Trước thời Xuân Thu, Chiến Quốc, cách thời thái cổ không xa, phong tục nước Nam còn giản dị, chưa có quốc sử để ghi chép cho nên nhiều truyện bị mất mát đi. May còn truyện nào không bị thất lạc thì riêng được dân gian truyền miệng. Về sau, qua các đời Lưỡng Hán, Tam Quốc, Đông Tây Tấn đến Đường, Tống, Nguyên, Minh mới có sử ghi chép các truyện như Lĩnh Nam chí, Giao Châu quảng ký, Giao Chỉ lược chí v.v… rành rành có thể tham khảo được. Nhưng nước Việt ta tự cổ vốn là đất hoang dã cho nên việc ghi chép còn sơ lược.
Nước ta văn minh bắt đầu nổi lên từ đời Hùng Vương, tràn trề trong các đời Triệu, Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần đến nay đã lan khắp nơi, cho nên việc ghi chép quốc sử được tường tận hơn. Những truyện chép ở đây là sử ở trong truyện chăng? Bắt đầu có từ thời nào? Tên họ người hoàn thành là gì đều không thấy ghi rõ (2). Viết ra đầu tiên là những bậc tài cao học rộng ở đời Lý, Trần. Còn những người nhuận sắc là các bậc quân tử bác nhã hiếu cổ ngày nay. Kẻ ngu này xin nghiên cứu gốc ngọn, trần thuật lại mà suy xét cho sáng tỏ ý người viết truyện. Xem truyện họ Hồng Bàng thì hiểu rõ được lại do việc khai sáng ra nước Hoàng Việt. Truyện Dạ Thoa lược thuật về điểm manh nha của nước Chiêm Thành. Có truyện Bạch trĩ chép sự tích họ Việt Thường. Có truyện Rùa Vàng chép sử vua An Dương Vương. Đồ sính lễ quý nhất nước Nam không có gì bằng trầu cao (3) cũng lấy đó mà biểu dương nghĩa vợ chồng, tình huynh đệ. Nước Nam Việt về mùa hạ (4) không có gì quý bằng quả dưa hấu cũng dùng nó mà kể truyện tự cậy vật báu của mình, quên cả ơn chúa. Truyện Bánh Chưng khen lòng hiếu dưỡng. Truyện Hà Ô Lôi răn thói dâm ô. Đổng Thiên Vương phá giặc An, Lý Ông Trọng diệt Hung Nô, đủ biết nước Nam ta có người tài giỏi. Chử Đồng Tử gá nghĩa cùng Tiên Dung, Thôi Vĩ tao phùng với tiên khách, cho nên, ơn đức có thể thấy vậy. Những truyện Đạo Hạnh, Không Lộ khen việc báo được thù cha, các vị thần tăng ấy há có thể mai một sao? Những truyện Ngư Tinh, Hồ Tinh nêu rõ sức trừ yêu quái mà ơn đức Long Quân không thể quên được vậy! Hai Bà Trưng trung nghĩa khi chết thành thần minh, treo cờ mà biểu dương, ai dám nói không được? Thần Tản Viên linh thiêng trừ loài thuỷ tộc, nêu lên cho hiển hách, ai lại bảo không phải? Than ôi! Nam Chiếu là con cháu Triệu Vũ Đế, nước mất lại biết phục thù; Man Nương là mẹ Mộc Phật, năm hạn làm được mưa rào; Tô Lịch là thần đất Long Đỗ, Xương Cuồng là thân cây chiên đàn, một đằng thì lập đàn tế lễ, dân được hưởng phúc, một đằng thì dùng trò vui mà trừ, dân được thoát hoa, việc tuy kì dị mà không quái đản, văn tuy thần bì mà không nhảm nhí, tuy có phần hoang đường mà tông tích vẫn có phần bằng cứ, há chẳng phải chỉ cốt khuyên điều thiện, răn điều ác, bỏ giả theo thật để khuyến khích phong tục mà thôi ư? So với sách “Sưu thần tự” (5) của đời Tấn và sách “U quái lục” của đời Đường thì cũng nhất trí vậy.
Than ôi! Lĩnh Nam liệt truyện há có phải chỉ riêng khắc vào đá viết vào tre mới là quý hơn ở bia miệng đâu (6)? Từ đứa bé hôi sữa đến cụ già bạc tóc đều truyền tụng để tỏ lòng yêu dấu để tỏ ý chê trách thì tất là có quan hệ đến cương thường, phong hóa, sự bổ ích há lại nhỏ bé ư.
Tháng hai năm Nhâm Tý, niên hiệu Hồng Đức, kẻ ngu này mới bắt đầu chép được truyện cũ, ôm lấy mà đọc, không tránh khỏi chữ nọ xọ chữ kia. Thế là quên mình dốt nát, đem ra hiệu chính, xếp thành hai quyển, đặt tên là “Lĩnh Nam Chích Quái liệt truyện”, cất ở trong nhà để tiện quan lãm. Còn như việc khảo chính, nhuận sắc, làm sáng truyện, gọt văn, chấp lời, rũa ý thì chư vị quân tử hiếu cổ sau đây há không có ai hay sao? Cho nên viết bài tựa này.
Tiết trung hòa, mùa xuân
Năm Hồng Đức thứ 23 (7)
Vũ Quỳnh
---------------------------
Chú thích
(1) Bản A.750 chép: Quế Hải tuy ở Lĩnh Ngoại… Quế là danh từ để chỉ tỉnh Quảng Tây ở Trung Quốc. Quế Hải hiểu theo nghĩa rộng cũng có thể cả vùng Nam Hải, tức là chỉ cả nước ta nữa. Lĩnh là Ngũ Lĩnh, năm dải núi ở vùng Hoa Nam (Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây, Hồ Nam). Lĩnh Nam là vùng đất đai ở phía Nam Ngũ Lĩnh, đó là danh từ người Trung Quốc dùng để chỉ chung một phần Hoa Nam và cả nước ta.
(2) Bản A.2107 chép: “Nước ta dựng nước từ đời Hùng Vương, nhưng văn minh bắt đầu từ Đinh, Lê mà thịnh ở Lý, Trần đến này thì đã có quy cũ. Cho nên ghi chép quốc sử rất là tường tận. Lĩnh Nam Chích Quái chép sử ở lời truyền khẩu, không biết xuất hiện từ thời nào, hoàn thành ở người nào, họ tên bỏ trống không thấy chép.
(3) Bản A. 750 chép: Theo phong tục nước Nam, đồ sính lễ không có gì quý bằng trầu cau.
(4) Bản A.750 chép: Sản vật nước Nam về mùa hạ…
(5) Sưu thần tự: tức là sách Sưu thần ký của Can Bảo đời Tấn, chép các truyện về thần. Có 20 quyển, đời sau thêm 10 quyển nữa. U quái lục: tên một bộ sách chép truyện thần quái về đời Đường.
(6) Bản A.750 chép: Than ôi! Những sự lạ ở Lĩnh Nam nhiều như vậy soạn thành liệt truyện sao không đem khắc vào đá, chép vào giấy mà chỉ sáng trong nhân tâm, truyền ở bia miệng.
Bản A.2107 chép: Than ôi! Sự kỳ lạ ở Lĩnh Nam, việc biên chép ra liệt truyện không đời khắc vào đá, in vào gỗ mà vẫn in dấu vào lòng người, khắc bia vào miệng thế, đến nỗi từ đứa trẻ hôi sữa đến cụ già bạc tóc đều truyền tụng và yêu dấu…
(7) Bản A.750 lại ghi là: Tiết Trung hòa, mùa thu năm Hồng Đức thứ 23. Năm Hồng Đức thứ 23 là năm 1492 công lịch.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét