo sát sự vận động cho tấm bằng Phú Thọ. (Nhưng theo những người có chút hiểu biết về tình hình Việt Nam, thì với sự “nhạy cảm” của người cầm quyền, không chắc sự tò mò đã được hoan nghênh nên sự thiếu hiểu biết của người nghiên cứu vẫn là điều có thể thông cảm được). Nhờ một ít dữ kiện của blogger Le Minh Khai, ta biết các nhà cấp bằng trong trụ sở ở Paris chú ý nhiều đến tính chất lễ hội văn hoá của một vùng, không phải là toàn thể một đất nước, và cũng không xác định rõ rệt thời gian khai sinh của hội lễ, cho là vào sáu hay mười thế kỉ trước. Người ta xác nhận, đại khái, vào tháng ba mỗi năm các người hành hương đi về đền Hùng làm lễ tưởng niệm tổ tiên, cầu mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt đẹp và an lành cho bản thân gia đình; lễ hội có bánh trái, biểu diễn nghệ thuật, đánh trống đồng, hát xoan… Tuy nhiên dù người ta không biết, và có lẽ không quan tâm lắm về sự chính xác của cái ngày “mồng mười tháng ba” nọ nhưng chữ “Hùng Vương” ghép vào, cũng khiến họ phải vướng bận với lịch sử toàn vùng đất mở rộng hơn khu núi Nghĩa Lĩnh, với các từ ngữ sử dụng có vẻ không đủ cải chính rằng họ cũng bị lôi cuốn phải đứng vào phe “triều đình” trong sự tranh chấp về cổ sử. Và bấy nhiêu đó cũng đủ cho nhà nước Việt Nam khai thác thêm uy tín của tấm bằng dùng cho sự củng cố chế độ, bắt nguồn từ thành kiến tạo dựng bởi lịch sử các vương triều và siết chặt thêm theo chiến thắng 1975 vừa qua.

Khía cạnh học thuật: sự kiện trần trụi và “truyền thống” dân gian
Về khởi đầu của lịch sử dân tộc Việt, các nhà nghiên cứu đã lục lọi trong nhiều thư sử xưa để đưa ra nhiều giả thuyết nhưng vẫn không thể thoả mãn được tâm ý của nhiều người. Chuyện cũng là bình thường nếu biết dừng lại ở sự tôn trọng học thuật, sự trung thực trong luận lí, không phải bước qua những phát biểu ngang ngược đầy thẩm quyền, không chịu đựng một sự thẩm tra nào ngoài sự khăng khăng một mực được gọi là kiên trì, giữ vững “lập trường”.
Vấn đề Hùng Vương tuy là rắc rối nhưng có thể nói rằng người ta đã tìm được hết các bằng chứng cổ xưa ghi chép về gốc tích (các) ông vua này. Tinh thần khoa học, tôn trọng sự thật đòi hỏi chỉ nên căn cứ vào đó, không bịa thêm, dù nhân danh bất cứ quyền lực nào. Ở đây cũng không nên lặp lại các chi tiết tranh luận không cần thiết.
Tên Hùng Vương được nhắc đến lần đầu khoảng thế kỉ V trong sách Nam Việt chí của Trung Quốc. Ở sách Việt là các nhắc nhở không còn nội dung của Hồ Tông Thốc, ở tập họp thần tích được ghi vào quốc tế của Trần: Việt điện u linh tập 1329, nhất là ở thiên Hồng Bàng kỉ của Lĩnh Nam chích quái, sách được sưu tập cuối thế kỉ XV nhưng giống như các thư sử trên, tất cả đều được hình thành vào thế kỉ XIV. Ðiều quan trọng là từ những tập họp đó, Ngô Sĩ Liên mới có cơ sở đưa Hùng Vương vào chính sử triều Lê, mở lối cho vị trí thênh thang của ông Hùng Vương trong sử Việt. Người ta cũng nhắc nhiều đến quyển sử Việt lạc loài ở Trung Quốc mới tìm lại được thời Minh, đưa vào thư khố Thanh và xuất hiện thành một tài liệu quan trọng cho sử Việt Nam trong thế kỉ XX về thời kì mở đầu dựng nước. Quyển (Ðại) Việt sử lược đó được học giả Nhật phát hiện, nổi lên trong thời kì Dân chủ Cộng hoà với bản dịch của ông Trần Quốc Vượng 1960.
Bản dịch của Trần Quốc Vượng từ một bản sao chép tay, có các dòng như sau: “Ðến đời Trang Vương nhà Chu (692-686 tCn.) ở bộ Gia Ninh có người lạ dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, hiệu là nước Văn Lang… truyền được 18 đời, đều gọi là Hùng Vương”. Cái tên Hùng Vương đó xuất hiện vào thời đại mới, được coi như thêm một bằng chứng khoa học về sự hiện hữu của các ông Hùng Vương chui từ bọc trứng, lên núi xuống biển ở các tài liệu kia. Ðó là bằng chứng về tình trạng được quan sát trong sự hình thành các tập họp chính trị buổi sơ khai mà thủ lĩnh là kẻ vừa có sức mạnh bản thân vừa mang uy thế thần thánh. Nhờ Trần Quốc Vượng mà có được ông Hùng Vương trẻ hơn, các nhà sử học Việt Nam DCCH đang còn ngần ngại với cái tuổi Bốn ngàn năm văn hiến có mỗi ông vua Hùng cai trị khoảng 150 năm, liền hạ xuống còn 2500 năm, ngó cũng tạm được! Tuy nhiên blogger Quach Hien gần đây lại lôi ra bản chữ in gốc của Trung Hoa, chỉ ra một chữ khác, đọc theo Hán Việt và viết ra quốc ngữ là ÐỐI Vương. Cả trên trang in lại của ông Ngô Văn Thịnh, nhân việc dịch Ngọc phả đền Hùng, cũng cho thấy đó là chữ “đối” với nghĩa là cái cối… Hoàng Hải Vân (Trung Quốc 2008, dẫn theo Nguyễn Phúc Anh, Ðặng Quỳnh Trang 2011) cho rằng đó là sai lạc từ chữ “lạc” bộ Các mà ra, hình như để chúng ta ngầm hiểu “lạc” là gốc, phát sinh ra “hùng”, “đối”, và do đó Hùng Vương mới có mặt trong bản sao của Trần Quốc Vượng. Vậy thì câu chuyện “Hùng Vương ở bộ Gia Ninh” còn phải mắc nghẽn qua một giả định chuyển đổi tự dạng khiến bộ mặt ông vua còn mờ nhạt hơn nữa.
Chuyện sơ sử trên đất Việt lại còn có thêm ông Lạc Vương, cũng được cho là làm chủ ở đây. Ông vua Lạc này được nhắc trong sách tư gia, vài thế kỉ muộn hơn so với chữ “lạc” (cứ tạm coi là có nhiều dạng chữ biểu diễn cùng một sự kiện) xuất hiện trong chính sử Trung Hoa trước Công nguyên, với danh xưng chỉ tập họp người, tập họp chính trị. Ở cái nơi là đền Hùng ngày nay, An Nam chí (1419) nói có “cung cũ của Lạc Vương”, đồng thời cũng nhắc đến Hùng Vương ở các văn đoạn khác. Chắc các điều đó cũng khiến Ngô Sĩ Liên cho rằng “Lạc tướng hậu ngoa vi Hùng tướng” để H. Maspéro mang các hình thức chữ Hán ra giải thích thêm. Tranh luận Lạc hay Hùng dẫn đến một hoà giải: có cả hai, vì hai thực thể được trình bày với dạng tổ chức đất đai riêng biệt, một ở gần biển (Lạc làm ruộng theo thuỷ triều) và một ở vùng thung lũng chật hẹp (Hùng, đất bốc hơi mạnh). Còn đối với các học giả, sử gia Việt Nam ngày nay thì sự giải quyết gọn nhẹ hơn: chỉ có Hùng Vương thôi, vì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói như thế. Vòng hoa của quân đội trong buổi lễ nói trên chỉ là lặp lại một phần lời của ông Chủ tịch, người vẽ ra cả một đường hướng nghiên cứu cổ sử Việt Nam không cho phép sử gia Việt Nam nào làm khác được.
Hết khảo cổ học lại tới văn hoá dân gian, folklore học gì đó… Người ta biện luận rằng trong các chuyện kể truyền đời vẫn thường có một cốt lõi sự thật lịch sử mà người nghiên cứu có thể lôi ra, tin vào đấy. Ðiều này có chứng dẫn ngay ở công trình của những người khởi đầu truyện tích, thường ghi lại, đại khái: “Theo các bậc cố lão tương truyền…” Ðây là lập luận nòng cốt trong việc đưa đẩy Hùng Vương lên đài Quốc tổ hiện nay, được ghép với các sự kiện toả thành yếu tố “văn hoá dân gian” mà không chú ý đến tính chất lịch sử của chúng. Ðã nói nơi khác, các chứng cớ dân tộc học, chuyện kể, phong tục… có thể tạm sử dụng để tìm hiểu vể một tập đoàn dân tộc không chữ viết chứ không thể đem đặt bất cứ đâu trong lịch sử một dân tộc đã có chữ viết, hay đã liên hệ nhiều đến phần ghi chép có dấu hiệu thời đại từ các tộc người khác. Ít nhiều gì các tài liệu dẫn chứng kia cũng đã được định hình trong một khoảng thời gian xác định rồi. Cho nên không thể ghép “các danh xưng Lạc Long Quân, Âu Cơ, Quốc tổ Hùng Vương… Thánh Gióng…” đã có vào “thời đại các vua Hùng đến nay” được. Chương Hồng Bàng thị trong Lĩnh Nam chích quái là căn cứ chắc nịch để các học giả “yêu nước” ngày nay nói về một “ngọc phả”, một đấng Quốc tổ của dân tộc Việt (khoan nói đến Việt Nam). Nhưng phần để căn cứ đó không phải là chuyện kể nghe lại của tác giả chương sách nọ, như Ðinh Khắc Thuân 2011 cho là từ “các truyền thuyết dân gian được văn bản hoá”. Chương truyện viết ra đó là tích luỹ từ các cổ thư Trung Quốc tác giả đã đọc. Những Hoa Dương quốc chí (thế kỉ IV), Liễu Nghị truyện (thế kỉ VI), Nam Hoa Kinh, Hồng Liệt Huấn, Thuỷ Kinh chú có các tên xác nhận hay gợi ý sáng tác thêm: Ðế Minh, Kinh Dương Vương, Vụ Tiên, Xích Quỷ, Ðộng Ðình, Lạc Long Quân, Âu Cơ, Hùng Vương… là từ những thư sử hẳn đã được các nhà nho thông thái thế kỉ XIV đọc tới và tự diễn giải thêm, chứ nhất định không phải loại “truyền khẩu” quanh đền Hùng đưa vào tai họ. Không phải đợi đến các học giả Tây phương bài bác để cho rằng họ mang tính thực dân, đế quốc, ngay Ngô Thì Sĩ (thế kỉ XVIII) cũng tỏ dấu nghi ngờ vài điều trước khi buông xuôi theo thành kiến, đến lúc bấy giờ đã trở thành “truyền thống”. Ðiều đó chứng tỏ ngay trong bản Ngọc phả (nhiều dị bản) nhiều sơ hở mà lại được coi là lập ngay vào đời Lê Thánh Tông (1470 hay 1472).
Không nên dài dòng, hãy lấy ngay bản dịch của ông Ngô Ðức Thịnh được ông phổ biến: Cổ Việt Hùng thị nhất thập bát thế Thánh vương Ngọc phả cổ truyện. Trong bản Ngọc phả này, chi tiết nhiều là ở các ông vua thứ Nhất, thứ Ba hay thứ Sáu, và ông vua cuối, thứ Mười Tám, chỉ vì ở các đời này có truyện lấy từ các sách khác có liên hệ, ví dụ Việt điện u linh tập có ông Gióng với dị bản cổ nhất, có chuyện mất nước vào tay Thục cũng tìm được ở các cổ thư mươi thế kỉ về trước. Thừa hưởng được cái “hơi” ở các truyện có sẵn nơi các ông vua kia nên ngọc phả có điều để nói qua loa về vua Hùng Bảy, Tám, Chín, và Mười Bảy. Còn với các ông Hùng ở giữa, từ Chín đến Mười Sáu tác giả không tìm ra nguồn để “vẽ” thêm, đành phải chịu cạn kiệt văn từ, chỉ nhắc đến cái tên và số năm “ở ngôi”, cả đến tuổi thọ cũng cho qua! Phần “dân gian” thấy trong Ngọc phả này chen vào lúc tác giả vẽ vời trên cái gốc sách vở cũ: “đá lưng rùa” ở Việt Trì với dấu ông Tiên ngồi, quyển sách thần, bà mo… tất cả đều không thể xác định thời điểm xuất hiện để gán cho một vị trí lịch sử nào.
Các bản Ngọc phả (hai hay ba?) được đưa ra đến nay đã có những chi tiết khác nhau, ngay như cũng gọi là “bản Phú Thọ” mà Ngô Ðức Thọ và Bùi Quang Hùng (Ðài Loan 2011) thấy truyện Phù Ðổng nằm ở hai đời Hùng khác nhau (5 hay 6). Trừ sự bướng bỉnh không thể nào thuyết phục được, chỉ có thể coi chúng như những thần phả của ông thần đền Hùng chứ không thể là gia phả được ghi chép để truyền đời của nhà họ Hùng (nếu quả có một họ như thế). Gốc tích bản thần phả đưa ra cũng không rõ rệt. Ông Ngô Ðức Thọ bám vào câu cuối mà cho là được hoàn thành năm “Nhâm Thìn niên hiệu Hồng Ðức thứ nhất” (1470) khiến một độc giả cải chính “Nhâm Thìn đó là vào năm 1472”, nghĩa là mâu thuẫn với “Hồng Ðức nguyên niên”! Thế đã đủ cho Bùi Quang Hùng xác quyết đây là “(một) bản nguỵ tạo”. Ngay cả cái tên nói ở trên, ông NÐT cũng cho thấy khác với bản ông dịch từ “của Viện NCHN (Nghiên cứu Hán Nôm?) sao chụp lại từ nguyên bản cuốn ‘Hùng đồ thập bát diệp Thánh vương ngọc phả cổ truyện’ của ti Văn hoá Phú Thọ”, mà không giải thích vì sao có sự khác biệt! Có những bản ghi chú là sao vào thời Lê Trịnh, nhưng cũng có bản ghi soạn năm Thiên Phúc nguyên niên (986), sao năm 1919, thời Khải Ðịnh thuộc Pháp. Chi tiết sau cùng giúp củng cố giả thuyết là sách xuất hiện vào thời Trường Viễn Ðông Bác Cổ có mặt, tìm tòi chứng liệu, mua sách xưa, do đó người ta tha hồ sao chép, phóng tác để bán, nổi bật nhất là thiên truyện Lĩnh Nam dật sử đánh lừa cả các ông làm văn hoá của Việt Nam Cộng hoà! Nhà nghiên cứu ngày nay còn biết “ở Phú Thọ có một trung tâm sao bán thần tích, tự xưng của con cháu Nguyễn Hiền” (Ðinh Khắc Thuân 2011). Tuy nhiên cứ từ một trong các bản ngọc phả này mà “sáng tác” thêm thì ta sẽ có 18 tượng các vua Hùng trong Ðền thờ Quốc tổ Hùng Vương trên đất Pleiku, với vương hiệu, tên huý, số tuổi, số năm làm vua, số vợ, số con cháu chắt trai gái đủ cả, dựa vào quyển sách của tác giả Vũ Kim Biên được Sở Văn hoá Thông tin Phú Thọ xuất bản năm 2006 (Blog TTXVA 6-10-2013).
Văn chương dài dòng trong Ngọc phả cũng là đúng của khu vực Hán học khuất lấp tương ứng với khu vực Tây học, Quốc ngữ đang phát triển trên các thành phố đương thời. Tính chi tiết thời mới làm phát sinh không những tên 18 ông vua mà còn có tên 99 ông Lang không được may mắn làm vua (quên mất rằng tên Lang Liêu đã có sẵn ở Lĩnh Nam chích quái rồi!) Rồi ít nhiều gì dạng tôn giáo mới bị thù ghét xưa, nay đã đủ thời gian và uy lực để trở nên bình thường, chen lách vào thần tích Hùng với chi tiết Bốn ông Thiên tướng xuống trần chứng giám lúc sinh của Trăm trai – giống như Ba vua đến chào Chúa Hài Ðồng El Nino đang nằm trên Máng cỏ! Và tiếp tục đến ngày nay, trong lễ hội 2013 có sự hiện diện của 14 thiếu nữ giữa 100 người trai, là chứng cớ về sự tranh đoạt của 14 vị lãnh đạo Bộ Chính trị (trước khi có 2 người được bầu điền khuyết sau đó) đối với Bốn ông Thiên tướng xưa!
Cái lảm nhảm tân cổ giao duyên như thế dễ hấp dẫn những đầu óc nệ cổ, tưởng tìm được chỗ bám víu cho sự hãnh diện về những kiến thức làng nhàng của mình thu nhận được trong các dịp bàn sử, làm thoả mãn được tinh thần truyền thống xóm làng nâng theo đà mở rộng khu vực, lên đến tinh thần dân tộc đang được cao rao ca ngợi ngày nay.
Có điều vì chỉ sống trong một khoảng đời vài mươi năm, họ không đủ tầm mức nhìn vào thời gian, hãy cứ cho là mới vài trăm năm cũng được. Chúng ta tạm loại ra ngoài tình trạng thư lại học thuật, làm việc để thoả mãn yêu cầu của quyền bính. Chỉ nên nhìn vào lúc bắt đầu có chữ Lạc, Hồng, Hùng… xuất hiện ở Hồng Bàng thị, hay chính thức trong khu vực nhà nước từ Ngô Sĩ Liên rồi dõi theo những gì xảy ra các thời gian sau đó, những gì triều đình Việt và quan dân nghĩ về họ có ghi chép lại. Nghĩa là, trong phạm vi ông vua Hùng, hãy làm một lịch sử về quan niệm Hùng Vương cho tới nay. Và trong phạm vi hẹp, hãy chỉ dừng lại ở phần thế phả của họ. Lúc mới khởi đầu, giữa 100 trứng chỉ có một ông được gọi là Hùng còn các ông kia được gọi là Lang, không biết giữ địa vị ra sao trong 15 bộ của nước Văn Lang. Có biến chuyển trong đời sống “triều đại”, ở các đời khác nhau, nên phải nêu thứ bậc rõ ràng. Thứ Ba hẳn vì theo lối tính thế thứ giản dị kể từ ông đầu khai sáng, ông số Một: ông – cha – cháu. Hay con số Ba quen thuộc của quan niệm phổ thông: Tam tài, Tam giáo… Sách viết bằng chữ Hán nên có thể chuyển đổi lẫn lộn theo dạng chữ viết Ba (tam) trở thành Sáu (lục) – hay ngược lại. Và Mười Tám gán cho ông Hùng Cuối theo kiểu làm toán nhân Ba và Sáu. Tuy Giáo sư Nguyễn Phương cho rằng con số 18 ấy là của các vua Hùng nước Sở (chữ Hán khác) nhưng tôi đếm trong danh sách của M. Tchang (1905) thì chỉ có Mười Bảy người. Có không bằng lòng với cách giải thích sự phát sinh như trên thì cũng phải nhận tình trạng các ông vua Hùng sơ khởi chỉ được đếm theo mấy con số thôi. Tình trạng gọi tên vua theo số này, kéo dài đến đầu nửa sau thế kỉ XVI (Dương Văn An 1555) mới thêm một ông thứ Mười Ba, ngẫu nhiên, không nệ đến sự kiêng cữ của người Tây. Nói khác đi, các ông vua Hùng lúc đầu không có tên, thua cả bất cứ thằng bé nào ở nhà quê xứ Việt, nói gì đến thuỵ hiệu, niên hiệu, miếu hiệu giống các ông vua theo truyền thống văn hoá Trung-Việt khác. Mãi đến năm được ghi chép là 1572, có ông Nguyễn Bính còn ở xứ Thanh của nhà Lê chưa phục hưng mới đưa ra hai thuỵ hiệu Hùng Hiền Vương và Hùng Duệ Vương, mà cũng không thấy nêu thứ bậc. (Về các thuỵ hiệu trong Ngọc phả thì nơi có nơi không, cùng thuỵ hiệu không cùng thời đại, lẫn lộn cách đọc để không có sự đồng ý, ví dụ ông NÐT cho ông thứ 18 là Hùng Tuyền Vương, còn Bùi Quang Hùng thì nhất định đọc là Duệ Vương). Ngay đến sự đặt tên này cũng chỉ thấy trên bia đá chứ không ghi vào sử nhà nước. Không thấy có thêm một tên nào khác, ngay cả trên các bia khắc vào thời Nguyễn muộn (1889, 1907, 1910). Bia nằm trên tỉnh Hưng Yên của sông Hồng mà người ta nhất định không lấy thêm một tên nào khác để cho dồi dào tính sử “thời đại Hùng Vương”, những tên lúc đó (cho rằng) đã có mặt trong các ngọc phả (1470/1472) đã nói kia.
Về chỗ ở của các vua Hùng, sách vở nho sĩ Việt thế kỉ XIV và sử chính thức đều xác định thuộc Phong Châu trên đất Việt chứ không phải ở hồ Ðộng Ðình nữa, điều đó có vẻ xác nhận rằng hai sự kiện Âu Lạc và Hùng Vương là ghép từ hai dòng truyền thuyết của hai địa phương khác nhau. Nguồn gốc phân hai như thế đã dẫn đến sự tranh giành thứ bậc ai làm “ông tổ Việt”. Sử quan Nguyễn đã cãi nhau nên đặt Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân là “vua mở đầu nước Việt” hay là Hùng Vương? Hùng Vương thắng thế là nhờ lời quyết định của Tự Ðức. Ngay cả ngày nay, danh vị “Quốc tổ” cứ tùy từng lúc, từng người đề cập mà xoay quanh các ông Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Hùng Vương đến chóng mặt. Có điều đặt ông nào làm tổ thì cũng mắc phải vấn nạn giải quyết cho vấn đề “tổ sinh học”, hiểu theo cách sinh sôi nảy nở theo một dòng duy nhất, không bị kết tội loạn luân thì cũng khó chấp nhận theo tâm trí bình thường. Sử ta có nhiều vấn đề tưởng đã giải quyết xong, hay đang giải quyết theo đường lối đứng đắn khoa học nhưng cứ được lôi ra bàn cãi mãi chỉ vì có những đầu óc ngoan cố có quyền hành, cứ kềm giữ hoặc lôi về khởi điểm theo ý mình. Vấn đề ông tổ sinh học của dân Việt là một. Ngay chính các nhà nho sáng tạo ra mẫu hình “ tổ” nguyên thuỷ cũng không đề cập đến sự truyền dòng duy nhất này. Hồng Bàng thị cho 50 con của Âu Cơ chia nhau cai trị trên những vùng đất tạm hiểu là quanh đền Hùng ngày nay. Hẳn 50 người của Lạc Long Quân cũng ngụp lặn quanh hồ Ðộng Ðình như thế. Còn Ngô Sĩ Liên tiếp theo chen chuyện “trăm con, thuỷ tổ của Bách Việt” trong một phụ chú đầy hoài nghi, đã cho vua Hùng mải ăn chơi nên để nước mất vào tay Thục Phán / An Dương Vương, nghĩa là người kế tục đã làm vua một nước khác, có dân riêng của họ nhập vào. Sử quan Nguyễn nói về “vua mở đầu nước Việt” không như ông “vua” Việt Nam ngày nay tuyên xưng : “Vua Hùng là Quốc tổ… là tổ tiên chung của dân tộc Việt Nam”. Ðó là sáng tạo mới của thế kỉ XX, để vẽ vời thêm mỗi ông vua Hùng sống nhiều trăm năm, có vài chục bà vợ, nhiều con chia ra thành nhiều chi phái với cả trăm, ngàn chắt chít như đã thấy!
Các nho sĩ kia chắc có biết nơi thờ cúng trên vùng đất dựng đền ngày nay, hẳn cũng không khác với nơi sách An Nam chí (1419) của người Minh nhận ra rằng có “cung cũ của Lạc Vương”. Năm đó mà gọi là “cung cũ” thì “đền đài” chắc cũng chẳng còn gì, chứng cớ là ngày nay các nhà khảo cổ học cũng chẳng tìm ra được một nền đất đá nào xưa hơn, may ra được một cây cột đá cũ, chuyển dựng làm “cột đá thề” trong truyền thuyết, nhưng lại bị chê là xấu xí, không xứng với tầm vóc thời đại! Trở lại với ý niệm “thần phả” của đền “Hùng” và nhìn lại vị trí đỉnh đầu tam giác châu sông Hồng tiếp giáp với vùng trung, thượng du thì có thể coi như đền nguyên gốc là của một lãnh chúa Tày Thái, nơi dấu vết của họ còn lại thật rõ rệt. Nam Chiếu đã tràn xuống trung châu vào thế kỉ IX, X, XI. Lê Hoàn kén được một bà vợ ở đó. Lí gả con cầu thân. Trần có lõm đất thuộc quyền một bà Trưởng công chúa ghi trên chuông chùa Bạch Hạc nhưng Trần Nhật Duật kéo quân về Thăng Long, cũng như Trần Nghệ Tông ở thế kỉ sau trốn lên đất Ðà Giang, cả hai đều phải đi qua vùng “man di”. Chưa tới đất Ngã Ba, ông Gióng đã gặp thần núi Sóc (Vệ Linh) của người Thái để lưu truyền câu chuyện “dịch phục”. Người nay (Hoàng Lương 2011) tìm thấy đầy địa danh Tày Thái tên đất đền Hùng, và xa hơn. Các danh xưng Hùng Vương của những người đào bới Lũng Hoà các năm 1960 cũng thấy có dáng Tày Thái. Cho nên không lấy làm lạ rằng một bản Ngọc phả nay nằm trong tay một “quan lang phụ đạo cháu chắt vua Hùng…” Rộng rãi ra thì nhận một ông chúa Thái làm Tổ cũng không có gì là xấu hổ — cũng giống ông Lê Thánh Tông thôi, nhưng cứ coi đó là ông Tổ của một tộc Việt riêng biệt thần thánh của những người trương bảng dựng hiệu ngày nay thì cũng nên có lời bàn tới.

Giả học thuật: Từ thờ cúng tổ tiên đến Hùng Vương
Sự nối kết Hùng Vương với tục thờ cúng tổ tiên được diễn giảng trong cuộc tổ chức Hội thảo hai ngày 11-12 tháng Tư năm 2011 ở Thị xã Việt Trì, tỉnh Phú Thọ với đề tài: “Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong xã hội đương đại: Nghiên cứu trường hợp tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam.” (Ancestor Worship in Contemporary Society, with Case Studies of Worship of the Hung Kings in Viet Nam). Có thể nhìn thấy chủ ý hướng dẫn trong đề tài hội thảo: ghép một tục lệ phổ biến trong dân chúng với một sinh hoạt tín ngưỡng thần thuyết của một vùng riêng biệt mà với thời gian được nâng cấp thành quốc gia — dồn dập trong thời hiện tại với một quyền lực có vẻ là cường ngạnh nhất trong lịch sử Việt Nam. Dụng ý hướng dẫn ghép nối được khoả lấp màu sắc chính trị bằng sự áp dụng một phương pháp nghiên cứu có phần chắc là mang từ các trường Ðại học Mĩ về.
Tất nhiên không thể cột những người của một cuộc Hội thảo quốc tế vào chung một nhóm cùng ý tưởng, hướng theo chủ đích được sắp đặt, vì lẽ giản dị là không ai đủ sức và đủ can đảm làm chuyện dại dột ấy. Hội thảo trong nước ngày trước, ví dụ về Quang Trung thì không thể nào nói hết sự oai hùng của ông ta, chẳng ai dám moi chuyện ông đào mả các chúa Nguyễn để, dù là phản bác gián tiếp tội đào mả Tây Sơn của tên rước voi về giầy mả tổ Nguyễn Ánh. Nhưng hội thảo quốc tế về vua Hùng và bàn thờ tổ tiên thì không thể bắt người ta gom hai/ba làm một như khi bán cà phê bột: “Two/Three in One”. Người ta tha hồ bàn chuyện Tây Tàu thế giới, miễn là về một/các ông, bà Tổ nào đó, về một cung cách xử trí nào đó với người đã khuất trong tộc họ. Người-nước-ngoài thì hoặc thẳng thừng, hoặc ý tứ chê chuyện ông vua Hùng của học giả Việt, cho rằng ít nhiều là bịa từ sử sách Tàu theo cách cầu cạnh “leo cao” (Chung Tông Hiến, Ðài Bắc 2011, tội nghiệp! chữ của bản dịch) để học giả Việt né tránh phụ hoạ mà khỏi làm mất lòng… Có lạ lùng là “dẫn chứng” đỡ đần của GSTS. Triệu Minh Long (dân tộc Choang 2011) cho biết (từ đâu?) 50 người con theo mẹ đã chết chỉ còn 4 người, nhập chung với 50 người theo cha để thành 54 dân tộc lập thành dân nước Việt Nam ngày nay – làm như lối phân chia của các nhà dân tộc học Việt Nam là tuyệt đối chính xác, không hề trải qua sửa chữa, vì họ đã nắm bắt thấu hiểu qua sự tiền định của những cái gen thời khởi thuỷ của ông Lạc, bà Âu vậy.
Hầu hết các tham dự viên Việt Nam trong nước đều chỉ làm công việc quảng diễn đề tài đưa ra từ những người chủ trì cuộc hội thảo. Cũng thật dễ hiểu, họ và những người kia đều cùng chung một tâm ý thời đại, tạo dựng bởi quá khứ lâu dài đã không có cơ hội dứt bỏ, lại còn được củng cố trong một khuôn khổ chính trị không khuyến khích sự sáng tạo để vượt thoát, chưa nói đến sự đe doạ đàn áp trên một số trí thức hiếm hoi vốn không có quá khứ và phương tiện vượt khó khăn, tìm tòi cái mới. Các bản tham luận kia đều không thắc mắc về sự liên kết phải chứng minh giữa sự thờ cúng tổ tiên mang tính chất bản xứ ở khởi điểm và ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa trong thế phát triển, với hình ảnh ông thần Hùng của (dân chúng, là lãnh tụ) địa phương được nâng cấp lên vị thế trung ương, nâng cấp không phải chỉ một mà nhiều lần bởi những quyền lực khác nhau, đun đẩy đến tầng cao chưa thấy điểm đến trong nền chính trị bây giờ, để có sự kết hợp đúng đắn với luận đề hội thảo. Coi sự kết hợp là đương nhiên, họ chỉ làm mỗi một việc là dùng văn từ tán tụng sự kết hợp ấy, xác định chắc nịch: “Người Việt Nam từ dân gian đến các quý tộc đều coi vua Hùng là tổ tiên của mình (Lê Ðức Hạnh, Viện Văn hoá Dân gian 2011)”. Họ cứ dựa trên những tin tưởng thường tục, không quan tâm đến cả những thứ đã bị bài bác hay có thể dễ dàng kiểm chứng đúng sai, nếu chịu khó theo một ít nguyên tắc về sự trung thực trí thức.
Không chịu giở sách đã in bây giờ để thấy các tấm bia nói chuyện thời Khải Ðịnh kia, không chịu lục lọi báo chí quốc ngữ tất còn nằm trong thư viện Hà Nội về các việc tu bổ đền Hùng kia… cứ coi “ngày Giỗ Tổ” là của truyền thống nhân dân có từ lâu đời nên tha hồ viện dẫn câu “ca dao”: “Nhớ ngày mồng Mười tháng Ba…” trong đó có cả các tay mang bằng cấp Tây (Nguyễn Phương Hùng, Pháp, 2011), để không cần nhờ đến Giáo sư Kim Ðịnh bừa bãi quảng diễn thêm: “‘Ba’ là (tộc, rợ) Tam Miêu, ‘Mười’ là Bách Việt, trăm cũng như mười (!?)” Cái dễ dãi của những người nghiên cứu trong nước, phần lớn là do họ được đào tạo để phục vụ mà mớ bằng cấp ban phát đã khiến cho họ có thêm nhiều tự tín để bàn thảo.
Nhìn lại những tham dự viên hội thảo gồm những cán bộ địa phương, nhân viên có kèm danh xưng “văn hoá” để nâng cấp “du lịch”, ta thấy họ dễ dàng nghiêng về việc ca tụng một di tích thắng cảnh, khiến họ không cách xa với người ở những ban ngành của các Viện Văn hoá Nghệ thuật, Nghiên cứu Văn hoá đã có sẵn khuynh hướng bàn thảo theo đề tài mở đường. Rõ rệt nhất là trường hợp của GSTS Ngô Văn Thịnh, chức sắc cũ của Viện Văn hoá Dân gian, thời của Hội thảo 2011 được ghi là Chủ tịch Hội Di sản Văn hoá Việt Nam (thấy có một Hội đồng Di sản Quốc gia khác nữa), đăng bài cổ động trên báo chí về trường hợp UNESCO công nhận văn bằng, rồi tiếp tục nghiên cứu thêm, theo dõi dịch bản Ngọc phả Phú Thọ với các chú thích, bàn luận của riêng mình. Chính trong các loại “công trình” phô trương này mà ta thấy sự hào nhoáng của danh vị, chức vụ được đưa ra đã nằm không đúng chỗ phải có của nó. Con người suýt bị đám cung văn, đồng cốt hút hồn trong các chuyến “đi thực địa”, dù có nghe loáng thoáng đến các lối nghiên cứu khác để làm việc copy&paste, kê cứu văn bản học qua loa, cũng không thể nào đủ tâm trí bình tĩnh để thắc mắc về các sự kiện vô lí nằm trong bản văn kia, khiến phải bị lôi cuốn theo đà hấp dẫn của chuyện, để rồi lấy hoang đường làm cơ sở cho sử kí, con người như thế cũng thật dễ dàng ôm ấp Hùng Vương làm ông Tổ của dân tộc Việt, rồi bao chiếm thành của Việt Nam.
Ðiều đáng nói hơn, là cái không khí làng nhàng “dân tộc” xuất phát từ sự thu hút của các hội lễ trước mắt cũng đã đánh bạt tinh thần khách quan của người nghiên cứu, có ý uốn nắn những suy nghĩ đi ra ngoài sự lặp lại tầm thường của số đông. Nguyễn Thị Hiền (2011) dựa vào lí thuyết “sáng tạo truyền thống” (sẽ bàn sau), nên không cần thắc mắc về vai trò của Ðảng và Nhà nước đương đại về sự tạo dựng một hình ảnh hội lễ mới về Hùng Vương, thế mà trong ngôn từ diễn gỉảng, vẫn mượn các hình ảnh khuôn khổ thường nhật, đầy cảm tính, mang tính siêu hình khó thuyết phục: “…Sự can thiệp của vương triều và nhà nước ngày nay đã làm tăng ý nghĩa và đạo lí uống nước nhớ nguồn của người Việt Nam… Con người chung một tổ tiên không chỉ trong một gia đình, dòng họ mà cùng trong một dân tộc…” Nghe vẫn giống như một bài thuyết giảng ở một buổi mitting nào đó!
Bàn về một vấn đề dính dấp đến thời gian lâu dài mà ngưòi ta lại không tính đến yếu tố lịch sử, hay đúng hơn, chỉ dựa qua loa vào lịch sử. Thế là có thể nói “áp lực quần chúng” đã chen vào dẫn dắt sự yếu kém nọ. Bị định kiến ráp nối Hùng Vương và tục thờ cúng tổ tiên, tác giả viện dẫn sách xưa cho rằng ở đấy đã có chứng cớ về một sự thờ cúng Hùng Vương, trong khi thật ra, chúng chỉ đưa ra những danh xưng, một hệ thống sơ sài về tập họp chính trị, sản xuất. Nguyễn Thị Hiền cũng nhắc đến chuyện thời điểm 10-3 chỉ mới có vào năm 1917 thôi nhưng không thắc mắc thêm nên sa vào suy nghĩ khuôn khổ chung: “Ngày giỗ Hùng Vương 10-3 trở thành một ngày Quốc lễ, một ngày thiêng liêng trọng đại đối với cả dân tộc”. Các văn từ được tạo dáng thời đại khoa học ngày nay, tuy đã đem lại một chừng mực uy thế đối với quần chúng về sự gán ghép mang tính cách học thuật nhưng vẫn có thể dễ dàng tan rã từ bất cứ sự xét nét nghiêm chỉnh nào.
Tập đoàn nào, dân tộc nào cũng đặt vấn đề liên hệ giữa người sống và người chết, nơi trần tục và cõi thiêng liêng. Mối nối kết dài hay ngắn, sâu đậm hay sơ sài không phải là dấu hiệu của văn minh hay lạc hậu. Lập bàn thờ trong nhà, có nghĩa địa chôn cất lâu dài không phải là niềm hãnh diện, như trong một bài báo của (người Kinh) Bình Ðịnh ngầm ý chê trách lễ Bỏ mả của người Bana. Tục lệ này của các dân tộc Tây Nguyên chỉ được biết rõ trong thế kỉ XX nhưng có vẻ cũng là chung cho các tộc đoàn bản xứ Ðông Dương, bởi vì với các tập đoàn bên lề rừng núi đồng bằng chúng ta cũng thấy dấu vết xưa hơn, như được ghi lại hay có thể gợi giải thích nơi gia phả họ Ðặng sui gia với họ Trịnh, hay với trường hợp Nguyễn Kim, ông tổ chúa Nguyễn. Cũng có thể thấy thấp thoáng tục lệ ấy dưới đổng bằng, ẩn giấu sau các câu chuyện về “thiên táng”, bào chữa cho sự bất lực của các thầy địa lí. Tục thờ cúng tổ tiên của người Việt với dạng hình như trước mắt, không phải là một đặc điểm riêng biệt của dân tộc này mà chỉ là phần chia sẻ tính chất văn hoá của các nước Á Ðông theo thói tục Trung Hoa, thói tục được gìn giữ, lan rộng nhờ chữ viết biểu hiện riêng biệt trong các ghi chép gọi là gia phả. Không biết ghi chép, không có phương tiện ghi chép, người ta tìm ra những cách nhận họ hàng khác, như lối cúng Việc lề khiêm tốn đã nói nơi khác. Khuôn mẫu văn hoá được định hình nơi cõi gốc, một khi du nhập đến nơi khác, có thể dung chứa thêm những dạng hình chi tiết đôi khi gây phản ứng nơi các đồ đệ trung thành với “truyền thống” (sách vở). Ví dụ nhà nho uyên bác Phạm Ðình Hổ đã gay gắt với tục cho người nữ ăn hương hoả, nghĩa là có quyền cúng giỗ, một yếu tố mang dấu vết Việt bản xứ, thật trái với tinh thần phụ hệ ông được thấm nhuần qua kinh sách thánh hiền (Trung Hoa) từ nhỏ.
Nhưng ngay trong khung cảnh cùng chung văn hoá thờ cúng tổ tiên, tính chất muốn là riêng biệt của tập nhóm được gọi là “họ” cũng biểu lộ rất rõ rệt. Chứng cớ, người ta chỉ đổi họ khi phải tránh hoạ sát thân, hay khi muốn chối bỏ để vươn cao hơn. Ðiều đó cũng có nghĩa là sự chuyển tiếp từ việc thờ cúng ông tổ của một dòng này qua ông tổ của một dòng khác, cũng phải trải qua những áp lực / quyền lực, ngấm ngầm hay đe dọa, lâu dài hay tức khắc, mới thành hiện thực. Sự gộp chung ông tổ cho các dòng khác nhau thật không dễ dàng. Ông tổ chết đi tuy là thuộc vào “người cõi khác” nhưng có là thần cũng chỉ là một thành phần có kế tục của một tục lệ truyền thống khác, còn nhóm Hùng Vương ở Phú Thọ trong một thời gian rất dài có chứng thực rõ ràng được dân chúng thờ như một hiện tượng siêu linh vùng (như với chứng cớ Lê Quý Ðôn kể sau, hình trạng kéo dài cả đến thế kỉ XX), không khác ông Gióng vốn không có điều kiện phát triển bằng. Cho rằng có sự tương đồng giữa tục thờ cúng tổ tiên với tục thờ “Quốc tổ” Hùng Vương, đã có cái sai là không thấy sự tách biệt nói trên, bỏ lơ tính chất lịch sử trong quan niệm về Hùng Vương đã bàn của tầng lớp vua quan, lại không thấy ra chứng cớ gần đây của một tập nhóm dân chúng khác. Ðạo Bửu Sơn Kì Hương, cũng là của người Việt, ở thế kỉ XIX, khi xướng suất Tứ Ân đã nhắc đến ơn Tổ tiên mà không cần biết đến Hùng Vương.
Các ông Hùng Vương nọ rõ ràng lúc còn nằm trong các đơn vị thờ cúng được người Minh chứng kiến, là ông Lạc hay Hùng thì cũng chỉ là thần, tổ của một tập nhóm quanh đó. Dù các nho sĩ cuối Trần có gán cho một tước vương, vai trò một thủ lãnh, tước vị đó cũng chỉ gói gọn trong các trang giấy của các ông mà thôi. Trải qua bao biến chuyển có sự áp đặt của con người, có sự thuần hoá bởi thời gian, tính chất “địa phương” riêng lẻ đó vẫn còn ẩn khuất trong văn từ nhà nước trên bia 1923: “Tục lệ dân xã [Hi Cương, phủ Lâm Thao] lấy ngày 11-3 kết hợp với việc thờ thổ kì [thổ địa “Hùng Vương”], làm lễ riêng”. Và xét trên tình hình các hội mùa tổ chức trên đất Bắc thì số lượng người tham gia ở đền Hùng hẳn cũng phải chia cắt với các hội khác đồng thời nên không thể có dáng dấp như đã thấy trước mắt, ngày nay.
Sự việc khác hẳn khi Ngô Sĩ Liên đưa ông Hùng vào sử triều đại (sau sẽ thành sử nước). Ðây là dấu ấn quyền bính mở đầu cho một truyền thống được xếp đặt tự trên cao nên có uy lực lâu dài. Cùng triều đại mà khác thời đại, Ngô Thì Sĩ chê người xưa “hiếu sự” vơ vào “một loạt hoang đường càn rỡ” nhưng rồi cũng phải giữ lại phần cốt cán, cũng lại viện dẫn lời người xưa. Gốc ông vua Hùng theo thời gian, càng lúc càng bền bên trong triều chính vậy mà ngoài dân chúng, ông thần ở đền Hùng vẫn còn phải chật vật để ngoi lên cho đúng vị trí được ban phát. Lê Quý Ðôn kể chuyện loan truyền hồi đầu thế kỉ (XVIII), rằng dân trùng tu đền “Thánh tổ Hùng Vương””chở gỗ về sửa chữa liền bị ông Ngọc Tháp Ðại Vương (không chỉ là “vương” mà còn là “đại vương”!) gần đó giành giật, điều đó chứng tỏ đến lúc này, uy thế ông Thánh tổ cũng không lan xa ngoài vùng ngự trị của ông. Ông Thánh tổ — không phải Quốc tổ, chỉ có một số dân (làng xã) tạo lệ để lấy thuế lo việc thờ cúng ông, có nhiều thì cũng không hơn quá nhiều các dân tạo lệ trên các làng được quốc tế trong nước. Lễ hội đền Hùng trong thời phong kiến cũng không hấp dẫn người vì vị thế của nó giữa hàng trăm hội lễ mùa xuân xuất hiện dồn dập hàng năm trên xứ Bắc. Cho nên chứng cớ của Lê Quý Ðôn cho thấy vẫn còn có một tập họp không nhỏ những người quan niệm “ông đó” không phải tổ của họ. Trở lại với tên các ông vua Hùng, ngoài ông quan Nguyễn Bính của triều Lê thời còn long đong, người ta còn nhắc đến ông Nguyễn Hiền các năm 1736, 1737 với chức danh “Quản giám Bách thần, tri Hùng lĩnh điện Thiếu khanh”, rõ là ông từ đền Hùng. Có nguời thật, để ta nhắc lại việc thật, là vào quanh thời ông ta chưa có thêm được tên ông vua Hùng nào ngoài các ông Hiền, Duệ Vương đã kể!
Họ Nguyễn cướp đất họ khác, phải chịu nhường để riêng chuyện gốc tích “nhà ta phát xuất tự Ô Châu” vào khu vực Thái miếu, Thế miếu, lập các miếu Lịch Ðại Ðế Vương cho các ông Kinh Dương Vương, Hùng Vương vào ngồi chung với các tổ Tam Hoàng Ngũ Ðế loạn xạ. Minh Mạng khi hãnh diện “năm nay ta có trăm người con” thực sự, đã cho rằng hơn “chuyện Âu Lạc của Nam sử lấy bằng cớ từ đâu?” Ðến giữa thế kỉ XIX, các sử quan khi bàn luận về “thời kì dựng nước”, dựa vào uy tín của quyển sử có 300 năm tuổi, tuân theo lời ông vua đương đại, mới tấn phong ông Hùng xưa thêm một lần nữa vào trong lịch sử nước. Mối liên hệ mới cũ cũng không có dấu hiệu gắn bó lắm cho đến khi sự lấn át của người Pháp xô đổ thần tượng quân vương trên đất Bắc. Việc xây (trùng tu) đền Hùng vào năm 1874 có hiệp định về Bắc Kì hẳn là một dấu hiệu vớt vát của nhà Nguyễn về vùng đất sắp tuột khỏi tay mình kia.
Sự kiện này không lọt qua đôi mắt tinh ranh của người chủ mới, nhất là khi đám dân mất nước không còn ngườì cầm đầu thế tục, phải viện dẫn đến thần linh, tiên tổ, nối kết đám con Hồng cháu Lạc. Thế là nguời Pháp cũng nói chuyện rồng, nhưng chỉ sử dụng “rồng Nam (để) phun bạc đánh đổ Ðức tặc”. Chuyện Lạc chỉ bàn trong hội Viễn Ðông Bác Cổ, còn đền Hùng thì khuyến khích vua quan bản xứ săn sóc tuy vua thì ở xa, không quyền, còn quan chỉ là quan của ông Thống sứ Bắc Kì. Nhưng vẫn phải cần xây cất, vì cần chút phỉnh nịnh dân bản xứ trong khi Mẫu quốc bận cuống quýt đánh giữ ở trời Tây, chỉ lưu lại có vài ngàn lính để giữ an ninh trên một khối dân mươi lăm triệu người. Hiệu quả đó thật bất ngờ với người cai trị nhưng là bình thường với lớp dân vốn có tập quán chờ đón các ân sủng từ trên cao ban phát xuống. “Vào thập kỉ 10, 20 của thế kỉ XX, vấn đề cúng tế đền Hùng được dấy lên rất mạnh” (Trịnh Sinh 2011). Những năm 1917-1922, những năm ghi việc trùng tu ở các tấm bia kia, Mười tám tỉnh Bắc Kì cúng 6000 bạc Ðông Dương xây đền Thượng, Lăng, đền Giếng, 1000 đồng xây 539 bậc xi măng nối các đền. Ngày 10 tháng Ba âm lịch trở thành ngày Giỗ Tổ như đã nói. Và vẫn mới chỉ là tổ của xứ Bắc Kì / Tonkin thôi. Có mở rộng ra thì cũng chỉ bao quát phần đất nhà Lê cũ, nên chớ có hỏi tên ông ta trên hai phần đất nước còn lại. Tò mò một chút có thể tìm ra vết tích, hay dù thất bại cũng có thể phỏng đoán, là bản Ngọc phả kia đã được thành hình trong thời kì này, của một bộ phận nho sĩ Cần Vương lạc loài, như một tiếp nhận gián tiếp không khí Tây học mà vẫn chống đối nền ngoại trị.
Vấn đề lợi dụng truyền thống để phục vụ cho mình của người Pháp cũng không phải chỉ đem lại thuận lợi cho họ.Với thời đại hình thành những quan niệm về dân nước đưa từ phương Tây qua, nội dung “nước” (quốc) đã có biến đổi khác. “Nước” xưa là cương vực dưới quyền cai trị của một người được tôn xưng là “vua”, với thời đại mới, người ta phải nhấn mạnh thêm “đất” cho “nước”. Nhưng với Lê Thánh Tông, nước là chính ông ta: “quốc hoàng” (đầu 1468). Bởi vậy ông mới kể tội Trần Phong “phản quốc” vì chê trách ông, mới mắng Ngô Sĩ Liên là “gian thần bán nước” chỉ vì ông này từng phục vụ Nghi Dân vừa bị lật đổ đã quay sang làm quan của ông! Dưới sự thúc đẩy của tình thế ngoại trị, các thần dân Phan Châu Trinh, Ngô Ðức Kế nhờ được người Pháp tách biệt với vua, đã lên tiếng mắng chửi nặng nề Hoàng đế Ðại Nam Khải Ðịnh nên ông ta khó có thể là điểm tập họp uy tín toàn vẹn, càng không xứng là ông “vua”, chủ của nước. Thế là có dịp để nguời ta mượn ý niệm dân-nước của phương Tây, gợi lại ý của ông Mạnh Tử bị bỏ quên từ lâu. Chủ nước không còn nữa thì người ta vọng về một ông tổ xa xưa, nhất là với những người “tại chỗ” thuộc làu kinh sách.
Hãy nghe Phan Bội Châu than thở về con Hồng cháu Lạc trước khi Hồ Chí Minh nằm ở biên giới Việt Trung tin tưởng làm vè Hùng Vương dựng nước. Cả hai đều được nuôi dưỡng trong sách vở về thời dựng nước, đồng thời cũng có trước mắt trong khu vực về một đền đài như là bằng cớ lịch sử không thể chối cãi. Kiến thức sách vở khiến họ vượt qua được giới hạn chật hẹp của các nhóm thờ kính riêng biệt trong vùng, đưa quan niệm Hùng Vương của đất Việt Trì lên tầm mức quốc gia lãnh thổ đang trong vòng tay người Pháp. Trong tình thế đó, các đền đài của Hùng Vương lan rộng nhờ sự khuyến khích của người Pháp, vốn chỉ định tạo danh nghĩa cho vua Nguyễn lại gợi mơ mộng xa vào quá khứ, gây sự nối kết với những những vùng miền khác. Vào thời gian cuối của quyền uy thuộc địa, thấy có những cổ động đi hội đền Hùng từ đất Sài Gòn, Nam Kì, nơi mà trước đó chỉ thấy những ông xưng con cháu, xác thân Minh Mạng, Hàm Nghi. Nếu có thể kết hợp sự thờ cúng tổ tiên với thờ cúng Hùng Vương, theo ý nghĩa mở rộng tính chất biến động từ một hệ thống nhỏ: “gia” ra đến hệ thống lớn: “quốc” thì lập luận nối kết chỉ hữu lí với thời đại này, thời đại công nhận nước là của dân chứ không phải là của vua nữa. Tuy nhiên, dù mượn danh nghĩa khoa học nào, thay thế bằng phương pháp làm việc nào thì thấp thoáng trong việc “ghép đôi” tổ Họ và tổ Nước này cũng cho thấy đây là một cách vực dậy quan điểm tổ sinh học của vua Hùng (hay Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân tuỳ ý) trong tin tưởng làng nhàng của dân chúng đã phổ biến sâu rộng, để điều chỉnh nâng cấp lên thành một chủ nghĩa huyết thống tập thể của dân (Kinh) Việt.
Dân lúc này được nhà cầm quyền (Pháp) mở lối “trở về nguồn” theo đường hướng hồi cố thấp thỏi nên càng dễ bị thu hút vào các kiến giải từ huyền thoại mà cao trào giành độc lập tiếp theo đã bám vào đó để lấy tự tín chiến đấu. Những biến động dữ dội mang đến những thành tích tưởng không ở tầm mức của một dân tộc vừa lệ thuộc đã khiến phát sinh niềm kiêu hãnh tột cùng, lấy hiện tại chứng minh cho quá khứ. Do đó có tin tưởng huyền thoại là sự thật, quá khứ “Bốn ngàn năm với vua Hùng dựng nước” là chân lí không thể nào thay đổi. Có người coi đó là điều tự nhiên không cần bàn cãi, nhưng có người vướng víu chút màu mè khoa học lại đẩy ra thành lí thuyết về “huyền sử”, cho rằng đã giải quyết được điều mà các sử gia bận tâm với chuyên môn học được, đã không thể giải quyết nổi. Xuất phát từ đất Sài Gòn, phía bại trận, đáng lẽ lí thuyết này phải bị tiêu diệt nhưng với căn cơ “truyền thống” đã có, nó được nhà cầm quyền mới khai thác mà không nêu tên, khiến có sự đồng loã của những người khác chính kiến, với nhà cầm quyền thì như một kẻ thừa hưởng chính thống, còn với kẻ chống đối thì như một sự chịu đựng tước đoạt mà nỗi ấm ức dễ bùng ra trong một cơ hội trái ý nào đó…

Giả học thuật và Chính trị: đẩy đưa “Sáng tạo truyền thống” và lấn lướt chiếm đoạt
Lịch sử là của con người làm ra nên dễ có sự biện minh cho sự can thiệp của con người, nhất là người có quyền lực, để lái theo hướng họ muốn. (Thành công hay không lại là chuyện khác). Ngày nay người ta vượt qua những mù mờ của lịch sử, những bất tương hợp của quá khứ với các chứng cứ rối rắm để ghép nối tục thờ cúng tổ tiên với truyền thống Hùng Vương bằng cách viện dẫn đến tính chất “sáng tạo truyền thống” của người cầm quyền. Nhưng cho dù có sự can thiệp của con người, cái gọi là truyền thống cũng phải cần đến một yếu tố thời gian dài, một sự thấm đượm tục lệ sâu xa ở những con người cùng chia sẻ truyền thống. Những người của Hội thảo 2011 vẫn liệt kê những sự can thiệp vừa qua của nhà cầm quyền vào lễ hội Hùng Vương đang diễn ra trước mắt. Nhưng họ coi những xuất hiện ngắn hạn đó có căn bản đã được kết nối từ xa xưa mà quên cái dạng mới trùm khắp của hội lễ, chỉ mới vừa thoát xác không lâu từ những gì không to lớn như người ta đang thấy. “Sáng tạo truyền thống” ở đây, có dấu vết chấp nhận phục vụ mà sự dẫn chứng về Hobsbawn và Ranger cũng như cả cuộc hội thảo 2011, là để đem tính chất trí thức phụ hoạ với cảnh xây cất đền đài hoành tráng, có quần chúng hò reo thuyết phục. Nhưng ở căn bản, đó là ý định quyết liệt, muốn thực hiện không tranh cãi của một tập đoàn chính trị thừa hưởng được quyền lực tóm thâu chật vật trong quá khứ vừa mới đây. Cho nên không thể đặt nội dung chính trị thời đại của sự đăng quang Hùng Vương thấy trước mắt ra ngoài cái công trình “sáng tạo truyền thống” kia được.
Quyền lực đó đã đến, sừng sững sau tháng Tư 1975. Ðã nói, khoảng đầu thế kỉ XVIII, ông Hùng Vương vẫn còn loanh quanh, tạm khoanh lại ở vùng Việt Trì, và nằm trong bản sách Toàn thư vừa mới in (1697) ở kinh thành Lê Trịnh. Trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh làm vè về vua Hùng dựng nước… thì không phải chỉ có xứ Nam Kì thuộc Pháp không biết đến ông Hùng Vương mà ông ta cũng chỉ nằm trong cái đền Lịch Ðại Ðế Vương đâu đó của kinh thành Huế mà thôi. Ở cuối đường đất nước, ông chỉ là tiếng vọng của mơ mộng, lời thơ tiếng nhạc. Hùng Vương được mang vào Sài Gòn (vùng Phú Nhuận?) có dáng một điện phủ hơn là một đền thờ Tổ. Và muốn lên tột đỉnh làm Tổ Nước thì phải đợi qua “trào” Ngô Ðình Diệm, mới có lễ Tổ 10-3, vì ông Diệm không muốn nhận ông Tổ này. Cái đền Tưởng niệm Tử sĩ Âu chiến trong sở Thú Sài Gòn được mong muốn làm Ðền Tổ mà chỉ mới loáng thoáng có bóng vua Hùng (dễ hiểu với những rối loạn đương thời) vì khó đổi thay quá khứ của nó, ví dụ với tượng con voi, tượng ông vua Thái Lan sừng sững được biếu tặng trong một dịp thăm viếng. Trong cái thế tranh giành chính nghĩa, Miền Bắc đã hết sức đề cao sự kiện 4000 năm lịch sử khiến cho phía Nam cũng cho chen các ông Hùng Vương phụ hoạ với những lời tuyên truyền trong các phát biểu chính trị, trên làn sóng phát thanh dù không có mấy ảnh hưởng đến tinh thần dân chúng trong vùng.
Ông vua Hùng sau tháng 4-1975 đi theo các nhà khảo cổ, các sử gia Hà Nội, Vinh vào Nam viện trợ kiến thức sử học cho các sinh viên mê muội, cho họ biết rằng trong nền văn Ðông Sơn có người Việt cổ hiển hiện bằng trống đồng ở tận phía nam, bao hàm ý nghĩa có một sự thống nhất thời xa xưa. Sự áp đặt về “thống nhất dân tộc” tuy có thuận lợi với các sự kiện hợp nhất chính trị đang gấp rút tiến hành nhưng vẫn còn phải chia sẻ hình ảnh thu hút với ông Quang Trung cụ thể hơn, oai vũ, gần gũi hơn với thực thể quân đội chiến thắng trước mắt. Huống chi ngay ở xứ Bắc ông vua Hùng cũng mắc kẹt với ảnh hưởng phong trào bài phong ở Trung Quốc. Hội thảo 2011 có người hai bên biên giới nhắc nhở chuyện ‘Phá tứ cữu” (đập tan 4 điều thủ cựu) ở Trung Quốc, chuyện ở Miền Bắc, vào thời gian khoảng 1956-86, “nhiều từ đường dòng họ bị hạ giải, gia phả thất lạc, hư hao…”, “thậm chí, người dân nào mà thờ cúng thì bị quy là mê tín dị đoan, tàn dư chế độ cũ, bị công an, chính quyền mời lên kiểm điểm răn đe, giáo dục…” Hòn đá Thạch Quang Phật có mẫu hình được vua quan Lí Trần Lê cầu cúng cũng trải qua quá trình chui nhủi giấu diếm. Sự chuyển hướng tập trung vào vua Hùng chỉ phát triển khi Ðảng và Nhà nước Việt Nam mất hướng chính trị xã hội chủ nghĩa, buông thả cho mê tín dị đoan tràn đầy, bị lôi cuốn vào dòng phản ứng hồi cố này để lại thấy ra đây cũng là một cung cách giữ gìn và phát triển quyền lực.
Thập niên 1990 Nhà nước bắt đầu nói đến sự phục hồi có chọn lọc các giá trị truyền thống. Ðến cuối thế kỉ thì có Quyết định BCT 26-7-1999 về việc tổ chức các ngảy lễ lớn trong năm 2000, trong đó có lễ Hùng Vương. Nguyễn Phương Ngọc, Pháp (2011), Oscar Salemink, Copenhagen (2011) nhận thấy lễ hội đền Hùng đến lúc đó vẫn chủ yếu mang tính địa phương, mới được nâng cấp thành lễ hội quốc gia, chính thức trở thành biểu tượng cho nguồn gốc và sự độc lập của quốc gia, dân tộc. Và thế là có sự bùng phát xây cất ở vùng quanh đền với sự yểm trợ tích cực của nhà nước. Có quyết định 2004 về việc “đầu tư Khu Di tích lịch sử đền Hùng đến năm 2015” mà danh xưng phóng đại là “Khu Di tích Ðặc biệt Quốc gia đền Hùng”. Thế là năm 2005, khánh thành đền Tổ mẫu Âu Cơ ở núi Vạn (2013: khai hội 17-2), năm 2009 khánh thành đền Quốc tổ Lạc Long Quân ở đồi Sim trên khoảnh đất 140000m2, với bức tượng đồng nặng 8 tấn, thêm hai tướng hầu như trong tuồng hát bội, không biết có phải là Sơn Tinh, Thuỷ Tinh không. Không rõ công trình được gọi là Tháp Hùng Vương xây theo ý tưởng của Tổng bí thư Lê Duẩn phác hoạ cao 8 tầng, với khối tròn trăm trứng và các thành phần tượng trưng các khu vực địa lí Việt Nam đã được khởi công chưa. Kết cục lễ hội ngày 10-3 được mang thêm tính chính thống từ năm 2007 theo quyết định đồng loạt bấm nút của Quốc hội.
Cho nên ngày 13-2-2011 TT Nguyễn Tấn Dũng thăm Khu Di tích thúc đẩy: “trùng tu tôn tạo, xây dựng những công trình mới, mở mang khang trang, hoành tráng xứng đáng là đền thờ tổ tiên cả nước” (Nguyễn Khắc Xương 2011). Có thể nghĩ rằng sự hứng khởi này là nhằm vào việc tạo ra một bề thế vật chất cho lễ hội để góp phần vào việc xin cấp bằng UNESCO. Thật ra thì sự hoành tráng của lễ hội ở Phú Thọ cũng có phần tự phát riêng biệt, là nương theo tình hình phát triển chung của đất nước mà sự dồi dào tiền bạc, thay vì là dịp để đầu tư theo chiều phát triển của thế giới lại đổ vào việc cất đền, xây chùa hành lễ cúng bái… theo đúng tâm thức của tầng lớp lãnh đạo (tận cấp bực Trung ương) phát xuất từ xóm làng đất Bắc, giờ có dịp quay trở về với “truyền thống”. Không phải là vô tình mà các chuyện tồi tệ kiểu dựng đứng thần thánh như Lễ Khai ấn ở đền Trần, nhét tiền hối lộ vào miệng Phật ở các chùa miếu… lại đồng dạng với sự xuất hiện của hòn đá trấn yểm và cái ấn ở đền Hùng, thấp thoáng có hình bóng nhiều viên chức cấp cao…
Sự phát triển của đền Hùng và lễ hội của nó còn lan tràn về phía nam theo hậu quả của cuộc chiến dẫn đến ngày 30-4-1975. Cuộc chiến mang ý nghĩa đòi hỏi thống nhất đất nước, phát động và dẫn đạo từ phía Bắc đã ngầm chứa sự đồng thuận quy tụ về phía Bắc — gần như là một hiệu quả của mê tín đồng bóng trong cơn say máu ngà chiến tranh. Ước mơ “Thăm lại non sông giống Lạc Hồng” vào thời đầu kháng chiến “vó ngựa sa trường”, chuyển thành thực tế của những cán bộ tập kết được đào tạo hai mươi năm ở đó, với sự quỵ luỵ của tầng lớp thần hạ ngày xưa được tân trang bằng nguyên tắc “dân chủ tập trung” gắt gao của Ðảng hội kín mác xít. Tâm tình lãng mạn khiến các cán bộ hồi kết mang cây hoa sữa về trồng ớ các tỉnh Miền Trung, xuống đến Trà Vinh, lên tận Kontum, ở những tên địa phương nổi bật đi theo với mùi hoa sữa nồng nặc hôi thúi gây phản ứng muộn màng của dân chúng tại chỗ — muộn màng vì cũng phải đợi thời gian làm cho bớt sợ, và chờ uy thế của cán bộ sụt bớt đi. Một hiện tượng không lạ đối với thế giới, bởi vì thấy có nhóm từ “colonisation végétative”, không biết dịch thế nào cho gọn.
Tính kỉ luật nằm trong nguyên tắc dân chủ tập trung khiến các cấp uỷ tỉnh Nam Bộ chống đối gắt gao với sự cổ động “xét lại” của cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt về trường hợp các nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký bị phê phán gay gắt từ những năm 1960 ở Hà Nội. Bến Tre với uy thế Ðồng Khởi nhưng chứa chấp cái mả Phan Thanh Giản bề thế của chính quyền cũ, có vẻ cũng không dám bày tỏ công khai, phải nhờ đến một nhà văn để phân trần, trước áp lực chống đối mang nhãn hiệu pháp lệnh sử học yêu nước của những người ở xứ Bắc Kì xa lạ kia. Họ vướng víu với vùng đất nguỵ mà họ tạo nên sự nghiệp nên dễ sa chân vào đó, với muôn vàn tội lỗi của nguỵ được gán cho họ để che lấp sự tranh chấp bên trên, cho dù có minh oan bằng lối cắt lưỡi, mổ bụng, chặt tay theo lối truyện Tàu như trong vụ án Cimexcol (Minh Hải 1987) cũng không thể nào động lòng lãnh tụ để rửa được nỗi oan khuất, ít nhiều gì cũng là phải chia sẻ với đám nguỵ bại vong kia.
Sài Gòn / Tp. Hồ Chí Minh vẫn được coi là cái ổ khác biệt phải kềm kẹp nên dự trữ các phần tử chính thống, đủ tự tin để sẵn sàng tung ra các chiến dịch ngăn chận “sự lệch lạc” về tư tưởng, văn hoá ở tận trung ương. Cho nên mới có vụ án luận văn Thạc sĩ tận Hà Nội của Ðỗ Thị Thoan (6, 7-2013) mà gốc gác bị moi móc chỉ điểm, là nhóm Mở Miệng phản động của Tp. Hồ Chí Minh, để có sự chen lấn tội nghiệp của ông Vũ Hạnh nhắc nhở chuyện bảy, tám năm trước mắng mỏ, chửi bới các nhân vật nhà Nguyễn, thời thuộc địa — lúc đó cũng dai dẳng trên tờVăn Nghệ Tp. Hồ Chí Minh nhưng ít nhiều gì cũng đã bị thụt lùi vì uy tín của Võ Văn Kiệt và một chừng mực tinh thần địa phương Nam Kì trỗi dậy. Rồi cũng vẫn rơi rớt từ những bài học cũ là những phản ứng của các cấp uỷ (hay có khi chỉ là cán bộ về hưu giữ vững lập trường) đã xảy ra với Nguyễn Ngọc Tư, với tác giả bài thơ Trăng nghẹn… tất cả ồn ào hơn vô số chuyện văn nghệ có định hướng ngớ ngẩn ở Bình Ðịnh (vụ luận án Trịnh Công Sơn của Ban Mai), ở Phú Yên khuất lấp, may mắn không kinh hoàng bằng hình phạt tù hơn một thế kỉ cho nhóm Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn của các tu sĩ có dáng dấp ảnh hưởng lạc loài từ Trạng Trình xưa và Bửu Sơn Kì Hương xa, nói cách khác, đó là dạng hình một Pháp Luân Công Việt Nam! Trong tinh thần Thuộc hạ, các cấp ủy Nam Bộ muốn Ðổi mới cũng phải làm “chui” trong thấp thỏm bị khai trừ “mất tuổi Ðảng”, chờ khi cùng đường mới cầm tay dắt dẫn Lãnh tụ lớn đến xem một vài thành quả, mà cuối cùng khi tình hình sáng sủa ra cũng phải nhường công tích cho sự sáng suốt của Lãnh đạo nơi xa — cả hệ thống đều không nhắc đến công tích của anh du kích Miền Tây, bị kết án 20 năm tù khi kéo lên Tp. Hồ Chí Minh đòi lại ruộng đất buộc vào hợp tác xã (1985?), với cung cách biểu tình nhân dân không khác thời Sài Gòn xưa. Cho nên lại thấy chuyện ngược đời nhưng “thuận chiều lịch sử”, là những cuộc chống đối mạnh bạo gần đây lại nổi lên từ phía Bắc, nơi không bị cái kim cô nguỵ tròng lên đầu.
Tâm tình “thương nhớ Thăng Long” cũng được viện dẫn để che khuất một chính sách Thực dân văn hoá khu vựccó sự yểm trợ bằng binh lực sừng sững, với tổ chức Ðảng sít sao, bằng cuộc di dân khổng lồ theo chính sách nhà nước, mang áp lực quần chúng chiến thắng phục vụ cho những quan điểm văn hoá gọi là “truyền thống”, thừa hưởng từ lịch sử vương triều. Từ chiến thắng xa xưa đến thời “giải phóng” trước mắt, sự kiêu ngạo địa phương cứ theo đà kết tụ của thời gian mà củng cố thành kiến vững chắc. Cho nên ông Nguyễn Ðăng Mạnh, một Nhà giáo Nhân dân, một nhà phê bình văn hoá có tầm cỡ, được trí óc mở rộng theo thời cổ động đoàn kết, đại đoàn kết, đã thấy rõ sự nhơ nhớp của phe phái mình để theo phong trào “đặt cục gạch giữ vị trí sau khi chết”, thế mà cũng vẫn hãnh diện thốt lên: “Ði từ Bắc vào Nam là đi từ nơi có văn hoá cao đến nơi có văn hoá thấp”. “Ðó là khẩu khí của một bậc đại trí thức ở đất Kinh kì ngàn năm văn vật nhìn về miền đất tuổi đời non nớt (?)… một cách bao dung và rộng lượng, như một hoàng đế ở Trung nguyên nhìn ra man di bốn cõi” (Thiếu Khanh, nhà thơ). Và sử gia, nhà nghiên cứu ngày nay chỉ ngồi ở Thăng Long, là “nhìn ra”, thấy hết đất nước Bốn ngàn năm!
Nhìn sự phân bố nhân lực lãnh đạo theo tính cách vùng, miền, tạo cảm giác chia đều – tuy thô thiển nhưng ít ra cũng có vẻ công bình trên bề mặt, một tay sành sõi đã trả lời cho người viên chức Việt kiều đã từng biết chuyện phân chia nghiên cứu dành cho phía Nam các mẩu xương xẩu: “Chỉ là hoa lá cành mà thôi… thật ra vẫn là Bắc Kì làm hết!” Ðúng vậy, cứ nhìn các ông Chủ tịch nước gốc Nam Kì đọc diễn văn theo các tay cò thư kí Bắc về nguồn gốc dân tộc, về tinh thần giữ nước, dựng nước mấy ngàn năm từ cả các ông thần đá, thần cây, thần nước… cứ nhìn ông Thủ tướng của thời Mạnh vì gạo Bạo vì tiền tung bạc xây cất trung tâm đền Hùng, cho ông Phó dự lễ khởi công Dự án tiền tỉ tôn tạo Khu di tích Kinh Dương Vương… thì đủ rõ gốc gác mớ kiến thức thời đại của các ông là từ tâm tình tập thể được nhào nặn từ làng xóm, tập họp tỉnh lẻ đất Bắc, không sai chạy. Quan điểm Nam tiến thoảng qua trong tâm tình lãng mạn, trong học thuật trước 1945, chuyển qua hình tượng cụ thể là các đoàn quân Nam tiến trong chiến tranh, với chiến thắng đã trở thành chứng minh của “quy luật lịch sử” được tiếp nối trong thời bình. Ba trăm năm của Tp. Hồ Chí Minh (thật ra phải là của Sài Gòn) được quảng bá rầm rộ, lấy uy thế chiến thắng phỉnh phờ tự ái của các lãnh tụ địa phương để bỏ qua những xác nhận trung gian thua kém tội nghiệp: 500 năm Quy Nhơn, 600 năm Quảng Nam, 700 năm Huế… mà lần tới Ngàn năm Thăng Long huy hoàng với tiền tỉ phô trương. Như một thông báo của lịch sử, ngọt ngào tình anh trước em sau mà mang quy tắc trật tự trên dưới nghiêm khắc không cho phép chối cãi. Thế vẫn còn là chưa đủ, cho nên phải có Phú Thọ nữa một khi Thăng Long đã mở đường.
Thống kê (2011?) cho biết trong nước có 1417 đền Hùng (Từ Thị Loan 2011). Trong lúc đó cả tỉnh Bắc Giang đến lúc này vẫn không có một đền nào, chỉ độc một đền Âu Cơ, lại nhỏ (Hoàng Thị Hoa 2011). Hùng Vương của xứ Huế gượng gạo trong các phát biểu, tham luận có vẻ vì dù triều đình nhà Nguyễn bị xô đổ đã lâu nhưng đây cũng là nơi có một họ từng chiếm đất của vua Hùng! Sự phát triển có chủ ý dồn dập là ở phía Nam, đặc biệt Nam Bộ. Không rõ “đền Hùng Phú Thọ” thu nhỏ được khoe khoang nằm ở Ðà Lạt, được khánh thành lúc nào nhưng đền tưởng niệm các vua Hùng của Tp. Hồ Chí Minh được chăm chút, trao giải thưởng như đã nói, sau khi chính quyền thấy dựa vào đền Tưởng niệm ở sở Thú và cáí miễu nhỏ ở Công viên Tao Ðàn chưa là đủ. Ở các tỉnh, theo với các chòi lá thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành đền ngói sau chiến thắng thì Hùng Vương được nằm trong các ngôi đền mới xây, hay chiếm đoạt địa vị các ông thành hoàng ở các ngôi đỉnh cũ, giống như trường hợp một miếu Bà (Thiên Hậu) nào đó ở Cà Mâu đã trở thành đền Tổ Mẫu Âu Cơ. Còn trên đất hoang dãterra incognito Tây Nguyên, thì tha hồ tạc tượng, đưa dòng tộc Hùng lên thành bia xi măng cho Mọi chiêm ngưỡng.
Vấn đề cho thấy có cả một chiến dịch dự tính lâu dài, có bài bản, chủ trương “phủ sóng” đền Hùng trên phần đất phía Nam. Ở đây mới thấy rõ rệt tính tạo dựng lịch sử, tính “sáng tạo truyền thống” rất “quyết liệt” của chính quyền mới.
Theo ông Trần Ngọc Tam, Giám đốc sở Văn hoá và Du lịch Bến Tre thì “sau 30-4-1975, một số đình thuộc các huyện Mỏ Cày, Chợ Lách lập bàn thờ Quốc Tổ, tổ chức lễ 10-3”. Phong trào trở thành chính thức cho toàn tỉnh sau khi Quốc Hội công nhận ngày Giỗ Tổ năm 2007. Người ta thực hiện theo cung cách tổ chức chính trị quần chúng quen thuộc. Ban đầu trong năm 2008, mỗi huyện tổ chức chọn một ngôi đình tiêu biểu để làm lễ, làm để rút kinh nghiệm cho những năm sau. Từ huyện đến xã, phường, người ta thỉnh linh vị Quốc Tổ từ UBND xã về đình, tổ chức theo nghi lễ cổ truyền. Xã mới (không có đình) thì làm theo truyền thanh, căng panô, vẽ khẩu hiệu. Chúc văn có lời đại khái: “Việt Nam ta 4000 năm văn hiến… thời đại vua Hùng mở đường dựng nên tổ quốc, từ Hùng Quốc Vương đến Diệp, Hi… (chỉ có 15 tên)… từ Ðinh Lê Lí Trần Lê đến Hồ Chí Minh thời đại…” Chú ý là vẫn không thấy nhắc đến nhà Nguyễn, điều đó chứng minh sự trung thành với mô thức lịch sử được đào tạo từ Hà Nội những năm 1960, chưa có cái gì khác chen vào để có thể gỡ bỏ.
Sự đồng dạng ý thức hệ với Bắc Triều Tiên cũng khiến ta nhìn ra một chút gì giông giống với Bình Nhưỡng khi họ áp đặt quan niệm ông quốc tổ của họ lên toàn thể đất nước. Sử xưa, “truyền thống” cũ thì cho biết ông tổ của người Triều Tiên / Ðại Hàn là Ðàn Quân Vương Kiệm (Tan gun Wang geom), có dòng dõi trị nuớc đến 1500 năm trên một địa điểm ở khu vực phía Bắc, gần giống như “đền Hùng”. Hán Thành chỉ mới dám chuyển qua là nhân vật lịch sử trong sách giáo khoa. Vậy mà Bình Nhưỡng quả quyết là đã tìm thấy xương cốt của nhân vật này, và xây dựng lăng mộ đồ sộ làm chứng cớ tuởng niệm đời đời. Họ chưa chiếm được Ðại Hàn nên không giống như Việt Nam đã có đền vua Hùng, đã “tìm được lăng mộ thuỷ tổ” Kinh Dương Vương (Kiến thức Ngày nay 819:7), còn đòi phải lập đền thờ “các vợ, con (?) vua Hùng, các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trong cả nước” nữa! Ðòi hỏi đó đã mở đầu cho lễ hội ngày 25-2-2013, tổ chức kỉ niệm 4892 năm Ðức Thuỷ tổ khai sinh mở nước, “ông nội vua Hùng” (!) với dự án mở rộng di tích trị giá gần 500 tỉ đồng!
Sự việc Việt Nam chuyển đình làng thành đền Quốc tổ cho thấy manh nha một chủ trương tập trung thần thánh của nhà nước phong kiến vào một “Quốc giáo Hùng Vương”, như muốn thực hiện trên phần đất phía nam để thêm phần tóm thâu quyền lực ở một nơi còn nhiều dạng sắc tộc “không Kinh Việt”. Bến Tre nằm bên cạnh Trà Vinh nhiều dân Khmer Krom, qua Sa Ðec, Sóc Trăng đẩy tới Bạc Liêu lẫn lộn thêm người Hoa đang trở thành bản thổ… sự tổ chức có bài bản như thế có phần nào là tiếp nối Minh Mạng xưa làm việc “cải hoá man di”? Chưa nói đến loại ảnh hưởng Dương di trên nhóm Việt ở đất này, qua 80 năm thuộc Pháp, 20 năm theo Mĩ, cũng tạo thành một chừng mực tập tính “ngoài vòng cương toả” đối với quyền bính Hà Nội, dẫn họ đến phủ nhận kềm thúc ràng buộc, ấm ức với sự quỵ luỵ được tuyên xưng là đạo đức truyền thống.
Có điều hơi khác với thời xưa, dù nhà nước ngày nay siết chặt dân chúng mạnh tay hơn, khiến sự tuân hành được triệt để hơn phần nào thì tính chất nhiều thành phần dân chúng cũng đưa ra những mẫu hình có xê dịch về nền quốc giáo nọ. Trong 20 đền Hùng ở Tp. Hồ Chí Minh chỉ có 3 cái là của nhà nước (số liệu của Trần Chánh Nghĩa 2007), phần còn lại hẳn là của thành phần di dân mới sau 1975, những người giàu có nhờ tư thế chiến thắng cất đền cho riêng mình, theo tâm ý của mình, tâm ý chung mang từ đất Bắc, tất là phải có dạng của những điện phủ của một thế lực thần thánh chở che trên đất lạ. Chắc là không cần ai bắt buộc, nhưng theo xu thế thời đại, chủ nhân khu Giải trí Ðại Nam Văn Hiến ở Bình Dương đã dành một phần xây cất đồ sộ, hoành tráng phổ biến tư tưởng thờ Quốc tổ trong thời mới. Tượng ông Lạc, bà Âu thếp vàng lộng lẫy dưới ánh nắng, building Kim Ðiện sừng sững thu hút từ bên ngoài, oai nghiêm bên trong với hàng dãy lẵng hoa mượt mà mang bảng tên thếp vàng của các chức quyền Ðảng, Nhà nước cao cấp, có ông Ðại sứ Michael Michalak chen vào… Ai bỏ tiền ra người đó cũng có phần, cho nên khung thành khu Giải trí có dáng từ một phim của Trần Khải Ca, Trương Nghệ Mưu, Hồng Kông, Ðài Loan lộn xạo, có ông bà tiên tổ đội mũ Ðường tăng với đàn con Hùng, Lang lau nhau bám chân. Ở đây ông Hùng Vương không chễm chệ một mình trong điện mà phải chia phần với Chủ tịch Hồ Chí Minh không nói làm gì, lại còn phải chừa chỗ khá lớn cho các bà Mẫu Thuỷ, Liễu Hạnh, cho ông Trạng Trình có thơ của chủ nhân diễn ý ưu thời mẫn thế khắc đầy trên tường vách.
Cạnh tranh với ông Ðại gia doạ sẽ xây cho mỗi tỉnh một khu Ðại Nam Văn hiến này, chắc là Công ti Cổ phần Gia Lai CTC (?) với Công viên Ðồng Xanh xây ở xã An Phú cách Pleiku khoảng 10km trên đường xuống Quy Nhơn. Theo lời giới thiệu thì Công viên được bắt đầu năm 1998, dự tính hoàn thành năm 2015, với đền Quốc tổ có mái nhà Rông cao 18m. Trong điện có tượng vua Hùng cao 6m bằng gỗ mít, do nghệ nhân Hà Nội (?!) thực hiện, trước điện có thêm 18 tượng vua Hùng (lại 18 vua Hùng!) với chi tiết, ví dụ: “Hùng Triêu Vương, huý Cảnh Chiêu Lang làm vua 94 năm, sống 286 tuổi có 60 vợ, sinh 40 con trai & 16 con gái, có 56 chi sinh 399 cháu chắt”, cứ y như thật! Trong quần thể đó có thêm chùa Một Cột, lầu Thần Tài, tượng Quan Âm… nói tóm lại, là thêm một kiến trúc bát nháo của một thời (tiền) quay về “cội nguồn truyền thống”, ngang ngạnh đem dốt nát in dấu lên bia bê tông muốn vững bền ngàn thu.
Tuy nhiên sự thờ cúng “phàm tục” như thế cũng là một minh chứng trước mắt về lí thuyết phổ cập, bành trướng văn hoá. Trên đất Bắc, nơi cỗi gốc, người ta trẫy hội dâng hương lễ bái. Tính chất thiêng liêng thấm đượm đến mức người cầm quyền đang vướng víu tính chất thần thánh của quyền lực, cũng thấy phải đòi hỏi chia sẻ nên cố chen lách tìm chỗ đứng trên cao, đẩy Tổ đi chứng nhận quyền chiếm hữu trên các vùng đất mới. Người bình thường, dù có khi không bằng lòng với chính quyền, khi nghe nói “động” tới (các) ông Tổ, dù với các chứng thực chuyên ngành (trường hợp Trần Trọng Dương viết về Kinh Dương Vương) cũng thấy như bị xúc phạm để phải lộ ra những lời mỉa mai, gầm gừ… khó cho người khác biện minh. Thế mà (các) ông Tổ đi vào Nam trên đất của “tiền bạc” Thần Tài, muốn có thu nhập phải qua các cửa bán vé – không phải các hòm công đức. Cái thiêng liêng phải chia phần với ông Trạng Trình (đúng ra là phận con cháu!) và khu Tâm linh của Tổ vẫn phải nằm trong một địa điểm vui chơi, phải nương vào đó để sống còn…

Chính trị, lịch sử và tính nhân văn không mong đợi từ “truyền thống” mới
Rốt lại thì ông Hùng Vương cũng đã chễm chệ khắp mọi vùng bên trong đất nước, theo cả bước chân người di tản lấy niềm tin “truyền thống” che đỡ khuất nhục, nay ông lại có thêm bằng cấp quốc tế chứng minh tính chính thống với thế giới. Nhìn chung thì có thể coi sự tôn xưng Hùng Vương ngày nay là bước tiếp nối của truyền thống Hùng Vương khởi đầu ở thế kỉ XIV, cả hai như một hành động xác định bản thân sau thời kì vùng đất thoát khỏi tay người ngoại quốc. Thời thế có khác nhưng ý định nổi trội vẫn cho thấy chung một tính chất.
Sau thời kì Bắc thuộc, các vương triều củng cố địa vị của mình trên cái xác tan rã của phủ Ðô hộ An Nam, đã cố tìm cho mình một sự chính danh nhưng vẫn phải loay hoay với quá khứ “nội thuộc” mà bằng chứng là vị trí của nhà Triệu trong quyển sử đầu tiên của triều đại Trần. Lí Trần là những tông tộc trị nước nên dù kiến thức có nâng cao theo đà nắm quyền vẫn phải vuớng víu với tông tộc của mình, với tính tông tộc nói chung. Chỉ có những nhà nho tuy mang địa vị thuộc hạ, gia thần nhưng thu nhận kinh sách Trung Hoa mới thấu hiểu được tính chất bao quát của quyền bính, mới đặt vấn đề đi sâu vào quá khứ để tìm hiểu nguồn gốc bản thân, nguồn gốc tập đoàn của mình đang chung sống. Nhưng với kinh sách đã học thì họ không thể tìm được cái gì khác hơn là những điều đã ghi trong ấy. Vì thế mà ông tổ nước của họ, của những người nối tiếp là một CON NGƯỜI, tuy có dính líu với quá khứ mù mờ, thần bí nhưng vẫn là của một dòng tộc NGƯỜI chứ không phải một thần nhân, như của các dân tộc khác có sự xuyên suốt vào trong mịt mù của thời gian không phương tiện ghi chép. Thế rồi bây giờ lại cũng một thời hậu thuộc địa khác, sau sự tuỳ thuộc vào một nền văn minh khác để có chất lượng gây tự tín nâng cấp dòng tổ trong quá khứ. Ðất nước tiến lên một mức độ phát triển chưa từng thấy, đem lại cho những người lãnh đạo một quyền lực vượt trội quá khứ để gom góp tất cả vào trong tay. Nhưng phản ứng giải thực đồng thời lại cũng mang ý nghĩa hướng về quá khứ, cho nên ẩn khuất bên trong tiếng kêu gào giải phóng, là cả một lực lượng bảo thủ không phải chỉ riêng biệt của quốc gia mà là của cả khu vực văn hoá phương Ðông, khiến cho đất nước mang một bộ mặt hỗn độn trong tiến trình xây dựng tiếp theo.
Ở đây, trong vấn đề đang bàn, là tầm mức quyết định sắp xếp quá khứ và vẽ vời tương lai đã không dành cho một sự phản biện nào. Trí thức tuy không còn là gia thần nhưng đã được chuyển đổi lớp vỏ bọc qua vai trò phục vụ “giai cấp” – không cần nói rõ, là phục vụ Lãnh tụ, Ðảng cầm quyền. Vậy mà họ cũng không còn giữ được cả vai trò tích cực trong việc tuyên xưng truyền thống mới như lớp người của họ ở thế kỉ XIV, XV. Ở đây, họ chỉ làm việc phụ hoạ. Tất nhiên cũng vẫn có những cấp độ tuỳ thời thế. Ông Phạm Huy Thông của thế kỉ XX, mang bằng cấp Tây thời không có bao nhiêu người như ông, trong thế phụ họa vẫn nuôi chút kiêu ngạo nên “không cho phép ai lấy danh nghĩa khoa học mà phát ngôn tuỳ tiện” về các vấn đề, như Hùng Vương, theo ông, vốn “nhờ những công trình khoa học (?) mà đã trở thành di sản thiêng liêng của dân tộc”. Người của các thế hệ tiếp nối biết nhũn nhặn hơn.
Không cần phải biện minh đỡ gạt cho những người sử dụng thuyết “sáng tạo truyền thống” để minh hoạ hành động phủ sóng Hùng Vương trên khắp đất nước gom vào một quyền hành từ 1975. Không cần phải bới móc những người sử dụng nhóm từ “case study” thu thập từ trường Ðại học Mĩ để lập một cuộc hội thảo làm bài diễn tập trí thức cao cấp dẫn đến tấm bằng của UNESCO. Sử học Việt Nam là bắt nguồn từ Ban Khoa giáo Trung ương Ðảng, tập họp không phải chỉ dẫn dắt tạo dựng truyền thống Hùng Vương mới mà còn xuyên suốt điều chỉnh truyền thống cũ, để luồn uy thế mình vào tận cõi thiêng liêng. Vai trò thuộc hạ của người trí thức dưới chế độ xã hội chủ nghĩa không hề được né tránh từ những người cầm quyền đến tầng lớp phục vụ. Từ những năm 1980, Viện trưởng Viện Sử học Văn Tạo đã nói rõ trước một hội nghị quốc tế, rằng các nhà sử học Việt Nam làm việc là để phục vụ cho chế độ. Nếu sử gia có lúc nào quên vai trò phục vụ của mình, để đi theo chuyên môn, tìm cách mở lối bế tắc cho ngành thì vẫn có những người bên ngoài, kiên cường rơi rớt từ thời Hồng hơn Chuyên, tự cho mình có nhiệm vụ bảo trì chính thống, nặng nhẹ nhắc nhở, mạnh bạo công kích “những giáo sư đầu ngành (sử học) chao đảo, bấn loạn”. Như trở lại trường hợp các tay “văn học” của nhóm Văn Nghệ Tp. Hồ Chí Minh, Hồn Việt lớn tiếng vào những năm 2006… 2009… từng khoe có ảnh hưởng đến Chỉ thị điều chỉnh lệch lạc của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (16-4-2009) mà đến năm nay (2013) họ còn hãnh diện trưng dẫn, khi ông Chu Giang Nguyễn Văn Lưu móc thêm trường hợp nhà Nguyễn vào chuyện luận văn Hà Nội. Hay khi ông “bác sĩ nhà văn” Nguyễn Văn Hinh bỏ nghề bắt mạch, đăng kí thêm trong tập nhóm dốt nát ăn theo nói leo, kết tội Phan Thanh Giản theo một sự bướng bỉnh chỉ có thể biện minh bằng nhiệm vụ chỉ điềm bảo vệ chính trị trên một vùng đất còn phải canh chừng mà thôi. Tại sao? Bởi vì đồng thời kí kết năm 1862 còn có một ông Lâm Duy Hiệp của một vùng khác (Bình Ðịnh), chưa bao giờ được “nồng nhiệt” nhắc nhở đến như vậy.
Qua bao “đổi mới”, nhà nước Việt Nam cũng vẫn không buông bỏ nguyên tắc lãnh đạo đó. Mới nhất, là trong nghị định thành lập Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam : “Viện… là cơ quan thuộc Chính phủ, có chức năng nghiên cứu những vấn đề cơ bản về Khoa học xã hội, cung cấp luận cứ khoa học cho Ðảng và Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển nhanh và bền vững theo định hướng Xã hội chủ nghĩa; thực hiện tư vấn về chính sách phát triển; đào tạo sau đại học về khoa học xã hội; tham gia phát triển tiềm lực khoa học xã hội của cả nước.” Ở một cơ quan mang tầm mức tinh hoa của đất nước như thế mà cũng chỉ có những người làm nghiên cứu minh hoạ những chính sách và luận cứ của Ðảng mà thôi. Ðảng và chính quyền đủ tự tin đến mức không ngại gặp chút phản ứng bất lợi nào khi cho xuất bản các loại sách như Trại súc vật của H.G. Wells, hay trực tiếp hơn, cho in hồi kí của Nam Ðình (2011) mà không cắt bỏ những đoạn “nhạy cảm” về khía cạnh thổ phỉ, man dã trong cuộc chiến chống Pháp của Thành đồng Nam Bộ. (Và cũng để không ngạc nhiên như những người lo sợ cho số phận của tác giả Bên thắng cuộc khi về nước).
Sự phối hợp thành công của người cầm quyền và nhà trí thức thời đại trong vấn đề đạt bằng cấp quốc tế như trong vụ Hùng Vương này đã khiến họ thấy có thể phát huy khả năng “biết cách thi đậu” với lối dạy kèm trong nền khoa cử Nho học cũ, mà dự tính cho sự thành công mới trong hồ sơ di sản lắp ghép “Tràng An – Ninh Bình”, phối hợp cảnh quan thiên nhiên vùng Hoa Lư Ninh Bình và hơi hám mấy cái đền Ðinh Lê từng bị thất bại vì không đủ tầm mức phải có. Tất nhiên trong tình thế đó, dân chúng cũng được lợi, có khi khá lớn mà không thấy, từ sự khoe mẻ, cầu cạnh của Ðảng khi họ muốn tạo dựng cho mình một bộ mặt quốc tế đi kèm với sự củng cố quyền lực. Ít ai chú ý rằng một số dân quyền, nhân quyền bình thường của nhân loại ngày nay đang hưởng thụ, chỉ đến với người dân Việt Nam qua các sự nhượng bộ của Ðảng và nhà nước trong những hiệp ước quốc tế liên can đến sự tồn vong của họ. Trước mắt, tuy cũng có vẫn những ứng phó cứng rắn như từ bản chất của chế độ nhưng cũng nổi bật là sự buông bỏ khá bất ngờ trong vài vụ án, vài sự kiện (như vụ người tù thế kỉ Nguyễn Hữu Cầu cô đơn vì ở phía “nguỵ”), và nổi bật trong việc đối phó với lớp thanh niên thời @ ra ngoài nước cổ động cho dân chủ, nhân quyền lần mò vào tận Quốc hội Mĩ… giữa lúc Ðảng vận động xin, và được vào Hội đồng Nhân quyền mà sự vụ được hãnh diện loan truyền trong nước dẫn đến sự dễ dãi cần thiết cho bộ mặt mới.
Cho nên ghép ông Hùng Vương làm Quốc Tổ, nếu có nhà sử học nào thực sự không bằng lòng cũng vẫn phải né tránh để cho các tay gần-như-sử-gia vung vẩy theo ý Ban Khoa giáo, với trình độ ngang với tầm mức xuất thân của họ. Không khí hội kín của đảng phái, ước vọng hướng về tương lai trong chủ nghĩa xã hội đại đồng của những người cộng sản Việt Nam có những yếu tố thần bí sâu kín khiến cho, một khi thất vọng với đại cục đổ vỡ, họ dễ quay về tìm trong quá khứ những hào quang cũng là tưởng tượng trên một đất nước họ đã bỏ công xây đắp quyền hành. Mười bốn thiếu nữ trong buổi lễ 19-4 đã nói kia là hiện thân của tâm lí ngưỡng vọng thần thánh của những người đang lãnh đạo đất nước, cố chứng minh sự nối kết tính chính thống của Ðảng Cộng Sản với quá khứ xa xưa. Họ không màng đến lời phản bác họ “lấy truyền thuyết biến thành quốc sử”.
Tuy nhiên dù có thế nào thì nhà nước cũng gặp phải phản kháng. Không thể mạnh để có loa kèn, báo chí, nên chỉ có những tiếng nói ngoài luồng, cũng là dấu vết may mắn từ thời thế internet. Dài dài suốt trong thời gian nhà nước “sáng tạo truyền thống mới” cho Việt Nam thời WTO, đã tiếng nói nhạo báng của những người dù không chuyên môn nhưng tâm trí đủ bình thường để nhận ra những áp đặt ngang ngược, ràng ràng dễ thấy nhất. Blogger Le Minh Khai, chuyên viên mang nhiều kiến thức bao quát về Ðông Nam Á thường chen vào chỉnh sửa các định kiến về sử Việt theo ngẫu hứng, trong trường hợp này thấy có cách nhạo báng là mong muốn người ta lập một Khu giải trí Con Rồng Cháu Tiên để cạnh tranh với Walt Disney. Vì ở xa, ông không biết người ta đã thực hiện rồi, có điều chúng mang tính cách “dung hợp” xuề xoà theo truyền thống dân tộc, nên các ông tổ lại được dựng lên bát nháo trong Kim Ðiện hoành tráng, trong khu gọi là Văn hoá Tâm linh nằm giữa khuôn viên giải trí có cọp beo, kịch nghệ thiên đường địa ngục, có ăn uống nhà hàng tiệc cưới…
Trong nước, người phản bác (Nguyễn Trần Sâm 2013) thẳng thắn cho thấy sự ngang ngược của nhà cầm quyền: “Người ta đang muốn dùng bộ máy nhà nước để áp đặt… bảo chúng ta, con cháu chúng ta… rằng chúng ta, bắt đầu từ vua Hùng, chính là con cháu của Lạc Long Quân và Âu Cơ… Một vị lãnh đạo rất cao cấp còn đăng đàn ‘dạy’ cả nước rằng cả 87 triệu người Việt Nam ở trong nước hiện nay và mấy triệu Việt kiều ở nước ngoài đều sinh ra từ một cái bọc, rằng chúng ta phải tự hào vì ‘ít nơi nào trên thế giới có cái đó lắm’. Và không chỉ nói, họ còn bày ra những trò ‘giỗ Quốc tổ’, một nghi lễ quốc gia chính thức, cứ y như thật!”
Và cũng với tâm thức lên đồng đó trong tình trạng nắm vững quyền lực, các lãnh tụ kia dễ chia sẻ tính lấn lướt cá nhân với tập nhóm quen thuộc. Họ không màng đến thắc mắc của Lại Nguyên Ân (3-12-2012): “Vua Hùng là ông tổ của một trong 54 dân tộc hay của cả 54 dân tộc ở Việt Nam?” Ông này nhận thấy: “Ở Việt Nam ta (?) đang dùng cách mở rộng các thần tượng của một dân tộc đa số (dân tộc Kinh) thành ra thần tượng cho các dân tộc thiểu số khác cùng sống trên đất Việt. Cái dụng ý biến lễ giỗ của vua Hùng từ giỗ tổ của người Kinh thành quốc lễ của mọi người dân có quốc tịch Việt là ví dụ rất rõ. Đây hiển nhiên là sự áp đặt văn hoá của tộc người đa số cho các tộc người còn lại”. Ông đã quá lí tưởng khi cho rằng: “Phải từ chỗ tôn trọng cội nguồn riêng mỗi dân tộc… cùng sinh tồn trên đất Việt hiện tại để xây dựng ý thức cộng đồng”. Quan điểm nhân văn bình thường như thế của ông đưa ra thật là lạc lõng trong tình thế chung như đã thấy. Về mặt sĩ diện người ta vẫn né tránh không dùng chữ “Mọi” chẳng hạn, vẫn tha thiết về tinh thần đoàn kết với những người “anh em” thiểu số nhưng thực tế là khinh thường, lấn lướt họ không còn đất sống, dẫn đến tình trạng tự huỷ diệt, khuất lấp im lìm. Ta chỉ lấy làm lạ là ông đã ngạc nhiên thấy “không ít chuyên gia am hiểu, không ít quan chức, không ít nhà khoa học, thậm chí nhà sử học hàng đầu, lại tán thưởng, thậm chí góp sức luận chứng cho cách làm này, — cách làm mà trên thực tế, nó chính là một thứ sô vanh văn hoá…” Có vẻ ông còn nhiều lạc quan về những người trí thức trong nước, chưa phân biệt rõ giữa kiến thức và ý thức phục vụ. Nếu ông biết rằng có Giáo sư Tiến sĩ người Choang cố ép “lịch sử” cho giống với ý định của nhà cầm quyền Việt Nam (để cầu cạnh hay phỉnh phờ?), bịa chuyện có 46 ông Lang thuộc phần của Bà Âu (thật ra phải là của ông Lạc) bị chết chìm cho số còn lại đủ 54 người, toả ra đủ số 54 dân tộc gộp thành Việt Nam hiện tại, thì ông còn bi quan về trí thức xã hội chủ nghĩa tới đâu! Và có lúc ông cũng đã nhận thấy sự lấn lướt không phải chỉ diễn ra giữa dân tộc lớn và các dân tộc nhỏ.
Kết quả, chủ nghĩa xã hội style Việt Nam rộng lớn, giàu có, ngày nay ít ra cũng cho thấy sự đồng nhất trong hiện tại có tương lai gần gũi nơi đám người tuổi teen, thanh niên làm fan cho nhà văn tỉ phú đầu tiên của xứ sở, không chỉ khoả lấp câu than vãn xưa cũ “… An Nam khổ như chó” (Nguyễn Vỹ) mà còn góp phần tạo lạc quan cho đời mới trước mắt. Cho nên cũng chỉ là thoảng qua của người cùng thời, nhắc nhở chuyện bình thường của một ngôi trường danh tiếng bị đánh mất truyền thống (Mùa hè năm Petrus 2013), qua dáng vẻ bình thản mà khêu gợi cho người đọc sự nuối tiếc dằn nén, như một ẩn ức phản kháng của một danh vị bị soán đoạt vẫn còn phải chịu đựng sự canh chừng rình mò đe nẹt không mệt mỏi của những người nhân danh sự thống nhất, không chừa chỗ nào cho sự khác biệt, muốn xoá sạch quá khứ của một địa phương, một vùng…
Những người cầm quyền như thế vốn biết tự mình có thể làm lịch sử, có thể tạo ra truyền thống không gặp tranh cãi, đã thấy kết quả hình thành, bên trong thì trống cờ tở mở, tuyên xưng thành tích trường trị nhất thống giang hồ, người ngoài cứ nhìn theo đó mà ban phát ân huệ, sự việc thuận chiều thời thế lịch sử đến thế, việc gì họ phải dừng tay vì những lí do hoa hoè bay bổng, để đi tìm một nguồn nhân văn hợp với một thời đại văn minh không có trong đầu óc của họ?
 

2-1-2014
*Dẫn từ bài và tác giả trong cuộc Hội thảo Phú Thọ 2013. Tuy có đọc những dòng chữ kiểu “All Rights Reserved” nhưng vì lẩm cẩm nên đã quên mất. Và dù sao cũng thấy phải cảm ơn (những) người giúp tác giả gây tội. Và cũng nhờ đọc Pro & Contra mà biết Lê Ðức Thọ đã an ủi những nạn nhân của ông ta, là “Ði tù cũng là tham gia chống Mĩ cứu nước”.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét