Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2012
Câu chuyện Ngôn Ngữ
16:58
Hoàng Phong Nhã
No comments
Phạm Việt Hưng 13/07/2012
Abstract: French people say:
“Tout mystère se trouve dans le langage” (All mystery is in the language).
But is there a language which allows us to discover all mysteries? Do we
have enough languages to completely and perfectly describe the world around?
The following story of language attempts to give an answer (PVHg).
Là một danh hoạ bậc nhất của
thế kỷ 20, Pablo Picasso đồng thời mang dáng dấp của một nhà hiền triết khi
ông nói: “Nghệ thuật là một lời nói dối làm cho chúng ta nhận ra sự thật”
(Art is a lie that enables us to realize the truth). Nhận định này ẩn chứa
nhiều tư tưởng sâu sắc về hội hoạ, nhưng đồng thời cũng gợi ý rằng hội hoạ
là một dạng ngôn ngữ đặc biệt, cùng với các ngôn ngữ khác giúp cho chúng ta
tiếp cận tới chân lý ngày càng sâu sắc hơn.
Ngôn ngữ của con người vô cùng
đa dạng: tiếng nói, chữ viết, hình vẽ, âm nhạc, ký hiệu toán học, mô hình,
biểu đồ, biểu tượng, điệu bộ, cử chỉ, ánh mắt, thậm chí cả sự im lặng hoặc
giao tiếp bằng ngoại cảm,…Tất cả liên kết lại với nhau, tạo nên nền văn minh
của nhân loại. Lịch sử văn minh chính là lịch sử phát triển và tiến hoá của
ngôn ngữ. Chẳng thế mà người Pháp đã kết luận: “Mọi bí mật đều nằm trong
ngôn ngữ” (Tout mystère se trouve dans le langage).
Kết luận trên có một hàm ý rất
sâu xa. Nó làm cho chúng ta liên tưởng tới rất nhiều sự kiện ngôn ngữ thú
vị. Chẳng hạn:
- Sự kiện phát hiện ra “phiến
đá Rosetta”[1]
(Rosetta Stone) – phiến đá giúp cho nhà ngôn ngữ học trứ danh người Pháp
Jean François Champollion, năm 1822, giải mã được chữ tượng hình Ai-cập cổ
đại, mở toang cánh cửa bí mật của nền văn minh sông Nile cho hậu thế khám
phá.
- Sự kiện khám phá ra hệ thống
ngôn ngữ Ấn-Âu (Indo-European language) trong thế kỷ 19, giúp cho các nhà
khoa học lịch sử khám phá ra cuộc di cư vĩ đại của người Aryan[2]
từ mấy ngàn năm trước,…
Nhưng ngôn ngữ không chỉ là
chiếc chìa khoá vàng trong việc giải mã các sự kiện lịch sử, văn hoá, mà còn
rọi một ánh sáng vào những khoảng tối của nhận thức luận khoa học hiện đại.
Niels Bohr, một trong những nhà
vật lý lỗi lạc và uyên thâm nhất thế kỷ 20, đã phải thốt lên chua chát: “Tất
cả chúng ta đều bị treo lơ lửng trong ngôn ngữ” (We are all suspended in
language), để mô tả tình trạng mâu thuẫn và bất định khi chúng ta cố mô tả
thế giới lượng tử bằng một thứ ngôn ngữ không tương thích – ngôn ngữ của thế
giới vĩ mô.
Trong toán học, Định lý Bất
toàn (Theorem of Incompleteness) của Kurt Godel cũng giáng một đòn chí tử
vào tham vọng chứng minh tính hoàn hảo của toán học. Godel chỉ ra rằng mọi
tham vọng tìm kiếm một hệ thống lý thuyết hoàn hảo đều rơi vào cãi bẫy của
nghịch lý tự quy chiếu. Để thoát khỏi cái bẫy này, phải tìm đến một
thứ siêu ngôn ngữ – một ngôn ngữ đứng bên ngoài hệ thống lý thuyết
đang xem xét. Nhưng bản thân siêu ngôn ngữ cũng bất toàn, do đó không bao
giờ có một hệ thống lý thuyết nào có thể đạt tới sự hoàn hảo.
Vì thế không có một ngôn ngữ
nào có thể được coi là độc tôn, là “ông hoàng” trên con đường tìm kiếm chân
lý. Chỉ có sự kết hợp nhiều thứ ngôn ngữ khác nhau, bổ sung cho nhau mới làm
nên một bức tranh phong phú nhất, sát gần với sự thật nhất.
Để tiệm cận tới kết luận đó,
trước hết phải thấy được những “chỗ yếu” của ngôn ngữ. Một trong những “chỗ
yếu” đó là nghịch lý tự quy chiếu.
Những ý kiến bầy tỏ, tuyên bố,
phát biểu, trình bầy,… mang tính chất tự phán xét, tự đánh giá về chính bản
thân mình được gọi là những nhận định tự quy chiếu (self-referential
statements). Mọi nhận định tự quy chiếu đều chứa đựng mâu thuẫn logic
nội tại, do đó sẽ dẫn tới nghịch lý được gọi là nghịch lý
tự quy chiếu (self-referential paradoxes) – nghịch lý nẩy sinh khi một
hệ thống tự phán xét về chính bản thân mình.
Thí dụ điển hình là “nghịch lý
Cretan”, hay còn gọi là “nghịch lý kẻ nói dối”, nẩy sinh từ tuyên bố sau
đây:
Ta là kẻ nói dối (I am a liar)!
Nếu “ta” là kẻ nói dối, suy ra
“ta” đã nói thật. Nếu “ta” nói thật, suy ra “ta” là kẻ nói dối. Đằng nào
cũng mâu thuẫn – mâu thuẫn là hệ quả logic tất yếu của một hệ tự quy chiếu!
Nghịch lý kẻ nói dối do
Epimenides, một nhà thơ kiêm triết gia người Cretan (người đảo Crete
thuộc Hy Lạp), thế kỷ 7-6 trước công nguyên, tìm ra. Nghịch lý này
tồn tại trong suốt hơn 2500 năm chỉ như một trò chơi logic ngôn ngữ,
nhưng đến đầu thế kỷ 20 nó bất ngờ tìm thấy những người “bạn đồng
hành” trong logic toán học. “Người bạn” nổi tiếng nhất là “nghịch lý
Russell” – nghịch lý trong lý thuyết tập hợp do Bertrand Russell tìm ra, dẫn
tới cuộc khủng hoảng chưa từng có trong nền tảng toán học[3].
Russell vốn nổi tiếng là một
nhà hoạt động xã hội có trái tim nồng nàn, từng đoạt Giải Nobel
văn chương năm 1950, hai lần bị nhà nước Anh cho vào tù vì những
hoạt động chống chiến tranh, nhưng nổi tiếng nhất vì những công trình
logic toán, đặc biệt vì nghịch lý Russell – một cảnh báo đối với lòng “cả
tin” xưa nay cho rằng toán học là một hệ logic tuyệt đối phi mâu thuẫn.
Đây là nghịch lý nghiêm
trọng nhất trong các nghịch lý, vì nó không chỉ làm lung lay lâu đài
toán học – lâu đài xưa này được coi là kiên cố vững chắc nhất trong khoa học
– mà còn gợi ý rằng vũ trụ có thể chứa đựng những mâu thuẫn ngay từ
trong bản chất của nó.
Nếu
nghịch lý Russell chưa đủ mạnh để hạ bệ thói tự phụ trong toán học thì năm
1931, Định lý Godel ra đời, giáng một đòn chí tử vào tham vọng tìm kiếm một
hệ thống toán học tuyệt đối hoàn hảo (tuyệt đối đầy đủ và phi mâu thuẫn). Hệ
thống này được mệnh danh là “siêu toán học” (metamathematics), vì nó định
dùng toán học để chứng minh tính đầy đủ và phi mâu thuẫn của chính toán học.
Nói cách khác, siêu toán học chính là một hệ tự quy chiếu, và ắt phải dẫn
tới mâu thuẫn. Nhưng toán học không chấp nhận mâu thuẫn, vậy siêu toán học
không thể thành công. Tham vọng tìm kiếm siêu toán học là “bất khả”
(impossible) và không tưởng (utopian). Đó là bài học lớn cho toàn bộ khoa
học.
Câu hỏi đặt ra là: Có thể
tránh khỏi nghịch lý tự quy chiếu hay không?
Câu trả lời tuỳ thuộc vào
chỗ có tồn tại một siêu ngôn ngữ (metalanguage) đối với tầng
ngôn ngữ đang sử dụng hay không.
Siêu ngôn ngữ là một ngôn
ngữ dùng để nói về một ngôn ngữ khác. Chẳng hạn, dùng tiếng Việt để
nói về tiếng Anh thì tiếng Việt được coi là một siêu ngôn ngữ của
tiếng Anh. Bất kỳ một ngôn ngữ nào cũng có thể trở thành siêu
ngôn ngữ đối với một ngôn ngữ khác. Siêu ngôn ngữ có thể có nhiều
tầng, nhiều lớp. Thí dụ dùng tiếng Việt để phân tích một tài
liệu tiếng Anh bàn về tiếng Hebrew, thì tiếng Việt sẽ là siêu siêu
ngôn ngữ đối với tiếng Hebrew. Các tầng siêu ngôn ngữ tạo thành một
hệ thống thang bậc siêu ngôn ngữ (hierachy of metalanguages) kéo dài vô
hạn.
Từ điển Anh-Việt là một
tài liệu siêu ngôn ngữ, vì nó dùng tiếng Việt để giải thích tiếng
Anh. Đa số người mới học tiếng Anh đều ưa dùng từ điển Anh-Việt
thay vì từ điển Anh-Anh. Điều đó hoàn toàn tự nhiên, vì quy luật
cơ bản của nhận thức chỉ ra rằng nhận thức phải đi từ cái đã
biết đến cái chưa biết.
Người mới học tiếng Anh sẽ
gặp khó khăn lớn nếu sử dụng từ điển Anh-Anh mà không có thêm bất
kỳ một sự giải thích hỗ trợ nào khác (không có bất kỳ một thứ siêu
ngôn ngữ nào khác để phân tích ý nghĩa trong tiếng Anh). Dưới con mắt của
logic nhận thức, từ điển Anh-Anh là một thứ ngôn ngữ tự mình nói
về mình – một dạng nhận thức tự quy chiếu – do đó nó sẽ tạo ra
một cái ngưỡng mà người mới học tiếng Anh không thể vượt qua. Tuy
nhiên có thể vượt qua ngưỡng này bằng cách sử dụng các dạng siêu
ngôn ngữ của tiếng Anh, chẳng hạn như sự giảng giải bổ trợ bằng
tiếng Việt của thầy giáo hoặc bạn bè, hình ảnh minh hoạ, cử chỉ
điệu bộ bằng chân tay, ánh mắt, khoé miệng của người giảng giải,
v.v... Tất cả những cách bổ trợ này đều là những dạng siêu ngôn
ngữ tuyệt vời đối với mọi thứ ngoại ngữ.
Chú ý rằng trẻ em có thể tiếp
thu song ngữ một cách tự nhiên, không dùng ngôn ngữ này như một siêu ngôn
ngữ của ngôn ngữ kia. Những trường hợp này gọi là “người có song ngữ tự
nhiên” (bilingual). Chẳng hạn một em bé Việt Nam sinh ra và lớn lên ở Úc,
khi đó cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh đều là ngôn ngữ tự nhiên: tiếng Việt là
ngôn ngữ mẹ đẻ, tiếng Anh là ngôn ngữ bản địa. Trong thực tế tại Úc, tôi đã
chứng kiến một em bé “trilingual”, tức là có 3 ngôn ngữ tự nhiên: tiếng Pháp
vì bố là người Bỉ, tiếng Nhật vì mẹ là người Nhật, tiếng Anh là tiếng bản
địa. Nếu có một siêu ngôn ngữ trong trường hợp này thì đó là cử chỉ, ánh
mắt, dấu hiệu, hình ảnh,… do cha mẹ em hoặc thầy cô giáo, bạn bè ở nhà
trường tác động đến em trong khi nói chuyện với em. Thí dụ mẹ em vừa nói vừa
chỉ vào con mèo để em hiểu khái niệm “con mèo”, thầy cô giáo vừa nói vừa chỉ
vào cái “table” để em hiểu khái niệm “table”. Khi đó hình ảnh con mèo hay
cái bàn đều đóng vai trò siêu ngôn ngữ của ngôn ngữ thông thường.
Alfred Tarski, một nhà toán
học Ba lan xuất sắc, từ lâu đã nhấn mạnh rằng muốn định rõ giới
hạn của các tầng nhận thức, cần phải phân biệt rõ ranh giới giữa
ngôn ngữ với siêu ngôn ngữ. Trong toán học, sự lẫn lộn giữa ngôn
ngữ với siêu ngôn ngữ đã từng là nguyên nhân dẫn tới sai lầm trong
định hướng nghiên cứu và giảng dạy. Chẳng hạn, giữa thế kỷ 20 nổi lên trường
phái Bourbaki, với sự ra đời của hàng loạt công trình đồ sộ viết lại toán bộ
toán học dựa trên cái nền logic và tập hợp. Vào thời ấy, Bourbaki được cả
thế giới ngưỡng mộ và tôn sùng như Euclid của thế kỷ 20. Thực chất đây là sự
tiếp tục chương trình Hilbert, với niềm tin tạo ra siêu toán học, bất chấp
Định lý Godel. Chủ nghĩa Bourbaki dẫn tới hệ quả là sự ra đời của trào lưu
Toán học Mới ở trường phổ thông – một bước thụt lùi nghiêm trọng của nền
giáo dục toàn cầu trong những thập kỷ 1960-1970. Cuối thế kỷ 20, với sự thức
tỉnh về ý nghĩa của Định lý Godel, các nhà toán học đã dần dần từ bỏ chủ
nghĩa Bourbaki để trở về với toán học hiện thực. Ngày nay hầu như không còn
ai tiếp tục con đường Bourbaki nữa. Đáng tiếc là nhiều nhà toán học và giáo
dục không ý thức được ý nghĩa của bài học này.
Chúng ta đã biết siêu toán học
không tồn tại – ngôn ngữ toán học cũng giống như bất kỳ một dạng ngôn ngữ
nào khác, có những giới hạn không thể vượt qua.
Niels Bohr có lẽ là người hiểu
rõ hơn ai hết về giới hạn của ngôn ngữ khi ông tranh cãi quyết liệt với
Albert Einstein về tính hư ảo và bất định của thế giới lượng tử. Dường như
càng cố mô tả sự vật một cách chính xác thì lại càng rơi vào tình trạng bất
định, vì không bao giờ có thể đạt tới sự mô tả cuối cùng mà không cần có
thêm bất kỳ một sự giải thích nào khác – không bao giờ chúng ta có đủ từ ngữ
để mô tả sự vật một cách tuyệt đối chính xác. Mọi cố gắng chính xác hoá
tuyệt đối một khái niệm đều là bất khả. Nhiều nhà toán học từng nghĩ rằng họ
có thể đạt tới một lý lẽ tuyệt đối chính xác nhờ logic và tập hợp, nhưng các
công trình của Russell và Godel đã chỉ ra rằng đó là một ý nghĩ ngây thơ, ảo
tưởng.
Chẳng hạn, hãy thử đưa ra một
định nghĩa cho khái niệm “trò chơi” (game), chúng ta sẽ nhanh chóng thấy
rằng định nghĩa đó không chính xác. Thí dụ Từ điển The Free Dictionary định
nghĩa “game” (trò chơi) là “một hoạt động mang lại sự giải trí và thoải mái”
(an activity providing entertainment or amusement). Ngay lập tức có thể hỏi:
nghe nhạc có thể gọi là một “trò chơi” được không? Vậy xem ra mỗi định nghĩa
chỉ có thể nói lên một khía cạnh nào đó của sự thật mà thôi. Một định nghĩa
càng mô tả được nhiều khía cạnh của sự vật thì càng gần với sự thật hơn,
nhưng sẽ không bao giờ đạt tới chính bản thân sự thật đó. Nói cách khác, bản
chất của ngôn ngữ là hạn chế, khả năng diễn đạt và mô tả sự thật bằng ngôn
ngữ là có giới hạn.
Đến đây có thể hiểu vì sao cuộc
tranh cãi về hiện thực lượng tử hoặc cuộc tranh cãi về nền tảng của toán học
rốt cuộc lại quy về vấn đề hạn chế của ngôn ngữ.
Nếu ngôn ngữ không bao giờ đủ
thì cái gì giúp chúng ta nhận chân sự vật?
Đó là trực giác – trực
giác giúp chúng ta cảm nhận được cái thần của sự vật ẩn đằng sau từ ngữ,
thay vì chính bản thân từ ngữ. Trong bản dịch cuốn “Đạo Đức Kinh”[4]
của Lão tử, học giả Nguyễn Duy Cần phân tích: “Học thuyết của Lão tử không
phải là thật khó hiểu nếu ta quan niệm nó bằng trực giác. Sự khó khăn của nó
là ở chỗ đem ra mà bày giải… Lão tử há đã chẳng nói: Tri giả bất ngôn,
ngôn giả bất tri. Đem nó mà giảng giải, bằng những danh từ của giới nhị
nguyên thì thật là vô cùng hiểm trở … Danh từ, bất luận để ám chỉ vật gì,
đều có cái nghĩa hạn định của nó, cho nên không thể nào dùng một tiếng gì
trong giới nhị nguyên tương đối để trỏ vào cái lẽ tuyệt đối thường tồn và
bất biến”.
Đó
là lý do vì sao các luận thuyết Đông phương cổ đại thường kiệm lời, đòi hỏi
người ta phải vận dụng trực giác để hiểu, trong khi nền văn minh hiện đại
lại thiên về phân tích logic “chẻ hoe sợi tóc”, ngõ hầu tìm ra chân lý cuối
cùng, bất chấp giới hạn của nhận thức. Một trong những điển hình cho tinh
thần bất chấp là Khoa học về trí thông minh nhân tạo (AI-Artificial
Intelligence).
Hans Moravec, chuyên gia robot
của Viện Robotics thuộc Đại học Carnegie Mellon, tuyên bố thẳng
thừng rằng đến năm 2050 sẽ ra đời những robot thông minh như con
người! Tư tưởng này kích thích sáng tạo công nghệ, cho ra đời những siêu
phẩm ngày càng kỳ lạ hơn. Nhưng kèm theo những tiến bộ đó là sự hạ thấp
giá trị con người, hạ thấp tính người trong xã hội hiện đại. Hệ quả tiêu
cực này xuất phát từ chính những hiểu biết sai lầm về con người – bản thân
việc tuyên bố sẽ chế tạo ra những sản phẩm thông minh như con người đã nói
lên rằng tuyên bố đó không hiểu gì về con người.
Nếu con người thuần tuý chỉ là
một sinh vật cao cấp nhất trong bậc thang tiến hoá của sinh vật – người là
hậu duệ của khỉ – thì có thể kết luận computer hiện nay đã thông minh hơn
con người, vì năm 1997, máy tính Deep Blue đã đánh thắng vua cờ Garry
Kasparov. Nhưng chính sự kiện động trời này đã thúc đẩy Douglas Hofstadter,
một trong những chuyên gia AI giỏi nhất hiện nay, xác định lại vị trí của
con người: “Khi một hoạt động trí não nào đó đã được chương trình hoá thì
người ta sẽ mau chóng ngừng coi nó như một thành phần chủ yếu của tư duy
thực sự”[5].
Thật vậy, chúng ta còn biết quá
ít về bản thân mình, và có lẽ sẽ không bao giờ biết đầy đủ, vậy cớ gì chúng
ta có thể tạo ra những sản phẩm thông minh như chúng ta? Nhận định này dựa
trên quan điểm cho rằng mọi hiểu biết về con người đều là sản phẩm của chính
bộ não. Nói cách khác, mọi nghiên cứu về bộ não đều là những hệ tự quy
chiếu, và do đó sẽ không bao giờ đầy đủ. Nếu hiểu biết về bộ não không đầy
đủ thì làm sao có thể chế tạo ra một sản phẩm giống bộ não? Tham vọng chế
tạo ra những sản phẩm thông minh như con người sẽ càng trở thành điên rồ hơn
nếu ta hướng câu chuyện sang lĩnh vực “nhận thức mềm” – nhận thức văn chương
nghệ thuật và khoa học xã hội.
Nếu gọi nhận thức của khoa
học tự nhiên là “nhận thức cứng” thì nhận thức của văn chương,
nghệ thuật và khoa học xã hội là “nhận thức mềm”. Trong nhận
thức mềm chúng ta cũng thường xuyên sử dụng cả ngôn ngữ lẫn siêu
ngôn ngữ. Nhưng dường như sự lẫn lộn giữa ngôn ngữ với siêu ngôn ngữ
ở đây nếu có, cũng chẳng gây nên sự cố gì nghiêm trọng. Không những
thế, việc sử dụng cùng lúc ngôn ngữ với siêu ngôn ngữ còn làm cho nhận thức
mềm trở nên phong phú hơn, “mềm hơn”, kích thích tư duy nhiều hơn. Tại sao
vậy ?
Vì nhận thức mềm không áp
dụng suy luận logic máy móc như nhận thức cứng. Nhận thức mềm không
gán cho chân lý các giá trị cứng nhắc là 1 (đúng) và 0 (sai). Khái niệm
“đúng/sai” trong nhận thức mềm biến thiên một cách tương đối trong khoảng từ
0 đến 1. Thậm chí trong nhận thức mềm, chân lý không thể số hoá. Việc số hoá
hình thể phụ nữ trong các cuộc thi hoa hậu là một việc làm phản nhân văn,
phản lại Cái Đẹp. Không còn gì ấu trĩ hơn chủ trương số hoá Cái Đẹp. Những
người tin vào các số đo để tìm ra tiêu chuẩn của Cái Đẹp là những người
không hiểu gì về Cái Đẹp. Tương tự như dùng các chỉ số IQ để đo trí thông
minh là không hiểu gì về trí thông minh. Cái Đẹp và trí thông minh là những
giá trị cao quý và sâu sắc gấp vạn lần so với những gì có thể số hoá.
Nhận thức mềm có bậc
tự do cao hơn rất nhiều so với nhận thức cứng. Bậc tự do của
một dạng nhận thức nói lên mức độ phóng khoáng của dạng nhận thức đó. Dạng
nhận thức có bậc tự do thấp nhất có lẽ là toán học, bởi ở đó không có chỗ
cho sự mập mờ, đa nghĩa. Tranh Picasso có lẽ có độ phóng khoáng rất cao, cao
đến mức hình ảnh trong tranh của ông méo mó như một “lời nói dối”. Vậy mà
cái méo mó ấy lại giúp chúng ta nhận chân sự thật, nếu chúng ta có trực giác
tốt và được giáo dục tốt để cảm nhận được sự thật ẩn đẳng sau “lời nói dối”
ấy.
Không tồn tại một dạng nhận
thức nào có bậc tự do bằng 0. Siêu toán học có tham vọng tìm ra
một hệ logic chặt chẽ đến mức có bậc tự do bằng 0, nhưng Định lý
Godel chứng minh rằng hệ logic đó không tồn tại.
Ngược lại cũng không tồn
tại một dạng nhận thức nào có bậc tự do bằng 1. Hội hoạ hiện
đại có bậc tự do cực kỳ lớn, có thể gần 1 tuỳ ý, nhưng không bao
giờ bằng 1, vì bất kể một ngôn ngữ nào dù phóng khoáng đến mấy cũng
không thể không có những niêm luật hoặc quy tắc tối thiểu.
Mặt khác nhận thức mềm sử
dụng một hệ thống siêu ngôn ngữ rất phong phú. Chẳng hạn nếu nghe
ai đó tuyên bố “Ta là kẻ nói dối” thì nhận thức mềm không bắt bẻ
câu nói đó theo một chu trình logic khép kín của Epimenides, mà sẽ
đánh giá mức độ tin cậy của lời nói thông qua ngữ cảnh, tâm địa
của người nói, vẻ mặt, ánh mắt, cử chỉ bộ dạng của anh ta, v.v.,
tức là sử dụng một loạt các siêu ngôn ngữ của ngôn ngữ thông
thường để tiếp cận sự thật. Vì thế sẽ không xuất hiện nghịch lý và
có khả năng mô tả sự thật một cách phong phú nhất.
Khi đọc tác phẩm “Tiếng
Việt, người Việt, văn Việt” của GS Cao Xuân Hạo, một tác phẩm
dùng tiếng Việt để phân tích mổ xẻ tiếng Việt, tức là một tác phẩm
tự quy chiếu, nhưng tôi không thấy một mâu thuẫn nào nẩy sinh, ngược
lại lý lẽ trong đó rất sắc sảo, thú vị và thuyết phục. Lý do vì
khi đọc một tác phẩm văn chương hoặc xã hội học, chúng ta sử dụng
mọi liên tưởng, tức là sử dụng mọi siêu ngôn ngữ có thể có, trong đó trực
giác là thứ siêu ngôn ngữ cao cấp nhất, do đó có thể tóm bắt được cái
thần của con chữ, thần của câu nói, thay vì “dò từng câu đếm từng
chữ” theo kiểu logic máy móc như computer. Nói cách khác khi đối diện
với một câu nói, ta phải tóm bắt ý nghĩa toàn thể của câu nói
đó ngay lập tức. Điều này đặc biệt quan trọng trong việc đọc các
tài liệu tiếng Việt, vì bậc tự do trong tiếng Việt rất cao. Tiếng
Việt không tuân thủ các quy tắc ngữ pháp chặt chẽ như các ngôn ngữ Tây
phương. Đặc điểm này cũng biểu lộ rất rõ trong âm nhạc Việt Nam
truyền thống. Âm nhạc truyền thống Việt Nam có độ “lơi” rất cao.
Các nghệ sĩ khi trình diễn phải ăn ý với nhau chủ yếu bằng cảm
xúc ngẫu hứng, thay vì tuân theo những tổng phổ chặt chẽ như âm
nhạc Tây phương. Việc “giao hưởng hoá” âm nhạc truyền thống Việt Nam một
mặt có thể nâng âm nhạc VN truyền thống lên một tầm cao mới, dễ hoà nhập với
dòng chảy văn hoá thế giới hơn, nhưng đồng thời cũng có thể làm giảm bớt
tính truyền thống Việt Nam.
Có lẽ thơ Hồ Xuân Hương là
một loại ngôn ngữ có bậc tự do cao nhất, mặc dù thơ của bà là thơ cổ
điển, tuân thủ các niêm luật chặt chẽ về vần điệu. Bậc tự do này chủ yếu phụ
thuộc vào việc lựa chọn từ ngữ. Hầu như mọi từ ngữ của bà đều đa nghĩa, tạo
nên cái hóm hỉnh trác tuyệt mà không dễ gì một ngôn ngữ nào khác có thể bắt
kịp.
Bậc tự do của ngôn ngữ là
cái mà computer không bao giờ theo kịp con người. Đó là điều mà những
chuyên gia AI như Hans Moravec, dù giỏi tính toán đến mấy, cũng không hiểu
và không muốn hiểu. Sẽ là chuyện nực cười nếu chúng ta trông đợi
vào một computer viết văn, một computer sáng tạo nên một Serenade…
Chúng ta có thể thừa nhận computer tài giỏi vì đã đánh thắng vua cờ Kasparov
hoặc có thể làm đủ mọi chuyện kinh thiên động địa khác, nhưng vĩnh viễn
computer sẽ chỉ là “một gã phàm phu tục tử” vì không thể rung động với thơ
Hồ Xuân Hương!
Garik Vaïnstein năm 1974 và Garry
Kasparov năm
2010
Đó là chỗ khác nhau cơ bản
giữa nhận thức mềm với nhận thức cứng.
Bộ não của con người chứa cả
nhận thức mềm lẫn nhận thức cứng. Nhận thức mang tính người nhiều nhất là
nhận thức mềm, thay vì nhận thức cứng như nền giáo dục hiện nay lầm tưởng.
Sự lầm tưởng này vô cùng tai hại, bởi nó dẫn tới một nền giáo dục thiên về
nhồi nhét kiến thức, thay vì đánh thức tâm trí học trò, và dẫn tới một xã
hội thiên về chạy đua sức mạnh vật chất, thay vì chăm lo đời sống nhân văn.
Câu chuyện về ngôn ngữ hôm nay
là câu chuyện về giới hạn của nhận thức. Nhận thức có khát vọng là đi đến
cùng kỳ lý. Nhưng ngay từ thế kỷ 18, Immanuel Kant, nhà triết học
lỗi lạc người Đức, đã nói: “Câu trả lời làm dấy lên những câu
hỏi mới”. Siêu toán học muốn đi đến cùng kỳ lý của toán học
nhưng đã thất bại. Lý thuyết về mọi thứ (Theory of Everything) cũng
đang muốn đi đến cùng kỳ lý của vật lý, nhưng Stephen Hawking đã đặt
câu hỏi: “Liệu chúng ta có thể đi bao xa trong việc tìm kiếm sự hiểu biết
và tri thức?”. Rồi cũng chính ông đã trả lời: “Bản thân chúng ta lẫn
lý thuyết của chúng ta là một bộ phận của vũ trụ, vì thế lý thuyết của chúng
ta là một hệ tự quy chiếu, do đó nó sẽ không đầy đủ hoặc mâu thuẫn, hoặc vừa
không đầy đủ vừa mâu thuẫn”[6].
Nếu nhìn toàn bộ nền văn minh
như một sân khấu vĩ đại của ngôn ngữ thì sân khấu này luôn luôn mở, vì ngôn
ngữ của con người không thể chấp nhận bất kỳ một trói buộc nào cả, như David
Peat đã gợi ý trong cuốn “Từ xác định tới bất định”[7]:
“…tính xác định của ngôn ngữ
học là một trong số những ảo tưởng của con người đầu thế kỷ 20 …Chúng ta
không bao giờ có thể hoàn toàn tránh khỏi tính mơ hồ nhập nhằng trong khi
nói. Chúng ta không thể trói buộc thế giới vào từ ngữ. Nhưng rồi từ ngữ lại
có rất nhiều thứ để cung cấp cho chúng ta, và cuộc sống của chúng ta sẽ
phong phú hơn rất nhiều khi ngôn ngữ không bị bó vào trong một cái áo dành
cho người điên[8]”.
PVHg, Sydney 07.07.2012
[1]
Phiến đá cổ do một binh sĩ trong đoàn quân viễn chinh của Napoléon
tại Ai cập tìm thấy năm 1799 tại Rosetta (Rashid), Ai cập, trên đó
được khắc một bản văn bằng 3 thứ chữ: chữ tượng hình Ai cập cổ đại
(hieroglyphic), chữ Ai cập cổ đại dạng giản lược (demotic), chữ Hy
Lạp cổ. Các nhà khoa học đã lao vào giải mã chữ hieroglyphic nhưng
thất bại, phải đợi mãi tới năm 1822 mới thành công, nhờ công lao của
Jean Francois Champollion.
[2]
Xem “Lịch sứ ít được biết về Swastika”, Phạm Việt Hưng, Khoa học &
Tổ quốc Tháng 03.2011 và trên mạng:
http://vietsciences.free.fr/ ;
http://viethungpham.wordpress.com/
[3]
Xem “Lời sám hối của một nhà toán học hình thức”, Phạm Việt Hưng,
Khoa học & Tổ quốc Tháng 05.2009 và trên mạng:
http://vietsciences.free.fr/
;
http://viethungpham.wordpress.com/
[5]
Xem loạt bài “Đi tìm bản chất đích thực của con người”, Phạm Việt
Hưng, Khoa học & Tổ quốc từ Tháng 06.2011 đến 09.2011 và trên mạng:
http://vietsciences.free.fr/
,
http://viethungpham.wordpress.com/
[6]
Xem “Về bài giảng của Stephen Hawking: Godel và sự kết thúc của vật
lý”, Phạm Việt Hưng, Khoa học & Tổ quốc số Tết Nhâm Thìn 2012 và
trên mạng:
http://vietsciences.free.fr/
;
http://viethungpham.wordpress.com/
[7]
From Certainty to Uncertainty, David Peat, bản dịch “Từ xác định tới
bất định” của Phạm Việt Hưng, NXB Tri Thức 2011.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét