Nguồn: Christoper Hughes, “Chapter Four: Japan’s Military-Industrial Complex”, The Adelphi Papers, 48:403, pp. 67-78.
Biên dịch: Vũ Thị Tâm | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương
Nền sản xuất quốc phòng của Nhật Bản và câu hỏi về sự trỗi dậy của một tổ hợp công nghiệp quân sự (military industrial complex – chỉ mối quan hệ về chính sách và tiền bạc giữa các chính trị gia, lực lượng quân đội và các nhà sản xuất vũ khí- NBT) ở nước này cần phải được nghiên cứu kỹ càng, bởi vì, như đã giới thiệu ở phần Mở đầu, đây được coi là những thành tố then chốt của quá trình tái quân sự hoá. Cụ thể hơn, trong thời kỳ hậu chiến, chính phủ Nhật Bản đã có thể chứng tỏ rằng quốc gia này không hề thiết lập lại các mối liên hệ quân sự và công nghiệp vốn dẫn đến quá trình tập trung quân sự như trong thời kỳ trước chiến tranh. Nhật Bản cũng có khả năng duy trì một quan điểm quốc phòng có giới hạn do tính chất hạn chế của các hợp tác quân sự quốc phòng với Hoa Kỳ, cũng như các quy định cấm xuất khẩu vũ khí trong các năm 1967 và 1976.1 Vì vậy, bất cứ thay đổi nào trong nội bộ cấu trúc của nền sản xuất quốc phòng và những mối liên kết bên ngoài liên quan tới chuyển giao công nghệ và vũ khí quân sự cũng sẽ là những chỉ dấu quan trọng về một quá trình tái quân sự dài hạn.
Tổ hợp công nghiệp quân sự nội địa của Nhật Bản
Trong thời kỳ hậu chiến, Nhật Bản không có bất kỳ yếu tố nào để có thể được coi là sở hữu một tổ hợp công nghiệp quân sự hoàn chỉnh. Trong thời kỳ đầu, lực lượng đồng minh chiếm đóng ở Nhật Bản do Hoa Kỳ dẫn đầu, bên cạnh quá trình dân chủ hoá và phi quân sự hoá sự mạnh mẽ, đã nhấn mạnh vào việc giải tán các Zaibatsu (các tập đoàn công nghiệp khổng lồ), vốn được coi là cấu kết với những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan và quân đội để đẩy mạnh chủ nghĩa đế quốc Nhật Bản nhằm mục đích hưởng lợi từ việc sản xuất vũ khí. Tuy nhiên, quá trình giải thể các zaibatsu này như một phần quan trọng trong nhiệm vụ phi quân sự hóa nước Nhật đã được cho phép giảm tốc sau khi Chiến tranh Triều Tiên nổ ra và chính quyền chiếm đóng bãi bỏ các lệnh cấm sản xuất thiết bị quốc phòng vào năm 1952. Sau đó, Nhật Bản đã bắt đầu công cuộc tái xây dựng lại nền sản xuất quốc phòng qua việc tự vũ trang và cung ứng các hợp đồng quốc phòng cho quân đội Hoa Kỳ.
Trong quá trình chuẩn bị cho việc kết thúc thời kỳ chiếm đóng, các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản chưa bao giờ bỏ qua tầm quan trọng của việc duy trì một nền tảng sản xuất quốc phòng nội địa với mục tiêu tăng cường tính tự chủ quốc gia và thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, những người thiết lập nên kế hoạch quốc phòng cho Nhật Bản thời hậu chiến, dù đã luôn cố gắng theo đuổi mục tiêu xây dựng một năng lực sản xuất quốc phòng nội địa (kokusanka), đã loại bỏ chính sách chi tiêu quốc phòng cấp tập cũng như việc thúc đẩy phát triển các nhà thầu quân sự quy mô lớn. Thay vào đó, Nhật Bản, đi kèm với việc hạn chế chi tiêu quốc phòng nội địa, đã quyết định duy trì nền tảng kỹ thuật quân sự của mình bằng cách gắn kết nó bên trong khuôn khổ của các tập đoàn dân sự và công nghiệp.2 Sản xuất quốc phòng trong nước của Nhật Bản lệ thuộc vào các ưu tiên phát triển dân sự, với việc khu vực tư nhân tận dụng các tiến bộ công nghệ từ khu vực quân sự, còn khu vực quân sự nếu cần thiết cũng có thể thừa hưởng công nghệ từ đối tác dân sự.3
Hậu quả đem lại là khu vực sản xuất quân sự Nhật Bản là tương đối nhỏ nếu so với quy mô của toàn bộ nền kinh tế, chỉ chiếm chưa đầy 1% tổng sản xuất công nghiệp từ năm 1980.4 Một bức tranh tương tự với hầu hết các ngành công nghiệp chủ chốt, mặc dù công nghiệp đóng tàu quân sự chiếm khoảng từ 5-10% ngành đóng tàu Nhật Bản, và sản xuất máy bay quân sự chiếm 60-80% tổng sản lượng ngành chế tạo máy bay quốc gia.5 Sản xuất quốc phòng Nhật Bản đã được tập trung trong một số lượng nhỏ các tập đoàn chuyên về sản xuất dân sự. Tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi (Mitsubishi Heavy Industries – MHI) là tên tuổi dẫn đầu trong số các nhà thầu quân sự Nhật Bản về lượng sản phẩm bán ra và các hợp đồng họ có được. Các tên tuổi khác cũng nổi bật ví dụ như Kawasaki Heavy Industries (KHI), FHI, Toshiba, Ishikawajima Harima Heavy Industries (IHI), Công ty điện tử Mitsubishi (MELCO), NEC và Komatsu. Các công ty thương mại như Itochu và Sumitomo cũng tham gia vào các hoạt động nhập khẩu thiết bị quốc phòng. Các công ty này chiếm lĩnh thị phần lớn trong lĩnh vực sản xuất và mua bán trang thiết bị quốc phòng, với hơn 70% tổng số hợp đồng, nhưng quốc phòng vẫn chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng doanh thu của họ.6 MHI, dù nắm giữ gần 1/5 tổng số hợp đồng quốc phòng nhưng lĩnh vực này chỉ chiếm 10% tổng doanh số, con số này ở các công ty khác thậm chí còn nhỏ hơn, chiếm dưới 4%.7 Các tập đoàn Nhật Bản xếp hạng thấp trong buôn bán thiết bị quân sự ở cấp độ toàn cầu với tỷ lệ hoạt động kinh doanh quân sự không đáng kể.
Tuy nhiên, ngay cả nếu như Nhật Bản không có các đặc điểm cơ bản trong việc sở hữu một tổ hợp công nghiệp quân sự hoàn chỉnh, cũng đã xuất hiện sự hợp tác giữa Cục Phòng vệ Nhật Bản (JDA – sau này là Bộ Quốc phòng), Lực lượng tự vệ Nhật Bản (JSDF) và các các nhà thầu quân sự. Đây là mô hình hình thành dưới dạng amakudari (nghĩa đen có nghĩa là dòng dõi thiên đường), nói cách khác là bổ nhiệm các công chức đã về hưu và các sĩ quan đang tại ngũ vào hàng ngũ lãnh đạo của các công ty; vai trò của các boei zoku của LDP (nghĩa đen là các bộ lạc quân sự hay nhóm quân sự), bao gồm các nhà hoạch định chính sách muốn tìm kiếm ảnh hưởng nếu không phải tới các quyết định mua bán vũ khí nói chung thì ít nhất là các mối quan hệ bảo trợ đưa về các đơn vị bầu cử của họ thông qua các hợp đồng quốc phòng; và theo sau đó là một số lượng lượng lớn các hợp đồng chỉ định thầu (không qua đấu thầu cạnh tranh), vốn chiếm khoảng 80% tổng giá trị tất cả các hợp đồng.8
Thực tế như trên đang ngày càng trở nên phổ biến trong những năm gần đây. Ví dụ, một cựu tổng giám đốc và phó tổng giám đốc Văn phòng Cung ứng trang thiết bị vũ khí trung ương (Central Procurement Office) của JDA đã bị bắt hồi tháng 9 năm 1998 vì đã cho phép các nhà thầu quân sự thêm thắt các hạng mục không cần thiết vào một số hợp đồng cung ứng, hậu quả là JDA phải xóa bỏ văn phòng vào tháng 1 năm 2001 và chia nhỏ các chức năng đấu thầu và báo giá nhằm đảm bảo kiểm tra một cách khắt khe hơn quá trình cung ứng trang thiết bị. Một vụ bê bối khác vào tháng 1 năm 2006, các quan chức từ Cơ quan Quản lý Cơ sở hạ tầng Quốc phòng (Defense Facilities Adminstration Agency – DFAA) bị bắt vì câu kết với các công ty xây dựng và điện tử tư nhân với mục đích ăn hoa hồng từ các hợp đồng quốc phòng. DFAA sau đó cũng bị giải thể, các bộ phận chức năng được sáp nhập vào Bộ Quốc phòng năm 2007.
Bộ Quốc phòng dính dáng đến vụ bê bối nghiêm trọng nhất vào tháng 10 năm 2007 liên quan tới cựu Thứ trưởng phụ trách quản lý hành chính Moriya. Moriya bị kết án tháng 11 năm 2008 vì nhận hối lộ 12 triệu yên quà tặng và tiền mặt từ Motonobu Miyazaki, một cựu nhân viên của Yamada Corporation và chủ tịch của Mihon Mirise Corporation, để gây ảnh hưởng tới các quyết định bỏ thầu cung ứng thiết bị có lợi cho Miyazaki. Moriya thừa nhận đã sử dụng ảnh hưởng của mình trong Bộ Quốc phòng để thúc giục bộ này ký kết các hợp đồng cung ứng với Nihon Mirise cung cấp các động cơ của General Electrics (GE) cho máy bay quân sự C-X và các tàu khu trục 19DD. Moriya cũng nhận hối lộ từ nhà thầu phụ Itochu để đảm bảo hợp đồng nhập khẩu 2 máy bay trực thăng Eurocopter cho Lực lượng phòng vệ mặt đất (GSDF).9 Vụ bê bối đe dọa làm ảnh hưởng tới các cựu Bộ trưởng Quốc phòng Fukushiro Nukuga và Fumio Kyuma vốn có liên hệ với Miyazaki.10
Vụ bê bối Moriya đã lần đầu tiên tiết lộ mức độ các mối quan hệ giữa các chính trị gia, các quan chức và các nhân vật trong ngành công nghiệp quốc phòng, và chính phủ lo ngại rằng điều này chứng tỏ tham nhũng trong hệ thống đã trở nên nghiêm trọng và sâu rộng hơn. Hội đồng cải cách của Bộ Quốc phòng tiết lộ vào năm 2008 rằng, trong hơn 5 năm trước đó, khoảng 500 quân nhân nghỉ hưu của JSDF đã nộp đơn xin phép làm việc ở các doanh nghiệp thương mại, bao gồm gần 200 sĩ quan mang quân hàm đại tá hoặc hạm trưởng hải quân, thậm chí còn cao hơn. Điểm đến của hầu hết các quân nhân này là các công ty có liên quan tới việc cung ứng trang thiết bị cho Bộ Quốc phòng; như MHI, NEC, và MELCO.11 Năm 2006, JDA tiết lộ với Quốc hội rằng, vào năm 2004, 718 quân nhân nghỉ hưu của JSDF đang làm việc cho các công ty có ký hợp đồng với JDA, và lại một lần nữa, hầu hết tập trung trong các bộ phận có liên quan tới MHI.12 JDA/Bộ quốc phòng cũng được cho là có liên kết với các nhà thầu quân sự qua các nhóm giao lưu xã hội mang tên “Hinoki-kai”, bao gồm những quan chức ở cấp độ điều hành trở lên.13
Bộ Quốc phòng đã cố gắng hạn chế mô hình tổ hợp công nghiệp quân sự đang nổi lên này thông qua một loạt các uỷ ban cải tổ nội bộ cấp bộ trưởng và chính phủ để xứ lý các vụ bê bối của Văn phòng cung trang thiết bị vũ khí trung ương, DFAA và Moriya. Để giải quyết vụ bê bối liên quan tới Moriya, Hội đồng cải cách Bộ Quốc phòng và bản thân Bộ này đang tìm cách cải thiện tính minh bạch trong các thủ tục cung ứng trang thiết bị, giám sát chặt chẽ hơn các hoạt động báo giá của các công ty thương mại chịu trách nhiệm mua bán trang thiết bị từ nước ngoài.14 Tuy nhiên, như tất cả các uỷ ban cải cách đã kết luận trong suốt một thập kỷ qua, Nhật Bản phải đối mặt với vấn đề tham nhũng nghiêm trọng mang tính hệ thống do độ tuổi nghỉ hưu tương đối thấp và việc trả lương hưu thường xuyên chậm trễ, nếu xét theo tiêu chuẩn quốc tế, cho các quan chức của Bộ quốc phòng và các sĩ quan của JSDF, nhờ vậy mà các nhà thầu đưa ra đề nghị mời họ tiếp tục làm việc để đối lấy các thông tin liên quan tới việc cung cấp trang thiết bị vũ khí.15
Ngành sản xuất quốc phòng của Nhật Bản đang bắt đầu cho thấy các đặc tính của một tổ hợp công nghiệp quân sự thực thụ. Lĩnh vực quốc phòng đã xuất hiện các dấu hiệu của việc liên kết và hợp tác sâu rộng trong nội bộ giữa giới quan chức, các chính trị gia, ngành công nghiệp và quân đội. Rất khó để tìm ra sự thật đằng sau các dấu hiệu này, ví dụ như những khó khăn trong việc tập hợp được các số liệu phân tích về amakudari.16 Những bê bối được ví dụ ở đây có thể đã bị giới truyền thông điều tra thổi phồng. Tuy nhiên, điều đặc biệt mới mẻ về một tổ hợp công nghiệp quân sự đang nổi lên tại Nhật Bản, và điều khiến chính phủ đặc biệt bối rối sau vụ bê bối của Moriya, là lo ngại rằng các nhóm lợi ích không chỉ thu lợi từ các hợp đồng quân sự giống như trước đây, mà còn đe dọa sẽ kiểm soát toàn bộ chính sách cung ứng trang thiết bị quốc phòng và sẽ định hướng chính sách này mà không tham khảo đến các lợi ích an ninh quốc gia rộng lớn hơn.
Sự nổi lên của tổ hợp công nghiệp quân sự xuyên quốc gia Nhật Bản
Trong suốt giai đoạn sau chiến tranh, Nhật Bản hầu như không có quan hệ gì với nền sản xuất quân sự thế giới. Việc nước Nhật đặt trọng tâm vào việc duy trì nền sản xuất nội địa đã trở thành một trong những nguyên nhân chính dẫn đến một mức độ độc lập và tự cung tự cấp nhất định trong lĩnh vực quốc phòng (với mức độ cung ứng trang thiết bị nội địa lên tới 90% tổng chi tiêu).17 Yếu tố khác dĩ nhiên là lệnh cấm xuất khẩu công nghệ sản xuất vũ khí mà nước này tự áp đặt.
Nhật Bản đã từng là nhà xuất khẩu các mặt hàng liên quan tới vũ khí chủ yếu cho quân đội Hoa Kỳ trong cuộc chiến ở Việt Nam và cho các đồng minh ở Đông Nam Á đến khi ban hành các lệnh cấm xuất khẩu vào các năm 1967 và 1976. Kể từ đó nước này tiếp tục duy trì một cách đáng kể việc nhập khẩu vũ khí quân sự từ Hoa Kỳ. Nhật Bản cũng có giấy phép sản xuất một số hệ thống vũ khí chủ chốt của Hoa Kỳ và từ những năm 1980 đã thực hiện tới 13 dự án hợp tác phát triển với Washington, dự án đáng lưu ý nhất là FS-X/F-2.18 Nhật Bản đã xuất khẩu các công nghệ lưỡng dụng với các ứng dụng quân sự tới Trung Quốc, Đông Nam Á và Châu Phi, nhưng nước này vẫn có thể biện minh rằng kể từ những năm 1960 họ không dính líu gì tới những phi vụ chuyển giao vũ khí lớn vốn có thể thúc đẩy quá trình quân sự hóa các khu vực khác. 19
Tuy nhiên, kể từ những năm cuối thập niên 1990, Nhật Bản buộc phải xem xét lại chính sách sản xuất quốc phòng của mình và mở rộng các mối liên kết quốc tế. Ngành công nghiệp quốc phòng bị mắc kẹt giữa hai vấn đề là nhu cầu trong nước hạn chế do ngân sách chi cho quốc phòng quá hạn hẹp và không được tiếp cận với các đối tác cùng phát triển cũng như không mở rộng được quy mô sản xuất cho các hệ thống vũ khí ngày càng đắt tiền, do hệ quả của các lệnh cấm chuyển giao vũ khí. Có một số nỗ lực nhằm hợp nhất nền công nghiệp quốc phòng Nhật Bản, đặc biệt trong lĩnh vực đóng tàu (IHI và Sumitomo Heavy Industries đã chuyển các hoạt động đóng tàu quân sự sang IHI Marine United năm 1995; vào tháng 9 năm 2001 IHI, KHI và Mitsui Zosen đã ký một thỏa thuận chia sẻ công việc; tháng 10 năm 2002 NKK và Hitachi hợp nhất hoạt động đóng tàu quân sự của mình vào Universal Building; và tháng 10 năm 2002 KHI thành lập Kawasaki Zoen, một công ty con về đóng tàu).20 Nhưng Nhật Bản thực sự gặp khó khăn khi muốn củng cố ngành sản xuất quốc phòng, vì mô hình thời hậu chiến sát nhập các hoạt động sản xuất quân sự vào các tập đoàn dân sự lớn đã khiến cho quá trình tách bạch trở lại các hoạt động sản xuất này là không dễ dàng, gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất dân sự. Rất nhiều hãng đang dần rút khỏi lĩnh vực sản xuất quốc phòng cùng một lúc.21 Chính phủ Nhật Bản cố gắng duy trì việc sản xuất thiết bị quân sự trong nước bằng cách đưa ra các dự án mới, như dự án sản xuất máy bay P-X và C-X, và có cả các kế hoạch phát triển một nguyên mẫu chiến đấu cơ tàng hình, tất cả được phát triển để nuôi dưỡng các công nghệ mang tính“chiến lược”và“chuyên môn”và để lưu giữ các công nghệ tiềm năng cho việc tích hợp hệ thống sau này và xây dựng nên các loại vũ khí lớn hơn. Bất chấp những nỗ lực như vậy, theo các báo cáo của chính phủ và chuyên gia tư vấn công nghiệp, JDA kết luận vào năm 2005 rằng nền tảng sản xuất công nghiệp quốc phòng của Nhật Bản đã“cực kỳ suy yếu”.22
Nhật Bản hiện không có nhiều lựa chọn ngoại trừ việc xem xét tăng cường hợp tác quốc tế, và các nhà hoạch định chính sách cùng các nhà tư bản công nghiệp nước này phải cùng nhau cải thiện từng phần hoặc từ bỏ hoàn toàn các lệnh cấm xuất khẩu vũ khí.23 Vào tháng 1 năm 2004, trong giai đoạn đầu của nhiệm kỳ tại JDA, Ishiba có một bài phát biểu ở The Hague đề cập tới việc phải bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu để thúc đẩy hợp tác sản xuất công nghiệp quốc phòng với Hoa Kỳ và các quốc gia khác. Văn phòng Thủ tướng sau đó đã nhấn mạnh rằng Chính phủ đang chú trọng xem xét vấn đề này với Hoa Kỳ và liên quan tới hệ thống phòng thủ tên lửa (BMD).
Tuy nhiên, bài phát biểu của Ishiba đã phản ảnh những ý kiến đang ngày càng nổi lên mạnh mẽ trong JDA/Bộ Quốc phòng và một số ngành công nghiệp trong nước về nhu cầu cần phải loại bỏ lệnh cấm xuất khẩu. Tiểu ban Nghiên cứu Chính sách Quân sự của LDP năm 2004 đã đưa ra đề xuất rằng tất cả lệnh cấm xuất khẩu cần được loại bỏ để thay bằng một kế hoạch cấp phép xuất khẩu mới.24 Lời kêu gọi này được nhắc lại vào tháng 7 năm 2004 bởi Ủy ban Sản xuất Quốc phòng của Keidanren, hiệp hội doanh nghiệp hàng đầu ở Nhật. Cũng trong năm 2004, Abe lúc đó là Tổng thư ký LDP cũng ủng hộ việc xem xét lại các lệnh cấm xuất khẩu vũ khí năm 1967 sang các nước xã hội chủ nghĩa, các nước bị Liên Hợp Quốc cấm vận và các nước đang có xung đột, để tạo điều kiện cho việc buôn bán các loại vũ khí công nghệ cao và liên doanh hợp tác với các nước phát triển khác.25 Ủy ban của Thủ tướng về Năng lực an ninh và quốc phòng, trong quá trình chuẩn bị cho việc xem xét sửa đổi Định hướng Chương trình Quốc phòng Quốc gia (NDPG) vào năm 2004 đã bình luận rằng việc mở rộng hợp tác kỹ thuật quân sự với các nước khác ngoài Hoa Kỳ không phải là một hành động thuộc dạng“con buôn tử thần”(merchant of death).27 Những hy vọng về sự thay đổi chính sách cho phép xuất khẩu vũ khí đã bị dập tắt khi đồng minh của LDP – Đảng Komeito mới vốn có chủ trương hoà bình – can thiệp.28 Tuy nhiên, lệnh cấm xuất khẩu được dỡ bỏ một phần vào tháng 12 năm 2004 nhằm tạo thuận lợi cho việc hợp tác về BMD với Hoa Kỳ, mặc dù Thư ký nội các nhấn mạnh trong một phát biểu rằng việc hợp tác này không đi ngược lại lệnh cấm vận với lý do dự án được triển khai nhằm thúc đẩy mối quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật vận hành trơn tru hơn đồng thời cải thiện nền quốc phòng của Nhật Bản.29
Ngành công nghiệp quốc phòng Nhật Bản tất yếu hướng tới Hoa Kỳ như một đối tác tin cậy hàng đầu do nhận thấy những lợi thế từ việc sản xuất các thiết bị kỹ thuật cao trong các hoạt động hợp tác giữa các đồng minh, đồng thời với đó là khả năng tiếp cận những công nghệ tiên tiến nhất. Về phần mình, Hoa Kỳ cũng muốn hợp tác với Nhật để chia sẻ các chi phí cũng như có thể tiếp cận với các kỹ năng sản xuất cùng với một số công nghệ của nước này. Dự án song phương chủ yếu là nâng cấp tên lửa đánh chặn SM-3 BLK-IIA cho hệ thống BMD Aegis, dự án này cuối cùng sẽ chuyển sang giai đoạn cùng hợp tác sản xuất với sự tham gia một cách sâu rộng và toàn diện hơn của ngành công nghiệp ở cả Hoa Kỳ và Nhật Bản, thông qua việc trao đổi công nghệ toàn phần hoặc thiết lập một nhà máy liên doanh ở Nhật Bản hoặc Hoa Kỳ. Năm 2007, báo cáo của Armitage-Nye trích dẫn bên trên cho thấy sự ủng hộ việc dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh cấm vận xuất khẩu vũ khí sang Hoa Kỳ.30
Sẽ không phải là xa vời khi nghĩ tới một viễn cảnh ra đời của một tổ hợp công nghiệp quân sự liên quốc gia Mỹ-Nhật. Nền công nghiệp quốc phòng hai bên đã liên kết với nhau từ năm 1996 thông qua Diễn đàn Công nghiệp Mỹ-Nhật về hợp tác an ninh (IFSEC), do MHI, Boeing làm chủ tịch và có sự tham dự của DPC, Hiệp hội Công nghiệp Quốc phòng Nhật Bản, các nhà thầu quân sự hàng đầu ở cả hai nước.31 IFSEC ủng hộ tăng cường hợp tác nhiều hơn trong sản xuất quốc phòng và dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm xuất khẩu.32
Vụ bê bối liên quan tới Moriya một lần nữa đã phản ánh sức mạnh của mối quan hệ chính trị, quân sự và công nghiệp giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản khi Naoki Akiyama, Giám đốc điều hành Trung tâm Giao lưu văn hóa và hòa bình Mỹ-Nhật bị kết án tháng 11 năm 2008 vì tội đã nhận tiền từ Yamada Corporation để thuyết phục Bộ quốc phòng thuê công ty này làm đại diện bán hàng cho các động cơ C-X của GE và làm nhà thầu phụ xử lý các đạn pháo chứa ghí ga độc hại từ thời Quân đội Đế quốc Nhật Bản ở tỉnh Fukuoka.33 Motonobu Miyazaki, nhân vật chính yếu liên quan tới vụ hối lộ Moriya, trong giải trình trước Quốc hội hồi tháng 5 năm 2008 đã nói rằng ông ta đã trả cho Akiyama 100 triệu yên để giải quyết các khó khăn trong việc xử lý các quả đạn pháo có thể nảy sinh từ “các nhóm lợi ích nghề cá và tội phạm có tổ chức” ở Fukuoka.34 Miyazaki là thành viên của Ban lãnh đạo Trung tâm (The Center) cho tới năm 2006, ban lãnh đạo này có sự tham gia của nhiều nhân vật nổi bật trong giới chính trị, cầm quyền và công nghiệp ở cả hai nước, bao gồm các cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản và một cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ.35
The Center phối hợp với Tổ chức Nghiên cứu An ninh Quốc gia Nghị viện (Congresstional National Security Research Group – NSRG; Anzen Hosho Giin Kyogikai, hoặc Anzen Hosho Kenkyusho trong tiếng Nhật). Akiyama là Giám đốc văn phòng, và NSRG có rất nhiều thành viên đến từ Quốc hội Nhật Bản. The Center và NSRG, cùng với Heritage Foundation của Hoa Kỳ chịu trách nhiệm trong việc tổ chức Hội thảo an ninh chiến lược Mỹ-Nhật (Nichibei Anzenhosho Senryaku Kaigi), vốn mời các nhân vật quan trọng đến thảo luận về các vấn đề của quan hệ đồng minh như hợp tác kỹ thuật cho hệ thống BMD. Các buổi gặp gỡ thường có cả các diễn giả đến từ lĩnh vực công nghiệp của cả Hoa Kỳ và Nhật Bản, và có các bài phát biểu quan trọng của Raytheon, Boeing, Lockheed Martin và Northrop Grumman.36
Lệnh cấm xuất khẩu vũ khí còn bị thách thức bằng nhiều lý do khác. Bài phát biểu của Thư ký nội các năm 2004 bây giờ được Bộ Quốc phòng diễn giải rằng nó cung cấp cơ sở cho các hoạt động thí điểm hợp tác cùng các nước khác trong nghiên cứu và phát triển để đối phó với khủng bố và hải tặc.37 Nhật Bản đã xuất khẩu phiên bản phi quân sự hoá của loại máy bay tuần thám đã từng thuộc biên chế JCG sang Indonesia cho các hoạt động chống cướp biển, và sẽ tiếp tục tiến hành các hợp tác quốc tế quy mô nhỏ liên quan tới công nghệ quốc phòng.38 Học viện Nghiên cứu và Phát triển Kỹ thuật (Technical Research and Development Institute – TRDI) đã cử các quan sát viên sang cơ sở nghiên cứu chiến tranh hạt nhân, sinh học và hoá học (NBC) của Thuỵ Điển và sử dụng các thiết bị của Pháp cho các công nghệ máy bay tàng hình. Các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản cũng nhận thấy tiềm năng hợp tác quốc tế trong công nghệ rà phá bom mìn và giảm thiểu nguy cơ từ IEDs (improvised explosive devices – thiết bị nổ tự chế), và như đã thảo luận ở trên, các nhà hoạch định chính sách cũng tỏ ra hứng thú với chiến đấu cơ Typhoon của Châu Âu để thay cho các máy bay F-4J.
Các công ty xây dựng Nhật Bản cũng có thể tham gia hoạt động tái quân sự hóa bằng việc tham gia đấu thầu các hợp đồng xây dựng căn cứ quân sự ở nước ngoài cho Hoa Kỳ. Hiệp định Nhật Bản – Hoa Kỳ về chi phí di dời các căn cứ thuỷ quân lục chiến Hoa Kỳ từ Okinawa sang Guam có điều khoản cho phép các công ty Nhật Bản tham gia đấu thầu xây dựng các cơ sở mới này. Vì vậy, xu hướng cho thấy, khi các khó khăn mà nền công nghiệp quốc phòng Nhật Bản đang phải đối mặt lớn dần lên giữa lúc mức ngân sách chi tiêu trở nên hạn hẹp và giá cả thiết bị tăng lên, nước này dần dần cũng sẽ tái gia nhập thị trường xuất khẩu và hợp tác sản xuất quân sự quốc tế.
Kết luận
Sự câu kết giữa các yếu tố công nghiệp, chính trị, giới cầm quyền và các yếu tố quân sự trong cấu trúc sản xuất quốc phòng đang ngày càng gia tăng, và là một dấu hiệu quan trọng của quá trình tái quân sự hóa. Tương tự như thế, tổ hợp công nghiệp quân sự liên quốc gia đang trỗi dậy của Nhật Bản có tác động phá vỡ các nguyên tắc phi quân sự hoá như cấm xuất khẩu vũ khí, trang thiết bị và vì vậy đã đánh dấu một bước chuyển mình quan trọng ra khỏi các đặc trưng của quan điểm phi quân sự hoá thời hậu chiến. Có lập luận cho rằng Nhật Bản chỉ đang làm những điều được cho là bình thường nếu so sánh với các cường quốc khác, liên quan tới quá trình toàn cầu hóa sản xuất trang thiết bị quốc phòng và nỗ lực tìm kiếm thị trường xuất khẩu, nhưng không thể phủ nhận rằng điều này góp phần khiến Nhật Bản ngày càng xa rời quan điểm trước đây của mình về chuyển giao vũ khí, một bước leo thang trong quá trình tái quân sự hóa. Cách thức mà Nhật Bản đang tái quân sự hóa cũng có thể tạo ra sự lo ngại, với tổ hợp công nghiệp quốc phòng xuyên quốc gia được dẫn dắt một phần bởi lợi ích thương mại Hoa Kỳ – Nhật Bản vốn có thể dấy lên lo ngại về một sự kết hợp giữa cả hai bên.
Chú thích
- Về các mối liên hệ sản xuất quốc phòng Mỹ- Nhật, xem Samuels, Rich Nation, Strong Army; Green, Arming Japan.
- Chinworth, Inside Japan’s Defense.
- Samuels, Rich Nation, Strong Army, tr. 154–97.
- Asagumo Shimbunsha, Boei Hando-bukku 2008 (Tokyo: Asagumo Shimbunsha, 2008), tr. 360.
- Ibid., tr. 360.
- Boei Kankokai Henshubu, Boei Nenkan 2008 (Tokyo: Kankokai Henshubu, 2008), tr. 506–9.
- ‘2007 Top 100’, Defense News, http://www.defensenews.com/static/features/top100/charts/rank_2007.php?c=FEA&s=T1C.
- Chinworth, Inside Japan’s Defense, pp. 21–6; Green, Arming Japan, tr 122; Ikegami-Andersson, ‘Arms Procurement Decision Making: Japan’, tr. 168; Yukari Kubota, ‘Nihon no Boei Sangyo no Tokushitsu’, Kokusai Seiji, vol. 131, November 2002, tr. 114–15; Boei Kankokai Henshubu, Boei Nenkan 2008 (Tokyo: Kankokai Henshubu, 2008), tr. 510.
- ‘Itochu Kogaisha mo Moriya Hikoku o Gorufu Settai Keijunikai’, Asahi Shimbun, 18 tháng 2 năm 2008, http://www.asahi.com/special/071029/TKY200802180474.html.
- ‘Shikin Ryunyu “Nai” Kyuma-shi Seikai Kanyo o Hitei’, ibid., 25 tháng 7 2008, tr. 4. Thông tin về các các buộc của Kuyma trong vụ hối lộ của Miyazaki tham khảo Naoki Akiyama, Boei Gikoku (Tokyo: Kodansha, 2008), tr. 58–66. Thông tin thêm về các bê bối liên quan tới quốc phòng tham khảo Nobumasa Ota, Jitsumei Kokuhatsu Boeisho (Tokyo: Kinobi, 2008).
- Boeisho, Boeisho Kaikaku Kaigi Dai4kai Setsumei Shiryo, 1 tháng 2 năm 2008, http://www.kantei.go.jp/jp/singi/bouei/dai4/pdf/siryou2.pdf; Boeisho, Dai4kai Boeisho Kaikaku Kaigi Sanko Shiryo, 1 tháng 2 năm 2008, http://www.kantei.go.jp/jp/singi/bouei/dai4/pdf/siryou2.pdf.
- ‘Boeicho Amakudari Oi Kigyo Juchu mo Mashi’, Shimbun Akahata, 12 tháng 4 năm 2006, tr. 15; Shukan Kinyobihen, Mitsubishi Juko no Seitai: Kokusaku Boei Kigyo (Tokyo: Kinyobi, 2008), tr. 26–32.
- ‘Kokubozoku no Giin Kyogikai, Beigun Jusangyo to Hinpan ni Kaigo’, Shimbun Akahata, 3 tháng 12, http://www.jcp.or.jp/akahta/aik07/2007-12-03/2007120301_02_0.html.
- Boeisho Kaikaku Kaigi, Hokokusho: Fuyoji no Bunseki to Kaikaku no Hokosei, Tokyo, 15 tháng 7 năm 2008, http://www.kantei.go.jp/jp/singi/bouei/dai11/pdf/siryou.pdf, tr. 36–40; Boeisho Sogo Shutoku Suishin Purojekkuto Chimu, Hokokusho, Tokyo, tháng 3 năm 2008, http://www.mod.go.jp/j/info/sougousyutoku/pdf/siryou/10_02.pdf.
- Boeichohen, Boei Hakusho 2006 (Tokyo: Okurasho Insatsukyoku, 2006), tr. 276–80; Gen Nakatani, Daremo Kakenakatta Boeisho no Shinjistu (Tokyo: Gentosha, 2008).
- Richard A. Colignon and Chikako Usui, Amakudari: The Hidden Fabric of Japan’s Economy (Ithaca, NY: Cornell University Press, 2003), tr.. 22–3.
- Boei Kankokai Henshubu, Boei Nenkan 2007 (Tokyo: Kankokai Henshubu, 2007), tr. 329.
- Thông tin thêm về F-SX, tham khảo Shinji Otsuki and Masaru Honda, Nichibei FSX Senso: Nichibei Domei o Yurugasu Gijutsu Masatsu (Tokyo: Ronsosha, 1991).
- Reinhard Drifte, Arms Production in Japan: The Military Applications of Civilian Technology (Boulder, CO: Westview Press, 1986), tr. 74–8; Oros, Normalizing Japan, tr. 94–110.
- Nihon Keizai Dantai Rengokai Boei Seisan Iinkai, Waga Kuni Boei Sangyo no Genjo Nado ni Tsuite, tr. 32, bài phát biểu được cung cấp qua quan hệ cá nhân tại Keidanren Defense Production Committee, tháng 7 năm 2007.
- Asahi Shimbun Jieitai 50nen Shuzaiha, Jieitai Shirarezaru Henyo (Tokyo: Asahi Shimbunsha, 2005), tr. 268–70.
- METI Boei Sangyo Gijutsu Kiban Kenkyukai, Boei Sangyo Gijutsu no Iji Ikusei ni Kansuru Kihon-teki Hoko: Niju Isseiki ni okeru Kiban no Kochiku ni Mukete, Tokyo, November 2000; Boeicho, Arata na Jidai no Sobi Shutoku o Mezashite: Shin ni Hitsuyo na Boei Seisan Gijutsu Kiban no Kakuritsu ni Mukete, 2005, tr. 1; Boei Kenkyujo, Waga Kuni no Boei Gijutsu Kiban ga Sobihin Shutoku ni oyabasu Koka ni Kansuru Chosa Kenkyu, Tokyo, 2006.
- Junichi Nishiyama, ‘Buki Yushutsu to Anzen Hosho’, Kaigai Jijo, vol. 56, no. 3, 2008, p. 20; Junichi Nishiyama, ‘Nihon no Boei to Gijutsu Kaihatsu’, trong Satoshi Morimoto (ed.), Kiro ni Tatsu Nihon no Anzen: Anzen Hosho, Kikikanri Seisaku no Jissai to Tenbo (Tokyo: Hokuseido, 2008), tr. 353.
- Tiểu ban nghiên cứu chính sách quốc phòng, Vụ Quốc phòng Quốc gia, Ủy ban nghiên cứu chính sách, Đảng Dân chủ Tự do, Recommendations on Japan’s New Defense Policy: Toward a Safer and More Secure Japan in the World, 30 March 2003, http://www.jimin.jp/jimin/main/seisaku.html.
- Nihon Keizai Dantai Rengokai Boei Seisan Iinkai, Teigen: Kongo no Boeiryoku Seibi no Arikata ni tsuite’: Boei Seisan Gijutsu Kiban no Kyoka ni Mukete, 2004, reported in Nihon Keizai Dantai Rengokai Boei Seisan Iinkai, Boei Seisan Gijustu Kiban ni Tsuite: Kokunai Kiban no Jujutsu to Kokusai Kyoryoku, Tokyo, September 2005, tr. 6.
- Abe Shinzo, ‘Kaiken de Kosenken mo Mitomeru Beki’, AERA, 5 tháng 8 năm 2004, tr. 17.
- Anzen Hosho to Boeiryokyu ni Kansuru Kondankai, Anzen Hosho to Boeiryokyu ni Kansuru Kondankai ni Okeru Kore Made no Giron to Gaiyo 2004, http://www.kantei.go.jp/jp/singi/ampobouei/dai7/7siryou1.pdf, tr. 5.
- ‘Kensho Buki Yushutsu Sangensoku Kanwa: Kokubozoku, Zaikai ga Kenin’, Asahi Shimbun, 11 tháng 12 năm 2004, tr. 4.
- Boeishohen, Boei Hakusho 2008 (Tokyo: Zaimusho Insatsukyoku, 2008), tr. 388.
- Armitage and Nye, The US–Japan Alliance, tr. 29.
- Thành viên của IFSEC gồm có: MHI, IHI, KHI, Shimadzu Corporation, Toshiba, IHI Aerospace, Komatsu, Daikin Industries, NEC, Hitatchi, Fujitsu, MELCO, Boeing, GenCorp Aerojet, GEC, Lockheed Martin, Northrop-Grumman, Raytheon, Science Applications International Cooperation and United Defense.
- Keidanren/IFSEC, Keidanren, IFSEC Joint Report: Revised US–Japan Statement of Mutual Interests, 21 tháng 1 năm 2003, http://www.keidanren.or.jp/japanese/policy/2003/005e.html.
- ‘Yamada Yoko, Boeizoku Dantai ni Ichiokuen ka, Kyoryokuhi Shishutsu no Bunsho’, Asahi Shimbun, 30 tháng 11 năm 2007, http://www.asahi.com/politics/update/1026/TKY200711300364.html.
- ‘Shonin Kammon no Yamada Yoko, Miyazaki Motosenmu “Akiyama-shi Gawa ni Ichiokuen Shishutsu”’, Yomiuri Shimbun, 22 tháng 5 năm 2008, http://www.yomiuri.co.jp/politics/news/20080522-OYT1T00426.htm.
- Phía Nhật gồm Các cựu giám đốc của JDA/Bộ trưởng Quốc phòng Tsutomu Kawara, Fumio Kyuma, Fukushiro Nukuga, Tokuichiro Tamazawa, Gen Nakatani, Shigeru Ishiba; cựu giám đốc DFAA Noboru Hoshuyama; cựu lãnh đạo DPJ Seiji Maehara; cựu thứ trưởng phụ trách hành chính JDA Ken Sato; Cựu Bí thư đảng LDP Tsutomu Takebe; và chủ tịch MHI và các đại diện cao cấp của MELCO, KHI, NEC, Hitachi, IHI, Toshiba, Itochu, Sumitomo, Marubeni and Yamada Corporation. Các cựu Thủ tướng Abe and Fukuda cũng là các thành viên Ban này trước đây. Về phía Hoa Kỳ, các nhân vật nổi bật bao gồm cựu Bộ trưởng Quốc phòng William Cohen, cựu đại sứ Mỹ Michael Armacost, cựu chuyên gia tư vấn Nhà Trắng William J. Schneider. Shukan Kinyobihen, Mitsubishi Juko no Seitai: Kokusaku Boei Kigyo (Tokyo: Kinyobi, 2008), tr. 18.
- ‘Kokubo Ugomeku Kane’, Asahi Shimbun, 25 tháng 7 năm 2008, tr. 39.
- Boeishohen, Boei Hakusho 2008, tr. 388; Kankokai Henshubu, Boei Nenkan 2006 (Tokyo: Kankokai Henshubu, 2006), tr. 147–8.
- Kubota Yukari, ‘Japan’s New Strategy as an Arms Exporter: Revising the Three Principles on Arms Exports’, RIPS Policy Perspectives, no. 7, November 2008, http://www.rips.or.jp/from_rips/pdf/japans_new_strategy.pdf, tr. 15–16
0 nhận xét:
Đăng nhận xét