Số liệu thống kê cho thấy, có sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa việc xây càng nhiều nhà chọc trời và kinh tế đi xuống. Điều này diễn ra cả ở Việt Nam cũng như trên thế giới.
Trong danh sách 10 tòa nhà cao nhất Việt Nam hiện nay, thời gian hoàn thành đều rơi vào giai đoạn 2010-2015. Đây là thời kỳ thị trường nhà đất tại Việt Nam rơi vào tình trạng đóng băng, giao dịch trì trệ và phải cần đến những gói kích cầu của Chính phủ. Thế nhưng, nó cũng đánh dấu giai đoạn bùng nổ nhà chọc trời ở Việt Nam với khoảng 50 dự án có chiều cao vượt 100 m được hoàn thành.
Sự khó khăn của thị trường trong giai đoạn này cũng thể hiện ở việc các dự án xây tháp cao nhất Việt Nam (dự kiến vượt Keangnam Landmark Tower) gặp khó khăn và phải ngừng không thời hạn. Đó là siêu khách sạn tỷ đô (Lotus Hotel cao 400 m) của đại gia Đặng Thành Tâm và PVN Tower (102 tầng, cao 528 m) của Tổng công ty xây lắp Dầu khí (PVC) cùng Ocean Group.
Cùng có thời điểm khởi công vào năm 2010 và dự kiến hoàn thành năm 2014, cả 2 dự án “tỷ đô, cao nhất Việt Nam” này đều bị hoãn thực hiện vì thiếu vốn. Thực trạng lúc duyệt và chuẩn bị dự án hoàn toàn đối lập với thời điểm các siêu tháp được lên kế hoạch, khi các đầu tư đều rủng rỉnh tiền bởi kết quả kinh doanh khả quan. Đến nay, PVC và Ocean Group đã rút và chuyển phần đất dự án cho nhà đầu tư khác. Trong khi Kinh Bắc mới chỉ có lãi trở lại sau thời gian dài có kết quả kinh doanh âm hơn 2.000 tỷ đồng.
Tháng 5/2015, Keangnam Vina - công ty con tại Việt Nam của Keangnam Enterprises - đã phải lên kế hoạch bán tòa Landmark72 nhằm cứu tập đoàn mẹ khỏi nợ nần. Cái giá được tòa án Hàn Quốc định cho tòa nhà chọc trời tại Việt Nam là 800 triệu USD.
Tiến sĩ Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương
Trước đó, trong báo cáo năm 2012, Barclays Capital đã đưa ra thống kê bất ngờ về mối liên quan kỳ lạ giữa việc xây dựng các tòa nhà chọc trời với những cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất lịch sử.
Thống kê này cho thấy sự trùng hợp về lời nguyền “nhà càng cao, kinh tế càng ảm đạm” trong suốt thời gian từ những năm 1873 đến nay. Ví dụ, năm khánh thành tòa nhà cao nhất thế giới năm 1873 Equitable Life Building ở New York cũng trùng với thời điểm mở màn cho cuộc suy thoái kéo dài của kinh tế Mỹ, giai đoạn 1873-1878.
Gần hơn, 2 toà tháp của Trung tâm thương mại thế giới được xây xong vào năm 1972 và 1973, trùng hợp với cuộc khủng hoảng kinh tế Mỹ và thế giới 1973-1975. Tại châu Á, hai tòa tháp Petronas Towers (tại Malaysia) và Taipei 101(tại Đài Loan) đều khánh thành trong giai đoạn khủng hoảng tài chính châu Á và đổ vỡ của bong bóng Dot-com.
Mới đây nhất, Burj Khalifa - tòa tháp cao nhất thế giới được xây dựng từ năm 2007 đến năm 2010, rơi đúng vào thời kỳ khủng hoảng tài chính lan rộng từ Mỹ tới các nước La Tinh và châu Âu, và ngay trước thềm cuộc khủng hoảng nợ, thâm hụt ngân sách đang nhen nhóm trong lòng Dubai.
Trả lời phỏng vấn của BBC, chuyên gia của Barclays Capital cho rằng, sự trùng hợp này có thể được giải thích bằng những nguyên nhân kinh tế. “Khi kỷ lục về độ cao của các tòa tháp trên thế giới bị phá, nó cũng báo hiệu cho một thời kỳ bùng nổ của thị trường bất động sản. Sự mất cân bằng về vốn đầu tư giữa các lĩnh vực cũng nảy sinh từ đây. Đó là nguồn gốc của khủng hoảng”.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (Vnrea) cho rằng, đúng là có mối liên hệ hữu cơ giữa việc xây nhà chọc trời và điềm báo khủng hoảng kinh tế.
Nếu kinh tế phát triển, các chủ đầu tư cũng có xu hướng xây những công trình cao cấp, trong đó có tháp chọc trời để đón thời cơ phát triển. Tuy nhiên, ở Việt Nam trong những năm vừa qua, khủng hoảng liên quan đến những tòa nhà chọc trời ngoài nguyên nhân kinh tế còn có cả nguyên nhân chủ quan từ phía chủ đầu tư với những vấn đề bên trong.
“Khi xây dựng những tòa nhà cao tầng như vậy, chủ đầu tư phải đánh giá kỹ lưỡng về đầu ra. Có trường hợp chủ đầu tư nghiên cứu về thị trường chưa đúng thời điểm khiến cho ý tưởng không thành hình hoặc công trình gặp khó khăn khi đưa vào sử dụng, vận hành”, ông Thành nêu ý kiến.
Nhận định về quan điểm về “nguồn gốc khủng hoảng” của Barclays Capital, ông cho biết, đó là sự nhìn nhận và đánh giá có tính khách quan.
Về cơ hội “phá dớp” của Việt Nam với lời nguyền “nhà càng cao, kinh tế càng khủng hoảng”, ông Thành bày tỏ: “Tôi cho quy luật ‘nhà càng cao, kinh tế càng ảm đạm’ không hẳn đúng 100%. Tuy nhiên nhìn chung khi xây các công trình tháp chọc trời, chúng ta cần tính đến bản chất. Hiện tại, con số tăng trưởng kinh tế của chúng ta rất đẹp có thể do cách tính, còn thực tế sản xuất trong nước còn yếu, mọi thứ chưa ổn định và bền vững”.
Ông cho rằng, riêng với Việt Nam, việc đầu tư những tòa tháp chọc trời trong giai đoạn hiện nay là sớm so với sự phát triển chung của nền kinh tế, đặc biệt khi suy chiếu đến GDP, tăng trưởng, thu hút đầu tư nước ngoài...
Trong khi đó, tiến sĩ Võ Trí Thành- Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, những tòa tháp cao và mối liên hệ với khủng hoảng kinh tế là cách nói hình tượng khi nói về những “con voi và tháp ngà” khổng lồ.
“Nếu xây không khéo, không đúng thời điểm thì có thể những công trình đó sẽ tạo hệ lụy, như là việc mang tính chất biểu tượng quá đà”, ông bày tỏ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét