Các nền kinh tế lớn suy yếu
Những chính sách kích thích kinh tế của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đi đến giai đoạn cuối, nhưng tăng trưởng vẫn không như mong đợi. |
Các nhà kinh tế tham gia khảo sát mới đây của Cục Dự trữ Philadelphia (Hoa Kỳ) dự báo kinh tế Hoa Kỳ chỉ tăng 1,5% trong năm nay, thấp hơn nhiều so với dự báo 2% đưa ra vào tháng 5. Về dài hạn, tăng trưởng cũng không tăng nhiều, chỉ ở mức 1,75%, so với mức bình quân 3,5% trước đó, theo một báo cáo của một nhà kinh tế hàng đầu JPMorgan.
Tình hình thậm chí còn tệ hơn ở bên ngoài Hoa Kỳ. Châu Âu tiếp tục đình đốn, với các nền kinh tế khu vực đồng EUR chỉ tăng 0,3% trong quý II, tức chỉ tăng được 1,1% so với năm ngoái. Việc lấy lại tăng trưởng dương sau 6 quý liền tăng trưởng âm vẫn không phải là dấu hiệu cho thấy châu Âu đã đạt được “bước ngoặt thay đổi”.
Nền kinh tế eurozone hiện vẫn nhỏ hơn 3 lần so với năm 2008. Hầu hết các nhà phân tích đều tin rằng để giảm bớt tỷ lệ thất nghiệp hiện nay, khu vực này phải đạt được tăng trưởng bình quân ít nhất 2-3% trong 3 năm tới, nhưng điều đó dường như là một “giấc mơ xa”. Tờ Wall Street Journal bình luận rằng “thật khó có thể thấy châu Âu tăng tốc đủ để thoát khỏi sự trì trệ”.
Tờ này cho rằng những nguyên nhân chính làm chậm sự hồi phục ở châu Âu là các chính sách khắc khổ tiếp tục được triển khai, việc tiếp cận tín dụng tốt khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng và thu nhập hộ gia đình kém, các công ty cũng đầu tư ít hơn do vẫn còn hoạt động dưới xa công suất.
Chương trình gia tăng gấp đôi cung tiền của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã giúp thúc đẩy kinh tế xứ Phù tang, với tăng trưởng quý III ước đạt 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng con số này thấp hơn nhiều so với dự báo 3,6% trước đó.
Thị trường mới nổi bất ổn
Các nền kinh tế lớn như khu vực đồng EUR vẫn chưa thoát khỏi đình đốn |
Australia, nhà cung cấp quặng sắt lớn, đang bị ảnh hưởng nặng nề từ sự đình trệ đầu tư hạ tầng của Trung Quốc. Bộ Tài chính Australia dự báo một sự sụt giảm nghiêm trọng trong thương mại Australia. Chính phủ Australia tuyên bố “sự bùng nổ Trung Quốc”, vốn là lực kéo chính cho các dự án đầu tư quặng sắt, đã kết thúc. Tăng trưởng chậm lại không phải là vấn đề duy nhất.
Ngày càng có nhiều quan ngại rằng mức nợ cao của Trung Quốc - kết quả từ tăng trưởng tín dụng nóng và gói kích thích tài chính đưa ra sau cuộc khủng hoảng năm 2008 - có thể gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính mới.
Giữa tháng 8, tờ Financial Times cho biết nhà phân tích Charlene Chu của Fitch Ratings chỉ ra trong một nghiên cứu về hệ thống “ngân hàng ngầm” (shadow banking) rằng tổng nợ của Trung Quốc có thể lên đến 200% GDP. Chu cảnh báo toàn bộ lĩnh vực ngân hàng Trung Quốc đã tham gia hệ thống ngân hàng ngầm nhiều hơn tất cả những gì nhiều người vẫn tưởng.
Bà ước tính tài sản của hệ thống ngân hàng Trung Quốc đã mở rộng đạt 14.000 tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2008-2013, tương đương với kích cỡ của toàn bộ hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ. Những con số chính thức cho thấy các khoản nợ xấu của các ngân hàng Trung Quốc tăng 2 tỷ USD trong quý II, là quý thứ 7 tăng liên tiếp.
Những vấn đề tài chính đang nổi lên ở Ấn Độ, một nền kinh tế mới nổi khác từng được kỳ vọng là đầu tàu mới cho tăng trưởng toàn cầu, có thể là dấu hiệu cho những gì sẽ diễn ra ở nơi khác. Người ta đang lo ngại rằng kinh tế ngày một tăng trưởng chậm hơn (dự báo năm nay chỉ 5%, bằng 1/2 so với 3 năm trước) có thể làm gia tăng gánh nặng nợ của một số công ty công nghiệp lớn nhất nước.
Hệ thống tài chính Ấn Độ đang bị tổn thương bởi dòng chảy vốn khiến chính phủ phải vất vả ngăn chặn đà phá giá của đồng rupee. Tờ Financial Times miêu tả nền kinh tế Ấn Độ đang phải chịu “chất độc hỗn hợp giữa đồng rupee mất giá, tăng trưởng chậm lại nhanh chóng, tài khoản vãng lai trương phình và thâm hụt ngân sách, lạm phát cao”. Vấn đề nằm ở chỗ Ấn Độ không phải là nền kinh tế mới nổi duy nhất đối mặt với những vấn đề tài chính ngày một gia tăng.
Khả năng Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) sẽ sớm thu hẹp chương trình mua trái phiếu trị giá 85 tỷ USD/tháng ngay từ tháng 9 đã kích hoạt dòng vốn chảy ra khỏi các thị trường mới nổi. Thí dụ, Indonesia nay cũng đang chứng kiến những vấn đề tài chính gia tăng tương tự Ấn Độ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét