Thứ Tư, 6 tháng 7, 2016
Tính toán mới của Trung Quốc về Biển Đông
21:46
Hoàng Phong Nhã
No comments
Tác giả: Yun Sun | Biên dịch: Lê Hồng Hiệp
Trong những
tháng gần đây, các hành động đơn phương của Trung Quốc nhằm khẳng định
yêu sách của mình ở Biển Đông đã đẩy căng thẳng khu vực lên cao. Các
hành động được tính toán kỹ lưỡng của Trung Quốc được thúc đẩy bởi nhiều
yếu tố trong lẫn ngoài nước. Những yếu tố này bao gồm việc thúc đẩy uy
tín và thẩm quyền của Tập Cận Bình nhằm phục vụ chương trình nghị sự cải
cách trong nước; và nhận định rằng Hoa Kỳ rất nhiều khả năng sẽ không
can thiệp vào thời điểm này. Bên cạnh những hành động công khai nhằm
khẳng định yêu sách của mình ở Biển Đông, các tuyên bố chính thức và các
phân tích pháp lý trong nội bộ Trung Quốc cũng phản ánh một quyết tâm
được điều chỉnh lại nhằm củng cố (yêu sách) đường chín đoạn gây tranh
cãi của nước này ở Biển Đông.
Từ quan điểm
Trung Quốc, lời giải thích rõ ràng và trực tiếp nhất cho sự hung hăng
ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông là rất đơn giản: Trung Quốc
tin rằng sự kiềm chế đơn phương của nước này trước đây đã không làm gì
để giúp cải thiện vị thế của nó trong các tranh chấp Biển Đông và việc
không hành động thực tế đã dẫn tới việc các nước tranh chấp khác tăng
cường hiện diện và yêu sách của mình. Vì vậy, để Trung Quốc có thể cải
thiện vị thế của mình trong bối cảnh hiện tại cũng như các cuộc đàm phán
tương lai, Trung Quốc trước hết phải thay đổi nguyên trạng thông qua
những phương tiện sẵn có cần thiết. Trung Quốc muốn ưu tiên sử dụng cách
tiếp cận dân sự và bán quân sự nhưng không bác bỏ biện pháp cưỡng ép
quân sự nếu phải làm như vậy. Một vị thế có lợi và một đặc quyền riêng
biệt nhất định ở Biển Đông được cho là không thể thiếu đối với tham vọng
của Trung Quốc nhằm trở thành một “cường quốc biển”, một “nhiệm vụ
chính” được đề ra bởi Đại hội Đảng lần thứ 18 vào năm 2012 và là một
chính sách được cá nhân Tập ủng hộ. Trong khi tham vọng có được một lực
lượng “hải quân viễn dương” và việc bành trướng hải quân đối mặt với
nhiều điểm nghẽn dọc theo bờ biển phía Đông từ Nhật Bản kéo dài xuống
Philippines, thì Biển Đông được coi là mang lại cho Trung Quốc một khu
vực hải dương rộng lớn và dễ thở hơn cho các hoạt động hải quân của
mình.
Dù chính sách
thay đổi nguyên trạng và theo đuổi địa vị cường quốc biển đã tồn tại lâu
nay thì thời điểm cụ thể của các hành động gần đây nhất của Trung Quốc
lại liên quan đến tình hình chính trị trong nước – Chủ tịch Tập cần một
vị thế chính sách đối ngoại mạnh nhằm củng cố nền tảng quyền lực trong
nước. Chương trình cải cách đang diễn ra của Tập từ khi nhậm chức vào
năm 2013, bao gồm “tăng cường cải cách kinh tế” và chiến dịch “chống
tham nhũng” mạnh mẽ đã đụng chạm đến nhiều vấn đề nhạy cảm liên quan đến
các nhóm lợi ích hiện hữu và quan hệ chính trị trong hàng ngũ lãnh đạo
Trung Quốc. Vì vậy Tập cần giành được càng nhiều uy tín chính sách đối
ngoại càng tốt để xây dựng hình ảnh lãnh đạo cứng rắn và pha loãng chỉ
trích nội bộ đối với các chương trình nghị sự trong nước của mình. Điều
này không nhất thiết cho thấy hoặc chứng minh rằng bản thân Tập không
ủng hộ một chính sách đối ngoại cứng rắn hơn, chỉ là bổ sung một lớp
động lực mạnh mẽ thêm vào đó.
Cuối cùng nhưng
không kém phần quan trọng là Trung Quốc hành xử hung hăng ở Biển Đông
vì nước này tin rằng nó có thể làm như vậy. Đánh giá này không chỉ dựa
trên năng lực quân sự ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc vốn vượt trội
hơn hẳn tất cả các nước tranh chấp ở ĐNA cộng lại, mà còn dựa trên niềm
tin ở Trung Quốc rằng Mỹ sẽ không dùng sức mạnh cứng để đối phó với các
hành động của Trung Quốc. Trung Quốc đã theo dõi sát sao sự lưỡng lự của
Mỹ trước việc can thiệp quân sự vào Syria cũng như ở Ukraine, và rút ra
kết luận rằng chính quyền Obama không muốn can dự vào một cuộc xung đột
quân sự. Ngoài ra Trung Quốc cũng tin rằng chính quyền Obama không muốn
có một di sản chính sách đối ngoại trong đó bao gồm một cuộc xung đột
với Trung Quốc.
Mặc dù vậy,
Trung Quốc cũng thừa nhận sự khác biệt giữa Ukraine, vốn không phải là
một thành viên của NATO, với Philippines, vốn là một đồng minh của Mỹ.
Tuy nhiên, khi Trung Quốc giành quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough vào
năm 2012, Mỹ đã không làm gì. Hơn nữa, như bà Phó Oánh, Chủ tịch Ủy ban
Đối ngoại của Quốc hội đã chỉ ra tại Đối thoại Shangri-La gần đây, tranh
chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam “không liên quan gì tới Mỹ”. Thông
điệp ẩn đằng sau là Việt Nam thậm chí không phải là một đồng minh của Mỹ
và khả năng Mỹ can thiệp thay mặt Việt Nam là cực kỳ thấp, nếu không
muốn nói là không tồn tại.
Bên cạnh việc
tiến hành các hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng, Trung
Quốc cũng đang củng cố các lập luận của mình đằng sau “đường chín đoạn”
gây tranh cãi ở Biển Đông. Phó Tổng tham mưu trưởng Giải phóng quân
Trung Quốc (PLA) Wang Guanzhong đã trình bày 6 điểm chưa có tiền lệ về
tính hợp pháp của đường chín đoạn tại Đối thoại Shangri-La, một chỉ dấu
rõ ràng cho thấy quyết tâm của Bắc Kinh trong việc chống đỡ các yêu sách
tranh cãi của mình. Điều này tương phản hoàn toàn với một vài năm trước
đây khi cộng đồng nghiên cứu pháp lý và chính sách đối ngoại của Trung
Quốc vẫn còn tranh cãi về giá trị của đường chín đoạn. Giờ đây các nhà
phân tích Trung Quốc hầu như nhất trí cho rằng Trung Quốc nên đơn phương
duy trì yêu sách tranh cãi này.
Trung Quốc hiểu
rất rõ sự mâu thuẫn giữa đường chín đoạn với UNCLOS và đã đầu tư đáng
kể vào các nghiên cứu pháp lý nhằm củng cố lập luận “quyền lịch sử” của
mình. Một số chuyên gia Trung Quốc đã tìm thấy sự biện minh ngay trong
chính UNCLOS, tuyên bố rằng Công ước này “mập mờ” và “không bao quát” về
vấn đề danh nghĩa quyền lịch sử. Vì vậy, theo quan điểm của họ, vấn đề
quyền lịch sử đã không được giải quyết bởi UNCLOS và vẫn là một cuộc
thảo luận mở đang diễn ra. Các chuyên gia Trung Quốc khác lại cho rằng
đường chín đoạn sẽ không có căn cứ ủng hộ nào từ UNCLOS. Thay vào đó họ
cố gắng tìm kiếm các cách biện minh khác bên ngoài UNCLOS từ các luật
tập quán và quy tắc hành xử quốc tế. Cả hai trường phái đều lập luận
rằng do đường chín đoạn ra đời trước UNCLOS 4 thập niên và các quyền
lịch sử của Trung Quốc có trước UNCLOS còn lâu hơn thế, nên UNCLOS không
thể được áp dụng theo kiểu hồi tố để bác bỏ chủ quyền, quyền chủ quyền
và quyền tài phán trên biển của Trung Quốc vốn đã được hình thành trong
lịch sử.
Trung Quốc cũng
cẩn thận điều chỉnh lại những gì mà nước này muốn yêu sách trong đường
chín đoạn. Lý do duy trì “sự mập mờ chiến lược” là rõ ràng: Nhằm dành
chỗ và sự linh hoạt cho các cuộc đàm phán tương lai. Hầu hết các nhà
phân tích Trung Quốc đều có xu hướng coi các vùng nước trong đường chín
đoạn là một vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc, mặc dù chính phủ chưa
công khai ủng hộ lập trường này.
Nhiều người
trong giới hoạch định chính sách Trung Quốc hiểu rõ những điểm yếu của
các lập luận pháp lý này. Tuy nhiên có các lập luận yếu nhưng hợp pháp
còn tốt hơn là không có lập luận nào cả, đặc biệt là khi các lập trường
như vậy được chống đỡ bởi sức mạnh quốc gia lớn và sự sẵn lòng trong
việc sử dụng quyền lực đó. Nếu so sánh, phí tổn về uy tín đối với Trung
Quốc được cho là có thể quản lý được. Trong thực tế, theo phân tích chi
phí – lợi ích của Trung Quốc thì lợi ích thật sự của các hành động cưỡng
bức lớn hơn đáng kể so với chi phí. Rốt cuộc, Trung Quốc có các biện
pháp khác, nhất là thông qua kinh tế, để cải thiện quan hệ với ĐNA,
trong khi các yêu sách của nó ở Biển Đông khó có thể đạt được thông qua
bất cứ cách nào khác ngoài sự cưỡng ép. Bên cạnh đó, Trung Quốc không
chấp nhận cơ chế giải quyết tranh chấp được quy định bởi UNCLOS. Vì vậy
ngay cả khi tòa trọng tài quốc tế ủng hộ các yêu sách của Philippines
thì Trung Quốc cũng không chấp nhận kết quả đó, và sẽ rất khó, nếu không
nói là hoàn toàn không thể, để tòa có thể cho thi hành được phán quyết
của mình.
Dù các nước
khác có muốn hay không thì Trung Quốc cũng đang giành được những gì nước
này muốn. Các diễn biến mới trong tính toán và lập trường của Trung
Quốc cần phải được hiểu một cách chính xác và được đối phó kịp thời bởi
các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là Hoa Kỳ./.
Nguồn: Asia Pacific Bulettin
0 nhận xét:
Đăng nhận xét