Thứ Tư, 11 tháng 11, 2015
Người Việt ngây thơ, cả tin khi làm từ thiện
21:04
Hoàng Phong Nhã
No comments
…khi
bắt đầu công việc thiện nguyện ai cũng xuất phát bằng cái tâm trong
sáng cả, nhưng khi tiếp xúc với đồng tiền họ có thể tha hóa nhanh lắm.
Cho nên, minh bạch chính là giải pháp giúp tâm người luôn sáng...
Để
trở thành một "nhà từ thiện" ở Việt Nam rất đơn giản. Vì thế, vô số tổ
chức từ thiện do cá nhân tự lập đều có những bất cập về tính minh bạch
và quản lý. Thậm chí, từ thiện đang có xu hướng biến tướng thành một
"nghề" mang lại thu nhập.
Người
Việt luôn sẵn lòng làm từ thiện đối với người gặp hoạn nạn, khó khăn.
(Trong ảnh : Trao quà từ thiện cho bà con vùng lũ Quảng Bình) - Ảnh :
Tấn Tú
Từ thiện quốc tế : minh bạch và chiến lược tầm xa
Do
tính chất nhạy cảm, tại các nước châu Âu và Mỹ, cá nhân bị nghiêm cấm
đứng ra quyên góp từ thiện. Nếu cố tình, có thể bị quy tội ăn mày
(mendicité), lừa đảo, trốn thuế và bị nghiệm trị trước pháp luật.
Để
thành lập một tổ chức từ thiện không khó về mặt thủ tục, tuy nhiên buộc
phải tuân thủ các quy định chặt chẽ. Ví dụ như tại Pháp, theo điều luật
ra đời năm 1901, các Tổ chức phi lợi nhuận (Association sans but
lucrative - ASBL) bắt buộc phải có tối thiểu 2 người cùng đứng tên chính
thức. Họ được phép nhận tiền lương theo công sức của mình bỏ ra, có kê
khai mức thu nhập chịu thuế nhưng tuyệt đối không được kiếm lợi nhuận
trong các hoạt động của mình.
Các tổ
chức từ thiện đều có mục đích phi lợi nhuận nên được miễn thuế, tuy
nhiên nếu phát hiện có gian dối bất minh trong thu chi tài chính, những
người đứng tên sẽ bị truy tố tội trốn thuế, lừa đảo… Mỗi năm đều có các
công ty kiểm toán độc lập kiểm tra và chứng thực tài khoản công khai.
Chính vì thế, người dân rất yên tâm khi quyên góp tiền bạc cho họ. Các
tổ chức từ thiện phi chính phủ lớn như Arnée du Salut, Médecins Sans
Frontières… đểu nhận được sự ủng hộ tài chính rất lớn từ dân chúng và
cho tới nay đã chứng minh được những hiệu quả to lớn họ mang lại cho
cộng đồng.
Hoạt
động của các tổ chức từ thiện quốc tế thường rất rộng, nhưng luôn chú
trọng đầu tư vào các giải pháp căn cơ và tận gốc. Ví dụ, thay vì cho
người nghèo một bữa no cơm với thịt để ngày mai lại đối diện với ‘ngõ
cụt’ đói kém, các tổ chức từ thiện quốc tế thường tập trung nghiên cứu
triển khai các dự án đào tạo nghề nghiệp, phát triển công ăn việc làm,
tạo chiếc ‘cần câu’ xung quanh môi trường sống của người được giúp đỡ.
Hay quỹ từ thiện tư nhân của các tỉ phú thường tập trung vào việc nghiên
cứu bệnh nan y.
Việt Nam : Từ thiện bát nháo như… chợ trời
Đó
là một thực trạng khi hoạt động từ thiện đang được thả lỏng về mặt quản
lý như hiện giờ. Nhìn toàn cảnh, những tổ chức từ thiện có quy củ và
tầm hoạt động chiến lược chuyên nghiệp theo mô hình các tổ chức quốc tế
tại Việt Nam vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vô số những tổ chức từ thiện
do cá nhân tự lập đều đang có những bất cập về tính minh bạch và quản
lý. Thậm chí, từ thiện đang có xu hướng biến tướng thành một "nghề" mang
lại siêu thu nhập. Đã có không ít những ồn ào tai tiếng xung quanh vấn
đề này.
Để
trở thành một "nhà từ thiện" ở Việt Nam rất đơn giản. Chỉ cần có vài
bức hình chụp một hoàn cảnh thương tâm đưa lên mạng xã hội, kèm ít lời
than vãn lay động lòng trắc ẩn của cộng đồng, hoặc hình ảnh một nhân vật
chụp cùng những người khuyết tật tại một trung tâm bảo trợ xã hội, lập
tức người kêu gọi đã được gọi là nhà từ thiện và có quyền nhận những
đóng góp vào tài khoản cá nhân mà không cần qua bất cứ một sự kiểm soát
nào.
Vì
người người đều trở thành nhà từ thiện dễ dàng như vậy mà môi trường
hoạt động từ thiện Việt Nam đang rơi vào tình trạng cạnh tranh khốc
liệt, đôi khi mất hẳn đi tính chất nhân văn như vốn dĩ tên gọi. Các nhà
từ thiện cũng có đủ các chiêu trò thu hút sự chú ý của dư luận, thu hút
nhà tài trợ. Có người chọn cách luôn tạo ồn ào tai tiếng cho chính những
nơi mình đi giúp đỡ, sử dụng hình ảnh thương tâm của người khuyết tật,
thậm chí cả hình ảnh lõa thể của người tâm thần để quảng bá hoạt động
của mình… Điều mà không một nước phát triển nào chấp nhận, thậm chí phạt
rất nặng.
Do
không có luật cụ thể nào kiểm soát, mà nhiều người làm nghề quyên góp
từ thiện cũng tự đặt ra những lệ làng không giống ai. Mạng xã hội hiện
nay đang ồn ào về câu chuyện một nhà từ thiện tại Nghệ An đi tố cáo tiêu
cực nhưng lại có các biểu hiện bất minh trong các hoạt động thu chi
tiền đóng góp của nhà hảo tâm. Khi bất cứ ai có ý kiến về việc minh bạch
tài chính đều bị chị ta xóa hết các ý kiến và chặn người tố cáo. Mới
đây nhất, một người sống tại Vinh đã rất bức xúc trước việc chị này
"tịch thu" luôn cả một số tiền lớn gia đình anh ủng hộ tận tay một bệnh
nhân, và được chị giải thích rằng do là người có công quảng bá nên chị
có quyền quyết định những khoản đóng góp cho nhân vật theo ý cá nhân…
Vậy những người bỏ tiền ra đóng góp cho nhân vật đó có được biết rằng
đồng tiền mình chi ra đã được sử dụng không đúng mục đích, và biết bao
khoản dư ra như thế làm sao kiểm soát khi người thu, chi chỉ nằm trong
một đầu mối cá nhân không bị ràng buộc bởi bất cứ cơ sở pháp lý nào ?
Đừng tạo cơ hội cho lòng tham nảy nở
Điều
đáng nói, ngoài những kẽ hở về luật pháp tạo điều kiện cho những người
lợi dụng lòng trắc ẩn của cộng đồng để trục lợi, còn có phần lỗi lớn của
những người cho tiền từ thiện khi họ vô trách nhiệm với chính đồng tiền
của mình một cách thật sự khó hiểu. Có thể bởi người Việt ngây thơ và
cả tin tới mức bất cứ ai hô hào hai chữ "từ thiện" đều là thiên thần,
hoặc văn hóa cả nể cố hữu đã không cho phép họ được đặt ra những câu hỏi
về sự minh bạch. Đôi khi tôi có cảm giác người Việt làm từ thiện chỉ để
thỏa mãn cá nhân chứ không hề quan tâm số tiền đó có được dùng đúng mục
đích thiện nguyện của mình hay không… Chính họ đã góp phần làm hoạt
động nhân văn như từ thiện bị biến tướng dữ dội như hiện giờ.
Nghệ
sỹ Kim Cương, người sáng lập Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo Thành phố Hồ
Chí Minh, có lần đã tâm sự với tôi về lý do chị phải mời kiểm toán độc
lập Hội bảo trợ của mình vài ba tháng một lần, bởi "không phải chị không
tin những nhân viên của mình, vì khi bắt đầu công việc thiện nguyện ai
cũng xuất phát bằng cái tâm trong sáng cả, nhưng khi tiếp xúc với đồng
tiền họ có thể tha hóa nhanh lắm. Cho nên, minh bạch chính là giải pháp
giúp tâm người luôn sáng".
Hy
vọng kinh nghiệm của nghệ sỹ Kim Cương cũng nhắc nhở trách nhiệm của
chính những người có tâm bỏ tiền làm từ thiện trong bối cảnh luật quản
lý hoạt động từ thiện còn lỏng lẻo như hiện giờ.
Hương Vũ
Nguồn : Thanh Niên, 10/11/2015
Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người từng làm báo, hiện sống tại Neuchâtel, Thụy Sĩ.
**************************
'Cướp' cơm từ thiện ở Sài Gòn (TNO, 10/11/2015)
Hằng
ngày, các nhà hảo tâm tổ chức mang cơm đến trước Bệnh viện Ung bướu
Thành phố Hồ Chí Minh để phát miễn phí. Tuy nhiên, số cơm này chưa đến
được tay người nghèo thì đã bị một nhóm người bên ngoài "cướp" mất !
Cảnh bát nháo trong buổi phát cơm từ thiện ở trước Bệnh viện Ung bướu - Ảnh : Đức Tiến
"Cướp" cơm để lấy mồi nhậu !
Phần
lớn người bệnh điều trị ở bệnh viện (bệnh viện) Ung bướu Thành phố Hồ
Chí Minh là người nghèo đến từ các tỉnh nên các nhà hảo tâm thường tập
trung đem cơm đến đây phát miễn phí làm từ thiện. Tuy nhiên, điều đáng
nói là số cơm từ thiện đó lại bị những người lành lặn, thành phần bất
hảo bên ngoài "cướp" mất, không chỉ để ăn mà còn đem bán, đem cho heo ăn
!
Sáng
30/10, chúng tôi có mặt trước cổng Bệnh viện Ung bướu, ghi nhận cả trăm
lượt cơm từ thiện được đem đến đây phát đã bị một nhóm khoảng 30 người
"cướp". Nhóm này có cả đàn ông, phụ nữ, thanh niên trai, gái lành lặn,
khỏe mạnh. Khi xe chở cơm từ thiện vừa dừng lại trước bệnh viện thì hàng
chục người ngồi trên vỉa hè bên ngoài bệnh viện chờ sẵn xộc tới giành
lấy, dù những người này đã có cả bao tải cơm chất thành đống.
Sau
khi lấy những hộp cơm, họ rút thức ăn, còn cơm thì vứt bỏ hàng chục hộp
nằm vương vãi dọc bức tường bệnh viện. Cả nhóm dồn đồ ăn vào một hộp
chứa lớn rồi làm mồi nhậu ngay trên vỉa hè trước bệnh viện, chờ đợt phát
cơm từ thiện của những người hảo tâm khác. Trong khi đó, người nhà bệnh
nhân từ trong bệnh viện chạy ra nhận cơm thì không còn hộp nào.
Hôm
sau, vì là ngày cuối tuần nên có hàng chục lượt phát cơm từ thiện cả
ngày, và "đội quân" chuyên "cướp" cơm xuất hiện gấp đôi so với ngày
thường. Thậm chí, nhiều người còn mang theo cả xe máy để gom cơm từ
thiện. Có khoảng 50 người đua nhau chạy đến giành giật, la ó khiến nhiều
hộp cơm bị rách, văng tung tóe dưới mặt đường. Đang tranh giành, có
người hét lớn "Là cơm mặn. Cơm mặn anh em ơi", người này vừa dứt lời thì
cả chục người khác chạy lại hai chiếc taxi chở cơm để vồ vập tranh
giành cơm có thức ăn mặn. Họ bỏ lại sau lưng những hộp cơm chay ăn chưa
hết. Sau buổi phát cơm, quanh khu vực Bệnh viện Ung bướu như bãi rác,
hộp cơm, bịch ni lông, đồ ăn vương vãi tứ tung ; một số hộp cơm được
treo lủng lẳng trên các song sắt ở tường bệnh viện gây nhếch nhác.
Trong
lúc ghi nhận ở đây, chúng tôi thường xuyên thấy rất đông người nhà bệnh
nhân đứng lặng lẽ thành một dãy dài tựa vào bờ tường bệnh viện vì không
dám tranh giành cơm với đám người chuyên "cướp" từ bên ngoài bệnh viện.
Đa
phần các xe chở cơm từ thiện đều đậu ở khu vực đối diện cổng bệnh viện
nên người nhà các bệnh nhân phải băng qua đường để lấy cơm. Còn nhóm
người bên ngoài chuyên "cướp" cơm thì chờ sẵn, khi xe chở cơm vừa tới là
họ lao vào giành giật trước sự bất lực của các nhà hảo tâm.
Đem đi bán, cho heo ăn
Trong
số những người giành giật cơm từ thiện trước Bệnh viện Ung bướu, có
người chuẩn bị sẵn cả bao bố để đựng. Trưa 1/11, mỗi khi có một nhóm đến
phát cơm, một người phụ nữ xô đẩy giành lấy 3 - 4 hộp cơm/đợt. Cơm
giành được bà chất lên chiếc xe đạp dựng tựa bức tường bên ngoài bệnh
viện. Chúng tôi hỏi : "Lấy cơm nhiều như vậy thì ăn làm sao hết ?".
Người
này nói tỉnh bơ : "Ăn không hết thì mang về cho heo. Ngày nào tui cũng
ra đây lấy cơm về bán lại cho người quen nuôi heo, kiếm vài chục ngàn
đồng. Đâu phải mình tui, một số người khác cũng ra đây giành giật cơm từ
thiện rồi chất lên xe đạp, xe máy chở đi" !
"Thấy
chưa, mới đứng chút xíu mà 60 - 70 hộp rồi đó. Không ít đâu", một người
đàn ông khoảng 40 tuổi chỉ vào hai bao chứa đầy cơm từ thiện mà anh ta
vừa lấy.
Sau
khi chất đầy cơm từ thiện giành được lên xe, người phụ nữ cho biết mang
về bán lại cho người quen nấu cháo… nuôi heo - Ảnh : Đức Tiến
Chia
sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Huỳnh - thành viên của Hội Từ thiện Tâm
Đức (Q.4, Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết : "Nhiều nhóm từ thiện khi
mang cơm tới trước Bệnh viện Ung bướu chưa kịp phát cho người nghèo thì
bị người ngoài bệnh viện giành giật hết. Có người còn lấy cơm từ thiện
rồi đem vô bệnh viện bán lại cho người nhà bệnh nhân 10.000 đồng/hộp".
Nấu cơm từ thiện trong bệnh viện
Tiến
sĩ Bác sĩ Phạm Xuân Dũng, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu, Thành phố Hồ
Chí Minh, cho biết : Tại bệnh viện lâu nay có một số tổ chức, nhóm từ
thiện đăng ký với bệnh viện để nấu cơm phát từ thiện cho bệnh nhân nghèo
đang điều trị tại đây. Những tổ chức này đăng ký ngày vào nấu tại bệnh
viện ; để đảm bảo an toàn cho người bệnh, bệnh viện yêu cầu những người
nấu cơm từ thiện này mua nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, hóa đơn rõ
ràng. Họ nấu xong kết hợp nhân viên của các khoa đem phát cho những bệnh
nhân nghèo đăng ký dùng cơm từ thiện. Thực tế bệnh viện không dám để
nhiều nhóm, cá nhân đem cơm từ nơi khác nấu vào bệnh viện phát cho bệnh
nhân, vì sợ không đảm bảo an toàn cho người bệnh. Theo Tiến sĩ Bác sĩ
Dũng, ra ngoài bệnh viện nhận cơm từ thiện là những người nuôi bệnh.
Thanh Tùng
No cơm từ thiện thì chích ma túy
Trong
số nhóm người chuyên "cướp" cơm từ thiện trước Bệnh viện Ung bướu có cả
những con nghiện ma túy. Nhóm này sẵn sàng chửi bới các nhà hảo tâm nếu
không đưa cơm cho chúng. Lúc 12 giờ ngày 31/10, khi cả nhóm chuyên
"cướp" cơm đang ngồi nhậu thì một thanh niên khuôn mặt lờ đờ đứng dậy
chạy tới gần xe máy của hai cô gái đang chuẩn bị phát cơm. Hai cô gái
nói : "Anh có thẻ bệnh nhân thì em mới phát cơm". Thanh niên này liền
trừng trợn, quát : "Đ.M. Đi phát cơm từ thiện mà cũng đòi thẻ bệnh nhân.
Tụi mày mang cơm về nhà mà ăn luôn đi, ăn cho hết đi !", khiến hai cô
gái tái xanh mặt mũi. Ngay sau đó nhóm người của anh ta hùa theo chửi
bới om sòm, rồi cười ha hả, tỏ vẻ đắc ý.
Ảnh : Đức Tiến
Ngày
8/11, chúng tôi tiếp tục đến trước Bệnh viện Ung bướu ghi nhận và phát
hiện, những người trong nhóm "cướp" cơm ngang nhiên chích ma túy giữa
chốn đông người (ảnh). Lúc 11 giờ 30 cùng ngày, sau khi đã no nê với cơm
từ thiện, 2 nam thanh niên lên cầu thang bộ bắc qua đường trước bệnh
viện để chích ma túy trước nhiều người qua lại. Thỏa cơn ghiền, hai
người này tiếp tục ngồi đợi trước cổng bệnh viện để chờ đợt phát cơm
tiếp theo.
Đức Tiến
0 nhận xét:
Đăng nhận xét