Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Năm, 26 tháng 11, 2015

Nguyễn Kỳ Phong: Đường về Tchepone Lam Sơn 719

Văn Hóa Magazine trân trọng giới thiệu 1 chương về Chiến tranh Việt Nam trong tác phẩm mới nhất của nhà nghiên cứu Nguyễn Kỳ Phong:
Hành quân - Đường về Tchepone Lam Sơn 719
Nguyễn Kỳ Phong
image072
image075-contentSách dầy 222 trang
Bìa láng 5 mầu in hình cuộc hành quân Lam Sơn 719
Bìa sau in hình Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu nói chuyện trước hàng quân.
Giá bán 25 mỹ kim
Liên lạc mua ở nhà sách Tự Lực Quận Cam
Trích Chương Bảy: (Với sự đồng ý của tác giả)
Nửa Đường Đi Xuống
Bản Đông
Ngày đầu của cuộc hành quân, “ngày N” trong ngôn từ quân sự, tất cả các đơn vị xuất quân thực hiện được mục tiêu như lệnh hành quân chỉ thị. Hai Tiểu Đoàn 1 và 8 Nhảy Dù và hai Thiết Đoàn 11 và 17 đi theo đường bộ về Bản Đông. Lực Lượng Đặc Nhiệm Nhảy Dù-Thiết Kỵ đi chậm vì gặp trở ngại: đường xấu, phải chờ công binh lấp những hố bom sâu cho cơ giới qua. Từ Lao Bảo về Bản Đông khoảng 18 km. Trên đọan đường này lực lượng hành quân thiết lập hai bãi đáp trực thăng và cũng là tuyến bảo vệ đường: Bãi Đáp Bravo và Alpha (Alpha thành lập hai tuần sau Bravo). Bravo và Alpha được giao cho hai chi đội thiết kỵ của ThĐ4KB trấn giữ. Nhưng vào cao điểm của cuộc hành quân, Bravo và Alpha được hai tiểu đoàn Nhảy Dù trấn giữ.
Ở hướng đông bắc Bản Đông, cách vĩ tuyến 17 chừng 10 km và khoảng năm km bên kia biên giới, BĐQ thiết lập hai căn cứ phòng thủ theo chiều dọc bắc nam, CCBĐQB (căn cứ BĐQ bắc) và CCBĐQN (căn cứ BĐQ nam), do Tiểu Đoàn 39 và 21 BĐQ trấn giữ (đến ngày N +3, TĐ39BĐQ mới chiếm đóng CCBĐQB). Ở phía sau, nằm xéo về hướng đông nam của BĐQ là CC30ND của TĐ2ND. Hơn năm cây số về hướng tây của CC30ND, và khoảng tám cây số cực bắc Bản Đông, là CC31ND. Nơi đây đặt bộ chỉ huy của LĐ3ND và do TĐ3ND phòng thủ. Tất cả các căn cứ ở hướng bắc Đường 9 được đổ bộ và thiết lập trước 5 giờ chiều ngày N của cuộc hành quân (trừ TĐ39BĐQ). Như vậy, năm tiểu đoàn tác chiến và ba đại đội pháo binh (pháo đội) sẽ lập thành một lá chắn phòng thủ hướng bắc của trục tiến quân.
Ở phía nam Đường 9. Ba tiểu đoàn của Trung Đoàn 3 Bộ Binh, SĐ1BB (TrĐ3/SĐ1BB) chiếm những cao điểm trãi dài từ đỉnh Co Roc đến nửa đường đến Bản Đông. Theo dự trù, trong vài ngày sắp tới, thêm hai trung đoàn của SĐ1BB sẽ đổ bộ lên những cao điểm để bảo vệ phía nam Đường 9 từ Bản Đông đến nửa đường về Tchepone — một hành lang dài hơn 20 cây số. Hai Trung Đoàn 1 và 3 của SĐ1BB có đến tám tiểu đoàn tác chiến. Kế hoạch hành quân ước lượng SĐ1BB có đủ quân để chu toàn trách nhiệm.[i]
Ngày 8 tháng 2, khi lực lượng đặc nhiệm Dù-Thiết Kỵ dùng chân nghỉ qua đêm ở cây số thứ 10 trên đường tiến quân, 6.200 quân VNCH đã có mặt ở Hạ Lào. Ba chết, 14 mất tích; 38 bị thương; ba trực thăng bị bắn rơi, trong đó có một đang đổ bộ lính Dù xuống CC31ND. Đó là thiệt hại của ngày đầu trên đường đến Bản Đông.
Ngày N +1 (9 tháng 2). Trời mây thấp, có mưa rào từng cơn. Đường ướt, lầy lội, khó đi hơn. LĐ3ND tiếp tục nới rộng vòng đai phòng thủ của họ ở hướng tây bắc. Ngày N +5 (13 tháng 2), hai đại đội của TĐ6ND đổ bộ xuống phía tây CC31ND để thiết lập CC32ND như tiêu lệnh hành quân. Nhưng cuộc đổ quân không yên thấm như những ngày trước, khi kháng cự của địch hầu như không có. Lần này đại đội của TĐ6ND đổ bộ ngay vào vị trí của địch. Hỏa lực phòng thủ và kháng cự của địch mạnh đến độ đại đội được lệnh rời vị trí, di tản về hướng CC31ND. Một số quân được trực thăng bốc trở lại Khe Sanh, một số rút vào đóng chung với TĐ3ND ở CC31ND. Cuộc đổ bộ “lầm” mục tiêu gây thiệt hại cho TĐ6ND 28 chết; 50 bị thương; và 23 mất tích. Sức kháng cự của quân CSVN được BTL MACV ghi nhận và đề cập vài ngày sau ở Sài Gòn.[ii]
Ngày hành quân N +1, trên Đường 9, Quân Dù và Thiết Kỵ di chuyển chỉ được năm cây số ngày hôm đó. Một số phi vụ đổ quân bằng trực thăng bị hủy bỏ; không lực yểm trợ bị giới hạn tối đa cho ngày 9. Thời tiết tiêu biểu ở Hạ Lào: buổi sáng chừng 10 giờ đến 12 giờ sương mù mới tan; sương mù lại che phủ sau mặt trời lặn. Lính ở các căn cứ bung ra lục soát và xây dựng thêm hầm hố phòng thủ. Số hàng tiếp liệu khám phá chung quanh vùng hành quân làm bộ chỉ huy phấn khởi: ở ngoài Bản Đông mà nhiều như vậy, thì ở Bản Đông, ở Tchepone, hàng hóa tiếp liệu dự trữ sẽ còn nhiều hơn. Báo cáo từ TĐ2 và 3 Dù; TĐ21BĐQ, và các tiểu đoàn bộ binh ở hướng nam … họ khám phá nhiều hầm chứa vũ khí và hàng quân nhu quân dụng.
Phản ứng của địch rất chậm và yếu trong hai ngày đầu: Từ Đông Hà về Lao Bảo, các lực lượng của B-5 chỉ bắn phá lẻ tẻ và phục kích các đoàn xe chở tiếp liệu, mặc dù B-5 có hai trung đoàn tác chiến, hai trung đoàn pháo binh, và một tiểu đoàn đặc công đang ứng chiến tại mặt trận.[iii] Ở hai hướng bắc nam của Đường 9, phản ứng của địch là pháo kích hay chống trả cầm chân rồi di tản khi vị trí bị khám phá. Tình hình chung có vẻ yên lặng. Nhưng truyền tin điện tử nghe được cho thấy địch đang tiếp viện thêm quân; củng cố lực lượng; và xác định tọa độ của các căn cứ để chuẩn bị phản công. Trong vài ngày đầu, chiến thuật của địch dường như là “tránh voi chẳng xấu mặt nào.”
Ngày hành quân N +2 (10 tháng 2). TĐ4/TrĐ3/SĐ1BB đổ bộ xuống căn cứ Delta ở hướng nam với thiệt hại hai trực thăng bị bắn rơi. Ở Bản Đông, những cuộc đổ quân bằng trực thăng của TĐ9ND gặp trở ngại với năm ổ phòng không 12 ly 7. Nhưng đến chiều thì tiểu đoàn chiếm được Bản Đông để bắt tay với cánh quân đi vào bằng đường bộ. Địch biết Bản Đông sẽ bị tấn công bằng trực thăng vận, nên họ di tản trước. Phi cơ quan sát thấy 11 xe kéo đại bác phòng không 37 ly đi về hướng Tchepone trước đó.[iv] Lực lượng đặc nhiệm Dù-Thiết Kỵ đến giao điểm Đường 9 và 92 gần như cùng lúc với cuộc trực thăng vận của TĐ9ND vào Bản Đông, cách đó không hơn 1 cây số. Chiếm xong Bản Đông, lực lượng đặc nhiệm bung ra lục soát. Trinh sát về hướng tây Bản Đông cho biết đường lộ về Tchepone còn tốt; cơ giới có thể di chuyển nhanh được.[v] 
 Nhưng vào ngày 10 tháng 2 bộ tư lệnh QĐI bị một thiệt hại rất nặng về tâm lý: Hai trực thăng trên đường thị sát mặt trận ở CCHotel và CC21BĐQ, bị phòng không 37 ly bắn rơi. Trên một trực thăng có một đại tá trưởng phòng hành quân quân đoàn; và một trung tá trưởng phòng tiếp liệu của quân đoàn. Vị đại tá trưởng phòng hành quân có mang theo bản đồ LS719 với tất cả mật hiệu và ghi chú, do chính ông góp phần sọan thảo. QĐI lập tức cho thám sát tìm vị trí của trực thăng bị nạn nhưng không kết quả. Vì một lý do không giải thích được, hai trực thăng bị lạc và bay ngay vào vùng phòng không của địch. Trinh sát của Không Kỵ Mỹ đã lưu ý tất cả phi công trực thăng về cường độ phòng không của địch ở trong vùng. Đến ngày 10 tháng 2, quân báo chưa xác định được lực lượng địch ở chung quanh CC21BĐQ, nhưng lúc đó bộ chỉ huy SĐ308 CSVN đang đóng ở hướng bắc, cách đó “vài ba cây số,” với hai trung đoàn cơ hữu của sư đoàn.[vi] Tin không chánh thức cho biết cái chết của đại tá Trưởng Phòng 3 làm xao động tâm lý của Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm, tư lệnh QĐI.[vii] Nếu địch tìm thấy được bản đồ hành quân, thì tất cả những kế hoạch LS719 sẽ bị lộ từng chi tiết.
Ngày N +3, SĐ1BB đổ bộ và thiết lập thêm một căn cứ ở hướng nam; BĐQ đưa TĐ39BĐQ vào CCBĐQB; và lực lượng đặc nhiệm Dù-Thiết Kỵ đi được thêm năm cây số ra khỏi Bản Đông. Chỉ được như vậy cho ngày N +3: Tất cả các toán quân khác gần như án binh bất động vì không nhận được chỉ thị nào — hay là họ nhận được chi thị án binh bất động — từ bộ chỉ huy tiền phương ở Khe Sanh. Như trình bày ở chương trước. Theo kế họach, sau Bản Đông, LĐ1ND sẽ lập thêm ba căn cứ 11, 13 và 14, theo một trục tây bắc, nối Đường 9 và 914. Nhưng khi lực lượng đặc nhiệm đến địa điểm để lập CC11 thì họ đứng lại. Hai ngày 11 và 12 thời tiết xấu, nhưng đó có phải là lý do cho sự dậm chân tại chổ của cuộc hành quân?
Hai ngày trước khi Hành Quân Dewey Canyon II khai diễn, tướng Viên, Abrams và Tổng Thống Thiệu có nói chuyện với nhau. Tướng Abrams nói nếu đánh nhanh, lực lượng đặc nhiệm có thể đến Tchepone trong 48 tiếng.[viii] Tổng thống Thiệu và tướng Viên không phản đối. Trên thực tế, đến chiều ngày N của cuộc hành quân, lực lượng đặc nhiệm Dù-Thiết Kỵ đã đi 10 cây số — một phần tư đọan đường đến mục tiêu Tchepone. Nhưng nếu quân Dù phải lập ra thêm ba căn cứ và phải có trách nhiệm phòng thủ như lệnh hành quân chỉ thị, thì quân tác chiến nào sẽ “tùng thiết” với thiết kỵ trên đường vào Tchepone?
image076-content
Bãi đáp Bravo trên Đường 9; tay phải là hướng tây đi về và Bản Đông.
Lệnh hành quân cho thấy lữ đoàn Nhảy Dù nào sẽ có trách nhiệm phòng thủ các căn cứ được thiết lập: LĐ3ND coi CC30, 31, 32; LĐ1ND, CC11, 13, 14; và LĐ2, sau khi đổ bộ bằng trực thăng chiếm Tchepone, sẽ giữ CC21 và CC22. Quân tấn công có đủ quân để bảo vệ nhiều cứ điểm như được sọan thảo hay không? LĐ1TK chỉ có hai thiết đoàn dưới tay, ThĐKB11 và 17. Mỗi thiết đoàn có một chi đội xe tăng và hai chi đội thiết giáp xung kích. Với số quân này, nếu không có quân nhảy dù đi kèm, họ không thể vừa giữ Bản Đông, vừa tiến đánh Tchepone. Có thể toán quân Dù-Thiết Kỵ ngừng lại để chờ quân tiếp viện thêm, sau khi ra khỏi Bản Đông năm cây số trên hướng về Tchepone.
image078-content
Trên Đường 9 về Bản Đông. Sông Xe Pone ở phía nam trục tiến quân.
Ngày N +4 của hành quân, một vài thay đổi quan trọng trong kế hoạch xảy ra: Ngày 10 tháng 2, Tổng Thống Thiệu bay ra Đông Hà thị sát. Tại BTL tiền phương QĐI ông Thiệu ra chỉ thị: QĐ1 tạm thời giới hạn lại mục tiêu; chủ đích của cuộc hành quân trong vài ngày tới là căn cứ hậu cần 611 (A Ro, trong ngụy danh hành quân) ở phía nam Đường 9 — vùng trách nhiệm của SĐ1BB. Nếu sử liệu được kiểm chứng đúng, thì có thể vì quân lệnh này, lực lượng đặc nhiệm Dù-Thiết Kỵ dừng lại để phòng thủ những căn cứ đang có, và để bảo vệ hướng bắc cho SĐ1BB họat động ở phía nam.[ix] Khi MACV biết được quyết định của Tổng Thiệu, tướng Abrams gặp tướng Viên ngày hôm sau, 13 tháng 2, để hỏi rõ ý định của BTTM VNCH. Tướng Viên xác định những thay đổi như Tổng Thống Thiệu đã nói ở Đông Hà. Ba ngày sau, ngày 16 tháng 2, hai ông đại tướng tướng bay ra Đông Hà gặp tướng Lãm và tướng Sutherland. Sau khi bàn thảo, tất cả đồng ý (dù tướng Abrams lưỡng lự, nói nếu chần chờ địch sẽ viện quân kịp thời) kế hoạch và nhiệm vụ sẽ thay đổi. SĐ1BB sẽ là lực lượng chủ lực thay cho SĐND; mục tiêu Tchepone phải chờ thêm vài ngày nữa: Sau khi lục soát căn cứ 611 xong, quân cơ hữu của QĐI sẽ quay lại tiếp tục tấn công về mục tiêu Tchepone.
Sự thay đổi kế hoạch hành quân của VNCH đưa đến tranh luận giữa MACV và BTTM; và giữa QĐI và QĐXXIV. Nhưng nhìn sâu bên trong, chúng ta có thể hiểu lý do của sự thay đổi từ phía VNCH: Sự phản công mãnh liệt của địch. Không phải ở mặt trận Hạ Lào mà thôi, mà cả mặt trận Cam Bốt. Vì một lý do nào đó, từ đầu năm 1971, tất cả chú ý đều hướng về Lào, trong khi ở Cam Bốt, quân số tham dự hai cuộc hành quân ở Cam Bốt tương đương, hay có thể hơn, quân số ở Hạ Lào. Điều đáng chú ý nhất, QLVNCH đang gánh vác một công tác hơn sức họ chịu đựng.[x] VNCH phải thay đổi kế hoạch vì đến lúc đó Hoa Kỳ đã không thực hiện đủ những yểm trợ mà họ đã hứa trước ba cuộc hành quân cấp quân đoàn (QĐI, QĐIII, và QĐIV). Chính Hoa Kỳ cũng đang gặp nhiều khó khăn hơn sức họ hứa hẹn được. Cuối năm 1970, BTL MACV vừa bị bộ quốc phòng thúc dục rút quân, vừa phải đương đầu với bảy chiến trường, như thuyết trình viên MACV đã một lần diễn giải: “Chiến trường Thượng Lào; oanh tạc ngăn chận đHCM; chiến trường Cam Bốt; chiến trường vùng hoạt động của B-2; vùng hoạt động của Quân Khu 5; B-5; và Trị-Thiên- Huế.” Và khi nghe lời “than” của tư lệnh Không Lực 7 Hoa Kỳ, chúng ta thấy quân lực Hoa Kỳ cũng có sự giới hạn của họ: “[Chỉ tiêu là 14.000 phi vụ một tháng] nhưng cộng thêm vào đó tôi bay 12.000 phi vụ yểm trợ; 21.000 phi vụ vận tải; 850 đến 900 phi vụ thám thính. … Mình chỉ có thể thực hiện số phi vụ đến một giới hạn nào thôi.”[xi]
Một mặt, BTL Thái Bình Dương và BTL MACV lưu ý, trong giai đọan đầu của chương trình “Việt-Nam-Hóa” đừng để quân lực VNCH “ăn nhiều quá khó tiêu.” (ngụ ý nói giao quá nhiều trách nhiệm, VNCH sẽ không quán xuyến nổi) Nhưng vì những áp lực và thúc dục chính trị nào đó, MACV và BTL Thái Bình Dương đề nghị hành quân cấp quân đoàn — không phải một, mà ba quân đoàn trong ba cuộc hành quân cùng một lúc. Cuộc Hành Quân Cửu Long 44-02 của Quân Đoàn IV tương đối “yên tỉnh.” Nhưng Toàn Thắng 1/71 thì hoàn toàn khác: Quân VNCH phải chạm trán với địch trên đất địch, và xa hậu cần tiếp liệu. Hơn nữa, khi Hành Quân Toàn Thắng 1/71 vừa khai diễn, thì BTTM và MACV rút đi những đơn vị chủ lực như kế hoạch nghi binh (một số đơn vị chủ lực như Nhảy Dù và TQLC có mặt trong Toàn Thắng 1/71 chỉ vài ngày đề đánh lừa đối phương … nhưng được di chuyển ra Vùng I ngay sau đó, đó để chuẩn bị cho LS719). Với 21 ngàn quân ở Cam Bốt và 17 ngàn ở Lào, MACV không còn đủ phương tiện để yểm trợ. Bây giờ, trong giai đoạn khốc liệt nhất của chiến trường mãnh liệt, khuyết điểm của MACV lộ ra trong những thông văn và thuyết trình báo cáo. … Nhưng đó là chuyện sẽ nói đến. Bây giờ trở lại với vùng hành quân.
Ngày 14 tháng 2 tướng Sutherland báo cáo cho MACV biết về những “va chạm” đang xảy ra giữa QĐXXIV và QĐI; và những lý do đã làm Tổng Thống Thiệu chỉ thị thay đổi kế hoạch và nhiệm vụ vào ngày 12. Tướng Hoàng Xuân Lãm than phiền QĐXXIV không đủ trực thăng để yểm trợ theo nhu cầu của QĐI; và, theo đà trực thăng bị hỏa lực phòng không bắn rớt như đã xảy ra trong tuần lễ đầu, QĐXXIV sẽ không còn đủ trực thăng để yểm trợ trong những ngày sắp đến. Tướng Sutherland viết tiếp trong điện tín, qua cuộc nói chuyện, ông nghĩ tướng Lãm sẽ không giữ Tchepone hơn một tháng như trong kế hoạch. Tướng Lãm nói lý do thay đổi kế hoạch là vì áp lực của địch quá mạnh ở vùng trách nhiệm của LĐ1BĐQ và LĐ3ND. Thêm vào đó Lực Lượng Đặc Nhiệm (LLĐN) không thể di chuyển nhanh trên Đường 9 vì địa hình quá xấu, khác với ước lượng tình báo. Tướng Lãm muốn QĐXXIV dùng hỏa lực để “giới hạn” các Trung Đoàn 88, 24B, và 64 của CSVN trước khi SĐND tiến về hướng tây (Tchepone). Tướng Sutherland thú nhận ông ra lệnh cho trinh sát Không Kỵ tìm vị trí của SĐ308 nhưng chưa phát hiện được trun gđoàn CSVN này đang đóng ở đâu.
Ở cuối bức điện tín dài bốn trang, Sutherland tiên đoán quân số cần cho chiến trường có thể gia tăng nhiều hơn ước lượng, vựa vào dấu hiệu tăng quân và sự kháng cự mãnh liệt của địch.[xii]
Điện tín của tướng Sutherland cho thấy ba chi tiết quan trọng: (a) Địa hình Đường 9 hoàn toàn khác không ảnh cung cấp; đường xấu hơn ước lượng; (b) hỏa lực không quân Mỹ không áp đảo hay giới hạn được mạng lưới phòng không của đối phương; và (c) địch tiếp diện quân nhanh hơn dự đoán. Ba chi tiết trên có thể làm ông Thiệu thay đổi ý kiến.
VNCH thay đổi kế hoạch vừa đúng lúc địch chuẩn bị phản công. Với quân số hơn sáu trung đoàn tác chiến, quân CSVN bắt đầu phản công: Chiều ngày 20, căn cứ đầu tiên của VNCH bị thất thủ. 
Trận Liệt CSVN Cho Đến Ngày CCBĐQN/B Bị Thất Thủ
Sau gần một tuần trấn thủ; sau khi hứng chịu hơn 2.000 đạn súng cối 82 ly, căn cứ BĐQ bắc của TĐ39BĐQ thất thủ lúc 5 giờ 10 chiều ngày 20 tháng 2 (N +12), với 178 chết và 148 bị thương.[xiii] Trong số 200 tay súng phá vòng vây di tản về CCBĐQN, chỉ còn 107 quân tác chiến được; số còn lại bị thương. Trung Đoàn 102/SĐ308 CSVN mất 639 quân để chiếm ngọn đồi.[xiv] Lý do SĐ308 phản ứng quyết liệt và sẳn sàng chịu thiệt hại để triệt tiêu CCBĐQB, vì cao điểm của căn cứ nằm sát BTL SĐ308 CSVN. Càng nguy hiểm hơn, vị trí của TĐ39 nhìn xuống kho trữ hàng quan trọng Mường Trương (hướng tây bắc CC39BĐQ; nơi một kho hàng bị bom đánh, vũ khí và hàng dự trữ cháy, nổ hai ngày mới dứt).[xv] Để triệt tiêu CC39BĐQ, ngoài TrĐ102 đã nói, SĐ308 còn chi viện thêm một tiểu đoàn tác chiến và năm pháo đội. Sau khi CC39BĐQ mất, CC21BĐQ, ở phía sau chừng hai cây số, bị tấn công ngay ngày hôm sau. Lần này TrĐ88/SĐ308 là lực lượng chính tấn công TĐ21BĐQ đang trấn thủ CCBĐQN.
 Quân báo MACV đã ước lượng sai về thời gian cần thiết để địch tiếp viện thêm quân: MACV ước lượng CSVN cần ít nhất 10 đến 14 ngày để di chuyển quân đến chiến trường (ngày hành quân N +18). Nhưng đến ngày N +12, quân CSVN có mặt trong vùng hành quân đã tăng gấp đôi. Tù binh mới khai báo họ đến từ những đơn vị khác với những đơn vị đã được ghi trong trận liệt trong những ngày đầu hành quân. Ngày 18 quân báo Mỹ xác định sự hiện diện của SĐ308 CSVN, với ba trung đoàn cơ hữu, 36, 88, và 102. Trung Đoàn 64/ SĐ304 có mặt ở vùng Bản Đông từ ngày N -4 (4 tháng 2); Xe tăng lội nước PT-76 đang có mặt ở phía nam CC31 của Nhảy Dù từ ngày 13 (và địch đã dùng xe tăng tấn công các tiền đồn bên ngoài vòng đai căn cứ từ ngày 16). Và cũng cho đến thời gian này quân báo mới biết chính xác vị trí của Binh Trạm 41 với TrĐ141/SĐ2BB CSVN đang ở phía nam vùng hoạt động của SĐ1BB VNCH. Căn cứ hậu cần 611 trên đường 914 — mục tiêu tạm thời của SĐ1BB — bây giờ có ba Trung Đoàn 812 và 29 của SĐ324 và TrĐ141/SĐ2BB bảo vệ.[xvi] Ngày 20 tháng 2 tại BTL MACV, Thiếu Tướng William Potts thông báo, “Trừ SĐ325 và TrĐ9/SĐ304 còn ở lại miền bắc, tất cả các đơn vị CSVN đang trên đường đến chiến trường [Hạ Lào].” Báo cáo của tướng Potts (Phòng 2 MACV) cho thấy MACV đã ước đoán sai trận liệt CSVN từ lúc đầu. CSVN đang có sáu trung đoàn từ các Sư Đoàn 308, 2, 304, 320, và 324B hoạt động ở vùng hành quân.[xvii] Ước lượng vào ngày 8 khi bắt đầu cuộc hành: Địch có ba trung đoàn và bốn binh trạm; ngày 20: địch có sáu trung đoàn và sáu binh trạm — con số này tăng lên tám trung đoàn vào đầu tháng 3. Đó là ước lượng của quân báo Mỹ, nhưng theo quân sử CSVN, đầu tháng 2, vào ngày hành quân, CSVN đã có 60.000 lính (gấp ba lần ước lượng) tại vùng hành quân.[xviii] Về tổn thất, đến ngày 20 tháng 2, CSVN có số thương vong tương đương bốn tiểu đoàn sau những lần tấn công vào bốn căn cứ ở mặt bắc Đường 9. Trong thời gian đó, VNCH di chuyển về Khe Sanh thêm ba tiểu đoàn bộ binh; ba tiểu đoàn BĐQ; và hai tiểu đoàn Thiết Kỵ. LĐ147 và 258 TQLC, đang hành quân nghi binh ở Vùng I, cũng được thông báo chuẩn bị tham gia hành quân LS719.
 Vào ngày N +12 (20 tháng 2), chiến trường ở Hạ Lào được năm cánh quân CSVN phụ trách: Ở hướng bắc Đường 9, từ Lao Bảo về Tchepone, do Binh Đoàn 70 (B70) với ba Sư Đoàn 308, 304 và 320; cùng với các Binh Trạm 8, 9, 12, 16, và 27 chịu trách nhiệm; B-5 với bốn trung đoàn cộng (+), đánh phá đọan đường từ Đông Hà về Lao Bảo làm đình trệ đường tiếp vận bộ; ở Phía nam Đường 9, Sư Đoàn 2 và 324B và các Binh Trạm 33, 34, 41 và 42 cô lập các đơn vị VNCH đóng ở những cao điểm từ Co Roc về phía tây Bản Đông. Ngày 21 tháng 2, sau một tuần pháo kích nát căn cứ, TrĐ88/SĐ304 dùng bộ binh tấn công CC21BĐQ. Sau khi mất CCBĐQ39, vị trí của CC21BĐQ rất “bơ vơ,” vì họ chỉ cách CC39BĐQ khoảng hai cây số, và trước mặt họ là SĐ308. Hỏa lực pháo binh yểm trợ từ CCLĐ1BĐQ ở Ta Puc/ Phú Lộc không đủ để làm giảm áp lực địch đang tiến vào vòng đai của CC21BĐQ — chính căn cứ Ta Puc cũng đang bị pháo cầm chân để giới hạn sự yểm trợ lại. Đây là một chiến thuật quân CSVN xử dụng liên tục — và thành công — vào tất cả căn cứ ở phía bắc Đường 9. Hỏa lực pháo binh của đối phương đã làm tê liệt căn cứ mục tiêu, và gây khó khăn cho căn cứ yểm trợ.
 Để đi kèm với trận liệt, xin nói qua một ít về hỏa lực pháo binh của lực lượng quân CSVN ở mặt trận Hạ Lào. Cộng với tám trung đoàn pháo binh riêng biệt, pháo binh ở đây kể luôn những đại đội/ trung đội súng nặng như súng cối 60, 82, và 120 ly. Trong một ý nghĩa thực dụng, những đại đội súng nặng là những đơn vị “pháo binh cơ hữu” của cấp tiểu đoàn/ trung đoàn. Một trung đoàn quân chủ lực CSVN có cấp số từ 60 đến 65 súng cối 60 và 82 ly; và bốn đến sáu cối 120 ly. Mỗi súng cối có cấp số đạn 30 đến 40 viên; đôi khi 60 đến 100 viên, tùy theo mặt trận đang tham chiến. Lấy BTL B70 với ba Sư Đoàn 308, 304, và 320 làm thí dụ: Theo tài liệu hậu cần, B70 (ba sư đoàn cộng lại) có tất cả 104 súng cối 60 ly; 64 cối 82 ly; 30 cối 120 ly; và 30 đại bác 122 ly. Trong chiến dịch Nam Lào, ba sư đoàn của B70 tiêu thụ gần 10.000 quả đạn lọai 60 và 82 ly — chưa kể đến đại bác tầm xa như 122, 130 và 152 ly. Trong khi đó, ở mặt trận hướng hướng nam Đường 9, SĐ2BB CSVN tiêu thụ 2.762 đạn 60 ly, và 5.598 đạn 82 ly; SĐ324B xài hơn 5.000 quả 82 ly và gần 1.900 đạn 60 ly.[xix] 
 Điểm muốn nhấn mạnh ở đây, lọai vũ khí như súng cối đã làm tê liệt hệ thống tiếp tế đường không vận cho các căn cứ. Súng cối là một vũ khí đơn giản, dể xử dụng, và rất hiệu quả nếu xử dụng thuần thục. Cối 82 ly có tầm bắn hơn bốn cây số; 60 ly thì ba cây số. Chừng mười khẩu cối trãi rộng ra trên một chu vi có đường bán kính vài ba cây số, pháo vào một căn cứ nằm trên đỉnh đồi … thì căn cứ khó có thể phòng thủ lâu được được. Đối phương không thấy vị trí của súng cối để phản pháo, nhưng xạ thủ súng cối quan sát vị trí của đối phương rõ.[xx] Kinh nghiệm ở trận Khe Sanh cho thấy phi trường lớn rộng như Khe Sanh vẫn bị tê liệt cũng vì pháo — pháo tầm xa 130 ly cũng như tầm gần 82 ly. Đường phi đạo, bãi đáp trực thăng, chỉ giới hạn vào một khoảng trống nào đó. Một khi xạ thủ súng cối đã xác định được bãi đáp, thì những quả bắn kế tiếp sẽ dể như lấy đồ trong túi. Khó tìm ra vị trí của cối để phản pháo, dù cho có trực thăng trinh sát liên tục. Một lối bài binh của của súng cối điển hình ở Hạ Lào: pháo thủ và pháo công kéo vài ba khẩu cối và đạn đến những vị trí đã định. Sau đó, lúc tác chiến, pháo thủ liên tục di chuyển đến từng khẩu để tác xạ. Như vậy pháo thủ tránh được thương vong hơn là ở tại một chổ khi súng bị khám phá. Sự khó khăn của trinh sát không kỵ là phải bay chậm và sát để truy lùng lọai vũ khí quá nhỏ (súng cối dài không hơn 1,2 mét). Và nếu bay quá thấp, quá chậm, thì sẽ gặp nguy hiểm với phòng không loại nhỏ, nhưng dầy đặc bầu trời, như đại liên 12 ly 7. 
 Bài học kinh nghiệm sau cuộc hành quân LS719 ở Hạ Lào cho thấy, hỏa lực đến từ hàng rào súng cối chung quanh các căn cứ hỏa lực đã giới hạn chiến thuật xử dụng căn cứ hỏa lực để bảo vệ và yểm trợ vùng hành quân. Căn cứ hỏa lực chỉ thành công ở một vài địa hình trống trải, kèm theo những yểm trợ mạnh đủ để đè bẹp những “quấy nhiễu” chung quanh. Nhưng tất những căn cứ hỏa lực ở Hạ Lào không có được những tiện nghi về hỏa lực hay tiếp liệu liên tục như trong lý tưởng. Để so sánh một căn cứ hỏa lực của Mỹ ở thung lũng A Shau (bên này biên giới Việt) và một căn cứ hỏa lực của Nhảy Dù VNCH ở Hạ Lào. Căn cứ Ripcord ở A Shau được một tiểu đoàn Nhảy Dù Hoa Kỳ trấn đóng. Tiểu đoàn này có ba tiểu đoàn tác chiến khác thường trực bổ sung quân số khi cần. Căn cứ Ripcord được hai tiểu đoàn trực thăng phục vụ và năm tiểu đoàn pháo binh yểm trợ. Nhưng sau hơn bốn tháng cố thủ, SĐ101 Nhảy Dù Mỹ ra lệnh di tản Ripcord vì chịu không nổi áp lực của địch, và thương vong.[xxi] Trong thời gian bốn tháng, Mỹ đã yểm trợ tất cả những gì có thể yểm trợ được về pháo binh và không lực, nhưng vẫn không giữ được. Đó là tháng 7-1970, khi SĐ101ND Hoa Kỳ có tất hỏa lực trong tay để yểm trợ cho căn cứ Ripcord. Trong khi đó ở Hạ Lào, Mỹ chỉ có ba tiểu đoàn trực thăng (hai không vận, một xung kích) để yểm trợ và vận chuyển tiếp tế cho 10 căn cứ hỏa lực VNCH. Dù Hoa Kỳ cố gắng đến đâu, chắc chắn những căn cứ của VNCH sẽ không được yểm trợ như quân trú phòng mong muốn. Chiến thuật căn cứ hỏa lực thất bại ở Hạ Lào vì địa hình rừng rậm, vì khó khăn về tiếp tế và hỏa lực yểm trợ. Căn cứ hỏa lực nếu không có hỏa lực mạnh, thì sẽ là cứ điểm bất động; trở thành một tấm bia cho pháo binh đối phương: nằm cao, nhô lên lộ liễu giữa rừng, pháo thủ đối phương khó bắn trật.[xxii] Trường hợp này đúng cho tất cả căn cứ hỏa lực VNCH ở Lào.
 Từ ngày 17 đến ngày 22 (N +9 đến N +14) thời tiết xấu bao trùm vùng hành quân: mưa và sương mù giới hạn tất cả các phi vụ yểm và trợ tiếp tế. Sáng Chủ Nhật ngày 21 tháng 2, SĐ308 dùng tất cả TrĐ88 và lực lượng cơ hữu tấn công CCBĐQN. Lý do SĐ308 phải tấn công và triệt tiêu CCBĐQN nhanh chóng, vì họ không thể bao vây lâu để chịu đựng những cơn mưa bom của B-52 như họ đã bị ở CCBĐQB. Ngay sau đêm CCBĐQB thất thủ, tướng Lãm yêu cầu QĐXXIV dội bom hủy bỏ căn cứ của TĐ39BĐQ. B-52 dội bom liên tiếp hai ngày. Có thể những phi tuần B-52 đã thúc đẩy SĐ308 tấn công CCBĐQN: Đánh sát vào căn cứ; đánh kiểu “nắm thắt lưng địch,” thì có cơ hội sống nhiều hơn.[xxiii] Cùng lúc tấn công vào CCBĐQN, pháo binh của B70 pháo kích vào CC30 và CC31 của Nhảy Dù. Ở phía nam hai căn cứ 30 và 31, TRĐ64/SĐ320 phục kích và đánh chận, không cho TĐ8ND và ThĐ17KB từ CCLĐ1ND ở Bản Đông tiến về gần CC31ND để yểm trợ. Tối thứ Tư, 24 tháng 2, biết không thể giữ được CCBĐQN, tướng Lãm cho lệnh TĐ21BĐQ di tản. Đến lúc này không còn quyết định nào khác hơn di tản: TĐ21BĐQ không còn đạn, nước, hay lương thực để chiến đấu. Một số BĐQ rút ra khỏi căn cứ bằng đường bộ; một số lớn được trực thăng vận về CC30ND, và từ đó trở về đơn vị mẹ ở CCLĐ1BĐQ tại Phú Lộc, Ta Puc.[xxiv] 
 Đến lúc hai căn cứ BĐQ bị thất thủ; và lúc áp lực đang đè nặng vào hai căn cứ Nhảy Dù còn lại ở bắc Bản Đông, BTL QĐXXIV Hoa Kỳ mới lên tiếng thông báo cho BTL MACV biết họ đang gặp khó khăn để tiếp tế và cung cấp trực thăng vận chuyển: Quân Đoàn XXIV không còn trực thăng để đáp ứng yêu cầu từ các căn cứ hỏa lực. Thật là một thiếu thốn chết người trong lúc khó khăn và cần thiết nhất. Ngày 23 tháng 2, Trung Tướng Sutherland báo cho Đại Tướng Abrams của MACV, “Trong vài ngày qua, QĐXXIV cần phải giới hạn lại những yểm trợ không vận, vì không còn đủ lọai trực thăng võ trang UH-1C và AH-1G.”[xxv] câu văn “trong ngày vài ngày qua,” có nghĩa là QĐXXIV đã gặp khó khăn để yểm trợ trước ngày CCBĐQB và CCBĐQN thất thủ. Cũng trong nghĩa đó, hai căn cứ của Nhảy Dù CC31ND và CC30ND cũng bị nằm trong tình trạng thiếu thốn. CC31ND nằm trong tình trạng nguy hiểm nhất: căn cứ nằm sát vùng hoạt động của BTL B70.
 Hai căn cứ BĐQ Bắc và Nam mất ngày 21 và 24 là một chấn động ở chiến trường Hạ Lào. Nhưng chấn động đó bị loãng đi kế bên một biến cố quan trọng hơn, có nhiều ảnh hưởng ở “cấp trên” hơn: Trung Tướng Đỗ Cao Trí, tư lệnh Hành Quân Toàn Thắng 1/71 kiêm tư lệnh QĐIII, bị tử nạn trực thăng tại chiến trường ngày 23 tháng 2. Tin không chánh thức cho biết tướng Trí — ngay ngày trực thăng bị nổ trên không — đang chuẩn bị lên đường ra QĐ1 thay thế Trung Tướng Lãm chỉ huy cuộc Hành Quân LS719.[xxvi]
 Mất hai căn cứ; tướng Trí chết; và khó khăn về yểm trợ cho mặt trận. Chiến trường Vùng III mất đi một sĩ quan chỉ huy; trong khi quân nhân ở Vùng I thì mất lòng tin vào người sĩ quan chỉ huy của họ.
Đó là tình hình của mặt trận Hạ Lào ngày 25 tháng 2-1971. Câu nói “Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí” diễn tả đúng nhất trong trường hợp này: Nhiều chuyện không may đến cùng một lúc, như đang xảy ra trên toàn cõi chiến trường ở Hạ Lào lúc đó. 
Trực Thăng, Trực Thăng, và Cần Nhiều Trực Thăng Nữa! 
Điện tín của tướng Sutherland gây chấn động ở BTL MACV trong buổi họp Cập Nhật Tình Báo Hàng Tuần ngày 24 tháng 2. Bắt đầu buổi họp, thuyết trình viên cho biết tình hình hành quân cho đến ngày hôm đó: Phía VNCH có 276 chết; 842 bị thương; 101 mất tích. Phía Hoa Kỳ, 54 chết; 325 bị thương; 26 trực thăng bị bắn rơi; và 15 mất tích. CSVN có 2.191 chết. Sau thuyết trình viên, tướng Abrams đặt câu hỏi đầu tiên: “Ai có ý kiến gì về bức điện tín [của Sutherland] này không?”
 Xin nói thêm chi tiết trong nội dung bức điện tín ngày 23 tháng 2 của tướng Sutherland, báo cáo về tình trạng thiếu trực thăng của QĐXXIV. Đây là một báo cáo trễ, nhưng ông ta phải báo cáo để có thể tránh tội về sau. Trong điện tín gởi MACV ngày 14 tháng 2 trước đó, khi kể lại lời phàn nàn của QĐI về yểm trở không vận, tướng Sutherland đã úp mở thú nhận với tướng Abrams là ông đã không thật sự giải thích cho tướng Lãm biết rõ số trực thăng QĐXXIV có bao nhiêu, và sự yểm trợ cho 32 tiểu đoàn VNCH ở vùng hành quân ra sao. Sutherland viết, ngày 12 (ngày Tổng Thống Thiệu ra thị sát hành quân ở Đông Hà) khi tướng Lãm tỏ ý lo lắng về số trực thăng bị bắn rơi; và thời gian chờ từ lúc yêu cầu đến lúc được thỏa mãn. … Tướng Sutherland nói với số trực thăng UH-1H (lọai chuyên chở) đang có, chắc chắn QĐXXIVsẽ cung ứng đủ nhu cầu cho các đơn vị VNCH. Nhưng Sutherland không nói rõ thêm là số trực thăng chuyên chở đó cũng phụ trách luôn cho tất cả các đơn vị Mỹ đang yểm trợ song song trong cuộc hành quân. Sutherland thú nhận với tướng Abrams về chuyện đã “không giải thích rõ ràng hơn” cho tướng Lãm biết. Sau khi đọc điện tín, tuớng Abrams đề nghị tướng Sutherland nên “giới thiệu” cái thực tế về khả năng tiếp vận/ không vận của QĐXXIV cho tướng Lãm và các tư lệnh Hành Quân LS719 biết.[xxvii] 
 Ngày 12 ở Đông Hà, khi nghe tướng Lãm lo sợ không đủ trực thăng, tướng Sutherland trấn an tướng Lãm bằng một thí dụ: Ông nói ngày 8 (ngày hành quân N), trực thăng đã đổ bộ sáu tiểu đoàn VNCH cùng một lúc, an toàn và đúng giờ, và chỉ cần 95 trực thăng UH-1H. Và theo ông thấy, trong lệnh hành quân sẽ không có giai đoạn nào phải cần đến sáu tiểu đoàn đổ bộ cùng lúc như ngày hôm đó. Với số lượng 130 trực thăng UH-1H, yểm trợ và tiếp liệu không phải là một vấn đề lo lắng. Đúng, tướng Sutherland nói đúng về khả năng không vận/ yểm trợ của Hoa Kỳ cho đến ngày hành quân N +4. Và tướng Lãm đồng ý. Nhưng đến ngày 23, tướng Sutherland thú nhận qua báo cáo với MACV ông không còn khả năng yểm trợ, và xin MACV tiếp viện thêm trực thăng. Ở đây cần một giải thích cho sự mâu thuẩn thay đổi đó.
 Phần lớn số cả trực thăng yểm trợ cho HQ LS719 đến từ Liên Đoàn Không Vận 101, đơn vị cơ hữu của SĐ101ND (101st Aviation Group/ 101st Airborne Division/Airmobile). Trong HQ LS719, Liên Đoàn 101 thống thuộc QĐXXIV. Báo cáo của LĐKV101 (Liên Đoàn Không Vận 101), cho biết họ có tổng cộng 239 trực thăng đổ quân lọai UH-1H. Điện tín của Sutherland ngày 23 nói ông cần trực thăng võ trang Cobra và UH-1C. Lý do: mỗi phi vụ trực thăng chuyên chở cần hai trực thăng võ trang yểm trợ. Liên Đoàn 101 Không Vận, tuy thống thuộc QĐXXIV, nhưng họ làm việc theo qui củ của họ (trực thăng chyên chở phải có trực thăng võ trang bảo vệ đi kèm), và QĐXXIV không thay đổi được qui tắc hành quân của LK101KV. Với 239 trực thăng này, QĐXXIV dành ra 130 chiếc phục vụ cho 32 tiểu đoàn VNCH ở Hạ Lào, số còn lại phải cung ứng cho tất cả lực lượng Việt-Mỹ đang hoạt động ở toàn lãnh thổ Vùng I. Nhìn vào trận liệt của Mỹ đang yểm trợ cho LS719, họ có tất cả 19 tiểu đoàn.[xxviii] Như vậy, 109 trực thăng còn lại là để cung ứng nhu cầu chiến trường cho 19 tiểu đoàn tác chiến Mỹ —và những nhu cầu trực thăng khác cho toàn Vùng I.[xxix]
 Khi nói QĐXXIV phải giới hạn lại phi vụ không vận vì thiếu trực thăng võ trang hộ tống, Tướng Sutherland giải thích. Theo chương trình (theo cấp số mà lẽ ra ông phải có) ông được cung cấp 86 trực thăng AH-1G và 44 UH-1C. Nhưng trong số này, đến ngày 23, chỉ có 25 AH-1G và tám UH-1C bay được. Trong khi đó, 16 AH-1G và ba UH-1H bị bắn rớt cho đến ngày 23 vẫn chưa được thay thế bù lại. Những phi vụ tiếp tế, tải thương, đổ quân, phải đình trệ vì không đủ trực thăng hộ tống. Sutherland giải thích thêm, vì trực thăng bay nhiều phi vụ hơn giới hạn nên hư nhiều, và không có phụ tùng để thay/ sửa chữa. Trực thăng vận tải nặng như CH-47, CH-54, CH-53 phải bay nhiều phi vụ hơn lượng định trong soạn thảo: Trong sọan thảo hành quân nguyên thủy, trực thăng hạng nặng chỉ dùng cho đoạn đường bay từ Khe Sanh đến mặt trận Hạ Lào. Nhưng trên thực tế 30% các phi vụ này là tải đồ từ những căn cứ yểm trợ xa như Đông hà, Quảng Trị đến Khe Sanh, vì bộ tư lệnh tiếp vận không vận chuyển đủ qua đường bộ —nói một cách khác vận chuyển bằng đường bộ bị giới hạn tối đa vì nguy hiểm phục kích. Cuối cùng của điện tín, tướng Sutherland xin MACV cung cấp thêm ba đại đội trực thăng AH-1G (Cobra), và một đại đội CH-47 (một đại đội trực thăng có 16 chiếc theo cấp số của Liên Đoàn 101 Không Vận). Sutherland nhấn mạnh ông cần trực thăng võ trang lập tức và trực thăng vận tải nặng CH-47 trước khi đánh về hướng tây (về Tchepone).
 Điện tín này dẫn điện tín kia, Ba ngày sau, tham mưu trưởng của Lục Quân Hoa Kỳ, Việt Nam (US Army, Vietnam) báo cáo với tham mưu trưởng MACV, và chỉ huy trưởng Phòng 3 MACV về vấn đề trực thăng. Tổng số trực thăng đang phục vụ HQLS719 là 672 trực thăng đủ lọai, nhưng chỉ có 497 chiếc bay được.[xxx] Nói tóm lại: Vì lý do này hay lý do nọ (không có phụ tùng thay thế; bay quá nhiều phi vụ; phải “gồng” thêm nhiệm vụ mà đơn vị vận tải đường bộ không làm đủ; hay không đủ chuyên viên bảo trì), QĐXXIV không đủ trực thăng để cung ứng cho HQLS719 với số trực thăng đang có. Lời yêu cầu gấp rút tiếp viện thêm hai đại đội trực thăng của Sutherland đã làm cho MACV “nổi trận lôi đình.” Trong buổi họp ngày thứ Tư, 24 tháng 2, Thiếu Tướng Donald Cowles, Phòng 3 MACV, trình bày tình hình trực thăng ông đã đích thân ra quan sát, và đã nói chuyện với tướng Sutherland. Tướng Cowles nói cung cấp thêm cho QĐXXIV một đại đội trực thăng C-47 thì không có vấn đề. Nhưng thêm một đại đội trực thăng võ trang AH-1G như tướng Sutherland yêu cầu thì không thể được. Cowles thông báo, tất cả Vùng I chỉ còn lại 16 AH-1G. Sáu trong 16 chiếc đó thuộc về lực lượng tình báo quân sự MAC-SOG, và họ không thể cho “mượn” được.
Nghe xong tường trình xong, tướng Abrams lên tiếng, với vài tiếng chữi thề đệm trong câu. Ông đổ lỗi cho Trung Tướng William J. McCaffrey, tư lệnh phó Lục Quân Hoa Kỳ, Việt Nam.[xxxi] “[chữi thề] … Trách nhiệm của USARV là lo về trực thăng. Như vậy [chữi thề] họ phải có chuyên viên bảo trì và sửa chữa ở đó để theo dõi; họ phải biết chuyện gì đang xảy ra, đó là trách vụ của họ. Đó là trách nhiệm của tướng McCaffrey; và trách nhiệm đó chưa được hoàn tất.” Bỏ đi những câu chữi thề, bỏ đi những tức giận, ý của tướng Abrams là ông tư lệnh phó USARV lo về tiếp liệu có trách nhiệm cung ứng những đòi hỏi của hành quân. 
 Tiếp theo sau Abrams là tư lệnh phó MACV, Đại Tướng Frederick Weyand, lên tiếng về điện tín của Sutherland. Ông nói ông không tha thứ cho cho Sutherland được. Ông đồng ý với ý kiến của Abarms, nhưng “[chữi thề] Anh là tư lệnh quân đoàn, với trách nhiệm kiểm soát có bao nhiêu máy bay hàng giờ, hàng ngày. … Nếu chuyện này xảy ra cách đây vài tiếng thì có thể hiểu được. … Nhưng hình như họ [BTL QĐXXIV] đang có vấn đề với tổ chức và cơ cấu. Anh ta không biết chuyện gì đang xảy ra. Một tiểu đoàn [VNCH] nằm hai ngày ở Đường 914 rồi sau đó anh ta mới biết [vị trí ở đâu] — mà chúng ta [MACV] đã biết trước. Như vậy, nói cho tôi nghe, liên lạc giữa bộ tư lệnh của anh ta và của tướng Lãm có hữu hiệu hay không. USARV phải có đại diện tại đó. Từ đây [BTL USARV ở Long Bình] đến mặt trận quá xa.”
 Sau vài phút yên lặng, tướng Abrams kết thúc buổi họp, ra lệnh MACV gởi người ra bộ tư lệnh tiền phương ở Khe Sanh để quan sát lối điều khiển và quản trị cuộc hành quân, rồi trực tiếp báo cáo về cho ông.[xxxii]
 Qua những trao đổi trong buổi họp MACV, và nội dung điện tín của Sutherland, chúng ta thấy (a) QĐXXIV thật sự không đủ khả năng để tiếp tế cho chiến trường LS719. Chúng ta cũng thấy ba quân đoàn VNCH ở ba Vùng II, III, và IV đều đang hành quân. Những BTL cố vấn Mỹ đi kèm đang yểm trợ và không còn khả năng tiếp tế cho đơn vị bạn ở các Vùng/ Quân Đoàn khác (Sau điện tín yêu cầu tiếp viện trực thăng võ trang AH-1G, QĐXXIV “mượn” được 16 chiếc từ MAC-SOG và Field Force I ở Vùng II).[xxxiii] Và, (b) bộ tư lệnh yểm trợ quá xa chiến trường để có thể liên lạc trực tiếp và cấp thời giữa yểm trợ và nhu cầu chiến trường. Nói ngắn gọn hơn, MACV soạn thảo một cuộc hành quân quá lớn để bộ tư lệnh tiếp liệu có thể chu toàn.
 Theo kế họach hành quân, mỗi sư đoàn VNCH được một tiểu đoàn trực thăng phụ trách nhu cầu vận tải (tiếp tế, trinh sát, tải thương).[xxxiv] Trong điều kiện thông thường, một tiểu đoàn trực thăng (khoảng 48 đến 54 trực thăng đủ lọai) phục vụ dể dàng cho một sư đoàn của Mỹ (Một thí dụ: Tiểu Đoàn 14 Trực Thăng Xung Kích, là tiểu đoàn không vận cơ hữu của SĐ23 Hoa Kỳ, phụ trách cho SĐ1BB VNCH; TĐ158 Trực thăng Xung Kích, của SĐ101 Nhảy Dù, phụ trách phục vụ cho SĐ Nhảy Dù VNCH ...). Nhưng trận Hạ Lào đã thay đổi tất cả ước lượng cho hành quân trong một hoàn cảnh “thông thường.” Ước lượng hành quân nói có thể chở tiếp liệu bằng đường bộ từ Đông Hà về Khe Sanh; và từ Khe Sanh đến Bản Đông. Nhưng thực tế cho thấy Đường 9 không an toàn; và phải lấy trực thăng để vận chuyển thay cho các tiểu đoàn vận tải đường bộ. Phi Trường Khe Sanh, theo dự định, sẽ nhận được phi cơ vận tải nặng C-130. Nhưng đến ngày Hành Quân N +8 (16 tháng 2) Khe Sanh mới nhận được tiếp liệu chở từ C-130. Như vậy chín ngày đầu hành quân, trực thăng lại phải bị trực dụng. Đổ lỗi hoàn toàn cho QĐXXIV thì không đúng, vì họ đang nhận lãnh luôn trách nhiệm của những tiểu đoàn vận tải đường bộ. Nhìn vào lệnh hành quân của SĐ Nhảy Dù cho thấy sự lạc quan của QĐI và QĐXXIV (với những hứa hẹn không vận cho SĐ Nhảy Dù). Ở phần Không Vận, lệnh hành quân viết: “Quân Đoàn I cung cấp L. 19 và khu trục theo nhu cầu; Hoa Kỳ cung cấp mỗi ngày một phi cơ OV-10 bao vùng và 24 phi tuần khu trục; Hoa Kỳ cung cấp mỗi ngày 2 trực thăng chỉ huy và 8 trực thăng đa dụng; trực thăng chỉ huy, tiếp tế, tải thương, chuyển quân, và võ trang theo nhu cầu.” [xxxv] Sự lạc quan ở đây là họ (ban soạn thảo hành quân ở MACV, QĐI và QĐXXIV) nghĩ hai trực thăng chỉ huy, tám trực thăng đa dụng, và 24 phi tuần khu trục oanh tạc sẽ sẽ thỏa mãn nhu cầu của chín tiểu đoàn tác chiến và ba tiểu đoàn pháo binh của Sư Đoàn Nhảy Dù. Lạc quan sai lạc đó cũng xảy ra cho SĐ1BB và SĐTQLC. QĐXXIV Thiếu trực thăng và không giải quyết được. Nhưng sự đã rồi! 
 Ngày 24 và 25 tháng 2, Căn Cứ 31 của Nhảy Dù đang hấp hối.
image080-content
Trực thăng đáp lấy nhiên liệu. Đường bộ đi không được, xăng chứa trong những bầu cao su 500 gallons (2.000 lít) được trực thăng câu đến vùng hành quân/ trạm xăng dã chiến.
Căn Cứ Hỏa Lực 30 và 31 Thất Thủ
Cùng ngày khi CCBĐQN của TĐ21BĐQ thất thủ, địch khởi động áp lực trên toàn vùng hành quân. Ở nam Đường 9, mặt trận của SĐ1BB, các đơn vị CSVN bám chặc vào CCHotel2, tấn công TĐ2/TrĐ3/SĐ1BB. SĐ1BB gởi thêm một tiểu đoàn vào chiến trận, hy vọng cứu TĐ2 và giải tỏa áp lực; nhưng địch vẫn bám sát. Ý định của SĐ1BB là muốn rút pháo đội đại bác 105 ly ra khỏi CCHotel2 để chuẩn bị di chuyển về hướng Tchepone. Dưới hỏa lực pháo của địch, đến tối ngày 23 một phần pháo đội mới di tản được khỏi CCHotel2. Nhưng sau nhiều ngày tác chiến liên tục, TĐ2/TrĐ3 gần như tan nát. Ngày 24 tướng Lãm được lệnh thay đổi kế hoạch hành quân: Thay vì LĐ2/SĐND là đơn vị được trực thăng vận vào chiếmTchepone, nhiệm vụ đó bây giờ được giao cho SĐ1BB. Nhiệm vụ mới của LĐ2ND là tăng cường yểm trợ cho tuyến/ bãi đáp Alpha (nửa đường từ Bravo về Bản Đông) trên Đường 9. LĐ147/SĐTQLC sẽ thay vào chổ trống của những tiểu đoàn của SĐ1BB đang đóng trên CCHotel1 và CCDelta; LĐ258TQLC sẽ thay bộ binh đóng trên cao điểm Co Roc và những cao điểm lân cận.
image082-content
Bản đồ tổng quát của vùng Hành Quân LS719. Bản đồ của phi công trực thăng Hoa Kỳ. Mục tiêu Tchepone chưa ghi trên bản đồ.
 Hai ngày trước đó, ngày 22, Tổng Thống Thiệu nói với tướng Abrams Giai Đọan III (giai đoạn đổ bộ vào Tchepone) sẽ bắt đầu trong ba ngày nữa. Đồng thời ông Thiệu thay đổi luôn Giai Đoạn IV (giai đọan lui quân): Trên đường về SĐ1BB sẽ đi theo đường 922 để tiếp tục phá hủy các kho hàng trong căn cứ hậu cần 611.[xxxvi] Đó là ý muốn của Tổng Thống Thiệu — một ý muốn quá xa thực tế của chiến trường. Trừ khi Abrams báo cáo lộn, hay Tổng Thống Thiệu nhớ lộn, chứ từ Tchepone hành quân trở ngược về biên giới Việt Nam qua Đường 922 là chuyện khó tưởng tượng. Đến giờ phút đó mà Sài Gòn vẫn còn nghĩ lực lượng VNCH sau khi tấn công Tchepone, có thể đi theo Đường 922 về thung Lũng A Shau, để đánh trở lại căn cứ hậu cần 611 (căn cứ bị Mỹ tấn công tháng 2-1969, trong phạm vi thung lũng A Shau-Sekong). Nguyên thủy kế hoạch hành quân là quân rút lui sẽ về theo Đường 914 để phá những kho hàng chung quanh Mường Nông (giao điểm của Đường 92C và 914). Đoạn Đường 922 về biên giới xa hơn Đường 914 hơn gấp đôi. Có thể vào ngày 22 khi các căn cứ phía bắc chưa mất, BTTM/ Sài Gòn vẫn còn lạc quan (CCBĐQB mất đêm 20, nhưng không biết đến lúc nào Sài Gòn mới nhận tin chính thức từ QĐI). Đến ngày 25 thì tình hình chiến trường cho thấy rút quân trở về biên giới — cùng lúc phá hủy và lục soát trên đường về — qua ngã Đường 922 là chuyện vô cùng nguy hiểm, nếu không nói khó thực hiện.
Sáng ngày 25, TrĐ64/SĐ320 CSVN với xe tăng yểm trợ, tấn công mãnh liệt vào CC31ND. Xử dụng hơn 20 chiến xa giữa ban ngày trước hỏa lực không kích của Mỹ cho thấy quyết tâm của địch muốn triệt tiêu căn cứ. Cùng lúc tấn công CC31ND, địch dùng cối và đại bác tầm xa bắn rất chính xác vào CC30ND và CCBảnĐông, gây trở ngại cho hai pháo đội đang yểm trợ về hướng căn cứ bị tấn công. Pháo súng cối của địch càng lúc càng chính xác: Trong hai ngày cách nhau, ngày 23 ở CC31 và ngày 25 ở CC30, súng cối bắn ngay vào bãi đáp trực thăng đang lên xuống, gây tử thương cho phi hành đoàn và hành khách.[xxxvii] Hai lần tấn công buổi sáng và trưa ngày 25 từ hướng đông bắc và tây nam không thành; 4 giờ chiều địch chuyển hướng, tấn công ồ ạt từ hướng đông nam của căn cứ. Như đã nói, ở CC31ND có bộ chỉ huy LĐ3ND; bốn đại đội tác chiến cơ hữu của TĐ3; một đại đội trinh sát; và một pháo đội 105 ly. Hai đại đội 31 và 32 đóng tiền đồn ở hướng đông và đông bắc; đại đội trinh sát đóng trên một cao điểm ở tây tây bắc; hai đại đội 33 và 34 và pháo đội đóng bên trong căn cứ. Ngày 25, trước khi căn cứ bị tấn công và thất thủ, hai đại đội 31 và 32 được lệnh di chuyển về hướng nam và đông nam để đón nhận một lực lượng thiết kỵ-nhảy dù (đơn vị của ThĐ17TK và TĐ8ND) từ Bản Đông lên tiếp viện. Theo một một sĩ quan của đại đội 32 thuật lại, đại đội không đến điểm hẹn đúng như dự liệu. Nhưng không thành vấn đề nữa, vì đơn vị Thiết Kỵ-Nhảy Dù từ hướng nam đi lên cũng gặp trở ngại, vì vừa đi họ vừa phải “nhổ” những chốt của địch cản đường.[xxxviii] Trong hai đại đội còn lại phòng thủ căn cứ, đại đội 34 đã bị tổn thất nhiều trước ngày thất thủ. Báo cáo cho biết đại đội 34 chỉ còn 60 tay súng.[xxxix] Như vậy, hai đại-đội-thiếu (-) và một pháo đội 105 ly là tất cả những gì còn lại của CC31ND để “đi tiền” với ba tiểu-đoàn cộng (+) của TrĐ64/SĐ320 và TrĐ1/SĐ2BB CSVN.
 Trung Đoàn 64/SĐ320 gồm hai Tiểu Đoàn 8 và 9 (tám đại đội) cộng với một đại đội xe tăng, có mặt ở vùng hành quân từ 6 tháng 2, và bắt đầu bao vây CC31ND từ ngày 20. TrĐ64/320 được nhắc đến trong điện tính của tướng Sutherland ngày 22. Điện tín cho biết TrĐ64 và TrĐ1/SĐ2BB CSVN đang họat động phía tây, sát Bản Đông và bắc Đường 9. Nhiệm vụ của hai trung đoàn này là gài mìn, đóng chốt và làm lô cốt kháng cự trên Đường 9 về hướng Tchepone. Sutherland trấn an MACV với nhận định, “Tôi không quân tâm về những kháng cự này; B-52 sẽ hủy diệt được.”[xl]
 Quan tâm hay không, 11 giờ sáng ngày 25 hai đại đội của TrĐ64 tấn công căn cứ ở hướng bắc sau khi đã pháo liên tục từ 7 giờ sáng; 12 giờ: địch thay đổi hướng tấn công vào phía đông nam; 1giờ: một đại đội địch chọc thủng phòng tuyến của căn cứ ở phía bắc; 3 giờ chiều: 20 xe tăng và bộ binh tùng thiết tấn công vào căn cứ từ hai hướng đông và tây bắc; 5 giờ chiều: ba xe tăng với hai đại đội bộ binh tùng thiết đã đến trên đầu hầm bộ chỉ huy LĐ3 và ban chỉ huy TĐ3. Căn cứ 31 của Nhảy Dù kể như bị tràn ngập khi một vài sĩ quan chỉ huy lên máy truyền tin chào vĩnh biệt đồng đội. Đích thân Đại Tá Nguyễn Văn Thọ, lữ đoàn trưởng LĐ3ND, gọi về Trung Tâm Hành Quân SĐND ở Khe Sanh: “Lương ơi! Căn cứ đã bị tràn ngập. … Vĩnh biệt bạn!” (Lương là Đại Tá Nguyễn Thu Lương, trưởng phòng hành quân SĐND trong thời gian đó.) Ở CC30ND, cách CC31ND chừng năm cây số, Đại Úy Trương Duy Hy, pháo đội trưởng 155 ly, nhận lời chào cuối cùng của đại úy pháo đội trưởng Nguyễn Văn Đương ở đầu giây, “… Việt Cộng tràn lên bãi trực thăng đông quá. … Tôi phải ra trực xạ đây.” Và Đại Úy Đương chỉ có thể trực xạ đến 4 giờ 16 chiều, vì đến giờ đó, tiểu đoàn phó TĐ3 Pháo Binh Dù, Đại Úy Phương, lên máy truyền tin cảm ơn lần cuối: “Thành thật cảm ơn các bạn đã tác xạ hết mình. Nhưng bây giờ không còn cách nào cứu vãn. Vĩnh biệt các bạn. Vĩnh biệt các bạn.” Truyền tin qua lại của hai đại đội 31 và 32 cho thấy họ di chuyển khỏi vị trí, rút về hướng nam chờ bắt tay với TĐ8ND và ThĐ17KB từ Bản Đông lên. Đại đội trinh sát của LĐ3ND, đang đóng ở hướng tây tây bắc, được lệnh đánh trở lại căn cứ để cứu những quân nhân còn tử thủ.[xli] 
Nhiều chuyện không may xảy ra cho sự thất thủ của CC31ND: máy bay tiền sát hướng dẩn hỏa lực đến không kịp giờ gì bị lạc tọa độ; phản lực cơ Mỹ đang đánh bom yểm trợ bỏ vị trí đi cứu bạn (một phản lực cùng phi tuần bị bắn rơi trong lúc yểm trợ) trong khi tăng của địch tiến lên đồi; từ 3giờ 30 đến 5 giờ hơn, một cơn mưa giông trút xuống vùng Khe Sanh Lao Bảo, ngăn cản mọi yểm trợ không lực, sau khi không lực Mỹ đã thực hiện được 108 phi vụ yểm trợ cho CC31ND. Trong đêm 25, đại đội trinh sát đụng mạnh với địch khi họ tiến về CC31ND với hy vọng cứu bộ chỉ huy lữ đoàn, hay bất cứ ai còn sống sót. Đại đội bị thiệt hại nặng nhưng vẫn không vào được bên trong căn cứ. Rạng sáng ngày 26, B-52 bay 15 phi vụ, trải bom bắc, tây bắc và đông bắc CC31ND.[xlii] Ngày 26, TĐ8ND và TĐ17TK trên đường tiến lên CC31ND tiếp viện, quần thảo với một đại đội của địch đóng ở phía tây nam, cách căn cứ chừng 200 đến 400 mét. Quân tiếp viện nhìn thấy căn cứ, nhưng không vượt qua được sức kháng cự của địch. Một đại đội của TĐ8/TrĐ64 CSVN đang đóng chốt cản hướng đi. Tại vị trí này, Từ ngày 26 đến ngày 3 tháng 3, ở phía nam và tây nam CC31ND xảy ra nhiều trận giao tranh đẩm máu giữa hai lực lượng đối kháng. Đến ngày 3 tháng 3 hai tiểu đoàn của TrĐ64 gom quân lại và đẩy lực lượng Dù-Thiết Kỵ ngược về Bản Đông.[xliii]
Trận đánh đêm 2 tháng 3 giữa lực lượng đặc nhiệm Dù-Thiết Kỵ và TrĐ64/SĐ320, xảy ra cách CC30ND chừng năm cây số về hướng tây, nhưng ở Căn Cứ 30 những người lính của TĐ2ND có thể cảm nhận được hỏa lực địch — Tiểu Đoàn 2 Nhảy Dù bây giờ đứng bơ vơ một mình giữa Binh Đoàn 70. 
Tình hình Căn Cứ 30 Nhảy Dù được tướng Sutherland nhắc đến trong một điện tín báo cáo về MACV ngày 22 tháng 2. Sutherland cho biết pháo nòng dài và pháo cối của địch rất chính sát, làm giới hạn tối đa những phi tuần tiếp liệu cho căn cứ. Hỏa lực phòng không đầy trời, nhưng máy bay quan sát không tìm được mục tiêu đặt súng. Sutherland báo cáo bốn đại bác 105 ly trên căn cứ bị hư và cần thay thế. Trừ những trở ngại đó, căn cứ của Nhảy Dù “vẫn bình yên.”[xliv] Báo cáo của Sutherland cũng đúng: Cho đến ngày 22 tháng 2, mặt trận của vùng hành quân ở phía tây tương đối yên tỉnh — yên tỉnh cho đến khuya 24 khi CCBĐQN của TĐ21BĐQ thất thủ; đêm 25 đến lượt CC31ND của LĐ3ND và TĐ3ND bị mất. Và sau khi củng cố tập trung lại quân số sau trận Căn Cứ 31, lực lượng của B70 mạnh hơn. Tối đêm 3 tháng 3, lực lượng Dù-Thiết Kỵ được lệnh bỏ tuyến; và bỏ luôn ý định trở lại CC31ND. Nhưng trước khi rời vị trí, Thiết Đoàn 17 và TĐ8ND đánh một trận để đời ở Hạ Lào: Giao chiến với một tiểu đoàn địch, lực lượng Dù-Thiết Kỵ đổi 100 thương vong để lấy 383 xác đối phương.[xlv] Sau trận đánh lực lượng đặc nhiệm lui về Đường 9, về phòng tuyến ở Bản Đông. Cho đến lúc đó, trừ sự hiện diện của TĐ2ND ở đông bắc Bản Đông, vùng hành quân từ biên giới đến bắc Bản Đông nằm trong gọng kềm của Binh Đoàn B70. Chỉ sau một tuần phản công, ba sư đoàn CSVN đàn áp tất cả các lực lượng VNCH ở hướng bắc của trục tiến quân.
Đến ngày cuối của Tháng 2 (ngày 28) trên CC30ND vẫn còn một số lính BĐQ kẹt lại (quân của hai TĐ39 và 21). Căn cứ đông và chật hơn. Theo quan sát của phi công trực thăng yểm trợ, căn cứ đông và chật đến độ nếu pháo binh địch bắn vào, thì thế nào cũng có lính bị thương/ chết. Lính bị thương mà không được di tản ngay, lại trở thành một gánh nặng cho quân trú phòng.[xlvi] Vòng đai phòng thủ của căn cứ càng ngày càng nhỏ lại. Ngày 27 địch đã đột nhập đến bãi đáp trực thăng, quân trú phòng phải nghênh chiến cách phòng tuyến của họ chưa đến 50 mét. Trong ba ngày 26 đến 28, các đơn vị của TrĐ64/SĐ320 và TrĐ88/SĐ308 thay phiên nhau tấn công vào CC30ND nhưng thất bại: Địch không dám tập trung quân nhiều vì sợ trúng bom B-52 (B-52 đánh hàng ngày chung quanh căn cứ); nếu dùng ít quân thì đánh không qua được phòng tuyến của Nhảy Dù. Nhưng địch không cần tràn ngập phòng tuyến bằng lính bộ binh và xe tăng nữa. Họ chỉ cần tiếp tục pháo … pháo cho đến khi quân trú phòng phải di tản khỏi cao điểm. Ngày 2 tháng 3 địch pháo vào căn cứ hơn 1.000 quả đạn, trong đó có đạn đại bác 152 ly. Đạn pháo kích bắn trúng vào hầm đạn 105 ly, và nổ lan qua hầm đạn 155 ly, thiêu hủy một góc của căn cứ, phá hủy tất cả đại bác của hai pháo đội. Tiểu đoàn được lệnh chuẩn bị chờ trực thăng đến di tản. Nhưng trực thăng nào dám đáp xuống một giữa một xạ trường như vậy. Rút lui bằng trực thăng không được, xế trưa ngày 3 tiểu đoàn được lệnh di chuyển bằng đường bộ. Tiểu Đoàn 2 Nhảy Dù VNCH, sau sau hai mưoi lăm ngày phòng thủ CC30ND, rời căn cứ vào 5 giờ chiều. Hai giờ sáng ngày 4 tháng 3, sau khi tất cả đã xuống được chân đồi, trên đường di chuyển, tiểu đoàn Đ2ND đánh một điện tín, yêu cầu phi cơ tiền sát đang bay trên đầu nếu nhận được thì chuyển về cho BTL hành quân/ tư lệnh SĐND ở Khe Sanh. Điện tín vắn tắt, “Bị vây hãm và bị tấn công liên tục mười ngày; không nhận được tiếp tế; có 200 thương vong. … Hai ngày không có lương thực và nước uống. … Cần trực thăng tải thương và tiếp tế gấp khi trời sáng.”[xlvii]
 Hơn một tuần trước khi TĐ2ND bỏ cứ điểm CC30ND, SĐND đã thực hiện kế hoạch tái phối trí vị trí và trách nhiệm của sư đoàn. Thay gì nhảy vào Tchepone như kế hoạch hành quân nguyên thủy, LĐ2ND, với ba tiểu đoàn 5, 7 và 11, bây giờ có trách nhiệm củng cố an ninh trên Đường 9 từ Lao Bảo đến Bản Đông: BTL LĐ2ND đóng ở Lao Bảo; TĐ11ND phụ trách bãi đáp/ tuyến Bravo; TĐ5ND, tuyến Alpha; và TĐ7ND đi xa về hướng bắc để đón TĐ2ND trên đường di tản từ CC30ND về, và làm một hành lang kiểm soát ở hướng bắc, khoảng giữa Alpha và Bản Đông. Cùng lúc, SĐTQLC, từ vai trò trừ bị, cũng được điều động vào vùng hành quân: Hai Lữ Đoàn 147 và 258 sẽ thay thế hai Trung Đoàn 1 và 3, SĐ1BB ở một vài cao điểm, để hai trung đoàn này rời vị trí, tiến xa về phía tây.
Ngày 3 tháng 3, hành quân ngày N+23, trận liệt của VNCH và CSVN hoàn toàn thay đổi. Theo báo cáo của Phòng 2 BTTM VNCH, đến thời điểm đó lực lượng CSVN có 16 trung đoàn ở vùng hành quân. Mười một trong số mười sáu trung đoàn này đã tham chiến; năm trung đoàn còn lại nằm trong vùng hành quân và có thể tham chiến bất cứ lúc nào. Đó là các trung đoàn bộ binh, đơn vị yểm trợ của CSVN trong vùng hành quân gồm một trung đoàn chiến xa; một phòng không; và hai pháo binh. Cùng ứng chiến như một đơn vị độc lâp, Binh Đoàn 559 có 12 tiểu đoàn phòng không; 12 tiểu đoàn vận tải; và 17 tiểu đoàn công binh trong vùng hành quân, với nhiệm vụ bảo vệ căn cứ của họ.[xlviii]
Sư Đoàn 1 Bộ Binh và Mặt Trận Phía Nam
Trong khi ở hướng bắc Đường 9, Nhảy Dù và BĐQ đương đầu với năm trung đoàn CSVN (chưa kể các đơn vị xe tăng, phòng không, và pháo binh), ở phía nam, hai trung đoàn của SĐ1BB quần thảo với sáu trung đoàn địch (chưa kể những đơn vị yểm trợ và hai binh trạm). Sáu trung đoàn CSVN đến từ các Sư Đoàn 324B, 304, và một trung đoàn của SĐ2BB.
 Vào tuần lễ đầu hành quân, tám tiểu đoàn của TrĐ1 và TrĐ3/SĐ1BB đóng trên chín cao điểm, trong đó có năm căn cứ hỏa lực. Từ cao điểm Co Roc gần biên giới cho đến phía đông nam Bản Đông. Những căn cứ hỏa lực quan trọng là CCHotel; CCHotel2; CCDelta; Don; và CCDelta1. Tất cả những căn cứ này nằm trong phạm vi Đường 914 và biên giới Việt Nam — cũng đồng thời nằm trong vùng hoạt động của căn cứ hậu cần 611. Căn cứ hậu cần 611 do hai Binh Trạm 31 và 41 phụ trách, có nhiệm vụ tải hàng từ hai Binh Trạm 33 và 42 ở Tchepone (căn cứ hậu cần 604) về mặt trận B-4 và quân khu Trị-Thiên-Huế. Những căn cứ/ cao điểm này nằm cách Sông Xe Pone/ Đường 9 từ năm đến 12 cây số. Căn cứ hỏa lực xa nhất về hướng nam là CCHotel2. Từ đây pháo binh có thể tác xạ xuống Mường Nông — cũng là một một mục tiêu quan trọng của LS719. Nếu ở hướng bắc Đường 9 những căn cứ của Nhảy Dù và BĐQ đóng theo đội hình để kềm chế trục lộ 92A và 1093; ở hướng nam, SĐ1BB đóng trên những cao điểm để ngăn chận lưu thông về hướng đông nam trên đường 914 và 92C.[xlix]
 Lực lượng CSVN mà SĐ1BB VNCH đang đối đầu trong vùng trách nhiệm của họ là SĐ2 Sao Vàng với hai Trung Đoàn 3 và 41; ba Trung Đoàn 29, 812, và 803 của SĐ324B. Phản ứng của địch ở phía nam (vùng trách nhiệm của SĐ1BB) tương đối chậm và kém mãnh liệt hơn ở phía bắc (vùng trách nhiệm của BĐQ và Nhảy Dù). Nhưng sau khi hai căn cứ BĐQ và CC31ND bị thất thủ; sau khi địch viện thêm quân từ hướng B3 (Tây Nguyên) lên, các tiểu đoàn của hai Trung Đoàn 1 và 3/SĐ1BB chạm địch thường xuyên và mãnh liệt hơn. Vào ngày 27 tháng 2, chung quanh CCHotel2, căn cứ hỏa lực lớn nhất và xa nhất phía nam Đường 9, địch bao vây TĐ2/TrĐ3 đang bảo vệ một pháo đội 105 ly trên căn cứ. Khi đánh hơi biết TrĐ3 sẽ di tản pháo đội và quân trú phòng đến một cao điểm khác, địch dùng tất cả hỏa lực tấn công mạnh. Một trực thăng CH-53 bị bắn tan xác trên không trung khi đang móc một khẩu pháo trên đường di tản. Đêm 28 căn cứ được lệnh phá hủy đại bác và di chuyển khỏi căn cứ bằng đường bộ (Pháo đội đã được lệnh di tản từ ngày 23, nhưng chỉ một số di tản được vì phòng không quá mạnh). Hai Tiểu Đoàn 2 và 3/TrĐ3 cũng được lệnh rút đi, tìm một chổ an toàn để trực thăng có thể di tản họ. Trong hai ngày, 28 tháng 2 và 1 tháng 3, trên đường di tản Tiểu Đoàn 2 và Tiểu Đoàn 3/TrĐ3 bị hai Trung Đoàn 29 và 814/SĐ324B tấn công liên tục. Sau cùng, hai tiểu đoàn được trực thăng bốc về Khe Sanh và CCDelta1. Báo cáo từ QĐXXIV cho biết TĐ2/TrĐ3 bị thiệt hại nặng và được đưa về Huế để bổ sung và tái trang bị.[l]
Tình hình chiến trường ở phía nam Đường 9 đến ngày CCHotel2 di tản, đã trở nên ác liệt. Địch điều động thêm bốn trung đoàn vào vùng tác chiến. Đường bộ từ Đông Hà đi Khe Sanh bị phục kích thường xuyên; đường Khe Sanh về Lao Bảo cũng không khá gì hơn. Vận chuyển đường bộ không còn tin tưởng được. Ngay cả những căn cứ tiếp liệu tiền phương do lính Mỹ trấn giữ cũng bị tấn công: Trong bốn ngày, đặc công của Mặt Trận B-5 (đơn vị phụ trách khoảng đường từ Đông Hà về Lao Bảo) tấn công hai lần vào căn cứ Vandegrift (khoảng giữa Cam Lộ và Khe Sanh), phá hủy 320.000 lít xăng máy bay và hơn 16.000 đạn đại bác 20 ly.[li] Trong một điện tín báo cáo tình hình chiến trường cho đến ngày 3 tháng 3, tướng Sutherland thú nhận (1) trong ba lần tấn công vào các Căn Cứ 31, 30 và Hotel2, hỏa lực phòng không, súng cối và pháo binh của địch đã là cho vấn đề tiếp liệu bằng trực thăng khó khăn, nếu không nói là không được. (2) mặc dù bị tổn thất tương đương một trung đoàn một tuần, nhưng địch vẫn quyết liệt tác chiến, và, (3) đối phương đã quen với kỹ thuật và chiến thuật [tác chiến] của quân lực VNCH, và từ đó phối hợp hỏa lực của họ để đối phó.[lii] Nói một cách khác, điện tín của tướng Sutherland cho biết, dù thiệt hại nặng — và sẳn sàng chịu thiệt hại nặng — nhưng địch đang nắm thế thượng phong ở chiến trường.
Ngày 28 tháng 2 tướng Lãm bay về Sài Gòn hội kiến với Tổng Thống Thiệu và Đại Tướng Cao Văn Viên. Buổi họp thực tế hóa quyết định đưa thêm chín tiểu đoàn vào thay thế năm tiểu đoàn đã bi thiệt hại trong hơn ba tuần giao chiến. Những tiểu đoàn bị thiệt hại là TĐ3ND; TĐ39 và 21BĐQ; TĐ2 và 3/TrĐ3/SĐ1BB. Chín tiểu đoàn được đưa vào chiến trường là LĐ147 và LĐ258TQLC (sáu tiểu đoàn); Thiết Đoàn 7; và, TrĐ2/SĐ1BB (TĐ2 và 3). Buổi họp đồng thời khẳng định một lần nữa, SĐ1BB sẽ là đơn vị nhảy vào Tchepone thay vì Nhảy Dù như trong kế hoạch nguyên thủy, hay là TQLC như đã được đề nghị sơ qua ở BTL tiền phương ở Khe Sanh.[liii] Ngày 1 tháng 3, Tổng Thống Thiệu cho Đại Tướng Abrams biết kế hoạch mới như đã nói trên.[liv]
(Xin quý độc giả tìm đọc tác phẩm của Nguyễn Kỳ Phong hỏi mua tại nhà sáxh Tự Lực Quận Cam).

[1] Sư Đoàn 1 Bộ Binh trong thời điểm HQLS719 có năm trung đoàn: 1, 2, 3, 4, và 54 (thống thuộc SĐ1BB). Trung Đoàn 1 và 3 mỗi trung đoàn có bốn tiểu đoàn; Trung Đoàn 2 có năm; và Trung Đoàn 54 có ba. Sau HQLS719, tháng 10-1971, BTTM thành lập Sư Đoàn 3 Bộ Binh, Trung Đoàn 2 được tách ra để làm trung đoàn cột trụ cho Sư Đoàn 3BB (với Trung Đoàn 2, 56, và 57). Khi VNCH thất thủ năm 1975, SĐ1BB có Trung Đoàn 1, 3, 51, và 54. Đọc Nguyễn Duy Hinh, sđd tr. 173; Personnel Occupying Key Positions in the Republic of Vietnam Armed Forces During the Final Enemy Offensive in 1975 (General Research Corporation: McLean, VA, 1975), tr. 9.
[1] Sorley, The Abrams Tapes, tr. 359; đọc thêm Giang Văn Nhân, “Khóa 22 Đà Lạt Trong Trận Hạ Lào,” đây là một bài viết tổng hợp lời kể của các sĩ quan tốt nghiệp Khóa 22 tham dự LS719, viết qua dạng e-mail; và tổng hợp tương tự của Kiều Công Cự trong, “Những Emails Rất Ngắn và Rất Thật về Cuộc Hành Quân Lam Sơn 719”, Đặc San Sóng Thần 2013, tr. 117. Theo bản đồ hành quân của BTL B70, CC31ND và căn cứ tương lai 32ND, đang nằm sát vòng đai của BTL B70. Số thiệt hại của hai đại đội TĐ6ND nằm trong Nguyễn Duy Hinh, sđd, tr. 81. Theo Đại Tá Nguyễn Thu Lương, Phòng 3 Sư Đoàn Nhảy Dù, thì TĐ6ND nhảy xuống để yểm trợ thêm cho LĐ3ND, hơn là thành lập CC32. Đại tá Lương nói lệnh hành quân của sư đoàn thay đổi khi áp lực của CSVN đè xuống CCBĐQB và CCBĐQN. Sách của tướng Hinh cũng viết tương tự như lời giải thích của Đại Tá Nguyễn Thu Lương.
[1] B-5 có hai Trung Đoàn Bộ Binh 31 và 27; hai Trung Đoàn Pháo Binh 84 và 38. Tiểu Đoàn Đặc Công Nước 126 gây nguy hiểm cho xà lan chở hàng từ cảng Mỹ Thủy về Cửa Việt và từ đó vào Đông Hà bằng đường sông. Cản trở này đặt gánh nặng thêm cho phương tiện không vận đang kiệt quệ. Đọc Project CHECO, đã dẫn, tr. 49, trích ở phụ chú dưới.
[1] Headquarters Pacific Air Force. Project CHECO, “Lam Son 719, 30 January – 24 March 1971” tr. 43-44.
[1] Như trên; cùng trang.
[1] Nguyễn Hữu An, Chiến Trường Mới, tr.109. Tướng An nói SĐ308 hạ trại ở Sa Rit, “Tiểu đoàn biệt động quân 21 đóng ở điểm cao 500 chặn trước mặt, cách chúng tôi vài cây số.” Tác giả nói thêm sư đoàn của ông đóng trên đầu Sông Sa Mu. Cao điểm 500 mét của TĐBĐQ21 nhìn xuống Sông Sa Mu. Nếu đây là vị trí đúng của SĐ308 thì CCBĐQN nằm ngay sát vòng đay của Tr88/308 CSVN. Và như vậy, ngày hôm sau (N +3) CCBĐQB của TĐ39BĐQ đóng ngay vùng tác chiến của TrĐ102/SĐ308. Hai căn cứ Bắc và Nam cách nhau khoảng hai cây số.
[1] Vị sĩ quan tử nạn là Đại Tá Cao Khắc Nhật, Trưởng Phòng 3, QĐI. Theo sách tướng Nguyễn Duy Hinh, giữa tháng 1 khi Chuẩn Tướng Trần Đình Thọ, Trưởng Phòng 3, BTTM, ra Huế thông báo cho tướng Lãm nội dung HQ LS719, Đại Tá Nhật không được phép tham dự vì lý do bảo mật. Sau buổi thuyết trình, Đại Tá Nhật hỏi tướng Thọ, “Tại sao tôi không được tham dự? Tôi là người đóng góp sọan thảo hành quân này.” Đọc Nguyễn Duy Hinh, sđd, tr. 34. Đoàn trực thăng này có năm chiếc, do hoa tiêu Không Quân VNCH bay. Tác giả Trần Đỗ Cẩm viết (theo lời thuật của các sĩ quan BĐQ) bến đến của đoàn phi cơ năm chiếc là bộ chỉ huy LĐ1BĐQ ở Tà Púc. Nhưng nếu trực thăng bị bắn ở giữa Đường 9 và phía nam CCBĐQN, thì trực thăng đã bay lạc hướng. Sách của tướng Hinh ghi bến đến của trực thăng là CCBĐQN. Nguyễn Duy Hinh, sđd, tr. 34; Trần Đỗ Cẩm, tr. 6. Theo hai tác giả Richard Pyle và Horst Faas trong Lost Over Laos (De Capo Press, 2002), đoàn trực thăng có năm chiếc, trong đó một chiếc chở tướng Lãm, hai chiếc chở sĩ quan quân đoàn và phóng viên báo chí ngoại quốc, hai chiếc còn lại chở tùy viên. Mục đích của chuyến bay là thị sát căn cứ Hotel ở nam Đường 9, rồi bay về hướng bắc thị sát CCBĐQN của TĐ21BĐQ. Trực thăng đến CCHotel an toàn. Trên đường đến CCBĐQB, trực thăng của tướng Lãm dẫn đầu, hai trong bốn chiếc còn lại bay lạc. Khi ba chiếc trong đoàn đáp xuống CCBĐQN, chờ một hồi lâu không thấy hai trực thăng kia xuất hiện, tướng Lãm nói ông có linh cảm chuyện không may đã xảy ra (theo lời tướng Lãm kể lại trong sách của hai tác giả). Lost Over Laos, tr. 143, 158.
[1] FRUS, sđd, Document 113. Ngày 29 tháng 1-1971, tướng Abrams nói ước lượng đó là dựa vào cuộc hành quân qua Cam Bốt tháng 5-1970.
[1] Điện tín 121144Z Feb 1971, QTR 0064, Sutherland gởi Abrams. Sutherland báo cáo Tổng Thống Thiệu muốn nổ lực tạm thời của QĐI là khu vực có tọa độ “XD 5720, XD 6320, XD 5724, và XD 6324 (mục tiêu A Ro).” Căn Cứ 611 nằm dọc theo đường 914 dẫn về Vùng I và Vùng II. Theo tài liệu của Thiếu Tướng Nguyễn Duy Hinh, ông Thiệu ra thị sát Đông Hà vào ngày 19 tháng 2. Nhưng tất cả tài liệu người viết tìm được, đều nói ngày 12 tháng 2. Điện tín của Sutherland ghi ngày 12 tháng 2 (121144Z Feb 1971: 11:44 giờ Zulu, 12 tháng 2), và bắt đầu, “Trong lúc thăm viếng vùng hành quân Lam Sơn 719 hôm nay …”
[1] Đến ngày 12 tháng 2 VNCH có 17.822 quân ở Cam Bốt trong hai cuộc hành quân Cửu Long 44-02, và Toàn Thắng 1/71, do Quân Đoàn III và Quân Đoàn IV thực hiện. Quân số này tăng lên 21.000 ngày 27 tháng 2. Theo báo cáo của MACV, trong tuần lễ đầu của LS719, VNCH có 10.621 quân ở Lào. Không Quân VNCH đảm nhiệm đa số phi vụ tiếp vận, tải thương và yểm trợ cho hai cuộc hành quân Cửu Long và Toàn Thắng. Đọc Sorley, The Abrams Tapes, tr. 520, 535, 549.
[1] Sorley, sđd, tr. 506. B-5 là bộ tư lệnh có trách nhiệm 15 cây số bắc, và 15 cây số nam Sông Bến Hải; Đại Tướng Julius D. Clay, tư lệnh Không Lực 7, nói về giới hạn của Không Lực 7 trong buổi họp ở MACV, ngày 13 tháng 2, Lewis Sorley, cùng sách, tr. 534.
[1] Điện tín 141220Z, Feb 14 1971, DNG 0443, Sutherland gởi Abrams.
[1] TrĐ102/308 CSVN cho biết họ bắn 2.083 đạn 82 ly vào CCBĐQB; và để kềm chế CCBĐQ37/LĐ1BĐQ ở Ta Puc, họ tiêu thụ hơn 2.900 đạn cối 82 và 120 ly vào mục tiêu này. Đọc Công Tác Hậu Cần Chiến Dịch Đường 9 Nam Lào, tr. 343.
[1] Nguyễn Duy Hinh, sđd, tr. 79; “Bản Đồ Tổ Chức Hậu Cần Mặt Trận 702 Chiến Dịch Đường 9 Nam Lào (Tháng 2-3 Năm 1971)” trong Chiến Dịch Phản Công Đường 9 Nam Lào.
[1] Nguyễn Hữu An, sđd, tr. 109-110.
[1] Bản đồ đã dẫn trong Chiến Dịch Phản Công Đường 9 Nam Lào; Nguyễn Duy Hinh, sđd, tr. 77-79.
[1] Sorley, The Abrams Tapes, tr. 538.
[1] Trong Victory in Vietnam: The Official History of People’s Army of Vietnam, 1954-1975, tr. 274, CSVN ghi đã có những đơn vị sau vào ngày 8 tháng 2 tại vùng hành quân: Năm sư đoàn chánh quy; hai trung đoàn độc lập; tám trung đoàn pháo; ba trung đoàn xe tăng, ba trung đoàn công binh; sáu trung đoàn phòng không; tám trung đoàn đặc công; và, những đơn vị cơ hữu phụ thuộc. Đây là bản dịch Việt ngữ Lịch Sử Quân Đội Nhân Dân, Tập II: Thời Kỳ Trưởng Thành của Quân Đội Nhân Dân Trong Thởi Kỳ Kháng Chiến Chống Mỹ, Cứu Nước (1954-1975) (Merle L. Pribbenow, translator, Kansas: University of Kansas Press, 2002). Quân số của CSVN ghi theo sách trên mâu thuẩn với nhiều sách quân sử riêng của các sư đoàn, hay sách của tổng cục hậu cần. Một số trung đoàn vẫn đang trên đường đến chiến trường vào ngày 8 tháng 2, như trường hợp của TrĐ64/SĐ320 và TrĐ36/SĐ308.
[1] Công Tác Hậu cần Chiến Dịch Đường 9 Nam Lào, tr. 116-119, 379, 458. Tiếp liệu hậu cần của CSVN được chia ra từng khu vực/ : B70; B-5; Binh Đoàn 559; SĐ324B, và SĐ2BB. Trung bình mổi trung đoàn có chừng 65 cối 60 và 82 ly.
[1] Đại Úy Trương Duy Hy, chỉ huy pháo đội C/TĐ44 ở CC30ND, kể lại trưởng hợp CC21BĐQ xin ông phản pháo … hai pháo đội liên tục phản pháo nhưng không hiệu quả vì không thấy hướng súng của địch. Đại Úy Trương Duy Hy, Tử Thủ Căn Cứ Hỏa Lực 30 Hạ Lào, tr. 72, 87.
[1] Keith W. Nolan, Ripcord: Screaming Eagals Under Seige, Vietnam 1970, tr. 476, 480. Căn cứ Ripcord, từ lúc chiếm cho đến khi di tản hơn bốn tháng. Tuy nhiên chỉ có 23 ngày sau cùng (1 đến 23 tháng 7-1970) là bị tấn công mạnh: Mỹ có 74 tử thương và 400 bị thương trong ba tuần (254 tử thương trong bốn tháng). Súng cối của CSVN bắn vào căn cứ đặt xa mục tiêu từ 400 mét đến 3.500 mét. Chỉ trong ba tuần, cố thủ một cứ điểm bất động, với 74 chết và 400 bị thương, thì không thể giữ căn cứ được.
[1] Nguyễn Duy Hinh, sđd, tr. 142, 159-160. Tướng Hinh viết, tất cả 96 khẩu đại bác bị bỏ lại, là ở những căn cứ hỏa lực: Trực thăng không câu đại bác ra được vì pháo và phòng không của địch quá mạnh.
[1] Điện tín 210525Z, Feb 1971, QTR 0116, Sutherland gởi Abrams; Điện tín 221745Z, Feb 1971, QTR 0125, Sutherland gởi Abrams. Trong điện tín ngày 21 tháng 2, Sutherland nói tướng Lãm xin phi vụ B-52 hai ngày liên tiếp để “hủy diệt hoàn toàn TrĐ102 và những đơn vị của SĐ308 trong vùng.” Điện tín ngày 22, Sutherland nói tướng Lãm ra lệnh cho một lực đặc nhiệm tiến về tiếp cứu CCBĐQN. Từ ngày 17 tháng 2, Sutherland đã xin phép Không Quân cho B-52 dội bom cách lực lượng bạn chừng 1.500 mét, thay vì căn bản an toàn là cách 3.000 mét. Điện tín 170300Z, Feb 1971, QTR 0096, Sutherland gởi Đại Tướng Clay (Tư Lệnh Không Lực 7).
[1] Đọc thêm nhiều chi tiết về những trận đánh ở CCBĐQB và CCBĐQN của TĐ39 và 21 BĐQ trong Trần Đỗ Cẩm, “Các Trận Đánh Của Biệt Động Quân Tại Hạ Lào”, Nguyệt San Đoàn Kết (Austin, Texas, Tháng 9, 2001); hai bài viết của Kiều Công Cự; và Giang Văn Nhân, đã dẫn như trên. Cả ba tác giả đều nhắc đến sự mãnh liệt của súng cối và đại bác không giật. Kiều Công Cự viết, “Trong một ngày mà có bốn sĩ quan bị thương, tất cả do đạn pháo kích,” Đặc San Sóng Thần 2013 (Garden Grove, California), tr. 129.
[1] Điện tín 231600Z Feb 1971, QTR 0135, Sutherland gởi Abrams. AH-1G là trực thăng loại “Cobra”; UH-1C là lọai võ trang “gunship.”
[1] Chuẩn tướng Trần Quang Khôi, một trong những tư lệnh (đại tá chỉ huy trưởng Lữ Đoàn 3 Thiết Kỵ) trong HQ Toàn Thắng 1/71 ở Cam Bốt, qua phỏng vấn điện thoại với người viết, tướng Khôi nói hai ngày trước khi tử nạn (ngày 21 tháng 2), tướng Trí có nói cho tướng Khôi biết ông được lệnh đi Vùng I để chỉ huy Hành Quân LS719. Tướng Trí nói ông muốn tướng Khôi ra Vùng I với ông.
[1] Điện tín 121114Z Feb 1971, Sutherland nói về lời phàn nàn của tướng Lãm; điện tín 141200Z, cùng tháng, Sutherland thú nhận ông đã không nói với tướng Lãm về số lượng trực thăng và số lượng cung ứng; điện tín 231600Z, tướng Sutherland nói ông ta cần thêm trực thăng để hoạt động theo nhu cầu; Đoạn Abrams khuyên Sutherland nên nói thẳng ra hoàn cảnh thực tế cho tướng Lãm biết, trích theo Lewis Sorley, Thunderbolt: General Creigton Abrams and the Army of His Times, tr. 308-309.
[1] Sơ lược về lực lượng Hoa Kỳ yểm trợ Hành Quân LS719: Liên Đoàn 108 Pháo Binh (bốn tiểu đoàn); Liên Đoàn 45 Công Binh (hai); LĐ3/SĐ101ND (sáu); LĐ1/SĐ5 Cơ Giới (năm); và hai tiểu đoàn của TrĐ11/SĐ23Americal. Tổng cộng 19 tiểu đoàn. Đọc Shelby L. Stanton, The Rise and Fall of an American Army, 1965-1973, tr. 351.
[1] Nguyên văn điện tín 141220Z Feb 14 của Sutherland, “Điều không giải thích cho họ [tướng Lãm và QĐI] biết là tất cả trực thăng này cũng dùng cung ứng cho tất cả nhu cầu ở Vùng I … cho SĐ101 Nhảy Dù, cho LS719, cho Dewey Canyon II, cho các đơn vị của SĐ1BB không đang ở Hạ Lào, và cho nhu cầu của chi và tiểu khu của QĐI.”
[1] Điện tín 260900Z Feb 71, Thiếu Tướng Gettys (USARV) gởi Trung Tướng Dolvin (MACV). Giống như tình trạng tiếp liệu của các quân đội trên thế giới: cấp số lý thuyết và số nhận được khác nhau. Khác xa hơn là đồ nhận vào nhưng không xử dụng được vì bị hư/ khiếm khuyết: cấp số trực thăng là 696 chiếc; nhận 672; nhưng chỉ có 497 chiếc “hoạt động” (bay) được. Một thí dụ: lọai võ trang UH-1C, theo cấp số sẽ nhận 44; nhận 42; nhưng chỉ 17 chiếc bay được. Lọai võ trang Cobra: 123; nhận được 113; bay 85. Lọai trực thăng chuyên chở căn bản UH-1H: cấp số 329; nhận 325; bay được 245. Những lọai trực thăng còn lại là OH-6; OH-58; CH-47 — hai lọai trực thăng quan sát, và chở nặng. Số 479 trực thăng của QĐXXIV đang hoạt động, trong đó có 51 chiếc “mượn” từ các đơn vị Lục Quân ở Vùng II và III; và 16 chiếc CH-53 kèm theo trực thăng hộ tống, từ TQLC Hoa Kỳ ở Vùng I.
[1] Lục Quân Hoa Kỳ, Việt Nam (U.S. Army, Vietnam/ USARV) là một bộ tư lệnh cấp quân đoàn, trừ thẩm quyền về hành quân, có thẩm quyền hành chánh quân sự và tiếp liệu cho tất cả quân chủng Lục Quân Hoa Kỳ ở Việt Nam. Tư lệnh MACV (Đại Tướng Abrams) đồng thời là tư lệnh USARV. Dưới Abrams là hai tư lệnh: tư lệnh phó MACV về hành quân (Đại Tướng Weyand); tư lệnh phó MACV về tiếp liệu và hành chánh, đồng thời là tư lệnh phó USARV (Trung Tướng William J. McCaffrey). Dưới quyền của USARV là các bộ tư lệnh, liên đoàn không vận; các lữ đoàn cứu thương, quân cảnh; vận tải, truyền tin, và tiếp liệu. Quân số của USARV hơn phân nữa số quân Mỹ ở Việt Nam. Bộ tư lệnh của USARV ở Long Bình. Đây là một lối hành chánh quân sự rất phứt tạp của của MACV ở Việt Nam, vì USARV phụ thuộc vào tiếp liệu của Lục Quân Hoa Kỳ, Thái Bình Dương (U.S. Army, Pacific/ USARPAC), một ở cách xa chiến trường hơn một phần tư trái đất. Một phụ chú bên lề: Trung Tướng William McCaffrey (khoá 1939 võ bị West point) có con trai là Barry R. McCaffrey (West Point 1964), năm 1966-67 là trung úy cố vấn cho một đơn vị Nhảy Dù VNCH. Barry McCaffrey lên đến chức đại tướng về sau, và là một đại tướng trẻ nhất khi về hưu.
[1] Lewis Sorley, The Abrams Tapes, tr. 543-546. Một buổi họp của các tư lệnh MACV, khi hiện diện đầy đủ, có ba đại tướng; ba hay bốn trung tướng; 11 thiếu tướng; tám chuẩn tướng; và bốn, năm đại tá quan trọng của các lực lượng biệt lập (như chỉ huy trưởng LLĐB, MAC-SOG, quân báo điện tử).
[1] Tài liệu đầy đủ về trực thăng yểm trợ cho HQLS719 đến từ Vietnam Helicopter Pilots Association (VHPA). Bản liệt kê cho biết từng lọai trực thăng và những đơn vị VNCH họ yểm trợ. Địa chỉ web site của VHPA: w.w.w.angelfire.com/ga2/vnhistory/D94lam/html.
[1] Nguyễn Duy Hinh, sđd, tr. 47-48.
[1] Lệnh Hành Quân, Sư Đoàn Nhảy Dù, ở phần phụ lục cuối sách.
[1] The Joint Chiefs of Staff and the War in Vietnam, vol. 1971-1973, tr. 8-9. Ngày 25 tướng Abrams gởi về BTMLQ Hoa Kỳ một điện tín, xác nhận thay đổi trên.
[1] Trương Duy Hy, Tử Thủ Căn Cứ Hỏa Lực 30, tr. 106, 108, 113. Tướng Sutherland trong điện tín 221745Z Feb 1971, gởi MACV, báo cáo, đại bác và súng cối pháo của địch bắn vào hai căn cứ của Nhảy Dù (30 và 31) rất chính xác. Ngày 22 trực thăng VNCH chở một toán tác chiến điện tử vào CC31ND, và để di tản phi hành đoàn trực thăng VNCH bị bắn rơi hôm trước. … Phi vụ trực thăng ngày 22 bị phòng bắn rơi khi sắp sửa đáp, và vài phút sau, súng cối của địch tiêu hủy luôn chiếc trực thăng bị nạn. Súng cối của địch là trở ngại chính cho tất cả phi vụ trực thăng tiếp tế các căn cứ hỏa lực.
[1][1] Theo tác giả Nguyễn Duy Hinh, sđd, tr.84, hai đại đội 31 và 32 của TĐ3ND được lệnh di chuyển về hướng nam để đón lực lượng tiếp viện từ Bản Đông lên. CC31ND nằm ở bên tay trái của đường 92, cách bắc Bản Đông chừng tám cây số. Đường 92 đi về hướng đông bắc sẽ trở thành Đường 1032 đi thẳng vào Bản A-Choc, Quảng Bình, một trong bốn cửa khẩu quan trọng của hệ thống đHCM. Trong bài viết của Giang Văn Nhân, Trung Úy Phạm Xuân Thiếp, đại đội trưởng ĐĐ32 thuật lại, ngày 25 anh dẩn đại đội về hướng nam để đón quân tiếp viện, nhưng không gặp như dự định.
[1] Nguyễn Duy Hinh, sđd, tr. 84.
[1] Điện tín 221745Z Feb 1971, QTR 0128 Eyes Only, Sutherland to Abrams. Điện tín này đồng thời cho biết Trung Tướng Dư Quốc Đống bỏ ý định lập CC32ND như theo kế hoạch hành quân (Sau lần trực thăng vận xuống ngày 13 tháng 2 của TĐ6ND bị hủy bỏ vì thiệt hại quá nặng, khi bãi đổ quân nằm ngay vùng tác xạ của địch.).
[1] Đại Tá Nguyễn Thu Lương, trong Tình Đồng Đội (Đặc San Cánh Dù Viễn Xứ, Tháng 4-2008). Trong bài viết Đại Tá Lương cho biết sau khi CC31ND thất thủ, Đại Đội 3 Trinh Sát từ đó thống thuộc LĐ1ND, và hai đại đội còn lại, 31 và 32, thống thuộc TĐ8ND; Đại Úy Trương Duy Hy, sđd, trang 116-118; bài viết Khóa 22 và Lam Sơn 719 Hạ Lào của Giang Văn Nhân về truyền tin của Đại Đội 32 nghe được từ Trung Tá Lê Văn Phát và Đại Úy Đương. Giờ phút của trận đánh CC31ND, người viết ghi theo Trương Duy Hy; Giang Văn Nhân; bản đồ tác chiến trong “Chiến Dịch Đường 9 Nam Lào,” chi tiết ngày 25 tháng 2-1971; và CHECO Report, Lam Son 719, 30 January-24 March, 1971.
[1] CHECO Report, tr. 59; Trương Duy Hy, sđd, tr.128.
[1] CC31ND coi như mất hoàn toàn vào 11:30 đêm 25, nhưng đến ngày 28 ba đại đội còn lại của TĐ3ND (đại đội trinh sát; ĐĐ31 và 32) vẫn giao chiến trên đường củng cố vị trí về hướng đông đông nam (đi về hướng Bản Đông). Nằm cản ngay trên Đường 92 chận quân cứu viện, là một đai đội của TĐ8/TrĐ64. Ba ngày sau, sáu đại đội của hai TĐ8 và 9/TRĐ64 mới tập trung lại để tấn công đơn vị Dù-Thiết Kỵ tiếp viện từ Bản Đông lên. “Đồi Không Tên” là một vị trí nằm ở phía nam sát chân đồi 31, cạnh một con suối có tên Kim Lan (trên bản đồ, đây là Bản Kim Lan). Tại đây đơn vị đặc nhiệm Dù-Thiết Kỵ bị chận lại, hai bên giao chiến với nhau cho đến khuya ngày 3 tháng 3 thì lực lượng VNCH phải rút trở lại Bản Đông. Điện văn ngày 4 tháng 3 của tướng Sutherland cho biết TrĐ64/SĐ320 và TRĐ1/SĐ2BB đã chết gần 800 quân ở những vị trí chung quanh Đồi Không Tên và CC31ND. Điện tín 040740Z March 1971, QTR 0220, Sutherland gởi Abrams; Chi tiết của Trung Úy Trần Cảnh viết trong “Những E-mails Rất Ngắn …” tả vị trí của Đồi Không Tên giống những chi tiết trong sử liệu quân đội CSVN.
[1] Điện tín 221745Z February 1972, QTR 0128, Eyes Only, Sutherland gởi Abrams.
[1] Nguyễn Duy Hinh, sđd, tr. 92. nt Chiefs of Staff and the War in Vietnam, tr. 10.

[1] Đóng trong căn cứ, theo Đại Úy Trương Duy Hy, pháo đội của ông có 75 quân nhân; BĐQ di tản về đó khoảng 200 người; cộng thêm pháo đội Nhảy Dù của Đại Úy Trí; và hai đại đội cơ hữu của TĐ2ND.
[1] Chi tiết này đến từ Project CHECO, đã dẫn, tr. 102, do phi công FAC (Forward Air Controller) thuật lại. Trong một lần nói chuyện qua điện thoại với Thiếu Tá Trần Công Hạnh (đại úy đương nhiệm, Ban 3 TĐ2ND), người viết hỏi tại sao phải đánh điện tín qua máy bay FAC? Có phải vì không liên lạc được với trung tâm hành quân SĐND ở Khe Sanh? Thiếu Tá Hạnh cho biết, đã liên lạc lúc được lệnh di tản. Nhưng lúc đó đại bác của địch bắn liên tục, không còn thì giờ báo cáo và nhận lệnh mạch lạc, nên phải nhắn tin qua phi cơ tiền sát để Khe Sanh biết được tình hình rõ ràng hơn. Chi tiết từ MACV cho biết địch pháo hơn 1.000 quả đạn vào CC30ND vào ngày 2 tháng 3, trong Sorley, The Abrams Tapes, tr. 554.
[1] Tài liệu theo báo cáo của Đại Tá Phạm Ngọc Thiệp, Phòng 2 BTTM, “Nhận Định Tình Hình Hành Quân Lam Sơn 719 và Ảnh Hưởng Đối Với CSBV,” KBC 4002 ngày 29.3.1971. Những trung đoàn có mặt trong vùng hành quân nhưng chưa tham chiến là các Trung Đoàn 48/SĐ302; 9/SĐ304; 31/SĐ2; 803/SĐ324B; và 6/QKTTH (Quân Khu Trị-Thiên-Huế). MACV cũng ghi nhận những trung đoàn này trong báo cáo hàng tuần. Đọc Sorley, sđd, tr. 536.
[1] Như đã sơ lược ở đầu chương, Bản Đông nằm gần ngả tư Đường 9 và 92. Đường 92 ở bắc Đường 9 gọi là 92A. 92A sẽ trở thành Đường 1032. Đường 92 ở phía nam là 92C. Đường 92C sẽ nhập vào Đường 914. Tại ngã ba 914 và 92C là Mường Nông. Trong mật danh Hành Quân LS719, Bản Đông là A Lưới; Mường Nông là A Ro, và Tchepone là A Shau.
[1] Điện tín 040740Z March 1971, QTR 0220, Eyes Only, Sutherland gởi Abrams; Nguyễn Duy Hinh, sđd, tr. 89.
[1] Trong 45 ngày Hành Quân LS719, đặc công của B-5 phá hủy 880.000 lít xăng máy bay và 700 tấn đạn đủ lọai. Trích theo tài liệu, Da Nang Support Command, National Archive II, Record Group 472 (270-25-05-5, Box 1).
[1] Điện tín Sutherland gởi Abrams ngày 4 tháng 3, coi phụ chú 49.
[1] Đại Tá Hoàng Tích Thông (lữ đoàn trưởng LĐ147TQLC trong HQ LS719) trong bài viết Thủy Quân Lục Chiến Trong Hành Quân Lam Sơn 719, (TQLC Tập 2, tr.236-237), cho biết trong một buổi họp ở Khe Sanh có sự tham dự của Chuẩn Tướng Trần Đình Thọ (lúc đó là đại tá), Trưởng Phòng 3 BTTM, ông nghe QĐI đề nghị chọn TQLC thay thế Nhảy Dù đổ bộ vào Tchepone. Người viết qua một lần nói chuyện với Chuẩn Tướng Thọ, ông cho biết BTTM (ở đây Tổng Thống Thiệu) chỉ có ý định cho TQLC thay Nhảy Dù tại vùng Nhảy Dù đang trách nhiệm, để Nhảy Dù nghỉ dưỡng sức và tái bổ sung, chứ không phải thay Nhảy Dù đổ bộ vào Tchepone. Quyết định đưa SĐ1BB đổ bộ vào Tchepone đã được chánh thức trước đó. Tuy Đại Tá Thông không ghi ngày tháng buổi họp ở Khe Sanh, nhưng theo tài liệu, chúng ta có thể suy luận buổi họp xảy ra sau ngày 25 (sau khi CC31ND mất) và trước ngày 28 tháng 2 (Sau khi TĐ2/TrĐ3 di tản khỏi CCHotel2, như đại Tá Thông viết ở trang 236; và cùng ngày tướng Lãm về Sài Gòn gặp ông Thiệu; sự kiện và thời điểm cũng tương tự như vậy trong bài viết của Thiếu Tá Trần Vệ, tr. 258, TQLC Tập 2.). Tướng Hinh trong Operation Lam Son 719, tr. 89. cũng có nhắc đến chuyện ông Thiệu có ý nghĩ muốn TQLC thay Nhảy Dù, nhưng cũng chỉ thay ở khu vực trách nhiệm hành quân. Tài liệu giãi mật đến từ MACV cho thấy SĐ1BB đã bắt đầu thực thi quyết định của Tổng Thống Thiệu từ ngày 28 tháng 2, sau khi rút khỏi CCHotel2.
[1] Nguyễn Duy Hinh, sđd, tr. 90; The Joi

0 nhận xét:

Đăng nhận xét