"Chúng
ta chẳng có gì để giúp học sinh hình dung khi học môn Lịch Sử, để khoe
với thế giới về những sáng tạo của các nhà văn, nhà thơ, của các nhạc sĩ
của chúng ta ngoài một số bản thảo viết tay của một số lãnh tụ cách
mạng"…
Phó
Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy là một nhà nghiên cứu dân tộc học Việt
Nam, cựu Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, hiện là Giám đốc chuyên
môn của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Ông đồng thời là Ủy
viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia các nhiệm kỳ 2004-2009 và
2010-2014. Ông hiện là giám đốc, kiêm chủ sở hữu, của bảo tàng ngoài
công lập mang tên Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên
Bàn
về dạy và học môn Lịch Sử, Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy nói :
"Quay lại nhìn xem, chúng ta có gì. Chúng ta chẳng có gì để giúp học
sinh hình dung khi học môn Lịch Sử, để khoe với thế giới về những sáng
tạo của các nhà văn, nhà thơ, của các nhạc sĩ của chúng ta ngoài một số
bản thảo viết tay của một số lãnh tụ cách mạng".
*************************
Kỳ 1
Vì sao chúng ta lạc điệu với thế giới lâu thế ?
PV : Là một nhà nghiên cứu, đi nhiều, tìm hiểu nhiều, ông có biết vì sao học sinh ở các nước lại thích thú với môn Sử ?
Nguyễn Văn Huy : Trò
chuyện với một số học sinh cấp 2 một trường quốc tế tôi thấy các em bày
tỏ sự yêu thích và hiểu biết môn lịch sử một cách đặc biệt. Thậm chí có
em còn nắm được các kiến thức sử của lớp 12.
Tham
khảo sách giáo khoa ở một số nước trên thế giới, ví dụ Pháp sẽ phần nào
hiểu vì sao học sinh nước họ lại hứng thú với môn Sử. Đó là những cuốn
sách được in mầu, trình bày gọn gàng, khoa học và bắt mắt. Từng bài sử
không dài, chữ viết rất ít, chủ yếu là những hình ảnh minh họa cho từng
vấn đề ở từng thời kỳ.
Những
cuốn sách giáo khoa đó không chỉ đơn thuần là những câu chuyện lịch sử
khô cứng, nội dung trong đó được lồng ghép cả địa lí và lịch sử nghệ
thuật hay giáo dục công dân.
Tại
nhiều nước, học lịch sử là giúp học sinh được tắm mình trong những trải
nghiệm khám phá và nâng cao hiểu biết theo vấn đề chứ không phải bắt
buộc phải học thuộc lòng từng chi tiết, từng con số một cách máy móc.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy. Ảnh : Petrotimes
Có
lẽ tôi chưa thấy có nước nào trên thế giới lại đi tích hợp môn Giáo dục
công dân và Tổ quốc. Tổ quốc là môn gì ? Bởi lẽ tất cả những gì thuộc
về tổ quốc cũng là nằm trong 3 môn lịch sử, môn địa lí và môn giáo dục
công dân rồi. Bởi lẽ, khoa học về lịch sử, địa lý, và công dân là khoa
học cơ bản nhất của chuyên ngành khoa học xã hội, chúng rộng hơn khái
niệm của cái gọi là bộ môn Tổ quốc nhiều.
Ở
Pháp và một số nước khác, Giáo dục Quốc phòng chỉ là một phần trong bộ
môn Giáo dục Công dân chứ không thành một môn độc lập. Dạy Quốc phòng là
để giúp học sinh nhận biết về quốc phòng là gì, luật pháp về quốc
phòng, như tổ chức quốc phòng, ai quyết định quốc phòng, về nghĩa vụ bảo
vệ đất nước... Và môn Giáo dục công dân giúp học sinh biết cả về luật
giao thông, luật bảo vệ môi trường…
PV : Như vậy có thể thấy rằng nội dung giảng dạy trong sách giáo khoa của ta rất khác với nhiều nước ?
Đúng
vậy. Vì sao chúng ta cứ lạc điệu với thế giới lâu thế ? Chúng ta đã hội
nhập sát sườn thế giới về kinh tế, không có lí do gì giáo dục của chúng
ta lại không hội nhập.
Hội
nhập không chỉ ở cách tổ chức dạy học, cách tổ chức làm sách giáo khoa.
Mà chúng ta có thể hội nhập bằng cách lựa chọn một bộ sách giáo khoa
chuẩn của những quốc gia tiên tiến, đã được thực tiễn chứng minh là
thành công trong giáo dục Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Singapore để nghiên
cứu và từ đó rút kinh nghiệm, học phương pháp để xây dựng sách giáo khoa
của ta cho phù hợp với điều kiện nước ta.
PV : Tôi
được biết, ở các nước, ngoài những bộ sách giáo khoa dạy Sử, hay những
cuốn truyện sử với những nội dung phong phú, sinh động, họ còn có hệ
thống bảo tàng dồi dào hiện vật được xem là như những giáo trình trực
quan có đúng không ạ ?
Nguyễn Văn Huy : Đúng
vậy, để hiểu lịch sử, ngoài các câu chuyện được ghi lại, cần có những
di sản được lưu giữ. Nếu như việc học lịch sử qua sách giáo khoa với
những bức ảnh lịch sử hay tranh tượng nghệ thuật giúp các em về kiến
thức thì việc học qua bảo tàng giúp các em dễ dàng hình dung và phát huy
được sự chủ động tìm tòi và sáng tạo. Bởi lẽ trăm nghe không bằng một
thấy.
Không
một quốc gia văn minh tiên tiến nào lại không phát triển hệ thống bảo
tàng. Bởi lẽ bảo tàng chính là ngôi trường học đầy những trải nghiệm
sống động và thực tiễn. Bảo tàng mang đến phương pháp tiếp cận trực quan
tốt nhất cho học sinh. Không chỉ là nơi lưu giữ rất nhiều những di sản
quốc gia về văn hóa nghệ thuật, địa lí, lịch sử… hệ thống bảo tàng quốc
gia còn là một kho tàng đầy tính trí tuệ và nhân văn. Đó là nơi đem lại
những chất liệu tốt nhất cho thầy cô và các em học sinh bổ sung thêm
nhận thức phong phú và sáng tạo.
Nhìn
ra thế giới xung quanh sẽ thấy, người Nga tự hào với bảo tàng Puskin ;
Người Đức thuyết phục chúng ta bằng bảo tàng về thi hào Goethe ở
Frankfurt am Main… Người Mỹ có những bảo tàng vô cùng hấp dẫn. Quay lại
nhìn xem, chúng ta có gì. Chúng ta chẳng có gì để giúp học sinh hình
dung khi học môn Lịch Sử, để khoe với thế giới về những sáng tạo của các
nhà văn, nhà thơ, của các nhạc sĩ của chúng ta ngoài một số bản thảo
viết tay của một số lãnh tụ cách mạng.
Nhìn di sản của cha ông, nhất là của giới khoa học và sáng tạo cứ mai một mất dần, rồi biến mất, tôi tiếc lắm.
Lan Anh thực hiện
*************************
Kỳ 2
Không nên dạy Lịch Sử bằng tư duy áp đặt
"Các nước tiên tiến, phát triển,
người ta không áp đặt về tư duy. Học sinh có thể viết theo cách hiểu
biết và sáng tạo riêng của mình"…
PV : Các
trường của chúng ta vẫn tổ chức cho các em học sinh tham quan các bảo
tàng, ông có góp ý gì với những chuyến đi thực tế như vậy ?
Nguyễn Văn Huy : Dường
như từ trước đến nay ở nước ta vẫn chưa có cách hiểu đúng đắn nhất về
bảo tàng ? Việc các trường học tổ chức các chuyến thăm bảo tàng cho các
em học sinh lâu nay phần nhiều mang tính hình thức chỉ tiêu, phi giáo
dục và không có tính sư phạm.
Điều
đó được cụ thể qua các đoàn học sinh được tổ chức thăm bảo tàng của các
trường trong suốt 30 năm qua. Mỗi đoàn có đến 500 học sinh và có khi
lên đến 1200, với số lượng như vậy khiến bảo tàng rất ồn ào và lộn xộn.
Tôi
cũng không biết các em học được gì qua những chuyến đi ấy. Riêng tôi
thì cho rằng, không có tính sư phạm. Thế mà ngành giáo dục vẫn để tồn
tại.
PV : Ông có biết, ở các nước họ tổ chức cho học sinh học tại bảo tàng như thế nào không ?
Nguyễn Văn Huy :Họ
tổ chức cho các em đi thăm bảo tàng theo từng nhóm nhỏ từ 15-20-30 em.
Có như vậy, thầy cô giáo mới giới thiệu được những kiến thức sâu cho các
em hiểu những di sản được lưu lại từ những thời xa xưa nguồn gốc ra
sao, hay khám phá từ những bức tranh để hiểu được bối cảnh lịch sử, địa
lí, tính văn hóa, nghệ thuật trong bức tranh ấy.
Bảo tàng lịch sử quốc gia. Ảnh : mic.gov.vn
Ở
London nước Anh có một chương trình với tên gọi "One picture one year"
có nghĩa rằng mỗi năm các em chỉ học một bức tranh được chọn trong bảo
tàng. Tức là học khám phá một bức tranh chứ không phải chỉ đơn giản ngắm
nhìn nữa. Và nhờ hệ thống nhà trường và bảo tàng kết hợp với nhau rất
chặt chẽ mà người ta thiết kế một chương trình học để các em có thể khai
thác được tất cả những kiến thức tối đa từ một bức tranh đó.
Ví
dụ, về phương pháp, từ nhìn tranh người ta sẽ đặt ra không biết bao câu
hỏi và học sinh sẽ chủ động đi tìm tòi và trả lời cho các câu hỏi đó.
Chẳng
hạn với một bức tranh vẽ về cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng ở Bảo tàng
Mỹ thuật, học sinh có thể tìm hiểu về lịch sử, địa lí và bối cảnh ra
đời của bức tranh ấy trong thời kì nào, Hai Bà Trưng là ai, thời kì đó
nước ta bị nô lệ thế nào và Hai Bà Trưng đã khởi nghĩa ra sao, diễn ra ở
đâu…
Cũng
từ bức tranh đó, học sinh còn có thể tìm hiểu về văn hóa truyền thống
thời ấy của Việt Nam là gì qua các trang phục của họ, phong tục tập
quán. Các em còn hiểu thêm về nghệ thuật vẽ tranh, màu sắc và bố cục
thẩm mỹ. Chưa kể học sinh tìm hiểu xem tác giả vẽ bức tranh ấy là ai,
họa sĩ vẽ trong hoàn cảnh nào…
Mỗi
bảo tàng của họ thường có đến hàng ngàn tác phẩm điêu khắc nổi tiếng
của thế giới. Nhưng họ lại không ôm đồm cưỡi ngựa xem hoa, mà phương
pháp là học dần dần, từng bước vững chắc để có hiểu biết chuyên sâu từ
đó thiết lập được phương pháp tiếp cận tích hợp về lịch sử, địa lý, nghệ
thuật khi phân tích một tác phẩm nghệ thuật cho các em. Sau khi có
phương pháp tiếp cận, các em tự trình bày về những hiểu biết của mình
xung quanh bức tranh đó hay sáng tạo một bức họa, một bài thơ từ nguồn
cảm hứng khi học về bức tranh đó.
Một
điều đặc biệt nữa là ở các nước tiên tiến, phát triển, người ta không
áp đặt về tư duy. Học sinh có thể viết theo cách hiểu biết và sáng tạo
riêng của mình. Rồi từ đó, các em thuyết trình dựa trên nội dung ấy.
PV : Ngoài hệ thống bảo tàng, theo ông, chúng ta có thể sử dụng những gì để giúp môn Lịch Sử không bị khô cứng, tẻ nhạt ?
Nguyễn Văn Huy :Hãy
đưa các em đi xem các di sản ở quanh chúng ta. Ở Đồng Văn, Mèo Vạc có
vẻ đẹp vùng tam giác mạch mà gần đây người ta đang ùn ùn kéo nhau lên đó
ngắm, đó chính là di sản. Những con đường, con sông, những thửa ruộng
bậc thang, những hộc đá thổ canh, xóm làng của cư dân sinh sống xung
quanh đấy lâu đời đều là những di sản sống.
Với
những em ở vùng ruộng lúa, thì mỗi ngôi làng, mỗi mái đình cong hay
những kỹ thuật canh tác lúa, những làng nghề thủ công truyền thống lâu
đời…cũng là di sản, những di sản sống rất có hồn của lịch sử mà chúng ta
còn lưu giữ được.
Hay
khi học về thời kháng chiến tranh chống Pháp hay chống Mỹ, hãy đưa các
em đến gặp các anh bộ đội cụ Hồ, các bác cựu chiến binh, vùng nào chả
có. Hãy đưa các em đến để nghe họ kể lại lịch sử của bản thân họ, kể lại
những gì họ đã trải qua.
Lâu
nay các trường có đưa các em đi thăm các dấu tích xưa, ví dụ Ải Chi
Lăng, phòng tuyến sống Như Nguyệt. Nhưng như tôi biết, các em đến nơi,
được tập trung ngồi một chỗ nghe thầy cô thuyết giảng. Sao trong những
chuyến đi như vậy, không thiết kế cho các em được trải nghiệm thực tế
tại các khu dân cư sinh sống để các em tự mày mỏ hỏi chuyện, để tự các
em tự tìm tòi khám phá...
Lịch sử không ngủ triền miên mà lịch sử luôn sống động, lịch sử hòa quện với cuộc sống đương đại.
Lan Anh thực hiện
Nguồn : VietnamNet, TuanVietnam, 23&24/11/2015