Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Ba, 18 tháng 8, 2015

Ba mâu thuẫn trong kinh tế Trung Cộng






Ngô Nhân Dụng

Ngày Thứ Sáu, Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc đã tăng giá đồng nhân dân tệ! Ngày hôm trước, đổi 6.4010 đồng “nguyên” ăn một đô la Mỹ; nay chỉ đổi 6.3975 cũng được một đô la. Số thay đổi quá nhỏ, chỉ đáng 0.05%, nghĩa là 5 phần 10,000. Nhưng việc “tăng giá” này nhằm “trấn an” thị trường tài chánh thế giới: Cộng sản Trung Quốc không muốn gây một cuộc “chiến tranh phá giá tiền tệ.”


Vì đó là mối lo ngại của tất cả thị trường, kể từ ngày Thứ Hai, 11 Tháng Tám 2015. Ðồng nguyên được giảm giá trong ba ngày liên tiếp tổng cộng sụt giá 4.4%. Hành động này khiến mọi người lo ngại, vì năm 1994, Trung Cộng đã cho đồng nguyên phá giá ngay một lúc 33%! Ngày Thứ Năm, bà Trương Hiểu Huy (Zhang Xiaohui), phụ tá chủ tịch Ngân Hàng Trung Ương đã trấn an rằng Bắc Kinh sẽ không giảm giá đồng nguyên thêm nữa, và trong tương lai đồng tiền Trung Quốc sẽ lên giá. Lo rằng thị trường tài chánh không tin tưởng, cho nên hôm sau Nhân Dân Ngân Hàng đã quay chiều, cho tăng giá đồng nguyên, dù chỉ tăng rất tượng trưng.

Hành động “chữa cháy” của Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc cho thấy đảng Cộng Sản đang lúng túng vì đang theo đuổi những mục tiêu kinh tế mâu thuẫn. Một mặt, họ muốn giữ cho kinh tế Trung Quốc giữ được mức phát triển ít nhất 7%, tránh nguy cơ thất nghiệp gia tăng có thể gây xáo động xã hội. Mặt khác, Cộng Sản Trung Quốc muốn đưa đồng nguyên lên hàng một “đồng tiền dự trữ” của các quốc gia khác, tạo uy tín cho chính họ. Mối mâu thuẫn thứ nhì là giữa mục tiêu “thị trường hóa” nền kinh tế đồng thời vẫn muốn giữ ổn định trong thời gian chuyển tiếp chương trình thị trường hóa này. Mối mâu thuẫn thứ ba có tính cách căn bản hơn: Ðảng Cộng Sản vừa muốn giải tỏa cho kinh tế được tự do hơn, thị trường đóng vai trò quan trọng hơn để thoát khỏi tình trạng bế tắc không tránh được; đồng thời họ vẫn muốn nắm quyền kiểm soát chặt chẽ, cả kinh tế lẫn chính trị.

Từ nhiều năm qua, Trung Cộng đã tỏ ý muốn đồng nguyên được dùng làm một thứ ngoại tệ dự trữ cho Ngân Hàng Trung Ương các nước khác, ngang hàng với đồng Ðô la Mỹ, đồng Euro, đồng Franc Thụy Sĩ, đồng Yen Nhật Bản. Như vậy mới xứng đáng với khối lượng sản xuất đứng hàng thứ nhì thế giới của kinh tế Trung Quốc. Mục tiêu này khó đạt được khi đảng Cộng Sản vẫn muốn nắm quyền kiểm soát tất cả các hoạt động kinh tế trong nước. Ðồng Euro, đồng Ðô la không thể nào đóng vai trò tiền dự trữ của các nước nếu các chính phủ Mỹ hoặc Châu Âu vẫn muốn cấm đoán không cho người ta đổi tiền tự do, lại can thiệp liên tiếp vào thị trường hối đoái để giữ giá cho các đồng tiền của họ không cho thay đổi theo luật cung cầu mỗi ngày. Bắc Kinh đã làm đúng những điều đó, cho nên mối hy vọng đồng nguyên trở thành một “đồng tiền quốc tế” khó thành công, trừ khi đảng Cộng Sản chấp nhận giảm bớt quyền kiểm soát của họ.

Trong nhiều chục năm qua, Bắc Kinh tìm cách giữ giá đồng nguyên rất thấp so với đô la, để hàng xuất cảng bán ra với giá rẻ. Nhưng từ đầu năm 2015 tới nay, họ lại cố gắng giữ giá ổn định gắn liền với đô la Mỹ, trong khi đồng tiền các nước khác đều xuống so với đô la. Ðô la tăng giá vì nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng đều đặn, từ từ, trong sáu năm qua. Ðô la lên giá nhanh hơn trong mấy tháng nay vì mọi người đang chờ Ngân Hàng Trung Ương Mỹ sắp sửa tăng lãi suất, có thể ngay trong Tháng Chín này. Tiền đầu tư khắp thế giới đang chờ cơ hội đem vào nước Mỹ để hưởng lãi suất cao hơn, tiền được đổi sang đô la ngày càng nhiều khiến đô la tăng giá. Trong thời gian đó, Bắc Kinh vẫn không cho đồng nguyên đi xuống, một phần cũng vì áp lực của chính phủ và Quốc Hội Mỹ. Vì thế, ngày Thứ Hai vừa qua, khi Bắc Kinh hạ giá đồng nguyên gần 2% (mức giới hạn họ tự đặt ra) thì IMF đã hoan nghênh, coi đó là một hành động thuận theo xu hướng chung của thị trường.

Nhưng hành động hạ giá ba ngày liên tiếp rồi lại nâng giá lên chút đỉnh cho thấy Bắc Kinh đang lúng túng xoay trở ngay trong cái lưới mà họ tự giăng cho mình rơi vào: Vẫn muốn đóng vai trò kiểm soát, không để cho thị trường sống theo quy luật tự nhiên. Tình trạng lúng túng này đã hiện ra trước đây một tháng, khi cả guồng máy chỉ huy tài chánh được huy động để ngăn chặn không cho thị trường chứng khoán sụp đổ; sau khi chính guồng má đó đã thổi phồng cho thị trường chứng khoán lên cao, gây cơn khủng hoảng làm cho giới đầu tư nhỏ trong nước mất hơn 3,000 tỷ đô la.

Trong cả hai cơn lúng túng về chứng khoán và về hối suất, Cộng Sản Trung Quốc cho thấy họ không dám tiến hành một chương trình “thị trường hóa” đã được công bố trong kỳ đại hội đảng gần đây, coi như một chủ trương “đổi mới” tối quan trọng của ông Tập Cận Bình. Ðảng Cộng Sản tuyên dương một cách long trọng rằng từ nay sẽ để cho thị trường đóng “vai trò quyết định” trong sinh hoạt kinh tế. Thị trường hóa không phải là ý muốn của các lãnh tụ cộng sản, nhưng là một nhu cầu bắt buộc. Kinh tế Trung Quốc đã giảm bớt tăng trưởng trong mấy năm qua, vì guồng máy điều khiển tập trung không còn “món võ mới” nào để tiếp tục thi triển. Kinh tế Trung Quốc gia tăng nhờ đổ tiền vào các vụ đầu tư khổng lồ không cần thiết và rất phung phí; nhờ hạn chế khả năng tiêu thụ của người dân để dồn vào việc xuất cảng; và tất cả các hoạt động đó dựa trên những món nợ ngày càng cao và càng khó trả lại. Tình trạng đó không thể kéo dài mãi mãi. Chỉ có một con đường thoát khỏi cảnh phá sản là kích thích sức tiêu thụ của ng dân và nới lỏng cho các xí nghiệp tư doanh được phát triển, cải tổ hệ thống ngân hàng theo quy luật thị trường. Cho nên thị trường hóa là một chủ trương đứng đắn và cần thiết.

Nhưng trong cả hai cơn khủng hoảng, thị trường chứng khoán và hối suất đồng nguyên, khiến người ta bắt đầu nghi ngờ không biết Tập Cận Bình còn giữ được chủ trương đó hay không, và tiến hành nhanh chóng như nhu cầu đòi hỏi hay không.

Tuy đã tập trung quyền lực đến mức cao nhất kể từ thời Ðặng Tiểu Bình, Tập Cận Bình vẫn bị hạn chế bởi những thế lực bảo thủ đang hưởng lợi trong cơ cấu hiện hành. Thị trường hóa nghĩa là cho phép hàng trăm triệu người tự do quyết định trong việc trao đổi hàng hóa, mua bán chứng khoán, ký hợp đồng lao động, họ sẽ đóng vai trò quan trọng nhất, theo chủ trương mà Tập Cận Bình đề ra. Nhưng các lãnh tụ cộng sản cao cấp và trung cấp trong guồng máy kiểm soát hiện hành sẽ không dễ buông các quyền lợi họ đang hưởng. Họ sẽ đổ hết tội lỗi lên Tập Cận Bình nếu kinh tế xuống dốc; mà điều này luôn luôn đe dọa.

Chính sách gắn liền đồng nguyên vào đô la Mỹ, trong khi tiền các nước khác xuống giá, khiến cho hàng xuất cảng của Trung Quốc đắt hơn. Thứ Bảy tuần trước, Bắc Kinh thông báo trị giá hàng xuất cảng giảm bớt 8.3% so với năm trước. Số xuất cảng sang Châu Âu giảm nhiều nhất, giảm 12% trong Tháng Bảy vì kinh tế vùng này đang khó khăn. Vì xuất cảng xuống, số dự trữ ngoại tệ của Bắc Kinh đã tụt mất 315 tỷ đô la trong bảy tháng đầu năm nay. Muốn giữ cho kinh tế thăng bằng, họ lại phải cắt lãi suất (bốn lần trong năm nay) để các doanh nghiệp nhà nước được vay tiền dễ dàng hơn. Nhưng tỷ lệ tăng trưởng vẫn chỉ tới 7%, tốc độ thấp nhất trong 25 năm qua. Nhưng con số chính thức này không đáng tin, sự thật có thể chỉ được 3% đến 4%.

Trung Quốc cần chuyển từ kinh tế vụ vào xuất cảng sang kinh tế dựa trên sức tiêu thụ nội địa, nhưng một cơn khủng hoảng thị trường chứng khoán vừa qua có thể khiến nhiều người trung lưu mất cơ nghiệp, không giúp gì cho sức tiêu thụ. Tình rạng kinh tế suy yếu sẽ tạo cơ hội cho giới bảo thủ trong đảng Cộng Sản Trung Quốc cưỡng lại và kìm hãm các chương trình cải tổ.

Ðể ngăn chặn các phe chống đối, Tập Cận Bình tìm cách tiêu diệt những đối thủ chính trị trong nội bộ đảng, qua các vụ đánh tham nhũng rất lớn. Trong tuần qua nhật báo Nhân Dân đã tấn công thẳng vào “trung tâm” của phe đối nghịch, khi chỉ trích “những lãnh tụ về hưu vẫn tìm cách can thiệp” vào hoạt động của đảng. Ðây là một đòn tấn công một cách kín đáo vào Giang Trạch Dân, sau khi đã hạ thủ những tay chân thân tín của họ Giang, như Chu Vĩnh Khang, Lệnh Kế Hoạch, vân vân. Mâu thuẫn giữa các phe phái trong đảng chỉ làm hại cho nền kinh tế. Ðó chỉ là biểu hiện của mối mâu thuẫn lớn nhất: Ðảng Cộng Sản muốn cải tổ kinh tế nhưng vẫn không muốn buông bỏ quyền hành.

Vì thế kinh tế Trung Quốc sẽ còn lệ thuộc vào các tranh chấp nội bộ đảng Cộng Sản. Chỉ khi nào chế độ chính trị thay đổi thì công việc thị trường trường hóa mới có thể tiến hành. Ðổi mới kinh tế mà không thay đổi chính trị, đảng Cộng Sản sẽ tiếp tục đi trên con đường bế tắc.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét