Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Ba, 26 tháng 7, 2016

Cuộc chơi tiền tệ của người Nhật tại Việt Nam

Với sự tài tình của người Nhật trong cuộc chơi tiền tệ, người Việt đã không kịp tháo chạy khỏi tác động từ sự tăng giá của đồng yen.

Ba tuần trước, trong cuộc hội thảo “Thích ứng nhanh với thay đổi” tại TPHCM, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Tài chính, Tiền tệ Quốc gia, đã đưa ra một góc nhìn đáng chú ý. Ông cảnh báo hiện tượng “Thế giới đang chạy trốn khỏi đồng yen, nhưng tại Việt Nam, tình hình có vẻ đang xoay chuyển theo hướng trái chiều”. Nói cách khác, vấn đề đáng quan ngại ở đây là trong bối cảnh Nhật đang cần lượng vốn lớn để đưa nền kinh tế thoát khỏi nạn giảm phát kéo dài, thì tại sao những nền kinh tế mới nổi như Việt Nam lại trở thành “cửa ngõ hút đồng yen” trong chính sách bang giao của quốc gia này?
Tầm quan trọng của Nhật đối với nền kinh tế Việt Nam có thể thấy rõ. Kể từ khi quan hệ giao thương hai nước bắt đầu vào năm 1995, giá trị thương mại hai chiều đã tăng phi mã, đạt 30 tỉ USD cuối năm ngoái và Nhật đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam, chiếm hơn 11% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu quốc gia. Nhật cũng là quốc gia tích cực rót vốn ODA cho Việt Nam để thực hiện các dự án trọng điểm. Tính lũy kế trong vòng 25 năm qua, vốn ODA Nhật đã lên tới gần 2.600 tỉ yen (tương đương 24,6 tỉ USD). Sự hiện diện của người Nhật tại Việt Nam còn ở trong nhiều lĩnh vực khác như giải trí, ẩm thực, văn hóa… nhờ mối quan hệ giao hảo giữa hai bên.
Tuy nhiên, khi xem xét tổng thể những “mạch ngầm” của dòng vốn Nhật đang âm thầm chảy vào thị trường Việt Nam, từ kênh chính thức thông qua hệ thống các chi nhánh, đại diện Ngân hàng Nhật, đến kênh tài trợ phát triển hạ tầng qua cánh cửa ODA hay kênh nhân đạo từ những viện trợ thương mại, giáo dục với lãi suất ưu đãi…, NCĐT nhận thấy nhiều nguy cơ tiềm tàng ẩn chứa đằng sau sự gia tăng dòng vốn Nhật vào Việt Nam.
Đồng yen tăng giá và sức ép nợ công
Việc các chuyên gia tài chính thế giới nhận định đồng yen là điểm đến trú ẩn an toàn của các dòng tiền đầu tư nóng, khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và châu Âu đầy bất ổn, là một nguyên nhân chính đẩy đồng yen tăng giá liên tục, mặc cho nỗ lực kiềm hãm đà tăng của Ngân hàng Trung ương Nhật.
Trong nửa đầu năm 2016, đồng yen Nhật đã xác lập kỷ lục mới. Không chỉ tăng hơn 15% so với USD và 17% so với VND, cao nhất trong vòng 15 năm, mà còn tăng giá so với toàn bộ 31 đồng tiền thanh toán chính đang lưu thông trên toàn cầu.
Kể từ đợt can thiệp kỷ lục kéo dài 4 tháng với việc hút vào liên tục 315 tỉ USD (tương đương giá trị đó tiền yen được bơm ra lưu thông) vào năm 2003 và tăng 42% lượng cung tiền vào thanh toán năm 2013, giới truyền thông của Nhật đồng loạt cảnh báo những khó khăn vĩ mô mà nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đối mặt do đồng yen tăng mạnh. Tuy vậy, truyền thông nước này lại hạn chế đề cập đến những lợi thế to lớn, sâu rộng mà Chính phủ và các doanh nghiệp quốc doanh cũng như tư nhân của quốc gia này được hưởng lợi ngay lập tức từ sự mạnh lên của đồng nội tệ.
Cuoc choi tien te cua nguoi Nhat tai Viet Nam
 
Sự hưởng lợi này được thể hiện ở nghịch lý Chính phủ Nhật là người đi vay nhưng lại được trả lãi. Chính sách can thiệp từ từ và chia thành từng giai đoạn chu kỳ 3-5 năm, cùng bối cảnh kinh tế vĩ mô toàn cầu biến động là bệ đỡ tích cực giúp Ngân hàng Trung ương Nhật vào tháng 3 vừa qua đã tự tin hạ lãi suất huy động tiền gửi xuống dưới 0%. Động thái này trực tiếp kéo lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật kỳ hạn 10 năm đang lưu hành vào dư địa âm. Tuy nhiên, loại trái phiếu này chưa bao giờ được giao dịch với mức lợi suất âm tại một cuộc đấu giá, đồng nghĩa với việc bên mua trái phiếu (nhà đầu tư, quỹ tín thác, chính phủ các nước khác) chấp nhận ngay từ đầu phải trả tiền để được cho nhà phát hành trái phiếu vay tiền (tức Chính phủ Nhật được hưởng lợi trực tiếp). Lấy ví dụ, khi Bộ Tài chính Nhật bán trái phiếu kỳ hạn 10 năm với lãi suất cuống phiếu 0,1% tại mức giá trung bình 101,25 yen, nếu trái phiếu được giữ tới khi đáo hạn, tức là nhà đầu tư đã thu về “khoản lãi âm” -0,024%.
Đảo ngược vai trò, trên bình diện là người cho vay, Chính phủ Nhật đã biết cách thu được mối lợi kép khi tăng thu ngân sách bằng cách đẩy mạnh hoạt động cho vay ODA và tài trợ thương mại với lãi suất ưu đãi dành cho các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam. Mang danh nghĩa là lãi suất thấp, lãi suất ưu đãi nhưng với đà tăng giá của đồng yen, nợ công của Việt Nam, với tỉ trọng không nhỏ là đồng yen, đã tăng lên.
Theo đánh giá của Tiến sĩ Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế Quốc Dân, trong cấu trúc nợ công có giá trị gần 125 tỉ USD của Việt Nam (hiện tương đương 62,2% GDP cuối năm 2015), nợ bằng đồng yen thường chiếm 38%, nợ bằng USD chiếm 25%, euro 15%. Tiến sĩ Ngô Trí Long, chuyên gia tài chính, cho rằng với cơ cấu yen Nhật chiếm tỉ trọng chi phối, việc đồng tiền này tăng giá gần 20% trong khoảng 1 năm qua khiến khoản vay nợ công bằng đồng yen, hiện trị giá khoảng 45 tỉ USD, sẽ “đắt” lên tương ứng.
Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, việc điều chỉnh tỉ giá VND/USD tăng 5% trong tháng 8 năm ngoái đã làm nợ công tăng thêm mức tương đương 0,9% GDP. Như vậy, không ngoại trừ khả năng ngân khố quốc gia đang chi nhiều tiền hơn khoảng 7,6 tỉ USD cho các khoản nợ gốc cộng lãi đến hạn phải trả bằng đồng yen trong năm nay (giả sử tất cả các khoản vay đến hạn trong năm nay). Rõ ràng, cơn bão tăng giá đồng yen đã góp sức một phần “quét” khoảng 25% ngân sách nhà nước năm 2016 (theo Tiến sĩ Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển) dùng để chi trả cho các khoản nợ đến hạn.
