Ở tuổi 78 nhà văn Hoàng Quốc Hải đã có chuyến đi tới Vũng Áng trực tiếp tìm hiểu tình hình, đặc biệt là cuộc sống của ngư dân sau thảm họa cá chết. Sau đây là trích đoạn ký sự "SỰ BÌNH AN HAY FORMOSA" của ông. Ký sự có đoạn: "Bằng mọi giá phải giữ cho môi trường sinh thái biển lành mạnh, phải tác động trở lại cho môi trường biển miền Trung sớm phục hồi. Ngư dân không chỉ đánh bắt hải sản mà còn là đội quân giữ biển, giữ tài nguyên, và giữ chủ quyền quốc gia. Vắng họ, lập tức có kẻ khác thế chân ngay. Và kẻ thù không mong gì hơn ngư dân nước ta bỏ biển. Vì vậy phải tăng cuờng phương tiện cho ngư dân miền Trung đánh bắt xa bờ, thay vì hỗ trợ cho họ đổi nghề. Và nên nhớ, biển mới là cứu cánh cho sự sống còn, và sự bứt phá của cả dân tộc trong thế kỷ 21 này.
Mệnh nước đang nằm trong tay Quốc hội, trong tay bộ máy quyền lực Nhà nuớc. Hãy thuận theo ý dân mà chèo lái con thuyền dân tộc vượt qua khúc quanh lịch sử hiểm nguy này. Nếu muốn giữ cho mệnh nước trường tồn, phải giữ cho bằng được môi trường sinh thái biển trong lành và bình yên. Như vậy, chấp nhận Formosa tồn tại là điều không thích hợp. Vẫn chưa muộn, nếu ta phạt Formosa hành vi đầu độc môi trường, khởi kiện Formosa gây thảm họa môi trường ,và cuối cùng là mời họ ra khỏi nước ta"
SỰ BÌNH AN HAY FORMOSA
....
"Người hướng dẫn chúng tôi thăm khu công nghiệp Formosa Hà Tĩnh là một cô gái thuộc bộ phận đối ngoại, từng làm việc dưới quyền ông Chu Xuân Phàm, người phát ngôn khá ấn tượng trong cuộc họp báo đầu tiên sau vụ cá chết. Cô đi cùng xe với chúng tôi. Cô có khuôn mặt và mái tóc nom hao hao như các cô gái Trung Hoa, tôi hỏi:
- Xin lỗi, cháu là người Việt hay người Hoa?
- Dạ, cháu là người Việt ạ, cô gái đáp.
- Cháu tên chi, quê ở đâu?
- Dạ cháu tên Dung, quê ở Đà Nẵng.
- Cháu học ngoại ngữ tiếng Trung, và làm phiên dịch?
- Dạ đúng.
Nhà văn Trần Nhương hỏi:
- Các bác có được chụp ảnh không?
- Dạ được, nhưng chụp ít thôi ạ.
Xe vừa khởi động chầm chậm, tôi giơ máy ảnh chụp qua cửa kính. Lập tức người bảo vệ xộc ra đập tay vào cửa la:
- Không được chụp ảnh! Nom gương mặt anh có vẻ hậm hực, tức tối. Cảm thấy tội nghiệp, chỉ vì miếng cơm manh áo!
Tội nghiệp cho cả nền kinh tế nước nhà sau 30 năm đổi mới, vẫn thân phận kẻ làm thuê. Cao hơn nữa thì đua nhau làm gia công như dệt may, giầy dép, đồ gỗ… và bà thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội còn hí hửng khoe trước: “Năm nay nước ta có số lao động xuất khẩu cao nhất so với các năm trước.” Hình như những người lãnh đạo chưa nuôi được ý chí tự cường, giúp dân thoát cảnh làm mướn. Nhà nước chưa một lần khuyến khích người đi lao động nước ngoài phải chú ý học lấy nghề, để về nước tham gia vào các ngành sản xuất mà chỉ thuần túy giúp họ đi bán sức lao động.
Xe chúng tôi đi chầm chậm trong khu vực có đường băng chuyền đặt trên cao, nom như một đoàn tầu điện dài hun hút . Đường băng chuyền chạy từ phía bờ cảng Sơn Dương len lỏi vào khu vực các nhà máy.
- Cháu giới thiệu qua về Khu liên hợp này đi.- trong đoàn có người nói.
- Dạ, thưa các bác, xe chúng ta đang chạy trong khu vực nhà máy của Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Dự án khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương do Formosa làm chủ đầu tư có 3 hạng mục: Nhà máy luyện gang thép công suất 7, 5 triệu tấn/ năm; nhà máy điện công suất 650 MW và cảng nước sâu Sơn Dương. Tổng diện tích của dự án là 3.318,12 ha, trong đó diện tích mặt đất 2.025, 37 ha, diện tích mặt biển 1. 293, 35 ha.
- Cảng đón được tàu trọng tải bao nhiêu tấn và độ sâu bao nhiêu mét, tôi hỏi.
- Dạ, cháu thấy tầu lớn vẫn vào đây bốc hàng, còn trọng tải bao nhiêu cháu không rõ, độ sâu cháu cũng không biết.
Theo tìm hiểu, Sơn Dương thuộc loại cảng biển sâu nhất Việt Nam, độ sâu ổn định tới 20 mét, độ chênh thủy triều không ảnh hưởng tới việc tàu ra vào. Cảng này, tàu 300. 000 tấn có thể bốc xếp hàng thoải mái. Nghĩa là cả một Hạm đội lớn như Hạm đội 7 của Hải quân Hoa Kỳ, cũng có thể cập cảng Sơn Dương và trú tránh an toàn.Với độ sâu ấy, tầu ngầm cũng có thể ra vào dễ dàng. Hơn nữa trên bờ cảng, còn diện tích mặt đất khá rộng, vừa làm bến bốc, dỡ hàng hóa, khi cần có thể dẹp lại làm sân bay dã chiến. Nghĩa là Sơn Dương có khả năng vừa là cảng thương mại lớn vừa là căn cứ quân sự tuyệt hảo. Không thể hiểu, bằng cách nào mà Formosa lại chui được vào tử huyệt này của nước ta? Lại nữa nó được xây dựng nhanh với tốc độ chóng mặt, do 8 nhà thầu của Trung Hoa đại lục với cả vạn người họ ồ ạt kéo sang làm việc hối hả một cách đáng ngờ!
Khu kinh tế Vũng Áng ở chân núi phía bắc dẫy Hoành Sơn gồm các xã: Kỳ Nam, Kỳ Phương, Kỳ Lợi, Kỳ Long, Kỳ Liên, Kỳ Thịnh, Kỳ Trình, Kỳ Hòa, Kỳ Ninh thuộc huyện Kỳ Anh. Tổng diện tích hơn 30 km2. Nghĩa là nó chiếm hơn 1/10 diện tích của cả thị xã này.
Xe của chúng tôi vẫn lăn bánh trên những nẻo đường mà cô Dung chỉ dẫn. Không hiểu sao trong tôi lại nhen lên từ ký ức, rằng lúc này tôi có cảm giác y hệt hồi những năm đầu của thập niên 50 của thế kỷ 20, như tôi đang đi trong vùng địch tạm chiếm, mặc dù tôi đang đi trên đất nước của tôi, và người chủ tạm này theo hợp đồng, họ chỉ làm chủ có 70 năm thôi.Thực ra, theo luật pháp nước tôi, họ chỉ được phép thuê 50 năm, còn 20 năm gian dối kia là do có kẻ tiếp tay. Cũng như Hồng Kông Trung Quốc chỉ thuộc về người Anh có 99 năm. Nhưng Hồng Kông là nhượng địa.
Ngoài kia cảng Sơn Dương mênh mang nước, biển xanh rờn. Trong khu liên hợp này, các nhà máy dường như chưa khởi động. Tôi hình dung khi các nhà máy luyện gang thép và nhà máy điện khổng lồ kia hoạt động đồng bộ, khí thải phun khói bụi lên trời thì từ Vinh và Đồng Hới chắc nhận ra vị trí của Hà Tĩnh thật dễ dàng. Khu công nghiệp này khi vận hành, nó sẽ phát thải lên trời, thải qua các nguồn nước , thải trong lòng đất, trong đó có bụi than, có khí độc hóa chất, có chất rắn không hòa tan… Vậy là từ bầu trời, mặt đất, nguồn nước ngầm, dưới đáy biển sẽ đồng bộ nhận chất thải độc của khu công nghiệp Formosa. Tuy nó mới chỉ súc rửa đường ống thôi, đã hủy diệt môi sinh hơn 200 km biển chạy suốt bốn tỉnh, và không một sinh vật biển nào từ tầng mặt đến tầng đáy có thể sống sót, từ các loài tôm cua cá nghêu sò đến san hô rong tảo đều chết. Cá chết nổi trắng các bờ biển, một vụ đầu độc kinh hoàng. Một vụ đầu độc khổng lồ có dự mưu chứ không phải vô tình. Một thảm họa môi trường do con người gây ra với qui mô lớn như thế này, chưa từng một lần xảy ra trên Trái đất.
Tại sao nói có dự mưu? Có dự mưu là bởi thủ phạm có chuẩn bị, có tính toán cho hành vi và biết trước hậu quả. Điều này đã được Chu Xuân Phàm, người phụ trách đối ngoại của Formosa phát ngôn trước báo chí và lãnh đạo địa phương sau mấy ngày cá chết. Vẻ mặt giận dữ, thái độ ngông ngạo, lời nói xấc xược, y lớn tiếng quát hỏi: “Muốn cá hay muốn thép? Chọn tôm cá hay chọn thép? Muốn cả hai thì đến Thủ tướng cũng không làm được”.
Như vậy là cả Chu Xuân Phàm và lãnh đạo Formosa Hà Tĩnh, đều biết rõ tác hại của hóa chất mà họ dùng để súc rửa đường ống.Thật là một tội ác đã được sắp đặt.Vậy mà còn có kẻ bênh che.
Sau đó Formosa chối tội, đuổi Chu Xuân Phàm về Đài Loan. Chúng tôi thường bảo Chu Xuân Phàm thuộc trường phái hiện thực trần trụi.Và chính những lời thú tội của Phàm cũng là một bằng chứng phạm tội quả tang.
Vậy là kẻ thủ ác đã công khai thách thức và công khai thú tội. Đây là loại tội phạm môi trường, nhân chứng vật chứng có đủ. Vấn đề còn lại là luật pháp Việt Nam phải khởi tố và Tòa án phải xét xử, phải truy tố chứ không thể chỉ xin lỗi rồi cho qua. Hai đứa trẻ vì đói mà cướp mẩu bánh mì và vài thứ trị giá có 45.000đ còn phải ngồi tù,vì Tòa tuyên đó là hành động gây nguy hại cho xã hội.Thế thì kẻ đầu độc môi trường, tàn sát vô vàn sinh vật biển suốt một dải dài hơn 200 cây số , làm tê liệt nhiều ngành kinh tế và ảnh hưởng xấu tới đời sống hàng mấy chục vạn người. Và nửa thế kỷ sau chắc gì môi trường đã có thể hồi sinh.Thử hỏi tội ác ấy có nguy hiểm cho xã hội không? Có xứng đáng để truy tố không, hay nó không nguy hại bằng hai đứa trẻ cướp mẩu bánh mì? Đây còn chưa kể đến cú sốc tâm lý cực lớn đối với mọi người, đặc biệt là đối với trẻ em thì việc sang chấn thần kinh, sang chấn tâm lí sẽ ảnh hưởng suốt cuộc đời. Liệu Formosa và những kẻ rước Formosa vào có thể đền bù được tội ác này không?
Đi 16 km, được một góc khu công nghiệp Formosa, cũng tức là chúng tôi chỉ được phép cỡi ô tô xem nhà xưởng và sắt thép trong phạm vi đó.
Tiếp theo chúng tôi vào thăm bà con ngư dân tái định cư ở Đồng Yên thuộc xã Kỳ Lợi huyện Kỳ Anh. Một con đường chạy giữa hai dẫy nhà thưa thớt. Đây là khu vực của các gia đình ngư dân tái định cư. Trời nắng nóng như thiêu, nhiệt độ ngoài trời đến 40 độ C, bốn bề không một bóng cây. Các nhà cất còn tạm bợ, nhiều nhà chưa hoàn thiện. Chúng tôi ghé một ngôi nhà nhỏ ven đường. Ngôi nhà vừa cất xong, chỉ có tường vách, không thấy một thứ đồ đạc gì đáng giá ngoài đống lưới cuốn gọn trong góc nhà cỡ chừng một mét khối. Một người phụ nữ bế con bên nách nhìn ra đường vẻ ngơ ngác. Chúng tôi bước vào nhà hỏi chuyện. Được biết dẫy nhà lơ xơ đây thuần dân tái định cư của xã Kỳ Lợi, tất cả đều là ngư dân bám biển sống từ nhiều đời. Nơi tái định cư có tên là xóm hoặc làng Đồng Yên. Gọi là Đồng Yên, nhưng lòng người lại không yên. Chị chủ nhà tên Nguyễn Thị Vinh, sinh năm 1983, tuổi Nhâm tuất. Nhà văn Trần Nhương trêu: “Quý Hợi - con lợn vàng, giàu rồi, lo gì”.
Như đụng vào nỗi lòng đang lo lắng buồn đau, chị Vinh than thở:
- Ông ơi, con đang lo không biết sống sao đây. Mấy tháng nay thuyền úp bến, lưới chồng đống khô rang, thèm con tôm con cá đến xót cả ruột. Chị Vinh có hai con nhỏ, bốn tuổi và hai tuổi. Chồng, anh Nguyễn Văn Tâm sinh năm 1975.
Thấy tôi ghi tên tuổi của vợ chồng chị Vinh, bà con xóm giềng kéo đến rất đông. Họ không cần biết chúng tôi là ai. Tất cả đòi ghi tên và số người trong nhà. Nguyễn Thị Thơ 55 tuổi, chồng là Hoàng Văn Từ 55 tuổi, nhà có 10 khẩu. Thôi thế nhà em xong rồi. Bà Thơ vừa quay ra, người khác đã len vào xướng danh.
Nhà văn Trần Nhương giải thích:
- Bà con ơi, chúng tôi là khách qua đây chứ không phải cơ quan công quyền gì đâu. Bà con không để ý, vẫn cứ đòi ghi tên - Hoàng Kham, bác ghi đi. Nhà em 10 khẩu, 4 lao động biển.
Tôi hỏi xen: - Thế bây giờ bà con đã đi biển được chưa?
- Chưa! Nước vẫn còn ngứa lắm. Trong lộng chưa thấy có cá tôm gì.
- Thế ra khơi được chứ ạ?
- Khơi thì được nhưng phải có thuyền lớn. Mới lại đánh bắt về bán cho ai. Dù cá sạch, dân vẫn không dám ăn. Nhà nước chưa hướng dẫn chỉ số an toàn, chưa có chỉ dẫn gì hết, ai dám mạo hiểm.
- Bác ơi, em Nguyễn Văn Thành 57 tuổi, nhà 8 khẩu.
- Em Nguyễn Bá Thạch 62 tuổi, nhà 6 khẩu.
- Em Phạm Minh 54 tuổi, nhà 8 khẩu v.v…
Tất cả bà con đều là ngư dân thuộc xã Kỳ Lợi.
Chúng tôi hỏi:
- Từ ngày phải ngừng đi biển, bà con có được Nhà nước hỗ trợ gì không?
- Dạ có, tháng đầu mỗi khẩu được 15 kí gạo, sau này nhờ cha xứ và các sơ giúp đỡ. Nhưng bác bảo chỉ có hạt gạo không sống sao nổi. Còn trăm thứ khác phải tiêu pha chứ. Trước, mọi thứ chi tiêu đều lấy từ biển. Không biết rồi đây sẽ sống ra sao.
- Các bác có làm gì thêm để kiếm tiền không?
- Trước Formosa thuê lặn 18 triệu, nay họ gọi thuê 50 triệu, chẳng ai đi.
- Sao lại không đi?
- Đi cho mà chết à. Tôm cá còn chẳng sống được. San hô, hoa đá còn chết. Chết tiệt, chẳng còn gì cả. Mình lặn xuống cho toi mạng à. Đã có người chết vì lặn thuê cho họ rồi đấy.
Tôi gợi chuyện bà con:
- Vậy chớ bây giờ Nhà nước hỗ trợ cho bà con chuyển nghề. Rồi trong nhà có thanh niên mạnh khỏe, Nhà nước đào tạo nghề rồi cho sang Đài Loan lao động, bà con có ưng không?
- Không! Chúng em suốt đời bám biển. Nay làm rừng, làm ruộng không làm được, không sống được. Con cái dốt nát, chữ nghĩa ít. Các ông cho học vớ vẩn rồi cho sang Đài Loan. Họ nhận vào làm việc tay chân vài tháng rồi kêu hết việc. Họ hỏi có biết vận hành máy móc không. Không biết, họ tống về. Thế là ôm nhau chết đói cả lũ.
- Vậy nguyện vọng bà con thế nào?
- Chúng tôi muốn biển. Muốn Nhà nước bắt Formosa làm sạch biển cho chúng tôi sinh sống. Muốn Nhà nước tống cổ Formosa đi thì chúng tôi mới yên tâm làm ăn.
- Tôi nói, nếu Nhà nước đền bù thỏa đáng, bà con nghĩ sao?
- Không! Đã bảo không là không. Không đền bù. Tiền ấy đem làm sạch biển cho ngư dân. Chúng tôi cần sinh sống lâu dài trên đất của tổ tiên đã tạo lập từ ngàn đời. Dân chài 4 tỉnh miền Trung này tới cả mấy chục vạn chứ ít đâu. Lại còn bao nhiêu, bao nhiêu là người sống theo con cá nữa chứ, nó không đơn giản như các ông nghĩ. Các ông hay nghĩ quẩn lắm, định đem vài tờ giấy bạc làm mờ mắt chúng tôi sao?
Được bà con dạy cho một bài học,tôi chưa kịp đáp lời. Một ông già nom có vẻ đàng hoàng chững chạc, nhìn thẳng vào mắt tôi, ông hỏi:
- Có thật các ông muốn ngư dân chúng tôi chuyển nghề, để trao biển cho Trung Quốc không? Đời đời dân tôi bám biển là để giữ biển. Giữ biển là giữ nước đấy.
Câu hỏi vỗ mặt của người dân chài khiến tôi bàng hoàng. Chưa kịp nói lời xin lỗi, ông đã bỏ đi.
Đúng là dân biển ăn sóng nói gió, chém to kho mặn, đã nói một là một, hai là hai.
Chia tay bà con, chúng tôi ra bãi biển Vũng Áng. Trời nắng chang chang, biển đầy ắp nước. Nước xanh ngăn ngắt, sóng vỗ lăn tăn như mời gọi mà không ai dám nhúng tay xuống nước. Bãi cát trắng phau. Những con thuyền thúng úp sấp nom như những nấm mồ. Những con thuyền dài bọc phủ ni lông trắng toát, nom như những ngôi mộ mới vừa chôn cất. Mép nước san sát những con thuyền bỏ biển neo đậu, bập bềnh theo nhịp sóng vỗ, như một điệu ru buồn.
Nhìn cảnh tượng đau lòng, lại nhớ đọc mạng, thấy các đại biểu Quốc hội đang làm nóng hội trường về chuyện Formosa.
Ông Trương Trọng Nghĩa đại biểu đoàn thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Quốc hội phải thảo luận vấn đề Formosa.
Rõ ràng Formosa tàn sát môi trường biển miền Trung là một sự kiện động trời.
Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, phó Chủ tịch Quốc hội: “Câu hỏi đặt ra là môi trường khi nào được khắc phục, nghề cá của ngư dân đến khi nào khôi phục được? Nếu không trả lời được những câu hỏi, không có dự kiến, giải pháp đủ mạnh sẽ rất khó lường, không chỉ là câu chuyện kinh tế mà còn nhiều vấn đề khác… Tôi thấy vụ việc Formosa còn là vấn đề tiềm ẩn lâu dài. Nếu không lường trước, tình hình sẽ còn diễn biến hết sức phức tạp. Vấn đề ở đây không chỉ đơn giản là kinh tế mà còn gắn với quốc phòng, an ninh.”
Có đại biểu đòi lập Ủy ban giám sát đặc biệt Formosa.
Ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội nêu vấn đề:
“Chính phủ cần làm rõ nguyên nhân chủ quan liên quan đến việc phê duyệt, thẩm định dự án này. Bởi vì theo thông tin, đây là dự án nước ngoài rất lớn nhưng được phê duyệt rất nhanh. Đánh giá tác động môi trường cũng được phê duyệt rất nhanh. Rồi họ đòi hỏi ưu đãi nọ, ưu đãi kia cũng được phê duyệt rất nhanh. Và cuối cùng hậu quả tai hại cũng rất nhanh”.
Có đại biểu Quốc hội còn đề nghị đem vấn đề Formosa ra trưng cầu dân ý.
Ông Trần Hoàng Ngân đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh nói: “ Khi giải quyết vấn đề Formosa phải xem đây là dự án quốc gia. Các Ủy ban của Quốc hội phải tăng cường giám sát đã trả lời thỏa đáng cho cử tri dự án này có xứng đáng tồn tại không, theo quan điểm của cá nhân tôi là không”.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa đoàn Tp Hồ Chí Minh nói về Formosa có đề cập đến ý kiến của cử tri: “ Cử tri cũng đặt câu hỏi là cho đến nay chưa thấy các đại biểu Quốc hội ở các tỉnh miền Trung và các Ủy ban của Quốc hội có ý kiến gì cả, chí ít là cũng có thông tin, chí ít là dự kiến sẽ làm gì”.
Vậy là các đại biểu Quốc hội đã phản ánh trung thực nguyện vọng của dân. Dân muốn được thông tin minh bạch. Dân muốn truy cứu trách nhiệm người lập và người phê duyệt ưu đãi dự án Formosa nhanh đến chóng mặt. Dân không muốn có Formosa.
Rời Vũng Áng, đoàn chúng tôi vào Thiên Cầm. Biển đẹp như mơ, bãi cát thoải, đây đó có một vài chiếc dù xòe to, dăm chiếc ghế nhựa xanh đỏ để chụm, chờ khách. Bãi tắm Thiên Cầm bình thường ai đã ghé thăm vào mùa nóng, khó có thể cầm lòng đi nơi khác. Phải nói vẻ đẹp của bãi Thiên Cầm có sức gợi cảm đến mê hồn. Vậy mà mùa hè này nó trở nên đìu hiu, cô quạnh. Các quán hàng trên bến vắng teo. Chủ quán nọ nhìn sang chủ quán kia chuyện vãn.
Tôi hỏi cô Tám Hạnh - một chủ quán, việc kinh doanh hàng họ thế nào.
Cô ngáp dài uể oải đáp:
- Chán lắm bác ơi, ế lắm. Từ đầu tháng tư, sau vụ cá chết trắng biển, khách qua đây đi vội như đi qua vùng có bệnh dịch chứ không ghé nghỉ như mọi năm. Mọi năm vào cữ này, chúng cháu bận túi bụi từ sáng sớm đến nửa đêm.
- Quán nhà ta có mấy người phục vụ.
- Nhà cháu có 12 người, nhận thêm 8 người giúp việc.
- Năm nay vắng khách, cô cho người giúp việc nghỉ hết à.
- Thôi thì cầm cự nuôi nhau tạm bác ạ, đuổi họ đi đâu. Ở đây nó định hình công việc rồi. Rời biển là chết đói.
- Nếu Nhà nước hỗ trợ cho cô chuyển nghề, cô có ưng không.
- Không. Nhà nước để tiền ấy với tiền Formosa đền bù, làm sạch biển cho dân chúng cháu làm ăn thôi. Không lấy đền bù, cũng không đi đâu cả, dân chúng cháu đã có kiến nghị cả rồi.
Sáng sớm, chúng tôi ra cảng cá Cẩm Nhượng. Thuyền về bến, tôm cá lèo tèo. Thấy một tốp gần chục phụ nữ ngồi bới đống rong rêu nhặt ốc, sò và cá lẹp. Lại một tốp đang phân loại tôm đóng vào thùng xốp.
Tôi hỏi ông chủ có tên Trần Kỳ khoảng ngoài 50 tuổi.Ông Kỳ chỉ tay về phía những con thuyền bên mép nước nói:- 15 thuyền về bến mà chỉ có bằng này sản phẩm, chừng năm, sáu chục cân. Ông cho biết biển Thiên Cầm nằm về phía cực bắc của Hà Tĩnh, nên ít chịu ảnh hưởng. Nhưng sản lượng đánh bắt tụt hẳn, chỉ bằng một phần tư, một phần năm các vụ trước. Giá cả cũng tụt quá nửa. Có đánh bắt về cũng không bán được cho ai.
- Vậy ông đóng các thùng tôm kia chở đi bán ở đâu?
Ông Trần Kỳ cười như mếu:
- Chở ra Vinh, ra Thanh Hóa, ra Hà Nội bán cho các bác chứ chở đi đâu. Bây giờ làm ăn chán lắm. Tôi có hai thuyền đánh cá, phải cho ra đánh bắt tận Quảng Ninh. Mong sao biển sạch trở về làm ăn như cũ.
Chúng tôi gặp nhiều người khác nhau, từ ngư dân trực tiếp đi biển, đến người thu gom phân phối; người chế biến các sản phẩm như làm nước mắm, buôn bán cá, tôm, mực khô, người chở xe thồ, xe điện, người kinh doanh nhà hàng, khách sạn, tất cả họ đều mong muốn biển sạch để được làm ăn như cũ. Trước khi biển bị Formosa đầu độc chẳng nói làm gì, nay là ước mơ của dân biển sao cho trở về được cái ngày xưa ấy.
Trở lại các vấn đề của dự án Formosa. Cái gì cần nói, các đại biểu Quốc hội đã nói cả rồi. Chỉ tiếc các cơ quan quản lý Nhà nước ta, nghiệp vụ mỏng quá. Ngay như Bộ Tài nguyên- Môi trường, cuối năm 2015 vào kiểm tra các chỉ số môi trường của Formosa vẫn cảm thấy bình yên.
Các cấp lập và phê duyệt dự án cũng không hình dung được khu công nghiệp sẽ hoạt động như thế nào, do đó không đặt ra các tiêu chí đảm bảo môi trường như một điều kiện tiên quyết để phê duyệt dự án.
Đọc một đoạn sau đây, sẽ hình dung ra tất cả: “Khu kinh tế Vũng Áng được Thủ tướng Chính phủ thành lập theo quyết định số 72/2006 QĐ-TTg ngày 3.4.2006 có diện tích 2.278,1 ha là khu kinh tế đa ngành đa lĩnh vực với trung tâm:
- Phát triển các ngành luyện kim với lợi thế tài nguyên, nguồn nguyên liệu, các ngành công nghiệp gắn với khai thác cảng biển, khu công nghiệp trung tâm nhiệt điện và lọc dầu.
- Phát triển đồng bộ khu liên hiệp Vũng Áng – Sơn Duơng bao gồm đầu tư khai thác có hiệu quả khu liện hợp cảng, phát triển dịch vụ cảng và các dịch vụ vận tải để tạo thành một trong những cửa ngõ ra biển quan trọng của bắc Trung Bộ.
- Xây dựng khu đô thị mới Vũng Áng đồng thời ưu tiên phát triển du lịch sinh thái, khu du lịch nghỉ dưỡng biển trở thành các điểm du lịch quan trọng trong tuyến du lịch ven biển bắc Trung Bộ.
Đúng là các nhà lập kế họach phát triển kinh tế không tưởng, và lãng mạn hơn nhiều các nhà thơ lãng mạn.
Truớc hết, không bao giờ chủ nhân Formosa lại đầu tư khai thác mỏ quặng nằm sâu trong lòng đất hàng trăm mét. Lại còn muốn biến nơi đây thành “ thành phố sinh thái du lịch nghỉ duỡng quan trọng trong tuyến du lịch ven biển miền Trung.”
Rõ ràng họ không hiểu luyện thép, lọc hóa dầu, nhiệt điện là những ngành công
nghiệp bẩn, độc hại hàng đầu, làm sao lại có thành phố du lịch sinh thái song hành được. Bởi vậy rất khó tìm được nước nào chịu hy sinh môi truờng cho nhà đầu tư loại công nghiệp này.
Chẳng thấy, nó mới súc rửa đường ống đã làm cho nhiều ngành kinh tế miền Trung lao đao, cả mấy trăm ngàn người bị ảnh hưởng xấu. Tôm cá không đánh bắt được, biển chết, kinh doanh du lịch và nhiều ngành phụ trợ khác tê liệt. Nếu còn dung dưỡng Formosa, chắc chắn họ sẽ biến không chỉ Hà Tĩnh thành bãi chứa rác thải nguy hiểm ,và nó không chỉ đe dọa về môi trường sinh thái, mà nó còn nguy hiểm tới cả an ninh quốc phòng như tướng Đỗ Bá Tỵ cảnh báo.
Khi ông Hồng Phú Nguyên (Hong Fu Yan) Chủ tịch tập đoàn nhựa và sợi Formosa Đài Loan phủ nhận Formosa Hà Tĩnh tàn sát môi truờng biển, bà Lâm Nhân Huệ ( Lin Jen Hui) Tổng thư kí Hội thẩm phán môi truờng Đài Loan nói : “Nếu Tập đoàn tin rằng họ bị kết tội oan uổng, tại sao họ lại xin lỗi và bồi thường 500 triệu USD?” Và điều này mới thực sự quan trọng. Bà Lâm Nhân Huệ nói tiếp : “Nếu Formosa chính thức họat động và xả tới 45.000 m3 nước thải /ngày, đúng như mức Bộ Tài nguyên – Môi truờng của Việt Nam cho phép thì tầm vóc của thảm họa kế tiếp sẽ lớn gấp nhiều lần. Nói cách khác, không bao giờ loại trừ được khả năng Formosa có thể tạo ra một thảm họa mới khiến cá chết trắng suốt 3.000 cây số bờ biển chạy dọc Việt Nam” (Nguồn: Người Việt 15.7.2016) .
Chớ coi thường lời cảnh báo nghiêm khắc mang tính khoa học và xây dựng của một người có trách nhiệm và có lương tri. Hơn nữa bà Lâm Nhân Huệ còn là đồng bào gần gũi của Tập đoàn công nghiệp Formosa.
Hãy nghe thêm một ý kiến nữa của ngài nghị sĩ Su Chih Feng, cựu thị trưởng Văn Lâm (Đài Loan) cho rằng : “Formosa là con quái vật khổng lồ, do đó phải cẩn trọng và cứng rắn khi hợp tác với tập đoàn này” ( Nguồn ZingVN).
Nhân đây xin nói thêm về giá trị của biển Việt Nam. Trước hết phải nói, nước ta không phải là một nước nhỏ. Xin mọi người đừng có tự ti.
Nước ta có gần một trăm triệu dân,về dân số đứng thứ 14 trên thế giới. Nếu biết khai thác có hiệu quả tiềm năng trí tuệ và sức lao động, khối người này có thể làm cho bất cứ một quốc gia nào giàu mạnh. Ấy là chưa nói đến truyền thống lịch sử, văn hóa và tố chất của nguời Việt Nam. Diện tích đất đai chỉ có hơn 320.000km2 cũng không phải là quá chật. Song ta có thế mạnh về biển, bờ biển trải dài từ Bắc vào Nam tới 3.260km, và không gian biển của ta tới trên một triệu km2 , gấp gần bốn lần diện tích đất liền. Nhiều tài nguyên khoáng sản trong lòng biển. Một phần rất nhỏ tài nguyên đó ta đang khai thác: dầu và khí đốt. Tài nguyên về hải sản cũng không nhỏ. Ta chưa có thống kê, nhưng các nước bạn như Thái Lan, riêng nguồn lợi về hải sản đã chiếm 2% GDP, còn Indonesia, nguồn lợi này chiếm tới 5% GDP. Do đó biển là không gian sinh tồn, có tiềm năng dồi dào để nuôi sống con người và phát triển đất nước trong hiện tại và cả tương lai. Trái lại trên mặt đất, các tài nguyên thiên nhiên như rừng và than đá, ta khai thác gần như cạn kiệt. Các loại khoáng sản khác đều có nhưng trữ lượng không đáng kể, không đủ khai thác công nghiệp. Về đất đai nông nghiệp, chủ yếu dựa vào vựa lúa đồng bằng Nam Bộ, thì đang bị đe dọa nghiêm trọng vì nguồn nước do Trung Quốc khống chế từ thượng nguồn. Nếu quan hệ hai nước xấu đi, Trung Quốc sẽ đóng nước mùa khô và xả nước mùa lũ, vựa lúa Nam Bộ trở nên úng lụt và khô mặn. Nghĩa là đồng bằng Nam Bộ chẳng còn lợi thế gì nữa. Và an ninh lương thực quốc gia trở nên bấp bênh, khó lường.
Nên nhớ giới thống trị Trung Hoa từ cổ xưa tới nay, trừ những điều nhân nghĩa thì không việc tàn bạo nào họ không dám làm. Ngay cả giết hàng loạt dân họ chỉ vì nghi kị vu vơ, họ cũng không ngần ngại, huống chi đối với láng giềng mà họ đang mưu toan thôn tính.
Trung Quốc không hề có bạn bè. Họ luôn đặt các nước vào hàng tôi tớ, phụ thuộc, hoặc thù địch.
Cho nên bằng mọi giá phải giữ cho môi trường sinh thái biển lành mạnh, phải tác động trở lại cho môi trường biển miền Trung sớm phục hồi. Ngư dân không chỉ đánh bắt hải sản mà còn là đội quân giữ biển, giữ tài nguyên, và giữ chủ quyền quốc gia. Vắng họ, lập tức có kẻ khác thế chân ngay. Và kẻ thù không mong gì hơn ngư dân nước ta bỏ biển. Vì vậy phải tăng cuờng phương tiện cho ngư dân miền Trung đánh bắt xa bờ, thay vì hỗ trợ cho họ đổi nghề. Và nên nhớ, biển mới là cứu cánh cho sự sống còn, và sự bứt phá của cả dân tộc trong thế kỷ 21 này.
Mệnh nước đang nằm trong tay Quốc hội, trong tay bộ máy quyền lực Nhà nuớc. Hãy thuận theo ý dân mà chèo lái con thuyền dân tộc vượt qua khúc quanh lịch sử hiểm nguy này.
Nếu muốn giữ cho mệnh nước trường tồn, phải giữ cho bằng được môi trường sinh thái biển trong lành và bình yên. Như vậy, chấp nhận Formosa tồn tại là điều không thích hợp. Vẫn chưa muộn, nếu ta phạt Formosa hành vi đầu độc môi trường, khởi kiện Formosa gây thảm họa môi trường ,và cuối cùng là mời họ ra khỏi nước ta.
Nếu không, thì như lời bà Lâm Nhân Huệ, Tổng thư kí Hội thẩm phán môi trường quốc đảo Đài Loan đã cảnh báo: “… Không bao giờ loại trừ được khả năng Formosa có thể tạo ra một thảm họa mới khiến cá chết trắng suốt 3.000 cây số bờ biển chạy dọc Việt Nam.”
“Formosa là con quái vật khổng lồ, phải cẩn trọng và cứng rắn khi hợp tác với Tập đoàn này!”. Đó là lời cảnh báo, cũng của một người Đài Loan.'"
( bài đăng trên vanvn.net; ảnh Nhà văn Hoàng Quốc Hải và nhà văn Trần Nhương trò chuyện với ngư dân miền Trung)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét