Trong trận chiến ở Đà Nẵng từ
năm 1858 - 1860, liên quân Pháp – Tây Ban Nha đã bị cầm chân, thiệt hại
lớn và phải rút lui, cho nên đây chính là một khởi đầu thắng lợi lớn,
nhưng duy nhất trong hơn một phần tư thế kỷ (1858 - 1884) chống ngoại
xâm của quân và dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của nhà Nguyễn.
Cuộc tấn công của liên quân Pháp-Tây
Ban Nha tại Đà Nẵng từ 1858 đến 1860 bao gồm bốn giai đoạn. Mỗi giai
đoạn đánh dấu một biến chuyển quân sự khác nhau.
1) GIAI ĐOẠN TẤN CÔNG MỞ MÀN (1-9-1858 - 2-2-1859)
Trận đánh mở đầu (1-9-1858)
Khởi hành từ cảng Yulikan ở cực nam đảo
Hải Nam – cách Đà Nẵng chừng 180 dặm theo đường chim bay – vào lúc tinh
mơ ngày 30-8-1858, đoàn tàu trận của liên quân Pháp-Tây Ban Nha dưới
quyền chỉ huy của Rigault de Genouilly, bấy giờ là Phó Đô đốc
(Vice-Admiral), đã đến vịnh Đà Nẵng vào chiều hôm đó.
Lực lượng viễn chinh gồm 14 tàu chiến, trong đó có chiếc El Cano của Tây Ban Nha chạy bằng hơi nước. Về phía Pháp có những tàu buồm lớn, như Némésis, Fusée. Dordogne, Plégeton, Mitraille, Alarme, Dragonne, Avalanche, Prigent, ...
Quân số tổng cộng 2.000 người, trong đó phần Tây Ban Nha, gồm cả lính
và sĩ quan có 450 người, đến từ Philippines. Trên soái thuyền Némésis,
bên cạnh Genouilly có giám mục Pellerin đóng vai trò cố vấn chính trị
và quân sự. Ông đã từ Pháp đến Hongkong vào tháng 8-1858 để nhập vào
đoàn quân viễn chinh.
Sáng ngày 1-9-1858, Genouilly gởi một
tối hậu thư cho viên Tấn thủ Đà Nẵng, bảo phải nộp tất cả thành trì và
pháo đài phòng vệ cho Pháp, hạn trong hai giờ phải trả lời. Dĩ nhiên,
không thể nào có phúc đáp từ phía Việt Nam, vì viên chức địa phương
không đủ thẩm quyền để trả lời, còn Huế thì hai giờ ngắn ngủi, không thể
nào liên lạc được. Kỳ hạn hết, Genouilly ra lệnh khai hỏa. Lập tức súng
đại bác trên các tàu Pháp-Tây khạc đạn xối xả vào các vị trí quân sự
của Việt Nam quanh vịnh Đà Nẵng, đặc biệt là hai thành An Hải và Điện
Hải .[1]
Sau nửa giờ pháo cường tập, vô hiệu hóa
phần lớn sức kháng cự của các cơ sở phòng ngự, Genouilly ra lệnh đổ bộ.
Đại tá Reynaud, tham mưu trưởng trong bộ chỉ huy viễn chinh, được lệnh
dẫn các đại đội đổ bộ thuộc các tàu Némésis, Phlégeton, Primauguet,
cùng một phân đội công binh chiến đấu lên bờ. Genouilly đi theo cánh
quân này. Rời xuồng, quân Pháp kéo lên bờ phía hữu ngạn, chỉnh bị hàng
ngũ theo đội hình tác chiến, và tiến đến các mục tiêu, vừa đi vừa hô
vang khẩu hiệu “Hoàng đế vạn tuế ” (Vive l'Empereur!). Nhờ sự yểm trợ
hữu hiệu bằng đại bác của các tàu Mitraille, Alarme và El Cano,
các mục tiêu đã bị thanh toán nhanh chóng, mặc dầu sức kháng cự của
quân Việt không phải là quá tệ. Thành An Hải cùng các pháo đài Phòng
Hải, Trấn Dương, các Đồn Nhất, Nhì, Ba, Tư đều lần lượt lọt vào tay quân
Pháp. Nói một cách khác, nội trong chiều ngày 1-9 quân Pháp đã làm chủ
toàn vùng Tiên Sa. Khi ánh nắng chiều bớt thiêu đốt gay gắt, Genouilly
cho quân trên các tàu tiếp tục đổ bộ, chiếm đóng các điểm then chốt.
Thành An Hải do hai đại đội bộ binh Pháp và một nửa đại đội Tây Ban Nha
trú đóng. Cạnh thành này, tại một nơi bằng phẳng dưới chân núi Sơn Trà,
công binh được lệnh thiết lập cơ sở cho bộ chỉ huy và đây cũng là nơi
đồn trú chính của đoàn quân viễn chinh.
Trận đánh ngày 2-9-1858 hay trận đánh thành Điện Hải
Đêm mồng 1 rạng ngày 2-9, đại tá Reynaud
mở cuộc thăm dò vùng đất phía tây nam -- tức là vùng tả ngạn, từ thành
Điện Hải ngược lên phía thượng lưu sông Hàn – để chuẩn bị cho cuộc tấn
công ngày hôm sau.
Sáng ngày 2-9, tàu hơi nước El Cano
và 5 tàu khác được lệnh tập trung hỏa lực vào thành Điện Hải, căn cứ
chủ yếu của Đà Nẵng. Sau nửa giờ chịu đựng và gắng gượng bắn trả, thành
bắt đầu nao núng. Thiếu tá Jauréguiberry được lệnh dẫn quân đổ bộ hãm
thành và các đồn phụ thuộc. Chẳng mấy chốc toàn bộ hệ thống phòng thủ tả
ngạn cũng chịu chung số phận của hữu ngạn ngày hôm trước. Sau khi cho
quân phá hủy kho tàng, vũ khí, Jauréguiberry cùng đoàn quân đổ bộ xuống
tàu rút về căn cứ Tiên Sa. Họ không dám chiếm đóng vì e dè một cuộc phản
công mà họ chưa ước lượng được sức mạnh phải đương đầu. Sau trận Điện
Hải, viên Tư lệnh Pháp điều tàu El Cano và Dragone rời
vịnh Đà Nẵng ra phòng thủ vùng biển Mỹ Khê, đề phòng một cuộc đánh thốc
vào mạn sườn phía đông của căn cứ Pháp. Như vậy, mới chỉ trong hai ngày
đầu của tháng 9-1858, liên quân Pháp-Tây Ban Nha coi như đã làm chủ
vùng Đà Nẵng.
Họ đã tịch thu 450 đại bác bằng đồng và
gang, được xem là đẹp và tốt hơn loại đại bác của Trung Quốc mà họ đã
tịch thu và phá hủy ở Quảng Đông. Ngoài ra, họ còn cầm tù hơn 100 binh
sĩ và 3 viên quan võ Việt Nam.
Phản ứng của Triều đình Huế
Biến cố ở Đà Nẵng xảy ra chớp nhoáng,
Triều đình Huế thảng thốt, gần như trở tay không kịp. Được tin quân Pháp
gây hấn, vua Tự Đức lập tức sai Đào Trí cấp tốc vào Đà Nẵng hợp cùng
Tổng đốc Nam-Ngãi là Trần Hoằng gọi ngay 200 lính đang nghỉ phép (lính
hạ ban) về Đà Nẵng cứu ứng. Viện quân đến nơi thì Đà Nẵng coi như đã bị
khống chế. Vua cách chức Tổng đốc Trần Hoằng, cho Đào Trí tạm thay
(quyền nhiếp), rồi lại sai Hữu quân Đô thống Lê Đình Lý làm Thống chế,
sai Tham tri Bộ Binh Phan Khắc Thận làm Tham tán Quân vụ (Tham mưu
trưởng) đem 2.000 quân tinh nhuệ thuộc Vệ Cấm binh vào Đà Nẵng tiếp ứng.
Thống chế Lý vượt Hải Vân, vào đặt bản doanh ở làng Nghi An thuộc huyện
Hòa Vang. Bấy giờ, Đà Nẵng chia làm hai phòng tuyến rõ rệt (xem Phụ bản
15):
- Bên
hữu ngạn, liên quân Pháp-Tây làm chủ bán đảo Tiên Sa và đặt căn cứ tại
đấy. Ngược hữu ngạn, cách Tiên Sa khá xa, quân Việt còn làm chủ hai đồn
Hóa Khuê và Mỹ Thị .
- Bên
tả ngạn, thành Điện Hải không bị chiếm đóng nhưng thiệt hại lớn về quân
lương và vũ khí. Ngoài ra, các đồn Hải Châu, Phước Ninh, Thạc Gián, Nại
Hiên cũng bị ảnh hưởng. Sau khi quân Pháp rút lui, quân Việt tái chiếm
các cơ sở đó và củng cố trở lại.
Sau khi tạm thời làm chủ tình hình ở Đà Nẵng, Genouilly ra tuyên bố Pháp đã chiếm hữu hải cảng này, đặt vịnh Đà Nẵng và sông Hàn trong tình trạng phong tỏa.
Sự chiếm hữu không có gì chắc chắn, vì quân Việt sẽ phản công, nhưng
mục đích của Genouilly là nói lên và nói trước để tránh tình trạng tranh
chấp có thể xảy ra với một đệ tam quốc gia nào đó sau này.
Sau khi lập được đầu cầu ở Tiên Sa, công
binh được lệnh xây dựng các cơ sở cần thiết, như sở chỉ huy, bệnh viện,
nhà kho, doanh trại, xây pháo đài, làm bến tàu, mở đường sá trong căn
cứ v.v. dần dần biến mảnh đất hoang dã dưới chân núi Sơn Trà thành một
thành phố nhỏ dã chiến của Pháp. Để có thể đổ quân dễ dàng tại những nơi
địa thế không cho phép tiến quân bằng đường bộ, mà đường thủy thì tàu
lớn không vào được, Jauréguiberry cho thực hiện gấp bốn xà lan bằng gỗ
mang theo từ Singapore. Ngày 13-9-1858, Genouilly lại nhận thêm viện
binh từ Manila do tàu Durance chở đến, gồm 550 người, cả lính và sĩ quan, do đại tá Lanzarote chỉ huy.
Ngày 6-10-1858, Jauréguiberry dẫn một
đoàn tàu ngược sông Hàn, tấn công các cứ điểm phòng thủ của Việt Nam.
Quân Pháp đổ bộ, phá lũy đất, nhổ rào đồn Mỹ Thị và công hãm đồn này.
Thống chế Lê Đình Lý được tin, liền đem quân tiếp cứu, đánh nhau với
quân Pháp ở làng Cẩm Lệ. Có thể nói đây là lần đầu tiên một lực lượng
chính qui đông đảo của Việt Nam đối đầu trực diện với súng đạn tối tân
và chiến thuật bộ binh của phương Tây. Họ gặp một hỏa lực mạnh mẽ của
loại súng trường nạp hậu với nhịp bắn nhanh (so với thời đó) và chính
xác, bỏ xa kiểu súng điểu thương cò máy đá, bắn đã chậm, lại trang bị
thiếu thốn. Vì vậy, mặc dầu quân và tướng Việt Nam dũng cảm có thừa
nhưng vẫn không đương đầu được. Thống chế Lê Đình Lý bị trúng đạn,
thương thế rất trầm trọng. Cận vệ vội vã võng chủ tướng chạy về tỉnh
Quảng Nam, quân sĩ thấy thế mất tinh thần, đoàn quân tan rã nhanh chóng.
Trong khi Thống chế Lý lâm nguy ở Cẩm Lệ
thì viên chỉ huy (chức gọi là Phòng triệt) đồn Hóa Khuê ở gần đó là Hồ
Đắc Tú, vì quá khiếp nhược, đã đóng chặt cửa đồn, không đem quân cứu
ứng. Vị Thống chế anh dũng về dưỡng thương được vài hôm thì mất. Dầu
sao, sự hy sinh của ông và một số binh sĩ dưới quyền cũng không đến nổi
vô ích, vì đồn Mỹ Thị đã đứng vững. Quân Pháp không làm gì được, phải
rút lui.
Tin dữ đưa về Kinh, vua Tự Đức vừa lo vừa giận. Lập tức Tham tri Lưu Lãng được lệnh đem cờ biển [2]
vào Đà Nẵng cách chức Phòng triệt đồn Hóa Khuê là Hồ Đắc Tú, xiềng tay
chân, tống giam để điều tra. Mặt khác, Thống chế Tống Phước Minh được
lệnh vào thay Thống chế Lý, làm tư lệnh mặt trận.
Nhưng rồi tình hình ngày một găng, vua
Tự Đức không tin rằng Thống chế Minh có đủ mưu lược để đương đầu với
quân Pháp, bèn cho ông ta xuống làm Đề đốc, cử Nguyễn Tri Phương làm
Tổng thống Quân vụ Quảng Nam. Tổng đốc Định Tường và Biên Hòa là Phạm
Thế Hiển được gọi gấp về Kinh để vào Đà Nẵng nhận chức Tham tán Quân vụ,
phụ tá cho Nguyễn Tri Phương. Biến cố tại Đà Nẵng với những tin xấu
liên tiếp đưa về Kinh khiến vua Tự Đức rất đổi lo âu. Vua thường đích
thân hiểu dụ các tướng hữu trách về cách đóng đồn, cách điều quân, cách
tấn công sao cho có hiệu quả, đồng thời cũng đưa ra những quyết định
thưởng phạt nhanh chóng để khích lệ các tướng sĩ hăng say chiến đấu.
Tháng 11 năm 1858, quân Pháp lại cho tàu ngược sông Hàn, vào sông Nại Hiên [3]
mở cuộc tấn công lớn. Đào Trí và Nguyễn Duy cho quân sĩ mai phục ở bờ
sông rồi bất thần đổ ra đánh. Nhờ vậy, đã gây được thiệt hại cho quân
Pháp khiến chúng phải rút lui.
Ngày 21 và 22 tháng 12 năm đó, quân Pháp
lại ngược sông Hàn theo chiến thuật cũ để đánh các đồn Nại Hiên và Hóa
Khuê. Dưới sự chỉ huy của hai Hiệp quản can trường là Nguyễn Triều và
Nguyễn An, quân Việt đã chống cự hết sức anh dũng. Chẳng may cả hai
tướng đều bị trúng đạn, chết ngay tại trận, trước khi Đề đốc Minh kịp
đem quân tới cứu ứng. Tuy nhiên, Đề đốc Minh đã ráng sức đẩy lui được
quân Pháp khiến bọn này phải rút lui, bảo toàn được cả hai đồn. Sự hy
sinh anh dũng của Nguyễn Triều và Nguyễn An đã gây xúc động lớn cho vua
Tự Đức. Vua than: “ Quân đã cô, cứu viện lại không có; một quan
tướng đã khó tìm, huống chi chết đến hai; bọn tổng thống (Nguyễn Tri
Phương) không đau lòng sao ?”
Thế là từ quan tư lệnh họ Nguyễn cho đến
các tướng dưới quyền đều bị giáng cấp. Riêng hai Hiệp quản được truy
tặng phẩm hàm trọng thể. Rút kinh nghiệm từ trận Hóa Khuê và Nại Hiên
(vấn đề thông tin liên lạc và cứu ứng chậm) Nguyễn Tri Phương cho đặt
thêm các vọng lâu để quan sát động tĩnh của quân Pháp cũng như đặt thêm
các toán tiền thám để báo động kịp thời hầu các đồn có thể tương trợ
được nhau.
Bấy giờ, phòng tuyến hai bên tại Đà Nẵng có thể chia ra như sau:
- Phía quân Việt, tại tả ngạn có một
loạt các đồn Hải Châu, Phước Ninh, Thạc Gián, Nại Hiên, Nghi Xuân (mới
đắp) và thành Điện Hải. Bên hữu ngạn, gần Ngũ Hành Sơn (Núi Non Nước) có
hai đồn Hóa Khuê và Mỹ Thị. Tất cả hệ thống này nhằm mục đích ngăn chận
quân Pháp tiến sâu vào nội địa chứ chưa có tác dụng phản công.
- Phía quân Pháp, họ làm chủ bán đảo Tiên Sa, vịnh Đà Nẵng và sông Hàn.
Sau các trận đánh nói trên, quân Pháp
còn tiến đánh các đồn Hóa Khuê, Nại Hiên, Thạc Gián mấy lần nữa nhưng
các tướng Tống Phước Minh, Nguyễn Duy, Phan Khắc Thận đã chỉ huy quân sĩ
đẩy lui được. Cầm cự được như vậy là một khích lệ lớn lao đối với toàn
thể tướng sĩ. Vua Tự Đức được tin cũng cảm thấy có phần lạc quan về tình
hình hơn một đôi chút. Tuy thế, những người có trách nhiệm tại mặt trận
vẫn cứ không được yên tâm.
Khoảng tháng 1 năm 1859, sau khi điều
nghiên mặt trận, Nguyễn Tri Phương và Phạm Thế Hiển đã cho lập thêm một
đồn mới ở Liên Trì. Quân Pháp lại tấn công Thạc Gián và Nại Hiên nhưng
bị phục binh Việt Nam đẩy lui. Đây không phải chiến thắng lớn nhưng ít
ra cũng là dấu hiệu chứng tỏ khí thế và đởm lược của Nam quân không phải
là quá yếu kém. Vua Tự Đức được tin vui, đã ban cho Tổng thống Phương
một thanh ngự kiếm và sâm quế để ủy lạo và khích lệ. Sau vụ đắp đồn Liên
Trì, Nguyễn Tri Phương lại cho đắp một lũy đất chạy từ thành Điện Hải
bao quanh Hải Châu, Phước Ninh, Thạc Gián. Bên ngoài lũy là hào sâu đào
theo kiểu chữ “Phẩm” (品), dưới đáy cắm đầy chông tre, trên đậy bằng vĩ
tre phủ đất và trồng cỏ ngụy trang. Sau lũy luôn luôn có quân mai phục,
sẵn sàng nổ súng chống trả.
Hệ thống phòng thủ có vẻ thủ công này
thực ra đã góp phần hữu hiệu trong việc ngăn chận bước tiến của liên
quân Pháp-Tây và gây cho họ những tổn thất bất ngờ. Sau khi chiến lũy
hoàn thành, quân Pháp lại ba mặt kéo đến tấn công. Họ không biết gì về
hệ thống phòng thủ mới. Thế nên khi xung phong hãm đồn, lớp sa xuống
hào, bị chông tre gây thương tích, lớp bị quân phục kích trong lũy bắn
ra gây tổn thương, đành hậm hực kéo nhau xuống thuyền, rút về căn cứ. Để
khích lệ tướng sĩ, vua Tự Đức ra lệnh xuất 100 quan tiền tưởng thưởng
quan quân và ra lệnh cho tỉnh Quảng Nam đem trâu rượu ra chiến tuyến
khao quân.
Những khó khăn của liên quân Pháp-Tây Ban Nha
Nếu Đà Nẵng là mối bận tâm của Triều
đình Huế thì cuộc tiến chiếm vùng đất này cũng là khó khăn không nhỏ đối
với đoàn quân viễn chinh, vượt ra ngoài tất cả mọi dự liệu lạc quan ban
đầu của Paris cũng như của các thừa sai chủ chiến như Huc, Pellerin.
Thật vậy, ngay từ cuộc hành quân đầu
tiên vào ngày 1-9-1858, Genouilly đã ghi nhận một tình trạng thời tiết
tồi tệ với cái nóng thiêu đốt của miền nhiệt đới, làm cho quân sĩ dễ
khát nước và chóng mệt mõi. Trong trận đánh mở màn tại bán đảo Tiên Sa,
quân Việt đã không làm thiệt hại quân viễn chinh cho bằng thiên nhiên.
Sau một ngày chiến đấu dưới ánh nắng gay gắt, một số quân đã bị say
nắng, trở thành bất khiển dụng vào ngày hôm sau. Thật ra, năm 1858, tức
năm Mậu Ngọ, là một năm thời tiết bất thường của Quảng Nam. Mùa hè đã
kéo dài hơn thường lệ đến biến thành đại hạn; tiếp đến là một mùa mưa
triền miên với những ngày tầm tã như “thác đổ lưng trời”. Nóng và ẩm đã
làm cho các mầm bệnh truyền nhiễm như thổ tả, kiết lỵ, thương hàn dễ
dàng phát triển trong hàng ngũ viễn chinh không quen khí hậu nhiệt đới.
Các bệnh này đã gây thiệt hại cho Pháp-Tây gấp mấy lần gươm súng của
quân Việt.
Mặt khác, những điều hứa hẹn do cố vấn
chính trị và quân sự Pellerin đưa ra đã được thực tế chứng minh ngược
lại: dân chúng, nhất là giáo dân, đã không hưởng ứng cuộc xâm lăng của
Pháp như ông ta đã ước tính; không có đám dân chúng nào nhân cơ hội
ngoại xâm để nổi loạn chống triều đình; không có dân bất mãn cung cấp
tin tức cho quân viễn chinh.
Pellerin chủ trương rằng sau khi đánh chiếm Đà Nẵng, quân Pháp sẽ tấn
công thẳng vào Huế là có thể hóa giải ngay mọi kháng cự, mọi bế tắc. Lý
thuyết này nghe có vẻ hữu lý, vì Huế là đầu não của cả nước, nhưng tin
tức về Huế quá mù mờ, dù bộ phận tình báo của Genouilly đã khai thác tin
tức nơi cả trăm tù binh bị bắt ở Đà Nẵng. Viên tư lệnh Pháp lâm vào
tình trạng lưỡng nan: muốn tiến quân ra Huế cũng khó lòng, vì đường sá
xa xôi, thời tiết khắc nghiệt, dễ gì vượt qua cả một hệ thống đồn lũy
liên tiếp từ Đà Nẵng đến Hải Vân. Còn tiến bằng đường thủy thì thuận lợi
hơn nhưng lực lượng không thể tiếp cận kinh thành được vì tàu chiến của
Pháp thuộc loại đáy sâu, không vào được lòng sông cạn dẫn đến kinh đô;
vả chăng, cũng không có người hướng đạo. Giám mục Pellerin hứa với
Genouilly sẽ có một hướng đạo lành nghề, vốn là con chiên của giám mục
Retord ở Bắc kỳ, giúp việc dẫn đường cho quân viễn chinh. Genouilly phái
tàu Primaguet ra Bắc, tiếp xúc với giám mục Retord để tiếp
nhận người hướng đạo, nhưng không có kết quả vì ông này đã mất trên bước
đường lẫn trốn lệnh cấm đạo. Tình trạng tiến thóai lưỡng nan này cộng
thêm với những khó khăn khác của liên quân khi phải đương đầu với khí
hậu khắc nghiệt, tình trạng dịch bệnh và sự đề kháng dũng cảm của quân
Việt đã làm cho viên tư lệnh Pháp xuống tinh thần và ngày càng đổ quạu
với ông cố vấn vì ông này cứ muốn xen vào việc chuyên môn của người
khác. Cho đến một ngày kia, khi thấy không thể hợp tác với nhau được
nữa, Pellerin đành giả từ Genouilly, về lại Hongkong vào tháng 12 năm
1858.
Trong phúc trình đề ngày 4-1-1859 viết
tại bản doanh Đà Nẵng, gởi cho Thượng thư Bộ Hải quân ở Paris, tướng
Genouilly đã nói lên tất cả nỗi thất vọng ê chề của ông ta trong cuộc
xâm lăng này:
“. . . Quả thật tôi cần và hết sức
đau đớn xác nhận với Ngài về tình trạng đáng phàn nàn về sức khỏe tổng
quát. Thiếu tá Lévêque, đại úy hải quân Virot và phó kỹ sư Delautel đi
Macao để dưỡng bệnh và chắc chắn phải đưa về Pháp. Tôi không biết phải
đối phó thế nào với các lỗ hổng đó. Mỗi ngày lại có nhiều người chết và
thời tiết xấu, mà các nhà truyền giáo bảo phải chấm dứt ngày 1 tháng 12,
vẫn tiếp tục không thể tưởng tượng nổi. Chỉ nội với sự kiện đó, Ngài
cũng có thể phê phán về giá trị các tin tức của họ và lòng tin tưởng của
tôi có thể có đối với họ. . . Dù thế nào đi nữa, thưa Ngài Thượng thư,
chúng ta cũng đang đi xuống dốc đến chỗ kiệt quệ, cho đến lúc phải bất
động tại Đà Nẵng. Mọi phương tiện để cải thiện tình trạng bộ binh và hải
quân đều hết sạch và vô hiệu. Các y sĩ trứớc tình trạng bệnh tật đã kết
luận là người Âu đừng làm việc gì trong khí hậu này, nhưng làm sao
được, khi ở đây phải làm những gì cần thiết cho việc phòng vệ, xây cất
bệnh viện, lều trại v.v. Đó là một cái vòng lẩn quẩn làm chúng ta điên
đầu.” [4]
Qua đến trung tuần tháng 1-1859 thì tình
trạng bệnh tật gia tăng khủng khiếp. Bệnh binh, chứ không phải thương
binh, tràn ngập bệnh viện, do sự hoành hành của dịch kiết lỵ. Trong số
880 bộ binh, chỉ còn lại chừng 500 là cầm súng được. Do đó, quân Pháp
chỉ còn lo phòng thủ chứ không thể nào mở được những cuộc tấn công như
họ muốn. Genouilly lại gởi tiếp hai báo cáo nữa (15-1 và 29-1-1859),
giọng điệu không có chút nhuệ khí nào:
“Bệnh kiết lỵ lan tràn, làm suy yếu tất cả những ai nó không giết được.
“Chính phủ đã bị lừa dối về bản chất
cuộc viễn chinh ở Việt Nam ... Người ta đã báo cáo cho chính phủ những
tài nguyên không có, những khuynh hướng của dân chúng hoàn toàn trái
ngược với thực tế, người ta báo cáo rằng uy quyền của giới quan lại đã
suy yếu thì quyền uy ấy vẫn còn mạnh mẽ lắm, rằng quân đội vắng bóng thì
quân chính qui lại rất đông đảo và dân quân gồm những trai tráng mạnh
khỏe trong dân chúng. Người ta đã tán dương khí hậu tốt lành ... Chỉ cần
nhìn khuôn mặt xanh xao hốc hác của các thừa sai đến từ các nơi khác
nhau trong xứ cũng đủ biết chắc rằng Đà Nẵng không tốt hơn Hongkong và
Hongkong đáng được kể là một nơi độc địa. Đọc lại bản phúc trình của Uỷ
ban Hỗn hợp họp ở Bộ Ngoại Giao, người ta tin rằng vấn đề đã được xoay
quanh những thảo luận sai lầm, rằng người ta đã cho vào bóng tối những
khó khăn của thực tế.” [5]
Những báo cáo của Genouilly gởi về Paris
phản ảnh sự thật bi đát một cách đầy hậu ý. Ông muốn cung cấp những
thông tin trung thực để gián tiếp thuyết phục thượng cấp chấp thuận kế
hoạch mới của ông. Số là sau khi cân nhắc, viên tư lệnh Pháp thấy rằng
chưa phải lúc để tấn công Huế, vậy nên phải chuyển hướng mục tiêu để
giải quyết tình trạng bế tắc ở Đà Nẵng. Trong phúc trình ngày 3-2-1858
gởi Thượng thư Bộ Hải Quân, Genouilly cho biết ông đã có quyết định dứt
khoát: trong khi chờ đợi một thời tiết thuận lợi hơn vào tháng 3 hay
đầu tháng 4, đồng thời có thì giờ tập trung đầy đủ lực lượng, tiếp liệu
và phương tiện để mở cuộc tấn công Huế, thì đoàn quân viễn chinh sẽ
đánh Sàigòn, vì “một cuộc tấn công vào Sàigòn sẽ có một hiệu quả hữu ích trước tiên đối với chính quyền An-Nam.” [6] Ngoài
ra, theo quan điểm của Genouilly, cuộc tiến chiếm mục tiêu mới này bảo
đảm một thành công chắc chắn về mặt quân sự do những thuận lợi về thiên thời (cuộc tiến quân thuận mùa gió) và địa lợi
(sông sâu và rộng, nằm sát thành, tiện cho hạm đội tiếp cận và hoạt
động), đó là chưa kể Sàigòn có một hậu thuẩn kinh tế vững vàng, một
tương lai trù phú. Chiếm Sàigòn, sẽ tạo được ảnh hưởng ở Cao-Miên
(Cambodia) và Xiêm (Thailand).
Do đó, ngày 2-2-1859, Rigault de
Genouilly rời Đà Nẵng, tiến về Nam, mang theo một lực lượng 2176 lính và
sĩ quan, gồm cả Pháp và Tây Ban Nha, cùng 9 tàu chiến của Pháp, một tàu
chiến của Tây Ban Nha và 4 thương thuyền chở quân dụng. Hải quân đại tá
Faucon[7] được lệnh ở lại cùng mấy trăm quân cố thủ căn cứ, chờ ngày trở lại trong thuận lợi của quân chủ lực.
2) GIAI ĐOẠN CẦM CỰ CỦA ĐẠI TÁ FAUCON ( TỪ 2-2 ĐẾN 15-4-1859)
Lợi dụng thời gian đại bộ phận quân Pháp
vắng mặt, Nguyễn Tri Phương và Phạm Thế Hiển ra sức củng cố lại phòng
tuyến, nhất là thành Điện Hải, căn cứ chủ lực đã bị hư hại khá nhiều,
đồng thời cũng mở ra những cuộc đột kích, chỉ có hiệu quả quấy rối hơn
là gây thiệt hại lớn.
Về phía Faucon, tuy quân số ít ỏi nhưng
ông ta đâu phải ngồi yên chịu trận. Chỉ 4 ngày sau khi Genouilly kéo
quân vào Sàigòn (6-2-59), Faucon đem quân đánh đồn Hải châu[8]
nhưng bị Thị vệ Hồ Oai cùng các tướng Tôn Thất Thi, Nguyễn Nghĩa chỉ
huy quân sĩ đẩy lui, sau khi bắn chìm được ba giang thuyền của Pháp. Hôm
sau (7-2), Faucon lại kéo quân phục hận. Đồn Hải Châu lần này bị tấn
công ba mặt cùng một lúc với mức độ dữ dội hơn hôm qua. Hai Hiệp quản
Nguyễn Tình Lương và Lê Văn Đa bị trúng đạn, chết tại trận, quân sĩ mất
tinh thần, hàng ngũ rối loạn, Đề đốc Tống Phước Minh liệu thế giữ không
nổi, rút quân về giữ đồn Phước Ninh. Nhờ Nguyễn Duy đem quân tăng viện
kịp thời nên đã đẩy lui được quân Pháp và thu hồi lại đồn Hải Châu.
Trong trận này, non 1.000 chiến sĩ hy sinh mới giữ vững được phòng
tuyến. Xem đó, có thể thấy được lực lượng của Faucon tuy quân số ít
nhưng nhờ hỏa lực mạnh nên đã dễ dàng áp đảo và gây thương vong lớn cho
phía Việt Nam.
Đến tháng 3-1859, Faucon lại mở cuộc tấn
công khác vào Hải Châu và Thạc Gián. Đào Trí và Tôn Thất Hàn ra sức đốc
chiến nên Hải Châu không hề hấn gì. Còn đồn Thạc Gián cũng nhờ sự chỉ
huy can trường của Phó Vệ úy Phan Gia Vịnh nên vẫn đứng vững. Thấy không
làm gì được quân Việt, Faucon đành rút lui giữ thế thủ, chờ ngày trở
lại của Genouilly.
3) GIAI ĐOẠN GENOUILLY ĐEM QUÂN TRỞ LẠI ĐÀ NẴNG ( 15-4 ĐẾN 1-11-1859).
Trận đánh ngày 8-5-1859
Sau khi chiếm được thành Gia Định và đã
sắp đặt mọi việc xong xuôi, thuận theo mùa gió đông-nam, Genouilly đem
quân trở lại Đà Nẵng và đến nơi vào ngày 15-4-1859.
Năm ngày sau, viên tư lệnh Pháp tung
quân qua tả ngạn, đánh lấy thành Điện Hải, đặt hẳn ở đây một căn cứ hỏa
lực gồm năm khẩu đại bác cùng quân lính đồn trú bảo vệ. Nhưng đó mới chỉ
là trận thăm dò sau mấy tháng vắng mặt, nhằm chuẩn bị cho một trận đánh
khác, lớn hơn. Ngày 8-5-1859, một cuộc tấn công qui mô được tung vào
phòng tuyến của Nguyễn Tri Phương, một phòng tuyến dài hơn 3km, chạy từ
Điện Hải đến Nại Hiên. Liên quân Pháp-Tây chia làm ba cánh:
- Cánh phải do đại tá Reybaud chỉ huy,
gồm 750 quân, trong đó, toán quân Tây Ban Nha do thiếu tá Canovas điều
khiển. Nhiệm vụ của cánh này là đương đầu với lực lượng Việt Nam chận
tàu Pháp ngược sông Hàn;
- Cánh trái do đại tá Faucon chỉ huy, có
425 quân, gồm cả lính Pháp và Tây Ban Nha, giữ nhiệm vụ đánh vào các
đồn lũy phía tây nam;
- Trung quân là lực lượng trừ bị, có
nhiệm vụ tiếp ứng cho cả hai cánh phải và trái khi cần, do đại tá Tây
Ban Nha Lanzarote chỉ huy. Genouilly đi theo cánh quân này.
Từ sáng sớm, súng đại bác trên các tàu
chiến đậu trong vịnh hiệp cùng số đại bác của căn cứ hỏa lực Điện Hải đã
pháo dữ dội xuống phòng tuyến Việt Nam. Súng lớn của quân Việt cũng cố
gắng bắn trả nhưng hiệu quả sát hại không được mấy. Tiền pháo hậu xung,
súng lớn mở đường cho 9 tàu chiến và 20 giang thuyền ngược sông Hàn đưa
cả ba cánh quân đổ bộ, tấn công thẳng vào phòng tuyến quân Việt.
Dưới cái nắng gay gắt của mùa hè, dù
đang còn buổi sáng, quân đổ bộ chia làm hai cánh tấn công theo thế gọng
kìm. Cánh quân của Reybaud đánh từ hướng biển vào, nhắm vào các đồn Du
Xuyên, Hải Châu, rồi tiến về Thạc Gián, Phước Ninh. Còn cánh của Faucon
thì đánh Thạc Gián, Phước Ninh rồi tiến chếch về phía biển để bắt tay
với quân của Reybaud. Trung quân của Lanzarote gồm những tay súng thiện
xạ, lúc thì tiến qua trái giúp Faucon, lúc qua phải giúp Reybaud.
Liên quân vừa tiến vừa bắn xối xả, vượt
qua các hào cắm chông tre, áp sát các lũy đất. Quân Việt cũng dựa vào
lũy đất bắn trả nhưng hỏa lực kém quá nên đương cự rất khó khăn. Hiệp
quản Phan Hữu Điểm trúng đạn chết ngay tại trận. Nguyễn Tri Phương liệu
thế không thể nào chống giữ được, liền ra lệnh bỏ phòng tuyến thứ nhất,
rút về cố thủ phòng tuyến thứ hai, gồm các đồn Liên Trì, Nghi Xuân và
Nại Hiên, được che chở bằng một hệ thống hào lũy khá vững vàng. Toàn thể
được lệnh tử chiến, không cho quân Pháp tiến sâu vào nội địa cũng như
tiến ra Huế.
Đến hơn 10 giờ sáng thì trận đánh kết
thúc. Theo các tài liệu của Pháp thì liên quân bị 3 chết, 6 thương tích;
còn phía Việt Nam có đến 700 quân chết tại trận trong tổng số 10,000
quân tham dự trận đánh. Tổng kết, trong ngày hôm đó, liên quân Pháp Tây
đã chiếm được 20 cứ điểm phòng ngự của Việt Nam, gồm các đồn Du Xuyên,
Hải Châu, Phước Ninh, Thạc Gián, các pháo đài và công sự phụ thuộc khác,
chưa kể 54 súng lớn bị tịch thu.
Tin đại bại đưa về Kinh, vua Tự Đức
không có kế sách nào khác là ra lệnh cho Nguyễn Tri Phương khích lệ
tướng sĩ, liệu thế ăn được thì đánh một trận báo thù, còn như không
thắng được thì cố giữ vững, đừng để lòng quân rối loạn.
Những khó khăn của liên quân Pháp - Tây và cuộc hòa hoãn tạm thời
Về phía quân viễn chinh, chiến thắng
ngày 8-5-1859 quả có đem lại lợi ích quân sự cho họ, đó là sự chủ động
chiến trường, nới rộng vòng đai an ninh qua phía tả ngạn, nhưng tiếp
theo đó thời tiết mùa hè nóng bức ở Đà Nẵng đã giáng xuống trên đầu liên
quân một đại họa còn hơn cả súng đạn. Trong hai tháng 6 và 7 năm 1859,
một trận dịch tả đã bộc phát dữ dội trong căn cứ làm số quân Pháp và Tây
Ban Nha chết và bệnh tăng lên vùn vụt. Hai đại úy, Loubière và Gascon
Cadubon đã bị hại dưới bàn tay thần ôn dịch. Trong vòng một tháng (15-6
đến 18-7), tiểu đoàn 3 bị chết 136 người. Từ khi đặt chân lên Đà Nẵng,
chưa có trận đánh nào gây tổn thất cho quân viễn chinh lớn lao đến như
thế.
Trước tình trạng bi đát như vậy, dựa
theo tinh thần mềm dẽo của huấn lệnh ngày 25-11-1857 và 20-6-1859,
Rigault de Genouilly đã đề nghị với Triều đình Huế cử người nghị hòa.
Yêu sách của Genouilly đưa ra rất “giản dị”, chỉ gồm có ba khoản: tự do
truyền giáo, tự do thương mãi và được chiếm hữu một lãnh thổ để bảo đảm
sự thi hành hòa ước. Tuy nhiên, việc nghị hòa với ba yêu sách này đã gây
bối rối cho vua tôi nhà Nguyễn chẳng kém gì tàu đồng súng trận.
Bấy giờ vua Tự Đức - vốn không phải là
người quyết đoán - không biết tính sao, nên đem vấn đề ra cho triều đình
thảo luận (đình nghị). Thế là triều đình trải qua một phen trống đánh
xuôi kèn thổi ngược. Đại khái, các quan chia làm ba nhóm với lập trường
thật là đối chọi:
- Nhóm Trương Đăng Quế, Phan Thanh Giản, Lưu Lượng [9]cho rằng giảng hòa thì hay hơn, nhưng nên cố thủ cho vững rồi hãy nói chuyện hòa.
- Nhóm Trần Văn Trung, Trương Quốc Dụng,
Tống Phước Minh, Lâm Duy Hiệp, Phan Huy Vịnh ... cho rằng quân Thanh
đương đầu mà còn không hơn được, vậy thì ta cũng khó thắng, thế nên nay
hãy thủ cho vững, “lấy cách chủ đãi khách mà đối phó để làm kế trì cửu rồi sau sẽ tùy cơ xử trí.”[10]
- Nhóm Tô Linh, Phạm Hữu Nghị, Trần Văn Vi, Nguyễn Đăng Điều, Lê Hiếu Hữu ... chủ trương đánh tới cùng, “chứ nếu hòa thì bỏ cấm đạo, cho thông thương, họ được dựng nhà thờ, lập phố chợ, trăm điều giảo hiểm sẽ từ chữ hòa mà sinh ra.”
Còn các quan khác thì cũng bàn ra góp
vào, nào chiến nào hòa, nhưng chả ông nào đưa ra được một kế sách gì có
thể giúp giải quyết vấn đề một cách có lợi mà an toàn cho Việt Nam.
Trước mớ luận bàn tơ vò đó, vua Tự Đức đã phải than rằng “Các ngươi biết rằng chiến thủ là khó, không biết rằng hòa lại càng khó hơn”[11].
Đang khi vua như đứng trước ngã ba
đường, chưa biết chọn ngã nào, thì Bùi Quị đi công tác ở Bắc về, thấy
tình trạng đó bèn dâng sớ tâu rằng “Đình thần kẻ nói hòa người nói
thủ, kẻ bàn chống người bàn chèo, ai giữ ý nấy, như vậy, gặp việc gấp
rút sao giúp nhau được. Xin Hoàng thượng độc đoán, tự định qui mô để ai
nấy phải theo.” [11] Vua Tự Đức cho là phải, bèn giao cho Nguyễn Tri Phương cầm đầu cuộc thương nghị ở Đà Nẵng.
Cuộc nghị hòa kéo dài trong hai tháng 7
và 8 năm 1859 mà không đi đến một kết quả nào, vì ba yêu sách đơn giản
của Genouilly lại là ba điều tối kỵ đối với Triều đình Huế. Trong khi
đó, tàu chiến của Pháp đi lại ngoài biển, hễ thấy thuyền Việt Nam thì
bắn chìm, hay đốt cháy, bất kể là thuyền nhà nước hay tư nhân. Vua Tự
Đức ra lệnh cho Tổng thống Phương phản đối kịch liệt. Phía Pháp có hứa
sẽ chấm dứt việc làm đó, nhưng hòa hội không tiến triển chút nào.
Tháng 8 năm 1859, Nguyễn Tư Giản dâng
mật sớ, tâu không nên hòa. Vấn đề vốn đã được vua “tự định qui mô” rồi,
nay bỗng dưng có người nêu lên, vua không biết nghĩ thế nào, lại đem ra
thảo luận với các Cơ Mật Viện đại thần là Trương Đăng Quế và Phan Thanh
Giản. Hai ông này trình bày rằng việc nhường đất không thể chấp nhận
được, việc thông thương thì đã có lệ từ đầu đời Nhà Nguyễn (nghĩa là
được đến buôn bán nhưng không cho lập cơ sở) riêng có việc cấm đạo thì
nay xin bỏ để chấm dứt can qua. Vua Tự Đức hình như hỏi để mà hỏi, chứ
chẳng có một quyết định dứt khóat nào, chẳng có một chỉ đạo rõ ràng nào,
khiến trưởng đoàn thương thuyết là Nguyễn Tri Phương thấy lúng túng
trên bàn hội nghị còn hơn trên mặt trận nóng bỏng.
Về phía Pháp, Genouilly thấy hòa hội kéo
dài mà không một chút kết quả, cho rằng Việt Nam không có thiện chí,
muốn lợi dụng hòa đàm để củng cố lực lượng. Mặt khác, mùa hè cũng sắp
qua, kinh nghiệm của một năm viễn chinh cho phép viên tư lệnh Pháp tiên
liệu những khó khăn sẽ gặp khi mùa mưa đến vào lúc hòa hội tan vỡ. Bấy
giờ có muốn động quân cũng không có lợi.
Vì các lẽ đó, để nắm thế chủ động chiến
trường, ngày 7-9-1859 Genouilly chấm dứt thương nghị và tám ngày sau,
phóng ra một cuộc tấn công lớn vào phòng tuyến thứ hai của Việt Nam.
Trận đánh ngày 15-9-1859
Người vạch ra kế hoạch cho trận đánh này
không phải là Genouilly, mà là thiếu tá Dupré-Déroulède, một sĩ quan
công binh nhưng lại giàu khả năng tham mưu và tác chiến. Lực lượng xâm
lăng bấy giờ được tăng viện thêm 1734 binh sĩ do hai tàu Dijon và Duchayla chở đến vào tháng 6 năm 1859. Theo đó, liên quân Pháp-Tây chia làm 3 cánh:
- Cánh trái do đại tá Reynaud chỉ huy, gồm các đại đội đổ bộ của Tây Ban Nha và Pháp trên tàu Jorgo Juan, một phân đội công binh và một phân đội pháo binh. Mục tiêu là đồn Nại Hiên án ngữ giữa sông Hàn và các công sự phụ thuộc;
- Cánh phải do đại tá Reybaud chỉ huy,
gồm 7 đại đội bộ binh, một phân đội pháo binh và một phân đội công binh.
Mục tiêu là đồn Liên Trì và hệ thống phòng thủ phụ thuộc;
- Trung quân gồm hai bộ phận. Một bộ
phận toàn lính Tây Ban Nha do đại tá Lanzarote chỉ huy; một bộ phận trừ
bị gồm ba đại đội bộ binh do Breschin chỉ huy. Mục tiêu của mũi dùi này
là hệ thống phòng thủ gồm những pháo đài nối liền hai đồn Liên Trì và
Nại Hiên.
Ngoài ra, còn có những bố trí khác, như sẽ thấy sau.
Về phía Việt Nam, phòng tuyến thứ hai là
một hệ thống đồn lũy và công sự kéo dài trên 1500 mét, trong đó có hai
căn cứ chủ yếu là Liên Trì và Nại Hiên. Toàn bộ hệ thống này được Pháp
xem là rất kiên cố, bỏ xa phòng tuyến thứ nhất mà họ đã đánh chiếm ngày
8-5-1859.
Bốn giờ sáng ngày 15-9, quân Pháp-Tây rời trại xuống tàu. Khi bình
minh ló dạng, quân viễn chinh đã sẵn sàng ba mũi, chia nhau tấn công các
mục tiêu như kế hoạch đã định. Bọn họ vừa tiến vừa hô khẩu hiệu “Hoàng
đế vạn tuế” vừa nổ súng dòn dã dưới sự yểm trợ bằng đại bác từ các tàu
chiến và căn cứ Điện Hải.
Cánh phải của đai tá Reybaud đụng độ
mạnh với lực lượng phòng thủ ở Liên Trì và Phước Trì. Quân Việt chừng
2,000 đến 3,000 người đã hăng hái xông ra khỏi lũy, giáp chiến với quân
xâm lăng. Súng hai bên nổ ác liệt tới nổi Genouilly lo lắng cho số phận
cánh quân của Reybaud. Breschin được lệnh tức tốc dẫn ngay hai đại đội
Tây Ban Nha tới tiếp ứng. Nhờ vậy, quân viễn chinh dần dần thắng thế,
đẩy lui quân Việt vào phòng tuyến, rồi hãm đồn. Cuối cùng, Phạm Thế Hiển
và Nguyễn Hiên chống không nổi, phải bỏ cả hai đồn Liên Trì, Phước Trì,
kéo tàn quân chạy về hướng Hải Vân, cố giữ con đường ra Huế, ngăn chận
cuộc tiến quân của Pháp về kinh đô.
Cánh trái của đại tá Reynaud do đường
sông kéo đến tấn công đồn Nại Hiên dưới sự yểm trợ trọng pháo của một
đoàn tàu chiến do thiếu tá Liscoat chỉ huy. Vai trò của đoàn tàu này rất
quan trọng: vừa pháo yểm trợ cho cuộc tiến quân của Reynaud, vừa bắn
đàn áp hai đồn Hóa Khuê và Mỹ Thị (ở hữu ngạn, đối diện Nại Hiên), không
cho đổ quân qua cứu ứng. Dưới sức tấn công mãnh liệt như vậy , chẳng
bao lâu Nại Hiên cũng chịu chung số phận với Liên Trì. Suất đội Hồ Văn
Đa và các Đội trưởng Lê Văn Nghĩa, Đoàn Văn Thức quá khiếp sợ trước hỏa
lực hùng hậu của quân viễn chinh, đã bỏ hàng ngũ, tìm đường trốn chạy,
làm quân sĩ mất tinh thần, khiến phòng tuyến vỡ nhanh hơn. Nguyễn Tri
Phương rút quân về hướng Hải Vân để cùng Phạm Thế Hiển bảo vệ con đường
về Huế. Cuộc rút quân của hai lão tướng này hoàn toàn nằm trong kế hoạch
dự liệu của viên thiếu tá công binh giàu óc tham mưu. Trong lúc điều
quân, Dupré-Déroulède đã phái tàu Laplace đến phục sẵn ở cửa
biển Thanh Khê, chờ khi đám tàn quân của hai lão tướng kéo qua liền pháo
một trận chận đường, gây thiệt hại thê thảm.
Kết quả trận đánh ngày 15-9, về phía
Pháp chỉ có 10 chết và 40 bị thương nặng nhẹ; nhưng qua hôm sau thì số
quân vào bệnh viện tăng lên rất cao do hậu quả của cuộc hành quân dưới
nắng hè gay gắt của ngày hôm trước. Về phía Việt Nam, chỉ còn làm chủ
được hai đồn Hóa Khuê và Mỹ Thị, còn toàn bộ hệ thống phòng thủ ở tả
ngạn do Tham tán Phạm Thế Hiển và Tổng thống Quân vụ Nguyễn Tri Phương
dày công xây dựng, xếp đặt, đã bị chiếm, bị đốt cháy, bị phá hũy và vô
hiệu hóa hoàn toàn.
Nguyễn Tri Phương dâng sớ về Kinh xin
chịu tội về trận thảm bại này. Vua Tự Đức, một mặt hạ chiếu cho các quan
từ Tri huyện trở lên, hễ ai có kế sách gì hay để cứu nước thì được phép
dâng lên, hoặc thấy ai, bất luận quan hay dân, có tài trí đẩy lui được
quân Pháp thì cứ mạnh dạn tiến cử; mặt khác, vua hạ lệnh cách lưu Nguyễn
Tri Phương và Phạm Thế Hiển [12], lại sai Phan Thanh Giản
đem cờ biển vào Đà Nẵng, họp tướng sĩ lại, chém đầu Hồ Văn Đa, Lê Văn
Nghĩa và Đoàn Văn Thức về tội đào ngũ khi đối diện với địch quân, để nêu
cao quân luật.
Sau gần một năm nhọc nhằn gian khổ đương
đầu với quân xâm lăng, tháng 10 năm 1859 Nguyễn Tri Phương dâng sớ
trình bày tất cả thực trạng về tương quan lực lượng giữa ta và Pháp và
đề nghị chiến thuật nên theo như sau:
"Người Tây, thủy quân, lục quân nương đở
nhau, khó mà hơn họ được. Ta thì thủy chiến đã không tiện, còn về lục
chiến thì súng ống họ đã tinh, lại đánh giỏi, quân ta khiếp sợ nên sinh
ra bần rùn, nên cũng không thể địch nổi. Nay trong quân thứ, còn 3,200
lính, mà một dãy từ An Sơn[13] đến các đồn Nại Hiên, chỗ chỗ
đều quan yếu, nếu đem phòng giữ cho khắp thì không còn lính ra trận nữa.
Tình thế như vậy, nói giữ chưa được, nói đánh sao nên? Vậy xin đem binh
lực hiện có, phục ở các đồn lũy, dự bị cho nghiêm mà đợi, để làm kế trì
cửu, rồi lo trù liệu lương hướng, gặp cơ hội sẽ động, ấy là cớ hoàn
toàn vậy.” [14]
Vua Tự Đức đã phê vào tờ sớ: "Sợ
địch, thêm lo, không thi thố gì thì làm sao thành công được? Đáng lẽ
giao đình nghị để chánh tội danh, nhưng đã cách lưu nên gượng bỏ qua;
vậy phải nghĩ trong ba kế chiến, thủ hay hòa, kế nào lui được quân địch
thì cứ dùng; đừng mà nói rằng triều đình thiếu người nên phải ngồi đợi
chết.” [14]
Phía bại trận, vua tôi lúng túng đã
đành, phía thắng trận cũng không có gì phấn khởi hơn vì không đem lại
một kết quả tích cực nào về chính trị. Genouilly cảm thấy ngày càng mệt
mõi, niềm hăng say chinh phục trong buổi đầu ngày càng tàn lụi theo gánh
nặng cuộc chiến. Ngay từ tháng 6 năm 1859 viên tư lệnh Pháp đã đệ đơn
xin từ chức. Paris chấp thuận trong thông cảm và cử thiếu tướng Page
sang thay.
4) GIAI ĐOẠN PAGE THAY GENOUILLY (1-11-1859 ĐẾN 23-3-1860)
Khi Page mới đến
Thiếu tướng Page xuất thân từ trường
Polytechnique năm 1827, cùng khóa với Genouilly, được phong làm Tư lệnh
Quân đoàn viễn chinh Trung Quốc ngày 12-8-1859. Ngày 19-10-1859 Page đến
Đà nẵng và 12 ngày sau đó, lễ bàn giao chính thức chức vụ Tư lệnh được
cử hành. Sau một năm đánh chiếm Đà Nẵng mà không bình định được, không
giải quyết được các vấn đề quan thiết về chính trị, thương mãi và tôn
giáo, lại hao người tốn của, Paris thấy rằng mục tiêu này không dễ chinh
phục như đã tưởng lúc ban đầu. Vì vậy, khi qua nhận chức ở Việt Nam,
Page đã nhận được chỉ thị về một cuộc triệt thóai toàn bộ tại Đà Nẵng,
chỉ còn giữ lại Sàigòn.
Thế nhưng sau khi nhận chức, Page đã
không làm ngay theo chỉ thị đó. Một phần, có lẽ trước mắt binh sĩ và
thuộc hạ Page không muốn mang tiếng là một viên tướng chưa đánh đã rút;
phần khác, là sự tiếc rẻ công trình xây dựng của quân Pháp ở bán đảo
Tiên Sa. Thật vậy, trong vòng có hơn một năm mà Genouilly đã thực hiện ở
nơi này thành một thành phố nhỏ của Pháp ở Viễn Đông : nào đồn, pháo
đài, nhà kho, bệnh viện, nào nhà thờ, hệ thống dẫn nước, bến tàu, chỗ
nuôi gia súc và hạ thịt, xưởng đóng xà- lan, chỗ chứa nước v.v. và cả
một hệ thống đường sá lớn nhỏ, ngang dọc [15], tạo thành một
cảnh quang khác lạ với bối cảnh hoang dã ở chung quanh. Đẹp đẽ như thế,
qui mô như thế, chưa thất trận, lẽ nào một sớm một chiều đem phá hũy hết
rồi rút đi hay sao?
Tuy nhiên lệnh vẫn là lệnh, nghĩa là
phải chấp hành, nhưng Page muốn rằng trước khi triệt thóai, cần phải có
một hành động ngoạn mục để thị oai với Triều đình Huế, làm cho tỏ rõ uy
lực của nước Pháp. Thế là sau 17 ngày cầm quyền, Page phóng ra một trận
đánh để giả từ.
Trận đánh đồn Chơn Sảng và pháo đài Định Hải (18-11-1859)
Phòng tuyến hai bên ở Đà Nẵng lúc đó được ghi nhận như sau:
Sau khi thắng lớn vào ngày 15-9, liên
quân Pháp-Tây chỉ phá hũy các đồn lũy và công sự phòng thủ rồi rút về
giữ căn cứ hỏa lực Điện Hải và vùng bán đảo Tiên Sa. Vì vậy, Nguyễn Tri
Phương đã cho quân chiếm lại phòng tuyến thứ hai rồi củng cố thành một
phòng tuyến mới, chạy từ Nại Hiên đến Hải Vân.
Có lẽ muốn làm một cái gì mới hơn, khác
hơn Genouilly nên Page không đã động gì đến hệ thống phòng thủ này của
quân Việt mà lại lấy các đồn và pháo đài ở đèo Hải Vân làm mục tiêu.
Từ 4 giờ sáng ngày 18-11-1859, Page điều động các tàu Némésis, Phlégeton
và một tàu của Tây Ban Nha cùng một tàu vận tải khác chở quân đến phía
tây bắc vịnh Đà Nẵng, dừng lại ở vị trí trên biển, đối diện với pháo đài
Định Hải và đồn Chơn Sảng.
Khi mọi sự đã chuẩn bị đâu vào đấy, Page cho kéo cờ tư lệnh trên soái thuyền Némésis
và ra lệnh khai hỏa. Thế là hai bên Việt Pháp mở màn một cuộc đọ súng
lớn vang động cả núi rừng và sóng nước. Đặc biệt là quân Pháp bắn đã ghê
nhưng quân Việt bắn lại cũng không kém, và xem ra hiệu quả của trận
phản pháo này vượt xa các trận đánh trước. Soái thuyền Némésis
khinh địch, phơi mình gần các căn cứ phòng ngự, trên cột buồm lại phất
phới lá cờ tư lệnh, nên quân Việt ở các pháo đài có thừa khôn ngoan để
tập trung hỏa lực vào đó. Kết quả thật là khích lệ: nhiều đạn đại bác đã
rơi trúng tàu Némésis, quanh chỗ chỉ huy của Page. Page may
mắn không bị gì cả nhưng viên thiếu tá công binh có tài tham mưu là
Déroulède (tác giả trận đánh ngày 15-9) bị đạn cắt làm hai, chết liền
tại chỗ. Một số binh sĩ khác thương vong.
Dầu sao thì hỏa lực của Pháp cũng mạnh
hơn. Sức kháng cự của các pháo đài yếu dần, Page ra lệnh cho tham mưu
trưởng M. de Saulx dẫn 300 quân đổ bộ đánh chiếm đồn Chơn Sảng[16].
Trong vòng không đầy một giờ từ khi nổ súng, trận đánh đã kết thúc.
Quân Việt chạy bạt vào rừng núi lẩn trốn; quân Pháp phá hũy các công sự
và súng ống, đốt cháy kho thuốc súng, lấy đồn Chơn Sảng làm căn cứ , đặt
tên là pháo đài Isabelle, án ngữ con đường liên lạc giữa Huế và Đà
Nẵng.
Trận đánh này được phóng ra để thỏa mãn
lòng tự cao của Page hơn là nhằm thâu đạt một thắng lợi quân sự hay
chính trị nào đó. Khi được báo cáo, Paris đã xem đấy là một cuộc tấn
công không cần thiết, khiến thiệt mất một sĩ quan giàu khả năng, chưa kể
một số quân sĩ khác thương vong. Vì vậy Page bị khiển trách và bị mất
chức. Ngày 27-2-1860, tướng Cousin Montauban thay Page trong chức vụ Tư
lệnh quân đoàn viễn chinh Trung Quốc và ngày 18-4-1860 Đô đốc Charner
thay Page trong chức vụ Tư lệnh hạm đội Pháp tại Viễn Đông. Nhưng đó là
chuyện về sau.
Về phía Việt Nam, tin đồn Chơn Sảng bị
thất thủ, pháo đài Định Hải bị bắn phá, đường bộ ra Huế qua đèo Hải Vân
bị nghẽn vì quân Pháp án ngữ, đã làm cho vua Tự Đức bối rối ra mặt.
Thống chế Nguyễn Trọng Thao được cử làm Đề đốc quân vụ, đem quân vào Hải
Vân cự đánh. Phải chờ đến tháng 1 năm 1860 con đường bộ này mới thực sự
được giải tỏa khi quân của Thống chế Thao từ trên đỉnh đèo đánh xuống ,
phối hợp cùng quân của Nguyễn Hiên và Trần Đình Túc đóng ở hai đồn Câu
Đê và Hóa Ổ (Nam Ô) từ chân đèo phía nam đánh lên mới bứng được quân
Pháp ra khỏi nơi chiếm đóng.
Hòa đàm và triệt thoái
Sau trận đánh Chơn Sảng và Định Hải,
ngày 21-11-1859 Page vào Sàigòn. Khoảng giữa tháng 12 năm đó, qua các
nhà chỉ huy quân sự Việt Nam ở Gia Định, Page đề nghị với Triều đình Huế
một cuộc nghị hòa, dựa trên căn bản một dự thảo hiệp ước gồm 11 khoản,
trong đó, các khoản chính vẫn là thông thương giao hảo (khoản 1,8 và 11)
và tự do truyền giáo (khoản 6, 7, 10). Dự thảo hiệp ước được đệ về
Kinh, vua Tự Đức giao cho đình nghị. Thế là một dịp cho những ý kiến
xung đột nảy sinh khiến vua Tự Đức càng thêm bối rối, không quyết định
được. Vua đem vấn đề hỏi riêng Trương Đăng Quế, một lão thần trong Cơ
Mật Viện, rất được vua trọng nễ. Sau khi cân nhắc mọi điều, quan đại
thần họ Trương cũng xin hòa. Tuy nhiên, không vì vậy mà vua Tự Đức có
một quyết định dứt khóat. Việc thương thuyết với Pháp ở Sàigòn được ủy
thác cho Thống đốc quân vụ Tôn Thất Cáp mà không có một chỉ đạo nào rõ
rệt, khiến ông ta còn lúng túng hơn ra mặt trận.
Hòa hội được diễn ra trên tàu Primauguet,
bỏ neo trên sông Sàigòn. Đại diện bên phía Pháp có hải quân trung tá
Aubaret, phụ tá của Page về chính trị. Do sự thiếu quyết đoán của vua Tự
Đức, Tôn Thất Cáp ngồi vào bàn hội nghị như kẻ làm vì, chẳng dám có một
quyết định nào. Trong hơn một tháng, cuộc thương thuyết vẫn không có
một chút tiến bộ. Ngày 29-1-1860, Page bực mình cắt đứt hòa hội, nhưng
sau đó không đưa ra một hành động đe dọa quân sự nào. Không phải viên tư
lệnh này hiếu hòa hơn Genouilly, mà chỉ vì bấy giờ tình hình của Pháp
tại Trung Quốc căng thẳng trở lại, không cho phép Page vọng động khiến
có thể vướng mắc rắc rối nhiều nơi.
Quả nhiên như vậy. Mặc dù hòa ước Thiên
Tân được ký kết năm 1858, nhưng năm sau, cuộc xích mích giữa Trung Quốc
và Anh, Pháp lại tái diễn. Vì vậy, Page được lệnh chỉ để lại một ít quân
ở Sàigòn cho đại tá D’ Ariès phòng thủ, còn thì rút hết sang Biển Trung
Quốc, đặt dưới sự chỉ huy của Đô đốc Charner, để đối phó với Tàu.
|
Chú thích:
[1] Pháp gọi An Hải là Fort de l’ Est (Pháo đài Đông) và Điện Hải là Fort de Ouest (Pháo đài Tây)
[2] Những biểu tượng mệnh lệnh của nhà vua
[3] Sông Cẩm Lệ sau khi tiếp
nhận nước của sông Vĩnh Điện và sông Cổ Cò thì chảy ra vịnh Đà Nẵng theo
cửa Hàn. Đoạn từ đó ra biển thường được gọi là sông Hàn. Cũng đoạn sông
đó khi chảy qua địa phận làng Nại Hiên thì gọi là sông Nại Hiên. Có thể
xem sông Nại Hiên là phần thượng lưu của sông Hàn.
[4] CAO HUY THUẦN, Sđd. Tập I, tr.80, dẫn trong Văn khố Quốc gia, phần Tài sản Hải quân, BB.4-769
[5] TABOULET, Sđd., (cuốn II, 1966), tr.438
[6] TABOULET, Sđd., tr.437
[7] TABOULET, Sđd., tr. 440. Các sách sử của PHAN KHOANG, TRẦN TRỌNG KIM đều viết là Toyon. Chúng tôi theo TABOULET.
[8] Về trận này, có hai nguồn
thông tin khác nhau. Theo LÊ THANH CẢNH (B.A.V.H., 1928, tr. 192) và
PHAN KHOANG (Sđd., tr. 115) thì trong trận này quân Pháp chủ động tấn
công. Theo TABOULET (Sđd., tr. 442) thì quân Việt lợi dụng sự vắng mặt
của Genouilly để tấn công nhưng không kết quả. Chắc Taboulet lầm, vì Hải
Châu là căn cứ của Việt Nam và phòng thủ là chiến thuật sở trường của
Nguyễn Tri Phương.
[10] PHAN KHOANG, Sđd., tr. 146-147
[11] PHAN KHOANG, Sđd., tr.147
[12] Cách lưu nghĩa là cách
chức trên giấy tờ mà thôi, còn trên thực tế vẫn giữ chức vụ đương nhiệm,
nếu lập được công trạng thì sẽ cho phục hồi đầy đủ chức vụ như trước.
Đó là một loại án treo hành chánh.
[13] Vùng núi phía nam Hải Vân
[14] PHAN KHOANG, Sđd., tr. 149
[15] TABOULET, Sđd., tr. 451:
nhật ký của hải quân đại úy Monet de Lamark, viết ớ Đà Nẵng ngày
27-10-1859, đã hết sức khen ngợi công trình kiến thiết căn cứ này. Xin
xem hình trang trước để có chút ý niệm về căn cứ viễn chinh đầu tiên của
Pháp ở Việt Nam.
[16] Tài liệu của Pháp gọi
đồn Chơn Sảng và pháo đài Định Hải là “les deux forts de Kien-Chan” (hai
pháo đài ở Kiên Chan) Chúng tôi chưa tìm thấy một tài liệu nào về phía
Việt Nam có ghi địa danh Kien-Chan, mà chỉ có Chơn Sảng. Đó là tên một
làng ở chân đèo phía nam của Hải Vân, thuộc xã Hòa Hiệp, quận Hòa Vang,
tỉnh Quảng Nam.
[17] Ngày nay, người ta gọi đó là Nghĩa địa Tây Ban Nha hay Nghĩa địa Y Pha Nho. Ngay
người Pháp cũng gọi như thế. Thật là khó hiểu tại sao lại gọi như vậy,
trong khi an nghỉ ở đó có cả Tây lẫn Pháp. Nếu gọi là “Nghĩa địa
Pháp-Tây” thì người Pháp “động lòng” chăng ? Năm 1895, Toàn quyền Paul
Doumer cho sửa sang lại nơi này bằng cách xây thành bảo vệ khu vực, dựng
mộ chí, và xây một nhà nguyện nhỏ giữa nghĩa địa, trong đó có tấm bảng
đá khắc những giòng chữ ngậm ngùi như sau:
A la mémoire des combattants
Français et Espagnols
de l’Expédition Rigault de Genouilly
Morts en 1858-59-60
et ensevellis en ces lieux
[18] LÊ THANH CẢNH, B.A.V.H., 1928
[19] Trích trong sưu tập của giáo sư Nguyễn Thiếu Dũng, trường Nữ Trung Học Hồng Đức Đà Nẵng (trước 1975)
|
Page rời Sàigòn ngày 3-2-1860. Hơn một
tháng sau, ngày 23-3, quân đội, tàu bè của đoàn quân viễn chinh còn đồn
trú ở Đà Nẵng dưới quyền của đại tá Toyon (Thoyon) cũng được lệnh rời bỏ
nơi này để tham chiến ở Trung Quốc. Trước khi triệt thóai, Toyon cho
lệnh đốt phá hết thảy mọi công trình đã xây dựng ở bán đảo Tiên Sa.
Tính từ khi đoàn quân xâm lược của
Rigault de Genouilly đến Đà Nẵng cho đến khi người lính viễn chinh cuối
cùng của Page xuống tàu rời khỏi nơi này thì liên quân Pháp-Tây Ban Nha
đã chiếm hữu tạm thời vùng đất hữu ngạn sông Hàn, khống chế vịnh Đà Nẵng
và sông Hàn được tất cả một năm sáu tháng hai mươi hai ngày (1-9-1859
đến 23-3-1860). Thời gian đó quá ngắn trong chiều dài của lịch sử nhưng
lại đầy dẫy những biến cố, mở đầu cho một thời kỳ vong quốc khá dài của
Việt Nam cận đại.
Dấu vết của cuộc viễn chinh nay không
còn gì, ngoại trừ một nghĩa địa nằm trơ trọi ở phía đông mũi Mõ Diều và
đảo Cô, nơi an nghỉ ngàn năm nơi đất khách của những người Pháp và Tây
Ban Nha từng đeo đuổi mộng xâm lăng [17].
Sau khi quân Pháp triệt thoái khỏi Đà
Nẵng và chỉ còn để lại một ít ở Gia Định, vua Tự Đức đã hoan hỷ xuống
chiếu cho thần dân như sau: “Lòng can đảm và sự hy sinh của tướng sĩ
ta đã chiến thắng vẻ vang quân Tây dương. Nên lợi dụng những thắng lợi
đó để làm cho quân địch vô phương, ngõ hầu đem lại thái bình và an ninh
cho đất nước vì phúc lợi tối thượng của thần dân trung thành của Trẫm.
Đó cũng là niềm mong mỏi thiết tha nhất của Trẫm. ” [18]
Nếu nhìn vào thực trạng của cuộc chiến
với tương quan lực lượng giữa hai bên, người ta không khỏi mỉm cười khi
nghe lời bố cáo nhuốm vẻ huênh hoang của vua Tự Đức. Nhưng thiết nghĩ
những ca ngợi đó thật xứng đáng với sự hy sinh máu xương và gian khổ của
hết thảy tướng sĩ và nhân dân Quảng Nam-Đà Nẵng lúc bấy giờ.
Tại mặt trận Đà Nẵng, không phải chỉ có
quân đội chính qui chiến đấu mà còn có cả dân quân nữa. Việc xây đồn,
đắp lũy, đào hào, tiếp tế . . . là phần vụ chính của dân quân .
Bên cạnh những chết chóc điêu linh do
chiến chinh đem lại, trong thời gian đó xứ Quảng còn phải chịu một cơn
hạn hán làm thiệt hại mùa màng không nhỏ. Tất cả những ấn tượng buồn
thảm đó còn được ghi lại trong mấy câu hát sau đây:
Hạn sao quá hạn; cây cỏ tiêu điều.
Kể từ năm Mậu Ngũ (Mậu Ngọ, 1858) buồn hiu,
Nào Tây bắn Sơn Chà, nào dân binh bắt mộ.
Nạn tai ấy dân đen chưa hết khổ,
Kế năm nay thêm cỏ cháy ruộng cằn.
Lúa chút bồ, đem ra vãi văng văng,
Ngoài ruộng vẫn vắng tăm, không cọng rạ.
Từ tháng hai đến suốt qua mùa hạ,
Không hột nước trên nón lá dân cày.
Dưới đáy đìa, cá chết cạn phơi thây.
Trong thôn ấp tre xàu, cau đỏ ngọn.
. . . . . . . . . . . . . . . .
Ca dao Quảng-Đà [19]
Theo LỊCH SỬ ĐÀ NẴNG - VÕ VĂT DẬT
Posted in: Nghiên Cứu Lịch Sử
Gửi email bài đăng này
BlogThis!
Chia sẻ lên Facebook
0 nhận xét:
Đăng nhận xét