Thứ Tư, 24 tháng 8, 2016
Bài toán nông dân của Trung Quốc
15:24
Hoàng Phong Nhã
No comments
…then
chốt vẫn là việc cải cách hệ thống công chi thu, hay tài chính công
quyền, và nâng cao phẩm chất của đảng viên cán bộ để dẹp được nạn tham ô
tại địa phương.
Nhọc nhằn của nông dân Trung Quốc. Ảnh minh họa. Reuters
Từ
cả chục năm nay, lãnh đạo Bắc Kinh đã đề ra mục tiêu thu hẹp khoảng
cách giàu nghèo giữa nông thôn với thành thị, san bằng những bất công.
Nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện tại nước đông dân nhất địa cầu.
Sự phẫn uất của một số nông dân Trung Quốc là bài toán "sinh tử" cho an
ninh nước này.
Theo
thống kê được Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF công bố vào tháng 4/2016, tổng
sản lượng năm 2015 của Trung Quốc lên tới 11.000 tỷ đô la. Với dân số
khoảng một 1,35 tỷ người, thu nhập bình quân đầu người tại nước này là
khoảng 8.000 đô la/năm. Trung Quốc thuộc nhóm quốc gia có lợi tức trung
bình thấp.
Nhưng
kinh tế nước này gặp nhiều vấn đề về cơ cấu nên có thể bị rơi vào hiện
tượng mà các chuyên gia về phát triển gọi là "cái bẫy của lợi tức trung
bình", không trở thành một quốc gia công nghiệp như Bắc Kinh vẫn mong
ước.
Một
trong các vấn đề được quan tâm, ít ra từ hàng chục năm nay là tình
trạng phát triển thiếu cân đối, không công bằng và thiếu phối hợp nên
không bền vững. Tình trạng này được phản ánh một cách rõ ràng nhất qua
sự khác biệt quá lớn về lợi tức và nhận thức giữa nông thôn và thành
thị.
Bài toán an ninh cho chế độ
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa phân tích vấn đề này và chỉ ra bài toán nan giải là chế độ hộ khẩu.
RFI : Thưa
anh Nguyễn Xuân Nghĩa, theo IMF trung bình lợi tức một người dân Trung
Quốc ở khoảng 8.000 đô la. Nhưng con số chính thức ấy che giấu sự thật
đáng ngại là 760 triệu người sống ở thành thị lại có lợi tức cao gấp ba
lần lợi tức của 590 triệu người sinh sống ở nông thôn. Vì sao tình hình
chưa cải thiện cho dù Bắc Kinh từ những năm 2007 đã nói tới mục tiêu san
bằng hố sâu ngăn cách giữa nông thôn và thành thị ?
Nguyễn Xuân Nghĩa
: Trung Quốc có một vấn đề từ tiền kiếp, là khác biệt quá lớn về địa dư
hình thể giữa các tỉnh duyên hải ở miền Đông và các tỉnh bị khóa trong
nội địa, vốn dĩ khô cằn và khó phát triển. Sau ba chục năm cải cách và
tăng trưởng mạnh kể từ 1980, Trung Quốc đã công nghiệp hóa và đô thị hóa
một phần lãnh thổ, nhưng chưa giải quyết được bài toán dị biệt ấy.
Trung
bình thì người dân ở đô thị có thể kiếm ra hơn 14.000 đô la một năm, mà
cư dân ở thôn quê thì chỉ kiếm được chưa tới bốn ngàn. Tại các tỉnh bị
kẹt trong lục địa, khoảng 400 triệu người ở nông thôn chưa tìm ra được
bốn đô la một ngày.
Ngoài
khác biệt lợi tức đó, dân cư ở thành thị còn được hưởng phúc lợi xã hội
như gia cư, y tế và giáo dục. Dân chúng ở thôn quê thì không. Đấy là
bài toán sinh tử cho một quốc gia tự xưng là xã hội chủ nghĩa, thành lập
từ nỗ lực đấu tranh của lực lượng nông dân nghèo khốn trong trận nội
chiến quốc - cộng 70 năm về trước. Ngày nay, sự bất mãn của lớp người
cùng khốn ấy đang là bài toán an ninh cho chế độ.
Nguyên
nhân đầu tiên thuộc về ý thức hệ là chế độ khai thác nông nghiệp để
nuôi công nghiệp và áp dụng chế độ hộ khẩu để điều tiết lực lượng lao
động.
Chế
độ ấy có từ mấy ngàn năm mà được Mao Trạch Đông tinh vi hóa để kiểm
soát và đoàn ngũ hóa quần chúng. Sau khi Đặng Tiểu Bình cải cách kinh tế
từ 1980, chế độ kiểm soát hộ khẩu sử dụng được dân số đông đảo ở thôn
quê ra tỉnh kiếm việc với lương thấp. Ít ai chú ý đến sự kiện là chế độ
hộ khẩu của Trung Quốc chỉ phân biệt hai thành phần là dân cư trong nông
nghiệp và ngoài nông nghiệp.
Sau
khi cải cách thì cư dân có hộ khẩu trong nông nghiệp có thể ra tỉnh
kiếm việc mà vẫn là kẻ không có hộ khẩu, không có phúc lợi xã hội, gọi
là "dân công". Trung Quốc có từ 250 đến 300 triệu dân công xấu số này.
Từ cả chục năm nay, Bắc Kinh đã nói đến việc cải cách chế độ hộ khẩu ấy
mà chưa tiến hành được.
Thành phố Thượng Hải, biểu tượng thành công của Trung Quốc.@Flickr
Muốn có nhân công rẻ, nhưng lại sợ nông dân ồ ạt đổ về thành phố
RFI : Tầng
lớp lãnh đạo mới, lên cầm quyền từ cuối năm 2012, đã chủ trương lấy
tiêu thụ nội địa làm lực đẩy thay cho đầu tư và xuất khẩu. Nếu lợi tức
cư dân tại nông thôn lại quá thấp như vậy thì làm sao Bắc Kinh có thể
chuyển hướng ? Tại sao việc cải cách chế độ hộ khẩu lại chậm thi hành
như vậy ?
Nguyễn Xuân Nghĩa
: Lãnh đạo Trung Quốc biết rằng về lý thuyết thì cải cách hộ khẩu sẽ
giải phóng lực lượng lao động cho thôn dân vào thành thị. Đồng thời cải
cách chế độ quản lý đất đai tại nông thôn thì sẽ cho nông dân còn lại có
quyền sử dụng đất rộng rãi hơn hầu nâng cao năng suất nông nghiệp. Thế
nhưng Bắc Kinh lại rất thận trọng và chỉ cho thử nghiệm ở vài thí điểm,
như tại Trùng Khánh từ năm 2007, vào thời Bí thư Bạc Hy Lai, là người đã
bị bãi chức và nay đang ngồi tù chung thân.
Nguyên
nhân thứ nhất : giải tỏa hộ khẩu có thể dẫn tới làn sóng người từ nông
thôn ra tỉnh khiến các tỉnh thành không đủ ngân sách cho nhu cầu gia cư,
y tế, giáo dục. Nhiều nơi chỉ muốn có dân công rẻ và sống tạm bợ, chứ
không muốn phải lo cho đời sống của thành phần lao động này. Nguyên nhân
thứ hai : Bắc Kinh sợ nông dân ào ạt bỏ ruộng đồng, làm sản lượng nông
nghiệp sa sút và không đạt yêu cầu an toàn về thực phẩm.
Nguyên
nhân thứ ba : việc cải cách chế độ hộ khẩu phải tiến hành đồng bộ với
việc cải thiện hệ thống luật lệ về đất đai. Đó là chuyện còn sinh tử hơn
cho các chính quyền địa phương, vì bán quyền sử dụng đất là nguồn thu
đáng kể cho ngân sách địa phương. Ta không quên là tính trung bình thì
nguồn thu của các địa phương chỉ đáp ứng 57% nhu cầu công chi, và tại
các tỉnh nghèo ở bên trong thì chỉ được có 10-20% mà thôi.
Nguyên
nhân thứ tư, quan trọng nhất, là phải tái cân bằng hệ thống công chi
thu trên toàn quốc, vì chính quyền địa phương không đủ ngân sách cho cả
nhu cầu xây dựng hạ tầng cơ sở vật chất lẫn hạ tầng cơ sở xã hội. Ngày
nay, tỷ lệ đô thị hóa tại Trung Quốc mới là 56%. Muốn tiến lên trình độ
công nghiệp cao hơn, với nhiều đô thị hơn, họ phải giải quyết bài toán
hộ khẩu để hấp thụ được một lượng người đông đảo hơn.
Có một sự nới lỏng chừng mực cho nông thôn
RFI : Trong
khi chờ đợi đến ngày khắc phục được ngần ấy vấn đề thì Bắc Kinh có thể
làm gì trước số phận quá đen tối của người dân tại thôn quê ?
Nguyễn Xuân Nghĩa
: Tôi nghĩ đến phương châm "mò chân dưới nước kiếm đường qua sông"của
Đặng Tiểu Bình, nhưng theo kiểu "se hâter lentement" như một thành ngữ
của Pháp ! Trung Quốc sẽ tích cực khuyến khích các địa phương phát huy
sáng tạo để thử nghiệm giải pháp mới và thận trọng theo dõi kết quả,
nhất là mức độ an toàn về chính trị, khi sự bất mãn tại nông thôn đang
trở thành vấn đề nóng, với nhiều cuộc xô sát giữa nông dân và cảnh sát
địa phương.
Một
số nơi đã thử áp dụng việc cho phép nông dân chuyển nhượng quyền sử
dụng đất cho các doanh nghiệp và đổi lấy tiền thuê cùng một số lợi tức
hàng tháng. Điều đó có nghĩa là nông dân vẫn là chủ đất nhưng nhiều
doanh nghiệp về canh nông có thể ra đời và canh tác trên một diện tích
lớn hơn. Nhưng then chốt vẫn là việc cải cách hệ thống công chi thu, hay
tài chính công quyền, và nâng cao phẩm chất của đảng viên cán bộ để dẹp
được nạn tham ô tại địa phương.
Nếu
quá chậm thì chế độ mặc nhiên gieo mầm cho một cuộc cách mạng khác của
nông dân khi nằm chết trong cái bẫy sập của lợi tức trung bình.
Thanh Hà thực hiện
Nguồn : RFI, 23/08/2016
************************
Thiếu đất canh tác, Trung Quốc cải cách nông nghiệp để nuôi dân (RFI, 23/08/2016)
Người nông dân Trung Quốc tẽ ngô để phơi. Ảnh minh họa.REUTERS
Đối
mặt với tình trạng khủng hoảng lương thực ngày càng lớn, Trung Quốc
buộc phải cải cách ngành nông nghiệp. Theo nhận định của tuần báo Times
(17/08/2016), quyết định này có thể là bước thay đổi lớn nhất kể
từ "Bước Đại Nhảy Vọt" do Mao Trạch Đông phát động.
Những
hộ nông dân nhỏ, có diện tích đất canh tác trung bình khoảng 0,65 ha,
là nguồn đảm bảo lương thực cho toàn Trung Quốc. Thế nhưng, tại đất nước
có hơn 1,3 tỉ dân, chiếm gần 1/5 dân số thế giới, hiện chỉ còn khoảng
7% đất canh tác được. Một mặt do đất đai ngày càng trở nên cằn cỗi,
chiếm hơn 40% diện tích đất nước. Mặc khác do tình trạng lạm dụng phân
hóa học và tăng cường nuôi thả súc vật. Trong khi báo chí Trung Quốc chỉ
đề cập hiện tượng các nhà máy thả khí gây ô nhiễm, các chuyên gia cho
rằng, so với ngành công nghiệp, ngành nông nghiệp còn gây tác động xấu
hơn đến môi trường.
Năm
2015, Trung Quốc sản xuất 600 triệu tấn lương thực, đây là năm thứ 12
có sản lượng tăng liên tiếp. Thế nhưng, trong vòng ba thập kỷ tới,
khoảng 300 triệu người Trung Quốc sẽ phải bỏ nghề nông để kiếm việc tại
các đô thị lớn vì đất canh tác sẽ bị các cụm đô thị gặm nhấm. Những
trung tâm này cũng tiêu thụ ngày càng nhiều thịt, ngũ cốc và sản phẩm từ
sữa. Hiện nay, trung bình mỗi năm một người Trung Quốc ăn khoảng 63 kg
thịt, nhưng số lượng này sẽ tăng thêm khoảng 30 kg mỗi người cho đến năm
2030.
Chính sách cải cách nông nghiệp lớn nhất kể từ "Bước Đại Nhảy Vọt"
Đối
mặt với cuộc khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng, đảng Cộng Sản Trung
Quốc đã có những biện pháp bình ổn lương thực quốc gia. Trước tiên,
chính quyền tiến hành nhiều vụ thu mua đất nông nghiệp có quy mô lớn ở
nước ngoài, trong đó phải kể đến nhà máy sữa lớn nhất nước Úc, tiếp theo
là hơn 324.000 ha đất nông nghiệp ở Achentina và nhiều nhà máy trồng và
chế biến giá đỗ có trị giá nhiều tỉ đô la tại Brazil.
Còn
tại Trung Quốc, một mặt, chính phủ cho lập lại chính sách thuế đánh vào
thuốc trừ sâu và phân bón. Mặt khác, nhiều biện pháp khuyến khích và hỗ
trợ được áp dụng cho người nông dân. Đối với những loại cây trồng không
có lợi cho sinh thái, ít lợi nhuận và có sản lượng dư thừa, như cây
ngô, người nông dân sẽ nhận được trợ giúp từ chính phủ để giảm bớt diện
tích trồng trọt. Ngược lại, những loại cây có nguồn cầu cao và bền vững
như cây đậu (đỗ), thì sẽ được khuyến khích cải thiện.
Đây
là một cuộc các mạng có thể có những rủi ro nghiêm trọng đối với tính
chính đáng của đảng Cộng Sản Trung Quốc, vì có thể giá lương thực tăng
nhanh, trong khi người nông dân lại không có đủ thu nhập. Ông Erlend Ek,
một chuyên gia nông nghiệp thuộc phòng nghiên cứu các chính sách của
Trung Quốc, nhận định với tạp chí Times : "Có thể sẽ có những bất ổn xã
hội lớn nếu họ làm căng ngành công-nông nghiệp. Chưa bao giờ Trung Quốc
có bước thay đổi lớn như vậy kể từ Bước Đại Nhảy Vọt trước đây".
Giai
đoạn đau thương này, do Mao Trạch Đông khởi xướng vào cuối những năm
1950, là cội nguồn của mọi khó khăn về ổn định lương thực. "Bước Đại
Nhảy Vọt" nhằm mục đích hiện đại hoá ngành công nghiệp Trung Quốc với
hình thức xoá bỏ sở hữu tư nhân và lập các nhóm lao động chung. Sau khi
có hơn 30 triệu người chết, hình thức hợp tác xã bắt buộc đã bị phá sản
và mỗi gia đình được giao một thửa đất chừng 0,65 ha để canh tác theo mô
hình tự cung tự cấp. Ngoài một vài trang trại lớn, thường là bán quân
sự thuộc sở hữu nhà nước, các thửa ruộng đều được chia nhỏ ở Trung Quốc
(trong khi một trang trại ở Mỹ có kích thước trung bình là 179 ha).
Tập
đoàn Black Soil do ông Tôn Trường (Sun Chang) làm chủ tịch có mục đích
hiện đại nông nghiệp Trung Quốc bằng cách gộp các thửa ruộng nhỏ để phục
vụ cho sản xuất có quy mô lớn. Ông Tôn Trường nhận định : "Ngành nông
nghiệp Trung Quốc vẫn còn là một ngành công nghiệp thủ công. Trung Quốc
vẫn còn thua xa Hoa Kỳ, Úc hay Châu Âu vì các trang trại có quy mô nhỏ,
thiếu tổ chức và không được quản lý một cách khoa học".
Vì sản xuất không có hiệu quả nên nông phẩm của Trung Quốc đắt hơn gấp hai đến ba lần so với Hoa Kỳ.
Cải cách nông nghiệp theo tiêu chí môi trường và sinh thái
Trung
Quốc đặt quyết tâm tự túc lương thực. Tại tỉnh Cam Túc (Ganzu), cỏ linh
lăng được trồng với chất lượng cao, có thể được dùng làm vật liệu cách
âm thay thế các loại cỏ truyền thông. Ở khu vực giữa tỉnh Tam Túc, nhiều
bể nuôi côn trùng được xây dựng để cung cấp thêm protein vào thức ăn
cho gia súc. Nhờ đó, hệ miễn dịch của gia súc được tăng cường và giảm
nhu cầu sử dụng thuốc kháng sinh. Các nhà khoa học còn nuôi loại ong bắp
cày nhỏ xíu, có tên là Trichogramma. Loài tò vò này sống được nhờ trứng
của những loài côn trùng kí sinh phá hoại, nhờ vậy sẽ dần loại bỏ được
các loại thuốc trừ sâu độc hại.
Nông
dân tỉnh Cát Lâm (Jilin) nuôi heo trên một lớp nền dầy chừng 1 mét gồm
trấu và mùn cưa có vi khuẩn. Loại hỗn hợp này giúp biến phân heo thành
loại phân bón hữu cơ. Điều ngạc nhiên nhất là người ta có thể nuôi cá
hồi và cá hồi sông ở vùng sa mạc Gobi cằn cỗi nhờ hệ thống nuôi trồng
thủy sản tuần hoàn (RAS). Có thể nói, công nghệ này được ông Rustan
Lindqvist, một nông dân Thụy Điển, phát minh.
Năm
2012, hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn (RAS) được thực hiện tại
tỉnh Tân Cương (Xinjiang). Thay vì nuôi trồng trên một dòng sông hay một
hồ nước, công nghệ RAS sử dụng giếng sâu để cung cấp nước cho các bể
nuôi lớn. Cá ở giai đoạn trưởng thành sẽ được kiểm soát trong những điều
kiện vô cùng nghiêm ngặt. Thành công của vụ thu hoạch không còn bị phụ
thuộc vào điều kiện khí hậu thất thường nữa. Ông Lindqvist, người trở
thành kiến trúc sư của công trình này, khẳng định : "Tôi nghĩ là cuối
cùng người ta hiểu được tiềm năng của hệ thống RAS. Thật sự là quý vị có
thể xây được những bể nuôi ngay giữa hoang mạc".
Ngoài
những công nghệ trên, Trung Quốc sẽ tận dụng hệ thống thủy lợi Đại Vận
Hà (Karez) dài hơn 5.000 km, một dòng sông nhân tạo có từ cách đây hơn
2.000 năm. Nhờ hệ thống này, lưu vực Thổ Lỗ Phiên (Turpan) rộng lớn,
vùng khô nóng nhất của Trung Hoa hiện đại, đã được biến thành thảo
nguyên xanh rờn. Tái tạo rừng cũng được tiến hành nhờ Dự án cải tạo rừng
đầu nguồn sông Hoàng Hà cao nguyên hoàng thổ. Được Ngân Hàng Thế Giới
khởi xướng năm 2004, dự án này đã biến nhiều vùng đất cằn cỗi ở tây bắc
Trung Quốc trở thành những vùng đất canh tác được cho khoảng 50 triệu
dân trong vùng.
Sau
ba năm theo dõi và tư vấn, các nhà khoa học hợp tác với chính quyền địa
phương đã chấm dứt tình trạng nuôi thả rông. Việc chăn nuôi đã được quy
hoạch theo mô hình chuồng trại, được chia khoang và rào chắn. Tình
trạng xói mòn đất cũng được hạn chế nhờ xây các bể chứa nước, mở các khu
chăn nuôi trên sườn đồi không quá dốc và trồng cây ăn quả trên những
mảnh đất khô cằn nhất trên sườn đồi.
Ngoài
ra, quyền sở hữu đất cũng được cấp cho các nhà làm nông địa phương, để
đảm bảo việc khôi phục đất. Ông Juergen Voegele, cựu quản lý nhóm dự án
của Ngân Hàng Thế Giới, cho biết : "Điều này đã làm biến đổi khung cảnh
một vùng đất tương đương với diện tích nước Pháp".
Các
biện pháp tương tự hiện đang được tiến hành trên khắp Trung Quốc nhằm
tăng diện tích"đất nông nghiệp chất lượng cao". Hiện nay, các trang trại
chính rộng khoảng 30,4 triệu ha, nhưng từ nay đến năm 2020, chính phủ
muốn tăng số lượng này lên thành 53 triệu đến 67 triệu ha, tương đương
với khoảng một nửa tổng diện tích đất canh tác được của đất nước.
Để
tăng năng suất, chính phủ cũng đang thảo một đạo luật về hợp đồng đất
nông nghiệp. Theo đó, lần đầu tiên người nông dân được phép cho một
doanh nghiệp lớn hơn, vững chắc hơn thuê lại đất canh tác của họ. Tập
đoàn Black Soil của ông Tôn có hai dự án thí điểm rộng hơn 750 km2
(tương đương với diện tích Singapore) tại tỉnh Hắc Long Giang (Hei Long
Jiang) ở phía bắc Trung Quốc và hiện tập đoàn vẫn có tham vọng mở rộng.
Ông Tôn Trường kết luận : "Người nông dân trở thành người lao động. Họ
không còn phải lo quay vòng vốn, đáp ứng mọi tiêu chuẩn, hạt giống, hóa
phẩm, mua trang thiết bị và đầu ra cho nông phẩm. Chỉ cần làm được điều
này, bạn đã có thể đảm bảo ổn định lương thực-thực phẩm".
Một
người nông dân bày tỏ với tác giả bài báo : "Đa số nông dân địa phương
thích kế hoạch này. Nếu như người nông dân có thể được trả 100 nhân dân
tệ (khoảng 15 đô la) mỗi ngày, gồm cả bữa trưa và được ở lại trên mảnh
đất của mình, tôi nghĩ là họ sẽ đồng ý".
Thu Hằng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét