Nguồn: “What happens to EU migrants in Britain“, The Economist, 27/06/2016
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
“Nhập cư, nhập cư, nhập cư,” một tiêu đề lớn được in trên tờ Sun, một tờ báo lá cải thiên tả, vào tuần mà nước Anh bỏ phiếu chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Cuộc bỏ phiếu này diễn ra sau hàng tuần vận động của phe “Rời bỏ” để đảm bảo với các cử tri rằng họ sẽ “lấy lại quyền kiểm soát” và hạn chế nhập cư từ EU nếu Anh rời khỏi khối. Hiện cuộc trưng cầu đã kết thúc với thắng lợi nghiêng về phe Rời đi, vậy điều gì sẽ xảy ra với những người nhập cư EU hiện đang ở Anh – và với những công dân Anh hiện đang sinh sống ở châu Âu?
Có khoảng 3 triệu công dân EU sống ở Anh, so với 1,2 triệu người Anh đang sống ở châu Âu lục địa. Số lượng người nhập cư EU đến Anh đã tăng lên kể từ khi khối này được mở rộng vào năm 2004. Năm ngoái, số lượng nhập cư ròng từ EU đã đạt mức cao lịch sử, chủ yếu là bởi vì người Anh ít di chuyển ra nước ngoài. Nhiều người coi đây là một lợi ích: theo nghiên cứu từ Trung tâm Hoạt động Kinh tế, một tổ chức nghiên cứu chính sách, người nhập cư EU dường như có nhiều người có trình độ đại học hơn, ít đòi quyền lợi hơn và nhiều khả năng có việc làm hơn so với cư dân bản địa.
Số phận của cả hai nhóm phụ thuộc vào thỏa thuận mà Anh sẽ đạt được với EU. Không có gì sẽ xảy ra cho đến khi (hoặc, thực sự, nếu) Điều 50, điều khoản để chính thức kích hoạt quá trình rời khỏi Liên minh, được viện dẫn bởi chính phủ Anh. Nếu thỏa thuận này bao gồm việc di chuyển tự do của người dân, như ở Na Uy, thì cả hai bộ phận người di cư này sẽ vẫn được tự do như trước. Nếu không, tình hình sẽ trở nên phức tạp hơn rất nhiều. Theo Steve Peers, một giáo sư luật tại Đại học Essex, theo luật EU, những công dân Anh đã cư trú tại một nước EU trong năm năm hoặc lâu hơn sẽ có thể nộp đơn xin cư trú dài hạn, nhưng điều này thường có nghĩa là người di cư đó phải học ngôn ngữ bản địa. Hơn nữa, người di cư Anh lớn tuổi có thể sẽ không còn được hưởng sự bảo hộ đối với lương hưu của họ nữa – điều vốn tồn tại như một phần của việc Anh tham gia vào thị trường chung – và lương hưu của họ có thể bị cố định thay vì được điều chỉnh theo lạm phát.
Mặc dù có thể là một bất ngờ cho nhiều người theo dõi chiến dịch, nhưng phe “Rời bỏ” đã tuyên bố trước cuộc trưng cầu dân ý rằng các công dân EU đã “cư trú hợp pháp” ở Anh sẽ “tự động được cấp phép ở lại không thời hạn”. Theo Sarah O’Connor của tờ Financial Times, 71% người di cư EU đã sống ở Anh trong hơn năm năm, một điều giúp họ đủ điều kiện thường trú theo pháp luật hiện hành.
Tùy thuộc vào thỏa thuận mà Anh đạt được với EU, có nhiều khả năng những người di cư trong tương lai sẽ phải đối mặt với những quy định pháp luật cứng rắn hơn, hoặc các thành viên gia đình của những người di cư EU sẽ không được phép vào nước Anh. Tuy nhiên, dù nhiều người nhập cư EU có thể ở lại, một số có thể quyết định ra đi. Ngày 27/6, David Cameron, vị Thủ tướng sắp từ nhiệm của Anh, đã lên án những bức graffiti ở một trung tâm cộng đồng người Ba Lan tại London và việc lăng mạ những người thuộc nhóm các sắc tộc thiểu số. Mặc dù chưa có những quy định mới, Anh đã trở thành một nơi ít chào đón người nhập cư hơn.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét