Thứ Tư, 11 tháng 11, 2015
Cải thiện đời sống nhân dân chứ đừng "đua nhau" xây trụ sở nghìn tỷ
21:14
Hoàng Phong Nhã
No comments
Tại
sao luật, nghị quyết đã có nhưng tình trạng này vẫn còn tồn tại, chưa
được ngăn chặn ? Ở đây là tổ chức thực hiện thôi và tổ chức thực hiện
thì có trách nhiệm của người đứng đầu.
Trao
đổi với Dân trí bên hành lang Quốc hội ngày 10/11, ông Bùi Đức Thụ - Ủy
viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội, khẳng định ưu
tiên số 1 trong lúc này là tất cả đầu tư của nhà nước phải như "nguồn
vốn mồi" thu hút nguồn vốn trong xã hội ; đầu tư của nhà nước phải thực
sự đóng vai trò thúc đẩy kinh tế phát triển, cải thiện đời sống nhân dân
chứ không phải "đua nhau" xây dựng trụ sở nghìn tỷ.
Ông Bùi Đức Thụ - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội (Ảnh : Thế Kha).
Phóng viên : Ông
đánh giá thế nào về việc các địa phương "đua nhau" lập đề án xây dựng
trụ sở hành chính hoành tráng, có tổng mức đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ
đồng, trong thời điểm nợ công tăng cao, ngân sách đang gặp nhiều khó
khăn ?
Bùi Đức Thụ :
Tình hình cân đối ngân sách nhà nước trong những năm gần đây và kể cả
một vài năm tới rất căng thẳng, áp lực tăng chi rất lớn, chi trả nợ
nhiều, chi đầu tư cũng lớn, chi thường xuyên cho thực hiện các chế độ
chính sách đã ban hành cũng rất lớn. Trong khi đó khả năng thu của chúng
ta có hạn.
Vì
vậy duy trì cân đối ngân sách nhà nước theo hướng giảm bội chi, giảm nợ
công là một trong những nhiệm vụ cấp bách và hết sức căng thẳng. Nghị
quyết Quốc hội trong những năm gần đây, đặc biệt trong năm 2016 này,
kiên quyết thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, triệt để tiết kiệm,
kiên quyết cắt giảm các khoản chi tiêu chưa thật cần thiết, cấp bách.
Những
khoản chi lãng phí, kém hiệu quả như xây dựng trụ sở, tượng đài, hay
chi khánh tiết, lễ hội, quản lý sử dụng xe công, mua sắm ô tô và tất cả
những khoản nào chưa cần thiết đều phải giãn.
Gần
đây nhiều tỉnh có đề xuất xây dựng trung tâm hành chính rất lớn. Qua
xem xét những đề án đó, có dự án lên tới một vài nghìn tỷ đồng. Tôi cho
rằng hơn lúc nào hết, trong lúc kinh tế, ngân sách khó khăn như hiện
nay, phải quán triệt tinh thần triệt để tiết kiệm. Nhu cầu lớn nhưng
phải ưu tiên những cái phục vụ trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế xã
hội, phục vụ đời sống nhân dân.
Tôi
được biết các dự án xây dựng trung tâm hành chính đó theo phân cấp
thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương, nhưng qua xem xét các dự án
đầu tư xây dựng trung tâm hành chính, nhiều tỉnh ngân sách địa phương
chỉ có một phần, còn phần lớn nguồn vốn đầu tư ở một số tỉnh là xin trợ
cấp từ ngân sách trung ương. Trong điều kiện như vậy tôi đề nghị phải
xem xét cân nhắc thận trọng, mặc dù những dự án này do địa phương lập,
thuộc thẩm quyền của địa phương và được sự chấp thuận của Thủ tướng
Chính phủ.
Nhưng
sự chấp thuận của Thủ tướng là chấp thuận về chủ trương đầu tư trong
dài hạn. Ví dụ Hải Phòng đã duyệt cách đây 6 năm rồi, chủ trương là đầu
tư đến 2020, tầm nhìn 2030, điều này có nghĩa là không phải làm ngay.
Phóng viên : Lý
do mà các địa phương đưa ra để xin phép xây dựng trụ sở hoành tráng là
trụ sở làm việc hiện tại đã xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu làm việc
hoặc địa phương có thể đổi đất lấy hạ tầng, bán trụ sở cũ lấy tiền xây
trụ sở mới, theo ông có hợp lý, thuyết phục ?
Bùi Đức Thụ :
Theo Luật Quản lý đầu tư công và trước luật này Thủ tướng đã ra Chỉ thị
1792 yêu cầu khi khởi công dự án mới phải có nguồn vốn đảm bảo, nhưng
đó chỉ là một điều kiện. Việc quyết định đầu tư một dự án lớn phải căn
cứ vào hiệu quả và tính cấp bách của vấn đề.
Đất
nước chúng ta kém phát triển, cơ sở hạ tầng thấp kém, nhu cầu đầu tư
rất lớn. Trong bối cảnh đó nguồn lực tài chính hạn chế, đặc biệt nợ công
cao, bội chi ngân sách lớn thì cần phải sắp xếp thứ tự ưu tiên. Tôi cho
rằng ưu tiên số 1 lúc này là tất cả đầu tư của nhà nước phải như "nguồn
vốn mồi" thu hút nguồn vốn trong xã hội, đầu tư của nhà nước phải thực
sự đóng vài trò thúc đẩy kinh tế phát triển, giúp đời sống cải thiện và
từ đó ngân sách được cải thiện.
Phóng viên : Dư
luận đang cho rằng xây dựng trụ sở hoành tráng làm gì khi tư duy quản
lý, cải cách hành chính chưa có nhiều đột phá, thay đổi ?
Bùi Đức Thụ :
Tôi cho rằng hai vấn đề đó có liên quan nhưng có sự khác nhau. Cải cách
thủ tục hành chính là vấn đề khác, đầu tư ưu tiên xây dựng cái không
cần thiết là khác.
Về
đầu tư phải thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, đầu tư vào đâu
phải cho "ra tấm ra món", thúc đẩy phát triển, ổn định đời sống nhân
dân.
Còn
về cải cách hành chính phải thấy rằng những năm gần đây, đặc biệt trong
năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt và có
những đột phá trong các lĩnh vực như thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội...
Nhưng phải nhìn nhận rằng thủ tục hành chính hiện nay còn hết sức rườm
rà, nhiều quy định chưa thật minh bạch.
Phóng viên : Nhiều
đại biểu Quốc hội như ông Lê Nam (Thanh Hóa), ông Dương Trung Quốc
(Đồng Nai),... đã đề nghị Chính phủ phải có đánh giá, tổng kết lại việc
đầu tư xây dựng tượng đài, trụ sở làm việc hoành tráng trên cả nước thời
gian qua để báo cáo Quốc hội. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào ?
Bùi Đức Thụ :
Mấy năm gần đây, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, tăng cường đầu
tư quản lý theo Luật Đầu tư công, hạn chế dự án đầu tư vốn lớn đã được
quy định trong các nghị quyết của Quốc hội, thể chế hóa trong các luật.
Vấn đề còn lại là tổ chức thực hiện và trách nhiệm của người đứng đầu.
Tại
sao luật, nghị quyết đã có nhưng tình trạng này vẫn còn tồn tại, chưa
được ngăn chặn ? Ở đây là tổ chức thực hiện thôi và tổ chức thực hiện
thì có trách nhiệm của người đứng đầu.
Phóng viên : Xin cảm ơn ông !
Thế Kha (thực hiện)
**********************
Cuộc đua xây trụ sở ngàn tỷ : Hoành tráng để làm gì ? (Đất Việt, 10/11/2015)
Được đánh giá không tồi về phát triển kinh tế, nhưng Kiên Giang không bị cuốn vào cuộc chạy đua xây trụ sở.…
Bộ
trưởng Bộ KHĐT vừa thông báo ‘sốc’ về tình hình ngân sách. Ông cảnh báo
ngân sách đang rất khó khăn và chỉ còn 45.000 tỷ đồng để chi. Thế
nhưng, trong bối cảnh ngân sách eo hẹp, lương công chức nhiều lần nâng
lên đặt xuống không được tăng… thì hàng loạt các địa phương vẫn tích cực
lập dự án xây trụ sở ngàn tỉ như : Khánh Hòa, Hải Dương, Nghệ An, Hà
Tĩnh... Điển hình, Hải Phòng vừa xin chủ trương xây trụ sở lên tới
10.000 tỷ đồng.
Phối cảnh tổng thể một dự án xây trung tâm hành chính tập trung
Đồng
tình với yêu cầu có một nơi đàng hoàng để đón tiếp và giải quyết công
việc chung là cần thiết nhưng các Đại biểu quốc hội đặt vấn đề quyết
định thế nào, xây dựng gì cũng phải đặt câu hỏi : Có phù hợp không ? Xây
dựng trong bối cảnh hiện nay đã cần thiết hay chưa ?
Lấy tiền xây trụ sở để đào tạo nhân lực
Nhìn
thẳng vào thực tế, Đại biểu quốc hội Huỳnh Văn Tiếp (đoàn Cần Thơ) cho
biết rất nhiều địa phương còn nghèo, kinh tế chậm phát triển, thu nhập
bình quân đầu người thấp. Có những địa phương hàng năm vẫn đang nhận
nhiều khoản cứu trợ như gạo, mì tôm từ trung ương và các đơn vị tổ chức
nhân đạo khác. Nhìn vào tình cảnh này, dù không phải người dân địa
phương cũng thấy xót xa.
Ông
Tiếp đặt câu hỏi : "Trong lúc dân vẫn ăn chưa no, học chưa tới lại xin
hàng nghìn tỷ xây trụ sở. Mục đích của địa phương là gì ?".
Rồi
ông tự trả lời, "một địa phương phát triển tốt phải dựa trên nền tảng
kinh tế, xã hội phát triển. Thế nhưng, khi đời sống của người dân chưa
được quan tâm tới nơi, xây trụ sở không đúng mục đích, gây thất thoát,
lãng phí tiền của của dân là có tội với dân".
Theo
ông Tiếp, đã có rất nhiều bài học thực tế cho thấy hiệu quả đang không
đi liền với nguồn vốn đầu tư. Lấy vụ tòa nhà hành chính tập trung tại
Bình Dương, ông Tiếp đánh giá hiệu quả thấp, không thuận lợi.
"Có
nhiều đánh giá là tốt nhưng tôi đánh giá nó không tốt. Qua nhiều lần đi
khảo sát, tôi thấy việc gom các cơ quan hành chính, sự nghiệp vào một
tòa nhà cao tầng không phải là giải pháp tối ưu. Thứ nhất, vấn đề đi lại
quá bất tiện, dân phải đi xa, mất thời gian, chi phí tốn kém. Thứ hai,
tập trung quá nhiều người dẫn tới quá tải, thang máy phải chờ đợi ; công
tác cháy nổ không đảm bảo an toàn… Thứ ba, xây dựng quá nhiều tầng,
thiết kế hiện đại, không sử dụng hết công năng, tốn kém, lãng phí so với
điều kiện hiện tại của Việt Nam", vị đại biểu nhận xét.
Tại
Cần Thơ, ông Tiếp nói rằng mới chỉ xin về mặt chủ trương quy hoạch chứ
chưa có ý định xây dựng gì cả. Tuy nhiên, ông Tiếp nhấn mạnh, Cần Thơ sẽ
không xây nhà cao tầng mà xây dựng theo từng khối, chia thành từng cụm
kinh tế khác nhau.
Theo
vị đại biểu này, các địa phương cần xác định lại mục đích khi xây dựng,
không cần thiết phải dồn các khu hành chính vào một tòa nhà cao ốc.
Thiết kế phải phù hợp với từng địa phương.
"Nhiều
địa phương giải thích xây trụ sở hoành tráng là tính tới tương lai của
nhiều năm sau, tuy nhiên tôi cho rằng tiền của dân không thể xài tùy
tiện, lãng phí. Xây mà không tính…", Đại biểu quốc hội Huỳnh Văn Tiếp
nhắc nhở.
Theo
quan sát của ông, việc chạy đua xây trụ sở ở các địa phương là có nhiều
lý do. Có nhiều địa phương kỳ vọng trụ sở mới khang trang hơn, hoành
tráng hơn sẽ giúp cải thiện bộ mặt của địa phương, cải thiện môi trường
đầu thư, thu hút nhiều nguồn vốn. Vị Đại biểu quốc hội nhận xét, tâm lý
ảo tưởng, kỳ vọng vào một sức mạnh mang tính hình thức và thiếu thực tế
thật quá nguy hiểm.
Cũng
theo phân tích của ông, một số địa phương khác lại tồn tại tư duy chạy
đua xây dựng trụ sở để ra oai, muốn địa phương mình đẹp hơn địa phương
khác, trụ sở của mình phải hoành tráng, nhiều tiền hơn trụ sở địa phương
khác.
Cũng
có những địa phương xây trụ vì tư duy nhiệm kỳ, phô trương hình thức,
muốn có tiếng để đời. Lãnh đạo đời này phải làm được cái hoành tráng hơn
lãnh đạo đời trước. Cũng có nhiều địa phương, xây trụ sở vì thành tích,
vì muốn có tăng trưởng GDP. Cũng có khi vì lợi ích nhóm, vì muốn tranh
thủ tư lợi cho túi tiền cá nhân… có quá nhiều lý do, mục đích để giải
thích vì sao địa phương muốn xây trụ sở bất chấp những khó khăn hiện
tại.
"Nhưng
nói thế nào, bằng nguồn nào, hóan đổi trụ sở cũ lấy trụ sở mới ; hoặc
xây dựng theo hình thức BT thì tất cả vẫn là tiền từ ngân sách, là tài
sản của người dân đánh đổi. Chi một đồng vẫn là tiền thuế của người dân.
Vì thế, địa phương cũng như trung ương phải tính toán. Một lãnh đạo có
tâm, sẽ không vội vàng đưa ra quyết định mà phải đặt nhu cầu nằm trong
bối cảnh chung của cả nước cũng như của từng địa phương để quyết định" -
Đại biểu quốc hội Huỳnh Văn Tiếp nhấn mạnh.
Ông
Tiếp nói, "Bộ mặt của địa phương không nhìn vào trụ sở to hay bé, có
hoành tráng hay không mà chủ yếu vẫn phải nhìn vào hiệu quả, chất lượng,
năng lực của cán bộ lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương".
Vì
vậy, ông nhắc nhở, các địa phương đừng quá mải mê chạy theo cuộc so
găng ai to, ai cao, ai đẹp hơn. Ở đây là hiệu quả công việc. Vậy vấn đề
đặt ra là làm thế nào để hiệu quả công việc có thể đạt được tốt nhất mà
không phải tiêu tốn tiền ngân sách một cách lãng phí ?
Trả lời câu hỏi này, vị Đại biểu quốc hội Cần Thơ nói thẳng : "Dừng xây trụ sở, lấy tiền đó tập trung đào tạo nguồn nhân lực".
Ông
Tiếp nói rằng, vừa rồi chúng ta mải miết tuyển dụng nhưng không tuyển
được người tài, người có tâm. Mặc dù có tổ chức thi tuyển nhưng tình
trạng đi đường vòng, quen biết, quan hệ vẫn còn diễn ra phổ biến, khiến
người tài không vào được, người không có năng lực lại nằm trong cơ cấu
biên chế.
Vì
vậy, ông cho biết Chính phủ đang bàn tới chủ trương vừa đào tạo vừa
tuyển dụng. Tức là sẽ tuyển dụng ngay từ khi học sinh đang học phổ
thông. Để công tác đào tạo nguồn nhân lực được tốt, những em có năng lực
sẽ được hỗ trợ trong suốt quá trình họp tập. Tất nhiên, những nguyện
vọng, mong muốn của các em cũng sẽ được lắng nghe ngay từ đầu.
Bên cạnh đó, vấn đề cải cách về môi trường làm việc, thể chế, chính sách đãi ngộ người tài… cũng sẽ được đặt ra.
Nhìn Kiên Giang để học
Đại
biểu quốc hội Đinh Xuân Thảo cho rằng trong hoàn cảnh hiện nay, không
phải đặt ra vấn đề xây trụ sở thế nào, quy mô ra sao nữa mà cần lùi lại
tất cả những dự án chưa cần thiết để ưu tiên cho các cơ sở dân sinh như
trường học, bệnh viện, các công trình xã hội.
"Địa
phương nào cũng có trụ sở cũ, vẫn đảm bảo giải quyết được công việc. Có
những trụ sở chỉ mới xây dựng được khoảng 10 năm, không quá cũ tại sao
vẫn muốn xây mới khi còn đang sử dụng được", ông Thảo băn khoăn.
Một
công trình còn đang sử dụng mà đã đập phá xây cái mới, trong lúc ngân
sách eo hẹp như hiện nay rõ ràng không phải là bài toán kinh tế có lợi.
Trên
thực tế, nhu cầu xây dựng trụ sở hoành tráng là tâm lý tồn tại ở hầu
hết các tỉnh thành và địa phương. Nhưng hiện nay, vẫn có những địa
phương đáng để cả nước nhìn vào và học tập.
Địa
phương ông Thảo nói là trụ sở của một số cơ quan hành chính tỉnh Kiên
Giang dù rất cũ, tồn tại từ nhiều năm nay. Địa phương cũng có nhu cầu
muốn xây dựng mới nhưng trước lời kêu gọi "thắt lưng buộc bụng" của
Chính phủ, địa phương đã dừng lại. Đến giờ họ vẫn sử dụng trụ sở cũ.
"Đó
là ví dụ điển hình cho bài toán tiết kiệm, chống lãng phí. Được đánh
giá không tồi về phát triển kinh tế, nhưng Kiên Giang không bị cuốn vào
cuộc chạy đua xây trụ sở.… ", ông Thảo cho biết.
Ngay
tại Hà Nội cũng vậy, nhiều cơ quan của Chính phủ, trụ sở tòa án còn
thiếu, đất không có xây trụ sở phải đi nhờ nhưng vẫn duy trì hoạt động,
tạm dừng chỉnh trang, xây mới mà tập trung nguồn lực đầu tư phát triển…
Theo ông Thảo, đó là lựa chọn đúng đắn.
Hơn
nữa, theo ông Thảo trong nghị quyết năm 2016, có xác định xây trụ sở
không được coi là đầu tư cho phát triển. Vì xây trụ sở không làm ra
tiền, không tạo giá trị gia tăng.
"Vì vậy, lúc này không phải thời điểm thích hợp để xây trụ sở", Đại biểu quốc hội Đinh Xuân Thảo kết luận.
Vũ Lan
******************************
Hóa ra họ vẫn không biết điều ! (PetroTimes, 07/11/2015)
"Chiếc áo không làm nên thầy tu" - trụ sở chính quyền to, không phải là nơi ấy đã giàu có.
Mặc
dù, nền kinh tế đang phục hồi nhanh, nhưng tình hình ngân sách nhà nước
đang khó khăn, và tiếp tục khó khăn trong những năm tới. Chính phủ đã
phải vay Ngân hàng Nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng, và một khối lượng
ngoại tệ không nhỏ. Chính vì thế, mà việc tăng lương cho đội ngũ công
chức đã phải chậm lại. Và gần đây, cụm từ "phải thắt lưng buộc bụng",
"cắt giảm chi tiêu công"… liên tục được nhắc đến…
Thiết
tưởng, những người lãnh đạo nhiều tỉnh, thành, của bộ nọ, ngành kia là
phải hiểu hơn ai hết cái túi tiền của chúng ta còn bao nhiêu, và phải
biết chia sẻ khó khăn này với Chính phủ.
Nhưng
nhiều người hình như không đếm xỉa đến những khó khăn vì ngân sách, vì
thế, họ vẫn vẽ ra nào là dự án xây dựng tượng đài, nào là xây dựng khu
trung tâm hành chính ; xây dựng mới trụ sở cho cấp này, cấp khác.
Có
thể lấy ví dụ : Tỉnh Nghệ An đã đồng ý với phương án xây dựng tòa nhà
khu hành chính tập trung sở, ngành gồm 2 tòa tháp cao 2 tầng. Chi phí dự
kiến của dự án khoảng 2.178 tỷ đồng. Khu đất để xây dựng khu mới này
này rộng chừng 52.000m2, nằm gần trụ sở ủy ban tỉnh, tỉnh ủy. Trụ sở
UBND tỉnh mới được đưa vào sử dụng tại tòa tháp cao 11 tầng với kinh phí
khoảng 365 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách.
UBND
tỉnh Khánh Hòa cũng vừa có văn bản chấp thuận cho 2 tập đoàn xây dựng
Trung tâm hành chính tỉnh theo hình thức BT (Xây dựng- chuyển giao).
Trung tâm hành chính này có tổng diện tích gần 127ha thuộc KĐT hành
chính tỉnh Khánh Hòa phía Tây Thành phố Nha Trang.
Quy hoạch khu đô thị hành chính mới tỉnh Khánh Hòa và "nhà trứng lớn" dành cho các cơ quan chính quyền tỉnh Khánh Hòa.
Khu
đô thị hành chính mới tỉnh Khánh Hòa nằm trên địa bàn xã Vĩnh Thái, với
diện tích khoảng 126 ha. Khu đô thị này được phân làm 2 khu, gồm :
trung tâm hành chính tập trung (37 ha) và khu nhà ở thương mại dịch vụ,
văn phòng (89 ha).
Dự
án làm theo hình thức hợp đồng BT (built-tranfer, xây dựng-chuyển
giao), không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Tổng vốn đầu tư dự án
khoảng 4.300 tỷ đồng, trong đó, kinh phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho
khu vực hành chính và các cơ quan hành chính tập trung khoảng 3.000 tỷ
đồng.
Theo
quy hoạch của Viện Quy hoạch Đô thị - nông thôn Quốc gia (Bộ Xây dựng),
trung tâm hành chính tỉnh Khánh Hòa được lấy ý tưởng là hình tượng "tổ
yến". Theo đó, "Tòa nhà chính quyền được tạo hình khối lớn như một quả
trứng khổng lồ đang nở. Không gian xung quanh tòa Nhà Trứng Lớn được
trang trí cảnh quan bằng các nét xước lớn trắng như sợi dãi yến".
Trong
đó, trung tâm hành chính rộng gần 37 ha. Viện Quy hoạch đô thị - nông
thôn quốc gia đang hoàn thiện quy hoạch khu đô thị hành chính của tỉnh
này. Hai đơn vị thực hiện dự án là liên doanh tập đoàn Phúc Sơn và tập
đoàn FLC.
Mặc
dù dự án này được thông báo là "không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước",
nhưng chắc chắn là lãnh đạo tỉnh không làm ra tiền, mà là tiền từ ngân
sách tỉnh, là tiền của dân, của doanh nghiệp đóng thuế. Cho nên, dù là
tiền từ nguồn nào, thì cũng phải biết chắt bóp trong hoàn cảnh này.
Tỉnh
Hải Dương cũng vừa mới được đồng ý về nguyên tắc áp dụng hình thức BT
để thực hiện Dự án Khu hành chính tập trung. Chính phủ đã yêu cầu UBND
Hải Dương tiếp thu ý kiến các Bộ, chịu trách nhiệm toàn diện làm rõ,
quản lý chặt chẽ tài sản nhà nước sử dụng để hoàn vốn cho Hợp đồng BT.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đã hướng dẫn UBND tỉnh Hải Dương
thực hiện, bảo đảm chặt chẽ theo quy định pháp luật về đầu tư, về quản
lý, sử dụng tài sản nhà nước và các quy định liên quan.
Chưa
rõ Dự án hết bao nhiêu nghìn tỷ đồng, nhưng con số chắc chắn không nhỏ.
Cái lý do họ đưa ra để xây trụ sở mới thì chắc chắn là rất nhiều và nơi
nào cũng thấy "cần thiết", cho "xứng với tầm vóc, vị thế của tỉnh".
Tỉnh Hà Tĩnh cũng đang có kế hoạch xây dựng trung tâm hành chính với số vốn đầu tư dự kiến 1.500 tỷ đồng.
Rồi tỉnh Cần Thơ thì cũng xin Trung ương "cấp" cho 188 tỷ đồng để xây dựng tượng đài Thanh niên xung phong.
Trời
ạ. Xây tượng đài mà làm gì ? Sao không đem số tiền này, cứu giúp những
thanh niên xung phong đang bị thương tật hành hạ, đang chạy ăn từng bữa,
đang chui trong những căn nhà dột nát… thì hay biết bao nhiêu.
Không
hiểu khi các "quan phụ mẫu" của tỉnh vẽ ra xây trụ ở cho oai, cho hoành
tráng… thì họ có nghĩ đến là tỉnh đang cần bao nhiêu tiền để đầu tư, mở
rộng sản xuất nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo công ăn việc làm cho
người dân, và chí ít thì cũng đừng ngửa tay xin gạo cứu đói của Chính
phủ nữa hay không ?
Họ có nghĩ đến những ngôi trường học xập xệ, có nghĩ đến những bệnh viện mà vài ba người chen chúc nằm một giường hay không ?
Những
con số thống kê chi phí cho các chuyến đi nước ngoài "tham quan, học
tập" ; những con số thống kê về lãng phí, tốn kém trong sử dụng xe công ;
những con số thống kê về bao nhiêu công trình đầu tư tốn kém, nhưng rồi
đắp chiếu để đó… là cực kỳ khủng khiếp. Khó có thể đong đếm được một
cách chính xác thiệt hại về tài chính, hậu quả của những kiểu "vung tay
quá trán", "trưởng giả học làm sang" ở nhiều địa phương và của không ít
bộ, ngành…
Nhiều
đại biểu quốc hội lên diễn đàn thì nói sa sả về tình trạng lãng phí,
không hiệu quả trong đầu tư công ; nói cực kỳ chính xác về con số nợ nần
của chúng ta, và vạch ra vô vàn những khiếm khuyết, yếu kém trong quản
lý kinh tế, mà chủ yếu là từ… "tầm vĩ mô". Còn thực trạng như thế nào ở
từng địa phương, hình như không ai dám có ý kiến.
Liệu
đã có đại biểu quốc hội nào của địa phương dám lên tiếng phản đối chính
quyền tỉnh mình chi tiêu lãng phí không ? Liệu có đại biểu nào dám nói
về những yếu kém trong quản lý kinh tế, trật tự xã hội và vô vàn những
sai lầm của chính quyền địa phương không ? Thật tiếc, hình như không ai
dám nói cả, và thường là tại các kỳ họp quốc hội, các đoàn đại biểu quốc
hội đều "thống nhất" cao về phát ngôn. Chỉ trích, phê bình người khác,
đơn vị, địa phương khác thì dễ, nhưng tự phê thì xem ra còn "rón rén".
Thiết
tưởng, trong lúc kinh tế còn đang khó khăn thế này, những người có
trách nhiệm phải biết suy nghĩ, và từng đơn vị, từng địa phương phải
biết siết lại chi tiêu, tập trung cho cái gì cần nhất, cấp bách nhất. Và
hãy nêu cao khẩu hiệu là lo cho dân trước. Còn trụ sở chưa "sắp sập",
chưa bị dột nát đến mức phải đội nón ngồi làm việc khi trời mưa, thì có
chậm chút cũng chẳng sao.
Người
dân sẽ yêu quý chính quyền hơn, nếu như chính quyền lo cho dân trước
khi lo cho trụ sở. Còn trụ sở có hoành tráng đến mấy, có lộng lẫy đến
mấy, mà dân vẫn đói, kinh tế vẫn phát triển èo uột, không bền vững, thì
cũng chỉ là hình thức mà thôi. "Chiếc áo không làm nên thầy tu" - trụ sở
chính quyền to, không phải là nơi ấy đã giàu có.
Nhiều
quan chức, khi lên diễn đàn, họ nói về tiết kiệm, về Học tập tấm gương
đạo đức Hồ Chí Minh rất hay, nhưng khi họ đã vẽ ra các dự án xây tượng
đài, trụ sở, trong lúc còn nghèo, còn thiếu tiền, thì cũng là "nói một
đằng, làm một nẻo".
Hay
họ vẫn nghĩ tiền ngân sách là… của chung. Thằng nào xin được, chạy
được… thì cố mà kiếm. Còn trong nhiệm kỳ của họ, cố mà xây lấy công
trình "thế kỷ", để "đóng dấu ấn cho nhiệm kỳ của mình". Và dĩ nhiên,
công trình càng to, thì bổng lộc chắc cũng chẳng ít. Các đơn vị nhà thầu
được nhận làm, thế nào chả có quà cáp "hiếu kính các anh"… Chuyện ăn
chia, chuyện "lại quả" trong xây dựng ai cũng biết là có từ lâu, chỉ có
điều "túm" được ai thì không thể ?
Và
hình như nhiều vị lãnh đạo chính quyền các địa phương cũng "đứt dây
thần kinh xấu hổ" rồi thì phải. Hơi có lũ lụt, hơi có hạn hán, hơi có
sâu bệnh phá lúa, hơi có dịch bệnh gia súc… là vội vàng kêu gào xin
Chính phủ hỗ trợ, cứu đói. Trong khi đó, vẫn vẽ ra xây dựng tượng đài,
trụ sở, công viên… Vậy thử hỏi họ lo cho dân kiểu gì đây ?
Có
lẽ Chính phủ phải nêu ra một điều kiện cho các địa phương là nếu địa
phương chưa đạt được tỷ lệ giảm hộ nghèo, chưa đủ sức cứu đói cho dân,
thì đừng nghĩ đến xây dựng trụ sở, tượng đài…
Như Thổ
*************************
Xây tượng đài trăm tỉ tại Cần Thơ : 'Không hề lãng phí' (Đất Việt, 10/11/2015)
Ban
liên lạc Khu Đoàn thanh niên Tây Nam Bộ khẳng định việc xây tượng đài
Thanh niên xung phong tại Cần Thơ là hoàn toàn hợp chủ trương và không
hề lãng phí.
Liên
quan đến việc UBND thành phố Cần Thơ có văn bản đề nghị Chính phủ hỗ
trợ từ ngân sách Trung ương hơn 201 tỷ đồng để xây dựng "Tượng đài Thanh
niên xung phong Tây Nam Bộ" trên địa bàn phường Ba Láng (Cái Răng, Cần
Thơ), ngày 10/11, trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Duy Quờn - Trưởng
Ban liên lạc Khu Đoàn thanh niên Tây Nam Bộ khẳng định việc làm này là
cần thiết và có ý nghĩa giáo dục sâu sắc.
Ông
Quờn nhấn mạnh : "Ban liên lạc là đơn vị trực tiếp đề xuất việc xây
dựng tượng đài Thanh niên xung phong. Sau đó chúng tôi trình lên UBND
thành phố Cần Thơ xem xét, xin ý kiến Trung ương. Chính phủ đã đồng ý và
giao cho UBND Thành phố Cần Thơ làm chủ đầu tư.
Đây
là công trình có ý nghĩa về truyền thống đấu tranh cách mạng của dân
tộc ta nhằm tri ân các lực lượng thanh niên xung phong anh dũng hy sinh
trong kháng chiến chống Mỹ cứu quốc. Qua đó, nhằm giáo dục truyền thống
yêu nước cho tuổi trẻ Tây Nam Bộ hôm nay và mai sau".
Phối cảnh khu tượng đài Thanh niên xung phong thành phố Cần Thơ
Trước
ý kiến cho rằng việc xây tượng đài Thanh niên xung phong tại Cần Thơ
vào thời điểm này là lãng phí và chưa phù hợp, người đứng đầu Ban liên
lạc khu đoàn Thanh niên Tây Nam Bộ khẳng định các đơn vị liên quan đã
làm việc đúng chức năng, nhiệm vụ.
"Chủ
trương xây tượng đài Thanh niên xung phong trên địa bàn Cần Thơ đã được
trình Chính phủ vào năm 2013 và được chấp thuận. Phía UBND Thành phố
Cần Thơ cũng nhất trí cao và ủng hộ đề xuất của Ban liên lạc.
Kế
hoạch này đang được tiến hành, không hề lãng phí gì cả. Chúng tôi hiện
đang làm tổng kinh phí dự trù để Trương ương thông qua Quốc hội giải
quyết theo 3 giai đoạn tới năm 2018", ông Quờn cho biết thêm.
Cũng
theo ông Quờn, dự kiến công trình này sẽ được khởi công xây dựng vào
năm 2016 và sẽ hoàn thành vào năm 2018 với tổng số vốn hơn 200 tỉ đồng
toàn bộ từ nguồn ngân sách Nhà nước.
Chiều
cùng ngày, trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Văn Út, Chánh Văn phòng
Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ khẳng định : "Mấy chú bên ban Liên lạc Khu đoàn
Thanh niên Tây Nam bộ không nhờ Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, mà liên hệ trực
tiếp với chỗ UBND thành phố Cần Thơ.
Sau
đó, Thủ tướng chính phủ có văn bản giao cho Thành phố Cần thơ làm chủ
đầu tư, thực hiện dự án đó. UBND Thành phố Cần Thơ đã có quyết định để
Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Cần Thơ lập dự án chi tiết".
Theo
thông tin của phóng viên Đất Việt, thành phố Cần Thơ đã quy hoạch khu
đất xây dựng tượng đài rộng 3,5 ha, tại phường Ba Láng (Cái Răng, Cần
Thơ) gần ngã ba đường lên cầu Cần Thơ, đường về tỉnh Hậu Giang và Sóc
Trăng. Dự kiến tổng mức đầu tư hơn 201 tỷ đồng.
Trong
đó, những khoản chi lớn là "chi phí nghệ thuật" hơn 108 tỷ đồng, "chi
phí xây dựng" gần 59 tỷ đồng, "chi phí bồi hoàn, giải phóng mặt bằng"
gần 18 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2016 đến 2018.
Hoàn Nguyễn
****************************
Xây tượng đài trăm tỷ : Phó Bí thư thừa nhận sự thật (Đất Việt, 09/11/2015)
Phó
Bí thư Thành ủy Cần Thơ Võ Thành Thống cho rằng đề xuất xây dựng tượng
đài Thanh niên xung phong hơn 200 tỷ lúc này chưa phải thời điểm thích
hợp.
Liên
quan đến việc UBND thành phố Cần Thơ có văn bản đề nghị Chính phủ hỗ
trợ từ ngân sách Trung ương hơn 201 tỷ đồng để xây dựng "Tượng đài Thanh
niên xung phong Tây Nam Bộ" trên địa bàn phường Ba Láng (Cái Răng, Cần
Thơ), ngày 8/11, ông Võ Thành Thống - Phó Bí thư Thành ủy Cần Thơ cho
biết : "Trong lúc ngân sách nhà nước đang khó khăn như thế này mà bàn
chuyện xây tượng đài tốn hơn hai trăm tỷ và 3,5 ha đất là không phù
hợp".
Chủ
tịch UBND thành phố Cần Thơ - ông Lê Hùng Dũng, giải thích việc UBND
thành phố Cần Thơ đề nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí là "giúp Ban Liên
lạc Khu Đoàn thanh niên Tây Nam Bộ. Tượng đài của Ban Liên lạc, không
phải của Cần Thơ".
Tượng
đài do Ban Liên lạc khởi xướng, sau đó, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ đề xuất
và Chính phủ chấp thuận chủ trương từ năm 2013. Theo ông Dũng, Cần Thơ
chỉ hỗ trợ đất và thủ tục, chứ không làm chủ đầu tư. "Chủ đầu tư là Ban
Liên lạc Khu Đoàn thanh niên Tây Nam Bộ và kinh phí phải do họ vận động,
Cần Thơ không có kinh phí", ông Dũng nhấn mạnh.
Thành
phố Cần Thơ đã quy hoạch khu đất xây dựng tượng đài rộng 3,5 ha, tại
phường Ba Láng (Cái Răng, Cần Thơ) gần ngã ba đường lên cầu Cần Thơ,
đường về tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng. Dự kiến tổng mức đầu tư hơn 201 tỷ
đồng.
Trong
đó, những khoản chi lớn là "chi phí nghệ thuật" hơn 108 tỷ đồng, "chi
phí xây dựng" gần 59 tỷ đồng, "chi phí bồi hoàn, giải phóng mặt bằng"
gần 18 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2015 đến 2019. Cụ thể, năm
2015 hoàn thiện thủ tục đầu tư, phê duyệt thiết kế ; năm 2016 đấu thầu
xây dựng ; năm 2019 nghiệm thu, đưa vào sử dụng.
Phối cảnh khu tượng đài Thanh niên xung phong thành phố Cần Thơ
Phó
Chủ tịch thường trực UBND thành phố Cần Thơ - ông Lê Văn Tâm, cho biết
những cựu Thanh niên xung phong vận động xây dựng tượng đài hiện sống ở
Cà Mau, Kiên Giang. Họ lo vận động cả kinh phí từ Trung ương, nếu có mới
xây dựng. Nhưng Ban Liên lạc Khu Đoàn thanh niên Tây Nam Bộ không phải
là đơn vị được cấp ngân sách, nên UBND thành phố Cần Thơ đứng ra "lo thủ
tục nhận kinh phí".
Trước
đó trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Văn Hồng - Giám đốc Sở kế hoạch và
đầu tư Thành phố Cần Thơ cho biết chủ trương này của UBND thành phố Cần
Thơ thể theo nguyện vọng của đồng bào, chiến sĩ, nhất là của các cựu
thanh niên xung phong khu Tây Nam bộ.
Trong khi đó, đại diện các ban ngành, đoàn thể của thành phố đều cho biết chưa nắm được thông tin chính xác.
Hà Đông (tổng hợp)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét