Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Bảy, 17 tháng 1, 2015

Về một bài viết của nhà văn Phạm Thị Hoài

Lữ Phương


1.
Đó là bài “Sự lạc quan vô tận”, xuất hiện trên BBC ngày 17.1.2012.[1] Bà Phạm Thị Hoài, đang ở Đức, tác giả bài này, viết về một nhà hoạt động văn hoá, xã hội nổi tiếng trong nước hiện nay là ông Chu Hảo, và qua ông Chu Hảo, bà Hoài nhận ra tính chất mẫu mực của một lớp trí thức gọi là “đối lập trung thành” mà bản chất vẫn gắn liền với hệ thống chính trị tư tưởng bấy lâu nay mệnh danh là “chủ nghĩa xã hội” ở Việt Nam. Bà Hoài cho rằng trong khi thực tế chỉ ra rằng hệ thống này đã trở nên bất lực và lỗi thời, thay vì thoát ra ngoài để phủ nhận từ nền móng, những nhà “đối lập” nói trên vẫn ôm ấp thứ chủ nghĩa xã hội ấy như một lý tưởng, căn cứ vào đó phản biện một số sai lầm trong thực tế lãnh đạo của Đảng cộng sản, với hy vọng cải tạo hệ thống để cứu nó khỏi sự sụp đổ.
Nhiều người làm công việc này trước đây đã bị chế độ thanh trừng nhưng hiện nay có vẻ như những người kế tục đang trở nên có giá. Họ được Đảng để cho công khai ăn nói thoải mái (kể cả lên tiếng nơi những phương tiện truyền thông bị xem là “thù địch”) chỉ có điều là ý kiến của họ thường không được Đảng quan tâm trả lời đàng hoàng. Bà Hoài vẫn tỏ vẻ kính trọng họ, có ý cho rằng vị trí của họ cao hơn nhiều lần loại người cũng thoát khỏi guồng máy như họ nhưng lại thiếu hẳn nhân cách để lên mặt dè bỉu họ. Những trí thức này cũng nhận những “mạt sát bạt mạng từ những người hùng Việt kiều ẩn danh trên mạng” nhưng bà Hoài cho rằng việc đó có thể bỏ qua, có lẽ vì không đáng để họ quan tâm.
Tuy thế, một thái độ “đối lập” trí thức như vậy lại được bà Hoài cho là có tính chất nước đôi, nghịch lý: “vừa cổ vũ cho tự do tư tưởng, vừa biện minh cho sự cần thiết của chiếc gông tròng vào cổ trí thức Việt Nam và đè nặng lên họ”, chỉ vì sự lãnh đạo của Đảng đối với trí thức (qua phát ngôn của ông Chu Hảo) vẫn còn được duy trì. Do vậy mà xét đến cùng thì điều đó chỉ mang đến cho cuộc sống tinh thần nhiều tệ hại: vẫn ảo tưởng về khả năng lãnh đạo của Đảng đối với trí thức do đó cũng còn tin rằng Đảng vẫn còn khả năng nghe theo những đề nghị của trí thức để thay đổi. Một cách khách quan bà Hoài cho rằng những phản biện như vậy chỉ mang ý nghĩa một cuộc giải phẫu thẩm mĩ cho một chế độ toàn trị xấu xí, già nua để “giúp nó tồn tại mĩ miều hơn”.
Nguyên nhân của cung cách suy tưởng này được bà Hoài quy về sự nhồi sọ của hệ thống toàn trị của Đảng: hệ thống này “đã biến đổi thành công bộ nhiễm sắc thể của các đảng viên, ‘sự lãnh đạo của Đảng’ đã ăn vào gen trong cơ thể họ và tự động phát tiết, trong cả những tình huống không phù hợp nhất”. Nói cách khác, tuy có mục đích phê phán đường lối của Đảng nhưng những trí thức “đi theo Đảng” đó mãi mãi vẫn không thoát khỏi sợi dây trói buộc về các công thức tư duy mòn sáo của Đảng. Bà Hoài cho rằng thái độ phù hợp hiện nay không phải chỉ thoát ra khỏi bộ máy để phản biện mà là rời bỏ cả hệ thống để tìm đến một thứ đối lập khác, có ích và cần thiết hơn.
2.
Khi sử dụng khái niệm “đối lập trung thành” để chỉ thị xu hướng phản biện trên đây, chắc hẳn bà Hoài đã có tham khảo và lấy nguồn cảm hứng từ một tác giả viết về đề tài này, cách đây 6 năm (2006), đó là Zachary Abuza với bài “Loyal Opposition: The Rise of Vietnamese Dissidents”,[2] trong bài viết này học giả người Mỹ nói trên đã nhắc đến khái niệm “đối lập trung thành” để nghiên cứu sự chuyển động chính trị ở Việt Nam sau thời kỳ “đổi mới”, trong đó nhiều khuôn mặt trí thức tiêu biểu đã được phân tích để chỉ ra những phần tích cực lẫn giới hạn của họ. Các thuộc tính khác nhau trong phân tích nói trên cũng có thể tìm thấy trong bài viết của bà Hoài.
Tuy vậy vẫn có điều khác là những mặt tích cực và giới hạn trong công trình của Abuza nếu được trình bày một cách khách quan, theo ngôn ngữ của một văn bản nghiên cứu thì trong bài của bà Hoài những mặt giới hạn và tiêu cực lại được chú trọng để phê phán nhiều hơn, hơn nữa sự phê phán ấy lại được làm nổi bật và gây được ấn tượng nhiều hơn vì được diễn đạt bằng một thứ ngôn ngữ cường điệu, cảm tính rất quen thuộc của một tác giả từng nổi tiếng về viết tiểu thuyết. Ở đây các nguyên nhân khách quan, lịch sử tạo nên hiện tượng cần nêu ra để lý giải đã không được nói đến mà lại được quy giản thành những huyễn hoặc tâm lý có tính chất chuyển giao thế hệ của những con người cấu thành hiện tượng.
Cách lập luận của tác giả vì vậy có nhiều điều không thuận lý lắm. Đáng chú ý hơn hết là cái cách tác giả dựa vào những phát biểu cụ thể của ông Chu Hảo khái quát cho toàn bộ xu hướng mệnh danh là “đối lập trung thành” để giảng giải, bàn luận. Trong khi đó thì thực tế cho chúng ta biết nếu có ai đó tin tưởng thành khẩn vào điều mình trình bày (giống như cách trình bày của ông Chu Hảo) thì cũng có không ít người (trong đó không loại trừ cả bản thân ông Chu Hảo) chỉ coi kiểu diễn ngôn đó, vừa như một thủ thuật để tự bảo vệ, vừa là một cách thức thích hợp để tác động vào chính guồng máy mà họ đang phải sống chung. Trong hoàn cảnh này không ít tác giả đã coi việc đề cao vai trò của Đảng như một thủ tục để lồng vào đó nhiều điều mà nếu bùi tai nghe theo, Đảng sẽ không còn là cộng sản nữa! Thử đọc Nguyễn Trung hoặc nghe Nguyễn Văn An mà xem!
Xét cho cùng, thì tất cả đều chỉ là cuộc đánh vật về những khái niệm, và do bà Hoài quá tin vào chữ nghĩa nên bà đã bị lừa về mặt chữ nghĩa để khi sử dụng khái niệm “đối lập trung thành” bà đã đương nhiên khẳng định sự tồn tại của thực tại đó trong đời sống chính trị hiện nay ở Việt Nam. Như vậy là có nhiều điều không giống với Abuza: nếu trong bài viết của mình, tác giả này chỉ coi “đối lập trung thành” như là khả năng có thể hình thành trong tương lai từ những hoạt động bất đồng chính kiến có giới hạn hiện nay, thì qua sự biện giải trong bài viết của bà Hoài, “đối lập trung thành” đã được khẳng định như một tồn tại minh nhiên, hiện thực. Khẳng định này thiếu sự chính danh nghiêm nhặt, vì trong sự diễn đạt của bà Hoài, việc xác nhận khái niệm nói trên chỉ được coi như một tu từ ở đó sự “trung thành” đã mang ý nghĩa tiêu cực của một thái độ chính trị cần phê phán.
Thật sự thì khái niệm “đối lập trung thành” đã có nguồn gốc từ nghị viện nước Anh quân chủ vào thế kỷ 19: “đối lập” ở đây là đối lập với đảng đa số đang cầm quyền, còn “trung thành” ở đây là trung thành với vị Vua đang trị vì, cho nên tên gọi đầy đủ của khái niệm là “Her (or His) Majesty's Most Loyal Opposition” (còn được gọi là “The Official Opposition”). Nội dung này về sau đã được khái quát hoá thành một khái niệm chính trị có tính chất định chế trong các nước theo thể chế dân chủ đa đảng: các đảng thiếu số có quyên tồn tại và được luật pháp bảo vệ để tham gia nghị trường với tư cách đối lập với đảng đương quyền, qua sự phản biện các chính sách đang thực hiện, đưa ra đường lối mới hy vọng thay thế đảng đương quyền trong kỳ bầu cử sắp tới. Trung thành bây giờ không phải trung thành với bất cứ thực thể cụ thể nào mà là với những nguyên lý tạo nền cho một thể chế dân chủ đích thực.
3.
Thực thể gọi là “đối lập trung thành” với nội dung nói trên hiển nhiên không thể nào tồn tại được trong chế độ gọi là “chủ nghĩa xã hội hiện thực”. Nó hoàn toàn không thể tồn tại vì cái xã hội công dân tạo nền cho các hoạt động của các lực lượng “đối lập” mang cùng tính chất đã không được thừa nhận theo lý luận chuyên chính gọi là “vô sản” của Đảng. Tất cả mọi hoạt động xã hội đều phải do Đảng nắm chặt bằng Nhà nước cùng với hệ thống chính trị đặt nền trên đường lối chuyên chính đó. Cho rằng chủ trương này là do K. Marx đẻ ra là không thoả đáng: trong xã hội cộng sản lý thuyết do triết gia này đề xuất, nhà nước sẽ dần dà bị xã hội công dân nuốt chửng rồi sau đó nhường bước cho sự ra đời một nhân loại phổ biến chứ không thể là ngược lại như trong chế độ “chủ nghĩa xã hội hiện thực”: sau khi triệt tiêu xã hội công dân rồi nhà nước trở thành tuyệt đối và vĩnh viễn.
Cần lưu ý là trong một chế độ “toàn trị ” mang danh chủ nghĩa xã hội đó, hiện tượng người ta thường gọi là “bất đồng chính kiến” vẫn tồn tại qua mọi thăng trầm. Nhìn vào lịch sử các chế độ cộng sản thực tế hiện tượng này rất đễ dàng nhận ra, dưới nhiều hình thức và danh nghĩa, hầu hết đều diễn ra hết sức bạo liệt . Dù vậy, để duy tính cách mạng cho phê phán và tranh đấu, người ta không thể nhân danh một cái gì đó bên ngoài thứ lý luận gọi là “vận dụng học thuyết Marx-Lenin”, căn cứ vào đó phê phán những chủ trương bị xem là sai lầm trong sự vận dụng của Đảng vào việc “xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Và hiển nhiên sự phê phán ấy đã không thể trở thành cương lĩnh của một lực lượng có tổ chức công khai được thừa nhận là “đối lập trung thành” trong một chế độ có tham vọng kiểm soát con người từ đầu cho đến chân.
Cũng cần lưu ý thêm là sự mạnh yếu, rộng hẹp của hiện tượng bất đồng chính kiến nói trên trong chế độ ấy không phải lúc nào cũng như nhau. Tất cả đều tuỳ theo tình hình chung, tuỳ theo tương quan giữa xã hội và nhà nước mà diễn ra dưới nhiều mức độ. Nếu trước đây phong trào “Nhân Văn-Giai phẩm”, “chủ nghĩa xét lại”… xét về căn bản tỏ ra khá “trung thành” với hệ thống mà vẫn bị trấn áp tàn tệ thì ngày nay, trong thời kỳ “đổi mới”, nhiều phê phán đạt đến mức “chạm trần” mà vẫn tồn tại được dưới những hình thức nào đó. Tại sao? Chắc chắn không phải do Đảng đã trở nên dân chủ hơn, khoan dung hơn để không thèm “đếm xỉa” các phản biện rất “phản động” trên đây mà chỉ vì trong thực tế đã đến lúc Đảng không còn đủ sức để lùa vào vòng kiểm soát của mình những ai không “nghĩ trong điều Đảng nghĩ” nữa. Nhìn vào những gì diễn ra ở Việt Nam sau 1986, nhất là sau sự tan rã của “phe xã hội chủ nghĩa”, có thể nhận ra điều đó dễ dàng!
Đặt vào quá trình đấu tranh dân chủ hoá xã hội ở Việt Nam, hiện tượng phản biện trên đây, dù mang trong bản thân nhiều hạn chế và những hạn chế ấy được chấp nhận như điều kiện để tồn tại, cách nói của bà Hoài, xem đó là một “cuộc giải phẫu thẩm mỹ giúp chế độ toàn trị tồn tại mỹ miều hơn” là không thoả đáng, nếu không nói là hoàn toàn phản thực tế. Vì thực tế cho chúng thấy phải hiểu ngược lại mới đúng: ra đời từ những nỗ lực cực kỳ gian khổ để dân chủ hoá đời sống xã hội, những nỗ lực trên đây, cho đến nay đang có tác dụng làm suy yếu chế độ toàn trị ngay trong sân chơi của nó, làm cho chế độ ấy mau chóng mất đi tính chính danh ngay trên chính những nguyên lý của nó. Nếu không khó giải thích việc chế độ toàn trị luôn tỏ ra rất khó chịu, bực bội với hiện tượng này, thì cũng rất dễ hiểu khi thấy trong khi không dám đối thoại sòng phẳng với những phản biện gai góc, những cái lưỡi gỗ của chế độ đã không biết làm gì để đối phó, ngoài việc nhét tất cả vào cái phạm trù gọi là “diễn biến hoà bình” và “tự diễn biến hoà bình” để quy chụp và kết án là “cơ hội”.

4.
Khi xác định vị trí tranh đấu của mình, những người phản biện từ bên trong không hề coi phương thức lên tiếng của họ là duy nhất đúng, duy nhất có ích. Đó chỉ là một chọn lựa trong nhiều chọn lựa nhưng khi đã đứng vào vị trí ấy rồi thì sự cân nhắc về tác dụng của hành động và lời nói phải trở thành điều cần thiết: chẳng hạn không thể lúc nào cũng ngang nhiên đòi “giải thể” cái này cái nọ tức khắc cho hả giận và cho sướng miệng, không phải vì sợ bị bỏ tù mà chỉ vì không thích hợp. Từ những giới hạn buộc phải chấp nhận một cách chính danh thì chỉ nên gọi như người ta thường gọi họ là những người phản biện, hoặc ồn ào hơn một chút, có thể gọi họ là những người bất đồng chính kiến – những người như vậy ngày càng nhiều thêm, thái độ của họ ngày càng mạnh mẽ, quyết liệt. Đây không phải chỉ là kết quả của một quá trình giải hoặc về tư tưởng mà chính yếu đã bắt nguồn từ cái thực tế chuyển động của xã hội đang tác động vào bản thân họ: là sự thất bại hiển nhiên của chế độ toàn trị mạo danh xã hội chủ nghĩa giao thoa với cái xã hội công dân đã bị chế độ toàn trị ấy thủ tiêu cũng mạo danh chủ nghĩa xã hội, nay đang phục hồi do sự thất bại của thứ chủ nghĩa xã hội bị mạo danh ấy.
Tất cả đã tác động đến bản thân các đảng viên với tư cách là những công dân và những con người, làm cho cả một lớp trí thức một thời “đi theo Đảng” khi nhìn lại mọi thứ, ngày càng nhận ra sự cách bức trầm trọng giữa Đảng và xã hội, cuối cùng đã chọn đứng về phía xã hội để, từ tư thế của mình, đòi hỏi Đảng phải dân chủ hoá bản thân, tiến hành những cải cách để thực hiện những thay đổi có lợi cho xã hội.
Chừng nào thì hành vi phản biện mạnh mẽ nói trên có khả năng chuyển hoá thành một xu hướng chính trị có tổ chức mệnh danh là “đối lập trung thành” theo đúng nguyên nghĩa của nó? Không thể biết được nhưng chắc chắn đó là điều thật đáng mong mỏi. Nhưng để điều đó trở thành thực tế thì bản thân chế độ toàn trị phải có sự chuyển hoá thật mạnh mẽ về chất, sự chuyển hoá ấy cốt yếu phải được thúc đẩy bởi sự lớn mạnh của cái xã hội công dân hiện diện bên ngoài sự tồn tại của Đảng: không có sự lớn mạnh của xã hội công dân này thì mọi sự chuyển biến trong Đảng, có tính tới áp lực nội tại của thành phần phản biện nói trên, vẫn chỉ loay hoay trong những hứa hẹn, nếu không mị dân để đối phó thì cũng hoang tưởng, nửa vời.
Xét về logic của sự chuyển hoá hoà bình có thể khẳng định rằng chỉ có một xã hội công dân đã trưởng thành về mọi mặt (kinh tế, văn hoá lẫn chính trị) mới có khả năng hạn chế các chính sách chuyên chế của Đảng, từng bước tác động vào Đảng, mang đến cho những trí thức của Đảng nhiều tính chất dân chủ hơn trong những đề xuất cải cách, qua đó dọn đường dần dà cho sự hoá thân của Đảng, từ một đảng toàn trị thành một đảng dân chủ. Logic thì như vậy và mong ước cũng là như vậy. Nhưng thực tế hiếm khi đi theo logic của sự suy tưởng lý tính, trong trường hợp này, bạo lực có thể sẽ lại lên ngôi một lần nữa, bạo lực cách mạng và cả bạo lực phản cách mạng. Mọi sự bàn luận về thực thể gọi là “đối lập trung thành” bây giờ sẽ mất hoàn toàn ý nghĩa, không cần thiết.

Lữ Phương
 

Sự lạc quan vô tận'

Cập nhật: 03:19 GMT - thứ ba, 17 tháng 1, 2012
    Nhà văn Phạm Thị Hoài
    Nhà văn Phạm Thị Hoài nhấn mạnh đang có một tầng lớp đối lập trung thành tại Việt Nam.
    Sau bài phỏng vấn với Giáo sư Chu Hảo về trí thức trong xã hội và hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay, BBC nhận được nhiều bài viết đáp lời. Xin giới thiệu với quý vị bài của nhà văn Phạm Thị Hoài từ Berlin:
    Ông Chu Hảo là mẫu mực của một người đối lập trung thành.
    Đối lập trung thành tại Việt Nam là ai? Theo quan niệm của tôi, họ là những người không hài lòng với hệ thống chính trị trong nhiều vấn đề lớn, công khai phản biện và tìm giải pháp thay đổi trong phạm vi các vấn đề đó, nhưng không đụng chạm, hay tránh đụng chạm đến nền tảng tồn tại của hệ thống.
    Họ gắn bó với hệ thống vì xác tín, vì thói quen hoặc vì không có, hay không biết đến lựa chọn nào khác. Họ góp phần tích cực xây dựng và duy trì hệ thống, và qua đó có địa vị, uy tín và những quyền lợi nhất định trong hệ thống. Mong muốn của họ là cải tạo hệ thống nhằm ngăn chặn sự sụp đổ của nó. Sự sụp đổ này đồng nghĩa với sự phủ định họ ở một số phương diện căn bản. Điều đó chắc chắn là đau đớn.
    "Dĩ nhiên không có chuẩn để so sánh nỗi đau tâm lí. Ở người không được đếm xỉa, nó có thể lớn hơn ở người bị trừng phạt."
    Phạm Thị Hoài
    Họ thường là đảng viên Đảng Cộng sản, lực lượng chính trị duy nhất độc quyền cầm quyền và độc quyền xác quyết sự độc quyền của mình trong Hiến pháp Việt Nam. Giới hạn xa nhất mà họ có thể đi là thỉnh cầu Đảng của họ nhượng cho những lực lượng chính trị khác thuê vài mét vuông để ngụ cư trong lãnh địa mênh mông của Đảng mà hợp đồng thuê đương nhiên do Đảng soạn thảo. Như thế là đã quá nhiều hào phóng.
    So với một số nhà đối lập trung thành đi trước, ông Chu Hảo còn đứng vững ở bên này giới hạn cho phép. Thay vì bị trừng phạt như Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Hộ hay bị thanh lí như Trần Độ, bị vô hiệu hóa như Trần Xuân Bách, những người đã đặt ít nhất là một nửa bàn chân sang phía bên kia hoặc ở giai đoạn cuối đã đoạn tuyệt hệ thống, ông Chu Hảo còn được đảm đương những chức vị tuy không có thực quyền nhưng có một bục đứng để phát ngôn trong một không gian nhất định, còn được phép dấn thân vào những Bấm dự án tâm huyết chừng nào chúng chưa bị hệ thống coi là nguy hiểm, còn được xuất hiện như một Bấm nhân vật của công chúng chừng nào ông biết làm cho hình ảnh của mình giống một bông hoa cài lên ve áo chế độ hơn là một cái gai.
    Ông cũng còn được yên ổn sau khi phát biểu trên những cơ quan truyền thông ngoại quốc như Bấm BBC hay Bấm RFA Việt ngữ, chừng nào ông vẫn đủ cảnh giác trước nguy cơ "các thế lực thù địch có thể lợi dụng" "thông tin sai lệch", như mới đây ông đã Bấm cảnh báo. Lê Công Định và Cù Huy Hà Vũ cũng phát biểu trên những cơ quan truyền thông này và họ đang ngồi sau song sắt.
    'Trả giá mềm'
    Giáo sư Chu Hảo
    Giáo sư Chu Hảo cho rằng chưa nhất thiết giải thể sự lãnh đạo của đảng cộng sản đối với trí thức ở trong nước.
    Đối lập trong một chế độ toàn trị tất nhiên là phải trả giá. Tuy những người cộng sản nổi tiếng về sự thanh trừng nội bộ trong chính hàng ngũ của mình không thua gì sự đàn áp kẻ thù bên ngoài, nhưng cái giá của đối lập trung thành chưa bao giờ cao chạm trần và có thể thỏa thuận, tùy ở tài mặc cả của những người trong cuộc và cũng tùy thời giá. Thời giá hôm nay, theo tôi, thuận lợi cho những người đối lập trung thành hơn hẳn các đồng chí của họ vài thập kỉ trước.
    Cái giá duy nhất mà họ phải trả, như ông Chu Hảo phàn nàn, là tiếng nói phản biện của họ Bấm không có hồi âm. Tôi nghĩ, đó là một cái giá rất mềm, so với những ví dụ chúng ta được biết từ hơn nửa thế kỉ qua. Thay vì bị trừng phạt, bị thanh lí, bị vô hiệu hóa, họ chỉ không được đếm xỉa.
    Dĩ nhiên không có chuẩn để so sánh nỗi đau tâm lí. Ở người không được đếm xỉa, nó có thể lớn hơn ở người bị trừng phạt.
    Từng là một quan chức nhà nước tương đối cao cấp, dù chỉ ở một chức vụ không có nhiều quyền bính, ông Chu Hảo hiểu rõ hơn hàng chục triệu người, vì sao số phận của phản biện ở Việt Nam lại hẩm hiu như thế. Được hỏi, vì sao các trí thức phản biện chỉ phản biện khi đã về hưu, Bấm ông giải thích rằng khi đang còn chức quyền, “họ là con người của guồng máy đó nên phải tôn trọng những kỉ luật của guồng máy” đã được xác lập.
    Tình thế thực ra quá rõ ràng. Hoặc là bạn đứng trong guồng máy và tôn trọng kỉ luật của nó, bạn chẳng phản biện gì hết và cũng không buồn nghe ai phản biện. Hoặc là bạn vẫn đứng trong guồng máy và thử giới hạn khoan dung của nó cũng như giới hạn chịu đựng của bạn, bạn hơi phản biện một chút và nó khạc bạn ra như một miếng đờm.
    Hoặc là bạn tự nguyện ra khỏi guồng máy và xắn tay lên phản biện, nhưng xin đừng gửi về địa chỉ của guồng máy và cũng đừng trách nó dửng dưng với bạn. Với nó, bạn đã không còn tồn tại và bạn nên lấy đó làm mừng, đừng gửi gắm nốt phần đời vừa được giải phóng của bạn vào chính cái cũi đã nhốt bạn chừng ấy năm trời.
    "Với tôi, phát ngôn của ông Chu Hảo, rằng “chưa nhất thiết giải thể sự lãnh đạo của Đảng với tầng lớp trí thức ở trong nước”, là thông điệp tệ nhất."
    Phạm Thị Hoài
    Ra khỏi guồng máy dễ hơn thoát khỏi hệ thống. Hệ thống bủa vây những người đối lập trung thành trong tư duy, trong diễn đạt, trong cả vốn từ vựng của họ.
    Vì sao cùng một người, ở đây là ông Chu Hảo, vừa có thể phàn nàn rằng Việt Nam không có tầng lớp trí thức đích thực theo ông định nghĩa, tức những người có một số phẩm chất, trong đó nổi bật là năng lực tư duy độc lập, lại vừa có thể nhận định rằng cái giới trí thức (chưa có) đó tiếp tục cần đến sự lãnh đạo (có thực) của Đảng Cộng sản Việt Nam, như trong Bấm phát biểu mới đây của ông trên BBC?
    Tôi xin thử một câu trả lời: nửa thế kỉ qua, hệ thống toàn trị của Đảng đã biến đổi thành công bộ nhiễm sắc thể của các đảng viên, “sự lãnh đạo của Đảng” đã ăn vào gen trong cơ thể họ và tự động phát tiết, trong cả những tình huống không phù hợp nhất.
    Năm 2012 mở đầu với nhiều tin xấu: vụ bắt giữ nhà báo Hoàng Khương, vụ xung đột ở Tiên Lãng, vụ xét xử Lê Văn Luyện, những vụ xe cứ cháy người cứ chết từ cuối năm ngoái chưa dứt…
    Với tôi, phát ngôn của ông Chu Hảo, rằng “chưa nhất thiết giải thể sự lãnh đạo của Đảng với tầng lớp trí thức ở trong nước”, là thông điệp tệ nhất. Nếu nó đến từ ông Đinh Thế Huynh, sếp tư tưởng đương chức của Đảng, thì tôi có chút cảm thông. Ông ấy cần công ăn việc làm, vì chắc chắn không được đâu Bấm mời làm trưởng thôn như Bộ trưởng Đinh La Thăng nếu mất chức, mà cũng không làm thơ hay như ông Nguyễn Khoa Điềm, người tiền nhiệm của ông hai khóa trước, để cuộc sống tiếp tục có ý nghĩa.
    Hơn hai mươi năm trước, các nhà lãnh đạo tư tưởng Đông Đức cũng rất bế tắc khi bỗng nhiên không ai cần đến sự lãnh đạo của họ nữa. Nhưng thông điệp nói trên đến từ vị giám đốc, linh hồn và trụ cột của Nhà xuất bản Tri Thức, cái nôi quý giá cho những tác phẩm quan trọng của tri thức nhân loại có thể lọt lòng tại Việt Nam.
    Tinh thần toát lên từ khối tri thức mà ông Chu Hảo tổ chức truyền bá bằng một sự dấn thân đáng khâm phục ấy là tình yêu, ý thức và khát vọng tự do, trước hết là tự do tư tưởng. Vừa cổ vũ cho tự do tư tưởng, vừa biện minh cho sự cần thiết của chiếc gông tròng vào cổ trí thức Việt Nam và đè nặng lên họ, khiến họ chỉ còn nhận thức độ cao trí tuệ bằng khoảng cách từ cổ xuống đất chứ không bằng khoảng cách từ đầu lên trời? Nghịch lí, những điều chỉ có ở Việt Nam, cũng không chừa ông Chu Hảo.
    Nghịch lí ấy hẳn có tên khác, "biện chứng cách mạng", trong từ vựng chính thống. Không để ý tên tác giả, có thể nhầm phát biểu của ông Chu Hảo với phát biểu của nguyên Tổng Bí thư Đảng CSVN Bấm Lê Khả Phiêu đăng trên Quân đội Nhân dân hay phát biểu của đương kim Tổng Bí thưBấm Nguyễn Phú Trọng, người mà ông Chu Hảo Bấm thiết tha đặt kì vọng, vì cả ba ông đều sử dụng vô tư và vô trách nhiệm vốn từ vựng sáo mòn đang từng ngày làm tổ trong năng lực ngôn ngữ, công cụ và thành quả của tư duy, của cộng đồng.
    “Đổi mới” thì luôn đi kèm “quyết tâm” như thuở nào và hai thứ này cộng lại luôn phải “triệt để và sâu rộng” cũng như "chỉ đạo" thì cần "quyết liệt", “sửa đổi” thì phải “căn bản”, “thực hiện” thì “nghiêm túc”; các “thảo luận” thì không tránh khỏi “thẳng thắn, dân chủ” và chỉ có cách "ưu tiên, mở rộng” chúng; “hạn chế, yếu kém” thì Đảng cần “khắc phục” và “chủ nghĩa cá nhân” thì cần “đấu tranh triệt để”.
    Lại "triệt để" rồi. Có doping "triệt để" lên nữa và lên nữa cũng vô ích, nhờn ngôn từ không khác nhờn thuốc kháng sinh. Không một nội dung cụ thể nào có thể sờ được trong cái cẩm nang từ vựng chính trị lười biếng đó.
    Nếu cách tư duy, cách diễn đạt, nếu ngôn ngữ chính thống này hoàn toàn thắng thế thì trong vòng ba thế hệ tới, sẽ không còn ai đọc và hiểu những cuốn sách do Nhà xuất bản Tri Thức ấn hành.
    'Lạc quan vô tận'
    Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
    Đảng Cộng sản vẫn có ảnh hưởng lãnh đạo đối với nhiều trí thức Việt Nam
    Nhiều người đối lập trung thành tin rằng mình phải đứng trong hệ thống, phải thuộc về nó mới có cơ hội thay đổi nó, hay ít nhất mới có điều kiện để “làm một cái gì đó có ích” như cách nói nôm na. Những cống hiến của ông Chu Hảo và nhiều trí thức đứng trong hệ thống nhưng đứng ngoài guồng máy đủ lớn để bỏ qua sự xỉa xói vô liêm sỉ từ phía những người thường xuyên đem họ ra dè bỉu, trong khi mình thì đóng tất cả các vai, từ vai em ngoan biết phận qua vai đàn anh đàn chị khinh bạc, chưa kể vai chỉ điểm, chỉ trừ vai bồi bàn trong đại tiệc thủ lợi khổng lồ của các cá nhân do hệ thống đẻ ra.
    Và cũng đủ lớn để bỏ qua sự mạt sát bạt mạng từ những người hùng Việt kiều ẩn danh trên mạng, những kẻ thừa khí phách để chê bai giới trí thức trong nước xu phụ quyền lực, trong khi mình thì chỉ thiếu một giọt can đảm để chính danh. Tôi kính trọng những cống hiến của ông Chu Hảo, nhưng không chia sẻ tọa độ chính trị của ông. Tôi cũng tin rằng những lựa chọn đối lập khác có thể có ích không kém, nếu không muốn nói là càng ngày càng cần thiết hơn.
    Song mỗi lựa chọn đều là một thực đơn trọn gói chứ không phải một buffet trong tiệc đứng để ta lẩy riêng những món vừa miệng. So với các lựa chọn đối lập khác, vị đắng trong gói đối lập trung thành còn là ít hơn cả.
    Tôi biết rằng mình đứng từ xa, không thể nhìn thấu những họa tiết đang từng ngày biến hóa trong bức tranh toàn cảnh của xã hội Việt Nam, nơi vài thập niên trước có nằm mơ cũng không thấy những cánh cửa đã mở của hôm nay. Những bước đi rất nhỏ, rất chậm, rất vất vả, đã gộp thành một chặng đường.
    "Giải phẫu thẩm mĩ cho một chế độ toàn trị là giúp nó tồn tại mĩ miều hơn."
    Phạm Thị Hoài
    Tôi biết rằng từ một vị trí ưu đãi, không có gì để mất trừ hi vọng gặp lại quê hương và gia đình, mình dễ bất công hay dễ đánh mất sự cảm thông với những thỏa hiệp không tránh khỏi của những người phải tồn tại trong một chế độ toàn trị. Nhưng từ vị trí nào thì cuối cùng chúng ta cũng đứng trước câu hỏi phải làm gì với nó. Giải phẫu thẩm mĩ cho một chế độ toàn trị là giúp nó tồn tại mĩ miều hơn.
    Đến tận những ngày cuối cùng của Cộng hòa Dân chủ Đức, một số trí thức và văn nghệ sĩ hàng đầu của quốc gia này còn theo đuổi mô hình một chủ nghĩa xã hội nhân đạo. Họ cũng là những nhà đối lập trung thành, muốn cải tạo chứ không phá bỏ hệ thống.
    Sứ mệnh không thành của họ, ở thời lịch sử sắp cáo chung, còn dễ định nghĩa. Chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam nay chỉ còn trên giấy tờ, trong sách giáo khoa và trong tâm tưởng của thế hệ những người từng coi nó là lí tưởng sống. Các nhà đối lập trung thành ở Việt Nam phải theo đuổi một chủ nghĩa xã hội hồng có bộ mặt người trên lí thuyết và đối diện với một chủ nghĩa tư bản đỏ có bộ mặt rừng rú trong thực tế. Sứ mệnh của họ là cải tạo hệ thống nào để ngăn chặn sự sụp đổ của hệ thống nào, thật không dễ trả lời, chưa nói tới việc thực hiện.
    Nhưng ông Chu Hảo là Bấm người lạc quan. Lạc quan vô tận. Tạp chí Xây dựng Đảng Xuân Nhâm Thìn này có bài “Bấm Tết đến rồi…!” của ông. Cứ từ từ, "tất cả mọi sự tốt đẹp bao giờ cũng ở phía trước", như ông tuyên bố.
    Bài viết phản ánh văn phong và quan điểm riêng của nhà văn, nhà báo Phạm Thị Hoài, chủ nhiệm trang blog Bấm pro & contra, cựu chủ biên tạp chí Bấm Talawas. Tác giả đang sống tại Berlin, CHLB Đức.

    0 nhận xét:

    Đăng nhận xét