Thứ Sáu, 16 tháng 1, 2015
Mỹ hiểu sai yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc?
07:42
Hoàng Phong Nhã
No comments
Nguồn: Ye Qiang & Jiang Zong-qiang, “China’s “Nine-dash Line” Claim: US Misunderstands”, RSIS Commentaries, 14/1/2015.
Biên dịch: Nguyễn Quang | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Tài liệu của Bộ Ngoại giao (BNG) Mỹ về yêu sách biển của Trung Quốc trong khu vực Biển Đông được phát hành ngày 05/12/2014. Tài liệu này đã hiểu sai yêu sách 9 đoạn của Trung Quốc.
Yêu sách 9 đoạn gây tranh cãi của Trung Quốc trong khu vực Biển Đông đã gây ra việc hiểu sai kéo dài trong Chính phủ Mỹ do sự lo lắng và việc xem đi xét lại vấn đề trong thời gian dài. Việc hiểu sai này về cơ bản bắt nguồn từ việc tồn tại các quan điểm khác nhau giữa Trung Quốc và phương Tây về các vấn đề pháp lý liên quan đến lãnh thổ và vùng biển.
Điều này đã được phản ánh trong tài liệu gần đây do BNG Mỹ ấn hành trong đó tập trung nhiều vào tọa độ của đường đứt đoạn và các thuật ngữ liên quan đến luật biển và Công hàm của phía Trung Quốc, đồng thời đưa ra những kết luận không chính xác.
Khía cạnh mang tính bản địa
Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ đã bỏ qua một sự thật không dễ chịu là đường 9 đoạn không nên được nhìn nhận theo nghĩa cứng nhắc là biên giới của Trung Quốc trong bối cảnh của những năm 1940. Điều này có nghĩa là việc giải thích các ý nghĩa của đường từ góc độ luật pháp quốc tế hiện đại sẽ là vô nghĩa (pointless). Do đó, bất kể nghiên cứu nào đầu tiên cũng cần phải được đặt trong bối cảnh mang tính bản địa của Trung Quốc và cần phù hợp với con đường của toàn cầu hóa khi đi đến kết luận. Đây là hai khuôn khổ không thể tách rời đề hiểu được yêu sách 9 đoạn của Trung Quốc.
Bối cảnh bản địa hóa đề cập tới tư tưởng pháp lý về chủ quyền truyền thống và biển của Trung Quốc trong và trước những năm 1930 và 1940. Trong tư tưởng truyền thống của Trung Quốc, đại dương không thể bị độc quyền bởi bất cứ cá nhân nào và được mở cho tất cả các quốc gia và dân tộc. Trước thế kỷ 20, Trung Quốc đã không yêu sách bất cứ chủ quyền biển nào. Điều này không giống điều mà các quốc gia phương Tây đã làm.
Từ thế kỷ 13 trở về sau này, các quốc gia Châu Âu đã bị kéo vào trong một cuộc chạy đua khốc liệt ngày càng gia tăng nhằm chiếm lĩnh ảnh hưởng trên biển. Những quốc gia này áp đặt các loại thuế và lệ phí, ngăn cấm người nước ngoài đánh cá và hành hải trong những vùng biển mà họ kiểm soát, phá vỡ trật tự trên biển đã được thiết lập. Tình hình này rõ ràng đã không thuận lợi cho lợi ích của Hà Lan, cường quốc buôn bán hàng hải vào thời điểm đó.
Kết quả là, nhà luật học người Hà Lan Grotius đã xuất bản tác phẩm Marere Liberum (Biển tự do) vào năm 1609, đề xuất khái niệm nổi tiếng: tự do biển cả. Song ông Grotius đã bị học giả người Anh John Seldon phản bác và tấn công khi cho xuất bản tác phẩm Mare Clausum, bảo vệ cho chủ quyền biển. Quan điểm của Selden đã thắng thế trong thế kỷ 17 và các quốc gia Châu Âu đã rất tích cực trong việc ban hành các chính sách về chủ quyền biển.
Trong những cuộc thảo luận kéo dài cả thế kỷ về biển, Trung Quốc luôn duy trì quan điểm biển mở. Trong khoảng thời gian hàng nghìn năm trước, Trung Quốc đã tiến hành liên tục các hoạt động kinh tế như là đánh cá ở vùng Biển Đông và đã sinh sống một cách hòa bình với các quốc gia láng giềng trong tiến trình phát triển và sử dụng biển.
Hơn hai nghìn năm trước, Trung Quốc đã mở con đường tơ lụa trên biển và chia sẻ sự thịnh vượng của thương mại biển với các nước Tây Á và Châu Âu. Thậm chí, trong thời đại nhà Minh, khi hạm đội của Trịnh Hòa (Zheng He) đã đưa Trung Quốc đạt tới đỉnh cao của giao thông hàng hải, Trung Quốc cũng không kiểm soát các đường hàng hải và không làm cản trở tự do hàng hải trong khu vực Biển Đông.
Đường đứt đoạn đã khoanh vùng những gì trong những năm 1940?
Bước vào nửa sau của thế kỷ 17, nguyên tắc tự do biển cả đã được thừa nhận chung và thực tế đã không thể tách rời khỏi nhu cầu của các quốc gia Châu Âu trong việc mở rộng thương mại toàn cầu và mở rộng thị trường sang nước ngoài.
Khi mà tàu của mọi quốc gia hưởng tự do đi lại trong vùng biển cả của thế giới, Trung Quốc vẫn nhìn nhận lục địa là trụ cột nền kinh tế của mình và việc phòng ngự bờ biển của Trung Quốc vẫn còn chưa đầy đủ. Cho đến cuối thời nhà Thanh, Trung Quốc vẫn luôn là nạn nhân của khái niệm chủ quyền lãnh thổ, bao gồm cả các cấu trúc địa lý mang tính chất đảo (insular feature).
Giai đoạn sau của thế kỷ 20, Trung Quốc dần dần giành được độc lập và tự do quốc gia và có khả năng tham gia các công việc quốc tế với tư cách một chủ thể bình đẳng. Sau Thế chiến thứ hai, Trung Quốc dần thu hồi quyền đối với lãnh thổ đã bị đánh mất và duy trì quyền tài phán đối với phần lớn các cấu trúc địa lý mang tính chất đảo ở khu vực Biển Đông.
Bởi vậy, điều dễ hiểu là, vào tháng 2/1948, Chính phủ Trung Quốc công bố bản đồ về vị trí các đảo ở Biển Đông với mục đích chính là làm rõ chủ quyền lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc theo trật tự thế giới sau thời gian thế chiến. Do đó, khi xuất bản bản đồ với 9 đoạn, Trung Quốc yêu sách chủ quyền đối với mọi cấu trúc địa lý mang tính chất đảo hơn là yêu sách quyền tài phán biển.
Khía cạnh toàn cầu hóa
Con đường toàn cầu hóa chỉ ra rằng, theo luật biển hiện đại, Trung Quốc được hưởng quyền tài phán biển đối với một số vùng biển nhất định phù hợp với chủ quyền của Trung Quốc. Đây là lý do tại sao Trung Quốc trong công hàm năm 2009 yêu sách “chủ quyền đối với các đảo trong khu vực Biển Đông và vùng nước phụ cận” và “quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan cũng như đấy biển và lòng đất dưới đáy biển”.
Điều trớ trêu là quyền đối với biển và quyền tài phán này không do Trung Quốc tạo ra. Những khái niệm mới này xuất phát từ luật biển quốc tế hiện đại do phương Tây thống trị. Trung Quốc đã yêu sách và thực thi quyền tài phán biển phù hợp với 4 Công ước được Hội nghị Luật biển lần thứ nhất của Liên Hợp Quốc thông qua năm 1958 và với Công ước Luật biển 1982. Quyền tài phán biển mà Trung Quốc hiện đang yêu sách tuân theo các quy định và thực tiễn của cộng đồng quốc tế, đặc biệt của các quốc gia phương Tây và chưa bao giờ vượt quá khuôn khổ chính của cộng đồng quốc tế.
Thêm vào đó, cần đề cập tới sự phát triển và tiến hóa của các nguyên tắc và quy phạm của luật biển quốc tế hiện đại. Ví dụ, tự do biển cả là một khái niệm tương đối. Theo thời gian, các hành vi trên biển bị buộc phải đáp ứng với nhiều quy định hơn. Điều này giúp thúc đẩy an toàn trên biển và phát triển bền vững, phù hợp với nguyên tắc cân bằng giữa các thế hệ và phục vụ lợi ích của loài người. Điều này đặc biệt đúng đối với khu vực biển kín và nửa kín.
Do đó Trung Quốc một mặt tin rằng Trung Quốc có quyền hưởng tất cả các quyền được quy định trong Công ước luật biển cũng như luật tập quán quốc tế trong phạm vi đường chín đoạn bên cạnh chủ quyền lãnh thổ đối với các cấu trúc địa lý mang tính chất đảo. Mặt khác, Trung Quốc cũng luôn đánh giá một cách thận trọng việc có nên thực hiện các quyền cụ thể hay không, cũng như phạm vi cũng như phương thức thực hiện các quyền đó của mình.
Đây là những nguyên nhân tại sao Trung Quốc cho đến nay vẫn chưa làm rõ danh nghĩa các quyền trong phạm vi đường chín đoạn và chưa yêu sách các quyền cụ thể thông các một đường biên giới chính xác bao gồm các điểm có tọa độ.
Ye Qiang và Jiang Zong-qiang là nghiên cứu viên tại Viện Quốc gia về Nghiên cứu Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông), Trung Quốc.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét