Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2016

Phê bình lý thuyết chiến tranh đánh lạc hướng


Nguồn: Jack S. Levy, “The Diversionary Theory of War” (Chapter 11), in Manus I. Midlarsky (ed.), Handbook of War Studies (Boston: Unwin Hyman, 1989), pp. 259-288.
Biên dịch: Lê Thùy Trang | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Việc giới tinh hoa chính trị thường thực hiện các chính sách đối ngoại phiêu lưu hoặc thậm chí là gây ra chiến tranh để đánh lạc hướng dư luận trong nước khỏi các vấn đề kinh tế và xã hội trong nước, cũng như củng cố sự ủng hộ chính trị nội bộ là đề tài không mới của chính trị quốc tế.[1] Thường được đề cập đến dưới tên gọi “giả thuyết con dê tế thần” (scapegoat hypothesis) hoặc “thuyết chiến tranh đánh lạc hướng” (diversionary theory of war), tư tưởng này là một trong số ít lý thuyết ở cấp độ xã hội bên cạnh học thuyết Mác – Lênin về chủ nghĩa đế quốc nhận được nhiều sự chú ý của các tài liệu lý thuyết về xung đột quốc tế.[2] Giả thuyết này được sử dụng làm cơ sở để giải thích nhiều sự kiện lịch sử, cũng như làm xuất hiện một số lượng đáng kể các nghiên cứu thực nghiệm định lượng về mối quan hệ giữa xung đột trong và ngoài nước. Nghiên cứu này nhằm mục đích: (1) khảo sát các tài liệu lý thuyết, định lượng và lịch sử liên quan tới chiến tranh đánh lạc hướng, (2) xác định một số vấn đề khái niệm quan trọng, và (3) phát triển cao hơn các liên kết lý thuyết giữa lợi ích chính trị trong nước của giới tinh hoa chủ chốt với việc xảy ra chiến tranh.
Nhiều học giả đã lưu ý việc các nhà lãnh đạo chính trị sử dụng chính sách đối ngoại hiếu chiến để củng cố vị thế chính trị trong nước của họ. Bốn thế kỷ trước, Shakespeare (1845) đã đề nghị với các chính khách rằng “hãy để tâm trí người dân quay cuồng bận rộn với những cuộc cãi vã ở nước ngoài” (Be it thy course to busy giddy minds/With foreign quarrels) và Bodin (1955, 168-169) chỉ ra rằng “cách tốt nhất để gìn giữ quốc gia và bảo vệ quốc gia khỏi sự nổi loạn và nội chiến là tìm ra một kẻ thù để (các thần dân) có thể cùng nhau chống lại”. Hai trong số các học thuyết hàng đầu về chủ nghĩa đế quốc nhấn mạnh rằng các lợi ích chính trị trong nước chi phối sự bành trướng ra bên ngoài. Lênin (1935, V, 123) coi Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất như là một nỗ lực của tầng lớp đế quốc nhằm “chuyển hướng sự chú ý của dân chúng lao động khỏi cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ”. Những người theo chủ nghĩa Mác– Lênin lập luận một cách khái quát hơn rằng chủ nghĩa đế quốc và chiến tranh là những công cụ mà các nhà tư bản sử dụng để bảo vệ vị trí chính trị cũng như đảm bảo các lợi ích kinh tế của mình trước các lực lượng cách mạng trong nước. Schumpeter (1939) cho rằng chủ nghĩa đế quốc và chiến tranh không phải phục vụ lợi ích của tầng lớp tư bản mà phục vụ lợi ích của giới tinh hoa quân sự – tầng lớp đã sử dụng chiến tranh và mối đe dọa chiến tranh để hợp pháp hóa và duy trì vị trí áp đảo của mình ở trong nước.[3]
Nhiều dạng của thuyết con dê tế thần được nhiều nhà lý thuyết quốc tế hiện đại ủng hộ. Wright (1965, 727) chỉ ra rằng một trong những nguyên nhân quan trọng của chiến tranh là nhận thức rằng chiến tranh là “công cụ thuận tiện hoặc cần thiết để tạo ra, duy trì, và mở rộng quyền lực của chính phủ, đảng phái hoặc một giai cấp trong nước”. Haas và Whiting (1956, 62) chỉ rõ rằng các chính khách “có thể bị chi phối bởi chính sách xung đột quốc tế, nếu không muốn nói là chiến tranh, để bảo vệ họ trước sự nổi dậy của kẻ thù trong nước”, đặc biệt là trước những kẻ thù xuất hiện do sự bất bình đẳng vì thay đổi xã hội và quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng. Rosecrance (1963, 306) cho rằng bất ổn trong nước của giới tinh hoa là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất của chiến tranh và rằng “ổn định và hòa bình nội bộ là phương tiện của ổn định và hòa bình quốc tế”.
Sự hợp lý nội tại của thuyết con dê tế thần, vốn được ủng hộ bởi nhiều trường hợp lịch sử khác, đã khiến nhiều nhà khoa học chính trị chấp nhận giả thuyết này. Wrights (1965, 257) quả quyết rằng “mối quan hệ trực tiếp  giữa cách mạng chính trị và chiến tranh, dù là nguyên nhân hay kết quả, thật sự là một điều phổ biến trong lịch sử đến mức không cần phải giải thích nhiều”. Tuy nhiên, gần đây, đã có nhiều nỗ lực được thực hiện nhằm kiểm tra thực nghiệm giả thuyết này một cách nghiêm khắc và có hệ thống. Hầu hết các tài liệu đều liên kết thuyết con dê tế thần với giả thuyết nhóm bên trong/bên ngoài (in-group/out group), hoặc xung đột – cố kết (conflict –cohesion) trong xã hội học, vốn mang lại một giải thích về mặt lý thuyết cho mối quan hệ được giả định này.
Giả thuyết nhóm bên trong và nhóm bên ngoài
Simmel (1956), người đầu tiên xem xét đề tài này một cách hệ thống, cho rằng xung đột với nhóm bên ngoài làm tăng sự kiên kết và tập trung chính trị của nhóm bên trong. Về khía cạnh quan hệ quốc tế, Simmel (1956, 93) cho rằng “chiến tranh với bên ngoài đôi khi là cơ hội cuối cùng cho quốc gia bị đè nặng bởi mâu thuẫn nội bộ vượt qua được những mâu thuẫn ấy, nếu không thì quốc gia đó chắc chắn sẽ bị đổ vỡ”. Tuy nhiên, Simmel nhận ra rằng chiến tranh cũng có thể dẫn đến sự mất đoàn kết vì nó cần đến các yếu tố giống với các yếu tố làm cộng đồng bất hòa… Chiến tranh vừa có thể làm quên lãng các cuộc tranh cãi nội bộ vừa có thể làm trầm trọng thêm những cuộc tranh cãi đến mức không thể hòa giải nổi” (Simmel 1898, 832).
Giả thuyết xung đột – cố kết của Simmel được Coser (1956) tiếp nhận và ông đã cố gắng nghiên cứu chi tiết hơn các điều kiện mà từ đó xung đột bên ngoài sẽ làm sự cố kết trong nước tăng lên hoặc giảm xuống.[4] Rút ra từ nghiên cứu của William (1947), Coser (1956, 93-95) cho rằng xung đột bên ngoài sẽ làm gia tăng sự liên kết của nhóm trong nước chỉ khi nhóm đó tồn tại như là một “mối quan tâm thường trực”, có mức độ liên kết nội bộ tối thiểu, tự nhận thức bản thân mình là một nhóm, thấy việc duy trì nhóm là có ý nghĩa và tin rằng mối đe dọa từ bên ngoài sẽ đe dọa cả nhóm chứ không phải chỉ một phần nhỏ của nhóm. Nếu thiếu các điều kiện này thì xung đột bên ngoài sẽ làm trầm trọng thêm xung đột nội bộ, có thể dẫn đến tan rã, thay vì điều hòa nó.
Giả thuyết nhóm bên trong/ bên ngoài hay xung đột – cố kết, nay thường được gắn với Coser hơn là Simmel, đã được các nhà khoa học xã hội chấp nhận rộng rãi (dù họ thường không chấp nhận các tiêu chuẩn của Simmel-Coser) đến nỗi mà Dahrendorf (1964, 58) đưa ra giả thuyết rằng nó đã đạt đến vị thế của một quy luật chung: “Có vẻ tồn tại một quy luật chung rằng các nhóm người phản ứng lại áp lực bên ngoài bằng cách tăng cường sự cố kết nội bộ”. Nhận định này được sử dụng rộng rãi để giải thích một quan sát chung về việc người dân thường yêu mến các vị Tổng thống Mỹ hơn trong suốt các cuộc khủng hoảng dù cho chính sách của các vị Tổng thống này có sáng suốt hay không. Điều này thường được gọi là “hiện tượng tập hợp dưới cờ” (“rally-round-the-flag phenomenon”) (Mueller 1973; Polsby 1964, 25; Waltz 1967,272-273).
Tác động giúp xây dựng sự cố kết (bên trong) của xung đột bên ngoài được các nhà lãnh đạo nhóm nhận thấy và nỗ lực sử dụng cho mục đích riêng của mình (Simmel 1955,98). Vì vậy, Coser (1956, 104) chỉ rõ rằng “các nhóm có thể thực sự đi tìm kẻ thù với một mục đích cố ý hoặc không cố ý nhằm duy trì liên kết và đoàn kết nội bộ”. Wright (1965, 1516) cũng chỉ ra rằng “Chiến tranh hoặc sự lo sợ về chiến tranh thường được sử dụng để hợp nhất các quốc gia”. Cũng giống như vậy, nhà nhân học Kluckholn (1960) chỉ ra rằng nếu sự bất đồng gay gắt trong một xã hội đã đủ mạnh và đủ rắc rối thì xã hội đó có thể nỗ lực bảo vệ sự gắn kết của mình bằng cách bắt đầu một cuộc chiến tranh bên ngoài để loại bỏ những bất đồng gay gắt này.
Các nhà khoa học xã hội đưa ra nhiều nghiên cứu thực nghiệm mang tính hệ thống về giả thuyết nhóm bên trong và bên ngoài. Một bài đánh giá xuất sắc về các nghiên cứu xã hội học, nhân học và tâm lý học liên quan có thể tìm thấy ở Stein (1976), và vì lý do này, tác giả sẽ chỉ tóm tắt ngắn gọn kết luận của ông trước khi chuyển qua phần văn liệu khoa học chính trị. Có sự ủng hộ đáng kể giả thuyết gắn kết nhóm trong văn liệu nhưng chỉ dưới các điều kiện nhất định được xác định rõ và khá giống với các điều kiện của Coser (1956). Nhóm này bắt buộc phải là một nhóm đang tồn tại liên tục với sự gắn kết tối thiểu trước khi xảy ra xung đột bên ngoài, và xung đột bên ngoài phải đe dọa đến cả nhóm và được cho là có thể giải quyết được bởi nỗ lực chung của cả nhóm. Mặc dù có những vấn đề về phân tích trong việc ngoại suy từ hành vi của nhóm nhỏ tới hành vi của tập thể lớn hơn (thậm chí trong việc định nghĩa thế nào là một “nhóm”) thì những phát hiện của các ngành học khác cũng cung cấp một nguồn giả thuyết giúp cho việc nghiên cứu mối quan hệ giữa hành vi xung đột trong nước và quốc tế của các quốc gia.
Văn liệu khoa học chính trị
Trong văn liệu khoa học chính trị, ít có điểm chung hơn trong mối quan hệ giữa xung đột trong nước và quốc tế của quốc gia. Một nghiên cứu theo chiều dọc lịch sử của Sorokin (1937) về Hy Lạp và La Mã cổ đại, cũng như các cường quốc Châu Âu trong suốt 14 thế kỷ đã tiết lộ rằng không có mối quan hệ nào giữa bất ổn nội bộ và chiến tranh quốc tế mặc dù số liệu tổng hợp của ông theo từng giai đoạn một phần tư thế kỷ một không cho phép thực hiện các phân tích kỹ càng. Nghiên cứu có ảnh hưởng nhất về mối quan hệ của xung đột trong và ngoài nước là một nghiên cứu lát cắt (cross-sectional study – tức khảo sát toàn bộ dân số nghiên cứu tại cùng một thời điểm – NHĐ) của Rummel (1963) đối với 77 quốc gia trong thời kỳ 1955-1957. Bài phân tích nhân tố của ông về 9 cấp độ xung đột trong nước và 13 chỉ số của xung đột nước ngoài (bao gồm chỉ số mức độ thường xuyên của chiến tranh) tiết lộ rằng “hành vi xung đột nước ngoài hoàn toàn không liên quan tới hành vi xung đột trong nước” (Rummel 1963, 24). Phát hiện này được Tanter xác nhận bằng cách lặp lại nghiên cứu của Rummel với các số liệu của thời kỳ 1958-1960, và cũng được các học giả khác (Hass 1968; Burrowes và Spector 1973; Zinnes và Qilkenfeld 1971;Wilkenfeld 1972) xác nhận. Do đó, có một sự đồng thuận đáng kể trong các nghiên cứu rằng không có mối quan hệ nào giữa hành vi xung đột trong nước và quốc tế của quốc gia.
Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu trước đây dựa trên mô hình của Rummel về bản chất chỉ có hai biến số và không kết hợp được ảnh hưởng của các biến số khác vốn có thể gây ảnh hưởng đến quan hệ giữa xung đột trong và ngoài nước. Các nghiên cứu sau đó đã giải quyết được hạn chế này khi cố gắng kiểm soát ảnh hưởng của các biến số khác. Dạng chính thể của quốc gia đã nhận được sự chú ý đáng kể. Wilkenfeld (1968) đã tìm ra mối quan hệ rõ ràng giữa chiến tranh và hành động “cách mạng” trong các chế độ tập trung (tức độc đoán) và giữa chiến tranh với “bất ổn nội bộ” trong các chế độ đa trung tâm quyền lực (polyarchy). Tầm quan trọng của cấu trúc nhà nước trong mối quan hệ này đã được xác nhận trong các nghiên cứu sau đó của Zinnes và Wilkenfeld (1971) và các nghiên cứu khác trong Wilkenfeld (1973). Hazelwood (1973) tập trung vào yếu tố khác và phát hiện ra rằng chiến tranh có liên quan đến sự kết hợp của đa dạng về dân số, sắc tộc và bất ổn nội bộ. Có rất nhiều nghiên cứu khác về mối liên hệ giữa xung đột trong và ngoài nước, trong đó độc giả quan tâm nên tham khảo các đánh giá xuất sắc của Stohl (1980) và Zinnes (1976, 160-175).
Mặc dù kết quả của một số nghiên cứu có kiểm soát (các biến số khác) có phần lạc quan hơn nhưng sự tương quan chỉ ra mối quan hệ chặt chẽ vẫn còn ít. Hơn thế nữa, có ít điểm chung giữa các phát hiện của các nghiên cứu khác nhau sử dụng những cách đo lường khác nhau về xung đột trong và ngoài nước, các nguồn dữ liệu, các khoảng thời gian và các kỹ thuật thống kê khác nhau.[5] Người ta sợ rằng hàng loạt phát hiện không có cấu trúc và trái ngược nhau này có thể là kết quả của các dữ liệu, quy trình đo lường hoặc kỹ thuật thống kê cụ thể. Mặc dù loại hình chế độ có vẻ quan trọng nhưng nó vẫn chưa được giải thích về mặt lý thuyết. Các khía cạnh khác nhau của xung đột trong nước liên quan tới các khía cạnh khác nhau của xung đột nước ngoài đối với từng loại chế độ, và không có một khuôn mẫu lý thuyết nào để liên kết các yếu tố đã được quan sát lại với nhau. Do đó, Zinnes (1976, 170-175) kết luận rằng nếu xem xét các loại chế độ thì giả thuyết xung đột trong – ngoài nước sẽ có nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, bà cũng thừa nhận rằng “cần có nhiều nghiên cứu hơn nữa để xác định chính xác cách các biến số này tương tác với nhau”.
Phải thừa nhận rằng các nghiên cứu định lượng về mối quan hệ giữa hành vi xung đột trong và ngoài nước của các quốc gia trong một thập niên rưỡi qua không mang lại nhiều kết quả. Chúng ta có một tập hợp các phát hiện rời rạc, không thống nhất với nhau, và những sự mâu thuẫn này vẫn chưa được giải quyết hay giải thích. Sự thất bại của các nghiên cứu định lượng thực nghiệm trong việc đưa ra các dấu hiệu của mối quan hệ chặt chẽ giữa hành vi xung đột trong và ngoài nước của các quốc gia là đáng lo ngại vì nhiều lý do. Kết quả này trái ngược với các phát hiện thực nghiệm của ngành khoa học xã hội vốn cung cấp nhiều bằng chứng đáng kể cũng như tính xác thực cho giả thuyết xung đột – cố kết của các nhóm nhỏ. Tuy nhiên, quá trình quyết định của một quốc gia phức tạp hơn của nhóm nhỏ rất nhiều nên không thể từ một nhóm mà suy ra được một quốc gia. Khoảng cách giữa nghiên cứu định lượng thực nghiệm và lý thuyết cũng là một điều đáng quan tâm. Như Hazelwood (1975, 216) trình bày khi phát triển ý của Burrowes và Spector (1973, 294-295) là “không có trường hợp nào khác mà các lập luận trong lý thuyết quan hệ quốc tế và kết quả có được qua phân tích thực nghiệm một cách hệ thống lại khác nhau nhiều như trong các nghiên cứu về xung đột trong nước và quốc tế”.
Khoảng cách giữa lý thuyết và nghiên cứu thực nghiệm càng phức tạp hơn vì chứng cứ từ các trường hợp lịch sử chỉ ra rằng quyết định chiến tranh thường bị ảnh hưởng bởi các lợi ích chính trị trong nước của giới tinh hoa chính trị vốn đang phải đối mặt với các thách thức trong nội bộ ảnh hưởng đến quyền lực chính trị của họ. Ở đây tác giả chỉ nêu lên một vài trường hợp phổ biến. Về quyết định chiến tranh của Pháp năm 1792, Michon phủ định sự tồn tại của mối đe dọa nước ngoài mà cho rằng “chiến tranh nhằm một mục đích duy nhất là chuyển hướng các vấn đề xã hội… (Chiến tranh) sẽ cung cấp cho chính quyền sức mạnh độc tài và cho phép chính quyền loại bỏ những kẻ thù chống đối. Đối với những nhóm này thì chiến tranh là một thủ đoạn tuyệt vời của chính trị nội bộ” (theo Blanning 1986, 71). Nhiều người đã giải thích Chiến tranh Crưm là do những nỗ lực của Louis Napoleon nhằm tăng cường sự ủng hộ chính trị tại quê nhà, đặc biệt là giữa giới Công giáo Pháp, bằng cách ủng hộ tích cực người Công giáo ở Jerusalem chống lại những người theo Chính thống giáo Hy Lạp được Nga ủng hộ. Như Mác đã  nói, Louis Napoleon “không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc làm cách mạng tại quê nhà hoặc gây chiến ở nước ngoài” (Mayer 1977, 225). Nguồn gốc của của cuộc chiến tranh Nga – Nhật năm 1904 cũng có căn nguyên từ động cơ tìm con dê tế thần. Như Bộ trưởng Nội vụ Nga thời đó đã nói “Điều mà đất nước này đang cần đó là một cuộc chiến tranh ngắn thắng lợi để ngăn chặn dòng thác cách mạng” (White 1964, 38; Langer 1969, 29; Lebow 1981, 66).[6]
Hành vi của quốc gia trong thời kỳ trước Chiến tranh thế giới lần thứ nhất cũng thường được giải thích theo thuyết con dê tế thần. A.J.P Taylor (1954, 529) cho rằng chính trị gia hàng đầu Châu Âu năm 1914 đã tin rằng “cuộc chiến tranh đó sẽ ngăn chặn được các vấn đề chính trị và xã hội”. Chủ nghĩa đế quốc Đức thời Bismark, sự bành trướng hải quân vào thời điểm chuyển giao của thế kỷ, chính sách thuế nhập khẩu thù địch với Nga, và những chính sách khác của Đức dẫn tới cuộc chiến này đều được giải thích bằng nỗ lực của các tầng lớp thống trị truyền thống nhằm ngăn chặn hay thu nạp lực lượng dân chủ xã hội và nắm chặt “dây cương quyền lực” (Kehr 1970; Wehler 1985; Ficher 1975; Mayer 1967, 1977;  Berghahn 1973). Fischer (1975) cho rằng “công nghiệp quy mô lớn và các địa chủ quý tộc (Junker), quân đội…và các cơ quan chính phủ… xem chính trị thế giới và quyền lực chính trị quốc gia cơ bản là phương tiện xóa bỏ căng thẳng xã hội trong nước bằng các chiến dịch bên ngoài (theo Wehler 1985, 196). Thật vậy, một bài phê bình gần đây cho rằng “một đồng thuận sâu rộng đã nhất trí rằng chính sách đối ngoại của Đức sau năm 1897 cần được hiểu như là một phản ứng với mối đe dọa chủ nghĩa xã hội và dân chủ trong nước” (Kaiser 1983).[7]
Tất nhiên, rất khó để có thể khái quát hóa vấn đề từ một trường hợp riêng lẻ nào và nhiều nghiên cứu lịch sử đã chọn phương pháp so sánh nhằm tạo ra mối quan hệ khái quát hơn giữa chiến tranh quốc tế và nhận thức lợi ích trong nước của giới lãnh đạo chính trị hoặc tầng lớp thống trị. Mayer (1977, 220) cho rằng dưới các điều kiện của khủng hoảng nội bộ (mà ông khẳng định thể hiện trong hầu hết giai đoạn từ 1870) thì “nguyên nhân, động cơ và điều kiện chính của chiến tranh là mang tính chính trị. Tầng lớp thống trị lựa chọn chiến tranh vì nguyên nhân chính trị nội bộ hơn là chính sách đối ngoại và chính trị quốc tế.” Mục đích của họ là “tái ổn định chính trị và xã hội dân sự theo hướng thuận lợi cho khối bá quyền, đặc biệt là cho những  phe phái, lợi ích và cá nhân nhất định trong khối đó”. Mayer (1967, 1977) chỉ ra rằng giả thuyết này không chỉ được áp dụng với tất cả các cường quốc năm 1914 mà còn với hầu hết các cuộc chiến tranh lớn từ năm 1870 như Chiến tranh Pháp – Phổ (1870-1871), Chiến tranh Nga – Nhật (1904 -1905), hai cuộc chiến tranh thế giới, các cuộc chiến tranh cách mạng Pháp và chiến tranh Crưm trước đó.
Trong một nghiên cứu lịch sử so sánh chi tiết hơn được định hướng bởi các lý thuyết khác nhau, Rosecrane (1963) nghiên cứu 9 hệ thống Châu Âu riêng biệt trong giai đoạn 1740-1960. Ông kết luận rằng yếu tố quyết định chính của ổn định và hòa bình quốc tế là ổn định nội bộ và an ninh của giới tinh hoa chính trị, trái lại, bất ổn nội bộ và sự không ổn định của giới tinh hoa sẽ gắn liền với chiến tranh. Rosecrance nhận thấy mối quan hệ này tồn tại bất chấp cấu trúc chính trị hay hệ tư tưởng của chế độ là gì. Các phát hiện tương tự trong nghiên cứu so sánh của Lebow (1981, chương 4) về 13 “cuộc khủng hoảng bên miệng hố chiến tranh” trong thế kỷ trước cũng cho rằng các quốc gia bắt đầu các thách thức mạnh mẽ đối với các cam kết quan trọng của đối thủ với hy vọng đối thủ sẽ rút lui. Lebow cho rằng chỉ 5 trong số các hành động bắt đầu khủng hoảng này có thể giải thích được bằng thuyết răn đe – tức bằng sự yếu kém trong khả năng bảo vệ các cam kết của đối thủ, mức độ khả tín của mối đe dọa đó, hoặc việc thông báo mối đe dọa đó cho đối thủ của mình. Lebow cho biết các cuộc khủng hoảng còn lại đều bắt nguồn từ giới tinh hoa chính trị như là một phần của việc phản ứng lại sự mong manh của chính trị trong nước và hy vọng củng cố thêm vị trí chính trị nội bộ của mình thông qua một chính sách ngoại giao thành công ở nước ngoài. Một khi đã bắt đầu thì một số cuộc khủng hoảng này đã leo thang thành chiến tranh phần lớn do các lý do nội bộ.[8]
Do đó, có một khoảng cách lớn giữa các nghiên cứu thực nghiệm định lượng và các nghiên cứu trường hợp lịch sử liên quan đến tính xác thực của thuyết con dê tế thần. Thật vậy, sẽ có giá trị và cần thiết khi nghiên cứu các trường hợp lịch sử nhằm quyết định (1) liệu sự giải thích theo hướng “con dê tế thần” có thật sự nhận được sự ủng hộ thực nghiệm lớn hơn so với các giải thích thay thế hàng đầu khác hay không, và (2) liệu các nghiên cứu này nếu được kết hợp một cách có hệ thống có cho thấy được sự vượt trội của giả thuyết “con dê tế thần” so với các giả thuyết khác về nguyên nhân của chiến tranh hay không. Tuy nhiên, nhìn bề ngoài thì các chứng cứ ủng hộ đủ hợp lý, đặc biệt là nếu kết hợp với các tài liệu lý thuyết nhấn mạnh tầm quan trọng của vũ lực đánh lạc hướng, để thể hiện rằng phần lớn sự không nhất quán giữa văn liệu lịch sử và văn liệu định lượng có thể được giải thích bởi các sai sót trong bản thân văn liệu định lượng. Sau đây chúng ta sẽ nghiên cứu văn liệu này kỹ hơn trong khi vẫn giữ nguyên các đánh giá về tính xác thực của văn liệu lịch sử với các quy trình (dùng chiến tranh để) đánh lạc hướng.
Một số lý do cho sự thất bại của nghiên cứu thực nghiệm định lượng trong việc xác nhận mối quan hệ giả thuyết giữa xung đột trong và ngoài nước có thể liên quan đến phương pháp luận. Phạm vi thời gian hạn chế của hầu hết các nghiên cứu này đặc biệt gây vấn đề. Khoảng thời gian 1955 – 1960 trong tất cả các nghiên cứu vừa quá ngắn để có được một nghiên cứu thực nghiệm chính xác vừa trùng với giai đoạn hòa bình của nền chính trị quốc tế. Thậm chí khi người ta chấp nhận tính xác thực của phát hiện về việc không có mối liên hệ giữa xung đột trong nước và quốc tế của nhiều nhóm quốc gia trong giai đoạn này thì cũng có ít lý do để tin rằng đây là mối quan hệ chung có thể áp dụng được đối với phần lớn các trường hợp lịch sử.  Điều này đặc biệt đúng đối với những ai quan tâm đến nguồn gốc nội bộ của chiến tranh liên quan đến các cường quốc vì trong giai đoạn này không có chiến tranh giữa các cường quốc.
Còn có nhiều câu hỏi phương pháp luận khác về các khía cạnh khác nhau của các thiết kế nghiên cứu định hướng cho các nghiên cứu này, đặc biệt là sự khó khăn trong việc mã hóa các dữ liệu sự kiện. Các khó khăn bao gồm việc so sánh các sự kiện giống nhau trên danh nghĩa giữa các hệ thống chính trị và văn hóa khác nhau, sự đánh đổi giữa việc sử dụng một nguồn hay nhiều nguồn, việc đếm số lượng các sự kiện (đặc biệt nếu sử dụng nhiều nguồn) và đánh giá tầm quan trọng (nếu có) của các sự kiện vốn về bản chất là không ngang bằng nhau. Nhóm khó khăn khác liên quan đến các đơn vị khác nhau của tập hợp thời gian và sự khác nhau về độ trễ thời gian trong nhiều nghiên cứu. Người đọc nếu quan tâm nên tham khảo các bài phê bình của Scolnick (1974), Mack (1975), Vincent (1981) và James (1988) phân tích các vấn đề trên. Tuy nhiên, vấn đề nghiêm trọng nhất đối với các nghiên cứu này là về lý thuyết chứ không phải phương pháp luận, và chúng tôi sẽ chỉ tập trung vào vấn đề này.
Vấn đề cơ bản được nhiều người nhận thấy trong văn liệu là rất ít nghiên cứu thực nghiệm định lượng về mối quan hệ giữa hành vi xung đột trong và ngoài nước của các quốc gia được định hướng bởi một khuôn khổ lý thuyết nhất quán. Stohl (1980, 325) cho rằng “sự thiếu vắng liên tục nền tảng lý thuyết đã chống lại sự tích lũy chứng cứ. Thay vào đó, điều đạt được là sự tích tụ các thông tin riêng lẻ vốn không giúp được gì cho lập luận lý thuyết cũng như kiến thức thông thường.”
Các nghiên cứu này có vẻ được định hướng bởi sự sẵn có của phương pháp và số liệu hơn là lý thuyết. Chúng chủ yếu quan tâm tới việc lặp lại hoặc phủ nhận các phát hiện của Rummel (1963) đối với các phạm vi thời gian và không gian khác trong giai đoạn sau 1945 hơn là câu hỏi liệu các thiết kế nghiên cứu chỉ đạo có thích hợp với các câu hỏi lý thuyết đang được đặt ra hay không. Văn liệu này tập trung vào câu hỏi là liệu mối quan hệ thực nghiệm giữa xung đột trong và ngoài nước có tồn tại hay không mà ít quan tâm đến quy trình mang tính nhân quả có thể tạo ra một mẫu hình quan hệ như vậy. Người ta ít quan tâm đến chiều hướng của mối quan hệ giữa xung đột trong và ngoài nước, các giải thích thay thế cho một mối quan hệ như vậy, hình mẫu chính xác của mối quan hệ, hay các điều kiện cần thiết để có mối quan hệ đó. Kết quả là các hình mẫu được thử nghiệm thường bị sai về mặt kỹ thuật, và có thể hiểu rằng các hình mẫu thực nghiệm quan trọng đã bị các thiết kế nghiên cứu không đúng che mờ. Chúng ta hãy nghiên cứu chi tiết hơn từng vấn đề này.
Chiều hướng của mối quan hệ giữa xung đột trong và ngoài nước
Hầu hết các nghiên cứu thực nghiệm định lượng về mối quan hệ giữa xung đột trong và ngoài nước đơn giản là nhằm xác minh mối tương quan giữa các cấp độ xung đột trong và ngoài nước (được khái niệm hóa trên một số khía cạnh) vào một thời điểm nào đó. Các nghiên cứu này không thể phân biệt hai quá trình riêng biệt: (1) sự mở rộng ra bên ngoài của xung đột trong nước, trong đó xung đột trong nước có ảnh hưởng nhân quả lên xung đột ngoài nước như lý thuyết “con dê tế thần” đã dự đoán, và (2) sự nội bộ hóa xung đột bên ngoài, trong đó xung đột xuất phát độc lập từ bên ngoài sẽ có ảnh hưởng nhân quả lên xung đột trong nước.[9]
Tầm quan trọng của sự nội bộ hóa xung đột bên ngoài được thể hiện trong nhiều phần của văn liệu. Ví dụ, Laqueur (1968, 501) cho rằng “chiến tranh dường như là nhân tố quyết định đối với sự nổi lên của các cuộc cách mạng trong thời kỳ hiện đại…(bởi vì) sự biến đổi chung do chiến tranh và các mất mát vật chất và tinh thần gây ra tạo môi trường cho sự thay đổi căn bản.” Dù cho sự thay đổi này diễn ra ở quốc gia thắng trận hay thua trận thì thông thường các nước thua trận vẫn phải chịu nhiều sự thay đổi hơn: “Trong một quốc gia thua trận, chính quyền có khuynh hướng tan rã và sự bất mãn xã hội gay gắt nhận được động lực bổ sung từ cảm giác tổn thương uy tín quốc gia.” Cũng giống như vậy, Tilly (1975, 74) xác định hai con đường chính để xung đột bên ngoài dẫn đến xung đột nội bộ: (1) Sự đòi hỏi quá đáng về quân lực, quân nhu và đặc biệt là thuế cho chiến tranh đã gây ra sự kháng cự từ các giới tinh hoa chủ chốt cũng như toàn thể dân chúng, và (2) năng lực đàn áp trong nước của chính phủ bị suy yếu bởi chiến tranh, cộng với sự suy giảm khả năng đạt được các cam kết trong nước của mình, tạo điều kiện thuận lợi để kẻ thù của chính phủ nổi dậy.
Dù một số (không phải tất cả) các nghiên cứu thực nghiệm định lượng nhận ra rằng sự nội bộ hóa xung đột nước ngoài có thể xảy ra nhưng điều mà các nghiên cứu này không chỉ ra được đó là cơ chế nhân quả khác nhau trong hai quá trình riêng biệt trên có nghĩa là chỉ dấu hoạt động thích hợp với việc tìm hiểu quá trình này chưa hẳn đã thích hợp với quá trình kia. Việc Rummel (1963) sử dụng số lượng các cuộc biểu tình nước ngoài, triệu hồi đại sứ, các biện pháp cấm vận tiêu cực,vv… có thể là những cách đo lường hữu ích đối với xung đột bên ngoài gây nên bởi mong muốn tìm con dê tế thần nội bộ, nhưng các điều trên chưa đủ để đóng vai trò như những biến số độc lập trong việc dự đoán xung đột nội bộ. Ngoài ra, do các điều kiện để xung đột trong nước dẫn đến xung đột nước ngoài khác với các điều kiện mà xung đột bên ngoài gây ra cho xung đột trong nước nên việc phân tích hai quá trình khác nhau này cần một sự kết hợp của các biến số kiểm soát hay theo bối cảnh khác nhau. Ví dụ như có thể đưa ra giả thuyết rằng chế độ dân chủ dễ có xu hướng đi tìm con dê tế thần hơn chế độ độc tài vì họ chịu trách nhiệm giải trình trong bầu cử, nhưng chế độ dân chủ cũng ít có khả năng phải gánh chịu xung đột trong nước do xung đột nước ngoài gây ra hơn.
Quan trọng hơn, có thể có mối quan hệ qua lại giữa xung đột trong nước và xung đột quốc tế. Theo Tilly (1975), xung đột trong nước có thể dẫn đến xung đột quốc tế, hoặc nguợc lại, xung đột quốc tế có thể làm gia tăng thêm mức độ của xung đột trong nước hoặc làm giảm xung đột trong nước bằng cách tập hợp lực lượng xã hội chống lại mối đe dọa từ bên ngoài. Sụ tồn tại của kịch bản thứ hai sẽ làm phức tạp thêm các nghiên cứu thực nghiệm của giả thuyết này vì việc nó dự đoán mối quan hệ giữa xung đột trong và ngoài nước là tích cực hay tiêu cực sẽ phải phụ thuộc vào thời điểm mà các biến số được đo lường. Khía cạnh thời gian này không thể được đưa vào dạng phân tích lát cắt (cross-sectional) về mối quan hệ giữa xung đột trong và ngoài nước vốn dựa trên thiết kế nghiên cứu trước đó của Rummel.
Một ví dụ cho sự nghiêm trọng của vấn đề này được thể hiện trong bài phê bình của Stohl. Ông chỉ ra rằng “Hình thức phổ biến nhất của giả thuyết trong suy nghĩ thông thường là hành vi xung đột bên ngoài có mối quan hệ tỷ lệ nghịch với hành vi xung đột trong nước, có nghĩa là sự gia tăng hành vi xung đột bên ngoài dẫn tới sự sụt giảm hành vi xung đột trong nước” (Stohl 1980, 311). Do đó, Stohl xem xung đột bên ngoài là biến ngoại sinh để dự đoán sự gia tăng cố kết nội bộ và giảm bớt xung đột trong nước, nhưng ông cũng bỏ qua các nguồn của xung đột bên ngoài.
Tuy nhiên, giả thuyết con dê tế thần không giống với giả thuyết nhóm trong/ nhóm ngoài hay xung đột – cố kết mà Stohl đã khái niệm hóa. Điểm cơ bản của giả thuyết con dê tế thần là xung đột bên ngoài không thể bị xem như một biến ngoại sinh độc lập dẫn đến xung đột trong nước. Giả thuyết con dê tế thần căn bản là linh động và có qua có lại về bản chất. Giả thuyết này cho rằng xung đột trong nước tại thời điểm t sẽ làm gia tăng xung đột bên ngoài tại thời điểm t+m, và tới lượt nó thì xung đột bên ngoài sẽ là giảm xung đột nội bộ ở thời điểm t+n (n>m).[10] Kết quả là sự thiếu vắng các nghiên cứu cho thấy mối tương quan tiêu cực (âm) không nhất thiết là không phù hợp với giả thuyết con dê tế thần.[11] Nó hoàn toàn phụ thuộc vào thời gian mà biến số được đo lường.
Stohl (1980, 327) nhận thấy việc sử dụng biến trễ trong phân tích hồi quy, vốn có thể nắm bắt được một mô hình đơn giản của mối quan hệ nhân quả một chiều, là không phù hợp bằng các dạng khác của mô hình quan hệ nhân quả hoặc mô hình phương trình đồng thời. Tuy nhiên, vấn đề xác định độ trễ thời gian vẫn tồn tại vì không có một cơ sở lý thuyết vững chắc nào cho việc phân biệt giữa các độ trễ thời gian mà về cơ bản được xác định một cách tùy ý. Vấn đề đặc biệt nghiêm trọng đối với việc nghiên cứu tổng hợp biến N lớn vì không có lý do nào để tin rằng một tập hợp độ trễ thời gian lại phù hợp với hầu hết các quốc gia trong nhiều điều kiện quốc tế và trong nước khác nhau. Tuy nhiên, có thể nhận thấy rõ ràng rằng việc cố gắng dùng các thiết kế nghiên cứu lát cắt, tĩnh và mang tính tương quan nhằm kiểm tra một giả thuyết liên quan đến thời gian, linh động và mang tính nhân quả là sai lầm ngay từ đầu.
Ngoại hóa xung đột trong nước: Những giải thích thay thế
Thậm chí khi chúng ta giới hạn sự chú ý của mình vào việc xung đột trong nước dẫn đến xung đột quốc tế thì chúng ta cũng phải nhận thấy một vài cơ chế nhân quả riêng biệt khác có liên quan. Xung đột trong quốc gia A có thể dẫn đến nỗ lực củng cố ủng hộ chính trị trong nước của giới tinh hoa chinh trị của A thông qua chiến tranh đánh lạc hướng với bên ngoài, như giả thuyết con dê tế thần lập luận. Tuy nhiên, xung đột trong quốc gia A cũng làm xuất hiện các yếu kém nội bộ, hoặc có thể là dấu hiệu của sự yếu kém, thúc đẩy quốc gia B can thiệp quân sự vào nước này. Sự can thiệp của B có thể được thúc đẩy bởi mong muốn tận dụng cơ hội tạm thời tạo ra từ ảnh hưởng mang tính phá hoại của một cuộc khủng hoảng đối với sức mạnh quân sự của A. Việc Iraq tấn công Iran năm 1980 là một ví dụ. Hoặc sự can thiệp này có thể chủ yếu nhằm gây ảnh hưởng đến kết quả của cuộc đấu tranh chính trị ở A. Ví dụ như can thiệp của Liên Xô vào Tiệp Khắc (1968), của Mỹ vào Cộng hòa Dominica (1965) và nhiều cuộc can thiệp quân sự khác vào công việc nội bộ của các nước láng giềng yếu hơn.
Người ta cũng có thể hình dung ra các tình huống mà trong đó cả hai quá trình này đều diễn ra. Xung đột nội bộ làm A yếu đi và thúc đẩy B tấn công, tạo ra một mối đe dọa thật sự từ bên ngoài mà các giới tinh hoa chính trị của A có thể lợi dụng vì mục đích chính trị nội bộ riêng của mình. Điều này thật sự hữu ích cho chế độ cách mạng như trường hợp của Pháp năm 1792, Nga năm 1918, Iran năm 1980 (Skocpol 1979).[12]
Các cơ chế khác nhau dẫn đến xung đột quốc tế từ xung đột trong nước ít khi được thể hiện trong văn liệu định lượng về quan hệ giữa xung đột trong và ngoài nước (Gurr và Duvall 1973; Weede 1978; Ward và Widmaier 1982).  Tuy nhiên, có nhiều bằng chứng chứng minh quá trình này quan trọng về mặt lịch sử. Blainey (1973, chương 5) xây dựng danh sách hơn 30 cuộc chiến tranh quốc tế trong giai đoạn 1815 – 1939 vốn có “mối quan hệ rõ ràng” với xung đột trong nước và kết luận rằng trong hầu hết trường hợp, chiến tranh không bắt nguồn từ đất nước đang bị xâu xé nội bộ, điều này hoàn toàn trái ngược với dự đoán của giả thuyết con dê tế thần. Blainey cho rằng xung đột trong nước dẫn đến chiến tranh quốc tế không phải vì người ta phải tìm con dê tế thần mà là do quốc gia đó suy yếu về nội bộ, ảnh hưởng xấu đến ổn định cân bằng sức mạnh của cả hai quốc gia và tạo cơ hội cho bên ngoài tấn công.
Tuy nhiên, xung đột trong nước không phải lúc nào cũng gây ra can thiệp bên ngoài và Blainey đưa ra một số điều kiện để điều đó xảy ra. Ông đưa ra giả thuyết rằng xung đột nội bộ ở quốc gia mạnh hơn có thể phá vỡ hòa bình vì nó bóp nghẹt hệ thống thứ bậc quyền lực hiện hữu và làm suy yếu khả năng răn đe của nước đó. Trái lại, xung đột nội bộ ở quốc gia yếu hơn có khuynh hướng gìn giữ hòa bình vì nó củng cố cân bằng quyền lực hiện hữu giữa hai bên. Điều này được thể hiện qua hiện tượng lịch sử chiến tranh “thừa kế” (death-watch wars) (Blainey 1973, 68-70), trong đó cái chết của các vị vua dẫn đến khủng hoảng tìm người kế vị, sự tan rã và suy yếu của các liên minh phòng thủ dựa trên các mối quan hệ cá nhân, một cuộc chuyển đổi chung trong cân bằng quyền lực và thường dẫn tới chiến tranh.[13]
Dù nghiên cứu thực nghiệm của Blainey (1973) không đủ chặt chẽ và hệ thống để đưa ra sự ủng hộ mạnh mẽ cho giả thuyết của mình nhưng các lập luận và ví dụ của ông cũng đáng được xem xét kỹ lưỡng trong bất kỳ bài phân tích nào về mối quan hệ giữa xung đột trong và ngoài nước. Tuy nhiên, một vấn đề lý thuyết quan trọng trong phân tích của Blainey là ông đã không nhận thấy sự can thiệp quân sự từ bên ngoài vào quốc gia yếu hơn không phải lúc nào cũng được thúc đẩy bởi tham vọng tấn công của nước xâm lược nhằm giành lấy tài nguyên kinh tế và lãnh thổ, hay nhìn chung là nhằm tăng cường tiềm năng và sức mạnh quân sự so với đối thủ yếu hơn. Xung đột nội bộ thường là biểu hiện của đấu tranh quyền lực chính trị, và can thiệp từ bên ngoài có thể được gây ra để ảnh hưởng đến quá trình chính trị trong nước và cuộc đấu tranh quyền lực ở quốc gia đang bị xung đột xâu xé. Vì lý do này mà xung đột nội bộ ở quốc gia yếu hơn dễ châm ngòi cho sự can thiệp quân sự từ bên ngoài hơn là ở quốc gia lớn hơn.[14]
Mặc dù các cường quốc thường bắt đầu các cuộc can thiệp vì các cường quốc thường có nhiều lợi ích cũng như khả năng quân sự lớn để bảo vệ những lợi ích đó (Levy 1983b, chương 2)[15] nhưng sự can thiệp vào công việc chính trị nội bộ của các quốc gia nhỏ không phải chỉ do các cường quốc gây ra. Điều này được thể hiện trong các cuộc can thiệp quân sự của Israel và Syria vào Libăng và nhiều trường hợp khác. Khả năng can thiệp tăng lên nếu quốc gia bất ổn xuất hiện sự chia rẽ về sắc tộc, tôn giáo và chính trị làm cho các quốc gia bên ngoài có lý tưởng và động cơ chính trị để ủng hộ một phe đối lập cụ thể trong nước, giống như trường hợp của Libăng.
Thảo luận trên cho thấy mặc dù phần lớn các tài liệu thực nghiệm định lượng về mối quan hệ xung đột trong và ngoài nước và các bài điểm các tài liệu này đều cho rằng mối quan hệ này tương đương với giả thuyết con dê tế thần nhưng thật ra không phải vậy. Cơ chế con dê tế thần là một trong số các cơ chế nhân quả nhất định gây ra xung đột quốc tế từ xung đột nội bộ và ngược lại. Kết quả là, việc quan sát mối quan hệ thực nghiệm trong cách hành xử của các quốc gia giữa xung đột trong và ngoài nước không nhất thiết đồng ý với giả thuyết con dê tế thần. Sự kết hợp thực nghiệm đó có thể phản ánh (1) sự nội bộ hóa xung đột bên ngoài, (2) sự ngoại hóa xung đột trong nước thông qua các cơ chế can thiệp của (a) sự thay đổi cân bằng quyền lực giữa hai quốc gia hoặc (b) sự can thiệp từ bên ngoài vào công việc nội bộ của một quốc gia khác. Có thể phân biệt trường hợp 1 với giả thuyết con dê tế thần bằng việc sử dụng độ trễ thời gian, nhưng không thể phân biệt với trường hợp 2. Xác định người khởi xướng chiến tranh không phải lúc nào cũng giải quyết được vấn đề vì hành động đánh lạc hướng không nhất thiết phải là chiến tranh.[16] Nó có thể là một hành động chưa đến mức chiến tranh nhằm khiêu khích hoặc khiến mục tiêu bên ngoài tự bắt đầu một cuộc chiến thật sự. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể thấy sự khác nhau giữa giả thuyết con dê tế thần và giả thuyết nhóm trong/ nhóm ngoài. Giả thuyết nhóm trong/ nhóm ngoài thường xem xung đột bên ngoài là biến ngoại sinh và chấp nhận kết quả một chiều, trong khi giả thuyết con dê tế thần thừa nhận mối quan hệ qua lại sinh động giữa các điều kiện trong nước và xung đột bên ngoài và ngược lại.
Có một lý do khác giải thích tại sao giả thuyết con dê tế thần lại khác biệt về mặt phân tích so với mối quan hệ giữa xung đột trong và ngoài nước. “Xung đột” trong nước không phải là điều kiện cần để sử dụng vũ lực đánh lạc hướng chống lại một quốc gia khác nếu “xung đột” ở đây có nghĩa là các cuộc biểu tình, bạo động, tổng đình công, thanh trừng, khủng hoảng chính phủ lớn hoặc các hành động khác vốn thường được dùng để định nghĩa “xung đột” trong văn liệu định lượng. Có các điều kiện khác góp phần vào sự bất an của giới tinh hoa và tham vọng sử dụng vũ lực đánh lạc hướng dù không có xung đột nội bộ công khai. Ví dụ như các nước dân chủ được cho là có nhiều khả năng sử dụng vũ lực bên ngoài trong năm bầu cử, đặc biệt khi bầu cử diễn ra vào thời điểm kinh tế bị trì trệ (Ostrom và Job 1986; Russett 1989a). Do đó, câu hỏi chính ở đây không phải là mối liên hệ giữa xung đột trong và ngoài nước mà là dạng điều kiện nội bộ nào thường dẫn đến các hành động thù địch bên ngoài vì mục đích đánh lạc hướng dư luận trong nước. Chúng ta sẽ trở lại câu hỏi này trong phần tiếp theo.


[1] Nghiên cứu này được hỗ trợ bời Trung tâm An Ninh và Kiểm soát Vũ khí Quốc tế (ĐH Stanford), Tập đoàn Carnergie và Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Xã hội/ Học bổng MarArthur Foundation về An ninh và Hòa bình quốc tế. Quan điểm ở đây không nhất thiết là quan điểm của các cơ quan tài trợ. Tác giả cảm ơn các lời bình luận và đề xuất hữu ích của Bud Duvall, John Frreman, Alexandre George, Pat James, Brian Job, Robert Pape, Joe Scolnick, Kack Snyder và David Sylvan.
[2] Ở các tài liệu khác tác giả đã nhấn mạnh sự tương phản giữa việc các nhà khoa học chính trị thiếu chú ý vào các nguồn nội bộ của xung đột nước ngoài và việc các nhà sử học hiện nay rất chú ý tới các yếu tố này (Levy 1988a; Iggers 1984). Lưu ý rằng gần đây có sự quan tâm trở lại đối với khái niệm của Kant về “Liên hiệp hòa bình” giữa các quốc gia dân chủ tự do (Doyle 1986). Xem Levy (1989) để biết một đánh giá chung về lý thuyết cấp độ xã hội của chiến tranh.
[3] Schumpeter (1939) cho rằng dù chiến tranh đã từng có chức năng phục vụ sự phát triển của quốc gia hiện đại thì giờ đây chiến tranh là “không có mục đích” và “phản văn minh”. Trong một đoạn được trích dẫn nhiều viết về cỗ máy chiến tranh và giới tinh hoa quân sự mà cỗ máy đó phục vụ, ông cho rằng cỗ máy “được tạo ra vì chiến tranh cần đến nó, nay đến lượt cỗ máy tạo ra cuộc chiến tranh mà nó cần” (trong Art và Jervis 1973, 296)
[4] Để biết cuộc thảo luận về thay đổi của Coser (1956) đối với cách nghĩ của Simmel (1956), xem Sylvan và Glassner (1985, chương 2). Họ cho rằng lý thuyết của Coser là mang tính “cơ giới” hơn lý thuyết của Simmel, nghĩa là ít nhạy cảm hơn đối với các biến số bối cảnh ảnh hưởng đến giả thuyết xung đột – cố kết, và rằng nó mang tính chức năng hơn về định hướng.
[5] Phương pháp thống kê được sử dụng bao gồm tương quan, hồi quy và phân tích yếu tố (Rummel, 1963; Tanter 1966), mô hình Markovia (Zinnes và Wilkenfeld 1971), phân tích tương quan chính tắc (canonical analysis) và phân tích đường dẫn (path analysis) (Hazelwood 1973). Một số nghiên cứu này có áp dụng độ trễ về thời gian còn một số thì không.
[6] Tính xác thực của bằng chứng về trường hợp Nga – Nhật bị Blainey nghi ngờ (1973, 76-77).
[7] Có những giải thích tương tự về chủ nghĩa đế quốc xã hội Anh quốc trong 4 thập kỷ trước Thế chiến I (Semmel 1960).
[8] Để biết một phê phán đối với việc Lebow nhấn mạnh các biến số chính trị nội bộ trong các trường hợp này, xem Orme (1987).
[9] Khái niệm ngoại hóa và nội bộ hóa xung đột được Ward và Widmaier (1982) đề xuất nhưng tác giả có cách định nghĩa khác. Ward và Widmaier (1982,78) định nghĩa nội bộ hóa xung đột bên ngoài là tình huống mà một quốc gia A trở thành mục tiêu của tấn công quân sự của quốc gia khác bởi vì xung đột nội bộ của quốc gia A tạo ra sự yếu kém và cơ hội cho sự tấn công từ bên ngoài. Nhưng kết quả của quá trình này là xung đột bên ngoài giữa các quốc gia và các điều kiện dẫn tới xung đột này là xung đột nội bộ bên trong một quốc gia, ngay cả khi cơ chế nhân quả của quá trình này khác với việc tìm kiếm con dê tế thần. Vì lý do này tác giả phân loại nó là một dạng ngoại hóa xung đột trong nước. Tác giả định nghĩa sự nội bộ hóa xung đột nước ngoài như một quá trình mà qua đó xung đột nước ngoài có ảnh hưởng nhân quả đến xung đột trong nước. Những cơ chế nội bộ hóa và ngoại hóa có thể có ảnh hưởng tiêu cực cũng như tích cực, cho nên xung đột bên ngoài có thể làm giảm hay tăng xung đột trong nước (và ngược lại). Hơn nữa, hai quá trình này có thể có tác động qua lại lẫn nhau.
[10] Liên kết cuối cùng trong dây chuyền, sự giảm thật sự xung đột trong nước, có thể bị loại khỏi mô hình nếu chúng ta chỉ tập trung vào các quyết định dẫn đến việc tìm kiếm con dê tế thần hơn là hiệu quả thực sự của nó trong việc giảm xung đột nội bộ. Quyết định sử dụng vũ lực đánh lạc hướng dựa trên các mong đợi về ảnh hưởng chính trị nội bộ hơn là tính chính xác của những mong đợi này.
[11] Stohl (1980) báo cáo chỉ có một nghiên cứu duy nhất ( Kegley et al. 1978) về mối quan hệ tiêu cực giữa xung đột trong và ngoài nước.
[12] Xung đột ở A có thể tạo cơ hội cho đối thủ B tấn công C dựa trên dự đoán rằng A quá yếu và bị bận tâm nội bộ đến mức không thể phản ứng lại, điều tới lượt nó có thể khiến A can thiệp vì lý do đánh lạc hướng công chúng trong nước hay để cân bằng quyền lực (Levy 1982).
[13] Các ví dụ có thể bao gồm Chiến tranh thừa kế Tây Ban Nha (1700-1713), Chiến tranh thừa kế Ba Lan (1733-1738), chiến tranh thừa kế Áo (1740-1748) và chiến tranh thừa kế Bavaria (1778-1779)
[14] Điều kiện để xung đột trong nước có thể dẫn đến việc tìm kiếm con dê tế thần có thể hoàn toàn ngược lại: quốc gia mạnh hơn có thể dễ vận dụng việc đánh lạc hướng ra ngoài hơn quốc gia yếu vì sức mạnh của họ giúp giảm thiểu rủi ro quân sự nước ngoài. Sự khác biệt về điều kiện để hai quá trình này xảy ra củng cố thêm sự cần thiết phải phân biệt cơ chế nhân quả khác nhau dẫn đến mối quan hệ được giả thuyết hóa.
[15] Chú ý rằng các công cụ kinh tế và chính trị ít chi phí hơn so với can thiệp quân sự trong việc tác động tới kết quả đấu tranh quyền lực ở các quốc gia khác.
[16] Câu hỏi định nghĩa người bắt đầu chiến tranh như thế nào gặp phải một vấn đề phân tích khó khăn. Vấn đề này nhận được ít sự chú ý trong các tài liệu. Blainey (1973) đã không chú ý đến nó.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét