Chủ Nhật, 4 tháng 1, 2015
Mười năm Học viện Khổng Tử
19:23
Hoàng Phong Nhã
No comments
Tác giả: Nguyên Hải
Khái quát về hệ thống Học viện Khổng tử
Theo tuyên bố của Văn phòng Tiểu tổ lãnh đạo công tác dạy Hán ngữ đối ngoại nhà nước (viết tắt Hanban tức Hán Biện),[1] Học viện Khổng Tử (孔子学院)là một cơ quan trao đổi giáo dục và văn hóa do Hanban thành lập trên phạm vi toàn cầu nhằm phổ cập Hán ngữ, truyền bá văn hóa và Quốc học Trung Hoa. Học viện Khổng Tử có tính chất công ích xã hội, không vì lợi nhuận, hoạt động theo phương châm “Tôn trọng lẫn nhau, hữu hảo hiệp thương, bình đẳng cùng có lợi”. Công việc quan trọng nhất của Học viện này là cung cấp cho những người học Hán ngữ một bộ giáo trình học Hán ngữ hiện đại tiêu chuẩn, có uy tín, và một kênh dạy Hán ngữ chính quy nhất.
Học viện Khổng Tử đầu tiên trên thế giới được Hanban thành lập tại Seoul thủ đô Hàn Quốc ngày 21/11/2004. Tính đến tháng 10/2014 đã có 471 Học viện Khổng Tử (孔子学院Confucius Institute, thông thường đặt tại các trường đại học nước sở tại) và 730 Lớp học Khổng Tử (Confucius Classroom,孔子课堂, tại các trường trung học và tiểu học) được lập ra tại 125 quốc gia và vùng lãnh thổ trên phạm vi toàn cầu. Số lượng Học viện Khổng Tử và Lớp học Khổng Tử hiện có ở các châu lục như sau : châu Âu có 158 và 178; châu Mỹ – 152 và 424 ; châu Á – 102 và 58; châu Phi – 42 và 11 ; châu Đại dương – 17 và 59.
Chương trình Học viện Khổng Tử phát triển nhanh với quy mô lớn như vậy cho thấy nó được chính phủ Trung Quốc rất coi trọng. Thí dụ năm 2004, Trung Quốc lập Học viện Khổng Tử đầu tiên tại Mỹ, đặt ở trường ĐH Maryland. Mười năm sau (9/2014), Học viện này đã có 20 lớp dạy Hán ngữ ; khoảng 60 trường trung-tiểu học đặt quan hệ với Học viện. Hiện nay nước Mỹ có 100 Học viện Khổng Tử và 356 Lớp học Khổng Tử, nhiều nhất thế giới.
Quan điểm chính thức của Trung Quốc
Ngày 27/9/2014, nhân dịp Học viện Khổng Tử ra đời được 10 năm, Trung Quốc long trọng tổ chức Lễ khởi động Ngày Học viện Khổng Tử toàn cầu đầu tiên tại trụ sở Tổng bộ Học viện Khổng Tử ở Bắc Kinh. Tân Giám đốc Viện Mỹ thuật trung ương Trung Quốc họa sĩ Phạm Địch An và ông Perico Pastor họa sĩ xứ Barcelona (Tây Ban Nha) là hai diễn giả chính trong hoạt động này. Pastor vốn chỉ vẽ tranh sơn dầu, 15 năm trước bắt đầu học cách vẽ tranh thủy mặc của người Trung Quốc, hiện nay ông đã vẽ loại tranh này một cách thành thạo và mang theo một bộ sưu tập tranh đến trưng bày tại lễ hội. Phạm Địch An nói: sau hơn 100 năm truyền bá và giáo dục về tranh sơn dầu, hiện nay người Trung Quốc đã rất thích loại hội họa này và có thể thưởng thức các trường phái sơn dầu của thế giới. Chủ nhiệm Khoa Chẩn đoán Trung y thuộc Đại học Trung y dược Bắc Kinh bà Vương Thiên Phương trình bày về phương pháp dưỡng sinh của người Trung Quốc. Bà nói tư tưởng Thiên nhân tương ứng là tư tưởng cơ bản của “Hoàng đế Nội kinh”, cũng là tinh túy của dưỡng sinh Trung y. Trần Lai Giám đốc Viện Nghiên cứu quốc học thuộc Đại học Thanh Hoa đọc báo cáo “Bàn qua về Nho học và văn hóa Trung Quốc”.
Tổng Biên tập Quang minh Nhật báo Thẩm Vệ Tinh đánh giá Học viện Khổng Tử đã có vai trò quan trọng trong việc truyền bá văn hóa truyền thống Trung Quốc.
Đồng thời hoạt động kỷ niệm 10 năm Học viện Khổng Tử cũng được tiến hành tại các nước và vùng có học viện hoặc lớp học Khổng Tử.
Đặc biệt Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi thư nhiệt liệt chúc mừng toàn thể học viên và thầy cô giáo các Học viện Khổng Tử trên toàn thế giới. Thư viết đại ý: Nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Học viện Khổng Tử toàn cầu, tôi đã nhận được thư của 286 vị Hiệu trưởng, Viện trưởng Học viện Khổng Tử từ 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong thư họ nói Học viện Khổng Tử tượng trưng cho sự cố gắng không ngừng của Trung Quốc vì hòa bình thế giới và hợp tác quốc tế, là sợi dây nối nhân dân Trung Quốc với nhân dân thế giới, và họ tràn đầy lòng tin đối với tương lai của Học viện Khổng Tử.
Ông Tập mở đầu bức thư bằng lời Khổng Tử trong Luận ngữ : “Có bạn phương xa đến, cớ sao lại chẳng mừng”. Ông viết: nền văn hóa sán lạn do nhân dân thế giới sáng tạo là tài sản quý giá chung của loài người, Học viện Khổng Tử thuộc về Trung Quốc mà cũng thuộc về thế giới. Chính phủ và nhân dân Trung Quốc sẽ ủng hộ sự phát triển Học viện Khổng Tử.
Dư luận nhận xét: xưa nay chưa có nhà lãnh đạo Trung Quốc nào nói nhiều về Khổng Tử như Chủ tịch Tập; một trong những điểm khác biệt lớn nhất với các nhà lãnh đạo Trung Quốc trước đây là ông khẳng định và tôn trọng văn hóa truyền thống và tỏ ý sẽ kế thừa và phát huy nền văn hóa ấy.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng gửi thư chúc mừng thầy trò các Học viện Khổng Tử, ông mong mỏi Học viện Khổng Tử kiên trì mô hình mở trường theo kiểu Trung Quốc hợp tác với nước ngoài, không ngừng nâng cao chất lượng và trình độ mở trường, làm sâu sắc quá trình hòa nhập văn hóa Trung Quốc với nước ngoài, sao cho tư tưởng “Hòa vi quý”, “Hòa nhi bất đồng” (Hòa hợp lẫn nhau mà vẫn giữ được sự khác biệt) được truyền thụ kế thừa và phát huy, đóng góp cho sự thúc đẩy tính đa dạng của văn minh thế giới và sự hòa hợp cùng tiến của nhân dân các nước.
Phản ứng của thế giới
Trong khi Bắc Kinh cao giọng tuyên truyền về thành tích của hệ thống Học viện Khổng Tử toàn cầu, nhấn mạnh sự cống hiến của nó đối với sự nghiệp hòa bình và phát triển của thế giới thì không ít người đã vạch ra những toan tính sâu xa của giới lãnh đạo Trung Quốc gửi gắm vào Chương trình thành lập hệ thống Học viện Khổng Tử.
Dư luận một số nước nhấn mạnh cần cảnh giác với ý đồ lập Học viện Khổng Tử. Steven W. Mosher Giám đốc Viện Nghiên cứu dân số nói Học viện Khổng Tử là “Con ngựa thành Troa (Trojan Horses) có đặc điểm Trung Quốc”.
Nhân dịp kỷ niệm 10 năm Học viện Khổng Tử, trang web www.dw.de của CHLB Đức mới đây có đăng bài “Nền chính trị cường quyền phía sau Bộ mặt hiền lành” phê phán sự hợp tác không minh bạch giữa các trường đại học Đức với Đảng Cộng sản TQ, cho rằng điều đó đã đe dọa tính chất độc lập của hoạt động học thuật ở nước Đức.
Bài báo viết: hệ thống Học viện Khổng Tử phân bố khắp thế giới, riêng ở Đức đã lập được 15 Học viện Khổng Tử, trong đó ít nhất 11 có sự hợp tác của các trường đại học Đức.
Báo Thế giới (Đức) ngày 27/9 đăng một bài dài phân tích sách lược cuộc tấn công triển khai “sức mạnh mềm” của Học viện Khổng Tử đối với các trường đại học Đức. Bài báo viết: “Trung Quốc muốn qua Học viện Khổng Tử để trưng ra với thế giới bộ mặt hiền lành thân thiện của họ. Thế nhưng theo những người phê phán Học viện Khổng Tử thì đằng sau bộ mặt đó ẩn giấu dã tâm của nền chính trị cường quyền của nhà cầm quyền Trung Quốc. Học viện Khổng Tử khác với Viện Goethe của Đức hoặc Hội đồng Văn hóa Anh (British Council) ở chỗ nó không được xây dựng một cách độc lập mà nó có sự ràng buộc với các nhà trường đại học nước ngoài. Rất nhiều giáo sư Hán ngữ các trường này đều nhậm chức trong Học viện Khổng Tử. Một số Học viện Khổng Tử ở Mỹ còn muốn kiểm soát nội dung dạy môn Hán ngữ ở các trường đại học Mỹ. Bài báo dẫn lời ông Ulrich Delius người phụ trách Ban châu Á của Hội nước Đức ủng hộ các dân tộc bị áp bức nói: Đây không phải là một điềm tốt đối với tính độc lập của giới học giả nước Đức. Kinh phí chi cho Học viện Khổng Tử là do “Văn phòng Tiểu tổ lãnh đạo công tác dạy Hán ngữ đối ngoại nhà nước” cung cấp, trên thực tế là do Bộ Giáo dục Trung Quốc kiểm soát, do chính phủ Trung Quốc đài thọ.
Vấn đề chính mà Báo Thế giới phê phán là “Phương thức mở trường kiểu ràng buộc các trường đại học Đức với một cơ quan được chính phủ Trung Quốc ủng hộ. Có người nghĩ một cách đơn giản là người ta có thể nhận kinh phí từ một cơ quan chính trị nhưng lại không bị phụ thuộc vào cơ quan đó; song thực ra không thể làm được điều ấy. Khi cung cấp tài trợ, Học viện Khổng Tử đại diện cho lợi ích riêng của Trung Quốc, mà điều này có thể ảnh hưởng đến các trường đại học Đức.”
Ngoài ra ông Dagmar Yu-Dembski Giám đốc Học viện Khổng Tử ở Đại học Tự do Berlin (Freie Universität Berlin) cũng thừa nhận: “Đúng là Học viện Khổng Tử có một số đề tài bị cấm nói tới. Thí dụ vấn đề Tây Tạng hoặc vấn đề Đài Loan. Nhưng nói những đề tài nhạy cảm chính trị ấy không phải là nhiệm vụ của Học viện.”
Đúng vậy, Học viện Khổng Tử không đơn thuần là một cơ quan văn hóa. Lãnh đạo chương trình Học viện Khổng Tử là Hanban, một cơ quan do Ủy viên Bộ Chính trị TƯ Đảng Cộng sản TQ Lưu Diên Đông đứng đầu. Thành viên Hanban gồm 12 cơ quan nhà nước Trung Quốc, từ Bộ Giáo dục đến Văn phòng Thông tin nhà nước, Ủy ban Cải cách và Phát triển nhà nước v.v…
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản TQ Lý Trường Xuân từng nói với tạp chí The Economist rằng Học viện Khổng Tử là “một phần quan trọng trong bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc tại nước ngoài”. The Economist nhấn mạnh: Bắc Kinh coi Học viện Khổng Tử có nhiệm vụ chính là để cho thế giới hiểu đúng về Trung Quốc và về những cố gắng của Trung Quốc chống lại các phần tử đòi Tây Tạng độc lập, đòi dân chủ, và phong trào Pháp Luân Công. Trong một bài trên báo Đức Der Spiege nói về mối đe dọa đến từ sức mạnh mềm của Trung Quốc, tác giả phê phán Bắc Kinh sử dụng Học viện Khổng Tử “với mong muốn đề cao quan điểm văn hóa Trung Quốc có tính ưu việt”.
Trên thực tế, việc hợp tác mở Học viện Khổng Tử giữa Hanban với các nước cũng không phải là suôn sẻ như Bắc Kinh tuyên truyền. Thí dụ tháng 5/2012, phía Mỹ tiến hành thẩm tra chất lượng giáo viên Học viện Khổng Tử ở Mỹ, sau đó đã yêu cầu một số giáo viên Trung Quốc về nước.
Ngày 25/9 năm nay, Đại học Chicago ra tuyên bố đình chỉ thương lượng hợp tác đợt hai với Học viện Khổng Tử, lý do là “người phụ trách Hanban có những phát biểu không ăn nhập trong sự đánh giá ĐH Chicago và phương thức hợp tác giữa hai bên; thầy trò ĐH Chicago sẽ tiếp tục hợp tác với các thầy trò Trung Quốc nhưng trên các vấn đề học thuật quan trọng sẽ kiên trì quyền chủ động và tôn trọng các giá trị quan cốt lõi của mình.” Vấn đề thực ra là ĐH Chicago không đồng ý để một cơ quan chính phủ như Hanban tuyển dụng giáo viên dạy tại Học viện Khổng Tử bởi lẽ ngành giáo dục Mỹ đề cao nguyên tắc tự do học thuật và nhà trường độc lập tự chủ, không cho phép để chính quyền bổ nhiệm giáo viên.
Ngoài ra cũng có chuyện kinh phí: trên nguyên tắc mỗi bên chịu 50%, phía Mỹ chủ yếu cung cấp phần cứng như phòng làm việc, phòng học, bàn ghế, thiết bị làm việc…, tính thành tiền rất lớn; phía Trung Quốc phải chu cấp một số tiền tương đương làm đội giá thành Học viện Khổng Tử. Hanban cho biết chi phí lập một Học viện Khổng Tử là 500.000 USD, một Lớp học Khổng Tử là 60.000 USD; toàn bộ Học viện Khổng Tử và Lớp học Khổng Tử đòi hỏi phía Trung Quốc chi khoảng 60 triệu USD, chưa kể chi phí vận hành, như trả lương cho giáo viên Trung Quốc, tiền đi lại, phúc lợi, tiền giáo trình học Hán ngữ v.v…Theo thống kê Trung Quốc đã đầu tư hơn 500 triệu USD cho hệ thống Học viện Khổng Tử ở Mỹ; chẳng những Hanban cảm thấy thua thiệt mà giới học giả phương Tây cũng không tán thành lối đầu tư không xét hiệu quả kinh tế như vậy.
Một số nước đã tìm cách hạn chế tác động chính trị của Học viện Khổng Tử. Bộ Ngoại giao Ấn Độ phản đối ý tưởng đặt Học viện Khổng Tử ở các trường học Ấn Độ bởi lẽ “các Học viện đó sẽ sử dụng văn hóa để làm công tác tuyên truyền”. Toàn bộ 17 Học viện Khổng Tử ở Nhật đều đặt tại các trường tư thục chứ không đặt tại các trường công có uy tín, lý do: “Văn hóa truyền thống Trung Quốc có ảnh hưởng lớn tại Nhật, nhưng người Nhật vẫn lo ngại trước mối đe dọa tiềm tàng về tư tưởng và văn hóa của những chương trình do chính phủ Trung Quốc tiến hành như chương trình Học viện Khổng Tử.”
Học viện Khổng Tử tại Việt Nam
Nói người lại nghĩ đến ta. Trong mấy quốc gia châu Á chịu ảnh hưởng nhiều nhất của văn hóa Trung Quốc thì Việt Nam là nước sau cùng Trung Quốc đề nghị cho phép lập Học viện Khổng Tử. Trong chuyến thăm Hà Nội tháng 10/2013 của Thủ tướng Lý Khắc Cường, hai nước mới thỏa thuận thực hiện việc đó. Và phải tới ngày 27/12 năm nay, nhân chuyến thăm của ông Du Chính Thanh, nhân vật thứ tư trong ban lãnh đạo Trung Quốc, Học viện Khổng Tử đầu tiên ở Việt Nam mới được thành lập tại Đại học Quốc gia Hà Nội – nghĩa là muộn 10 năm sau Hàn Quốc (hiện có 19 Học viện và 4 Lớp), 9 năm sau Nhật Bản (hiện có 13 Học viện và 7 Lớp). Sự muộn màng đó là hậu quả của mối quan hệ không mấy tốt đẹp giữa hai nước do vấn đề Biển Đông.
Timothy R. Healt của RAND Corp. nói hiện nay ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc là các nước láng giềng và các nước đang phát triển. Gần đây Bắc Kinh đã tăng mạnh đầu tư vào các nước này. Từ tháng 5/2014 tới nay họ đã cam kết cho các nước Đông Á, Đông Nam Á và châu Phi vay tổng cộng 120 tỷ USD. Mới đây tại Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) ở Bangkok, sau khi khẳng định coi trọng quan hệ với ASEAN và các nước Tiểu vùng Mekong, Thủ tướng Lý Khắc Cường cam kết Trung Quốc sẽ hỗ trợ tài chính 3 tỷ USD cho các nước trong tiểu vùng và đầu tư 16,4 triệu USD để nạo vét sông Mekong và ngăn ngừa các thảm họa thiên nhiên.
Dường như Bắc Kinh đã chuyển sang hòa hoãn với Đông Nam Á, tập trung lực lượng vào việc đối phó Mỹ. Có lẽ sự chuyển hướng đó đã đưa Học viện Khổng Tử đến Việt Nam.
Xuất phát từ tâm lý cảnh giác với mọi hành động của Trung Quốc, lần này một số học giả nước ta đã tỏ ý nghi ngờ động cơ của việc lập Học viện Khổng Tử, nhất là sau khi biết tin người Mỹ đã có những ý kiến chê trách một số mặt trong cách tổ chức Học viện.
Theo chúng tôi, nếu các cơ quan hữu trách của Việt Nam giám sát chặt chẽ, bảo đảm Học viện Khổng Tử chỉ làm đúng chức trách phổ cập Hán ngữ, truyền bá văn hóa Trung Hoa thì không có gì đáng ngại. Nền văn minh Trung Hoa được cả thế giới ngưỡng mộ. Hán ngữ là ngôn ngữ được nhiều người dùng nhất trên thế giới, chúng ta rất nên học. Nắm được Hán ngữ, chúng ta càng có điều kiện hiểu Trung Quốc hơn. Chẳng hạn khi đọc báo mạng Trung Quốc chúng ta sẽ thấy họ có không ít nhận thức sai lệch về các dân tộc họ không ưa thích, và đó là căn nguyên làm cho họ có những lời lẽ chướng tai… Hiện nay thanh niên ta rất cần học ngoại ngữ nhưng lại thiếu trường lớp. Nay có thêm Học viện Khổng Tử chuyên dạy tiếng Trung Quốc và dạy rất có bài bản, chúng ta nên tranh thủ dịp này để học thêm một ngoại ngữ. Sẵn có tâm lý cảnh giác, lại từng tiếp xúc với nền văn hóa của nhiều nước Pháp, Mỹ, Nga, v.v….chúng ta không dễ gì để Học viện Khổng Tử gây ra những ảnh hưởng không mong muốn.
—————-
[1] Tên chữ Hán là中国国家汉语国际推广领导小组办公室, viết tắt汉办
0 nhận xét:
Đăng nhận xét