Cuoc choi tien te cua nguoi Nhat tai Viet Nam
Đồng yen vẫn tăng giá mặc cho nỗ lực kiềm hãm đà tăng của Ngân hàng Trung ương Nhật. Ảnh: reuters.com
Một điều nữa là tỉ lệ viện trợ không hoàn lại (giai đoạn 2008-2011) chỉ chiếm trung bình 2,5% trong tổng số tiền giải ngân ODA của Chính phủ Nhật dành cho Việt Nam. Còn lại, theo Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật (JICA), các khoản “vốn vay không ràng buộc” (tức các khoản vay không bắt buộc có sự tham gia của nhà thầu Nhật) đang có mức lãi suất khoảng 1,4%/năm với kỳ hạn trả nợ 30 năm bao gồm 10 năm ân hạn. Từ đây, có thể suy ra, với việc đồng yen tăng hơn 17% so với VND trong năm qua, tương đương mức lãi suất thực tế mà phía Việt Nam phải trả dao động khoảng gần 2%/năm. Nếu đồng yen tiếp tục duy trì sức mạnh trong thập niên tới, rõ ràng các khoản vay ODA đang không còn rẻ nếu so sánh với hình thức phát hành trái phiếu chính phủ bằng USD ra thị trường quốc tế (đang có mức lãi suất ước tính khoảng 4,8%/năm cho kỳ hạn 10 năm).
Hệ quả từ “yen hóa”
Trên thực tế, những khoản “tài trợ ưu đãi” đang ảnh hưởng đến cả các doanh nghiệp chủ chốt của nền kinh tế Việt Nam. Cứ nhìn giá trị và độ phủ của các khoản vay mà Chính phủ Nhật và các doanh nghiệp FDI nước này đã giải ngân trên lãnh thổ Việt Nam thì hệ quả nỗi lo “yen hóa” nền kinh tế Việt Nam đã ở tương lai rất gần.
Điển hình là 2 cái tên lớn Tổng Công ty Cảng hàng không (ACV) và Công ty Nhiệt điện Phả Lại (PPC). Họ chỉ đi vay tổng cộng 93 tỉ yen, tương đương 190.000 tỉ đồng, nhưng trong vòng 1 năm qua đã bị thiệt hại tổng cộng trên sổ sách lên tới hơn 1.000 tỉ đồng, tức trung bình họ vay đắt thêm 0,54% tổng giá trị khoản vay. Nhẩm tính, với chi phí giá vốn chỉ tính riêng của ACV đi vay ODA của Nhật cho dự án xây dựng sân bay Tân Sân Nhất với lãi suất ký kết là 1,6%/ năm, thực chất (với sự đắt lên của đồng yen) phải đội lên tới 2,14%/năm. Tương tự, với khoản vay ưu đãi 0,5% nhưng lại kỳ hạn vay kéo dài đến khoảng 40 năm cho nhà ga quốc tế Nội Bài T2 thì lãi suất thực trả phải là 1,04%/năm.
Với cách tính này, Chính phủ Nhật rõ ràng đã được lợi. Do đó, cũng dễ hiểu vì sao Nhật đã khẳng định sẽ không cắt giảm viện trợ ODA hoặc gia hạn các khoản vay cho Việt Nam, trong khi World Bank đã đưa ra lộ trình ngưng cho vay ODA vào năm sau vì Việt Nam nay đã nằm trong nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình.
Cuoc choi tien te cua nguoi Nhat tai Viet Nam
 
Người Nhật còn quan tâm đến nhiều lĩnh vực quan trọng của Việt Nam. Đáng chú ý là lĩnh vực năng lượng (dầu khí, thủy điện, nhiệt điện). Theo cơ sở dữ liệu đồng bộ của Dealogic, không khỏi ngạc nhiên khi không phải Trung Quốc mà là người Nhật trong 10 năm qua (2005-2015) đứng đầu thế giới về hoạt động đầu tư dầu khí ra ngoài lãnh thổ với giá trị lũy kế đạt 590 tỉ USD. Một mặt Chính phủ của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe áp dụng “chính sách kinh tế Abenomics”, theo đó doanh nghiệp nước này bị áp lực rất lớn làm sao cải thiện lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu và biện minh cho lượng tiền mặt khổng lồ trên bảng cân đối tài chính mỗi năm. Mặt khác, Chính phủ vẫn duy trì sức mạnh của đồng yen để hậu thuẫn công cuộc M&A các tài sản có chất lượng của thế giới về tay người Nhật.
Tại Việt Nam, tập đoàn năng lượng Nhật JX Nippon Oil & Energy gần đây đã mua lại 10% cổ phần Petrolimex với giá khoảng 177 triệu USD, nhằm khai thác hệ thống phân phối và thị phần rộng khắp của Petrolimex. Trong khi đó, Công ty Dầu khí Idemitsu Q8 do Idemitsu Kosan (Nhật) và Công ty Dầu khí Quốc tế Kuwait (KPI) thành lập cũng xúc tiến dự án lọc dầu Nghi Sơn nhằm hồi sinh dự án trị giá 9 tỉ USD này, đồng thời nâng tổng công suất hoạt động lên gấp đôi đạt 400.000 thùng dầu/ngày.
Có vẻ như, với sức mạnh của đồng yen, đã đến lúc thế giới phải nhớ đến câu nói kinh điển của Akio Morita, đồng sáng lập Sony, phát biểu trong thương vụ thâu tóm thành công hãng phim Columbia Pictures trị giá 3,4 tỉ USD vào năm 1980, khởi đầu cho kỷ nguyên thâu tóm của Nhật: “Nếu bạn không muốn người Nhật mua tài sản của mình thì đừng bán nó”.
Cuoc choi tien te cua nguoi Nhat tai Viet Nam
Thuật ngữ “runaway yen” xuất hiện lần đầu khoảng 7 năm trước, khắc họa làn sóng tháo chạy đồng loạt của nhà đầu tư toàn cầu khỏi tác động từ sự tăng giá của đồng yen, và lịch sử dường như đang lặp lại. Ảnh: businesstimes.com.sg
Hãy quay lại thị trường Việt Nam, khi nói về giá trị liên kết, công cuộc mở rộng thị phần và danh mục sản phẩm hay tài sản của các doanh nghiệp FDI Nhật được góp phần không nhỏ bởi chính sách và hệ thống tài chính ngân hàng của quốc gia này. Hiện tại, Nhật có 3 chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Mizuho, SMBC, Bank of Tokyo-Mitsubishi) và 3 văn phòng đại diện công ty tài chính tại Việt Nam, với tổng vốn điều lệ khoảng 814 triệu USD. Ngoài việc đóng vai trò là hậu thuẫn vững chắc cho dòng vốn Nhật đi vào nền kinh tế Việt Nam, hệ thống các ngân hàng Nhật ngày càng củng cố vị thế là “bình thông hai chiều” trung chuyển nguồn vốn quan trọng của thị trường tiền tệ trước mỗi biến động.
Theo chia sẻ của một chuyên gia cao cấp của Sumitomo Mitsui Banking Corporation, khối nguồn vốn của các ngân hàng Nhật trong những giai đoạn thị trường liên ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản tiền USD, chính các ngân hàng này giữ vai trò điều tiết và thu được lợi nhuận lớn từ việc kinh doanh ngoại hối do có cơ sở vững chắc từ thặng dư tiền gửi ngoại tệ của các doanh nghiệp FDI Nhật đang hoạt động tại Việt Nam, cũng như những dòng tiền nóng đổ vào thị trường nội địa tăng đều qua mỗi năm (tổng số dự án FDI của Nhật vào Việt Nam trong năm 2015 là hơn 2.900 dự án với tổng vốn đăng ký 39 tỉ USD). Người Nhật cũng thông minh khi tận dụng được một đặc điểm trong chính sách tiền tệ của Việt Nam. Đó là trong khi tỉ giá VND/USD được kiểm soát chặt chẽ thì tỉ giá tiền đồng với các ngoại tệ khác, trong đó có đồng yen lại được thả nổi.
Cuoc choi tien te cua nguoi Nhat tai Viet Nam
 
Vì vậy, mặc dù không được nhận diện nổi bật như các ngân hàng bán lẻ nước ngoài khác như HSBC, ANZ, Shinhan Bank, nhưng một cách âm thầm, hệ thống các ngân hàng Nhật này vẫn thể hiện được sức ảnh hưởng lớn của mình lên thị trường Việt Nam, nhất là trong bối cảnh đồng yen tăng giá.
Sự bài bản và thông minh của người Nhật còn nằm ở chỗ họ tận dụng được lợi thế kinh doanh chéo. Khi các chi nhánh ngân hàng của Nhật không thể so lại lợi thế khách hàng cá nhân bản địa với các ngân hàng Việt thì họ đã sử dụng chính sách bắt tay “cùng có lợi”. Tháng 6 vừa qua, tổ chức thẻ tín dụng quốc tế lớn nhất của nước này là JCB đã hợp tác với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân Đội ra mắt thẻ tín dụng quốc tế MB JCB Sakura, loại thẻ tích hợp công nghệ chip theo tiêu chuẩn quốc tế EMV Nhật.
Gần đây, người Nhật đã thể hiện rõ sự sáng tạo và khả năng ứng biến của mình khi JICA, một cơ quan trực thuộc Chính phủ Nhật, không cần qua cánh cửa ODA, hay hệ thống ngân hàng thương mại, sẽ cấp số vốn dưới dạng khoản vay chính thức lãi suất thấp trị giá 192 triệu USD cho thị trường tài chính Việt Nam.
Cuoc choi tien te cua nguoi Nhat tai Viet Nam
Trong cấu trúc nợ công có giá trị gần 125 tỉ USD của Việt Nam, nợ bằng đồng yen thường chiếm tới 38%. Ảnh: Sơn Phạm
Không chỉ dừng lại ở những ưu đãi trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, tài chính, ngân hàng, chứng khoán hay đi xây cao ốc văn phòng, chung cư, người Nhật nay còn “hào phóng” thí điểm vào thị trường bất động sản. Theo đó, những người thuộc tầng lớp trung lưu ở Việt Nam được vay tiền để mua nhà tới 20 năm và trả theo lãi suất cố định. Ở bề nổi, động thái này có ý nghĩa tích cực khi hệ thống ngân hàng Việt hiện cho vay trung bình chỉ 15 năm và lãi suất vay thả nổi theo biến động thị trường. Nhưng phần chìm nằm ở chỗ nhiều tập đoàn Nhật đang kinh doanh tại Đông Nam Á như Maeda, Kyoei Steel, Tokio Marine Holdings sẽ tham gia dự án này. Một cách “vô tình”, Maeda sẽ đảm nhận những hợp đồng xây nhà, Kyoei Steel sẽ mở rộng hoạt động bán vật liệu xây dựng, còn Tokio Marine muốn tăng hoạt động bán hợp đồng bảo hiểm hỏa hoạn.
Còn đối với người Việt, khi mua nhà trả góp (tại các dự án sử dụng công nghệ lắp ráp bê tông đúc do các nhà thầu được chỉ định phía Nhật thi công), họ sẽ yên tâm sống trong những căn nhà có lãi suất cố định (bằng đồng yen) nhưng thầm cầu mong cơn bão đồng yen không quét qua mái ấm của mình.
Rõ ràng, không thể chối bỏ những lợi ích từ dòng vốn Nhật chảy vào Việt Nam, nhưng trong bối cảnh các thị trường nợ thế giới tương tác ngày càng phức tạp, người Việt cần phải tỉnh táo trong các quyết định gọi vốn. Nếu không, Chính phủ, doanh nghiệp và người dân Việt sẽ phải đối diện với áp lực “kéo cày” nhiều năm và nhiều thế hệ về sau.
Nguyệt Nguyễn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét