Nguồn: Curtis A. Bradley (2007). “Unratified Treaties, Domestic Politics, and the U.S. Constitution”, Harvard International Law Journal, Vol. 48, No. 2 (Summer), pp. 307- 336.>>PDF
Biên dịch: Từ Minh Thuận | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Giới thiệu
Nhiều nhà bình luận ủng hộ quan điểm mở rộng ảnh hưởng của luật pháp quốc tế cũng đồng tình với quan điểm hạn chế quyền hành pháp của chính phủ các quốc gia. Các nhà bình luận này không nhận ra rằng có một sự mâu thuẫn tiềm tàng giữa hai quan điểm trên. Trong bài viết này, tôi sẽ xem xét một ví dụ minh chứng cho mâu thuẫn có thể xảy ra đó: hiệu lực pháp lý của các điều ước quốc tế đã được ký nhưng không được phê chuẩn.
Việc thực hiện các điều ước hiện tại cho thấy, việc một quốc gia ký một điều ước, đặc biệt là một điều ước đa phương, thường sẽ không (tự động) đưa quốc gia đó trở thành thành viên của điều ước. Thay vào đó, các quốc gia trở thành thành viên của các điều ước bằng hành động phê chuẩn hay gia nhập điều ước, thông qua việc nộp một văn kiện phê chuẩn hay gia nhập cho một cơ quan lưu chiểu (đối với điều ước đa phương), hoặc trao đổi văn kiện phê chuẩn (đối với điều ước song phương). Việc ký điều ước theo thông lệ chỉ là dấu hiệu cho thấy các quy định trong điều ước thỏa mãn mong muốn của cơ quan hành pháp phụ trách việc đàm phán và ký điều ước của quốc gia đó. Hành động đó không đồng nghĩa với việc đảm bảo quốc gia đó sẽ trở thành một bên tham gia điều ước.
Dẫu rằng hiện nay có sự phân biệt giữa ký và phê chuẩn điều ước, các luật gia và học giả quốc tế tranh luận rằng một khi một quốc gia đã ký một điều ước thì quốc gia đó cần hạn chế những hành động có thể làm thất bại mục tiêu và mục đích (object and purpose) của điều ước cho đến khi quốc gia đó tỏ rõ ý định không muốn tham gia điều ước đó nữa. Nghĩa vụ này được ghi nhận trong Điều 18 của Công ước Viên về luật điều ước quốc tế (công ước Viên) vốn quy định về việc xây dựng, giải thích và chấm dứt các điều ước quốc tế. Mỹ dù không phải là một bên tham gia Công ước Viên nhưng nhiều nhà bình luận phát biểu rằng Điều 18 phản ánh luật tập quán quốc tế mà các nước dù không tham gia công ước Viên cũng phải tuân thủ theo, và Mỹ không phủ nhận tuyên bố này.[1] Bên cạnh đó, các nhà bình luận cũng mở rộng quan điểm về nội hàm của nghĩa vụ bảo vệ mục tiêu và mục đích của điều ước. Họ cho rằng nghĩa vụ này sẽ khiến cho các bên ký điều ước không được vi phạm toàn bộ điều ước hay một số quy định “cốt lõi” hay “quan trọng” trong điều ước đó.[2] Ví dụ, các tuyên bố mở rộng này thường được đưa ra liên quan đến việc Mỹ ký các điều ước về quyền con người, chẳng hạn như Công ước về quyền trẻ em.[3]
Các điều ước của Hoa Kỳ đều được ký bởi Tổng thống và đại diện của Tổng thống. Kết quả là, bất kỳ nghĩa vụ quốc tế nào mà Mỹ sẽ phải gánh chịu từ việc ký một điều ước đều xuất phát từ một hành động đơn phương của nhánh hành pháp. Tuy nhiên, thẩm quyền hành pháp đơn phương như vậy dường như lại đi ngược lại với quy trình xây dựng các điều ước đã được quy định cụ thể tại Điều II Hiến pháp Hoa Kỳ, quy trình yêu cầu phải có sự tham vấn và tán thành của hai phần ba Thượng viện.[4] Như tôi sẽ lý giải sau đây, sự xung đột này sẽ không bị loại bỏ bởi sự tồn tại quyền hạn của tổng thống trong việc tham gia vào các “hiệp định hành pháp đơn thuần” (“sole executive agreements”). Dù phạm vi chính xác của nó là gì, quyền lực tham gia các hiệp định hành pháp đơn thuần chắc hẳn phải hẹp hơn nhiều so với quyền lực tham gia các điều ước theo Điều II.
Tuy nhiên, mức độ của xung đột hiến pháp này phụ thuộc vào phạm vi của nghĩa vụ xuất phát từ việc ký (điều ước quốc tế). Lịch sử soạn thảo Điều 18 cho thấy rằng nghĩa vụ xuất phát từ việc ký được cố ý xây dựng hẹp hơn nhiều so với những gì các nhà bình luận đã nghĩ. Nghĩa vụ này được hiểu như là chỉ để nhằm ngăn chặn các hành động có thể làm suy giảm đáng kể khả năng của các bên tham gia trong việc tuân thủ hay hưởng lợi từ điều ước sau khi phê chuẩn. Xem xét trong các điều kiện này, nghĩa vụ trên ít liên quan đến nhiều loại điều ước, như là các điều ước về nhân quyền, nơi mà các hành vi trước khi phê chuẩn không phù hợp với điều ước cũng không phương hại đến thỏa thuận đã được thể hiện trong điều ước đó. Áp dụng cách giải thích hẹp này của nghĩa vụ bảo vệ mục tiêu và mục đích của điều ước giúp thu hẹp khoảng cách giữa thẩm quyền của Tổng thống theo Hiến pháp và pháp luật quốc tế. Tuy nhiên, vì vẫn có khả năng xảy ra xung đột hiến pháp, và vì nghĩa vụ bảo vệ mục tiêu và mục đích của điều ước không được xác định rõ trong nội dung của Công ước Viên, Thượng viện cần lưu ý đến vấn đề này nếu họ muốn bảo vệ vai trò vốn đã bị giảm sút của mình trong quá trình thông qua điều ước.
Phần I của bài viết này miêu tả hiện tượng các điều ước đã được ký nhưng chưa được phê chuẩn và thảo luận một số lý do cho hiện tượng này. Phần II sẽ thảo luận tác động của việc ký một điều ước trong pháp luật quốc tế hiện đại và lý giải cách một số nhà bình luận đã cho rằng việc ký một điều ước nào đó sẽ buộc Hoa Kỳ phải tuân thủ toàn bộ điều ước hoặc các điều khoản “cốt lõi” hay “quan trọng” điều ước đó. Phần III sẽ lập luận rằng các nghĩa vụ phát sinh từ việc ký điều ước mâu thuẫn với quy trình thông qua điều ước theo Hiến pháp Hoa Kỳ, và mâu thuẫn này không bị loại bỏ bời quyền của tổng thống trong việc tham gia các hiệp định hành pháp đơn thuần. Phần IV giải thích cách mà lịch sử soạn thảo Điều 18 Công ước Viên cho thấy phạm vi của nghĩa vụ bảo vệ mục tiêu và mục đích của điều ước là hẹp hơn so với suy nghĩ của nhiều người, qua đó giải quyết được một vài căng thẳng hiến pháp gây nên bởi các nghĩa vụ xuất phát từ việc ký điều ước.
1. Hiện tượng các điều ước đã được ký nhưng chưa được phê chuẩn
Suốt chiều dài lịch sử, Mỹ đã ký hàng loạt các điều ước nhưng sau đó lại không phê chuẩn.[5] Hiện tượng này càng được quan sát rõ hơn trong vài thập kỷ trở lại đây, giai đoạn nước Mỹ đã ký nhiều điều ước đa phương quan trọng nhưng lại không phê chuẩn. Các điều ước này bao gồm các điều ước quan trọng liên quan đến nhân quyền như Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ký năm 1977); Hiệp ước châu Mỹ về nhân quyền (ký năm 1977); Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (ký năm 1980); và Công ước về quyền trẻ em (ký năm 1995). Chúng cũng bao gồm hàng loạt các điều ước quan trọng về môi trường không được phê chuẩn như Nghị định thư Kyoto, Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (ký năm 1998); Công ước Rio về đa dạng sinh học (ký năm 1993); và một hiệp định sửa đổi các quy định về khai thác khoảng sản dưới đáy biển trong Công ước về luật biển (ký năm 1994). Một nhóm các hiệp ước khác đã được ký nhưng chưa được phê chuẩn và được thảo luận nhiều liên quan đến cuộc chiến chống khủng bố sau ngày 11 tháng 9 là các Nghị định thư thứ nhất và thứ hai bổ sung cho Công ước Geneva (ký năm 1977). Cuối cùng, hiện tượng này cũng xảy ra với nhiều hiệp ước liên quan đến tư pháp quốc tế mà Mỹ đã ký.[6]
Việc Mỹ hiện tại không phê chuẩn những điều ước này không đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ không trở thành một bên tham gia điều ước. Ít ra từ Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, việc Mỹ ký một điều ước rồi mãi sau đó mới phê chuẩn không phải là chuyện hiếm. Hai ví dụ cụ thể là Nghị định thư Geneva về cấm sử dụng các loại khí gây ngạt, độc, các phương pháp chiến tranh vi trùng, được Mỹ ký năm 1925 nhưng chỉ được phê chuẩn vào năm 1975, tức 50 năm sau đó.[7] Hoa Kỳ cũng đã ký Công ước Liên Hiệp Quốc về phòng ngừa và trừng phạt tội diệt chủng năm 1948 nhưng cũng chỉ phê chuẩn 41 năm đó vào năm 1989.[8] Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ được Mỹ ký năm 1980 là một ví dụ về một điều ước được ký và có thể cuối cùng sẽ được phê chuẩn. Năm 2002, bất chấp sự phản đối của chính quyền Bush, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ – chịu sự kiểm soát của Đảng Dân chủ – đã bỏ phiếu cho phép công ước này được đưa ra cho toàn thể Thượng viện thảo luận và thông qua.[9] Dù không có một cuộc bỏ phiếu nào được tổ chức ở Thượng viện nhưng nhiều nhà ủng hộ công ước này vẫn hi vọng nó sẽ được phê chuẩn.[10]
Có nhiều nguyên nhân khiến Hoa Kỳ có thể ký một điều ước nhưng lại không phê chuẩn nó. Tổng thống có thể đệ trình một điều ước lên Thượng viện nhưng lại không được Thượng viện thông qua, dù việc này hiếm khi xảy ra. Hai ví dụ nổi bật là Hiệp ước Versailles, hiệp ước nền tảng xây dựng nên Hội Quốc Liên, và Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện.[11] Trong một trường hợp khả dĩ hơn, Tổng thống trì hoãn việc đệ trình điều ước lên Thượng viện bởi vì nhận thấy sự phản đối ở đó, có lẽ với hy vọng sẽ có một sự thay đổi lập trường và thành phần nghị sĩ trong Thượng viện. Đây là trường hợp đã xảy ra với Công ước về quyền trẻ em mà chính quyền Clinton đã ký năm 1995 nhưng không đệ trình lên Thượng viện. Thêm vào đó, Tổng thống có thể đệ trình một điều ước lên Thượng viện và để nó bị quên lãng khi nó không hội tụ đủ số lượng phiếu của các thượng nghị sĩ ủng hộ. Một ví dụ rõ ràng minh họa cho hiện tượng này là Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ mà Ủy ban đối ngoại Thượng viện đã chấp thuận và gửi đến Thượng viện để xem xét thông qua. Tuy nhiên toàn bộ Thượng viện cuối cùng đã gửi trả lại cho Ủy ban. Như đã nói ở trên, Ủy ban này đã trình công ước lên Thượng viện một lần nữa vào năm 2002, tuy nhiên nó cũng bị bác bỏ. Tổng thống cũng có thể ký một điều ước mà không cam kết phê chuẩn nó. Hành động này có thể là nỗ lực để tham gia vào các cuộc đàm phán tiếp theo liên quan đến điều ước hay các tổ chức được thành lập bởi quy định trong điều ước, hay vì một lợi ích chính trị mang tính biểu tượng nào đó.
Sự thay đổi trong chính sách bởi một chính quyền tổng thống mới cũng là một lý do tạo nên hiện tượng này. Điều đó đã diễn ra nhiều lần. Ví dụ, Tổng thống Carter ký Hiệp ước hạn chế vũ khí chiến lược (SALT II) nhằm cắt giảm vũ khí hạt nhân vào năm 1979 nhưng vào năm 1982 chính quyền Reagan tuyên bố rằng Hoa Kỳ không có ý định phê chuẩn hiệp ước trên. Ngoại trưởng Mỹ Alexander Haig giải thích trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện rằng “bản đề xuất này đã bị chính quyền bác bỏ”, và “chúng tôi xem SALT II đã chết và đã thông báo cho Liên Xô như vậy”.[12] Tương tự, chính quyền Reagan năm 1987 tuyên bố rằng sẽ không phê chuẩn Nghị định thư thứ nhất bổ sung cho Công ước Geneva về luật chiến tranh mà Tổng thống Carter đã ký năm 1977. Tổng thống Reagan giải thích trong một thông điệp gửi cho Thượng viện rằng Nghị định thư này “có những khiếm khuyết cơ bản và không thể điều hòa được”, rằng các vấn đề liên quan đến nghị định thư là “quá cơ bản về bản chất đến mức chúng không thể được khắc phục thông qua việc bảo lưu quan điểm,” và vì thế ngài Tổng thống đã “quyết định không đệ trình Nghị định thư lên Thượng viện dưới bất kỳ hình thức nào”.[13]
Hiệp ước thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế là một ví dụ được bàn luận sôi nổi gần đây về việc thay đổi trong chính sách có thể ảnh hưởng như thế nào đến lập trường của nước Mỹ về một điều ước quốc tế được ký nhưng không được phê chuẩn. Hiệp ước này được thông qua năm 1998 và sau khi có đủ số lượng thành viên cần thiết phê chuẩn, nó bắt đầu có hiệu lực năm 2002.[14] Hiệp ước quy định Tòa án Hình sự Quốc tế, có trụ sở tại The Hague (La Haye) –Hà Lan, có quyền xét xử các cá nhân phạm tội diệt chủng, tội ác chống lại loài người, và tội ác chiến tranh. Dẫu bày tỏ quan ngại về cái mà ông gọi là “những khiếm khuyết đáng kể” trong hiệp ước, Tổng thống Clinton đã ký hiệp ước này không lâu trước khi kết thúc nhiệm kỳ.[15] Tuy nhiên, chính quyền Bush sau đó đã gửi thư cho Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc thông báo rằng Hoa Kỳ không có ý định phê chuẩn hiệp ước đó”.[16] Dù không thể hiện một nỗ lực cụ thể nào để hủy bỏ trực tiếp chữ ký của chính quyền Clinton trước đó, hành động của chính quyền Bush thường được xem tương đương với việc “bỏ ký” (unsign) hiệp ước này.
Việc không công nhận hiệp ước thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế của chính quyền Bush mang tính chính thức hơn việc không thừa nhận các điều ước đã ký nhưng không phê chuẩn khác. Thực tế rằng cơ quan hành pháp chịu sự chi phối của nhiều đối tượng người dân dẫn đến sự đa dạng trong cách các chính quyền xử lý những điều ước chưa được phê chuẩn. Để bày tỏ ý định không muốn bị ràng buộc bởi một điều ước, chính phủ phải xem xét cẩn thận cả các nhân tố quốc tế liên quan (cụ thể là các bên khác tham gia điều ước) và các nhân tố trong nước (bao gồm các nhóm lợi ích và phe ủng hộ họ trong Quốc hội, những người đồng tình hay chống đối điều ước).[17] Thỉnh thoảng, chính phủ có thể cố gắng gợi ý cho các bên khác tham gia điều ước rằng Mỹ không có ý định phê chuẩn trong khi lại lập lờ về vấn đề phê chuẩn để tránh một kết quả bất lợi trong nước nếu ra quyết định rõ ràng bác bỏ điều ước. Kết quả bất lợi có thể bắt nguồn từ cả phe ủng hộ của điều ước liên quan lẫn những người chống đối các điều ước khác vốn đòi chính phủ phải đưa ra sự bác bỏ tương tự đối với các điều ước đó.
Các tuyên bố của chính quyền Bush liên quan đến Nghị định thư Kyoto là một ví dụ tốt cho thấy sự lập lờ này. Chính quyền đã bày tỏ nhiều lần sự chống đối với nghị định thư, nhưng chưa bao giờ gửi một thông điệp chính thức lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về việc rút khỏi nghị định thư này bất chấp yêu cầu của nhiều nhà chỉ trích đòi Mỹ phải làm như vậy.[18] Không lâu sau khi Mỹ đưa ra thông báo liên quan đến hiệp ước Tòa án Hình sự Quốc tế, Thứ trưởng phụ trách các vấn đề toàn cầu của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, bà Paula Dobriansky, đã trả lời một bức thư của tổ chức Competitive Enterprise Institute trong đó yêu cầu nước Mỹ có những bước đi cụ thể nhằm làm rõ ý định không phê chuẩn Nghị định thư Kyoto.[19] Bà Dobriansky ghi nhận rằng “Tổng thống Bush và chính quyền Mỹ đã làm rõ nhiều lần rằng Nghị định thư Kyoto có những khiếm khuyết nghiêm trọng và rằng nước Mỹ sẽ không tham gia Nghị định thư này”, và bà cũng tuyên bố “chúng tôi đã có nhiều nỗ lực trên bình diện quốc tế suốt năm qua để làm rõ và rành mạch quan điểm của mình về Nghị định thư Kyoto”.[20] Tuy nhiên bà Dobriansky đã không “làm rõ và rành mạch” nguyên nhân chính quyền Mỹ không gửi thư về Nghị định thư lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc như họ đã từng làm với hiệp ước thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế.[21]
2. Hiệu lực pháp lý của việc ký một điều ước quốc tế
Trong luật pháp quốc tế, một quốc gia không trở thành một bên tham gia điều ước quốc tế cho đến khi quốc gia đó bày tỏ việc “đồng ý chịu sự ràng buộc” (bởi điều ước quốc tế đó).[22] Thông thường sự đồng ý này có thể được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau, bao gồm cả việc ký điều ước quốc tế liên quan.[23] Tuy nhiên, trong thực tế ngày nay, việc ký không đồng nghĩa với sự đồng ý chịu ràng buộc bởi điều ước, đặc biệt là các điều ước đa phương. Thay vào đó, sự đồng ý được thể hiện thông qua hành động phê chuẩn sau đó – tức việc nộp văn kiện phê chuẩn hay gia nhập cho cơ quan lưu chiểu điều ước đối với điều ước đa phương, và việc trao đổi các văn kiện phê chuẩn đối với các điều ước song phương.[24] Từ lâu người ta đã thừa nhận rằng hành động ký một điều ước không ràng buộc một quốc gia phải phê chuẩn nó.[25] Sự phân biệt giữa ký (signature) và phê chuẩn (ratification) trong các điều ước thời nay phản ánh luật pháp quốc nội của nhiều quốc gia, theo đó cơ quan hành pháp phải nhận được sự chấp thuận của cơ quan lập pháp trước khi ký kết (conclude) điều ước.
Trong thời kỳ khi thế giới phương Tây chủ yếu là các quốc gia theo chế độ quân chủ, việc ký thường được xem như là thể hiện sự đồng ý chịu ràng buộc bởi điều ước. Lý do cho việc này là các vị vua chúa (và các đại diện của họ) có quyền đơn phương chấp thuận để quốc gia mình bị ràng buộc bởi điều ước.[26] Vấn đề cốt lõi trong chế độ đó là tính đại diện, nghĩa là liệu đại diện cho quân vương có thật sự có thẩm quyền ký điều ước hay không.[27] “Phê chuẩn” trong chế độ quân chủ đơn giản được hiểu là sự xác nhận của quân vương rằng các đại diện có thẩm quyền ký điều ước đó.[28] Ở thời hiện đại, sự tách biệt giữa ký và phê chuẩn bắt nguồn từ thời cách mạng Mỹ và cách mạng Pháp, khi hai quốc gia thêm vào một điều khoản bảo lưu việc phê chuẩn trong Thư Ủy quyền (Full Power) mà họ giao cho các nhà đám phán.[29] Trong suốt thế kỷ 19, Hoa Kỳ nhiều lần lưu ý các quốc gia khác rằng việc ký của mình không phải là một lời hứa sẽ phê chuẩn điều ước.[30] Rốt cuộc, “các chính phủ châu Âu đã ngừng phản đối thông lệ của Mỹ, và việc không phê chuẩn các điều ước quốc tế trở thành một điều phổ biến trong quan hệ quốc tế”.[31] Dù Mỹ vẫn giữ nguyên lập trường của mình nhưng vẫn tồn tại những quan điểm cũ về việc phê chuẩn. Theo đó, một số tòa án Hoa Kỳ đã coi những điều ước mà Hoa Kỳ phê chuẩn có hiệu lực pháp lý hồi tố từ thời điểm Hoa Kỳ ký vào điều ước đó. Điều này phù hợp với các giả định quốc tế thời bấy giờ.[32] Hoa Kỳ và các nước khác cuối cùng đã từ bỏ quan điểm này, và giả định trong luật quốc tế hiện nay là các điều ước quốc tế không có hiệu lực hồi tố.[33]
Ngày nay, mặc dù việc ký không còn được xem như là biểu thị sự đồng ý chịu ràng buộc của một điều ước, nhiều nhà nghiên cứu luật quốc tế và các luật sư lập luận rằng việc ký thật sự áp đặt một số nghĩa vụ nhất định lên quốc gia ký. Luận điểm này dựa trên một điều khoản trong Công ước Viên, công ước quy định việc thành lập, giải thích và chấm dứt các điều ước quốc tế. Điều 18 trong Công ước Viên quy định rằng một quốc gia khi ký một điều ước “có nghĩa vụ không tiến hành thực hiện những hành vi làm thất bại mục tiêu và mục đích” của điều ước.[34] Mặc dù Mỹ vẫn chưa phê chuẩn Công ước Viên, các quan chức lập pháp đã tuyên bố nhiều lần rằng họ xem phần lớn công ước Viên là luật tập quán quốc tế có ràng buộc.[35] Hơn thế nữa, ban đầu khi cơ quan hành pháp cố gắng tìm kiếm sự phê chuẩn Công ước Viên từ Thượng viện, các quan chức Bộ Ngoại giao đã mô tả cụ thể nghĩa vụ bảo vệ mục tiêu và mục đích điều ước trong Điều 18 như là việc pháp điển hóa luật tập quán quốc tế, và các quan chức Bộ Ngoại giao cũng đã nhiều lần lặp lại cách giải thích này.[36]
Nếu Mỹ bị ràng buộc bởi luật quốc tế không được làm thất bại mục tiêu và mục đích của các điều ước quốc tế mà nó đã ký nhưng không phê chuẩn, thì việc Tổng thống hoặc viên chức được ủy quyền đã đơn phương ký vào điều ước vẫn có thể ràng buộc Mỹ vào một số nghĩa vụ pháp lý quốc tế nhất định. Trong những năm gần đây, các nhà bình luận đã đưa ra nhiều nhận xét liên quan đến nghĩa vụ của Mỹ theo các điều ước quốc tế đã ký nhưng chưa phê chuẩn. Ví dụ, Điều 37(a) Công ước về quyền trẻ em nghiêm cấm sử dụng hình thức tử hình đối với bất kỳ ai phạm tội dưới 18 tuổi, nhiều nhà bình luận nhận xét rằng việc thi hành án tử hình đối với vị thành niên của Mỹ – điều đã được cho phép ở một số tiểu bang ở Mỹ trước khi có phán quyết của Tòa án Liên bang trong vụ Roper v. Simmons[37] – đã vi phạm mục tiêu và mục đích của Công ước.[38] Một ví dụ khác liên quan đến Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện. Dù thượng viện đã không thông qua hiệp ước trên với tỉ lệ 51-48 vào năm 1999, có nghĩa là hiệp ước không đủ đa số phiếu ủng hộ để được thông qua, chưa tính tới tỉ lệ đa số 2/3, nhưng chính quyền Clinton và vài nhà bình luận vẫn cho rằng Mỹ vẫn có nghĩa vụ tránh thử nghiệm vũ khí hạt nhân vì đã ký vào điều ước trước đó.[39] Một ví dụ nữa là Nghị định thư bổ sung thứ nhất của Công ước Geneva. Các nhà bình luận nhận định rằng, dù vấp phải sự bác bỏ từ chính quyền Reagan, việc chính quyền Carter ký vào Nghị định thư đó tiếp tục ràng buộc nước Mỹ vào các nghĩa vụ khác nhau, như là hạn chế sử dụng vũ khí.[40]
Các nhà bình luận trên cho rằng việc ký một điều ước buộc một quốc gia phải tuân thủ toàn bộ điều ước hoặc các quy định “quan trọng” hay “cốt lõi”. Hai giáo sư Goodman và Jinks đã khẳng định quan điểm thứ hai, rằng “theo bản chất luật quốc tế, các nghĩa vụ cốt lõi có giá trị ràng buộc trong giai đoạn đầu chấp nhận điều ước – nghĩa là khi ký điều ước”.[41] Những lập luận này tương tự với lập luận đã được đưa ra liên quan đến một hạn chế khác về bảo vệ “mục tiêu và mục đích” trong Công ước Viên – đó là không được đưa ra các bảo lưu “không phù hợp với mục tiêu và mục đích của điều ước”.[42]
Ý nghĩa thực tế của các nghĩa vụ xuất phát từ việc ký điều ước này được minh họa bằng quyết định “bỏ ký” Hiệp ước thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế của Mỹ. Trong quá trình ra thông báo của mình, chính quyền Bush bày tỏ quyết tâm ngăn chặn lập luận rằng Hoa Kỳ bị ràng buộc phải hỗ trợ Tòa án do đã ký vào Hiệp ước này. Bức thư của Tổng thống Mỹ gửi đến Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc tuyên bố rằng “Hoa Kỳ không có ý định trở thành một bên tham gia hiệp ước,” và rằng “theo đó, Hoa Kỳ không có nghĩa vụ pháp lý phát sinh từ việc ký (vào hiệp ước) của mình” – một dẫn chiếu rõ ràng đến Điều 18 của Công ước Viên.[43] Cùng ngày, trong nỗ lực bảo vệ hành động của chính quyền Bush trước Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS), một quan chức chính phủ tuyên bố rằng hành động của chính quyền là “phù hợp với Công ước Viên về Luật điều ước quốc tế”.[44] Trong một dẫn chiếu trực tiếp hơn đến Điều 18 của Công ước, đại sứ Mỹ về các vấn đề tội phạm chiến tranh giải thích trong một buổi họp báo rằng tuyên bố của chính phủ có thể giúp nước Mỹ giữ được sự linh hoạt của mình bởi vì “khi ký vào một điều ước… quốc gia đó cam kết không thực hiện những hành động mà có thể làm thất bại mục tiêu và mục đích của điều ước.”[45]
Ta chỉ có thể suy đoán về những mối quan ngại cụ thể của chính quyền liên quan đến các nghĩa vụ xuất phát từ việc ký vào điều ước của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng Hiệp ước thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế đòi hỏi các bên tham gia “hợp tác đầy đủ với Tòa trong quá trình điều tra và truy tố tội phạm trong phạm vị thẩm quyền của Tòa” và “tuân theo các yêu cầu bắt giữ và giao nộp tội phạm”.[46] Ở đây có thể hiểu rằng, khi đã ký vào hiệp ước, Hoa Kỳ có thể được yêu cầu hỗ trợ Tòa, ví dụ như dẫn độ một nghi phạm đang ở khu vực thuộc thẩm quyền của Hoa Kỳ hoặc cung cấp chứng cứ nằm dưới quyền kiểm soát của Mỹ. Chính quyền Mỹ chắc hẳn đã tính tới nghĩa vụ này, vì vào cùng ngày Chính quyền tuyên bố rằng Mỹ sẽ không trở thành một bên tham gia hiệp ước, đại sứ Mỹ về các vấn đề tội phạm chiến tranh cũng chỉ rõ rằng Tòa án “không nên trông chờ bất cứ hỗ trợ hay sự hợp tác nào từ chính phủ Mỹ. Nếu các công tố viên (của tòa án) tìm cách xây dựng hồ sơ chống lại một cá nhân nào đó thì công tố viên nên tự mình thực hiện mà không phụ thuộc hay dựa dẫm vào thông tin và sự hợp tác từ Hoa Kỳ.”[47]
Chính quyền Bush có thể đã e ngại rằng kế hoạch của họ nhằm ký kết các hiệp định không giao nộp (non-surrender agreements) với các quốc gia riêng rẽ, theo đó những nước này cam kết không giao nộp các nhân viên mang quốc tịch Hoa Kỳ cho Tòa án Hình sự Quốc tế, có thể sẽ được xem là một nỗ lực nhằm làm thất bại mục tiêu và mục đích của hiệp ước. Mỹ bây giờ đã ký kết các hiệp định không giao nộp với khoảng 100 quốc gia.[48] Bằng cách đó, Hoa Kỳ đã tìm cách đạt được lợi ích từ Điều 98(2) của hiệp ước thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế. Điều này quy định rằng Tòa án:
có thể không thực hiện yêu cầu giao nộp (nghi phạm) mà yêu cầu đó sẽ đòi hỏi quốc gia được yêu cầu (requested state) thực hiện các hành động không phù hợp với những nghĩa vụ của nó theo các hiệp định quốc tế mà theo đó cần có sự chấp thuận của nước giao nộp gốc (sending state) trong việc giao nộp công dân của nước đó cho Tòa, trừ trường hợp Tòa án trước đó có được sự hợp tác của nước giao nộp gốc chấp thuận sự giao nộp này.[49]Tuy vậy, một vài nhà bình luận đã đưa ra ý kiến rằng các hiệp định không giao nộp này vi phạm mục tiêu và mục đích của hiệp ước.[50]
L. REV. 263, 268 n.12 (1980).
Trong một tuyên bố khác,Bộ trưởng bộ Quốc phòng Donald Rumsfeld đã giải thích nhiều quan ngại của Chính quyền về điều ước, gồm “thiếu sự kiểm soát và đối trọng đầy đủ quyền hạn của các công tố viên và các thẩm phán của Tòa; sự mờ nhạt trong thẩm quyền của Hội đồng Bảo an LHQ đối với các vụ truy tố hình sự quốc tế, và việc thiếu một cơ chế hiệu quả để ngăn chặn việc truy tố bị chính trị hóa các thành viên quân đội và các quan chức Hoa Kỳ.” Press Release, U.S. Dep’t of Def., Secretary Rumsfeld Statement on the ICC Treaty 6 tháng 5, 2002), có tại http://www.defenselink.mil/Releases/Release.aspx?ReleaseID=3337.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét