Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Tư, 10 tháng 8, 2016

Tương lai doanh nghiệp Việt Nam (nhìn từ cuộc giao lưu giữa ông Phạm Nhật Vượng với Viettel)

…Sự giàu có và thành đạt dưới một chế độ độc tài như VN chưa chắc đã bền vững. Tấm gương của Bầu Kiên, Huỳnh Uy Dũng vẫn còn đó. Chính quyền VN đang cạn tiền và vì tiền họ có thể làm tất cả. Những con “vịt béo” sẽ là đối tượng được chú ý đầu tiên…”
 
 
vingroup_viettel01
Video buổi nói chuyện giữa tỉ phú đầu tiên của Việt Nam Phạm Nhật Vượng với cán bộ tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel mới đây đã gây xôn xao dư luận. Viettel đã nhanh chóng gỡ bỏ clip này khỏi youtube nhưng những người quan tâm vẫn có thể xem được video này trên những trang mạng khác.
Thật ra thì những gì ông Phạm Nhật Vượng (PNV) chia sẻ với Viettel hoàn toàn không có gì mới. Tất cả những ai có chút hiểu biết về nền chính trị của VN cũng đều biết rõ như vậy.
PNV là cựu du học sinh tại Nga, sinh ngày 5/8/1968. Năm 1993 PNV chuyển đến thành phố Kharkov, Ukraine. Sự nghiệp của PNV đi lên từ đây. Bắt đầu từ việc mở một trung tâm thương mại kiểu Đôm 5 ở Moskva. Mô hình này thất bại, PNV cùng với Lê Viết Lam (chủ tịch tập đoàn Sungroup) chuyển sang kinh doanh và thâu tóm khu chợ lớn nhất tại Kharkov.
Mô hình chợ phát triển rực rỡ tại Nga, Ukraine và các nước Liên-xô cũ sau khi liên bang Xô-viết tan rã. PNV nhanh chóng trở nên giàu có. Là một người có tư chất và đầu óc kinh doanh nên PNV đã chuyển nhượng cổ phần của mình tại chợ cho Lê Viết Lam để đầu tư vào nhà máy chế biến mì ăn liền Mivina.
Sau khi gây dựng được thương hiệu Mivina và tạo dựng được cho mình hình ảnh một doanh nhân thành công nơi xứ người với những việc làm như tài trợ cho Hội người Việt Nam tỉnh Kharkov, xây khu chung cư riêng cho người Việt (Làng Thời Đại), xây chùa Trúc Lâm Kharkov, xây trường học tiếng Việt cho con em cộng đồng… PNV bắt đầu chuyển hướng đầu tư về VN.
Hai công trình đánh dấu cho sự xuất hiện của PNV tại VN là Vinpearl Nha Trang và Vincom Hà Nội. Trong 5 năm gần đây thì qui mô tài sản của Vingroup đã tăng gấp 4 lần, lên tới 6,5 tỉ USD (theo báo chí VN).
Tập đoàn Vingroup của PNV trở thành một trong những tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam với các hoạt động chính trong các lĩnh vực: Bất động sản (nhà ở, khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại…), du lịch – nghỉ dưỡng, bán lẻ, y tế, giáo dục và nông nghiệp… PNV được biết đến với các dự án lớn như Vinhomes Riverside, Royal City, Times City, Vinhomes Central Park, Vinhomes Nguyễn Chí Thanh, Vinhomes Times City – Park Hill…
Hệ thống trung tâm thương mại của Vincom Retail cũng liên tục khai trương hàng loạt cơ sở mới tại các tỉnh thành như Đà Nẵng, Cần Thơ, TPHCM, Hải Phòng… và ông PNV cho biết sẽ tiếp tục mở thêm nhiều trung tâm thương mại mới từ nay tới cuối năm.
Trong lĩnh vực du lịch – nghỉ dưỡng có thể kể đến Vinpearl Hạ Long Bay Resort, Vinpearl Phú Quốc, Vinpearl Nha Trang Resort & Villas… Các lĩnh vực hoạt động khác như y tế, giáo dục, bán lẻ, thương mại điện tử… đang tiếp tục được đầu tư và mở rộng. Trong năm 2015, với dự án VinEco, Vingroup đã tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, với các sản phẩm nông sản sạch.
Năm 2013 PNV được tạp chí Forbes đưa vào danh sách tỉ phú thế giới với khối tài sản trên 1 tỉ USD. PNV là người khá kín tiếng và ít xuất hiện trước công chúng. Ông cho biết đây là lần đầu tiên “ra khỏi hang”.
Việc Tập đoàn Viễn thông quân đội VN Viettel, một tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước lớn nhất VN mời ông PNV đến để giao lưu với cán bộ của mình và với sự kính trọng dành cho doanh nhân PNV đã minh chứng cho vị thế của Vingroup và PNV đối với giới kinh doanh tại VN.
Như chúng ta đều biết, Viettel là một tập đoàn thuộc Doanh nghiệp nhà nước (DNNN), hoạt động trong lĩnh vực viễn thông. Người đứng đầu tập đoàn này là thiếu tướng, ủy viên trung ương đảng Nguyễn Mạnh Hùng. Phải công nhận là ông Hùng có tư chất làm… lãnh đạo. Suốt buổi giao lưu này ông Hùng đã chứng tỏ mình là người điềm đạm, khiêm tốn, biết lắng nghe và cầu tiến. Một ngạc nhiên khá thú vị đó là các vị lãnh đạo Viettel từ ông Hùng, ông Dũng (thiếu tướng, bí thư đảng ủy) cho đến các cán bộ lãnh đạo khác của Viettel đều có phong thái của một đội ngũ cán bộ thuộc một tập đoàn kinh tế… tư nhân. Chúng ta đều thấy được sự chân tình, cởi mở, thắng thắn và cầu thị dù rằng ông Dũng (bí thư đảng ủy) cho biết nhiệm vụ của ông trong tập đoàn Viettel là để nó không trở thành… tư nhân.
Vì sao có buổi gặp gỡ và giao lưu này? Chúng tôi không nghĩ là Vingroup và Viettel có ý định sát nhập lại với nhau vì PNV là người khôn ngoan từng trải, không dại gì “kết hôn” với Viettel để gây phiền phức cho tương lai. PNV nói rõ là dù có “vì đất nước nhưng cũng phải bán cho anh theo giá trị trường’. Lý do có thể là Viettel đang gặp vấn đề về phát triển.
Viettel là tập đoàn lớn nhất thuộc sở hữu nhà nước, dù sinh sau đẻ muộn so với Vinaphone hay Mobifone nhưng đã trở thành một thương hiệu mạnh với tài sản lên tới 11-12 tỉ USD và trở thành một trong ba nhà mạng lớn nhất VN. Viettel sỡ dĩ phát triển mạnh như vậy là nhờ vào ưu thế của một công ty nhà nước, đặc biệt là của quân đội. Tuy nhiên sự phát triển của Viettel đã đạt đến giới hạn của nó. Sau khi thành công ở VN thì Viettel đang có ý định đầu tư ra nước ngoài và trở thành một tập đoàn mang tầm quốc tế. Đây là một tham vọng quá lớn của Viettel và chắc chắn sẽ thất bại. Lý do cũng rất giản dị vì không có một công ty nào thuộc DNNN có thể thành công trên trường quốc tế. Sự cứng nhắc và không có quyền tự quyết của ban lãnh đạo sẽ trói chân họ.
Ban lãnh đạo Viettel, có lẽ ý thức được điều đó nên họ muốn mời PNV đến để chia sẻ những kinh nghiệm của Vingroup. Chúng tôi cho rằng điều đó cũng chẳng đi đến đâu. Vingroup lẫn Viettel chỉ có thể thành công với môi trường chính trị của VN. Trong một môi trường văn minh và luật pháp rõ ràng thì họ khó có thể phát triển nhanh như vậy.
Chúng ta đều biết là tất cả các đại gia VN đều phất lên nhờ đất với công thức “doanh nghiệp chi tiền và chính quyền thu đất”, tất nhiên là chính quyền thu hồi đất và đền bù cho người dân với giá rẻ mạt và bán lại giá cao cho các doanh nghiệp và các doanh nghiệp bán lại cho người tiêu dùng với giá trên trời. Hàng triệu dân oan đang lay lắt trên con đường đi tìm công lý là nạn nhân của liên minh quyền–tiền này.
Đây là một sự thực đau lòng mà chính quyền VN đang gây ra cho người dân VN. Các doanh nghiệp VN cũng không thể làm khác đi được dưới chế độ này vì “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Dù sao thì Vingroup vẫn khá hơn tất cả các doanh nghiệp khác vì đã đầu tư có bài bản và hệ thống vào những lãnh vực có tiềm năng như y tế, giáo dục, nông nghiệp…
PNV là người dám nghĩ dám làm, người không thích thì cho rằng PNV tàn nhẫn, người thích thì cho là bản lĩnh. PNV là người giỏi thiết lập các quan hệ ngoại giao với giới lãnh đạo chính trị. Việc PNV tồn tại, phát triển và rút lui khỏi Ukraine an toàn cũng đã là một chiến công lớn. Thiên hạ đồn rằng PNV có nhiều “bố nuôi” trong đó có một ông cựu chủ tịch nước. PNV biết cách bảo vệ mình, đó là tạo dựng các mối quan hệ sâu rộng trong chính quyền và luôn hoàn thiện về mặt pháp lý cho công ty như thủ tục giấy tờ, đóng thuế, xử lý tranh chấp nội bộ...
Vingroup là công ty tư nhân nên họ có thể đầu tư đa ngành, đa nghề và họ vẫn còn cơ hội mở rộng đầu tư sang các lĩnh vực khác tuy nhiên Viettel thì không vì các DNNN không được phép như vậy sau những đổ vỡ kinh khủng của các DNNN như Vinashin, Vinalines…
Có một sự thật mà ông PNV chia sẻ đó là dù lớn như Vingroup nhưng luôn phải “sống trong sợ hãi” nhất là khi có vị lãnh đạo cao cấp nào đó “khó ở”. Ở đây có một sự mâu thuẫn đến kỳ lạ đó là bản thân PNV cũng biết và thích kinh doanh trong môi trường của một chế độ dân chủ, nơi có pháp luật rõ ràng và minh bạch như các nước phương Tây hay Singapore. Ông nói đúng là khi đầu tư vào các nước đó thì lãi xuất rất thấp nhưng an toàn và không đau đầu. Tuy nhiên cũng như hầu hết giới doanh nhân thành đạt tại VN, họ đều không hoặc chưa có một động thái nào ủng hộ cho phong trào dân chủ VN. Tất nhiên chúng ta hiểu là họ đang “làm ăn” rất tốt với chính quyền thì bản thân họ chính là các “nhóm lợi ích” đang làm mọi cách để chính quyền VN chậm lại quá trình chuyển giao quyền lực về cho nhân dân.
Sỡ dĩ chúng tôi đề cập đến chủ đề này và mượn câu chuyện của tỉ phú PNV là để nói với các doanh nhân và các nhóm lợi ích rằng: VN đã chín muồi cho một sự thay đổi bắt buộc phải đến. Lịch sử đang sang trang và những cái gì bắt buộc phải đến thì nó sẽ đến dù ĐCSVN hay các nhóm lợi ích có muốn ngăn lại cũng không được.
“Vì đất nước” thì những người như PNV phải ủng hộ dân chủ. Với tầm quan hệ như của PNV thì không khó để tìm hiểu ai là những lực lượng đối lập dân chủ có tiềm năng (có thể hỏi ngay ông Nguyễn Mạnh Hùng). Nếu ông PNV có đội ngũ chuyên theo dõi trên mạng xã hội thì chắc hẳn ông phải hiểu tình hình VN là như thế nào, tương lai VN sẽ đi về đâu…
Hiện tại khách hàng của Vingroup chỉ là một thiểu số rất nhỏ giàu có, trong đó chủ yếu là quan chức. Đa số người dân VN không thể tiếp cận được các sản phẩm của Vingroup. Một định luật trong kinh doanh đó là “Lấy tiền của người giàu bao giờ cũng dễ hơn là người nghèo”, tất nhiên là như vậy vì người nghèo làm gì có tiền mà lấy của họ. Một nước VN dân chủ và phồn vinh sẽ mang lại cho các doanh nghiệp như Vingroup nhiều khách hàng hơn nữa.
Như chúng tôi đã nói nhiều lần là chỉ dưới một chế độ dân chủ thì nhân phẩm, danh dự, tài sản và sự an toàn của các doanh nhân VN mới được bảo vệ đầy đủ dưới sự rõ ràng và nghiêm minh của pháp luật. Sở hữu tư nhân sẽ được tuyệt đối tôn trọng và kinh tế tư nhân sẽ là nền tảng của kinh tế VN. Nhà nước không có chức năng kinh doanh. Vai trò của nhà nước chỉ giới hạn trong ba nhiệm vụ chính đó là trọng tài cho các quan hệ trong xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và chế tài các vi phạm.
Sự giàu có và thành đạt dưới một chế độ độc tài như VN chưa chắc đã bền vững. Tấm gương của Bầu Kiên, Huỳnh Uy Dũng (Dũng lò vôi) vẫn còn đó. Chính quyền VN đang cạn tiền và vì tiền họ có thể làm tất cả. Những con “vịt béo” sẽ là đối tượng được chú ý đầu tiên. Lời của một vị cựu đại sứ VN tại Ukraine khuyên PNV rằng “Cộng sản không thích người giàu đâu” sẽ là một điềm báo xấu cho giới doanh nhân VN.
Việt Hoàng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét