Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Năm, 21 tháng 7, 2016

Chủ tịch Hồ Chí Minh và cố vấn Vĩnh Thụy

baodaihcm
Tác giả: Nguyễn Đắc Xuân
Từ hơn nửa thế kỷ qua, đối với người dân Huế, mỗi lần nhắc đến lịch sử Cách mạng tháng Tám năm 1945, người ta lại nhớ đến sự kiện vua Bảo Đại thoái vị chấm dứt thời đại quân chủ ở Việt Nam và nhớ đến chuyện Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện chính sách đoàn kết dân tộc đã mời ông vua vừa thoái vị làm cố vấn cho Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945-1946). Là một người nghiên cứu Huế, nghiên cứu Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thừa Thiên Huế, tôi đã sưu tầm được khá nhiều tư liệu lịch sử có liên quan đến mối quan hệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Cố vấn Vĩnh Thụy. Tôi xin trích 4 tư liệu sau đây để độc giả thưởng lãm và nhớ đến Bác.
1 . Hồi ức của sĩ quan hầu cận
Qua gia đình của cụ Hoàng Xuân Hãn ở Paris, tôi được biết ông Hoàng Xuân Bình, học viên của trường Thanh niên tiền tuyến đã được cử làm sĩ quan hầu cận cho cố vấn Vĩnh Thụy hồi đầu tháng 9/1945. Một buổi sáng tháng 8 năm 1999, tôi tìm đến nhà ông Bình ở cuối đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.3, TP.HCM) đối diện với chùa Vĩnh Nghiêm. Tôi xin phép được hỏi về những kỷ niệm của ông trong thời gian ông làm sĩ quan cận vệ cho cố vấn Vĩnh Thụy.
Ông Bình nặng tai và người không được khỏe nên ông từ chối trả lời những câu hỏi của tôi. Thay vào đó ông đưa cho tôi một trang báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam có đăng bài cố vấn Vĩnh Thụy và tờ tạp chí Văn nghệ Nghệ Tĩnh, số 45, tháng 5/1991 với bài Hồ Chủ tịch và cố vấn Vĩnh Thụy. Cả hai bài đều do ông Hoàng Xuân Bình kể, và thầy giáo Lê Trần Sửu ghi. Ông Bình bảo tôi:
– “Lúc kể cho Lê Trần Sửu ghi, trí nhớ của tôi còn rất tốt. Bây giờ quên đi nhiều rồi. Anh xem khai thác được điều gì bổ ích… cứ việc!”.
Đó là lần đầu tiên tôi được gặp ông Bình và không ngờ cũng là lần cuối cùng. Ông Bình đã mất vào tháng 4 năm 2000. Xin phép người quá cố tôi trích một đoạn trong Văn nghệ Nghệ Tĩnh để độc giả cả nước thưởng lãm:
“Bắt đầu 5/9, tôi một mình làm nhiệm vụ “sĩ quan hầu cận” của tối cao cố vấn, vì anh Nguyễn Thế Lương nhận lệnh về Huế công tác.
Sáng 5/9, quân phục chỉnh tề, tôi theo ông Vĩnh Thụy đi ra mắt Hồ Chủ tịch. Bác ra đón tại cửa phòng làm việc trong bộ đồ ka-ki kiểu cổ đứng, hai tay mở rộng – một cử chỉ đầy ý nghĩa – vừa thân tình vừa trọng thị, làm ông vua cũ hình như cũng bất ngờ một cách thích thú.
Độ hơn một tiếng đồng hồ sau, Bác Hồ lại tiễn ông cố vấn ra tận cửa chính của Bắc bộ phủ, nơi xe đã tiến lên đón ông Vĩnh Thụy trở về. Ông lộ hẳn ra mặt sự mừng rỡ, mãn nguyện về cuộc tiếp kiến và cho biết buổi chiều Cụ Chủ tịch sẽ tới thăm tại nhà ở 51 đường Gambetta.
Ba giờ chiều, tất cả nhà, từ ông cố vấn cho tới người cần vụ, người nấu bếp, lái xe, các anh em trong tiểu đội canh gác đều sẵn sàng và bị thu hút chờ đón vị Chủ tịch ở sân trước biệt thự.
Xe Bác vào. Bác tới cùng mấy người nữa. Ông Vĩnh Thụy chờ đón Bác dưới chân tam cấp lớn, và hướng dẫn Bác lên phòng khách đón. Tất cả chúng tôi đều kéo theo lên và quên hết phép tắc, cũng vào cả trong phòng khách mà chẳng ai nhắc nhở can ngăn kể cả anh sĩ quan bảo vệ Bác.
Sau ít phút trò chuyện trong phòng, Bác đề nghị đi dạo ngoài vườn để nói chuyện. Thế là hai người khoác tay nhau – đúng hơn là Bác khoác tay ông cố vấn – xuống sân và dạo theo các lối đi rải sạn, chuyện trò thân mật như những người cố tri. Thật là một cảnh tượng có lẽ là có một không hai trong lịch sử mà mỗi một chúng tôi được chứng kiến hôm đó đều xúc động. Một cựu hoàng đế, mập mạp, phương phi, quần áo đúng mốt sang trọng của Paris hoa lệ cắt bằng vải đắt tiền, giày da hai màu, bóng loáng cùng khoác tay đi dạo rất “tâm đắc” với một nhà cách mạng lão thành đã mang án tử hình của nhà nước thực dân, phong kiến mà người kia là một kẻ tiêu biểu, một con người giản dị vô song, quần áo ka-ki thường cắt theo kiểu cổ lỗ, chân xỏ đôi giày “tàu” vải đen, hồn nhiên như thanh sắc của cây cỏ tỏa quanh bước chân dạo đi của Người.
… Sau đó, khi mở đầu “Tuần lễ vàng” Hồ Chủ tịch cử Cố vấn thay mặt Chủ tịch nước khai mạc. Diễn văn khai mạc do ông Phạm Khắc Hòe soạn, và trước khi đi dự lễ, ông Vĩnh Thụy đọc thử cho tôi nghe. Ông đọc giọng Huế, không trôi chảy mấy và ngắt câu nhiều chỗ không đúng. Khi được nhận xét như vậy, ông đã nhờ tôi dùng viết chì màu đánh dấu các chỗ ngắt giọng. Buổi lễ khai mạc diễn ra ở thềm trước Nhà hát thành phố. Sau khi đọc diễn văn một cách trôi chảy, ông cố vấn trở lại chỗ ngồi, đi qua chỗ tôi không quên cảm ơn bằng một nụ cười kèm theo một cái lè lưỡi kín đáo như mừng rỡ đã “tai qua nạn khỏi”.
Hồi đó, Hội đồng lập hiến được thành lập để làm dự thảo Hiến pháp. Ông cố vấn là thành viên của Hội đồng, thành phần rộng rãi, trong Việt Minh, ngoài Việt Minh, nhân sĩ, trí thức có tiếng tăm.
Một hôm, gặp thầy cũ là ông Đặng Thai Mai, ông cho tôi biết nhận xét của ông (cũng là một thành viên của Hội đồng):
– “Ông Vĩnh Thụy tưởng là người ăn chơi nhưng không ngờ lại có những hiểu biết khá rộng về pháp lý và có nhiều ý kiến hay”.
… Sau đó không lâu, một hôm đi làm việc về, ông qua buồng tôi, bảo nhỏ cho tôi biết rằng Cụ Hồ đề nghị ông thay mặt Chính phủ đi một chuyến qua Trung Quốc, Pháp, Anh, Mỹ để giới thiệu chế độ mới, vận động họ công nhận nước Việt Nam độc lập. Tôi thầm nghĩ trong bụng, khâm phục tài sử dụng người của Cụ Hồ, đưa một cựu hoàng vừa thoái vị nhường quyền cho chế độ Cộng hòa đi tuyên truyền cho chế độ đó!”
2. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói gì với Cố vấn Vĩnh Thụy đang đi công cán ở nước ngoài?
Cố vấn Vĩnh Thụy ra nước ngoài vào ngày 16/3/1946. Mấy tháng sau, Bác Hồ đã gởi một lá thư trao đổi công việc với ông. Trong lá thư ấy Bác đã nhắc nhở ông phải luôn luôn nhớ đến vai trò quan trọng mà đất nước đang giao phó cho ông. Ông phải sống xứng đáng với vai trò đó. Nhà sử học Pháp Jean Lacouture đã được đọc lá thư ấy và đã trích dẫn vào sách HO CHI MINH, (Le Seuil, 1967), một đoạn sau:
“Ngài chớ quên rằng Ngài là đại diện cho nước Việt Nam và lịch sử Việt Nam. Ngài phải làm thế nào để đời sống cửa Ngài xứng đáng với cái tên mà Ngài đang mang, xứng đáng với Tổ quốc chung, với nền độc lập của chúng ta đến nay mới giành lại được” (tr.114).
Trước ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946) – theo bà Mộng Điệp (vợ thứ của Vĩnh Thụy) – Bác Hồ đã cử bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đem tiền và vàng qua Hồng Kông cho Cố vấn Vĩnh Thụy tiêu. Đến trước tháng 8/1947, trả lời phỏng vấn của báo chí về Cố vấn Vĩnh Thụy, Bác Hồ không ngần ngại đáp rằng:
“Nhiều thành viên trong Chính phủ và bản thân tôi, tất cả đều là bạn của ông Cố vấn Vĩnh Thụy, chúng tôi rất mong muốn gặp lại ông Cố vấn và cầu mong ông Cố vấn sớm trở về để cùng nhau lo việc nước. Nhưng Cố vấn Vĩnh Thụy hiện nay (7/1947 NĐX) không thể rời Hồng Kông được. Chúng tôi xa mặt chứ không cách lòng. Chính phủ và nhân dân Việt Nam hoàn toàn tin tưởng vào sự trung thành của Cố vấn Vĩnh Thụy hiện đang ở nước ngoài nhưng vẫn tiếp tục làm việc cho chính phủ quốc gia mà Cố vấn vẫn là thành viên”. (trích lại của Philippe Devillers, Histoire du Viet-Nam de 1940-1952, Eïdition du Seuil, 1952, p.402).
Bác Hồ rất tin tưởng cố vấn Vĩnh Thụy, nhưng cố vấn Vĩnh Thụy vốn rất nhu nhược, không vượt qua được sự túng thiếu về tài chính và các cạm bẫy của mật thám Pháp và các thành phần thân Pháp nên ông đã bị đẩy vào cái thế phải trở lại làm bù nhìn cho thực dân Pháp, phản bội lại chính nghĩa của quốc gia, chống lại kháng chiến giải phóng dân tộc, đối đầu với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đã cưu mang và tin tưởng ông. Nhưng, tuy nhu nhược, Vĩnh Thụy là người có lương tri cho nên khi gặp cơ hội thuận tiện ông vẫn không giấu được những tình cảm tốt đẹp về Bác Hồ, về kháng chiến đã ẩn sâu dưới đáy tim ông.
3. Bảo Đại qua điệp viên A.13
Người điệp viên đầu tiên của cách mạng (A.13) được “Quốc trưởng” Bảo Đại tin dùng là ông Nguyễn Văn Hoàng. Khai thác tư liệu của ngành an ninh và lời tự thuật của ông Hoàng, nhà văn đại tá Công an Lê Tri Kỷ (1924-1993) đã viết cuốn Câu lạc bộ chính khách (Nxb Công an nhân dân, H.1986). Ông Hoàng nguyên là công nhân nhà máy Dĩ An, hoạt động cách mạng từ sau năm 1930. Hồi đầu kháng chiến chống Pháp, ông làm Trưởng ty Công an Thanh Hoá, sau đó ông được tướng Nguyễn Sơn và ông Đặng Thai Mai đưa vào thành hoạt động giả danh lãnh tụ đảng Phục Việt (không có thật) – “một đảng chính trị tham gia kháng chiến ngoài cộng sản”.
Ông Hoàng cùng với “người bảo vệ” Trúc Lâm (Điệp viên A.14) vào Đà Lạt tiếp kiến “Quốc trưởng” Bảo Đại tìm cách thúc đẩy Bảo Đại can thiệp với quân đội Pháp làm sao tránh được những cuộc càn quét bắn phá tỉnh Thanh Hoá – cửa ngõ vào Nam, nơi cung cấp người và lương thực cho kháng chiến và cũng là nơi có lăng Triệu Tường tổ tiên của dòng họ nhà Nguyễn của Bảo Đại. Lần đầu gặp Bảo Đại, Văn Hoàng có cảm tưởng như sau:
… “Đã quen với hình ảnh Bảo Đại in trên bìa vở học sinh và truyền đơn quảng cáo Hiệp ước Hạ Long rồi, thế mà khi trông thấy ông ta đứng dậy dạng chân khoanh tay giữa phòng đợi, Văn Hoàng không khỏi bỡ ngỡ pha lẫn buồn cười. Ông ta to quá, khoẻ quá kềnh càng quá, ngước trông lên cứ tưởng như ông bị sưng cằm. Trong lòng bàn tay to rộng ông ta đưa ra bắt, bàn tay Văn Hoàng chỉ như tay con nít.
Sau giây phút ngỡ ngàng, Văn Hoàng nhanh chóng trấn tĩnh nhếch một nụ cười thân thiện thay một lời chào chưa nghĩ kịp. Nhưng rất chủ động và lịch thiệp, Bảo Đại không để anh lúng túng chờ đợi:
– Ông ở ngoài nớ vô, thế có được tin tức gì về Cụ Hồ Chí Minh không? Ngài có được mạnh khỏe không? Các ông bộ trưởng trong Chánh phủ kháng chiến có được mạnh khỏe không?
Mở đầu thật bất ngờ. Không phải đối thoại căng thẳng mà là thăm hỏi thân tình. May sao sức khỏe Bác Hồ thì có người dân nào là không theo dõi? Văn Hoàng trả lời lưu loát:
– Tôi không được nghe gì về các ông bộ trưởng nhưng về Chủ tịch Hồ Chí Minh thì luôn luôn được nghe nói tới. Cụ vẫn rất khỏe, đi bộ mỗi ngày 40 cây số, nhiều thanh niên theo được còn là mệt.
Bảo Đại nuốt tiếng thở dài. Giọng ông ta đã trầm, mồm như dầy lưỡi, lại nói thứ tiếng Huế khê đặc nên rất khó nghe:
– Tôi đã từng sống cạnh Cụ Hồ, nghe Cụ nói chuyện, cùng Cụ đi công cán hay chủ tọa nhiều phiên họp nội các, từng chứng kiến đức độ của Cụ, coi Cụ như cha và cũng được Cụ thương yêu như con. Những điều đó đã để lại trong lòng tôi không ít kỷ niệm đẹp, và có thể nói nó chi phối không ít những việc làm của tôi kể từ ngày tôi xa Cụ tới nay (1950)…”
Đọc đoạn trao đổi này tôi hơi nghi ngờ. Do đó nhờ nhà văn Vũ Hạnh giới thiệu, tôi đã được gặp ông Nguyễn Văn Hoàng (điệp viên A.13 năm xưa). Năm nay ông Hoàng vừa tròn tuổi 93 tuổi, nhà ở tại đường Lê Văn Sỹ, Q.3 Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Hoàng đã xác nhận những gì Lê Tri Kỷ đã viết và được tôi vừa trích dẫn trên là đúng sự thật. Từ đó tôi mới tin.
Trong buổi lễ vận động cứu đói tổ chức trước Nhá hát lớn Hà Nội. Ngồi hàng trước, từ trái sang phải: Cụ Nguyễn Văn Tố, tướng Mỹ Gallagher (Đại diện LL Đồng Minh), Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cố vấn Vĩnh Thụy, cụ Ngô Tử Hạ. Ảnh: TL
Trong buổi lễ vận động cứu đói tổ chức trước Nhá hát lớn Hà Nội.
Ngồi hàng trước, từ trái sang phải: Cụ Nguyễn Văn Tố, tướng Mỹ Gallagher (Đại diện LL Đồng Minh), Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cố vấn Vĩnh Thụy,cụ Ngô Tử Hạ. Ảnh: TL
4. Vào cuối đời Cựu hoàng Bảo Đại nói gì về Chủ tịch Hồ Chí Minh?
Việc thoái vị của Bảo Đại là một sự kiện lịch sử lớn. Nếu người dân Việt Nam còn muốn nhắc đến Bảo Đại chính vì hành động thoái vị của ông vào ngày 30 tháng 8 năm 1945. Bảo Đại cũng biết thế. Trước khi vĩnh biệt cuộc đời (31/7/1997), Bảo Đại đã nhờ người viết hồi ký Con rồng An Nam (Le Dragon d’Annam), trả lời phỏng vấn trên đài Phát thanh Pháp, trả lời phỏng vấn đài truyền hình Pháp về sự kiện ông thoái vị. Trong chuyến đi Pháp (1999) tìm tài liệu nghiên cứu triều Nguyễn và Huế xưa, tôi đã có dịp tiếp xúc với những gì ông Bảo Đại còn để lại có liên quan đến sự kiện này. Theo tôi, cuốn phim ông trả lời phỏng vấn nhà sử học nổi tiếng của Pháp Fédéric Mittérand của đài truyền tình Pháp là đầy đủ và trung thực với ông nhất.
Tôi xin trích một số câu hỏi của nhà báo sử gia Fédéric Mittérand và câu trả lời của Bảo Đại (do kỹ sư Bùi Hữu Lân dịch qua Việt ngữ):
Và Ngài đã đi Hà Nội để gặp ông Hồ Chí Minh. Điều kỳ lạ là ông Hồ Chí Minh đối xử với Ngài với một sự cung kính đặc biệt?
– Vâng, xin đừng quên rằng ông Hồ Chí Minh xuất thân từ một gia đình Nho giáo… Ông cấm những người xung quanh ông gọi tôi bằng đồng chí, bằng những tên gọi của giai cấp vô sản, ông luôn luôn gọi tôi là Ngài.
– Ông Hồ Chí Minh mời Ngài làm Cố Vấn Tối Cao của chính phủ?
– Vâng, lúc đó không một lý do gì để mà từ chối bởi vì mọi người Việt Nam đều theo ông Hồ. Điều chúng tôi muốn, là nước nhà phải được độc lập. Tôi muốn làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ. Mọi người Việt Nam đều muốn ủng hộ chính phủ ấy để tranh thủ một nền độc lập thực sự.
– Ngài đã ở gần ông Hồ Chí Minh, ông ấy đã cho Ngài cảm tưởng thế nào về ông ấy? Nay đã qua một thời gian dài, cảm tưởng ấy có thay đổi nhiều không?
– Không, không thay đổi. Tôi luôn luôn xét ông Hồ Chí Minh ngoài cái tư tưởng cộng sản của ông ấy…
– Nhưng đối với Ngài, ông Hồ cũng là một nhà ái quốc?
– Đối với tôi, còn hơn thế nữa, đó là một người có tinh thần quốc gia. Ông là một người yêu nước (C’est pour moi en plus, c’est un nationaliste. Il aimait son pays)…
– Trong cuốn sách của Ngài (cuốn Le Dragon d’Annam) không thấy có một lời buộc tội khắt khe nào đối với ông Hồ. Ngài quý trọng ông Hồ? Và cũng thế, quả là rất ngạc nhiên khi thấy ông Hồ không bao giờ công kích Ngài?
– Không, không có lý do gì để tôi công kích ông ấy. Ban đầu, tôi còn ủng hộ ông ấy nữa. Cố gắng đưa nước nhà thoát khỏi chiến tranh, vì chúng ta đã khổ vì chiến tranh.
– Lúc ấy Ngài đã biết gì về chủ nghĩa Cộng sản? Ngài đã nắm hết chủ nghĩa Cộng sản?
– Không, tôi biết rất ít.
– Trong khoảng thời gian hai năm ấy (1945-1946), Ngài đã ở bên cạnh ông Hồ, và Ngài đã giúp cho ông ta nhiều việc quan trọng. Nếu phải lập lại việc này hôm nay, Ngài cũng sẽ lập lại chăng? Ngày nay Ngài đánh giá việc này thế nào?
– Còn tùy. Nếu là vì hạnh phúc của nhân dân tôi, tôi cũng sẽ làm vậy (Cà dépend. Si c’est pour le bien de mon peuple, je le ferais).
Điểm lại bốn đoạn trích trên của người trong cuộc, của các nhân chứng lịch sử, của ngành an ninh chúng ta thấy dù ở trong hoàn cảnh nào vua Bảo Đại – cố vấn Vĩnh Thụy – “Quốc trưởng” Bảo Đại – ông vua lưu vong sắp từ giã cuộc đời vẫn trước sau một lòng yêu kính Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nguồn: Hồn Việt

0 nhận xét:

Đăng nhận xét