Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2016
Sự trỗi dậy của chủ nghĩa chuyên chế cạnh tranh
11:17
Hoàng Phong Nhã
No comments
Nguồn: Steven Levitsky & Lucan A.Way (2002). “Elections Without Democracy: The Rise of Competitive Authoritarianism”, Journal of Democracy, Vol. 13, No. 2, pp. 51-65.
Biên dịch: Nguyễn Thị Tố Uyên | Hiệu đính: Nghiêm Hồng Sơn
Thế giới hậu Chiến tranh Lạnh được đánh dấu mới sự sinh sôi nảy nở của các chế độ chính trị lai. Trong suốt thập niên 1990, bằng những cách khác nhau và ở những mức độ khác nhau, các chính thể ở hầu khắp châu Phi (Ghana, Kenya, Mozambique, Zambia, Zimbabwe), Đại lục Âu Á hậu cộng sản (Albania, Croatia, Nga, Serbia, Ucraina), châu Á (Malaysia, Đài Loan) và châu Mỹ Latinh (Haiti, Mexico, Paraguay, Peru) đã kết hợp các nguyên tắc dân chủ với sự cai trị chuyên chế. Các học giả thường nhìn nhận những chế độ này như là những hình thức không hoàn chỉnh hay đang chuyển đổi của dân chủ. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp những nhận định (hay hy vọng) này hóa ra lại lạc quan thái quá. Đặc biệt ở châu Phi và Liên Xô cũ, nhiều chế độ hoặc duy trì dạng lai hoặc chuyển sang hướng chuyên chế. Vì vậy, có thể đã đến lúc chúng ta thôi nghĩ đến những chuyển đổi sang dân chủ của các trường hợp này và bắt đầu suy nghĩ xem thực sự chúng là những loại chế độ đặc trưng nào.
Trong những năm gần đây, nhiều học giả đã chỉ ra tầm quan trọng của các chế độ lai. Thật vậy, các bài viết học thuật gần đây đã đưa ra nhiều cách gọi khác nhau cho các trường hợp pha trộn, bao gồm trong đó không chỉ có “chế độ lai” mà còn “bán dân chủ”, “dân chủ ảo”, “dân chủ bầu cử”, “dân chủ giả tạo”, “ dân chủ phi tự do”, “chủ nghĩa bán chuyên chế”, “chủ nghĩa chuyên chế mềm”, “chủ nghĩa chuyên chế tuyển cử”, và “Tự do Một phần”1 của Tổ chúc Ngôi nhà Tự do (Free House). Tuy nhiên phần nhiều các bài tài liệu này mắc phải hai điểm yếu quan trọng. Đầu tiên, đặc trưng của nhiều nghiên cứu là khuynh hướng thiên lệch về việc dân chủ hóa. Các nghiên cứu thường xem những chế độ pha trộn như những hình thức một phần hay “thu nhỏ” của dân chủ,2 hoặc đang trải qua những chuyển đổi kéo dài sang dân chủ. Những đặc trưng như vậy hàm ý rằng những trường hợp này đang chuyển sang chiều hướng dân chủ. Tuy nhiên, cả Jeffrey Herbst và Thomas Carothers gần đây đã lập luận rằng điều này thường không đúng.3 Mặc dù một vài chế độ lai (Mexico, Senegal, Đài Loan) trong thập niên 1990 đã trải qua những chuyển đổi dân chủ, một số khác (Azerbaijan, Belarus) thì dứt khoát chuyển sang hướng chuyên chế. Vẫn còn một số khác hoặc duy trì ổn định hoặc chuyển sang những hướng đa dạng (Malaysia, Nga, Ucraina, Zambia, Zimbabwe), khiến những hàm ý đơn hướng của từ “chuyển đổi” bị sai lệch.
Thứ hai, những thuật ngữ như “bán dân chủ”, “bán chuyên chế”, và “Tự do Một phần” thường được xếp như những nhóm chế độ còn lại và thường bỏ qua những khác biệt quan trọng giữa những chế độ này. Ví dụ, El Salvador, Latvia và Ucraina là những chế độ lai trong đầu thập niên 1990 và đều đạt sáu điểm – hay “Tự do Một phần” – từ đánh giá về quyền chính trị và các quyền tự do dân chủ của tổ chức Ngôi nhà Tự do vào năm 1992-1993. Tuy nhiên những chế độ này khác nhau về nhiều phương diện cơ bản. Trong khi ở Latvia đặc trưng phi dân chủ quan trọng nhất là việc người gốc Nga không có quyền công dân, ở El Salvador các đặc trưng phi dân chủ chính bao gồm những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và không có sự kiểm soát của chính quyền dân sự đối với quân đội. Ucraina thực thi quyền công dân tới toàn dân và đặt quân đội dưới sự kiểm soát của chính quyền dân sự, nhưng các quyền tự do dân chủ thường xuyên bị vi phạm và giới quan chức thường xuyên lạm dụng hoặc thao túng các thủ tục dân chủ. Do đó, mặc dù mỗi chế độ trong các trường hợp này có thể được phân loại thành “lai”, “bán dân chủ”, hay “tự do một phần”, những cách gọi như vậy gây mơ hồ về những điểm khác nhau cốt yếu – những điểm khác nhau có thể có những hàm ý nhân quả quan trọng. Sự pha trộn khác nhau giữa các đặc tính chuyên chế và dân chủ có những nguồn gốc lịch sử khác nhau và có tác động khác nhau về phát triển kinh tế, nhân quyền và các triển vọng dân chủ.
Định nghĩa Chủ nghĩa chuyên chế cạnh trạnh
Bài viết này xem xét một thể loại đặc thù của chế độ “lai”: Chủ nghĩa chuyên chế cạnh tranh (competitive authoritarianism). Trong những chế độ chuyên chế cạnh tranh, những thể chế dân chủ chính thức thường được xem như phương tiện chủ yếu để đạt được và thực thi quyền lực chính trị. Tuy nhiên, các quan chức thường xuyên vi phạm luật lệ và trong một chừng mực nào đó, chế độ này không thể đáp ứng những tiêu chuẩn dân chủ tối thiếu. Điển hình như Croatia dưới thời Franjo Tudjman, Serbia dưới thời Slobodan Miloševic, Nga dưới thời Vladimir Putin, Uraina dưới thời Leonid Kravchuk và Leonid Kuchma, Peru dưới thời Alberto Fujimori, và Haiti sau năm 1995, cũng như Albania, Armenia, Ghana, Kenya, Malaysia, Mexico, và Zambia trong hầu hết thập niên 1990. Mặc dù các học giả đã đánh giá đa số các chế độ này mang đặc trưng giống như những hình thức một phần hay “thu nhỏ” của nền dân chủ, chúng tôi tán thành với nhận định của Juan Linz rằng những chế độ này đúng hơn nên được xem như một hình thức (thu nhỏ) của chế độ chuyên chế.4
Cần phân định rành ròi giữa chủ nghĩa chuyên chế cạnh tranh với một bên là dân chủ và bên kia là chủ nghĩa chuyên chế hoàn toàn. Các chế độ dân chủ hiện đại đều phải đáp ứng bốn tiêu chuẩn tối thiểu:
1) Các quan chức hành pháp và lập pháp được lựa chọn thông qua các cuộc bầu cử công khai, tự do và công bằng;
2) Tất cả công dân trưởng thành đều có quyền bầu cử thực sự;
3) Các quyền chính tri và quyền tự do dân chủ bao gồm quyền tự do báo chí, tự do lập hội và tự do phê bình chính phủ mà không bị trả đũa phải được bảo vệ rộng rãi; và
4) các nhà cầm quyền được bầu ra có thẩm quyền thực sự để điều hành mà không chịu sự kiểm soát của quân đội hay các thủ lĩnh tôn giáo.5
Mặc dù đôi lúc thậm chí các chế độ dân chủ hoàn toàn cũng vi phạm một hay nhiều tiêu chuẩn này, nhưng các vi phạm như vậy chưa đủ bao quát và mang tính hệ thống để cản trở nghiêm trọng những thử thách dân chủ đối với chính phủ cầm quyền. Nói cách khác, các vi phạm này về cơ bản không làm thay đổi sân chơi giữa chính phủ và phe đối lập.6
Ngược lại, trong các chế độ chuyên chế cạnh tranh, những tiêu chí này bị vi phạm thường xuyên và nghiêm trọng đủ để tạo ra một sân chơi bất bình đẳng giữa chính phủ và phe đối lập. Mặc dầu các cuộc bầu cử được tổ chức có quy củ và nhìn chung không có gian lận nghiêm trọng, các quan chức tại vị thường lạm dụng các nguồn lực nhà nước, ngăn cản quyền được truyền thông đưa tin đầy đủ của phe đối lập, sách nhiễu các ứng viên đối lập và những người ủng hộ họ, và trong một số trường hợp thao túng cả kết quả bầu cử. Các nhà báo, chính trị gia đối lập và các nhà phê bình chính phủ có thể bị theo dõi, đe dọa, quấy rối hay bắt giữ. Các thành viên của phe đối lập có thể bị bỏ tù, đẩy đi lưu vong hoặc đôi khi thậm chí bị tấn công hoặc sát hại. Các chế độ có những hành vi tàn bạo như vậy không thể được gọi là dân chủ.
Do đó chúng ta phải phân biệt rạch ròi giữa chủ nghĩa chuyên chế cạnh tranh và các loại chế độ bất ổn định, không hiệu quả hoặc sai lạc nhưng đáp ứng những tiêu chuẩn cơ bản của dân chủ, và cái này cũng bao hàm những chế độ mà Guillermo O’Donnell gọi là “những nền dân chủ ủy nhiệm” (delegative democracies).7 Theo Guillermo O’Donnell, những nền dân chủ ủy nhiệm đặc trưng bởi trách nhiệm giải trình theo chiều ngang (kiềm chế và đối trọng) ở những mức độ thấp và chính vì vậy lộ diện những quan chức hành pháp quyền lực, có uy tín áp đảo và thường xuyên lạm quyền. Tuy nhiên những chế độ như vậy lại đáp ứng những tiêu chuẩn tối thiểu cho nền dân chủ. Vì vậy dân chủ ủy nhiệm phù hợp với các trường hợp như Argentina và Brazil trong đầu thập niên 1990 nhưng không đúng đối với trường hợp của Peru sau cuộc “tự đảo chính” của tổng thổng Fujimori năm 1992.
Tuy nhiên, nếu các chế độ chuyên chế cạnh trạnh không hội đủ tiêu chuẩn để được xếp vào dân chủ thì các chế độ này cũng không đủ các yếu tố để được xếp vào chủ nghĩa chuyên chế hoàn toàn. Mặc dù các quan chức trong các chế độ chuyên chế cạnh tranh thường có thể thao túng những nguyên tắc dân chủ chính thức, họ lại không thể loại bỏ hay giảm thiếu chúng xuống tới mức chỉ mang tính hình thức. Thay vì công khai vi phạm các nguyên tắc dân chủ (ví dụ như ngăn cấm hay đàn áp phe đối lập và truyền thông), các quan chức nhiều khả năng sử dụng mua chuộc, thu nạp, và các hình thức khủng bố tinh vi hơn như lợi dụng các cơ quan thuế, các tòa án bù nhìn, và các cơ quan nhà nước khác để “hợp pháp” sách nhiễu, bắt bớ, hay ép buộc hợp tác từ giới phê bình. Mặc dù lợi thế nghiêng về phía các quan chức chuyên quyền, thì sự kiên trì bền bỉ của các thể chế dân chủ quan trọng tạo ra những vũ đài mà thông qua đó các lực lượng đối lập có thể hay và thực sự tạo ra những thách thức quan trọng. Vì vậy, mặc dù có thể các thể chế dân chủ bị khiếm khuyết nặng nề, cả các quan chức chuyên chế và các phe đối lập đều cần phải xem trọng chúng.
Theo cách hiểu này, chủ nghĩa chuyên chế cạnh trạnh khác hẳn với cái được gọi là các chế độ tuyển cử “hình thức” – những chế độ mà trong đó các thể chế tuyển cử tồn tại nhưng không tạo ra cuộc cạnh tranh quyền lực mang ý nghĩa nào cả (chẳng hạn như ở Ai Cập, Singapore và Uzbekistan trong những năm 1990). Các chế độ dạng này được gọi là các chế độ “dân chủ giả tạo”, “dân chủ ảo”, và “chuyên chế tuyển cử”. Theo quan điểm của chúng tôi, đây là các trường hợp của chủ nghĩa chuyên chế hoàn toàn.8 Có thể rất khó để vẽ ra ranh giới giữa chế độ loại này và chủ nghĩa chuyên chế cạnh tranh và có thể một ngày nào đó những thể chế tuyển cử phi cạnh tranh sẽ trở thành cạnh trạnh (như trường hợp xảy ra ở Mexico). Tuy nhiên, cần thiết phải phân biệt giữa các chế độ mà trong đó các thể chế dân chủ cung cấp một kênh quan trọng qua đó phe đối lập có thể tìm kiếm quyền lực với những chế độ khác mà trong đó các nguyên tắc dân chủ chỉ đơn thuần phục vụ cho mục tiêu hợp pháp hóa một bộ máy lãnh đạo chuyên quyền hiện có.
Cuối cùng, chúng ta phải phân biệt giữa chủ nghĩa chuyên chế cạnh tranh với các loại chế độ lai khác. Các chế độ có thể pha trộn những đặc tính chuyên chế và dân chủ theo nhiều cách khác nhau, và chủ nghĩa chuyên chế cạnh trạnh không nên được xem như bao hàm tất cả các đặc tính của những thể loại chế độ này. Các chế độ lai khác gồm có “các nền cộng hòa độc quyền”9 (những chế độ với các thể chế dân chủ mạnh nhưng hết sức hạn chế các luật công dân) và các nền dân chủ “được bảo hộ” hay “bị dẫn dắt” – những chế độ cạnh tranh trong đó các chủ thể phi dân chủ như quân đội hay các giới chức tôn giáo nắm giữ quyền phủ quyết.
Bốn vũ đài của đấu tranh dân chủ
Nhờ vào sự kiên trì của các thể chế dân chủ đúng nghĩa trong chế độ chuyên chế cạnh tranh, các vũ đài đấu tranh vẫn tồn tại, thông qua những vũ đại này các lực lượng đối lập có thể thường xuyên thách thức, làm suy yếu, và thậm chí đôi lúc đánh bại các quan chức chuyên quyền. Bốn vũ đài với tầm quan trọng riêng đặc biệt là: 1) vũ đài tuyển cử; 2) cơ quan lập pháp; 3) cơ quan tư pháp; và 4) truyền thông.
Vũ đài tuyển cử
Vũ đài đấu tranh đầu tiên và quan trọng nhất là vũ đài tuyển cử. Trong các chế độ chuyên chế, các cuộc bầu cử hoặc không tồn tại hoặc không thực sự có sự cạnh tranh. Cạnh trạnh tuyển cử bị loại bỏ hoặc về mặt pháp lý như ở Cuba và Trung Quốc, hoặc trên thực tế như ở Kazakhtan và Uzbekistan. Trong trường hợp sau, các đảng đối lập thường bị cấm hoặc ngăn chặn tham gia vào cuộc cạnh tranh bầu cử, và các lãnh đạo phe đối lập thường bị bỏ tù. Các nhà quan sát độc lập hay bên ngoài bị ngăn cản việc xác minh kết quả thông qua các cuộc đếm phiếu song song, điều này tạo ra những cơ hội đánh cắp phiếu bầu trên diện rộng. Do đó, các lực lượng đối lập không thể tạo ra một mối đe dọa tuyển cử nghiêm trọng cho các quan chức tại vị, và các cuộc bầu cử, xét trên mọi góc độ, là phi cạnh trạnh. Chính vì vậy mà tổng thống Kazakhstan ông Nursultan Nazarbayev đã tái đắc cử vào năm 1999 với 80% phiếu bầu và ở Uzbekistan vào năm 2000 tổng thống Islam Karimov tái đắc cử với 92% phiếu bầu. (Ước tính, những chế độ mà trong đó tổng thổng tái đắc cử với hơn 70 phần trăm số phiếu nhìn chung được xem là phi cạnh trạnh). Trong các trường hợp này, cái chết hay cuộc lật đổ đầy bạo lực của vị tổng thống đó thường được nhìn nhận như một phương thức kế vị khả dĩ hơn so với chờ ông ta thất bại trong bầu cử.
Ngược lại, trong các chế độ chuyên chế cạnh tranh các cuộc bầu cử thường diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệt. Mặc dù quá trình tuyển cử có thể được đặc trưng bởi sự lạm quyền trên diện rộng, truyền thông thiên lệch, sách nhiễu các ứng viên đối lập và các nhà hoạt động10 (thường đầy bạo lực) và nhìn chung thiếu minh bạch, các cuộc bầu cử vẫn được tổ chức có quy củ, cạnh tranh (trong đó các đảng đối lập lớn và ứng viên của họ thường tham gia), và thông thường không có gian lận nghiêm trọng. Trong nhiều trường hợp, sự hiện diện của giới quan sát quốc tế hay sự hiện hữu của các thủ tục đếm phiếu song song hạn chế giới quan chức tham gia mưu đồ gian lận trên diện rộng. Do đó, các cuộc bầu cử có thể tạo ra những bất ngờ đáng kể, và giới quan chức chuyên quyền buộc phải xem trọng chúng. Chẳng hạn như vào năm 1996 tổng thống Nga Boris Yeltsin và năm 1999 tổng thổng Ucraina Leonid Kuchma đã phải đối mặt với những thách thức tuyển cử từ các đảng từng là đảng cộng sản trước đây. Mặc dù bằng nhiều nỗ lực để hăm dọa tống tiền và những chiêu trò khác nhằm đảm bảo số phiếu,11 Kuchma thắng cử với chỉ 35% số phiếu bầu trong vòng bầu cử tổng thống đầu tiên năm 1999 và 56% trong vòng thứ 2. Ở Kenya, nhà cầm quyền độc tài lâu đời Daniel arap Moi đã tái đắc cử với số phiếu sát sao vào năm 1992 và 1997, và ở Zimbabwe phe đối lập Phong trào vì Đổi thay Dân chủ (Movement for Democratic Change) suýt giành chiến thắng trong các cuộc cầu cử nghị viện. Trong một vài trường hợp, các lực lượng đối lập đã thành công trong việc đánh bại các quan chức chuyên quyền hoặc các ứng viên sáng giá của chúng, đơn cử như trường hợp xảy ra ở Nicaragua năm 1990, Zambia năm 1991, Malawi và Ucraina năm 1994, Albania năm 1997 và tại Ghana năm 2000.
Mặc dù giới quan chức có thể thao túng các kết quả bầu cử nhưng điều này thường khiến họ chịu tổn thất nặng nề và thậm chí có thể bị đánh bại. Chẳng hạn, ở Peru Fujimori tái đắc cử vào năm 2000 nhưng liền bị buộc phải từ chức trong vụ bê bối vài tháng sau đó. Tương tự, những nỗ lực của Miloševic nhằm làm sai lệch kết quả bầu cử năm 2000 ở Serbia đã dẫn đến một cuộc khủng khoảng chế độ và loại bỏ tổng thống. Các cuộc khủng hoảng chế độ nổ ra do gian lận bầu cử cũng diễn ra ở Mexico năm 1988 và Acmenia năm 1996.
Vũ đài lập pháp
Vũ đài đấu tranh thứ hai là cơ quan lập pháp. Trong hầu hết các chế độ chuyên chế hoàn toàn, các cơ quan lập pháp hoặc không tồn tại hoặc bị đảng cầm quyền kiểm soát triệt để đến nỗi mâu thuẫn giữa nhánh hành pháp và lập pháp là điều gần như không tưởng. Trong các chế độ chuyên chế cạnh tranh, các cơ quan lập pháp có xu hướng tương đối yếu nhưng đôi lúc chúng trở thành những tâm điểm của hoạt động đối lập. Điều này đặc biệt có thể xảy ra trong các trường hợp mà các quan chức không thuộc các đảng chính và mạnh. Ví dụ như ở Ucraina và Nga trong thập niên 1990, các tổng thổng đều phải đương đầu với các nghị viện ngoan cố thống trị bởi các đảng cộng sản cũ và các đảng cánh tả. Nghị viện Ucraina nhiều lần chặn đứng hoặc làm suy yếu các đạo luật cải cách kinh tế do tổng thống Kuchma đề xuất và năm 2000 – 2001, mặc cho Kuchma đe dọa dùng những biện pháp “thích đáng” nếu không nhận được sự hợp tác, nghị viện vẫn chặn đứng nỗ lực kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý của tổng thống nhằm làm suy giảm quyền lực của cơ quan lập pháp này. Dù cho các quan chức cố gắng để vây hãm hay thậm chí đóng cửa nghị viện (như ở Peru năm 1992 và Nga năm 1993), những hành động như vậy thường phải trả giá rất đắt, đặc biệt là trên trường quốc tế. Chính vì vậy cả Fujimori và Yeltsin đều tổ chức các cuộc bầu cử nghị viện mới trong thời gian ba năm “tự đảo chính” của hai người và Yeltsin tiếp tục gặp phải sự đối đầu từ nghị viện hậu đảo chính năm 1993.
Thậm chí ở những nơi mà các quan chức hành chính đương nhiệm chiếm đa số ghế trong nghị viện, các lực lượng đối lập có thể dùng cơ quan lập pháp này như một nơi gặp gỡ và tổ chức và (trong trường hợp có truyền thông độc lập) như một diễn đàn công khai để lên án chế độ. Ở Peru, mặc dù các đảng đối lập chỉ tạo ảnh hưởng nhỏ lên quá trình lập pháp từ giữa năm 1995 đến 2000, các nhà lập pháp chống đối Fujimori đã dùng nghị viện (và hoạt động đưa tin báo chí của nó) như một nơi để nói lên các quan điểm của mình. Tháng 11 năm 2000 ở Ucraina, phó thủ lĩnh phe đối lập là Aleksandr Mozoz đã dũng nghị viện để cáo buộc tổng thổng về tội giết người và phát tán những cuộn băng tố giác tổng thống cho báo chí.
Vũ đài tư pháp
Vũ đài thứ ba đầy tiềm năng của cuộc đối đầu chính là cơ quan tư pháp. Chính phủ trong các chế độ chuyên chế cạnh tranh luôn tìm mọi cách để hạ thấp vai trò của bộ máy tư pháp, thường bằng cách luận tội hoặc tinh vi hơn qua con đường mua chuộc, tống tiền và các cơ chế thu nạp khác. Đơn cử như ở Peru, rất nhiều thẩm phán – bao gồm một vài thẩm phán tòa án tối cao – có liên quan mật thiết vào mạng lưới bảo kê thân hữu, tham nhũng và tống tiền được xây dựng bởi người đứng đầu cơ quan tình báo của Fujimori là Vladimiro Montesinos. Tại Nga, khi Tòa Bảo Hiến tuyên bố sắc lệnh giải tán quốc hội năm 1993 của Yeltsin là trái hiến pháp, Yeltsin đã cắt các đường dây điện thoại và dẹp bỏ lính gác của cơ quan này. Trong một số trường hợp, các chính phủ phải sử dụng đến đe dọa và bạo lực. Ở Zimbabwe, sau khi Tòa án Tối cao phán quyết việc chiếm đóng đất trồng của người da trắng – một phần trong chính sách tái phân phối đất đai của chính phủ Mugabe – là bất hợp pháp, các thẩm phán độc lập đã phải nhận một làn sóng đe dọa bạo lực từ phía “cựu chiến binh” ủng hộ chính phủ. Năm 2001 bốn vị thẩm phán, trong đó có Chánh án Anthony Gubbay, đã quyết định về hưu sớm và được thay bằng các thẩm phán thân chính phủ.
Tuy nhiên sự kết hợp giữa độc lập tư pháp chính thức và sự kiểm soát không hoàn toàn của cơ quan hành pháp có thể đem đến cho các thẩm phán tự do một cơ hội tốt. Ví dụ như ở Ucraina, Tòa Bảo Hiến đã chỉ rõ rằng cuộc trưng cầu dân ý của tổng thống Kuchma nhằm làm giảm quyền lực của cơ quan lập pháp là không có tính ràng buộc. Tại Slovakia, Tòa Bảo Hiến đã chặn đứng việc chính phủ Vladimír Meciar phủ nhận các ghế trong nghị viện của phe đối lập vào năm 1996. Các tòa án cũng đã bảo vệ giới truyền thông và phe đối lập tránh khỏi khủng bố nhà nước. Tại Croatia, các tòa án hằng tuần tha bổng một thành viên phe đối lập đã bị kết án vì tố cáo sai tổng thống Tudiman là người sùng bái nhà độc tài Francisco Franco của Tây Ban Nha. Tương tự, ở Malaysia năm 2001, một thẩm phán Tóa án Tối cao đã thả hai người chống đối bị bắt giam căn cứ theo Đạo luật An ninh Trong nước của chế độ và chất vấn công khai sự cần thiết của đạo luật hà khắc đó.12
Các chính phủ chuyên chế cạnh tranh có thể ngay sau đó trừng phạt các thẩm phán ra phán quyết chống lại chính phủ, tuy nhiên những hành động chống lại cơ quan tư pháp độc lập chính thức như vậy sẽ gây những tổn thất lớn về tính hợp pháp ở trong nước và quốc tế. Ví dụ, năm 1997 ở Peru Quốc hội thân Fujimori đã sa thải ba thành viên của Tòa án Hiến pháp sau khi những quan chức này cố gắng chặn đứng việc làm vi hiến nhằm tái đắc cứ tổng thống nhiệm kỳ thứ ba của Fujimori. Tuy nhiên, động thái đó đã vấp phải sự chỉ trích nặng nề trong và ngoài nước, và vụ việc này vẫn còn là một cái gai trong mắt chế độ cho đến tận cuối thập niên.
Phương tiện truyền thông
Cuối cùng, truyền thông thường là tâm điểm tranh đấu trong các chủ nghĩa chuyên chế cạnh tranh. Trong hầu hết các chế độ chuyên quyền lớn mạnh, truyền thông hoàn toàn thuộc sở hữu nhà nước, bị kiểm duyệt nặng nề và bị trấn áp có hệ thống. Các đài phát thanh và truyền hình hàng đầu bị chính phủ (hoặc các đồng minh thân chính phủ) kiểm soát và các tờ báo và tạp chí lớn hoặc bị cấm theo luật (như ở Cuba) hoặc trên thực tế bị loại bỏ (như ở Uzbekistan và Turkmenistan). Các nhà báo kích động sự nổi giận của chính phủ có nguy cơ bị bắt giữ, trục xuất và thậm chí bị sát hại. Trái lại, trong các chế độ chuyên chế cạnh tranh các hãng truyền thông độc lập không những hợp pháp mà còn có ảnh hưởng khá lớn và các nhà báo – mặc dù thường xuyên bị đe dọa và đôi lúc bị tấn công- nổi lên như lực lượng quan trọng của phe đối lập. Ví dụ như ở Peru, các tờ báo độc lập như La República và El Comercio và các tạp chí hàng tuần như Sí and Caretas hoạt động tự do trong suốt thập niên 1990. Tại Ucraina, các tờ báo như Zerkalo nedeli, Den và gần đây nhất là Vicherni visti giữ vai trò như những luồng quan điểm độc lập về chính phủ Kuchma.
Các hãng truyền thông độc lập thường đóng vai trò như một lực lượng kiểm sát trọng yếu bằng việc điều tra và phơi bày sai phạm của chính phủ. Truyền thông Peru đã phơi bày hàng loạt các vụ lạm quyền của chính phủ, gồm có vụ thảm sát sinh viên đại học La Cantuta năm 1992 và vụ giả mạo các chữ ký cần thiết để đảng của Fujimori đủ điều kiện cho các cuộc bầu cử năm 2000. Ở Nga, hãng truyền hình độc lập của Vladimir Gusinsky là một nguồn phê phán chính phủ Yeltsin quan trọng, đặc biệt liên quan đến những các hoạt động của chính phủ này ở Chechnya. Ở Zimbabwe, tờ Daily News giữ vai trò trọng yếu trong việc phơi bày các vụ lạm quyền của chính quyền Mugabe. Các hãng truyền thông còn có thể giữ vai trò như phát ngôn viên cho các lực lượng đối lập. Ở Serbia, đài truyền thanh Belgrade B-92 có chức năng như một trung tâm chủ chốt của phe đối lập chống lại Miloševic trong nửa sau thập niên 1990. Các tờ báo cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc cổ vũ các lực lượng đối lập ở Panama và Nicaragua vào cuối thập niên 1980.
Trong các chế độ chuyên chế cạnh tranh các quan chức hành pháp thường tích cực ra tay đàn áp giới truyền thông độc lập, sử dụng các cơ chế đàn áp tinh vi hơn các người đồng nhiệm trong các chế độ chuyên chế. Các phương thức này bao gồm đưa hối lộ, phân bổ chọn lọc hoạt động quảng cáo nhà nước, thao túng các khoản nợ và thuế mà các hãng truyền thông phải trả, kích động mâu thuẫn giữa các cổ đông và các quy định luật báo chí hạn chế tạo điều kiện thuận lợi để buộc tội các ký giả độc lập và các ký giả phe đối lập. Ở Nga, chính phủ lợi dụng các khoản nợ của đài truyền hình độc lập với Gazprom- tập đoàn khí đốt trọng yếu- để giúp các lực lượng thân chính phủ sắp đặt một âm mưu thôn tính. Ở Peru, chính phủ Fujimori trên thực tế nắm quyền kiểm soát tất cá các đài truyền hình tư nhân trên cả nước dựa trên sự kết hợp giữa hối lộ và các trò bịp hợp pháp, ví dụ như lệnh vô hiệu hóa quyền công dân của ông chủ đài Channel 2 Baruch Ivcher. Các chính phủ còn tận dụng triệt để các điều luật về tội bôi nhọ để sách nhiễu hay truy tố “hợp pháp” các tờ báo độc lập. Chẳng hạn như ở Ghana, chính phủ Jerry Rawling đã sử dụng luật chống bôi nhọ người khác từ thời kỳ thuộc địa để bắt giam một số biên tập viên và ký giả trong thập niên 1990, và ở Croatia, theo báo cáo năm 1997 của Viện Xã Hội Mở thì các tờ báo độc lập lớn đã 230 lần bị truy tố về tội bôi nhọ.Tương tự, chính phủ Armenia đã lợi dụng các vụ truy tố về tội bôi nhọ để làm lắng xuống chỉ trích từ phía báo chí sau cuộc bầu cử đầy tranh cãi của nước này năm 1996.13
Tuy vậy những nỗ lực để đàn áp truyền thông có thể khiến giới quan chức trong các chế độ chuyên chế hao tổn không ít. Ví dụ, vào năm 1996 khi chính phủ Tudjman ở Croatia cố gắng thu hồi giấy phép của kênh truyền thanh Radio 101, một đài truyền thanh độc lập phổ biến ở thủ đô, làn sóng phản đối nổ ra mạnh mẽ khiến phe đối lập vững mạnh thêm và tạm thời gây chia rẽ đảng cầm quyền. Năm 2000 tại Ucraina, những cáo buộc cho rằng tổng thống Kuchma đã cố gắng sát hại một phóng viên phe đối lập đã dẫn đến làn sóng phản đối trong nước và sự cô lập một phần từ phương Tây. Ở Peru, hành vi truy tố và đẩy Ivcher đi lưu vong đã làm dấy lên sự phản đối mạnh mẽ trong nước và trở thành tâm điểm chỉ trích ở ngoài nước.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét