Bài học của các cụ từ trăm năm về trước thể hiện rất rõ cái triết lý của Á đông: “Quân tử hòa nhi bất đồng”. Đó cũng là bài học của những tri thức chân chính dẫu có bất đồng nhưng lại luôn biết hòa hợp.Hai chữ quân tử của người xưa có thể dùng để chỉ hai loại người trong xã hội ngày nay. Đó là những kẻ sĩ,những trí thức chân chính.Họ được tôn xưng là những bậc chính nhân quân tử.Loại thứ hai lấy theo nghĩa người lớn là người ở hàng đầu,tức là những người cầm quyền,hoặc chính trị, đoàn thể xã hội,nhà nước…mà có nhân có trí.Nghĩa là những kẻ cầm quyền tốt và đúng.Những trí thức hoặc kẻ cầm quyền xấu và sai thường chỉ biết tìm cách bè phái tìm thủ đoạn triệt tiêu lẫn nhau về kinh tế,chính trị cũng như văn hóa.Ví dụ quan sát chính trường ở Pakistan gần đây người ta ngờ rằng ngụy quân tử và tiểu nhân có vẻ như đang lấn lướt.Quan sát trong lịch sử ở bất cứ nơi nào và thời nào nếu bài học chữ Hòa không được nhận thức, làm theo sẽ thấy kinh tế thì nghèo khó,văn hóa trì trệ,nhân cách suy đồi. Ở phương Tây nhiều quốc gia phát triển,về triết lý họ dường như không nói phạm trù Hòa,nhưng đã sớm tìm ra phạm trù Democracy (Dân quyền) vì thế họ đạt tới được hiệu quả hài hòa xã hội. Ở Á đông,nước Nhật sớm biết tìm những nội dung mới cho phạm trù Hòa,họ có những bước phát triển mà thế giới phải khâm phục gọi là sự thần kỳ Nhật Bản.Không phải ngẫu nhiên người Trung Hoa mới đây đang rất coi trọng bài học chữ Hòa.Họ đang đề xướng triết lý chính trị mới (ở trong nước) xây dựng xã hội Hài Hòa.Nếu họ biết đem cái triết lý về chữ Hòa để làm chuẩn mực đối ngoại,chắc họ sẽ đạt tới văn hóa siêu cường hiện đại.
Minh triết Á Đông khám phá chữ Hòa và đề cao thành một phạm trù phổ biến của nhân loại.Hơn hai ngàn năm trước,sách Trung Dung của Nho gia nói: “Hòa dã,thiên hạ chi đạt đạo dã”,các dịch giả Trần Trọng Sâm và Kiều Bách Vũ Thuận trong sách Tứ Thư,NXB Hội nhà văn – 2006 dịch là : “Hòa ư! Hòa là chuẩn tắc phổ biến trong thiên hạ”.Còn học giả Trần Trọng Kim trong quyển Nho giáo lại dịch: “Hòa ấy là đạt đạo của thiên hạ”.Xin dẫn thêm một định nghĩa Đạo của sách Trung Dung : “Đạo là điều mà con người không được xa rời dù chỉ trong giây phút,nếu có thể xa rời được thì không phải là Đạo”.Có lẽ vì nói Đạo là như thế nên mới có cách hiểu đạt đạo là chuẩn tắc phổ biến trong thiên hạ.
Nho gia Việt nam từ xưa đã biết coi trọng và đề cao chữ Hòa.Nguyễn Bỉnh Khiêm từng nói : “Chữ rằng nhân dĩ Hòa vi quý”(Con người phải biết Hòa là quý).Cái quý của Hòa ở nghĩa rộng,nghĩa quy luật.Nhiều người đã làm giảm giá trị của Hòa bằng cách hiểu đó chỉ là một lối ứng xử của nhân sinh.Cho nên Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nói thêm:
Công nhờ trời đất ơn con nặng
Che chở điều hòa kẻo chiếu chăn
Theo Kinh Dịch,Thái Hòa là trạng thái điều hòa giữa Âm và Dương,cương và nhu…,là vũ trụ quan về sự hài hòa để có quân bình và định vị.Nho gia đặc biệt chú ý phạm trù Hòa khi xem xét âm nhạc.Từ ý niệm Hòa của âm nhạc đi tới những kết luận rất nhân sinh rất đáng kính phục.Nguyễn Bỉnh Khiêm trong Bài phú về chiếc khánh đã viết : “Ôi!Hòa là cái chủ của âm nhạc,thiện là dòng dõi của giáo hóa.Khánh đá,một khi treo lên tiếng nó vang tỏa ra khôn cùng” (Đinh Gia Khánh dịch).Chính Nguyễn Trãi khi được giao thẩm định Nhã Nhạc đã tâu : “Hòa bình là gốc của nhạc,thanh âm là văn của nhạc…Xin bệ hạ yêu thương nuôi dưỡng muôn dân khiến nơi thôn cùng xóm vắng không còn lời hờn giận oán sầu.Thế mới không lỗi mất căn bản của Nhã Nhạc”.Chữ hòa bình mà Nguyễn Trãi dùng có nghĩa là sự hài hòa cân đối của nhạc,không cùng nghĩa như ta nói ngày nay là nền hòa bình.Thời ấy khái niệm yên tĩnh,không chinh chiến thường được gọi là Thái Bình (Thái bình thiên tử,thái bình dân).Một đời sống hài hòa bình yên,an cư lạc nghiệp phổ biến khắp nơi,mà mọi người,mọi tầng lớp nhân dân,mọi mối quan hệ xã hội đều hài hòa cân đối như nhạc cũng là lý tưởng minh triết của tổ tiên chúng ta.
Nói Hòa là đạt đạo hay là chuẩn tắc phổ biến, là quy luật,bởi vì Nho gia quan niệm: “Trí Trung, Hòa thiên địa vị yên,vạn vật dục yên”.Nghĩa là đạt tới Trung và Hòa thì trời đất được định vị,vạn vật sinh nở.Chữ Hòa từ vũ trụ quan đã phát triển thành một triết lý nhân sinh.Nho gia trong vùng văn hóa Á Đông (Việt Trung Triều Nhật) đều nhận biết quy luật của mâu thuẫn.Như thuyết âm dương,ngũ hành tương sinh,tương khắc,nhưng coi trọng lẽ tương hòa,tương biến.Không nhấn mạnh một chiều cái tương khắc,tương tranh để đi tới nhận định mâu thuẫn mới là quy luật của phát triển và ứng dụng thành quan niệm nhân sinh cường điệu trong thuyết đấu tranh giai cấp..Khi một tác giả Marxist nhận định “đấu tranh giai cấp là quy luật phát triển của lịch sử” là sự khái quát hóa,trừu tượng hóa một trạng thái xã hội có vẻ như là quy luật,là sự quan sát cả một thời kỳ lịch sử hàng trăm năm.Sự nhận thức thô thiển,phiến diện,cực đoan đến mức hồ đồ đem ứng dụng vào từng người,từng việc,từng mối quan hệ cụ thể,nhất thời,tránh sao khỏi khiên cưỡng, méo mó,tai ương và lỗi lầm!Triết học phương Tây tuy không diễn giải khái niệm Hòa thành một phạm trù có tính quy luật của vũ trụ và nhân sinh nhưng họ rất biết coi trọng sự hài hòa,cân đối,họ thường dùng hai thuật ngữ Harmonie và Concorde.Người Pháp rất đề cao cái Concorde (sự hài hòa,hòa hợp). Ở Paris có quảng trường La Concorde (quảng trường hòa hợp).Họ đặt tên cho loại máy bay siêu đại,siêu âm,siêu viễn là máy bay Concorde.E.Kant triết gia Đức trong tác phẩm Ý tưởng về một Lịch sử Vũ trụ viết: “Theo quan điểm vũ trụ luận (Cosmopolitique) thì con người mong ước sự hòa hợp (concorde) còn thiên nhiên lại biết rằng tốt nhất cho vũ trụ là sự phân giải (discorde)".
Chính chúng ta đã quá cậy quyền,cậy tài,cậy tham,cậy dốt đã tạo ra quá nhiều bất hòa với thiên nhiên,với nhân sinh và xã hội.Có người cho mình là marxist mà đến mức không biết đến cả một phán đoán đầy hoài vọng tốt đẹp của F.Engel: “Bước ngoặt vĩ đại mà thế kỷ chúng ta đang tiến tới - Sự Hòa giải của nhân loại đối với thiên nhiên và đối với chính mình”(Lược thảo phê phán khoa kinh tế chính trị 1884).Quả thật đấy là một phán đoán tài tình,chỉ có điều phải sang tận đầu thế kỷ XXI nhiều người mới sực tỉnh ngộ.Thiên nhiên Việt nam đang nổi giận vì nhiều người không biết sống Hòa cùng nó.Lòng người cũng có nhiều bất an vì chính chúng ta không ý thức được cho rõ cái Đạo Hòa khiến có cái phân tâm,phân tán,phân hóa giàu nghèo,phân ly sự hòa hợp,quy tụ của cái bọc “đồng bào”…Một trong những bi kịch lớn của dân Việt trong thế kỷ XX chính là do không biết coi trọng bài học của chữ Hòa.
Học tập cho đặng cái minh triết về chữ Hòa,thể hiện nó trong chính trị,kinh tế,văn hóa,xã hội,tôn giáo,trong khối người Việt trong và ngoài nước, trong xây dựng quan hệ quốc tế…chính là một việc đáng làm,cần làm của chúng ta trong thời hiện đại.Năm Mậu Tý,phải chăng là sự mở đầu một cơ hội mới trong thế kỷ này.Một thế kỷ mà người Việt bắt đầu tỉnh ngộ để biết hòa giải với thiên nhiên và với chính mình,biết ứng dụng phạm trù Hòa để phát triển, đoàn tụ,hiện đại hóa và chấn hưng Dân Tộc,ra biển lớn hòa nhập với thiên hạ.
NGUYỄN KHẮC MAI - Tạp chí Xưa & Nay số 301+302 tháng 2/2008
0 nhận xét:
Đăng nhận xét