Nguồn: Thomas Wright (2012). “What if Europe Fails?”, The Washington Quarterly, Vol. 35, No. 3, pp. 23 – 41.>>PDF
Biên dịch: Hoàng Việt Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thành Trung
Liên minh Châu Âu đang rơi vào một cuộc đấu tranh khốc liệt về chính trị, ngoại giao và kinh tế để nhằm duy trì tương lai của đồng tiền chung, đồng Euro và sự bền vững của “dự án”, được hiểu là quá trình hội nhập đã trở thành nền tảng của nền chính trị Tây Âu nửa thế kỷ qua. Có thể những cố gắng của các quốc gia thành viên gặp thất bại, trong ngắn hạn hoặc dài hạn, và dẫn đến kỷ nguyên của sự tan rã. Một số đã lên tiếng báo động: Thủ tướng Đức Angela Merkel với câu nói nổi tiếng: “Nếu đồng Euro thất bại, Châu Âu thất bại.”1 Nguyên Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy dự đoán: “Nếu đồng Euro tan vỡ, Châu Âu sẽ tan vỡ. Nó [đồng Euro] là sự đảm bảo cho hòa bình ở một lục địa nơi đã từng có những cuộc chiến tranh khủng khiếp.”2 Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ba Lan Radek Sikorski cảnh báo sự sụp đổ của liên minh Châu Âu có thể gây ra một cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất.3 Nhà kinh tế học Dani Rodrik thuộc Đại học Harvard cảnh báo: “Kịch bản ác mộng có thể là một chiến thắng mang hơi hướng của những năm 1930 cho phe chủ nghĩa chính trị cực đoan. Sau cùng, “chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa quốc xã và chủ nghĩa cộng sản là mầm mống của một sự phản ứng mãnh liệt chống lại sự toàn cầu hóa.”4 Sự xói mòn dân chủ ở Hungary và sự gia tăng ủng hộ các đảng dân túy ở Hi Lạp, Hà Lan, Phần Lan và Pháp có thể là khởi đầu cho sự kết thúc.
Tuy nhiên, ngoài những lời cảnh báo suông của những nhà lãnh đạo và chuyên gia kinh tế đang lo lắng, có rất ít những phân tích đáng chú ý về việc chấm dứt hội nhập châu Âu có ý nghĩa thế nào với Châu Âu và phần còn lại của thế giới. Bài viết này không dự đoán rằng thất bại sẽ xảy ra mà chỉ tìm cách giải thích các hàm ý về địa chính trị nếu điều đó xảy ra. Sự nghiêm trọng và quỹ đạo của cuộc khủng hoảng kể từ năm 2008 cho thấy rằng sự thất bại là một sự kiện có tác động lớn mà xác suất xảy ra không hề nhỏ. Điều đó có thể không xảy ra, nhưng nó chắc chắn xứng đáng được phân tích một cách nghiêm túc hơn. Sự sụp đổ được nhìn nhận như một hiểm họa lơ lửng, nhưng thậm chí nếu điều này chưa xảy ra, nó vẫn sẽ là một nguy cơ đáng kể trong thời gian sau này.
Liệu thất bại của đồng Euro thực sự khởi đầu cho sự chấm hết của nền dân chủ ở Châu Âu? Liệu nền kinh tế toàn cầu có thể đứng vững khi không có một nền kinh tế sôi động của Châu Âu? Cấu trúc châu Âu sẽ thế nào sau khi châu Âu tan rã? Hoa Kỳ, Trung Quốc và các nước Trung Đông sẽ bị ảnh hưởng như thế nào? Do trật tự quốc tế được xây dựng bởi phương Tây, với khối châu Âu là trụ cột chính, nên sự sụp đổ của Liên minh châu Âu liệu có tác động lâu dài và tiêu cực đến chính trị thế giới thập kỷ tới hay không?
Suy nghĩ thấu đáo và sắp xếp thứ tự ưu tiên các hậu quả khi châu Âu thất bại sẽ cho thấy năm hậu quả tối quan trọng. Đầu tiên, nạn nhân trực tiếp nhất cho thất bại của dự án châu Âu là nền kinh tế toàn cầu. Một sự sụp đổ bất trật tự (khác với một sự sụp đổ có trật tự, sẽ được giải thích sau) nhiều khả năng sẽ đưa đến một cuộc suy thoái mới và có thể dẫn đến sự tan vỡ của nền kinh tế hội nhập khi mà các nước đưa ra những biện pháp bảo hộ nhằm hạn chế hiệu ứng lây lan của sự sụp đổ này. Cộng đồng chỉ đủ ở mức sống sót sẽ kéo nền kinh tế Châu Âu đi xuống và trật tự kinh tế thế giới sẽ gặp phải những biến động nguy hiểm và ngày càng gia tăng.
Thứ hai, hậu quả về địa chính trị từ một cuộc khủng hoảng kinh tế không chỉ phụ thuộc vào tính nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng mà còn vào môi trường địa chính trị tại nơi nó diễn ra. Môi trường địa chính trị của Châu Âu có thể được cho là lành mạnh. Điều này có thể ngăn chặn sự tái diễn của những năm 1930 tại châu Âu mà một số nhà quan sát cho là một trong những dự đoán đáng báo động hơn, mặc dù một vài nền dân chủ mới và chưa vững chắc có thể chịu một số áp lực.
Thứ ba, sự thất bại sẽ củng cố sự trỗi dậy của Đức với tư cách là quốc gia đứng đầu Châu Âu và trở thành trung tâm của Liên minh châu Âu và khu vực đồng tiền chung châu Âu (nếu họ vẫn tồn tại), nhưng chủ nghĩa chống Đức sẽ trở thành một lực lượng chính trị lớn mạnh hơn trong phạm vi châu lục này.
Thứ tư, sự đi xuống của nền kinh tế như một hệ quả của sự sụp đổ sẽ làm suy yếu quyền lực chính trị tại một số khu vực trên thế giới nơi mà tính chính danh của nhà nước vẫn còn yếu đồng thời làm trầm trọng thêm sự căng thẳng quốc tế tại những nơi có môi trường địa chính trị thiếu ổn định, có thể kể đến đầu tiên là Trung Đông và Trung Quốc.
Thứ năm, sự tan rã sẽ làm suy yếu châu Âu trên trường quốc tế – nó sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng đến liên minh xuyên Đại Tây Dương, cả bào mòn nguồn lực lẫn hướng sự chú ý của châu Âu vào khủng hoảng nội bộ – và cuối cùng, làm suy yếu trật tự đa phương.
Tổng kết năm điều này lại đưa đến một điều rõ ràng. Sự thất bại sẽ gây thiệt hại nặng nề tới Châu Âu và trật tự quốc tế, nhưng có một số thất bại – đáng chú ý nhất là sự sụp đổ bất trật tự – là tồi tệ hơn những điều khác. Hiện nay, những điểm nhức nhối đang hướng về cái gọi là ngoại vi châu Âu (Hi Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý và Ai-len). Sự sụp đổ bất trật tự sẽ ảnh hưởng tới tất cả các nước Châu Âu, và cả Bắc Mỹ và Đông Á. Nếu giải quyết vấn đề khủng hoảng đồng tiền chung Châu Âu được xem là bất khả thi, lãnh đạo của các cường quốc chính sẽ chuyển ưu tiên của họ sang kiểm soát sự thất bại, ngăn chặn hiệu ứng tác động của cuộc khủng hoảng. Điều này sẽ dấy lên sự phản đối từ những đất nước ngoại vi đang phải hứng chịu gánh nặng từ cuộc khủng hoảng và không muốn chấp nhận tình trạng hiện thời quá lâu. Cuối cùng, các cử tri của họ sẽ trở nên chấp nhận rủi ro hơn và gây áp lực lên Đức và những quốc gia chủ chốt khác phải cưu mang họ về tài chính và hỗ trợ, đổi lại họ sẽ không châm ngòi cho một sự tan rã. Sự chia rẽ cay đắng này sẽ dẫn đến một Châu Âu bị phân chia và sụp đổ. Khi mà một giải pháp vẫn chưa được đưa ra, nền chính trị Châu Âu đang đứng trước một bước ngoặt khó khăn.
Sự thất bại xảy ra thế nào?
Một khuôn khổ có thể giúp ta hiểu được ý nghĩa địa chính trị nếu như đồng Euro và/hoặc Liên minh Châu Âu sụp đổ. Về mặt khái niệm, sự sụp đổ có thể có hai hình thức. Thứ nhất là hình thái thất bại mà khu vực đồng Euro và Liên minh châu Âu chỉ vừa đủ sống sót – với các tình trạng như tăng trưởng thấp, thất nghiệp tăng cao và bất ổn xã hội – không phải vì các quốc gia thành viên tiếp tục tin tưởng vào dự án mà vì họ không thể tìm ra cách để thoát khỏi liên minh với giá phải trả chấp nhận được. Hình thức thứ hai là một sự thất bại dẫn đến sụp đổ bất trật tự của đồng Euro và/hoặc Liên minh Châu Âu.
Tất nhiên là có một kịch bản thứ ba: thành công. Tôi cố tình không nhắc đến kịch bản này để tìm hiểu một cách toàn diện những hậu quả của sự thất bại. Tuy nhiên, sự thành công còn rất xa vì nhiều lý do – phản ứng của EU được quyết định bởi Đức và triển vọng phục hồi tăng trưởng ở các nước ngoại vi là rất thấp; chủ nghĩa dân tộc đang trở thành một thế lực lớn mạnh, làm phức tạp thêm cho bước tiến tới sự thành lập Liên bang châu Âu (United States of Europe); và những sai lầm nghiêm trọng vẫn còn đó, điều đó có nghĩa là khu vực đồng Euro vẫn sẽ dễ bị khủng hoảng trong thời gian tới. Một quan chức cấp cao của Đức đã trả lời tờ Thời báo Tài chính (Financial Times): “Có vẻ như chúng ta đã làm ra một cỗ máy mà chúng ta không thể tắt nó”.5
Cuộc khủng hoảng đồng Euro là kết quả của việc thành lập liên minh tiền tệ mà thiếu đi liên minh chính trị và tài chính. Sự sắp xếp này tạo điều kiện cho những nguồn cung tiền rẻ luân chuyển tới các nước ngoại vi trong thập kỷ đầu tiên của khu vực đồng Euro và để lại các khoản nợ (cả nợ công và nợ tư) trong tay các nước thành viên sau cuộc khủng hoảng năm 2008. Những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất (Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ai-len, Tây Ban Nha và Italia) có đặc tính riêng ở mỗi nước, nhưng đều phải đối mặt với chi phí vay gia tăng và không thể phá giá đồng tiền để trở nên cạnh tranh hơn. Các cuộc đàm phán khủng hoảng đều tập trung vào cách thức đưa các nền kinh tế này vào con đường phát triển ổn định (qua việc cải tổ cạnh tranh) và giải quyết các nguyên nhân của cuộc khủng hoảng. Những kế hoạch cụ thể của từng quốc gia không đạt được hiệu quả mong muốn vì các biện pháp thắt lưng buộc bụng được áp dụng làm giảm tăng trưởng và chìm sâu hơn vào suy thoái. Một vài tiến triển đã được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh khu vực đồng Euro vào tháng 6 năm 2012, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng và quyền mua trái phiếu quốc gia nhưng nhiều vấn đề còn sót lại vẫn chưa được giải quyết.
Các chuyên gia đều có một cái nhìn chung rằng cuộc khủng hoảng chỉ có thể được giải quyết nếu khu vực đồng Euro tiến tới thành lập liên minh chính trị tài chính hoàn toàn, nơi mà các quyết định chính về thuế khóa và chi tiêu sẽ được quyết định ở cấp châu Âu. Tuy nhiên, bầu không khí chính trị rất căng thẳng. Các quốc gia ngoại vi sẽ không có khuynh hướng buộc phải thực thi chương trình thắt lưng buộc bụng vô định và tin tưởng rằng Đức sẽ bảo vệ quyền lợi cho họ. Các quốc gia cốt lõi (chủ chốt) lo ngại về hy sinh quyền tự quyết tài chính và phải bảo lãnh cho các nước ngoại vi. Nhiều phân tích cho rằng rào cản chính trị có thể được vượt qua vì sự sụp đổ của Châu Âu là điều không thể tưởng tượng. Tuy vậy, sự thất bại là một sự việc bình thường trong các vấn đề thế giới – ta chỉ cần nhìn vào cách mà các quốc gia xử lý vấn đề khí hậu trong những năm 2000. Đứng trên phương diện phân tích thuần túy, chúng ta nên để ngỏ khả năng không vượt qua được rào cản chính trị, bởi vì chúng thực sự khó có thể vượt qua.
Không có giải pháp giải quyết chỉ là điều kiện cần, nhưng chưa phải điều kiện đủ cho một sự thất bại thật sự. Có ít nhất bốn tai nạn hay ngòi nổ có thể đưa đến diễn biến xấu và thất bại của Châu Âu.
- Cải cách khu vực đồng Euro được thực hiện nhưng thất bại: Điều này sẽ dẫn đến kịch bản đầu tiên của sự sụp đổ – tức vừa đủ mức sống sót. Chính sách thắt lưng buộc bụng không hồi kết dẫn đến tăng trưởng thấp kỷ lục, làm tồi tệ thêm căng thẳng khu vực, và kết thúc hội nhập sâu hơn. Hầu hết các quốc gia sẽ vui vẻ rời bỏ chỉ khi họ tìm được một phương án với một chi phí kinh tế chấp nhận được.
- Kế hoạch của Châu Âu không được thông qua tại cấp quốc gia dẫn đến sự phân mảnh: Các rào cản chính trị quốc gia đối với sự thay đổi hiệp ước hoặc với một sự hy sinh lớn và lâu dài về chủ quyền là đáng kể và bao gồm trưng cầu ý dân, đại đa số thành viên nghị viện tán thành, và sự ủng hộ của toà án hiến pháp. Một số đất nước có thể không phê chuẩn cải cách hoặc rút sau đó rút lại các cải cách. Tùy vào trường hợp cụ thể, họ có thể bị buộc phải rời khỏi khu vực đồng Euro, họ có thể đánh giá chi phí của việc rời khỏi khối nhỏ hơn chi phí nếu họ tiếp tục ở lại, hoặc họ có thể bị loại trừ khỏi cơ cấu quản trị chính thức.
- Châu Âu tính toán sai lầm rằng họ có thể sống sót sau cuộc thanh lọc: Qua cuộc suy thoái, những chuyên gia và chính trị gia cho rằng khu vực Euro có thể tồn tại và thậm chí sẽ hưởng lợi từ việc mất một hoặc hai quốc gia yếu kém như Hy Lạp. Logic rất rõ ràng: một nhóm nhỏ, gắn kết của các nền kinh tế mạnh sẽ không có những khiếm khuyết về mặt cấu trúc của khu vực đồng Euro lớn hơn và đa dạng hơn. Khu vực đồng Euro mới sẽ hấp thụ được sự lây lan gây ra do một nền kinh tế nhỏ rời nhóm, mặc dầu nó có thể không làm được như vậy nếu đó là một nước lớn như Ý. Điều này có thể đúng, nhưng như thế giới đã biết với sự sụp đổ của Lehman Brothers, chẳng có điều gì là chắc chắn. Sự thanh lọc này có thể dẫn đến sự vỡ nợ hàng loạt và sụp đổ của đồng Euro.
- Cú sốc kinh tế tới hệ thống: Các lãnh đạo Châu Âu có thể muốn tránh sự tan rã của đồng tiền chung, nhưng khu vực đồng Euro vẫn dễ bị tổn thương khi có khủng hoảng bất ngờ gây mất ổn định mà có thể dẫn đến sự tan rã. Cú sốc này có thể mang hình thái của một sự lây lan theo sau vỡ nợ hay chiết khấu đối với trái chủ (bondholder haircut) ở một quốc gia ngoại vi, sự sụp đổ của một hoặc nhiều ngân hàng lớn nhất Châu Âu, hoặc sự sụp đổ của thị trường hoán đổi Euro (Euro swap market).6 Bất kỳ sự việc nào trên đây xảy ra đều có khả năng lây lan tới toàn bộ khu vực đồng Euro và vượt quá khả năng giải cứu của Liên minh Châu Âu dành cho các thành viên bởi thời gian và quy mô của một sự ảnh hưởng là rất khó để dự đoán.
Nền kinh tế toàn cầu lâm nguy
Tác động đầu tiên và rõ ràng nhất sẽ là tác động đối với nền kinh tế Châu Âu và toàn cầu. Hai kịch bản xấu đang được xem xét, nhưng có một kịch bản tồi tệ hơn hẳn cái còn lại. Đó là cách nhìn của đa số các nhà kinh tế học, tổ chức tài chính và tổ chức quốc tế, rằng sự sụp đổ bất trật tự của khu vực đồng Euro, dẫn đến sự lưu thông trở lại của các đồng tiền quốc gia, sẽ gây ra những sự thụt lùi và dẫn đến cái kết của thời kỳ hội nhập kinh tế vốn đã đặc trưng cho nền chính trị thế giới kể từ sau Chiến tranh lạnh. Báo cáo Triển vọng Kinh tế (Economic Outlook) tháng 11/2011 của khối OECD đã cảnh báo:
Việc thiết lập và thay đổi tỷ giá lớn của đồng tiền quốc gia mới có thể phát sinh tổn thất lớn tới các khoản nợ và chủ sở hữu tài sản, bao gồm các ngân hàng không có khả năng trả nợ. Sự bất ổn của Châu Âu cùng với một lượng lớn tài sản biến mất, phá sản và sụp đổ lòng tin vào hội nhập và hợp tác toàn Châu Âu sẽ dẫn đến một cuộc suy thoái sâu rộng ở cả các quốc gia đang rời khỏi và còn lại trong khu vực đồng Euro cũng như nền kinh tế thế giới.7Trong khu vực tư nhân, William Buiter, kinh tế trưởng của tập đoàn Citigroup, đã viết rằng sự vỡ nợ hỗn loạn và việc ly khai khu vực đồng Euro bởi Hi Lạp, Ai-len, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Italy sẽ
tác động xấu không chỉ đến hệ thống ngân hàng Châu Âu mà còn đến hệ thống tài chính Bắc Đại Tây Dương và cả những phần liên quan đến hệ thống ngân hàng toàn cầu. Cuộc khủng hoảng tài chính sẽ gây những hệ lụy tiêu cực tới toàn cầu trong nhiều năm tới, với xu hướng giảm GDP nhiều hơn 10% và tỷ lệ thất nghiệp các nước phương Tây lên tới 20% hoặc nhiều hơn. Những thị trường mới nổi cũng sẽ bị kéo xuống theo.8Những nhà phân tích khác cũng có cùng quan điểm về hậu quả của sự đổ vỡ khu vực đồng Euro. HSBC dự đoán: “Sự đổ vỡ này sẽ là một thảm họa, đe dọa dẫn tới một cuộc Đại suy thoái khác”. Ngân hàng UBS cho rằng sự đổ vỡ sẽ dẫn tới tổn thất kinh tế ở mỗi quốc gia ngoại vi lên tới 40% GDP của họ trong năm đầu tiên; Ngân hàng ING ước tính toàn bộ khu vực đồng Euro (bao gồm cả Đức) có thể sẽ giản 9% (GDP) trong năm đầu tiên sau khi tan rã, trong khi lạm phát của các nước gặp khó sẽ tăng lên đến hai chữ số; Người đứng đầu IMF Christine Lagarde cảnh báo rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ đối mặt với viễn cảnh “kinh tế đình đốn, gia tăng chủ nghĩa bảo hộ nền công nghiệp trong nước, sự cô lập và … những gì đã xảy ra ở thập kỷ 30 thế kỷ trước.”9
Liền sau sự tan vỡ, rất có thể các quốc gia và chính quyền sẽ tìm mọi cách để bảo vệ đất nước của họ khỏi cú sốc kinh tế lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Việc lưu thông lại đồng tiền quốc gia sẽ dẫn đến một biến động to lớn, không ổn định bởi sự định giá lại tỷ giá đồng tiền, bao gồm cả định giá lại những hợp đồng quốc tế phức tạp.10 Điều đó cũng có nghĩa rằng những quốc gia có đồng tiền yếu sẽ ngay lập tức phá sản bởi tài sản của họ sẽ bị mất giá trong khi các khoản nợ lại được tính bằng đồng tiền của quốc gia chủ nợ. Các quốc gia này sẽ phải đưa ra chế độ kiểm soát dòng vốn nhằm tránh sự rút vốn và sụp đổ của đồng tiền mới. Những nước mạnh sẽ áp đặt thuế quan nhằm tránh sự phá giá cạnh tranh và nhập khẩu giá rẻ. Thị trường chung Châu Âu sẽ khó lòng tồn tại. Nhìn chung, các quốc gia sẽ cố cứu vãn những gì có thể và có khả năng sẽ tái tạo lại một số biện pháp bảo hộ được đưa ra tại Châu Âu. Hiệu quả thực có thể gây nguy hại tới hội nhập kinh tế toàn cầu và mở rộng cửa cho chủ nghĩa trọng thương mới và chủ nghĩa bảo hộ.
Giả như không có sự đổ vỡ nào, khu vực đồng Euro có thể ổn định lại nhưng không bao giờ có thể giải quyết được ngọn nguồn của cuộc khủng hoảng. Nợ công ngày càng trở nên tốn kém và các quốc gia con nợ sẽ phải nhận những gói cứu trợ mới hoặc rơi vào tình trạng không trả được nợ. Nhà kinh tế học Simon Johnson và Peter Boone đã nói: “Ít nhất, chúng ta biết rằng vấn đề nợ công và suy thoái liên hoàn sẽ tiếp tục hoành hành ở Châu Âu trong vài năm tới. Quá nhiều khoản nợ, và các chương trình điều chỉnh quá chậm để ngăn chặn điều đó.”11 Chính sách thắt lưng buộc bụng sẽ ngăn chặn nhu cầu và gây ra một cuộc suy thoái sâu rộng với mức độ tăng trưởng thấp và tỷ lệ thất nghiệp cao. Vấn đề của Châu Âu sẽ tác động xấu đến các thị trường và ngăn chặn triển vọng phục hồi. Nhà kinh tế Barry Eichengreen ở ĐH Berkeley cho rằng: “Nếu Châu Âu không thành công trong tăng trưởng thì sẽ không thể thoát khỏi cảnh lún sâu trong nợ nần và giữ lại vị thế của đồng Euro như một phần quan trọng trong thanh khoản quốc tế.”12 Sự hủy diệt của đà tăng trưởng Châu Âu sẽ khiến giao thương quốc tế đình trệ, khiến cả Hoa Kỳ và Trung Quốc tổn thất, mặc dù chi phí vay mượn của Hoa Kỳ luôn giữ ở mức an toàn. Bức tranh tổng quan từ một Châu Âu dường như đang trải qua một trong những thập kỷ đáng quên nhất.
Hậu quả của một thập kỷ thất bại của Châu Âu tương đối khác so với một cuộc sụp đổ bất trật tự. Phần còn lại của thế giới sẽ bị ảnh hưởng bởi sự giảm cầu và đầu tư của Châu Âu nhưng họ sẽ không phải trải qua cơn sốc đến từ sự sụp đổ của Châu Âu. Phần lớn các chi phí về kinh tế sẽ do Châu Âu tự gánh chịu. Việc tránh khỏi một cuộc suy thoái mới khiến cho các chính phủ không phải thực thi chính sách bảo hộ và trọng thương. Họ sẽ có một vài phương án về vấn đề này và như Andam Posen, một thành viên ban đối ngoại của Ủy ban Chính sách tiền tệ của Bank of England (Ngân hàng Trung ương Anh) đã lập luận, họ sẽ giữ cho nền kinh tế toàn cầu tương đối mở.13 Những thế lực mới nổi được hưởng lợi lớn từ nền kinh tế thế giới và thậm chí vị thế của họ còn được củng cố hơn trong cuộc khủng hoảng. Họ không có lợi ích trong việc làm gián đoạn tiến trình này. Mặt khác, lãnh đạo phương Tây sẽ tiếp tục ủng hộ nền kinh tế mở toàn cầu do các nguyên nhân địa chính trị cũng như kinh tế, mặc dù lợi ích đạt được rõ ràng sẽ nhỏ hơn trước đây. Sẽ có sự phản đối của những người theo trường phái dân túy tại phương Tây, nhưng những động thái được đưa ra không có vẻ là một mối đe dọa hiện hữu cho sự mở cửa. Tuy nhiên, Posen cũng quan sát kỹ lưỡng thấy rằng sự tiếp tục hội nhập kinh tế sẽ đi theo một cách thức khác sau cuộc khủng hoảng. Sự đi xuống của Châu Âu khiến cho quá trình toàn cầu hóa trở nên gian nan hơn bao giờ hết.14 Thế giới sẽ tiến gần hơn đến thị trường không được kiểm soát bởi sự yếu đi của cấu trúc quản lý quốc tế. Đó sẽ là một môi trường thiếu ổn định tạo thuận lợi cho chủ nghĩa dân túy, sự cạnh tranh tài nguyên của các đế quốc và khủng hoảng kinh tế.
Tổng thể, sự thất bại của Châu Âu sẽ giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế toàn cầu. Trường hợp tệ nhất có thể kéo thế giới đến một cuộc suy thoái mới và chấm hết cho quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu. Kịch bản sáng sủa hơn là một sự tăng trưởng giảm toàn cầu nhưng sẽ có tác dụng ngược lại đối với trật tự kinh tế vốn theo hướng tiếp tục hội nhập, bao gồm sự luân chuyển tự do của dòng vốn, nhưng theo một cách ngày càng khó kiểm soát hơn. Điều này đưa đến những cấp độ biến động nguy hiểm đối với chu kỳ kinh tế.
Sẽ không có một kịch bản giống như thập kỷ 1930
Nền kinh tế thế giới hiện tại đang trong tình trạng khủng hoảng, khá tương đồng với cuộc khủng hoảng giai đoạn 1929 – 1932 giữa hai cuộc thế chiến. Chúng ta chưa biết liệu cuộc khủng hoảng hiện nay có ngày càng trở nên nghiêm trọng như cuộc khủng hoảng 1929-1933 hay không, nhưng các giai đoạn đầu của hai cuộc khủng hoảng là tương tự nhau.15 Tuy nhiên, tác động của sự sụp đổ trật tự kinh tế phụ thuộc vào môi trường địa chính trị tại nơi nó xảy ra. Những năm 1930 là khoảng thời gian vô cùng khắc nghiệt và không được phép lặp lại. May mắn là cuộc khủng hoảng kinh tế trăm năm có một này xảy ra trong một môi trường địa chính trị lành mạnh hơn nhiều, ít nhất ở Châu Âu. Châu Âu hiện có sức đề kháng vô giá, có khả năng làm chậm hiệu ứng của bất kỳ vết ung nhọt chính trị nào xuất phát từ cuộc suy thoái lớn thứ hai lần này.
Nền chính trị Châu Âu ngày nay may mắn là không bị chi phối bởi cạnh tranh ý thức hệ giữa các thái cực. Cử tri không nhất thiết phải chọn lựa giữa những điều xấu xa như nhau. Tây Âu đã có hơn nửa thế kỷ với nền tự do dân chủ bền vững, được coi như là một thể chế chính trị duy nhất có tính chính danh. Không có một chính đảng nào kêu gọi thiết lập một hệ thống chính quyền chuyên chế, mặc dù những Đảng cực đoan nhỏ như Đảng Bình Minh Vàng theo hơi hướng Quốc Xã ở Hy Lạp có thực sự kêu gọi lật đổ thể chế dân chủ (họ đã bị lên án và cách ly khỏi hệ thống chính trị Hy Lạp). Châu Âu từ lâu đã vật lộn với một “sự thiếu hụt dân chủ”, theo đó tầng lớp kỹ trị hoạt động không tuân theo sứ mệnh mà người dân giao phó, nhưng nó còn xa mới sánh được với cuộc khủng hoảng tính chính danh giai đoạn đầu thập kỷ 1930 và thậm chí thập kỷ 1920. Sức mạnh của thể chế dân chủ khiến cho các đảng nhỏ khó có thể vươn lên thành công.
Cuộc Đại khủng hoảng đưa Châu Âu phần nào đó gần kề tới ngày tận thế, bởi cơ sở của trật tự hậu Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, tức Hiệp ước Versailles, đã được người Đức coi là phi lý và mang tính trừng phạt. Rất may hiện nay không có một nỗi bất bình nào ở Châu Âu tương tự như Hiệp ước Versailles. Liên minh Châu Âu là một cộng đồng an ninh nơi mà chiến tranh giữa các thành viên là điều không thể xảy ra và không được dự tính đến. So với giai đoạn giữa hai cuộc thế chiến, các đảng nhỏ của Châu Âu hiện nay khai thác các vấn đề quốc nội hơn là kêu gọi một chính sách đối ngoại cứng rắn hay tái vũ trang. Thậm chí nếu Châu Âu tan vỡ, một điều có thể được đảm bảo là các nhà lãnh đạo của Châu Âu sẽ vẫn cố gắng gìn giữ hòa bình. Sự cam kết của Hoa Kỳ qua NATO cũng có hiệu quả nhất định. Trong phạm vi đại Châu Âu, chỉ có Nga muốn thay đổi trật tự theo ý họ. Song, Matxcơva vấp phải một số rào cản bao gồm một nền kinh tế yếu, các xu hướng nhân khẩu học và sự mở rộng của NATO.
Trạng thái địa chính trị Châu Âu hiện nay đang lành mạnh như người ta mong đợi nếu nhìn vào bối cảnh lịch sử. Nếu con đường địa chính trị phản ánh con đường kinh tế, tương lai sẽ thực sự ảm đạm. May mắn là bối cảnh địa chính trị hiện nay đã cung cấp một vùng đệm ngăn chặn sự lặp lại giai đoạn bi thảm nhất của Châu Âu. Tuy nhiên, vẫn có những mối lo ngại ở đây. Châu Âu có thể không phải trải lại nỗi kinh hoàng của thập kỷ 1930, nhưng sự thất bại của dự án Châu Âu vẫn sẽ gât tàn phá nặng nề bằng những cách khác. Ngày càng nhiều các quốc gia sẽ bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa dân túy. Tại những quốc gia chủ nợ như Phần Lan và Hà Lan, các đảng dân túy sẽ đưa ra một thông điệp mạnh mẽ về việc họ bị nguy hiểm chỉ vì sự mù quáng của các quốc gia con nợ. Các quốc gia vay mượn như Hi Lạp, Ai-len, Bồ Đào Nha, chủ nghĩa dân túy trực tiếp chống lại sự thiếu công bằng của những gói cứu trợ và việc áp đặt các chính sách thắt lưng buộc bụng của Liên minh Châu Âu. Cả hai kịch bản đòi hỏi phải tiếp tục thực thi chính sách thắt lưng buộc bụng ở nhiều khu vực của Châu Âu, cả vùng lõi và ngoại vi. Trong một bài báo gần đây, Jacopo Ponticelli và Hans-Joachim Voth đã tiến hành một nghiên cứu xuyên quốc gia từ năm 1919 đến nay và tìm ra rằng chính sách thắt lưng buộc bụng có xu hướng đi kèm với bạo lực chính trị và bất ổn xã hội.16 Sự gia tăng chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa dân tộc sẽ ngăn cản hợp tác khu vực và dễ dẫn đến các chính sách có lợi cho mình nhưng có hại cho láng giềng hơn.
Trong một số ngoại lệ, nền dân chủ có thể đối mặt với rủi ro. Một nhân tố cảnh báo sớm có thể là Hungary, đất nước đã phải chịu nhiều chỉ trích vì Thủ tướng Viktor Orban đang cố gắng củng cố sự nắm quyền của Đảng mình. Orban lợi dụng ưu thế đa số của đảng mình trong Quốc hội vốn giành được sau khi người tiền nhiệm của ông bị mất tín nhiệm bởi sự sụp đổ của nền kinh tế Hungary và sự can thiệp của IMF trong năm 2008 nhằm viết lại Hiến pháp. Những quy tắc mới làm giảm đi tính độc lập của Ngân hàng Trung ương và bộ máy tư pháp, đồng thời sửa đổi lại luật bầu cử có lợi cho đảng cầm quyền, làm gia tăng mối lo ngại cho toàn Châu Âu và Hoa Kỳ. Hy Lạp là một mối lo ngại rõ ràng khác, theo đó một cú sốc gây nên bởi sự sụp đổ của nền kinh tế có thể đưa đến tình trạng bất ổn xã hội, bạo lực, sự củng cố quyền lực của các đảng dân túy, và sự ủng hộ gia tăng dành cho các đảng cực đoan và bài ngoại như đảng Bình Minh Vàng.
Cuối cùng, nếu khu vực đồng Euro và Liên minh Châu Âu còn tồn tại, nó có thể chỉ còn là cái tên mà thôi. Sự hợp tác thực sự khó lòng tiếp diễn với những công chúng trong nước đầy hoài nghi và quan tâm. Những gì được thỏa thuận qua các dàn xếp quốc tế có thể bị phủ nhận trong Quốc hội các quốc gia thành viên. Các quốc gia lớn sẽ sử dụng mọi ảnh hưởng có thể tập hợp được nhằm thúc đẩy lợi ích quốc gia thường hạn hẹp của họ.
Tóm lại, thể chế dân chủ Châu Âu sẽ vượt qua được sự thất bại hội nhập này một cách dễ dàng, mặc dù có thể có một hoặc hai ngoại lệ. Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là nền chính trị Châu Âu sẽ không có những ngã rẽ nào hướng đến những điều tồi tệ hơn trong một số khía cạnh nhất định.
Vị trí trung tâm của Đức và sự gia tăng chủ nghĩa chống Đức
Sự trớ trêu về mặt địa chính trị của cuộc khủng hoảng Châu Âu là khi liên minh tiền tệ ban đầu được thiết kế để làm giảm ảnh hưởng của Đức lên Liên minh Châu Âu, điều này đã tạo ra cơn khủng hoảng tạo điều kiện cho sự tăng trưởng quyền lực của Đức và lãnh đạo đất nước này, ít nhất là trong lĩnh vực kinh tế chính trị. Sau Chiến tranh Lạnh, Pháp khăng khăng cho rằng liên minh tiền tệ là điều kiện đánh đổi nếu Đức thống nhất. Đức đồng ý, đánh giá điều đó là phù hợp với mục đích sau chiến tranh nhằm tránh sự bị cô lập của Đức trong khối Châu Âu bằng cách Âu hóa Đức thay vì Đức hóa toàn Châu Âu. Hiện nay, mặc dù không một chính trị gia Đức nào cố tình kiếm chính sách biệt lập, Đức quyết định cách duy nhất để cứu Liên minh Châu Âu và ngăn chặn nó trở thành “một phần của bảo tàng” (tức không còn tồn tại) như cách nói của bà Merkel, là Đức hóa nó.17 Điều này dẫn đến việc phải thuyết phục các quốc gia thành viên khác cải tổ nền kinh tế để trở nên giống với nước Đức hơn, hay ít nhất để các chính sách kinh tế của họ bị ảnh hưởng lớn bởi Berlin.
Sự chuyển dịch này dường như đồng quan điểm với công luận. Một cuộc thăm dò bởi Allensbach Institute vào tháng 01 năm 2011 đã cho thấy hơn 50% người Đức có rất ít hoặc không có niềm tin đối với Liên minh Châu Âu, và hơn 70% không cho rằng Châu Âu là tương lai của Đức.18 Đức vẫn là một nước gắn mình với các chuẩn tắc của Liên minh Châu Âu, nhưng nó đang dần bắt đầu dang đôi cánh của mình ra rộng hơn ít nhiều so với trước kia. Theo cách dùng từ khéo léo của học giả Timothy Garton Ash ở Đại học Oxford, chúng ta đang trên con đường hướng tới “Một nước Đức mang phong cách Châu Âu trong một Châu Âu mang phong cách Đức.”19
Một người Anh khác, Charles Grant của Trung tâm cải cách Châu Âu, cho rằng cơn khủng hoảng đưa đến việc “Đức lần đầu tiên trở thành nhà lãnh đạo không thể bàn cãi trong lịch sử EU. Nhưng việc nó có biết lãnh đạo hay không lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Nhiều người Đức không cảm thấy thoải mái với vai trò này”.20 Đó có thể là lý do Đức đã định hình các lựa chọn chính sách trong cuộc khủng hoảng Châu Âu như là một câu chuyện đạo đức Luther (theo phong cách cần kiệm –NHĐ), giữa thắt lưng buộc bụng có trách nhiệm và tiêu xài hoang phí vô trách nhiệm, hơn là một cuộc chiến giữa các quyền lợi hợp pháp tương đương. Trong việc này, Đức là một kẻ ngoài cuộc vô tội bị buộc phải chiến đấu với sai lầm của những kẻ khác. Nhận thức về cuộc khủng hoảng như là một câu chuyện về đạo đức có nghĩa rằng Đức không chỉ thúc đẩy lợi ích của mình mà còn đang theo đuổi sự lựa chọn đúng đắn cho khu vực đồng Euro nói chung. Chính yếu tố chính nghĩa đã giúp nước Đức gạt bỏ những trở ngại sẽ biến thành vật cản nếu chính sách ngoại thương của nước này được xem là bị thúc đẩy bởi riêng lợi ích quốc gia. Chỉ cần người Đức tin rằng sự lựa chọn chính sách của họ là con đường đúng đắn về mặt đạo đức, họ sẽ thấy dễ dàng hơn trong việc vượt qua rảo cản tâm lý lịch sử để theo đuổi một chính sách đối ngoại quyết đoán.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét