Điểm đặc biệt ở vụ bán khống cổ phiếu Herbalife là có tới 6 ông trùm quỹ đầu cơ tham gia theo hai luồng ý kiến trái chiều, trong đó đáng chú ý nhất là mối thâm thù giữa Bill Ackman và Carl Icahn.
Nhìn chung, mọi người luôn coi đầu tư là hoạt động mua vào tài sản, chờ giá trị của khoản đầu tư đó tăng lên và cuối cùng sẽ bán đi để kiếm lời. Bán khống có nguyên tắc ngược lại hoàn toàn: nhà đầu tư chỉ kiếm được tiền khi cổ phiếu đó giảm giá mạnh.
Cơ chế bán khống một cổ phiếu khá phức tạp so với một giao dịch thông thường. Bán khống là bán cổ phiếu mà người bán không sở hữu nhưng hứa hẹn sẽ giao hàng trong một thời hạn nhất định.
Khi một quỹ đầu tư âm thầm bán khống một công ty nào đó, họ sẽ lên các phương tiện truyền thông (TV, báo chí, diễn đàn, hội thảo…) đặt ra những nghi ngờ về hoạt động kinh doanh của công ty mà họ đang nhắm đến. Sau một loạt thông tin tiêu cực, cổ phiếu mục tiêu sẽ rớt giá mạnh. Việc còn lại của các quỹ chỉ là mua lại lượng cổ phiếu đúng bằng lượng đã bán khống và ăn chênh lệch do giá đã giảm mạnh.
Một trong những vụ bán khống đã đi vào lịch sử và cuộc tấn công vào cổ phiếu Herbalife.
Ngày 20/12/2012, Bill Ackman – người sáng lập quỹ đầu tư Pershing Square Capital Management bắt đầu cuộc tấn công nhằm vào công ty chuyên bán vitamin và thực phẩm bổ sung Herbalife sau khi có bài thuyết trình kéo dài tới 3 tiếng đồng hồ và 334 slide. Ông gọi Herbalife là một mô hình “kim tự tháp” và cho rằng công ty này không tạo ra doanh thu thực, gây tổn hại cho các cộng đồng trên toàn thế giới.
“Nếu tôi đúng, cổ phiếu công ty này sẽ thành mớ giấy lộn”, Ackman khẳng định ông chưa bao giờ tự tin vào việc bán khống một cổ phiếu nào hơn thế.
Câu chuyện bắt đầu từ tháng 5/2012, khi David Einhorn gây bất ngờ bằng việc đưa ra những câu hỏi hóc búa về hoạt động kinh doanh của Herbalife trong buổi công bố kết quả kinh doanh tới các cổ đông qua điện thoại (earnings call). Quan trọng nhất là yêu cầu Herbalife công bố số liệu bán hàng phân chia rõ tỷ lệ bán nội bộ cho các người bán hàng của mình so với bán ra ngoài cho người tiêu dùng cuối cùng, đặt ra dấu hỏi về mô hình hoạt động của hãng.
Sau phát biểu của Einhorn, cổ phiếu của Herbalife đã ngay lập tức giảm từ 70 xuống còn 45 USD. Đến lúc này các nhà đầu tư mới nhận ra rằng cổ phiếu của Herbalife đã bị bán khống.
Cổ phiếu Herbalife tiếp tục dao động quanh mức 45 USD cho tới tháng 12. Trong thời gian này Bill Ackman đã âm thầm xây dựng chiến lược bán khống với khối lượng 20 – 25 triệu cổ phiếu.
Chiến lược bán khống có thể tiêu tốn khá nhiều chi phí đắt đỏ vì người bán phải trả lãi cho nhà đầu tư cho vay cổ phiếu và cũng phải trả cổ tức (trong trường hợp của Herbalife ở mức 4%). Bởi vậy, Bill đã lập một trang web (www.factsaboutherbalife.com) và sử dụng hội thảo Ira Sohn để trình bày về những nghi ngờ của mình. Kết quả là cổ phiếu Herbalife đã rơi xuống vùng 20 USD.
Điểm đặc biệt ở vụ bán khống này là đã xảy ra một “cuộc chiến” nhỏ trong giới đầu cơ. Sau diễn biến này, cộng đồng quỹ đầu cơ đã vào cuộc. Robert Chapman và Dan Loeb cho rằng lập luận của Ackman là một “trò lố bịch”. Loeb tiết lộ ông đã mua vào 8,2% cổ phần Herbalife.
Ngày 25/1, Scott Wapner đưa Bill Ackman lên sóng CNBC và sau đó là Carl Icahn. Icahn vẫn nổi tiếng là người không thích Ackman và một cuộc đấu khẩu dài 25 phút đã nổ ra. Ngày 14/2, ông mua vào một lượng lớn cổ phiếu Herbalife. Không lâu sau đó George Soros cũng mạnh tay mua vào.
Tính đến đầu tháng 6/2015, cổ phiếu Herblife được giao dịch quanh mức 50 USD và cuộc chiến giữa Ackman và Herbalife có vẻ như vẫn chưa ngã ngũ.
Giá trị các cổ phiếu Herbalife được Ackman bán ra: 1 tỷ USD
Số tiền Ackman đã chi để cáo buộc Herbalife là một “mô hình kim tự tháp): 50 triệu USD (tính đến tháng 7/2014)
Số tiền Herbalife bỏ ra để “phản pháo”: 47,4 triệu USD (tính đến ngày 30/10/2014)
Số ngày cổ phiếu Herbalife biến động từ 10% trở lên: 12
Số cơ quan cấp liên bang đã điều tra Herbalife: 4, bao gồm Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI), Bộ Tư pháp (DOJ), Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC) và Ủy ban Thương mại liên bang (FTC).
Số lượng các ông trùm quản lý quỹ đặt cược vào Herbalife: 6 (gồm Carl Icahn, George Soros, Richard Perry, Dan Loeb, Kyle Bass, and William Stiritz.)
Số ghế mà liên minh của Icahn nắm trong hội đồng quản trị của Herbalife: 5 (trên tổng số 13)
Số chuyên gia phân tích cho rằng nên mua cổ phiếu Herbalife: 4
Mức giá mục tiêu trung bình của cổ phiếu Herbalife: 63,80 USD
Số chiến dịch được triển khai kể từ cuối năm 2013: 594
Số chiến dịch vẫn đang “treo”: 286
0 nhận xét:
Đăng nhận xét