Nguồn: Hugh White1 (2011). “Power Shift: Rethinking Australia’s Place in the Asian Century”, Australian Journal of International Affairs, 65:1, 81-93.
Biên dịch: Nguyễn Thị Minh Trang | Hiệu đính: Đỗ Thanh Hải
Kể từ khi Richard Nixon đến Trung Quốc năm 1972, Úc đã tận hưởng khoảng thời gian thịnh vượng và bình yên lâu dài nhất bắt đầu từ cuối thế kỷ 19. Khi hòa bình kéo dài quá lâu như vậy, chính quyền Úc đã có xu hướng coi hòa bình là hiển nhiên. Chúng ta cho rằng thực tế hiển nhiên và chắc chắn là những điều không may, sai lầm hay các ý đồ xấu xa đã gây ra các cuộc chiến tranh trong quá khứ không thể tái diễn vào ngày nay bởi hệ thống quốc tế đã tiến bộ. Chúng ta nhận thức rằng ý tưởng về chiến tranh – một cuộc chiến tranh quy mô lớn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến Úc – là điều không tưởng. Điều đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến cách nhìn nhận của chúng ta về mục đích và tầm quan trọng của chính sách đối ngoại. Chúng ta tin rằng chính sách đối ngoại là để tối đa hóa lợi ích thương mại, thể hiện giá trị của chúng ta, và gia tăng ảnh hưởng quốc gia.
Bài luận này thách thức những giả định nói trên. Lập luận chính của bài là những thập kỷ hòa bình của châu Á không phải là kết quả đến từ những thay đổi cơ bản và không thể đảo ngược trong hệ thống quốc tế, mà do trật tự khu vực chuyên biệt tại châu Á sau Chiến tranh Việt Nam. Ngày nay, các nhân tố tạo ra và duy trì trật tự đó đang mất đi khi Trung Quốc trỗi dậy, và một trật tự mới đang được hình thành. Hình dạng của trật tự đó đến giờ vẫn chưa được xác định rõ ràng, nhưng khu vực này có thể ít thanh bình so với vài thập kỷ trước. Điều đó tạo ra những rủi ro chiến lược đối với Úc. Chính sách đối ngoại của Úc phải đối mặt với những thách thức chủ yếu bắt nguồn từ quản lý và giảm thiểu nguy cơ, đặc biệt để phòng tránh những rủi ro mang tính thảm họa. Điều này đòi hỏi chúng ta phải thay đổi cách suy nghĩ về chính sách đối ngoại hoàn toàn khác với những việc chúng ta đã làm hàng thập kỷ qua. Việc này lại đòi hỏi chúng ta phải xem xét lại cơ sở của mối quan hệ giữa nước Úc và khu vực, và cân nhắc về vai trò nước Úc muốn đảm trách, và bản sắc quốc gia.
Tuy vậy, hiện tại nền tảng cho trật tự tại châu Á thời kỳ hậu chiến tranh Việt Nam đang bị xói mòn bởi chính sự thành công của nó. Thỏa thuận xây dựng trật tự châu Á hiện tại dựa trên tính toán về tương quan quyền lực, và cán cân quyền lực ấy đang thay đổi rất nhanh cùng với sự phát triển của Trung Quốc. Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ hai của thế giới, theo sát Mỹ ngày nay hơn cả Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh. Nếu Trung Quốc tiếp tục phát triển trong ba mươi năm tới như đã thực hiện với ba mươi năm vừa qua, nó sẽ dễ dàng vượt lên Mỹ và trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Điều đó đơn giản có nghĩa là Trung Quốc không còn cần Mỹ như nó đã từng trong năm 1972, và khi nó phát triển, quyền lực của Mỹ sẽ ngày càng hạn chế hơn so với sự vươn lên của Trung Quốc. Trung Quốc sẽ muốn có nhiều quyền lực hơn khi sức mạnh của nó gia tăng, điều đó có nghĩa nó sẽ thách thức vị trí nắm quyền của Mỹ tại châu Á lần đầu tiên kể từ năm 1972. Trong thực tế, chuyện này đã và đang diễn ra và trở nên gay gắt hơn trong hai năm trở lại đây.3
Cho đến nay Úc vẫn phủ nhận thực tế này. Chúng ta cho rằng chúng ta vẫn có thể tiếp tục làm giàu nhờ vào sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc trong lúc vẫn an toàn nhờ sự thống trị của Mỹ ở châu Á. Nhưng nếu Trung Quốc phát triển đủ nhanh để thúc đẩy nền kinh tế của chúng ta như được hy vọng và mong đợi, quốc gia này sẽ trở nên quá lớn trong cái áo của trật tự cũ do Mỹ đứng đầu, trật tự mà chúng ta cũng hưởng lợi. Các nhà lãnh đạo Úc đã nhận ra điều này từ những năm 1990. John Howard nhanh chóng học được rằng để buôn bán với Trung Quốc chúng ta phải thừa nhận sức mạnh ngày càng tăng của nó. Đằng sau sự trung thành công khai với Washington, ông ngày càng thừa nhận ảnh hưởng chiến lược ngày càng lớn của Trung Quốc, vô tình đảm bảo rằng Úc không cần phải lựa chọn giữa Trung Quốc và Mỹ nhưng trên thực tế ông đã phải lựa chọn.4 Kevin Rudd chắc chắn hiểu rõ vấn đề này và dường như chưa sẵn sàng để giải quyết nó. Tuy nhiên, ông không hành động gì nhiều trừ việc kích động tâm lý bài ngoại với việc thổi phồng mối đe dọa Trung Quốc và đề xuất thiết lập Cộng đồng Châu Á-Thái Bình Dương (APC) như một diễn đàn để thảo luận vấn đề đó.5 Cả Julia Gillard lẫn Tony Abbott đều không suy nghĩ nghiêm túc về Trung Quốc.6 Họ cần phải bắt đầu nghĩ về điều đó ngay bây giờ. Và chúng ta cũng vậy.
Nhưng liệu Trung Quốc có thể tiếp tục phát triển tốt như hiện tại? Đối với nhiều người, mối đe dọa lớn nhất đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc chính là hệ thống chính trị của nó. Họ cho rằng một hệ thống chính trị Lêninít không bao giờ duy trì tăng trưởng kinh tế và Trung Quốc về lâu dài sẽ không tạo nên sự khác biệt bất chấp 30 năm tăng trưởng của Trung Quốc tính đến thời điểm hiện tại. Điều đó có lẽ đúng, nhưng cho đến nay không có một nhà nước Leninít nào trước đó có được tính chính đáng từ sự tăng trưởng kinh tế bền vững, vì vậy có thể Trung Quốc là một ngoại lệ. Ngoài ra, rất có khả năng Trung Quốc sẽ thay đổi chính trị, và tiếp tục phát triển. Hệ thống chính trị của Trung Quốc có thể dễ dàng tiến hóa khi nền kinh tế không ngừng phát triển như nhiều quốc gia khác. Dù sao đi chăng nữa, những người cho rằng khát vọng dân chủ sẽ ngăn chặn sự phát triển kinh tế của Trung Quốc có thể sẽ gặp thất vọng
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ mang lại cho nó sức mạnh quân sự và chính trị lớn hơn, nhưng Trung Quốc muốn làm gì với điều đó? Kể từ nỗi nhục nhã dưới bàn tay của phương Tây trong thế kỷ XIX, Trung Quốc đã nỗ lực vươn lên để trở nên – hoặc trở lại – “giàu có và mạnh mẽ”, và chúng ta có thể giả định rằng bây giờ, khi sự giàu có xuất hiện trở lại, nó sẽ muốn thực thi quyền lực tương xứng với sự giàu có của mình. Không chỉ các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn điều này mà cả người dân cũng vậy. Hơn nữa, không có lý do nào khiến họ không nên làm điều đó; không có gì không chính đáng về việc Trung Quốc tìm kiếm ảnh hưởng nhiều hơn khi nó đang trở nên mạnh hơn. Câu hỏi đặt ra là liệu nó sẽ cố gắng để thực thi quyền lực đi ngược với lợi ích và phúc lợi của các nước khác hay không. Ở đây nó phải đối mặt lựa chọn truyền thống mà tất cả các cường quốc phải đối đầu: làm thế nào để cân bằng mong muốn sức mạnh và nhu cầu duy trì trật tự. Như nhiều người thường nói, Trung Quốc cần trật tự cũ của Châu Á để tiếp tục phát triển, nhưng đồng thời nó cũng mong muốn nhiều quyền lực và ảnh hưởng hơn. Các nhà lãnh đạo của nó phải cân bằng những ham muốn, và cân nhắc những giới hạn đối với sức mạnh của Trung Quốc và những hạn chế nó sẽ phải đối mặt ngay cả khi nó vượt qua Mỹ về mặt kinh tế.
Để thực hiện sự cân bằng này, Trung Quốc có ba lựa chọn lớn. Đầu tiên, nó có thể cố gắng phản đối bá quyền khắc nghiệt đối với châu Á, được hỗ trợ bởi vũ lực. Điều này luôn là một nguy cơ, nhưng trong vài thập kỷ tới có vẻ không có nhiều khả năng Trung Quốc có thể áp đặt sự lãnh đạo lên châu Á mà không gặp kháng cự mạnh và không gây ra tình trạng bất ổn nào đó vốn có thể làm gián đoạn sự phát triển của mình. Miễn là các cường quốc chủ chốt như Mỹ, Nhật Bản, Nga và Ấn Độ có khả năng chống lại bá quyền khắc nghiệt của Trung Quốc, Bắc Kinh chắc chắn sẽ không quá ngu ngốc để cố thử áp đặt bá quyền. Có nhiều khả năng rằng Trung Quốc hy vọng xây dựng một quyền bá chủ mềm, lấy mô hình của bá quyền Mỹ ở Tây bán cầu dưới học thuyết Monroe. Nhiều cường quốc châu Á có thể miễn cưỡng chấp nhận , nhưng Nhật Bản thì không, và Mỹ cũng vậy khi cường quốc này vẫn duy trì sự có mặt chiến lược tại Châu Á, và sự phản đối của hai nước này đủ để làm cho lựa chọn này cũng trở nên tốn kém và rủi ro hơn so với lợi ích mà nó có thể mang lại. Vì vậy, Trung Quốc có lựa chọn tốt nhất là cân bằng tham vọng quyền lực với nhu cầu về duy trì trật tự bằng cách chấp nhận rằng nó không có thể lãnh đạo châu Á một mình. Thay vào đó, nó sẽ phải chia sẻ lãnh đạo khu vực với các cường quốc khác – đó là Nhật Bản, Mỹ và cuối cùng là Ấn Độ. Chúng ta có thể chắc chắn rằng Trung Quốc sẽ không chào đón kết quả này bởi nó hi vọng về một địa vị lãnh đạo độc tôn. Trung Quốc chỉ miễn cưỡng chấp nhận bởi nó nhận ra các chi phí và rủi ro nếu cố gắng đòi hỏi nhiều hơn. Chúng ta cũng có thể chắc chắn rằng Trung Quốc sẽ không chấp nhận ngồi yên với quyền lợi ít hơn thế, chí ít là một vị thế bình đẳng với các cường quốc khác trong sự chia sẻ quyền lãnh đạo ở châu Á.
Có ý kiến cho rằng vị trí lãnh đạo của Mỹ ở châu Á là an toàn, ngay cả khi không có sự vượt trội về kinh tế hay quân sự, vì nó sẽ nhận được hỗ trợ từ những nước láng giềng của Trung Quốc ở châu Á. Nhiều người châu Á lo sợ sức mạnh của Trung Quốc và muốn Mỹ bảo vệ họ. Đây là một cuộc tranh luận mạnh mẽ kéo dài đến tận thời điểm hiện tại, nhưng nó chỉ đúng một nửa. Đúng là các dân tộc châu Á khác (và kể cả Úc) lo lắng về quyền lực của Trung Quốc và sẽ háo hức chào đón sự can dự của Mỹ để cân bằng Trung Quốc, ngăn chặn nó thống trị khu vực. Nhưng, như Úc, họ cũng muốn một mối quan hệ tốt với Trung Quốc, để hưởng lợi từ những lợi ích của thương mại, và điều đó tác động đến phương thức hỗ trợ họ mong muốn từ Mỹ cũng như hình thức trợ giúp của họ dành cho Mỹ. Người châu Á muốn tránh phải lựa chọn giữa Washington và Bắc Kinh nếu có thể. Nếu Trung Quốc cố gắng áp đặt một quyền bá chủ hà khắc bằng sức mạnh quân sự, nhiều người châu Á sẽ chấp nhận rằng họ không có sự lựa chọn nào khác ngoài Washington để chống lại Bắc Kinh. Nhưng nếu tham vọng của Trung Quốc có vẻ khiêm tốn hơn, nhiều người châu Á sẽ hài lòng chấp nhận điều đó. Xét về bản chất, châu Á sẽ hỗ trợ Mỹ để ngăn chặn Trung Quốc trở thành một lãnh chúa của họ, nhưng hầu hết sẽ không làm như vậy để giúp Mỹ không phải chia sẻ quyền lực với Trung Quốc. Họ muốn Mỹ ở lại châu Á để cân bằng Trung Quốc, nhưng họ sẽ không hỗ trợ Mỹ để duy trì vị thế độc tôn để đối mặt với thách thức từ Trung Quốc nếu điều đó có nghĩa là phá vỡ mối quan hệ của họ với Bắc Kinh. Đây là thực trạng đúng với Ấn Độ, đất nước mà nhiều người Mỹ hy vọng sẽ tranh thủ để khắc phục tình trạng thay đổi cán cân quyền lực về phía có lợi hơn cho Trung Quốc. Ấn Độ, khi phát triển, sẽ vui vẻ hợp tác với Mỹ, nhưng nó làm như vậy để tối đa hóa sức mạnh của mình, chứ không phải của Mỹ.
Cuối cùng, tất cả điều này có nghĩa là Mỹ sẽ phải đối mặt với sự lựa chọn tương tự như Trung Quốc – đó là làm thế nào để tối đa hóa ảnh hưởng của mình tại châu Á trong khi vẫn có thể giảm thiểu các nguy cơ xung đột. Trong bốn thập kỷ vừa qua vấn đề này đã được giải quyết rất dễ dàng: địa vị vượt trội của Mỹ là nền tảng của trật tự, và sự lớn mạnh trong vị trí lãnh đạo của nước Mỹ đồng nghĩa với hòa bình của khu vực châu Á. Hiện tại, khi thời kỳ vai trò lãnh đạo độc tôn của Mỹ không bị thách thức dần qua đi, Mỹ có thể có những tính toán khác. Nếu Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận một trật tự chia sẻ quyền lãnh đạo ở châu Á – một khả năng thật quan trọng – thì Mỹ cần phải tự hỏi bản thân liệu nó có chấp nhận lựa chọn đó không. Liệu nó sẽ đồng ý từ bỏ địa vị thống trị của mình và tham gia vào việc chia sẻ quyền lãnh đạo như là cách tốt nhất để xây dựng một trật tự ổn định mới, hoặc nó sẽ đối đầu với thách thức đến từ Trung Quốc và cố gắng duy trì vị thế độc tôn, chấp nhận bất ổn và xung đột như là hệ quả tất yếu của lựa chọn đó?
Nói một cách đơn giản nhất, mấu chốt nằm ở việc là liệu người Mỹ hôm nay có coi thế thống trị độc tôn của mình như một phương tiện để xây dựng trật tự thế giới, hay vị thế đó đã kết thúc? Đây là một câu hỏi khó khăn đối với người Mỹ, và cho đồng minh của Mỹ như Úc. Bá quyền của Mỹ là nền tảng của trật tự Châu Á trong một thời gian dài, do đó chúng ta dễ dàng cho rằng nó là cơ sở duy nhất khả dĩ có thể làm tiền đề cho một trật tự trong tương lai, và bất kỳ thách thức nào nhằm tạo ra bất ổn hiển nhiên là bất hợp pháp. Nhưng một trật tự vững bền của châu Á hoàn toàn có khả năng không dựa trên vị thế độc tôn của Mỹ, và không nhất thiết là sai nếu Trung Quốc nỗ lực tìm kiếm một trật tự như vậy – thứ trật tự giữ cho Châu Á hòa bình và ổn định nhưng mang đến cho Trung Quốc nhiều quyền lực hơn. Trước khi chúng ta có thể nói rằng liệu Mỹ có thể sẵn sàng, hoặc nên sẵn sàng, để chấp nhận thứ trật tự đó, chúng ta cần biết thêm về trật tự châu Á mới đó.
Như chúng ta đã thấy, Trung Quốc có thể sẽ không chấp nhận bất cứ điều gì ít hơn một vị trí bình đẳng trong một trật tự chia sẻ quyền lãnh đạo, vì vậy tốt nhất nên bắt đầu bằng câu hỏi trật tự đó có thể hoạt động ra sao. Có một hình mẫu lịch sử cho hệ thống quốc tế đó: hệ thống hòa hợp quyền lực (concert system) của các cường quốc châu Âu trong thế kỷ XIX. Trật tự Hòa hợp Quyền lực ở châu Âu cung cấp một cơ chế để giải quyết các vấn đề chủ chốt trong trật tự này mà không phải viện đến chiến tranh hệ thống và quy mô. Nó ngăn chặn chiến tranh ở châu Âu từ 1815 đến 1914, và cung cấp nền tảng cho sự tăng trưởng rõ rệt và mở rộng quyền lực của châu Âu sau Cách mạng Công nghiệp. Mấu chốt trong một trật tự hòa hợp quyền lực này là một thỏa thuận của tất cả các cường quốc trong hệ thống rằng nếu có quốc gia nào trong số họ cố gắng để thực thi bá quyền trên phần còn lại, các quốc gia khác sẽ đấu tranh để ngăn chặn hoặc phản đối, và kết quả cuối cùng sẽ dẫn đến một cuộc chiến làm cho quốc gia thách thức trật tự mất mát nhiều hơn lợi ích mang lại. Nhận thức như thế này rất khó để xây dựng và duy trì. Các cường quốc phải cử xử với nhau một cách thận trọng. Họ phải chấp nhận tính hợp pháp của hệ thống chính trị của những nước khác ngay cả khi hệ thống đó khác với hệ thống chính trị của quốc gia mình. Họ không được can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Trong giới hạn của mình, họ phải chấp nhận tính hợp pháp trong lợi ích quốc tế của nhau, và chuẩn bị sẵn sàng thỏa hiệp để đạt được một thỏa thuận khi có sự xung đột lợi ích. Họ phải chấp nhận rằng mỗi thành viên sẽ có lực lượng vũ trang có thể hạn chế các lựa chọn mang tính chiến lược của những nước khác. Nói cách khác, họ phải đối xử với nhau công bằng chí ít là về mặt địa vị.
Nhiều người vẫn cho rằng thỏa thuận là nhượng bộ quá nhiều cho Trung Quốc. Điều đó như một chính sách “cầu hòa” (appeasement) dành cho Trung Quốc. Bài học Munich là nhượng bộ cho những quốc gia tham vọng chỉ khuyến khích họ đòi nhiều yêu sách hơn, và nếu các yêu sách đó tiếp tục được đáp ứng thì hậu quả cuối cùng là trật tự quốc tế bị phá hủy. Mặt khác, kiên định từ chối, sẽ buộc quốc gia đó tôn trọng trật tự hiện có và gìn giữ hòa bình. Nhưng nhận định này có thể dẫn đến việc hiểu sai bài học Munich. Sai lầm của Chamberlain có lẽ không phải là việc nhượng bộ Hitler về Tiệp Khắc, mà không tuyên bố rõ ràng là sẽ không có nhượng bộ về Ba Lan. Nếu thực hiện được điều đó, chiến tranh thế giới thứ hai là hoàn toàn có thể tránh được. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để tiếp cận với Trung Quốc. Nó cho thấy cách tốt nhất để quản lý tham vọng của Trung Quốc là sự cần thiết phải có những nhượng bộ vừa đủ khiến Trung Quốc hài lòng và làm rõ ràng rằng những yêu sách tiếp theo sẽ nhận sự phản kháng quyết liệt từ một liên minh khu vực, một tổ chức sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu cần thiết để ngăn chặn mọi nỗ lực của Trung Quốc sử dụng sức mạnh của nó một cách hiếu chiến.
Tất nhiên, có những rủi ro đối với cách tiếp cận nhượng bộ thận trọng trên với Trung Quốc, nhưng các lựa chọn khác cho nước Mỹ là gì? Mỹ phải đối mặt với một sự lựa chọn đơn giản: nếu nó không sẵn sàng chia sẻ quyền lực với Trung Quốc khi Trung Quốc trỗi dậy, Mỹ phải rút lui khỏi châu Á hoặc cạnh tranh với Trung Quốc cho vị trí lãnh đạo tối cao tại đây. Ban đầu, chúng ta dễ dàng nhận ra cơ hội để Mỹ rút quân dường như khó có thể xảy ra. Trong khi vai trò của Mỹ ở châu Á là chưa bao giờ gặp thách thức, chưa kể chi phí dành cho việc lãnh đạo này rất thấp mà lợi ích đạt được lại rất cao. Nhưng, khi Trung Quốc phát triển, sự hiện diện của Mỹ ở châu Á sẽ trở nên tốn kém hơn. Mỹ sẽ phải tự hỏi xem liệu họ có cần thiết phải đóng một vai trò quan trọng ở châu Á trong thế kỷ châu Á này không. Các lập luận cổ điển cho rằng nước Mỹ ràng buộc với Châu Á bởi những lợi ích kinh tế và chiến lược. Châu Á có tầm quan trọng sống còn đối với sự thịnh vượng của nước Mỹ, và sự ổn định rất cần thiết cho sự tăng trưởng của châu Á, vì vậy Mỹ vẫn có thể bày tỏ quan điểm rằng họ cần ở lại châu Á để gìn giữ hòa bình tại đây. Tuy nhiên, mục đích đó tự mâu thuẫn vì nếu Mỹ tiếp tục ở lại châu Á, nó sẽ tham gia cuộc chạy đua quyền lực với Trung Quốc có khả năng gây ra bất ổn. Về góc độ kinh tế, nước Mỹ chỉ nên tiếp tục can dự nếu nó có thể tìm thấy một cách khả dĩ để tránh cạnh tranh với Trung Quốc.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét