13 tháng 5, 2010 |
Nhân đọc lá thư của một giáo dân gửi cho Sách Hiếm, đọc xong, tôi ngần ngại không biết có nên viết để chia sẻ cùng anh Giuse này sự hiểu biết của mình về vấn nạn đạo Chúa trên thực tế của mình, những điều mà mình đã trải qua hoàn toàn trái ngược với những lời “mạc khải” tràn đầy yêu thương, nhân bản mà anh trích dẫn, hay những lời rao giảng đầy nhân ái của mấy ông linh mục trong các nhà thờ mà tôi từng đến dự lễ. Vì không phải là người viết chuyên nghiệp, và cũng chưa từng có bất cứ ý định viết về những việc riêng tư của mình, nên tôi không lưu giữ nhiều dữ kiện để mình có thể viết ra đây sau này, để chia sẻ với mọi người. Viết mà không đưa ra được dẫn chứng thì không phải là chủ trương của Trang nhà Sách Hiếm nên ngần ngại. Thôi thì cứ viết như là một bài tự sự vậy.
Không lâu sau ngày ngày giải phóng miền Nam, tôi tham gia đoàn Thanh niên Xung kích, lúc này chưa có tên gọi là Thanh niên Xung phong. Chúng tôi từ thành phố Qui Nhơn lên Tây nguyên để xây dựng các vùng kinh tế mới. Trên đường từ Quốc lộ 19 lên Tây nguyên, hai bên đường còn phủ đầy lau lách, các chứng tích chiến tranh còn lưu lại hai bên đường, dưới vực và chân đèo An Khê, Mang Giang còn ngổn ngang xe tăng, thiết giáp cũng như các cổ pháo lớn nằm ngã nghiêng. Từ Pleiku tôi được chuyển lên Kontum rồi đến các chiến địa mà sử sách còn ghi chép như Đak-tô, Tân Cảnh, Đồi Charlie...để khai hoang, lập ấp Sau những đợt phát đốt rừng lau sậy, đánh bật từng gốc cây rừng nám cháy vì bom napan và xây dựng láng trại cho đồng bào đi vùng kinh tế . Sau khi hoàn tất xong một khu vực, chúng tôi lại trở về bản doanh là thị xã Kon tum để nghỉ ngơi chờ những đợt công tác khác. Chúng tôi sống trong các dãy nhà mà trước đây là trại gia binh của quân đội cũ.
Trong thời gian sống ở thị xã Kontum tôi quen được một người bạn gái, gia đình cô đạo gốc từ Nam Định di cư vào Sàigon năm 1954, rồi sau đó theo mấy ông cha người Pháp lên Kontum lập nghiệp, lập xứ đạo. Người bạn gái thường rủ tôi đi nhà thờ hay tham dự những ngày lễ của đạo Chúa, tôi cũng đi cho vui dù tôi không có đạo. Không khí các buổi lễ ở nhà thờ không làm tôi thỏa mái, những nghi lễ và cách các con chiên thể hiện các nghi lễ giống như những cơn “lên đồng” làm tôi gai cả người nên thật tâm không muốn tham dự các lễ lạt đó nhưng vì muốn chiều lòng người bạn gái mà đến. Quen biết cũng đã hơn một năm, người bạn gái giới thiệu tôi với gia đình mình. Chúng tôi cũng nhiều lần gặp gỡ bạn bè và cả ca đoàn trong nhà thờ mà nàng là một thành viên. Mỗi lần họp mặt là một sự cực hình mà tôi phải chịu đựng, gần như mọi người đều đề cập đến chuyện có liên quan đến nhà thờ nào là “cha X” giảng cái này, “bà sơ Y” phát biểu cái kia, nhà thờ sắp tổ chức việc gì, vui mừng vì mới có thêm được một người cải đạo, lôi việc gia đình ông A bà B chủ nhật vừa rồi có người không đi lễ! hay khi hết chuyện, xoay qua nói xách mé, châm biếm chính quyền mới tiếp quản. Nói chung là toàn những chuyện chẳng ăn nhập gì đến những vấn đề liên quan đến tình yêu, hôn nhân hay sự nghiệp trong tương lai mà ở lứa tuổi ngoài 20 thường quan tâm đến.
Một hôm nàng thuyết phục tôi hãy “trở về”, nói thẳng ra là vào đạo để “thuyền cùng một lái, về chung một bến”, những thứ từ ngữ mà tôi thường nghe nói xa nói gần trong những dịp gặp gỡ bạn bè của nàng và gia đình để thuận lợi hơn trong việc tiến đến hôn nhân. Ngay thời điểm này, tuy không hiểu biết nhiều về tôn giáo, nhất là đạo Thiên chúa nhưng tôi vẫn không chấp nhận lời đề nghị này, tôi mơ hồ thấy đây như một sự cưỡng bức tâm linh, bị tước đoạt sự suy nghĩ độc lập của mình, và tôi đề nghị với nàng rằng nếu thật sự yêu thương nhau thì đạo ai nấy giữ.
Lời đề nghị của tôi được nàng trình bày lên cha xứ, áp lực của cha xứ giáng xuống gia đình nàng, cha xứ không đồng ý cuộc hôn nhân “khác tôn giáo” này (1), và ông Biện, một người có trách nhiệm quản lý các con chiên trong xóm đạo, có vai trò như một ông tổ trưởng khu phố ngày nay, tác động đến cả xóm đạo cái ý tưởng hôn nhân khác tôn giáo “quái gở” chưa từng có tiền lệ ở cái xóm đạo này của tôi. Bà con thân tộc bên nàng đều chống đối cuộc hôn nhân trong tương lai này, đặt nặng áp lực lên gia đình người bạn gái của tôi. Và người bạn gái của tôi dẫu có yêu thương tôi cũng khó có thể chống lại cái áp lực khủng khiếp này và chúng tôi đành phải chia tay. Ôi Chúa lòng lành!
Tôi từ giã đất Kontum để trở về quê. Người bạn gái của tôi với mối tình dang dở, dĩ nhiên, rất buồn và càng thường xuyên đến “hang Đức mẹ” gần Tòa giám mục để cầu nguyện (sau này nàng kể lại cho tôi biết). Để bù đắp mối tình tan vỡ này, cha xứ “làm mai” bạn gái tôi cho một thanh niên khác trong ca đoàn của nhà thờ, cả họ đạo, gia đình, bạn bè bên nàng nỗ lực vun đắp cho mối tình mới này. Bao nhiều lời ca ngợi “ý Chúa” đã dẫn dắt soi đường cho nàng. Và Chúa thì làm sao mà sai lầm được! và nỗi buồn của của chúng tôi cũng dần nguôi ngoai theo tháng ngày. Ngày Trầu rượu “chạm ngõ ” của người thanh niên được cha xứ làm ông mai bà mối rồi cũng đến sau ngày chúng tôi chia tay khoảng hai năm.. Gia đình người bạn mới mang cau trầu sang làm lễ hỏi, mọi người hoan hỉ khi thấy cha xứ tuyên bố “Giáo xứ này chưa hề làm lễ cưới ” cũng như làm “phép chuẩn” cho ai không theo đạo. Phép chuẩn là một nghi thức của đạo Chúa cho phép người khác đạo làm đám cưới mà người có đạo không mất phép “thông công”, rút phép thông công là hình thức giống như bị khai trừ ra khỏi đạo.
Mối tình không xuất phát từ tấm chân tình đến ngay thời điểm kết thúc thì bùng vỡ. Người bạn gái tôi đột nhiên từ chối, trả lễ và tuyên bố sẽ không “lấy chồng” nữa. Mọi người ngạc nhiên, chưng hửng, kể cả chưởi mắng vì làm mất mặt nhiều người, và có lẽ cũng có một vài người “tiến bộ” mừng thầm vì họ cũng rơi vào hoàn cảnh như của chúng tôi.
Sự việc diễn ra tôi không hề được biết cho đến sau này vì gia đình chúng tôi đã chuyển về TP.HCM ít lâu sau đó. Mối liên lạc của chúng tôi bằng thư từ thưa dần rồi ngưng hẳn và rồi mất liên lạc. Một hôm, nhân soạn thư từ cũ để bỏ đi, chợt thấy thư người xưa, nên tôi viết đôi dòng thăm hỏi. Thư từ những năm 80 chủ yếu được vận chuyển bằng đường bộ nên mất rất nhiều thời gian, thư gửi đi tưởng như đã chìm vào quên lãng bổng một ngày tôi nhận được hồi âm. Chúng tôi trao đổi cho nhau những sự việc xảy ra kể từ những ngày vắng tin nhau.
Từ ngày mới quen nhau cho đến ngày nhận lại tin nhau tròn đúng mười năm. Hai đứa đã ngoài 30! Ôi, lạy Chúa lòng lành! Chúng tôi nhất quyết tiến đến hôn nhân, quyết tâm gạt bỏ mọi chướng ngại nhưng vẫn còn một bất hạnh nữa là ông cha xứ ngày xưa vẫn còn là linh mục quản xứ! Một trở ngại không nhỏ của chúng tôi, và bạn gái tôi quyết định viết một lá thư cho một ông linh mục bề trên của ông cha xứ. Đó là vị Giám mục Giáo phận Kontum, xin được tiến hành hôn nhân theo phép chuẩn. Khi ông giám mục, trên nguyên tắc, không thể từ chối lời yêu cầu đúng với luật pháp của nhà nước nên đã đồng ý. Trước ngày cưới, tôi buộc phải có giấy chứng nhận đã học giáo lý, và tôi nhờ một ông thầy giảng ở nhà thờ Kỳ Đồng dạy cho vài buổi và “cấp” cho tôi giấy chứng nhận đã học xong giáo lý hôn nhân.
Người bạn gái tôi trình thư của vị Giám mục cho ông cha xứ và thư chứng nhận tôi đã học xong giáo lý hôn nhân. Chúng tôi được phép làm lễ cưới ở “phòng thay áo” của nhà thờ! Nhưng sau đó có lẽ do trúng vào ngày không có điện nên chúng tôi được làm lễ cưới bên trong nhà thờ vào một buổi sáng sớm lất phất mưa. Bên trong nhà thờ phải thắp nến để làm lễ và chúng tôi phải đọc một trích đoạn từ Thánh kinh trước khi làm lễ trao nhẫn (tôi không nhớ rõ lắm tuần tự của các nghi thức)..
Gia đình chúng tôi ở xa, mẹ đã già, nên cử bà chị hai và một ông anh ra làm đại diện nhà trai. Bà chị ruột lấy chồng có đạo nên cũng theo đạo, tôi cứ tưởng điều này cũng phần nào xoa dịu được dòng họ bên vợ vì họ có thể có chung một “ngôn ngữ”, nhưng sau khi làm lễ ở nhà thờ về, chị tôi mới căn vặn mẹ vợ tôi rằng tại sao lại “cho phép con bà lấy em tôi mà nó không vào đạo? Biết nó không chịu rửa tội, tôi đã không lên đây làm đám cưới đâu!” Còn anh tôi chỉ biết đứng lắc đầu và cười!
Đề cập đến lời mạc khải trong Kinh thánh mà anh Giuse Nguyễn Đình Hào trích dẫn:
"Ngươi phải yêu mến Chúa , Thiên Chúa của ngươi, hết lòng ngươi, hết linh hồn ngươi và hết trí khôn ngươi. Đó là giới răn lớn nhất, bậc nhất. Thứ đến cũng giống như điều ấy: ngươi phải yêu mến đồng loại ngươi như chính mình ngươi. Toàn thể Lề luật cùng các tiên tri đều quy vào hai giới răn đó ” ( Matthêu: 22, 37-40).
Vâng, những người ngăn cản tình yêu của tôi, phá hoại tình cảm của chúng tôi bởi vì họ quá yêu Chúa của anh “bậc nhất” nên không dành “linh hồn" và "trí khôn” cho mối tình rất đỗi bình thường “bậc nhì” của chúng tôi, khi nghe lời mấy vị chủ chăn chia rẽ chúng tôi, ngay cả bà chị ruột duy nhất của tôi cũng vì nghe Chúa mà xem nhẹ tình cảm chị em ruột thịt. Cho tận đến ngày hôm nay, chị em chúng tôi vẫn đối xử rất chừng mực và lịch sự với nhau nhưng với tấm lòng giữ kẻ, ghẻ lạnh! Bởi chị luôn cho tôi là “thằng vô đạo” !
Tình yêu thương là thứ xuất phát rất tự nhiên, từ tấm lòng chứ không phải là sự miễn cưỡng bắt buộc như “Ngươi phải yêu mến Chúa.... “. Yêu thương mà “phải” thì chẳng còn ý nghĩa nào cả. và nhất là cho “hết trí khôn ngươi”. Làm người mà không còn trí khôn thì còn thua cả loại động vật bốn chân! Những người chống đối cuộc hôn nhân của chúng tôi cũng vì quá yêu mến Chúa, muốn mọi sự “nên một”. Mọi sự sai lầm bắt đầu từ sự sai lầm đầu tiên. Sự sai lầm từ quan niệm độc tôn, độc đoán, duy nhất thánh thiện v.v.. bắt đầu trổ hoa, kết quả khắp nơi trên thế giới. Đó là sự lạm dụng tình dục của giới tu sĩ từ trẻ em khuyết tật, trẻ phụ tế cho đến ngay cả các bà sơ cũng không từ, không còn là các sự việc cá biệt nữa, mà đã và đang là hiện tượng toàn cầu rồi. Riêng ở Việt Nam mọi người đã quá chán ngán với cái quá khứ làm tay sai cho giặc, còn nay là các vụ đòi đất cho Vatican dầu ai đó có khoát lên lớp áo cầu nguyện cho “hòa bình hay công lý” gì nữa thì cũng không che dấu được mưu đồ cũng chỉ vì quá yêu Chúa, muốn giữ gìn tài sản, đất đai cho chúa mà xuống đường đấu tranh, nhưng thực chất cũng chỉ là của Vatican..
Kể chuyện của mình như vậy là tạm đủ. Trong bài viết, tôi không nêu tên thật của các nhân vật liên quan trong câu chuyện, vì đây là câu chuyện rất riêng tư, có thể ảnh hướng đến nhiều người trong cuộc tuy vẫn có người còn người mất, nhưng tôi cũng muốn chia sẻ cùng mọi người câu chuyện nghe như “tiểu thuyết” này về một tình yêu mà giá như không có tình yêu Thiên chúa dính dáng vào thì đâu có nên nỗi. Và cũng đừng ai nhủ rằng đó là sự thử thách của Chúa, một thứ ngụy biện chẳng còn đánh lừa được những người đi thẳng lưng và biết tư duy.
Một đọc giả xin không nêu tên.
TP.HCM, 5-2010
0 nhận xét:
Đăng nhận xét