Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Hai, 22 tháng 8, 2016

Giải cứu các quốc gia thất bại


Nguồn: Gerald B. Helmen & Steven R. Ratner (1992). “Saving Failed States”, Foreign Policy, No. 89 (Winter), pp. 3-20
Biên dịch: Nông Hải Âu | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Từ Haiti ở Tây bán cầu tới phần sót lại của Nam Tư ở châu Âu, từ Somalia, Sudan, và Liberia ở châu Phi đến Campuchia ở Đông Nam Á, có một hiện tượng mới đáng lo ngại đang nổi lên: các quốc gia – dân tộc thất bại, hoàn toàn không có khả năng duy trì vai trò một thành viên của cộng đồng quốc tế. Nội chiến, chính phủ tan vỡ, và thiếu thốn kinh tế đang tạo ra ngày càng nhiều hơn tình trạng debellatios, thuật ngữ được dùng mô tả tình trạng bị phá hủy của Đức sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Khi các quốc gia này rơi vào tình trạng hỗn loạn và bạo lực, đặt công dân của họ vào tình thế nguy hiểm và đe dọa các nước láng giềng bởi dòng người tị nạn, bất ổn chính trị, và tình trạng chiến tranh ngẫu nhiên; rõ ràng là người ta cần phải làm gì đó. Việc lạm dụng rộng khắp quyền con người, trong đó cơ bản nhất là quyền sống, đã đủ đau buồn, nhưng yêu cầu cần phải giúp đỡ những quốc gia này càng trở nên bức thiết hơn khi có bằng chứng cho thấy vấn đề của họ ngày càng có xu hướng lan rộng hơn. Từ trước đến nay, giúp đỡ các nước đang phát triển gặp khó khăn đã là một nhiệm vụ lớn, nhưng giải cứu các quốc gia thất bại sẽ là một thách thức mới và khác biệt trên nhiều phương diện.
Những đổ vỡ gần đây có nguyên nhân từ sự gia tăng đột ngột số lượng các quốc gia – dân tộc, đặc biệt tại châu Phi và châu Á, kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Khi Hiến chương Liên Hiệp Quốc ra đời năm 1945, nó được ký bởi 50 quốc gia. Kể từ đó, số thành viên đã tăng gấp ba, phản ánh xu hướng chuyển đổi từ hệ thống thuộc địa trước chiến tranh sang thế giới của các quốc gia độc lập. Trong thời kỳ đó, mà giờ đây đã gần kết thúc với việc Namibia giành độc lập năm 1990, Liên Hiệp Quốc và các nước thành viên đã đưa việc thực hiện “quyền dân tộc tự quyết”, một quyền có trong Hiến chương, lên làm mục tiêu hàng đầu.
Trên thực tế, quyền tự quyết được chú ý đến nhiều hơn cả khả năng tồn tại lâu dài của quốc gia. Tất cả đều đồng ý rằng các quốc gia mới cần được hỗ trợ về kinh tế, và Liên Hiệp Quốc khuyến khích các tổ chức như Ngân hàng thế giới (WB) và Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) giúp đỡ họ. Nhưng nền tảng của tư tưởng phi thực dân hóa chính là quan niệm rằng các dân tộc có thể điều hành tốt nhất đất nước của họ khi thoát khỏi gông cùm hay thậm chí là ảnh hưởng của các thế lực ngoại quốc. Vì vậy ý tưởng rằng các nhà nước có thể thất bại, hay đơn giản là không thể đóng vai trò như những thực thể độc lập, đã đối nghịch với lí do tồn tại của tư tưởng phi thực dân hóa và phạm phải quyền tự quyết. Người ta nghĩ rằng các nhà nước mới có thể nghèo, tuy nhiên họ vẫn đề cao phẩm giá của sự độc lập.
Trong thời kỳ còn tồn tại, cuộc Chiến tranh Lạnh đã giúp kéo dài khả năng sống sót của một số quốc gia mới giành được độc lập và các quốc gia thuộc Thế giới thứ Ba khác. Các nước với nền kinh tế và chính phủ kém phát triển nghiêm trọng đã nhận các khoản viện trợ lớn từ hai siêu cường và các ông chủ thuộc địa trước đây. Việc nhiều nước mới thành lập được đặc trưng bởi tình trạng tham nhũng một cách có hệ thống không cản trở hai siêu cường tiếp thêm viện trợ, bởi họ cần tìm đồng minh trong cuộc chiến. Vì thế Philippines, Nam Việt Nam, Zaire và Somalia sau năm 1977 hưởng lợi rất nhiều từ viện trợ của Mỹ, trong khi Afghanistan, Cuba và Ethiopia sau năm 1974, và một vài nước tiền tuyến ở châu Phi, hưởng lợi từ viện trợ của Liên Xô. Dù vậy, hầu hết các quốc gia trên không phụ thuộc hoàn toàn vào viện trợ. Nhiều nước, điển hình là các nước thuộc ASEAN, đã trở thành các nước độc lập lớn mạnh. Tuy nhiên nguồn viện trợ nước ngoài là tối quan trọng với nhiều quốc gia, tùy thuộc vào tầm quan trọng chiến lược thực sự hay tưởng tượng của họ trong Chiến tranh Lạnh.
Tuy nhiên thời gian đã chứng tỏ rằng những trở ngại đối với các quốc gia non trẻ là quá lớn, và sự cắt giảm hỗ trợ từ cuối những năm 1980 đã chỉ ra rõ rệt những yếu kém của họ. Ở các nước như Somalia, Sudan, Zaire, chính quyền mất uy tín đang bị thách thức bởi các cuộc nổi dậy mạnh mẽ. Kết quả là các cuộc nội chiến làm gián đoạn các các dịch vụ quản lý thiết yếu, phá hoại hệ thống cung cấp và phân phối lương thực, và đưa nền kinh tế vào trạng thái hầu như trì trệ; các quan chức tham nhũng và tội phạm chỉ càng khiến cho người dân thêm thống khổ. Ở Somalia và Sudan, thiên tai làm tình trạng thêm trầm trọng, cướp đi sinh mạng một phần lớn dân số và buộc nhiều người phải di cư đến các đô thị vốn đã đông đúc hay các trại tị nạn nước ngoài. Ở Campuchia, hơn 20 năm chiến tranh đã khiến đất nước bị tàn phá, rải rác bom mìn khắp nơi, và vẫn đang chịu đựng hậu quả của chế độ diệt chủng Khơ-me đỏ. Cuộc nội chiến ở Afghanistan có vẻ như không thể phân thắng bại, và đất nước có thể sẽ bị chia cắt. Dĩ nhiên, hầu hết các quốc gia phải chịu đựng những khó khăn về kinh tế không phải đối mặt với sự sụp đổ chính phủ. Hầu hết các chính phủ này đã có thể gồng mình vượt qua dù mức sống trì trệ đã trở thành gánh nặng đối với họ.
Các nước Thế giới thứ Ba không phải là đối tượng duy nhất có thể thất bại. Sự tan rã của Liên Xô và Nam Tư trong vòng hai năm rưỡi qua đã tạo ra gần 20 quốc gia mới, hầu hết chưa từng hưởng độc lập và tự quản trị. Người ta hy vọng rằng phần lớn các quốc gia này sẽ thành công, nhưng việc thiếu kinh nghiệm điều hành chính phủ, các thể chế chính quyền yếu kém, triển vọng kinh tế kém, và xung đột sắc tộc sẽ khiến một số quốc gia rơi vào khó khăn vô vọng – tình trạng mà Bosnia đang trải qua với cuộc nội chiến của mình. Những biến chuyển của thế giới về hình thể chính trị, kinh tế và văn hóa đang thử thách sự thống nhất và đường biên giới của nhiều quốc gia khác. Không thể chắc chắn được rằng những đường biên giới chính trị tạo ra dưới thời kỳ thuộc địa rốt cuộc sẽ chứng minh được sự bền vững của mình.
Hiện có ba nhóm nhà nước đang bị đe dọa: Một là các nhà nước đã thất bại như Bosnia, Campuchia, Liberia, Somalia, một nhóm nhỏ mà hệ thống chính phủ đã bị nhấn chìm bởi hoàn cảnh. Hai là các nhà nước đang thất bại như Ethiopia, Grudia, và Zaire, những nơi sự sụp đổ không xảy ra một cách nhanh chóng nhưng có thể sẽ diễn ra trong vài năm tới. Ba là một số nhà nước độc lập mới trong các lãnh thổ cũ như Nam Tư và Liên Xô, mà khả năng tồn tại của chúng rất khó đánh giá. Các nhóm này đều xứng đáng được quan tâm sát sao, và cả ba đều cần đến những chính sách sáng tạo.
Các hướng tiếp cận truyền thống
Các phản ứng truyền thống của cộng đồng quốc đối với các quốc gia và vùng lãnh thổ cần hỗ trợ phát triển thường rơi vào một vài mẫu hình nhất định. Với các vùng lãnh thổ không tự chủ, Hiến chương Liên Hiệp Quốc, và trước đó là Hiệp ước Hội Quốc Liên, đã tạo ra một hệ thống ủy trị, theo đó các nước thành viên và thậm chí bản thân các tổ chức quốc tế được giao trách nhiệm thúc đẩy sự phát triển về các mặt chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và giáo dục của các cư dân. Hiến chương coi trách nhiệm nâng cao những lợi ích này như một “sự ủy thác thiêng liêng”. Trong một số trường hợp, Liên Hiệp Quốc đóng vai trò trực tiếp. Điển hình, trong hai năm 1962-1963, theo yêu cầu của Hà Lan và In-đô-nê-xi-a, Liên Hiệp Quốc đã nắm quyền điều hành Irian Jaya (phần phía Tây đảo New Guinea) trong thời gian ngắn chuyển quyền quản lý từ Hà Lan sang In-đô-nê-xi-a. Trong các kế hoạch quản lý khác của Liên Hiệp Quốc, như chế độ pháp lý riêng biệt cho Jerusalem (được dự thảo trong kế hoạch phân chia Palestine năm 1947) hay Hội đồng Liên Hiệp Quốc về Namibia (thành lập sau sự kết thúc sứ mệnh của Hiệp hội Nam Phi đối với Namibia), Liên Hiệp Quốc đều không đạt được sự kiểm soát hiệu quả. Hội đồng Liên Hiệp Quốc về Namibia tuy vậy đã giúp tạo nền tảng cho các thành viên phương Tây của Hội đồng Bảo an dự thảo một kế hoạch độc lập, vốn được thực thi trong các năm 1988-89. Khu vực Tây Sahara là một ví dụ khác cho sự đỡ đầu của Liên Hiệp Quốc với việc thành lập một quốc gia mới.
Với các quốc gia độc lập, cộng đồng thế giới đã dùng các công cụ truyền thống để thúc đẩy sự phát triển kinh tế và chính trị cho những dân tộc gặp khó khăn. Là nền tảng của các chương trình sau chiến tranh, kế hoạch Marshall cung cấp hơn 16 tỷ đô, tương đương 114 tỷ đô năm 1992, nhằm hỗ trợ song phương cho các nước Tây Âu vốn bị chiến tranh tàn phá đến mức sắp thành những quốc gia thất bại. Mỹ không chỉ giúp khôi phục kinh tế cho các nước bại trận mà còn tái thiết hệ thống chính trị theo con đường dân chủ tại Ý, Nhật, Tây Đức. Kết quả là các nước này phục hồi nền kinh tế năng suất, chính trị ổn định và đóng góp cho nền hòa bình quốc tế.
Từ đó, những quốc gia phục hồi ở châu Âu, các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), và khối Xô-viết cũ đã đóng góp một lượng lớn viện trợ song phương cho các nước đang phát triển. Các nước viện trợ tập hợp nguồn lực cho một nước nhất định và cung cấp hỗ trợ nhân đạo để đối phó với các cuộc khủng hoảng. Liên Hiệp Quốc thông qua UNDP và hàng loạt các cơ quan chuyên môn và kỹ thuật khác nhau đã cấp vốn cho các dự án và đào tạo cho quan chức các nước đang phát triển. WB viện trợ không hoàn lại và cung cấp các khoản vay cho một số dự án cụ thể tại các nước đang phát triển, và IMF cũng cho vay với các điều khoản ưu đãi. Cao ủy về người tị nạn của Liên Hiệp Quốc (UNHCR) cũng như Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cũng giúp đỡ trong các chiến dịch cứu trợ.
Không may thay, những biện pháp này đạt hiệu quả thấp tại các quốc gia đang thất bại, và có vẻ như là hoàn toàn không đủ ở các quốc gia đã thất bại. Viên trợ phương Tây không thể tiếp cận những đối tượng hưởng lợi dự kiến vì bạo lực, những chia rẽ chính trị không thể hòa giải, hay sự thiếu thốn cơ sở hạ tầng kinh tế. Somalia là ví dụ điển hình khác. Chương trình của IMF không khả thi khi không tồn tại một chính phủ nắm quyền. Các khoản viện trợ không hoàn lại, các chương trình hỗ trợ kỹ thuật không được điều phối, và những chuyến viếng thăm thưa thớt của các tổ chức cứu trợ và nhân đạo là không đủ để kéo những quốc gia như Bosnia và Somalia trở về từ miệng hố tử thần. Dù các tổ chức quốc tế cần được khen ngợi vì đã ứng phó với các khủng hoảng, nhưng việc số nhà nước thất bại tăng lên đòi hỏi một hướng tiếp cận hệ thống và sâu sát hơn.
Các hoạt động gần đây của Liên Hiệp Quốc đã phản ánh được những nhu cầu này. Trong báo cáo quan trọng của mình vào tháng 6/1992 mang tên Chương trình nghị sự vì hòa bình, Tổng thư ký Boutros Boutros-Ghali đã đưa khái niệm “xây dựng hòa bình hậu xung đột” làm một ưu tiên mới của Liên Hiệp Quốc. Ông kiên quyết nhấn mạnh nhu cầu “hành động để nhận dạng và giúp đỡ những cấu trúc vốn có xu hướng củng cố vững chắc hòa bình để tránh tái xung đột.” Để đề phòng những xung đột trong tương lai, cộng đồng quốc tế phải tạo ra một môi trường chính trị, kinh tế, xã hội mới cho các quốc gia bị tàn phá bởi chiến tranh. Điều này bao gồm việc củng cố thêm các thể chế quản trị, bảo vệ nhân quyền, theo đuổi các dự án hợp tác song phương, và khuyến khích phi quân sự hóa. Các cơ quan của Liên Hiệp Quốc sẽ hỗ trợ, việc này đòi hỏi các quốc gia thành viên phải đóng góp tài chính nhiều hơn.
Boutros-Ghali chủ yếu đưa ra yêu cầu hỗ trợ dựa trên trách nhiệm của Liên Hiệp Quốc đã được quy định trong Hiến chương trong việc “duy trì hòa bình và an ninh quốc tế”. Dĩ nhiên đây là một luận điểm mạnh. Sự cáo chung của một nhà nước thường được đánh dấu bởi bạo lực và vi phạm nhân quyền rộng khắp vốn ảnh hưởng đến các nước khác. Nội chiến, chuỗi cung cấp lương thực và hệ thống y tế bị gián đoạn, cũng như đổ vỡ kinh tế đã buộc những người tị nạn bỏ chạy sang các nước láng giềng. Các nước này có thể phải gặp phải tình trạng buôn bán vũ khí trái phép, những hành động đoàn kết giữa các nhóm sắc tộc liên quan, và các băng nhóm vũ trang tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn. Như ở Balkans, có nguy cơ rõ ràng rằng những xung đột này có thể lan sang các nước khác.
Sự cần thiết của việc bảo đảm an ninh và hòa bình quốc tế đã khuyến khích các hoạt động cụ thể của Liên Hiệp Quốc nhằm phần nào giải cứu các nhà nước đang thất bại thông qua việc can thiệp trực tiếp vào công việc nội bộ các quốc gia này. Kế hoạch lớn của Liên Hiệp Quốc nhằm khôi phục hòa bình ở Campuchia, với chính quyền dân sự, giữ gìn hòa bình và hỗ trợ bầu cử, không chỉ để tái thiết đất nước này từ bên trong mà còn nhằm xóa đi một nguồn gốc căng thẳng lớn cho Đông Nam Á. Ở Trung Mỹ cũng vậy, Liên Hiệp Quốc đã sử dụng việc kiến thiết quốc gia như một phương tiện duy trì hòa bình. Sự giám sát chặt chẽ các cuộc bầu cử ở Nicaragua và các chương trình dân chủ hóa ở El Salvador đã chứng tỏ Liên Hiệp Quốc sẵn lòng can dự vào nội bộ các nước thành viên để đảm bảo hòa bình và an ninh. Bất kỳ nỗi lực trong tương lai nào của Liên Hiệp Quốc tại Balkan, chuyển từ các chương trình hỗ trợ nhân đạo và duy trì hòa bình sang tạo dựng hòa bình lâu dài trên thực tế, nhiều khả năng sẽ được thực hiện trong khuôn khổ đó.
Tuy nhiên, trách nhiệm của Liên Hiệp Quốc với hòa bình và an ninh quốc tế là không đủ để khôi phục lại được toàn bộ các nhà nước thất bại và đang thất bại. Và không phải tất cả các nước đang thất bại đều ảnh hưởng xấu đến hòa bình. Bi kịch của Haiti chỉ do chính người dân nước này gánh chịu, và sự tan rã của Liberia chỉ là một mối nguy hiểm nhỏ với an ninh quốc tế, trừ tác động khiêm tốn của các luồng người tị nạn đến từ hai quốc gia này sang các nước láng giềng. Trong những trường hợp này, các nước thành viên lưỡng lự hơn trong việc ủng hộ sự can dự đa phương.
Sự lưỡng lự này có cả nguyên do luật pháp và chính trị. Từ phương diện pháp lí, Điều 2(7) của Hiến chương nói rằng Liên Hiệp Quốc không được phép can thiệp vào “các vấn đề nội bộ của bất kỳ quốc gia nào” trừ trường hợp Hội đồng Bảo an thực thi ý chí của mình bằng việc áp dụng Chương VII (như trong trường hợp trừng phạt Iraq, Libya, và Serbia). Vì thế Liên Hiệp Quốc rõ ràng không có quyền can thiệp vào các vấn đề hoàn toàn nội bộ trừ khi nhằm ủng hộ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an, hoặc có sự đồng tình của quốc gia liên quan.
Quan trọng hơn, các rào cản có nguồn gốc chính trị sâu xa cũng có xu hướng cản trở các định hướng sâu rộng của Liên Hiệp Quốc trong các vấn đề nội bộ của các nước, thậm chí là cả các tranh cãi về tính hợp lý của những sự can thiệp này. Những rào cản này bắt nguồn từ khái niệm “chủ quyền”. Khái niệm này trong luật quốc tế chưa được định nghĩa rõ ràng, vẫn được dùng để chỉ nhiều thứ khác nhau liên quan đến nền độc lập chính trị của một quốc gia – từ sự tồn tại như một đơn vị chính trị riêng biệt trên thế giới – đến quan điểm cực đoan hơn là tất cả các vấn đề nội bộ của một quốc gia đều nằm ngoài thẩm quyền giám sát của cộng đồng quốc tế. Các quốc gia giành độc lập sau 1945 đã rất coi trọng, thậm chí phóng đại tầm quan trọng của khái niệm chủ quyền. Các nước này, vốn tập hợp lại theo khu vực hay trong Nhóm 77 (nay đã có hơn 120 quốc gia) nhanh chóng chống lại mọi mối đe dọa nhận thấy được đối với chủ quyền dù đó là viện trợ nhân đạo hay công tác giữ gìn hòa bình của Liên Hiệp Quốc trong các cuộc nội chiến như ở Bosnia. Họ coi học thuyết chủ quyền chưa hoàn toàn hợp lý này như một thứ vũ khí chống lại các ý định xâm lược của các nước mạnh hơn.
Nhiều nước, đặc biệt là Trung Quốc trong những năm gần đây, dùng tấm khiên chủ quyền để tránh những chỉ trích quốc tế về các hồ sơ nhân quyền tồi tệ của họ. Lập trường của họ không lung lay mặc cho sự đồng thuận về nhân quyền đã hình thành trong hơn 40 năm qua – được pháp điển hóa trong Hiến chương, Tuyên bố Toàn cầu về quyền con người, hàng loạt các công ước Liên Hiệp Quốc, và được thể chế hóa thông qua Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc – rằng nhân quyền là mối quan tâm toàn cầu và cộng đồng quốc tế có quyền và nghĩa vụ thúc đẩy những phẩm giá cơ bản của con người tại tất cả các nước. Chủ quyền cũng đã được nêu ra để ngăn cản sự can thiệp quốc tế vào các vấn đề khác như ô nhiễm môi trường, sức khỏe cộng đồng, và ma túy.
Nhưng chiều hướng đang từ từ thay đổi, hay như Boutros-Ghali nói, có lẽ xu hướng này chưa bao giờ tiến xa tới mức mà những người ủng hộ khái niệm chủ quyền đã từng hình dung như vậy. Trong báo cáo tháng 6/1992 của mình, ông nhận thấy “thời đại của chủ quyền toàn diện và tuyệt đối… đã kết thúc, lý thuyết của nó không bao giờ phản ánh đúng với thực tiễn.” Ông kêu gọi “sự cân bằng giữa các nhu cầu của một nền quản trị trong nước tốt và các yêu cầu của một thế giới ngày càng phụ thuộc lẫn nhau nhiều hơn”. Việc lí thuyết chủ quyền không đúng với thực tế lịch sử đã được chứng minh, đặc biệt là qua phương cách cộng đồng quốc tế đã giúp đỡ các nước gặp khó khăn.
Ví dụ, nhiều chương trình hỗ trợ kinh tế đòi hỏi các nước nhận phải tiến hành một số chính sách mang tính chất hoàn toàn nội bộ. Những điều kiện này thường được chấp thuận, trừ một số phản đối thi thoảng xảy ra từ các nước nhận hỗ trợ. Một số điều kiện liên quan đến việc sử dụng tiền, như đảm bảo tiền được dùng cho một dự án nhất định. Một số khác ràng buộc viện trợ với các vấn đề khác như thực hiện nhân quyền, chính sách sung công và gần đây hơn là các nỗ lực dân chủ hóa. IMF buộc nước vay tiền phải chấp nhận các điều khoản chi tiết đòi hỏi họ phải cải cách, thậm chí là tái cấu trúc nền kinh tế. IMF đặt ra các mục tiêu về lạm phát, lượng cung tiền, và dự trữ ngoại tệ, các nước vay có rất ít lựa chọn và phải đồng ý nếu muốn nhận được hỗ trợ và các khoản vay. Vì thế nói chủ quyền tuyệt đối, theo nghĩa là quyền tự do hoàn toàn định đoạt các vấn đề quốc nội, không bị suy giảm khi các quốc gia này chấp thuận các khoản viện trợ quốc tế có điều kiện là không thuyết phục.
Tuy nhiên, viện trợ nhân đạo thường vẫn được cung cấp dù chính phủ nước nhận viện trợ có chính thức chấp thuận mọi chiến dịch hay không. Khi UNHCR được quyền vào một nước để chăm sóc người tị nạn, họ thường làm việc với chính phủ để hoàn thành mục tiêu. Ủy ban quốc tế Chữ thập đỏ khi cam kết giữ bí mật có thể được tiếp cận tù nhân và thực hiện các hoạt động nhân đạo, như trao đổi tù nhân ở các nước xảy ra nội chiến. Thậm chí khi các chính phủ không cho phép, như ở Afghanistan, Ethiopia, Sudan trong thập niên qua, các tổ chức nhân đạo vẫn tìm được cách để lách qua các chính sách chính thức. Bản thân Liên Hiệp Quốc trong một nghị quyết của Đại hội đồng vào tháng 6/1992 về quyền can dự nhân đạo đã đưa ra những nguyên tắc quan trọng liên quan đến những nỗ lực này. Nghị quyết ghi nhận rằng viện trợ nhân đạo “nên” (should) [không phải “sẽ” (shall – hàm ý bắt buộc – NHĐ) được chấp thuận bởi nước chịu ảnh hưởng (không phải là nhà nước [state] hay là chính phủ [government]) và về nguyên tắc là dựa trên thỉnh nguyện của nước bị ảnh hưởng.
Tương tự như vậy, các vấn đề môi trường cũng vượt quá quan niệm chủ quyền truyền thống. Tác động của sa mạc hóa, ấm lên toàn cầu, phá hủy tầng Ô-zôn, mưa a-xít ảnh hưởng đến mọi quốc gia. Để giải quyết các vấn đề này đòi hỏi một cơ chế quốc tế hạn chế các hoạt động trong nước như phát thải khí nhà kính.
Sự chấp nhận về dài hạn những hạn chế của chủ quyền tuyệt đối, sự xuất hiện các quan điểm của cộng đồng quốc về sự phù hợp và khía cạnh pháp lỳ của viện trợ nhân đạo đối với các nước gặp khủng hoảng, và sự sẵn lòng tăng lên của các nước thành viên trong việc giao phó cho Liên Hiệp Quốc nhiều quyền lực hơn, tất cả đều hướng tới những giải pháp mới để đối phó với hiện tượng các nhà nước thất bại. Cộng đồng quốc tế nên chuẩn bị cho những nỗ lực mới, có phạm vi rộng và thực sự cần thiết của Liên Hiệp Quốc nhằm thực hiện trách nhiệm cứu các quốc gia thất bại.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét