Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2016
Nhìn lại vai trò Quốc hội dân chủ đầu tiên của Liên Xô
12:00
Hoàng Phong Nhã
No comments
Nguồn: Roy Medvedev, “The First and Last Soviet Parliament”, Project Syndicate, 20/10/1999
Biên dịch: Nguyễn Lương Sỹ | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Nỗ lực năm 1989 nhằm thiết lập một Quốc hội được bầu một cách dân chủ đầu tiên tại Liên Xô đã chứng tỏ là một trong những cải cách bất ngờ nhất của Gorbachev. Thực vậy, quyết định về chính sách trong nước này tương tự như quyết định đối ngoại của ông nhằm cho phép Đông Âu đoạn tuyệt với chủ nghĩa Cộng sản. Những cải cách quốc nội khác của Gorbachev đã giải quyết các vấn đề kinh tế và văn hóa, thậm chí là cả vấn nạn lạm dụng chất có cồn; còn đây là nỗ lực cải cách lại hệ thống quyền lực. Cũng giống như perestroika (“cải tổ”, chính sách cải cách được Liên Xô tiến hành từ 1986 – 1991), nó đã thất bại bởi thiếu các mục tiêu rõ ràng.
Là một người bất đồng chính kiến trước đây, tôi không chỉ là một trong những đại biểu dân cử đầu tiên của Quốc hội Liên Xô và Xô-viết Tối cao, mà còn là ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản. Sau gần 20 năm bị ngăn cản khỏi công việc, kể cả công việc làm giáo viên phổ thông, tôi bất ngờ nhận ra mình đang ở rất gần với chiếc ghế quyền lực tại điện Kremlin! Với tư cách là một nhà sử học, tôi coi đây như một cơ hội đặc biệt để tự mình chứng kiến lịch sử. Xin kể lại một vài thứ mà tôi đã chứng kiến.
Giới chức lãnh đạo cộng sản, trước tiên và cao nhất là Gorbachev, hi vọng tiến trình dân chủ hóa ngày càng mạnh mẽ sẽ tăng cường sức mạnh cho cánh tay (lập pháp) của Đảng. Nhưng thay vào đó, nghị viện mới nhanh chóng tuột khỏi tầm kiểm soát của Đảng bằng cách thông qua các đạo luật bãi bỏ thế độc tôn quyền lực của Đảng và làm suy yếu thẩm quyền của Gorbachev.
Nghị viện mới cũng tạo ra một lối thoát để đối mặt với các vấn nạn ngày càng lan rộng của đất nước. Rất nhanh sau đó, Đại hội Đại biểu Nhân dân mới, cũng như các nghị viện mới thành lập của Liên bang Nga và các quốc gia Cộng hòa khác thuộc Liên Xô đã trở thành các chiến trường chính trị, mở ra một tiến trình dẫn đến sự sụp đổ của Đảng Cộng sản và Liên bang Xô-viết. Số phận của nghị viện dân chủ đầu tiên là rất đáng buồn – nó chỉ hoạt động được trong nửa nhiệm kỳ và sau đó bị bãi bỏ bởi Nghị viện Nga của Yeltsin. Nhưng số phận của Nghị viện Nga thậm chí còn kịch tính hơn – nó đã bị kết liễu vào năm 1993 bởi lính dù dưới hỏa lực khủng khiếp của xe tăng.
Nhiều người xem các cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên này là thành tựu chính trong các cải cách của Gorbachev. Lúc bấy giờ, tôi không cho rằng chúng quá quan trọng, vì chúng vẫn rất mơ hồ do việc duy trì sự kiểm soát của Đảng Cộng sản vẫn được bảo đảm. Tôi vẫn không thay đổi quan điểm thậm chí sau khi đã được giới thiệu ra tranh cử tại quận Voroshilov ở Moskva.
Bất chấp việc đảng ủy của quận này ủng hộ người khác, tôi vẫn đắc cử. Thực ra, các ứng viên độc lập như tôi đã giành chiến thắng tại 60 quận trên khắp cả nước, trong số đó có Andrei Sakharov (nhà vật lý bất đồng chính kiến – NBT). Evgeny Primakov (sau này là Thủ tướng Nga – NBT) cũng trúng cử đại biểu Liên Xô từ danh sách giới thiệu của Đảng Cộng sản, bước đầu tiên giúp ông dấn thân vào chính trị.
Nhưng chính Boris Yeltsin mới là người giành thắng lợi lớn nhất. Năm 1987, ông đã bị tước hết toàn bộ chức vụ trong đảng; sự nghiệp chính trị của ông bị hủy hoại. Tuy nhiên, ông được giới thiệu làm ứng viên tại 200 quận. Ông ra tranh cử tại quận lớn nhất, Quận Lãnh thổ Quốc gia Moskva (Moscow national – territorial district), nơi bao gồm toàn bộ Moskva, và nhận được 87% số phiếu bầu. Thành công này đã đưa Yeltsin trở lại chính trị đỉnh cao.
Bởi Quốc hội đầu tiên đó thiếu các quy định rõ ràng và một chương trình nghị sự, Gorbachev đã rất vất vả duy trì trật tự. Gorbachev hy vọng có thể sử dụng Quốc hội nhằm tạo áp lực lên bộ máy đảng bảo thủ, nhưng phần lớn đại biểu, kể cả các đảng viên Cộng sản, tuyên bố rằng nguyện vọng của các cử tri, chứ không phải của các đảng ủy, mới là ưu tiên hiện tại của họ. Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản bốc hơi ngay trước mắt họ.
Xô-viết Tối cao được bầu bởi Quốc hội đó càng yếu ớt hơn. Nó giải quyết các vấn đề thường ngày, thiết lập các ủy ban, và thảo luận rất nhiều đạo luật. Nhưng điều kiện của đất nước thì ngày càng tệ hại. Đình công leo thang. Niềm tin vào bộ chính trị và chính phủ đổ vỡ khi giới lãnh đạo không biết phải chọn gì từ vô số các cải cách được đề xuất. Sự rõ ràng trước đây trong ý thức hệ và tuyên truyền đã biến mất.
Trong khi đó, cuộc “Cách mạng Nhung” bùng cháy khắp Đông Âu. Bức tường Berlin sụp đổ. Khối Vác-sa-va và Hội đồng Tương trợ Kinh tế (COMECON) tan rã. Không một ai trong giới chức lãnh đạo Liên Xô biết cách phản ứng lại các sự kiện đó, không một quyết định rõ ràng nào được đưa ra. Chủ nghĩa cộng sản quốc tế biến mất không phải với một cú nổ rền vang mà chỉ với một tiếng rên rỉ.
Hệ quả của sự thoái trào này là sự bất mãn đối với Gorbachev tăng cao trong bộ máy đảng và nhà nước, nhưng sự phản đối của họ vẫn không mang tính tổ chức. Sự hình thành các tổ chức dân chủ đối lập cấp tiến lại chắc chắn hơn nhiều. Một nhóm 250 đại biểu nhân dân, được thành lập vào mùa hè năm 1989, trở thành trung tâm của phe đối lập. Sakharov trở thành nhà lãnh đạo không chính thức, nhưng Yeltsin mới là nhân vật nổi tiếng nhất.
Bị tấn công bởi các đảng viên Cộng sản và các thành viên dân chủ cấp tiến như vậy, Gorbachev nhận ra mình đang ở trong một vị trí vô cùng bấp bênh, điều càng trở nên trầm trọng hơn bởi việc Liên Xô có vẻ như đã sắp sụp đổ. Các Mặt trận Quốc gia (đòi độc lập) đã trở nên lớn mạnh ở Ukraine, các nước cộng hòa vùng Caucasus (Cáp-ca-dơ) và khu vực Baltic.
Trong hoàn cảnh đó, sự thoái trào chính trị của Gorbachev vẫn tiếp tục. Để đổi lại việc ra đời chế định tổng thống, ông đã hủy bỏ điều 6 của Hiến pháp Liên Xô, vốn là điều quy định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Nhưng Gorbachev không có dũng khí để tổ chức bầu cử tổng thống toàn quốc. Thay vào đó, ông đã đắc cử Tổng thống Liên Xô vào tháng 3 năm 1990 chỉ với 59% phiếu bầu của Quốc hội. Tuy vậy, không ai tưởng tượng được rằng sự sụp đổ của toàn bộ hệ thống lại sắp sửa diễn ra nhanh như vậy.
Lựa chọn của Gorbachev trong việc kết hợp chủ nghĩa xã hội và thể chế dân chủ không hoàn toàn sai lầm, mặc dù nhiều người ngày nay cho là vậy. Đất nước chúng ta cần thể chế dân chủ và cải cách kinh tế, nhưng ít ai hiểu rằng chế độ dân chủ và nền kinh tế thị trường là những hệ thống phức tạp không thể phát triển dễ dàng trong một môi trường kinh tế xã hội chưa được chuẩn bị sẵn sàng. Hồi năm 1971, tôi có một tranh luận với Sakharov, người khẳng định Liên Xô có thể được chuyển đổi sang chế độ dân chủ trong vòng chưa tới hai năm. Nhưng tôi tin rằng ít nhất phải cần tới 15 năm nỗ lực không ngừng.
Xã hội Xô-viết giống như một cái hồ bị bao quanh bởi những con đập cao ngút của quyền lực chuyên chế. Nhưng những con đập đó đã bị xói mòn, đe dọa gây ra lũ lụt. Năng lượng bị kìm kẹp cần được giải phóng, nhưng phải hết sức cẩn trọng. Hành động của Gorbachev không tạo ra bất kỳ cổng xả lũ đáng tin cậy nào; chúng rõ ràng bị rạn nứt trong một cơ chế quyền lực đổ nát. Khoảng cách giữa hệ thống dân chủ và chuyên chế vẫn còn quá lớn; người ta không thể nhảy qua khoảng cách đó chỉ trong ngày một ngày hai.
Hai năm sau khi Nghị viện dân chủ đầu tiên đó được triệu tập, Liên Xô sụp đổ nhưng các dân tộc thuộc Nga không chuyển sang tư tưởng cấp tiến của cả cánh tả lẫn cánh hữu. Sự tỉnh táo hữu lý đó đã ngăn chặn được thảm họa, nội chiến, và xung đột giữa các cựu thành viên của Liên Xô. Các phần tử cực đoạn thuộc mọi thành phần đã không thể lôi kéo được đám đông.
Do vậy, kể cả khi Liên Xô đổ vỡ từ bên trong, nước Nga vẫn tỏ ra mạnh mẽ hơn, kỷ luật và thực tế hơn nhiều người chờ đợi. Sự cố kết đó thậm chí trong thời kỳ tồi tệ nhất vẫn cho phép dân tộc Nga bày tỏ sự kính trọng mới dành cho vị Tổng thống đầu tiên của Liên Xô, mặc dù những bày tỏ tình cảm đó gần đây là do sự qua đời của bà Raisa Gorbachev. Lịch sử nước Nga trong 10 năm qua vô cùng khó khăn, nhưng các cuộc bầu cử Duma mới vào tháng 12/1999, và kỳ bầu cử Tổng thống mùa hè năm 2000, sẽ một lần nữa chứng tỏ rằng dân tộc chúng ta có những nguyên tắc để kiên định bất chấp một thập kỷ hỗn mang.
Roy Medvedev, nhà sử học và là người bất đồng chính kiến thời kỳ Liên Xô, là tác giả của nhiều cuốn sách, bao gồm Stalin: Let History Judge và Khrushchev: The years in Power (đồng tác giả với Zhores Medvedev).
Copyright: Project Syndicate 1999 – The First and Last Soviet Parliament
0 nhận xét:
Đăng nhận xét