Thứ Bảy, 17 tháng 1, 2015
CHÍNH TRỊ VÀ VĂN NGHỆ ĐỔI MỚI HAY KHÔNG ĐỔI MỚI
04:29
Hoàng Phong Nhã
No comments
LỮ PHƯƠNG
Khi theo dõi những
cuộc thảo luận về mối tương quan giữa chính trị và văn nghệ trên báo
chí nước ta sau thời kỳ "cửa đã mở", tôi gặp một bài đáng chú ý đăng
trên Tạp chí Cộng sản, số 7, 1988 ký tên Lê Xuân Vũ:
Quan
hệ giữa văn nghệ và chính trị không phải là quan hệ giữa hai "bá
quyền" trong xã hội. Điều đáng chú ý của bài viết này là ở cái
tính chất tổng luận của nó: nó đã đề cập nhiều ý kiến khác nhau của
khá nhiều người để từ đó phác ra cái hướng phải điều chỉnh lại để đi
tới đổi mới thật sự. Đối với những ai quan tâm sâu sắc đến vấn đề
này thì tính chất tổng luận đó rất là cần thiết vì là dịp để họ vượt
lên được những phát biểu dị biệt, nhiều khi rất phức tạp rối rắm, để
có được một cái nhìn tổng quan, nhờ đó mà biết được đâu là những
điều đa số đồng ý có thể kết luận tạm thời, đâu là những bất đồng
cần phải thảo luận tiếp. Tôi đã tiếp nhận bài viết của Lê Xuân Vũ
trong tinh thần đó, nhưng rất tiếc, tôi đã không được tác giả thuyết
phục đến hơn một điều.
Đọc kỹ bài của Lê
Xuân Vũ, tôi thấy tác giả đã xâu rất nhiều vấn đề khác nhau vào một
bó không hợp lý, vì vậy sự phê phán những vấn đề ấy cũng không thỏa
đáng.
Thứ nhất,
vấn đề "phủ nhận một chiều", "phủ nhận toàn bộ" thành
quả "mấy chục năm" văn nghệ ở nước ta mà tác giả cho là xuất phát từ
sự "quá trớn", là "thiên lệch".
Thứ hai,
vấn đề "đặt lại quan hệ giữa văn nghệ và chính trị
theo hướng khác" mà nhiều người đã khởi lên (qua chú thích của Lê
Xuân Vũ, ta biết được là Nguyễn Đăng Mạnh, Ngô Thảo, Lê Ngọc Trà, Hồ
Ngọc, Nguyễn Văn Hạnh, Lã Nguyên, Lại Nguyên Ân và nhiều người khác
tuy không dẫn tên nhưng có thể đoán ra như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn
Khắc Viện, Hoàng Trinh v.v...) – vấn đề này, theo Lê Xuân Vũ là nhất
quán với "cái lối coi khuyết tật ung nhọt trên cơ thể con người là
toàn bộ con người" nói trên.
Thứ ba,
vấn đề "hai bá quyền" trong phát biểu của Lã Nguyên "nhất là Lại
Nguyên Ân" với lập luận cho rằng văn nghệ và chính trị là hai "quyền
lực" – vấn đề này, theo Lê Xuân Vũ, cũng đã hình thành – "người góp
gió, kẻ góp củi" – từ hai vấn đề trên tức là "quá trớn" phủ nhận một
chiều và "đặt lại quan hệ giữa văn nghệ và chính trị theo một hướng
khác".
Tôi cho rằng các
vấn đề trên đây có liên quan nhau, nhưng mỗi vấn đề đều có tính chất
riêng biệt, không thể xâu lại bằng một mối dây do tác giả nghĩ ra.
Trước hết là vấn đề
"phủ nhận toàn bộ", "phủ nhận một chiều". Có vấn đề này không? Nếu
có thì đến mức độ nào? Những ai đã đưa ra những phủ nhận đó và họ đã
phủ nhận những gì trong quá khứ. Quá khứ ấy có phải là toàn bộ "mấy
chục năm" văn nghệ ở nước ta hay chỉ là từ 1975 đến nay? Hay chỉ là
tập trung vào một sự kiện cụ thể như câu của Hà Xuân Trường: "Gần
đây trong nhận xét tình hình văn nghệ những năm qua có khuynh hướng
một chiều, gây
ấn tượng (tôi nhấn mạnh – LP) phủ định không đúng, và không công
bằng với những việc làm trước đây, chẳng hạn đối với Đại hội Nhà văn
lần thứ III" (Xem Tạp chí Cộng sản, số 5, 1988)? Có
bằng cớ cụ thể nào để cho rằng xu hướng "phủ nhận mấy chục năm qua"
liên quan đến việc đụng đến "bản chất đường lối chính trị, đường lối
văn nghệ của Đảng" (suốt mấy chục năm qua), hay cũng chỉ dựa vào "cách
nói bao trùm (tôi nhấn mạnh – LP) cả nền văn nghệ như thế đã gây
ấn tượng (tôi nhấn mạnh – LP) và gây tác hại khách quan
(tôi nhấn mạnh – LP) là phủ nhận" như Phan Cự Đệ đã phát biểu (Tạp
chí Cộng sản, số 5, 1988)?
Tôi nghĩ rằng để làm sáng tỏ vấn đề này một cách nghiêm
chỉnh thì phải trả lời toàn bộ những câu hỏi trên một cách cụ thể,
có bằng chứng hẳn hoi, chứ không thể căn cứ vào cái gọi là ấn
tượng hay cách nói gây ra "tác hại khách quan" do những phát
biểu, nhất là những phát biểu miệng ở các cuộc hội thảo, ở đó người
ta không có thì giờ múa cả một màn "thiệu" rồi mới tung cú đấm,
phải nói cho được cái "thành tựu" xong rồi mới nói đến những "tồn
tại" như trong các nghị quyết. Mà cái cách thức đặt vấn đề của những
hội thảo ấy cũng thật là mênh mông: tạp chí Văn Nghệ đặt vấn
đề "Chính trị và Văn nghệ" còn Tạp chí Cộng sản thì nêu "Văn
nghệ ta đổi mới trong sự nghiệp đổi mới của Đảng ta", toàn những
chuyện muốn bắt đầu ở đâu cũng được. Nếu như những người tổ chức
chia nhỏ các vấn đề ra – hoặc là đặt rõ ra khi thảo luận – chẳng hạn
trước 1975, sau 1975... nói tóm lại là đặt vấn đề một cách cụ thể và
có giới hạn, có chuẩn bị để dẫn, có nghiên cứu trước để từ đó mà thảo
luận, rồi sau đó có tổng kết để sau đó tiếp tục thì có lẽ sẽ không
tạo ra cái "ấn tượng" nào đó để người ta có thể suy ra mọi thứ, như
Từ Sơn đã phát biểu là "vin vào một vài vụ việc cụ thể nào đó rồi
thổi lên thành quan điểm" (Tạp chí Cộng sản, số 5, 1988).
Theo sự suy nghĩ
của tôi thì đối với những người chấp nhận chủ nghĩa xã hội, hai thái
độ hoặc cực đoan hoặc là phủ nhận toàn bộ chẳng có mấy; còn đa số đều
đồng tình với nhận xét sau đây của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn
Linh phát biểu trong cuộc gặp gỡ với hơn 100 trí thức, văn nghệ sĩ
vào tháng 10-1987: "Trong hai cuộc kháng chiến, các đồng chí đã đóng
góp rất nhiều, có tài rất nhiều. Nhưng 10 năm qua thì không được như
thế" (Văn nghệ, 17-10-1987). Đó là nói về tổng quát, nhưng
khi đi sâu vào, nhiều người trong khi chấp nhận những thành quả văn
nghệ trong thời kỳ chống Mỹ cũng đã nêu ra những giới hạn của những
thành quả ấy, vì đó không phải chỉ là một chiến lược chiến tranh mà
còn đi cùng với chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội nữa, cho nên
trong những thành tựu của hai chiến lược quyện vào nhau đó cũng đã
ẩn náu những giới hạn, những sai lầm mà về sau này khi chiến tranh
chấm dứt đã bộc phát khá mạnh. Tôi đã thu nhận được điều đó sau khi
đọc lại toàn bộ những điều đã phát biểu của nhiều người trong suốt
thời gian qua, vì thế tôi nghĩ rằng phần đông văn nghệ sĩ và trí
thức ở nước ta đều là những người rất "biết điều", khi suy nghĩ cặn
kẽ, không mấy ai lại có ý nghĩ phủ nhận "sạch trơn" từ A đến Z –
nhất là phủ nhận những đứa con tinh thần đã sinh ra bằng máu thịt
của chính mình trong cuộc chiến tranh đó, nhất là đối với những anh
em ở miền Nam lúc ấy. Tôi chắc chắn rằng nếu có ai đó khi phát biểu
mà không nói rõ điều đó thì cũng không phải vì họ cố ý quên điều đó,
hoặc phủ nhận điều đó mà chỉ vì họ nghĩ rằng không phải lúc nào khi
phát biểu người ta cũng cứ phải nói ra điều đó.
Chỉ dựa vào một vài ý kiến gợi "ấn tượng" để từ đó suy ra cả
một "khuynh hướng" rồi gọi đó là "quá trớn", là "cực đoan"..., Lê
Xuân Vũ đã tỏ ra rất chủ quan trong lập luận vì không để ý đến những
phát biểu khác đã phản bác từ đầu những ấn tượng ấy, thí dụ như ý
kiến của Từ Sơn (đã dẫn) hoặc của Thiếu Mai chẳng hạn) Thiếu Mai cho
đó là "hơi quá lo lắng", "sợ bị phủ nhận những cái mình đã làm"...
(Tạp chí
Cộng sản, số 4, 1988). Phải chăng là Lê Xuân Vũ muốn cổ xúy cho
một thứ chủ nghĩa "lý luận ấn tượng" để từ đó hình thành một thứ
"chính trị" ấn tượng?
Mà giả thử rằng có
hiện tượng "phủ nhận toàn bộ" ấy đi nữa thì phép logic nào cho phép
Lê Xuân Vũ nối kết hiện tượng đó với cái việc "đặt lại quan hệ giữa
văn nghệ và chính trị một cách khác", coi việc "đặt lại vấn đề một
cách khác" là "cũng theo cái lối coi những khuyết tật, ung nhọt trên
cơ thể con người là toàn bộ con người"? Hóa
ra Nghị quyết Đại hội VI của Đảng đặt lại vấn đề quản lý, đặt lại tư
duy kinh tế... cũng là "quá trớn" hay sao? Đặt lại mối quan hệ giữa
chính trị và văn nghệ là một thực tế trong toàn bộ xu thế đặt lại
vấn đề ở các nước xã hội chủ nghĩa, cả ở nước chủ nghĩa xã hội đang
phải tự nhận thức lại để phát triển về chất lượng, đó là một nhu cầu
của lịch sử chứ chẳng thể là kết quả của bất cứ một cái gì là "quá
trớn" cả. Trong văn hóa, văn nghệ cũng vậy. Nếu văn hóa
văn nghệ không có vấn đề cần đặt lại thì sao lại phải "cởi
trói" và như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã nói: "Cởi trói
ở đây trước hết tôi nghĩ Đảng phải cởi trói" (Văn nghệ,
17-10-1987). Trên tinh thần đó, tôi thấy những phát biểu của những
Lê Ngọc Trà, Hồ Ngọc, Nguyễn Văn Hạnh, Nguyễn Đăng Mạnh, Ngô Thảo...
– tôi chưa nói đến Lã Nguyên và "nhất là Lại Nguyên Ân" – cũng chỉ
nằm trong cái ý định thật minh bạch, không thể nhầm lẫn được, là cái
ý định phân biệt cho được sự khác nhau của chính trị và văn nghệ để
từ đó lãnh đạo cho sát hợp thôi. Chẳng hạn, Hồ Ngọc đã phân biệt văn
nghệ và chính trị với tư cách là hai hình thái ý thức để cho
rằng sở dĩ văn nghệ của ta còn nghèo nàn là do "chúng ta đã đồng
nhất, thậm chí đồng nhất hóa văn
nghệ với chính trị, coi văn nghệ là công cụ của chính trị, phục vụ
chính trị một cách thô thiển, đơn giản... biến văn nghệ thành vũ khí
tuyên truyền, thành tuyên truyền" (Văn nghệ, 27-2-1988).
Nguyễn Văn Hạnh, tương tự, đã phân biệt chính trị và văn nghệ như
"hai lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội", "hai hoạt động khác
nhau của con người" để từ đó góp ý về một phương thức lãnh đạo đúng
đắn đối với văn nghệ (Văn nghệ, 7-6-1988). Cũng theo ý hướng
đó, nhưng Lê Ngọc Trà lại phân biệt chính trị với tư cách là một
hình thái ý thức (có người cho cách phân biệt này không thỏa
đáng như Hồ Sỹ Quý: Nghĩ thêm về mối quan hệ giữa chính
trị và văn nghệ (Tạp chí Nghiên cứu nghệ thuật, 1988) và
viết: "Lâu nay ở ta, một trong những nguyên nhân làm cho văn nghệ
nghèo nàn đi là cách hiểu (tôi nhấn mạnh – LP), nhận thức của
lãnh đạo và ngay chính giới sáng tác, lý luận phê bình về mối quan
hệ giữa văn nghệ và chính trị (Văn nghệ, 19-12-1987)". Đọc kỹ
những bài viết hoặc phát biểu trên - có thể kể thêm, nhưng không cần
thiết chúng ta không hề thấy những tác giả ấy làm cái gì gọi là "góp
gió, góp củi" để tạo nên cái nguyên lý tổng quát mà Lê Xuân Vũ nêu
lên là "tách rời văn nghệ khỏi chính trị". Phải chăng Lê Xuân Vũ cho
rằng phân biệt giữa văn nghệ và chính trị (dù là phân biệt biện
chứng: khác nhau nhưng quan hệ với nhau) là từ tiên khởi của vấn đề
đã là tách rời, là "độc lập vô tư" và hơn nữa là "đối nghịch"? Hình
như vậy đấy! Nhưng tại sao?
Chúng ta đọc cái
tam đoạn luận sau đây của Lê Xuân Vũ: a) "Chính trị phản ánh trực
tiếp và gắn chặt với cơ sở kinh tế, với lợi ích căn bản của các giai
cấp, nên nó có sức mạnh chi phối mọi mặt đời sống tinh thần xã hội";
b) "Văn nghệ cũng như tất cả mọi hình thái ý thức xã hội khác hợp
thành đời sống tinh thần xã hội"; c) Kết luận: Văn nghệ "đã phát
triển dưới tác động lãnh đạo và hướng dẫn của chính trị". Đấy, tất
cả những ai đặt vấn đề văn nghệ và chính trị theo hướng khác
với cái sơ đồ trên đây sẽ là "quá trớn" là "thiếu hụt về mặt phương
pháp" là vì như vậy đấy! Phải nói ngay rằng đây chính là một sai
lầm không thể tha thứ được về mặt quan điểm của Lê Xuân
Vũ chứ không phải là về phương pháp. Bởi vì đối với những ai đã biết
đến chủ nghĩa Mác thì không phải là chính trị phản ánh cơ sở kinh
tế vì vậy nó chi phối đời sống tinh thần xã hội mà chính là
kiến trúc thượng tầng
(trong đó có văn nghệ và chính trị) phản ánh cơ sở kinh tế,
vì thế văn nghệ và chính trị đều chỉ là những hình thái ý thức khác
của kiến trúc thượng tầng, có quan hệ tác động lẫn nhau trên cơ sở
quyết định biện chứng của cơ sở kinh tế (quan hệ sản xuất, quan hệ
giai cấp); và cũng chính vì vậy mà chính trị không thể chi phối
được văn nghệ cũng như ngược lại.
Người ta sẽ không
khỏi ngạc nhiên tự hỏi không biết Lê Xuân Vũ đã lấy ở đâu ra cái
quan niệm "chính trị chi phối văn nghệ" ấy. Ở một cái thời kỳ lịch
sử nào đó đã qua rồi nhưng vẫn để lại trong ký ức con người những
dấu vết không bao giờ xóa
được? Hay là trực tiếp từ Những bài phát biểu về văn học
nghệ thuật của Mao Trạch Đông ở Diên An năm 1942 với những câu
đại loại: "Mặt trận tư tưởng và mặt trận nghệ thuật phải vâng lời sự
định hướng của mặt trận chính trị, vì chỉ có qua chính trị mà những
nhu cầu của giai cấp và quần chúng mới tự biểu lộ một cách minh
bạch", "trong bất cứ xã hội của bất cứ giai cấp nào, tiêu chí chính
trị luôn luôn chiếm vai trò thống soái, còn tiêu chí nghệ thuật thì
thuộc vào hàng thứ hai" (Phụ lục in trong Roger Garaudy: Le
problème chinois, Edition Seghers, tr.196, bản Pháp văn:
Quang Cheliou)? Và có phải vì vậy mà người ta lại càng thấy cần
thiết phải đặt lại rốt ráo cho chính xác mối quan hệ giữa văn nghệ
và chính trị như họa sĩ Phan Kế An đã phát biểu trong hai ngày đáng
ghi nhớ mãi: "Những sai lầm hẹp hòi, thiển cận, cứng nhắc, thô bạo
đối với văn học nghệ thuật trong một thời kỳ bị ảnh hưởng nặng nề
của những quan điểm mao ít mà đến nay chúng ta vẫn còn chưa thật
dũng cảm tự phê bình (Văn nghệ, 17-10-1987). Tôi xin nhường
câu trả lời này cho những ai am hiểu về sự xâm nhập của chủ nghĩa
Mao vào Việt Nam như thế nào. Tôi cũng không hiểu có phải vì tất cả
những ai đặt lại vấn đề văn nghệ và chính trị theo hướng khác
với mô hình trên là đã động chạm đến một chỗ nào để thấm sâu nhất
của Lê Xuân Vũ không mà bị tác giả cho là "quá khích", và tôi cũng
xin nhường câu trả lời này cho những ai có thể trả lời. Phần tôi,
trong phạm vi vấn đề đang đề cập, tôi cho rằng việc Lê Xuân Vũ gán
cho những người đặt lại vấn đề một cách khác ấy là muốn "đối
nghịch" giữa văn nghệ và chính trị, việc làm ấy của Lê Xuân Vũ là
không phù hợp với xu thế đổi mới hiện nay. Cách giải quyết vấn đề
quan hệ giữa văn nghệ và chính trị theo phương hướng đổi mới là như
thế nào chắc chắn còn phải bàn thêm nữa; nhưng theo tôi, sự phân
biệt văn nghệ và chính trị với tư cách là hai hình thái ý thức, hai
hoạt động khác nhau, có quan hệ với nhau, nhưng không được đồng hóa,
đồng nhất với nhau để chính trị chi phối văn nghệ một cách trực
tiếp, thô thiển (như tuyệt đại đa số những phát biểu trong suốt
thời gian qua) là hoàn toàn đúng hướng, là hoàn toàn phù hợp với
những quan niệm mác-xít về văn học nghệ thuật – những quan niệm
mác-xít chưa bị bóp méo.
Thế còn sự phê phán
của Lê Xuân Vũ đối với Lã Nguyên, "nhất là Lại Nguyên Ân" – cái đinh
của bài viết của tác giả trên Tạp chí Cộng sản, số
11-1988 – thì như thế nào? Cũng phải nói rằng ở đây Lê Xuân Vũ cũng
không thuyết phục được chúng ta nhiều lắm; bởi vì trong khi phê phán
người khác "về mặt tri thức khoa học còn chưa kịp chú ý đến những
thiếu hụt, sai sót" thì chính đến lượt mình Lê Xuân Vũ lại cũng rơi
vào những "thiếu hụt, sai sót" cực kỳ trầm trọng.
Với cái quan niệm
"chính trị chi phối văn nghệ", Lê Xuân Vũ đã bác lại Lại Nguyên Ân:
"Dù có tách ra làm văn nghệ quan phương và văn nghệ hợp pháp thì
ngay cả văn nghệ hợp pháp cũng vẫn là "ở trong chính trị" của giai
cấp thống trị". Trong khi đó Lại Nguyên Ân viết: "Văn nghệ hợp pháp
là văn nghệ không bị nhà nước nghiêm cấm, ngoài ra, nó có thể không
hoàn toàn phục tùng, phục vụ cho lợi ích của nhà nước ấy, thậm chí
nó lại tạo ra được một cơ sở ý thức mới nhằm đưa tới việc cải cách
hoặc cách mạng". Lại Nguyên Ân thí dụ: "Văn nghệ khai sáng tồn tại
hợp pháp dưới thể chế quân chủ, nhưng lại dọn đường cho cách mạng tư
sản" (Lại Nguyên Ân:
Về một phương diện của quan hệ giữa văn nghệ
và chính trị, Sông Hương, số 31, 1988). Tại sao Lê Xuân
Vũ lại phớt lờ cái thí dụ đầy sức nặng đó để cứ bám lấy cho kỳ được
cái quan niệm "ở trong chính trị của giai cấp thống trị" bằng cách
phủ nhận sự khác nhau của văn nghệ hợp pháp và văn nghệ quan phương?
Bây giờ nếu như có một ai đó nói cho tác giả biết rằng ở thế kỷ 19
có một số sách của Mác và ở thế kỷ 20 có một số tác phẩm của Eluard
thì không biết Lê Xuân Vũ sẽ cho những cuốn sách ấy là thuộc loại
hợp pháp hay quan phương, chúng "ở trong chính trị của giai cấp" nào
và xuất hiện trong điều kiện nào? Chẳng lẽ Lê Xuân Vũ lại không trả
lời được?
Tôi phải nói rằng
tôi đã ngạc nhiên đến tột độ về cái cách nhét quan phương và hợp
pháp vào cái giỏ "ở trong chính trị" một cách thật nhẹ nhàng đến như
vậy của Lê Xuân Vũ! Hình như tác giả chẳng hiểu gì về tình hình văn
nghệ ở các nước tư bản thì phải? Tôi rất sợ sẽ phải nặng lời, nhưng
(trời ơi!) tôi phải sẽ nói thế nào đây khi một lần nữa Lê Xuân Vũ đã
hỏi đã hỏi chúng ta rằng "Văn nghệ tư sản thế kỷ 18, 19" chẳng phải
là văn nghệ "chính thống", "phục vụ việc xây dựng và củng cố chế độ
đương thời" sao? Chỉ xin hỏi tác giả một câu: chủ nghĩa hiện thực
phê phán trong văn nghệ phương Tây thế kỷ 19 "đã củng cố chế độ
đương thời" nào vậy?
Nhắc đến cái "thiếu
hụt, sai sót" trên đây của Lê Xuân Vũ, tôi không hề có ý định biện
hộ cho toàn bộ luận điểm về hai "bá quyền" của Lại Nguyên Ân khi anh
viết: "Về thực chất, quan hệ giữa chính trị và văn nghệ là quan hệ
giữa những nhà cầm quyền đứng đầu quốc gia, lãnh đạo đất nước và
những người sáng tạo văn nghệ, những trí thức sáng tác nghệ thuật.
Đó cũng là quan hệ hai loại "bá quyền" trong xã hội: quyền lực hành
chính, quyền lực cưỡng chế hết sức mạnh mẽ trong hiệu lực đương
thời, tức khắc của nó – một bên, và một bên nữa là "quyền lực" (nếu
có thể gọi như vậy, với ít nhiều ước lệ) của tri thức, của các giá
trị văn hóa
nhân bản" (Sông Hương, số 31, trang 52). Tôi cho rằng
Lại Nguyên Ân thiếu "chặt chẽ" với mình khi anh sử dụng mấy chữ
"quyền lực" cho giới trí thức, văn nghệ sĩ. Quyền lực (pouvoir) chỉ
có những người làm chính trị mới có thôi vì "chính trị" đã được
nhiều người đồng ý định nghĩa là "khoa học về quyền lực": khi cầm
quyền rồi họ có quân đội, có cả một guồng máy trấn áp và cai trị;
còn văn nghệ sĩ, với tư cách là người sáng tạo ra những giá trị tinh
thần, họ làm gì được có những thứ đó! Cùng lắm nếu có được tài năng,
tạo ra được uy thế xã hội, văn nghệ sĩ trí thức chỉ tạo ra một thứ
áp lực nào đó thôi, kiểu những nhóm áp lực (groupe de
pression) mà những ai làm chính trị đều biết. Lại Nguyên Ân không
phải không thấy cách dùng chữ khiên cưỡng của mình nên đã đóng ngoặc
kép mấy chữ "quyền lực" và cho là "có ít nhiều ước lệ". Nhưng dù sao
thì đó cũng chính là cái thiếu "chặt chẽ": anh muốn nâng văn nghệ sĩ
lên một tư thế nào đó để đối thoại với những người làm chính trị cho
"oai" một chút, nhưng cũng chính vì vậy mà người ta sợ anh đang có
một "âm mưu" gì đó! Theo tôi nghĩ thì chẳng cần phải làm như vậy,
chúng ta chỉ đề nghị: dùng phê bình làm sức mạnh chứ không dùng sức
mạnh để phê bình.
Ngoài vấn đề chữ
nghĩa trên đây, Lại Nguyên Ân, trong cái lập luận về hai "bá quyền"
của mình, có tự bộc lộ điều gì "thiếu hụt, sai sót" để Lê Xuân Vũ
phê phán là đã "dựng lên sự đối nghịch giữa văn nghệ và chính trị"
một cách "nói chung" và "luôn luôn" – kể cả "nơi mà
Đảng Cộng sản đã giành được chính quyền"? Chúng ta đã biết trong khi
những người như Hồ Ngọc, Nguyễn Văn Hạnh... đã phân biệt chính trị
và văn nghệ với tư cách là hai hình thái ý thức thì Lại
Nguyên Ân đã phân biệt chính trị và văn nghệ – về một phương diện,
như cái tựa của bài báo của Lại Nguyên Ân – như là hai quyền lực
(có lẽ nên phân biệt: chính trị là quyền lực, còn văn nghệ sĩ, trí
thức là áp lực). Vậy thì sự khác nhau giữa cách đặt vấn đề
của những người như Hồ Ngọc, Nguyễn Văn Hạnh, Lê Ngọc Trà... với
cách đặt vấn đề như Lã Nguyên và Lại Nguyên Ân là như thế nào? Là ở
chỗ những người trước đặt vấn đề phân biệt chính trị và văn nghệ
trong khuôn khổ chủ nghĩa xã hội đã hiện thực, còn những
người sau thì đặt vấn đề đó trong những xã hội chưa có chủ nghĩa
xã hội. Đọc thật kỹ những phát biểu của Lại Nguyên Ân, không ai
có thể nhầm lẫn điều này được. Toàn bộ hai trang 52 và 53 trên
Sông Hương, số 31, Lại Nguyên Ân đã dùng đi dùng lại nhiều lần
những chữ "quan phương", "chính thống", "hợp pháp", "tao đàn cung
đình", "con hát cung đình", "salon văn hóa", "Viện Hàn lâm hoàng
gia", "quân vương", "minh quân", "đốt sách", "chôn học trò", "bung
ra" v.v... rõ rệt là không phải nói về giai đoạn "Đảng Cộng sản đã
giành được chính quyền". Điều này cũng đã được Lại Nguyên Ân nói
thật rõ trong cuộc thảo luận bàn tròn do tuần báo Văn nghệ tổ
chức; mấy chữ "bảo trợ", "tao đàn của Lê Thánh Tông"... cũng chỉ để
nói "về quá khứ" (Văn nghệ, 27-2-1988).
Chính vì vậy mà
người ta rất đỗi ngạc nhiên khi thấy Lê Xuân Vũ vin vào những chữ đó
để khẳng định: "Đồng thời nó (lý luận hai "bá quyền") lại nhận định
rằng nền văn nghệ ở nước ta cũng ở vào một tình trạng na ná "tao
đàn" của văn nghệ quan phương", để chầm chập bênh cho lấy được cái
hay của văn nghệ "chính thống" – và ở điểm này Lê Xuân Vũ lại một
lần nữa bày tỏ lập trường "chính thống" triệt để của mình bằng cách
xếp Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu vào phạm trù "chính thống". "Hết
biết!" – (nói theo ngôn ngữ Nam Bộ). Theo tôi thì Lê Xuân Vũ, ở chỗ
này, cũng như ở bất cứ chỗ nào trong bài viết của mình, đã luôn luôn
tỏ ra vội vàng, thích nhảy từ cái này sang cái khác, hình như chẳng
màng gì đến logic của sự kiện, chính vì thế mà không hiểu được ý
định của Lại Nguyên Ân. Lại Nguyên Ân đã nêu lên tình trạng khi
bất đồng, khi mâu thuẫn,
khi đi chung với nhau giữa văn nghệ và chính trị trong những
xã hội trước khi có chủ nghĩa xã hội (trong trường hợp nào
văn nghệ cũng có vị trí khác nhau chứ không phải là luôn luôn
đối nghịch), để từ những cái thuộc về "quá khứ" đó liên hệ đến tình
trạng chính trị và văn nghệ ở những nơi đã có chủ nghĩa xã hội. Anh
đã viết thật rõ (trực tiếp, không ám chỉ) rằng: "Nếu có thể nói về
quá khứ như vậy, thì với chủ nghĩa xã hội, phải chăng trên thực
tế (tôi nhấn mạnh – LP) không có vấn đề bất đồng nảy sinh trong
quan hệ giữa đảng cầm quyền với văn nghệ sĩ trí thức" (Văn nghệ,
27-2-1988, tr.2) câu hỏi này đã được anh trả lời sau đó một thời
gian sau: "Quan hệ chứa đựng khả năng (tôi nhấn mạnh – LP)
nảy sinh mâu thuẫn và xung đột giữa người cầm quyền và giới trí
thức, sáng tạo nghệ thuật, khoa học, nguy cơ hình thành (tôi
nhấn mạnh – LP) loại văn nghệ quan phương không phải đã hoàn toàn
mất ý nghĩa ở những nơi mà Đảng Cộng sản đã giành được chính quyền,
bắt tay vào cải tạo xã hội và xây dựng xã hội chủ nghĩa" (Sông
Hương, số 31, tr.54). Rõ rệt là có đặt câu hỏi, có đặt vấn đề,
có khẳng định tình hình mâu thuẫn giữa những người cầm quyền và
những người văn nghệ sĩ trí thức trong chế độ xã hội chủ nghĩa,
nhưng cũng rõ ràng nữa là chỉ giới hạn ở những gợi ý, những liên hệ,
báo động nguy cơ, những khả năng, những cái "không phải mất hoàn
toàn ý nghĩa", chứ không hề là "dựng lên" những "đối nghịch" ấy một
cách "luôn luôn", nghĩa là vĩnh viễn toàn diện như Lê Xuân Vũ đã đặt
ra câu hỏi "chẳng lẽ nhà nước ta và nhân dân ta, văn nghệ ta và nhân
dân ta ngày nay vẫn ở thế "lưỡng lập" theo kiểu hai "bá quyền" văn
nghệ và chính trị luôn luôn
(tôi nhấn mạnh – LP) mâu thuẫn và xung đột nhau?".
Tôi cho rằng nếu để
ý đến mấy chữ "về một phương diện" trên cái nhan đề bài báo của Lại
Nguyên Ân (Về một phương diện của quan hệ giữa văn nghệ và chính
trị) và hiểu cách
liên hệ đặt vấn đề của anh, bình tĩnh nhìn vào thực tế ở
những nước xã hội chủ nghĩa và cả ở nước ta nữa, chúng ta sẽ thấy
cách đặt vấn đề của Lại Nguyên Ân rất đáng quan tâm, rất bổ ích để
đặt vấn đề đổi mới cho mối quan hệ giữa chính trị và văn nghệ. Nhưng
từ đầu, Lê Xuân Vũ đã không chấp nhận một cách đặt vấn đề "theo một
hướng khác" với cái "hướng" của mình cho nên ở đây tác giả càng có
lý do để phủ nhận cách đặt vấn đề khá bạo (chưa phải bạo lắm đâu)
của Lại Nguyên Ân: phủ nhận bằng cách xuyên tạc (luận điệu "luôn
luôn đối nghịch") và phủ nhận bằng không thèm nhìn vào thực tế để
xem cách đặt vấn đề có cơ sở gì không. Lê Xuân Vũ làm bộ như không
biết (chẳng lẽ không biết thật sao?) cả một mảng bóng đen
(tôi phải nhấn mạnh mấy chữ một mảng kẻo có ai đó nói tôi bôi đen
"sạch trơn") đã phủ lên chủ nghĩa xã hội hiện thực trong suốt cả một
thời gian dài trước khi có "cải tổ". Hiện tượng Xtalin (né làm gì
cái chuyện mà ai cũng biết rồi) ở Liên Xô trong những năm 30 của thế
kỷ này là có ý nghĩa gì? Sẽ giải thích thế nào về hiện tượng đó nếu
cứ nhất định cho rằng mọi việc trong chế độ chúng ta cơ bản là tốt
đẹp, không hề có bi kịch và "bi kịch khốc liệt". Và cũng sẽ giải
thích thế nào khi những điều cực kỳ đau đớn đó lại xảy ra ở những
nơi không còn giai cấp đối kháng nữa? Ở những năm tháng ấy đã chẳng
có xung đột và mâu thuẫn giữa những người cầm quyền và văn nghệ sĩ
trí thức hay sao? Sẽ phải giải quyết những mâu thuẫn và xung đột ấy
như thế nào để cho lịch sử mai sau khỏi phải ghi lại những trang
viết về sự giằng xé nội tâm của những người đã hy sinh suốt đời cho
chủ nghĩa xã hội rồi sau đó lại bị những lực lượng nhân danh chủ
nghĩa xã hội lăng nhục, đọa đày – bị lăng nhục đọa đày mà không biết
xử sự ra sao cho đúng với cái lý tưởng mà mình không thể từ bỏ được:
im lặng thì gọi là "hèn", còn chống lại thì chống như thế nào khi kẻ
thù của giai cấp vẫn chực chờ sẵn đó? Chẳng lẽ nhà "lý luận" Lê Xuân
Vũ khi nói đủ thứ về đổi mới lại làm lơ với cái hiện thực lớn đã nảy
sinh ra từ bản thân chủ nghĩa xã hội hiện thực?
Ở đất nước ta,
không có hiện tượng Xtalin cụ thể, nhưng có bị ảnh hưởng chủ nghĩa
Xtalin hay không (và cả chủ nghĩa Mao nữa)? Có hay không có khi mà
cả một thời kỳ những thứ chủ nghĩa này đã trở thành những hình
mẫu cho toàn thế giới? Chúng ta có bị ảnh hưởng những thứ chủ
nghĩa đó hay không, ảnh hưởng đến mức nào và chúng ta đã cưỡng
lại đến mức nào? Đó chẳng phải là những câu hỏi cần soi sáng hay
sao? Làm sao không trả lời những câu hỏi ấy khi chính đó lại là
những câu hỏi căn bản, những câu hỏi có thực mà nếu không trả lời
cho thỏa
đáng thì cũng sẽ không có đổi mới đích thực? Chẳng lẽ nhà lý
luận Lê Xuân Vũ chẳng bao giờ nghĩ đến những vấn đề đó hay sao?
Nhưng dù thế nào đi
nữa thì làm sao có thể cho rằng mọi cái ở ta "cơ bản" đều tốt đẹp?
Đại hội VI của Đảng đã chẳng từng thẳng thắn thừa nhận "những chủ
trương chiến lược sai lầm" như lời đồng chí Tổng Bí thư đã nói hay
sao (xem "Phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh" trong
Hội nghị lần thứ V Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa
6, Tạp chí
Cộng sản, số 7, 1988, tr.11)? Sự "ảo tưởng ngây thơ" về mọi cái
đều tốt đẹp trong chủ nghĩa xã hội đã từng được đồng chí Nguyễn Văn
Linh thẳng thắn vạch ra đó hay sao (Văn nghệ, 17-10-1987)?
Trong văn nghệ, làm sao phủ nhận được những mâu thuẫn đã tác động
vào tâm trạng văn nghệ sĩ và trí thức khi nhà văn Nguyễn Khải đã nói
đến cái sức cưỡng lại vào hiện thực đối với những chính sách chủ
trương của Đảng (Văn nghệ, 27-2-1988). Và cái thái độ "lãng
mạn" "uốn éo" đối với hiện thực cho hợp với những chủ trương chính
sách sai lầm là gì nếu không phải là né tránh "đụng chạm đến
"nhà" quan liêu mệnh lệnh nào đó
đương chức, đương quyền" như đồng chí Nguyễn Văn Linh đã nói (Văn
nghệ, 17-10-1987)? Cái xu hướng mà Lê Xuân Vũ nói đến là "nhà
nước hóa" văn nghệ là gì nếu không phải là cái xu hướng hình thành
một thứ văn nghệ quan phương chỉ biết ca ngợi một chiều, bất chấp sự
kiện, bất chấp thực tế?.
Chẳng lẽ đối với
những việc sờ sờ ra đó, mọi người đều thấy, đều biết và Đảng lãnh
đạo cũng thẳng thắn thừa nhận, Lê Xuân Vũ lại không thấy hay sao? Mà
nếu không thấy cho được những mâu thuẫn căn bản đó thì liệu đổi mới
còn có ý nghĩa gì? Lại Nguyên Ân nêu ra những mâu thuẫn ấy cũng
chính là nêu ra những cái đương nhiên đó, không phải để kéo dài mãi
("luôn luôn" như Lê Xuân Vũ nói) mà chính là để tìm cách chấm dứt
những mâu thuẫn ấy. Đó là những suy nghĩ cũng đúng đường đấy chứ
chẳng có gì là "phạm thượng", là phủ nhận sạch trơn.
Tôi nghĩ rằng tất
cả những ý kiến của Lã Nguyên, Lại Nguyên Ân cũng như tất cả những ý
kiến của những Lê Ngọc Trà, Nguyễn Văn Hạnh, Hồ Ngọc và rất nhiều
người khác, rộ lên sau Đại hội VI của Đảng và sau Nghị quyết 05 của
Bộ Chính trị đều là những ý kiến phong phú, đầy tâm huyết, đầy tinh
thần trách nhiệm của những công dân, người này nói mặt này, người
kia nói mặt khác, có chỗ chưa chặt chẽ, có những vấn đề chưa đi thật
sâu, nhưng nhìn chung lại, những ý kiến ấy đều xuất phát từ những
mâu thuẫn có thực của cuộc sống, những mâu thuẫn có thực trong văn
nghệ từ 1975 đến nay, những ý kiến mà tất cả những ai quan tâm đến
sự nghiệp đổi mới của đất nước, nhất là những người có trách nhiệm
hình thành chính sách, hình thành đường lối theo phương hướng đổi
mới đều không thể không lắng nghe chăm chú để từ đó qua những
cái khác nhau tìm ra được cái hạt nhân hợp lý của vấn đề.
Những ý kiến đề xuất cách giải quyết vấn đề của văn nghệ sĩ trí thức
cũng rất thẳng thắn, rất dũng cảm, tuy chưa dựa được vào một hệ
thống lý luận nhất quán về đổi mới, nhưng nhìn chung đều xuất phát
từ một tinh thần phê phán mác-xít chân chính là muốn từ bỏ một cách
nghiêm chỉnh những cách hiểu chủ nghĩa Mác một cách phiến diện, què
quặt, giáo điều, méo mó, lệch lạc... đã chi phối rất mạnh đường lối
xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta cũng như ở nhiều nước xã hội chủ
nghĩa khác trong một thời gian dài, gây ra những "sai lầm chiến
lược" với những hậu quả cực kỳ tai hại. Đọc lại tất cả những gì văn
nghệ sĩ trí thức đã phát biểu về mối tương quan giữa chính trị và
văn nghệ trong thời gian qua tôi nhận ra được cái cốt lõi của vấn đề
đó rất mác-xít, phù hợp với đường lối đổi mới của Đảng chứ không hề
"bung ra" theo một ý nghĩa tiêu cực như Lê Xuân Vũ đã "quá lo lắng"
(chữ của Thiếu Mai).
Tất nhiên, ai cũng
hiểu đổi mới là một sự nghiệp khó khăn phức tạp, không bỗng chốc mà
có ngay được những lời giải đáp hoàn toàn thỏa
đáng. Vì thế sẽ còn phải thảo luận
thêm và Đảng phải bình tĩnh lãnh đạo thảo luận thêm để đưa
đổi mới lên một chất lượng mới. Vấn đề phát huy dân chủ trong
thảo luận không hề mang ý nghĩa vô chính phủ vì tự bản thân nó dân
chủ đã là có trật tự, có tổ chức. Vì vậy chỉ có đẩy mạnh dân chủ thì
mới có thể đẩy mạnh được việc chống lại hỗn loạn vô chính phủ. Không
thể dựa vào những báo động giả của một ai đó để hạn
chế việc phát huy dân chủ, kìm hãm đổi mới.
Từ những suy nghĩ
trên tôi cho rằng bài viết của Lê Xuân Vũ đăng trên Tạp chí
Cộng sản, số 11, 1988 là một bài viết có tác dụng một báo
động giả. Để đạt cho kỳ được cái mục đích báo động giả
ấy, tác giả của bài báo ấy đã bất chấp phương pháp lý luận thông
thường trong việc tôn trọng tính khách quan, tính logic để lý giải
các hiện tượng. Quan điểm của tác giả bài báo ấy là một quan điểm
phi mác-xít, một thứ quan điểm mác-xít đã bị méo mó. Đó là
một bài viết nhân danh "đổi mới" để cản đường Đổi Mới.
Nguồn: Sông Hương, Huế, số 36 (tháng 3 & 4-1989)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét