Đọc Nhận diện quyền lực,
tôi có cảm giác như được gặp ở Chomsky hai con người trong một vậy: một
người quen và một người khai sáng, đặc biệt là khi ông thảo luận về
những vấn đề giáo dục và trí thức trong xã hội hiện đại.
Noam Chomsky, cái tên này tôi nghe thấy lần đầu tiên cách đây chín
năm, khi thực hiện bộ phim chân dung về nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo
tại thành phố Hồ Chí Minh, qua lời phát biểu của tiến sỹ Hoàng Dũng. Khi
đó, để nhấn mạnh về những đóng góp to lớn của Cao Xuân Hạo trong lĩnh
vực ngôn ngữ học cấu trúc, ông Hoàng Dũng có nói về một phản biện khoa
học đầy ý nghĩa nào đấy mà Cao Xuân Hạo nhắm vào Chomsky. Tôi nghe thế
và cũng chỉ biết đến thế (vì thật ra tôi là kẻ ngoại đạo với ngôn ngữ
học). Thế nhưng gần đây, sau khi đọc xong cuốn Nhận diện quyền lực
của Noam Chomsky (Hoàng Văn Vân dịch, Đinh Hoàng Thắng hiệu đính, NXB
Tri Thức, 2012), tôi mới được biết ông là một nhà ngôn ngữ học hàng đầu
thế giới ở thế kỷ XX, đồng thời là một trí thức cánh tả Mỹ đầy tinh thần
dấn thân và đã thực sự dấn thân bằng các hoạt động xã hội.
Giáo dục, theo một cách hiểu phổ biến (và theo nghĩa tích cực) là tất cả những hoạt động mà xã hội có thể làm để biến một con người tự nhiên thành một con người văn hóa,
và đến một ngưỡng văn hóa nào đấy, anh ta được coi là một trí thức.
Trong xã hội hiện đại, giáo dục phát huy công năng của nó một cách hiệu
quả nhất là ở môi trường nhà trường, từ cấp tiểu học đến cấp đại học và
sau đại học. Quốc gia nào có một triết lý giáo dục đúng, một chiến lược giáo dục đúng và một hệ thống các hoạt động giáo dục đúng,
quốc gia ấy sẽ sản sinh những thế hệ trí thức ưu tú, và đó sẽ là nguồn
nhân lực quý giá cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của cả một dân
tộc. Về đại thể là như vậy. Thế nhưng, qua sự quan sát, trải nghiệm và
đánh giá của Chomsky về giáo dục và trí thức, điều gì đã và đang diễn ra
ở nước Mỹ, một siêu cường kinh tế, mà một trong những lý do khiến nó
trở thành siêu cường kinh tế là vì đó là quốc gia có những trường đại
học danh tiếng hàng đầu thế giới như Harvard, Yale, Princeton, Columbia
v.v…? Phải nói rằng đó là cái nhìn khá bi quan: “Các trường đại học
không tạo ra đủ kinh phí để tự nuôi mình từ tiền học phí: chúng là những
thể chế ký sinh cần phải được hỗ trợ từ bên ngoài, và điều đó khiến
chúng phụ thuộc vào các cựu sinh viên giàu có, vào sự hợp tác, và vào
chính phủ, các nhóm người có những lợi ích cơ bản giống nhau. Đấy, chừng
nào các trường đại học còn phục vụ cho những lợi ích đó, thì chúng còn
được tài trợ. Nếu chúng không phục vụ cho những lợi ích đó, chúng bắt
đầu gặp vấn đề” (Sđd, tr. 337, 338). Với một môi trường đại học bị
điều kiện hóa như vậy, người theo học sẽ được dạy những gì? Một sự mô tả
đầy tính giễu cợt của Chomsky: “Dạy những cái hào nhoáng của xã
hội: các bạn nên mặc kiểu quần áo nào, uống rượu porto như thế nào cho
đúng kiểu, có một cuộc nói chuyện lịch sự như thế nào mà không cần phải
nói về những chủ đề nghiêm chỉnh, nhưng tất nhiên lại phải thể hiện rằng
các bạn có thể nói về những chủ đề nghiêm chỉnh nếu các bạn thiếu tế
nhị khi thực sự nói chuyện, tất cả những thứ mà một người trí thức được
cho là phải biết cư xử” (Sđd, tr. 345). Dĩ nhiên, tỉnh táo và khách
quan, chúng ta biết rằng sự đào tạo tại các trường đại học tinh tuyển ở
Mỹ không hoàn toàn là khôi hài như thế, nhưng Chomsky cũng không phải
không có lý khi thể hiện sự giễu cợt của mình. Ông từng xác tín: “Trách nhiệm của trí thức là phải nói lên sự thật, vạch trần sự dối trá” (tôi
chắc rằng đây cũng là xác tín của tất cả những trí thức tử tế trên toàn
thế giới). Thế nhưng, người trí thức Mỹ, sản phẩm đào tạo của các
trường đại học danh tiếng tại Mỹ (một cách mặc định) liệu có thể làm, có
muốn làm và có được làm như vậy hay không? Đó là một câu hỏi thực sự
quan trọng. Câu trả lời là “Không”. Nếu là “Có”, thì anh ta buộc phải
trả giá: hoặc bị vô hiệu hóa (bị phải “ngồi chơi xơi nước” theo cách nói
của dân gian Việt Nam), bị từ chối được truyền bá tìm hiểu và nhận thức
của mình về những sự thật đang diễn ra trong đời sống chính trị – xã
hội trên các phương tiện thông tin đại chúng và các phương tiện xuất bản
“chính luồng”, thậm chí còn nhiều điều tồi tệ hơn nữa đã và đang xảy
ra. Vì sao như vậy? Vì, với một nhãn quan minh triết, một sự thâm nhập
các kho dữ liệu (chính thống và không chính thống) không thể kỹ càng
hơn, và một tinh thần phê phán triệt để của người trí thức dấn thân chân
chính, Chomsky đã nhận ra bản chất và động cơ trong chính sách nội trị
và đối ngoại của giới chóp bu Mỹ (ít nhất kể từ sau thời kỳ Đại thế
chiến thứ II đến nay): chủ nghĩa nước lớn, sự bị điều khiển gần như
tuyệt đối bởi các tập đoàn kinh tế và các công ty xuyên quốc gia, mục
tiêu lợi nhuận tối đa của những người giàu trên cơ sở sự bần cùng hóa
những người nghèo, những người da đen, những người nhập cư gốc châu Á và
Latinh. Chính bởi thế, trong Nhận diện quyền lực, Chomsky đã
vạch trần sự cắt xén, sự bưng bít, thậm chí cả sự xuyên tạc sự thật trên
các tờ báo (được coi là có uy tín) của báo chí Mỹ, như Washington Post, New York Times hoặc Wall Street Journal… và các công trình nghiên cứu chính trị – xã hội của nhiều học giả Mỹ, “những người bán mình ngay cả khi họ nghĩ họ đang làm một việc rất đúng”. Ông lý giải: “Các
thể chế quyền lực rõ ràng không muốn bị điều tra. Tại sao họ lại như
vậy nhỉ? Họ không muốn công chúng biết họ hoạt động như thế nào, có thể
những người ở bên trong những thể chế đó hiểu được chúng hoạt động như
thế nào, nhưng họ không muốn bất kỳ người nào khác biết, bởi vì điều đó
sẽ đe dọa và ngầm phá hoại quyền lực của họ” (Sđd, tr. 350). Từ tất
cả những điều này, Chomsky đã đặt lại vấn đề quan niệm về người trí
thức trong đời sống xã hội, một quan niệm rất đáng để tham khảo khi mà
đất nước chúng ta đang nỗ lực xây dựng một nền kinh tế tri thức, trong
đó người trí thức đóng vai trò đầu tàu. Trí thức là gì? Là những người
hoạt động trong các lĩnh vực tinh thần, là giới “cổ cồn trắng”, làm
những công việc không dính đến lao động chân tay? Không hề! Đôi khi,
thực tế là thường khi, đó chỉ là những công chức văn hóa, những nhân
viên văn phòng, những cá nhân người ăn lương để thao tác với đủ loại
giấy tờ công văn sổ sách thừa thãi và vô bổ. Họ bị thao túng bởi những
quyền lực hữu hình và vô hình. Họ không sản sinh các ý tưởng, hoặc nếu
có, thì cũng chỉ là những ý tưởng lặt vặt, chẳng hề giúp cho người ta có
một cái nhìn đúng hơn, hoặc một cái nhìn khác đi nào
đấy, dù nhỏ thôi, về thế giới và về cách mà thế giới đang vận hành. Tôi
nói đã gặp Chomsky như “một người quen” chính là ở điểm này: từ trải
nghiệm của cá nhân mình, tôi đã gặp không ít nhà báo (được mặc định là
trí thức) mà chẳng hề làm báo một cách đúng nghĩa, không ít nhà nghiên
cứu (được mặc định là trí thức) mà cả đời chỉ nói đi nói lại những điều
“biết rồi, khổ lắm, nói mãi” trong các đề tài nghiên cứu được nhận kinh
phí từ ngân sách công. Trong khi đó, như Chomsky đã nhiều lần nêu ví dụ,
không ít người hoạt động trong các lĩnh vực lao động chân tay (những
người không được xã hội mặc định là trí thức, đương nhiên), để làm tốt
công việc của mình, họ đã phải học và phải bỏ ra một lượng chất xám thậm
chí còn nhiều hơn loại người kể trên, và nó có ích đối với xã hội. Tỷ
như những người thợ sửa chữa xe hơi: họ biết chiếc xe bị hỏng ở đâu và
biết cách làm thế nào để nó vận hành trơn tru trở lại; họ phải học, thậm
chí phải đọc sách để làm điều đó, đọc những cuốn sách mà có khi một nhà
ngôn ngữ học khét tiếng thế giới đến như Chomsky cũng chẳng hiểu gì.
Vậy ai mới thực sự là trí thức ở đây?
Câu chuyện giáo dục cũng vậy. Hình như cả thế giới này, Việt Nam cũng
không hề là ngoại lệ, đều đang lớn tiếng than phiền về tình trạng đạo
đức suy thoái, tỷ lệ tội phạm gia tăng, ma túy được sử dụng phổ biến
trong giới trẻ, hiện tượng bạo lực và giết người lan rộng v.v và v.v…
Tất cả những điều nhức nhối ấy đều được/bị đổ lỗi cho giáo dục không đầy
đủ. Không sai. Nhưng xin hãy đặt câu hỏi: tại sao những điều nhức nhối
ấy phần nhiều xảy ra ở những nơi mà ta quen gọi là vùng sâu vùng xa,
những vùng trũng về văn hóa và ít sinh lợi về kinh tế? Chomsky cũng liên
tục đặt những câu hỏi tương tự như vậy: ở Mỹ, tại sao điều đó lại chỉ
xảy ra ở những khu vực của người nghèo, những khu nhà ổ chuột, những khu
của người da đen và người nhập cư gốc châu Á, Latinh hoặc Đông Âu? Phải
chăng đó là những loại công dân “ngu lâu, đần dai, khó đào tạo”, những
“ngoan dân cố hữu từ trong trứng”, học mãi mà không thèm thuộc bài? Hay
phải chăng đang tồn tại một thứ chính sách giáo dục chỉ chú ý đến chuyện
giáo dục cho con em của những người có tài khoản lớn trong ngân hàng và
bỏ qua đám dân đang phải vật lộn từng ngày để kiếm cái cho dạ dày được
co bóp? Trong chuyện này, báo chí truyền thông có “cái tội” của nó.
Chomsky cho chúng ta một ví dụ tuyệt hay: tờ New York Times
đăng một bài viết nói về vấn đề “các gen tồi” đang lên ngôi ở nước Mỹ,
và một phần của chứng cứ là điểm số các bài kiểm tra trí thông minh (IQ)
đang giảm dần đều trong những năm gần đây, trẻ em học hành không tốt
bằng ngày trước. Họ giải thích rằng: “Lý do là những người da đen,
những người tiến hóa từ châu Phi, tiến hóa trong một môi trường khắc
nghiệt, vì vậy mà họ tiến hóa theo cách mà những người mẹ da đen không
nuôi dưỡng con cái họ – và đồng thời họ sinh sản nhiều, tất cả họ đều đẻ
như gà. Hậu quả là nguồn gen ở Mỹ bị ô nhiễm, và hiện nay nó bắt đầu
thể hiện trong điểm số của những bài kiểm tra được chuẩn hóa” (Sđd, tr. 518, 519). Chẳng tin vào một thứ lý thuyết tiên nghiệm (và có vẻ hơi… bất lương) như thế, Chomsky nhận định: “Một
người bình thường cũng có thể nghĩ rằng vấn đề đó có thể liên quan đến
các chính sách xã hội đã đẩy 40% trẻ em ở thành phố New York xuống dưới
chuẩn nghèo đói, nhưng vấn đề đó không bao giờ xuất hiện trên tờ New
York Times” (tr. 518). Vì sao vậy? Vì những nhà báo ở đó (lại một
lần nữa được mặc định là những người trí thức) không muốn, hoặc không
được phép, cho nó xuất hiện. Người trả tiền là người có quyền chọn nhạc,
vậy thôi!
Trong Nhận diện quyền lực, ngoài những vấn đề giáo dục và
trí thức, Chomsky còn đề cập nhiều vấn đề khác, của toàn thế giới và của
chính nước Mỹ, trên tinh thần phê phán quyết liệt của một trí thức cánh
tả sâu sắc. (Trí thức cánh tả, theo ông quan niệm: là những người đang
đấu tranh cho hòa bình, công lý, tự do, quyền con người, thay đổi xã hội
và loại bỏ các cơ cấu quyền lực, trong đời sống cá nhân hoặc trong các
thể chế nô dịch con người). Tôi nhận diện con người khai minh của ông
chính là ở điểm này. Và còn thêm một vài “thu hoạch” khác nữa mà người
viết bài xin được chia sẻ. Thứ nhất, đó là sự ủng hộ cho niềm xác tín
của một người bạn vong niên của tôi: thế giới này ngày càng trở nên xa
lạ với con người, càng cố hiểu, ta càng không hiểu nổi nó. (Lấy ngay
Chomsky làm ví dụ: phê phán tất cả các thể chế quyền lực hiện hành, song
dường như ông cũng không trả lời được câu hỏi liệu có thể có cái gì đó
tốt đẹp hơn sẽ thay thế chúng? Điểm dừng của ông chăng?) Thứ hai, Alexis
de Tocqueville (trong cuốn Nền dân trị Mỹ) đã sai khi cho rằng
từ giữa thế kỷ XIX thế giới đã không còn khả năng sản sinh những nhân
cách vĩ đại được nữa: vì sự xuất hiện của một nhà khoa học, một trí thức
“quái kiệt” như Noam Chomsky ở thế kỷ XX đã quá đủ cho một lời phản
biện. Thứ ba, thế giới này, nói như R. Tagore, mãi mãi sẽ chỉ là một
“thiên đường xộc xệch”, nhưng hãy cố gắng làm cho nó bớt xộc xệch đi, và
đó chính là thiên chức của những thế hệ người trí thức chân chính.
Hoài Nam
Posted in: Chính Trị
Gửi email bài đăng này
BlogThis!
Chia sẻ lên Facebook
0 nhận xét:
Đăng nhận xét