Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2016
Trường phái thể chế
15:21
Hoàng Phong Nhã
No comments
Mục đích yêu cầu
Hiểu được hoàn cảnh lịch sử xuất hiện các học thuyết kinh tế thuộc trường phái thể chế và các đặc điểm của nó.
Nắm vững tư tưởng và nội dung cơ bản của trường phái thể chế.
Vị trí vai trò của trường phái này trong điều kiện hiện nay.
Nội dung chính
- Hoàn cảnh lịch sử và đặc điểm của trường phái thể chế.
- Một số khuynh hướng và lý thuyết của trường phái thể chế: Trường phái thể chế cũ, trường phái thể chế mới.
- Đánh giá chung về những tiến bộ và những hạn chế.
Trường phái thể chế được truyền
bá rộng rãi từ những năm 20 - 30 của thế kỷ XX nhưng xuất hiện sớm hơn,
đó là từ cuối thế kỷ XIX. Sự nảy sinh trường phái thể chế với tư cách
là sự đối lập của giai cấp tiểu tư sản đối với chủ nghĩa đế quốc. Quá
trình này diễn ra trong điều kiện chủ nghĩa tư bản chuyển từ tự do cạnh
tranh sang độc quyền và sự thống trị của độc quyền. Đồng thời có sự
thoái trào của kinh tế chính trị tư sản cổ điển.
Trường phái thể chế tồn tại
song song bên cạnh các trường phái kinh tế khác nhưng đặc biệt từ thập
kỷ 90 của thế kỷ XX có tác động ảnh hưởng rất lớn.
Các giai đoạn phát triển của trường phái thể chế:
+ 1920 - 1930 Trường phái thể chế cổ điển, thời kỳ mở rộng trường phái thể chế.
+ Trước và sau chiến tranh thế giới thứ 2: Trường phái thể chế thực chứng
+ 1960 - 1970 đến nay:
Trường phái thể chế mới, nổi bật là trường phái thể chế gắn rất chặt với
sự tác động ngày càng mạnh mẽ của cách mạng khoa học kĩ thuật và công
nghệ.
Tư tưởng cơ bản của trường phái
thể chế là: Đề cao vai trò của các thể chế xã hội của khoa học kĩ thuật
trong sự phát triển kinh tế. Động lực của sự phát triển xã hội là các
thể chế xã hội.
(Các hình thức gia đình, nhà
nước, tổ chức kinh tế (độc quyền), nghiệp đoàn,... Có thể là sự biểu
hiện của TLSX, động cơ xử sự, phương thức tư duy như tập tục, truyền
thống, biểu hiện về luật pháp, luân lí).
Đặc điểm nổi bật nhất là: tính
không thuần nhất (tức là không có định nghĩa chung cho các quá trình
kinh tế, vì thế tạo nên nhiều trào lưu, khuynh hướng khác nhau ngay
trong trường phái).
Theo trường phái này: Động lực
của sự phát triển xã hội là các thể chế xã hội (gia đình, nhà nước, tổ
chức độc quyền, nghiệp đoàn,... có thể là sự biểu hiện của tâm lý xã
hội, động cơ xử sự, phương thức tư duy: tập tục, truyền thống, biểu hiện
về luật pháp, luân lí,...).
Trường phái thể chế đã khẳng
định các phạm trù kinh tế (chế độ sở hữu, thuế, tiền tệ, lợi nhuận,...)
là hình thức thể hiện của tâm lí học trong xã hội.
Trường phái thể chế không thừa
nhận tác động của các quy luật kinh tế khách quan, không phân tích sự
phát triển của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất mà chỉ phân tích
sự tiến hóa của tư liệu sản xuất.
Những nhà kinh tế của trường phái thể chế muốn:
- Thay thế môn kinh tế bằng môn
lịch sử và sự phân tích tâm lí (nghiên cứu nếp sống, thói quen, tập
tục, truyền thống, tác động của các yếu tố xã hội và đạo đức).
- Thay thế nghiên cứu lí luận bằng phương pháp mô tả. Về đối tượng và phương pháp nghiên cứu:
- Trường phái thể chế đi sâu
vào mặt thể chế và kết cấu kinh tế xã hội, nghiên cứu quá trình phát
sinh, phát triển và tác dụng của các “thể chế” để phân tích xã hội.
- Coi mối quan hệ tập thể, các thể chế kinh tế - xã hội là cơ sở phát triển kinh tế.
- Đối tượng nghiên cứu vượt khỏi phạm vi của kinh tế tư bản truyền thống.
Khuynh hướng thể chế tâm lí - xã hội
(Đại biểu: Veblen - Được coi là người sáng lập trường phái thể chế).
Đặc điểm và nội dung cơ bản của khuynh hướng này là:
+ Cách tiếp cận tâm lí - xã hội đối với các hiện tượng kinh tế, đi phân tích phẩm hạnh và tư duy của các nhóm xã hội.
+ Phân tích các hiện tượng kinh
tế trong khi xem xét chúng như những tập quán đã được xác lập. Theo
ông: tình cảm huyết thống, bản năng tài nghệ, lòng hiếu học, khát khao
trị thức là những động lực thôi thúc hoạt động kinh tế.
+ Phê phán gay gắt các tệ nạn
trong xã hội tư bản và cho rằng mâu thuẫn chủ yếu của xã hội tư bản là
mâu thuẫn giữa lĩnh vực sản xuất vật chất và lĩnh vực quản lí và lưu
thông.
+ Đồng nhất tính quy luật phát
triển xã hội với quy luật sinh học thì lại không chấp nhận quan điểm Mác
xít về lao động, bản chất tư bản, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công
nhân, phản đối đấu tranh giai cấp.
+ Bác bỏ quan hệ con người đối với tư liệu sản xuất, bỏ qua vị trí con người trong quá trình sản xuất.
Veblen là người đặt nền móng và
đề xướng thuyết “kĩ thuật quyết định” có nội dung là đề cao vai trò tri
thức trong sự phát triển xã hội hiện đại, cho rằng có thể thay đổi chế
độ bằng cách chuyển chính quyền vào tay giới trí thức kĩ thuật, bằng sự
đấu tranh của các nhà kĩ thuật, kĩ sư để buộc các nhà kinh doanh phải
theo điều kiện của họ.
Khuynh hướng thể chế pháp lí - xã hội (Commons)
Là sự truyền bá chủ nghĩa cải lương trong phong trào công nhân
Đặc điểm và nội dung cơ bản của khuynh hướng này là:
+ Xác định bản chất của tư bản
không phải là bóc lột công nhân và tạo giá trị thặng dư mà là quan hệ
thị trường, và trong điều kiện CNTB hiện đại thì biểu hiện như là “sự
cạnh tranh không trung thực”.Từ đó có thể sử dụng các cơ quan pháp luật
để sửa chữa
+ Phủ định sự hiện diện của các
giai cấp mà chỉ tồn tại những nhóm nghề nghiệp và có “xung đột xã hội”
nảy sinh khi hợp tác với nhau.
+ Khắc phục bằng cách là hoàn
thiện các tiêu chuẩn pháp chế sẽ đem lại khả năng cho tiến bộ xã hội. Cụ
thể theo lý thuyết này thì:
- Quan hệ tư bản và công nhân: là sự “giao ước” có tính chất pháp lí của các thành viên bình đẳng theo các quy tắc luật định.
- Bằng cánh thiết chế các quy tắc có thể xóa bỏ mọi mâu thuẫn, xung đột xã hội.
+ Các phạm trù kinh tế biểu hiện như là các quan hệ pháp lí.
“Sở hữu” là hình thức pháp lí
gồm có sở hữu vật chất, sở hữu phi vật chất và sở hữu không cảm nhận
(các loại giấy tờ có giá trị, nợ và nghĩa vụ trả nợ,...). Trong đó sở
hữu không cảm nhận là nội dung của “các giao ước” ⇒ Đứng đầu trong
nghiên cứu của Commons là mô tả việc bán cổ phiếu, trái phiếu, chứng
khoán,... , đặt lên hàng đầu lĩnh vực lưu thông.Từ đó bản chất tư bản
không phải nằm trong sự vận động của tư bản công nghiệp (tư bản sản
xuất) mà là trong sự vận động của tư bản giả.
Khuynh hướng thể chế thống kê
(Đại biểu là Mitchell - Nổi tiếng về nghiên cứu các hiện tượng kinh tế có tính chu kì).
Đối tượng nghiên cứu của khuynh hướng này là
- Tìm tòi cụ thể các chỉ tiêu
bằng số, tìm hiểu các quy luật trong sự biến động của các chỉ số này để
cải thiện chúng và điều tiết kinh tế.
- Nghiên cứu các vấn đề lưu
thông tiền tệ và đặc biệt chú ý xem xét “các chu kì kinh doanh”, tính độ
dài các chu kì, xây dựng mô hình phát triển không có khủng hoảng, xây
dựng các chỉ số, các chỉ tiêu phản ánh tình hình kinh tế và sử dụng nó
để lí giải tình trạng CNTB.
“Phong vũ biểu trạng huống Havốt” để dự báo “Thời tiết kinh tế”.
+ Được phân tích bởi 3 đường cong dựa trên các chỉ số tư bản
Đường cong A - chỉ số đầu cơ
Đường cong B - chỉ số kinh doanh
Đường cong C - chỉ số thị trường tiền tệ.
+ Số liệu chủ yếu thuộc lĩnh vực lưu thông tiền tệ dẫn đến dự báo sai.
Lý giải sự phát triển xã hội
không phải là sự phát triển của cá nhân mà là sự hoàn thiện mối liên hệ
tập thể các thành viên. Nhìn thấy sự phát triển trong sự tiến hóa của
các thể chế, tăng quy chế Nhà nước và sự can thiệp của thể chế Nhà nước
vào kinh tế nhưng không đánh giá được tính hợp lí của thể chế này mà chỉ
tái hiện và mô tả.
Trường phái này dựa trên thuyết
“Kỹ thuật quyết định” của Veblen và trong điều kiện cách mạng khoa học
kỹ thuật và công nghệ phát triển.
Bao gồm các thuyết “Xã hội công nghiệp”, “Xã hội công nghiệp mới”, “Xã hội hậu công nghiệp”.
Thuyết xã hội công nghiệp (những năm 60 của thế kỷ XX)
Lý thuyết này tuyên bố thủ tiêu
vai trò chủ đạo của sở hữu trong kinh tế, chuyển vai trò quyết định
phát triển kinh tế sang các công ty lớn. Tập trung quyền lực công ty vào
tay các nhà khoa học và quản lí, ứng dụng kĩ thuật, quản lí có tổ chức
nhằm đáp ứng các yêu cầu cơ bản của xã hội, nhờ Nhà nước điều tiết.
Theo họ kỹ thuật làm thay
đổi không chỉ việc áp dụng các quy luật kinh tế mà cả các quy luật trong
khuôn khổ “Xã hội chủ nghĩa” như:
+ Việc bóc lột công nhân bị thủ tiêu.
+ Bảo đảm đối với tài sản được
đặt hàng đầu và có thể giải quyết bằng những phương pháp khác nhau (tư
bản chủ nghĩa hay xã hội chủ nghĩa) của nền “văn minh công nghiệp”.
+ Các công ty không còn mang
tính chất độc quyền, không chỉ mục đích lợi nhuận mà còn hướng đến việc
thoả mãn tốt hơn nhu cầu xã hội, thực hiện các chức năng xã hội quan
trọng.
Thuyết “Xã hội công nghiệp mới”
Các đại biểu đưa ra
thuyết này đã dùng lăng kính “công nghệ học quyết định”. Sự tiến bộ của
khoa học kĩ thuật quyết định sự tiến hóa xã hội, làm cho chủ nghĩa tư
bản tiến hóa sang “Xã hội công nghiệp mới”.
Trong xã hội công nghiệp mới có các đặc điểm như:
+ Tư bản mất quyền lực
+ Người có tri thức chuyên môn được trọng thị
+ Quyền lực chuyển vào tay “tổ hợp chuyên gia”
+ Do đó, mục tiêu không phải lợi nhuận tối đa nữa, xóa bỏ giàu nghèo, giai cấp.
Theo thuyết này chỉ bằng các biện pháp cải lương có thể cải tạo chủ nghĩa tư bản thành xã hội công nghiệp mới.
Galbraith đưa ra tổng thể gồm: hệ thống kế hoạch và hệ thống thị trường:
+ Hệ thống kế hoạch: do
khoảng 1000 công ty lớn hợp thành, kinh doanh theo kế hoạch, có quyền
lực xác định giá cả, chi phí, công nghệ và quyền lực đối với xã hội và
Nhà nước.
+ Hệ thống thị trường:
có hàng triệu hãng kinh doanh nhỏ hợp thành. Đặc điểm: sử dụng kĩ thuật
công nghệ tương đối giản đơn, quan hệ thị trường thống trị.
Hai hệ thống có mối quan hệ
lệ thuộc, trao đổi. Trong mối quan hệ giữa hai hệ thống có sự bất bình
đẳng. Hệ thống kế hoạch có ưu thế tổ chức, còn hệ thống thị trường có
nhiều điểm yếu vì thế phải phục tùng hệ thống kế hoạch và chịu thiệt
thòi về thu nhập.
Tóm lại, hệ thống thị trường bị hệ thống kế hoạch bóc lột giống như các nước đang phát triển bị các nước phát triển bóc lột.
Sự đối lập hai hệ thống là xung đột cơ bản của xã hội Mỹ và là nguồn gốc mọi căn bệnh của xã hội tư bản.
Biện pháp giải quyết là
cải cách để xóa bỏ bất bình đẳng (hạn chế quyền lực của hệ thống kế
hoạch, tăng quyền lực của hệ thống thị trường...).
Vai trò Nhà nước được hoàn
thiện bởi “Tổ hợp chuyên gia” là hội đồng quản trị xã hội, trở thành
“Nhà nước toàn dân”, chỉ kế hoạch hóa sự phát triển kinh tế.
Thuyết “Xã hội hậu công nghiệp”
Đại diện: D.Bell (nhà xã hội học Mỹ)
Tác phẩm: “Sự xuất hiện của xã hội hậu công nghiệp: hướng dẫn một dự đoán xã hội” (1973).
Trọng tâm của lý thuyết là: “Nguyên lý trục”
Theo
D.Bell sự phát triển xã hội gắn với sự thay đổi về kinh tế, kỹ thuật,
văn hóa – chính trị. Mỗi lĩnh vực dựa trên nguyên lý một trục nhất định
Các lý thuyết về sự phát triển xã hội: chỉ dựa trên một trục.
+ Theo Mác: “Học thuyết kinh tế quyết định” (Theo trục quan hệ sở hữu).
+ Theo thuyết “Xã hội hậu công nghiệp”: Kỹ thuật quyết định (Theo trục các thay đổi kỹ thuật).
+ Theo thuyết xã hội hậu công nghiệp: Xác định “xã hội hậu công nghiệp” theo trục công nghệ và tri thức.
Đặc trưng :
+ Nền kinh tế chuyển từ công nghiệp chế biến là trụ cột sang dịch vụ làm trụ cột
+ Các chuyên gia lành nghề và kĩ thuật viên chiếm ưu thế
+ Tri thức luận giữ vai trò chủ đạo trong việc thực hiện các phương sách kinh tế và xác định cấu trúc xã hội
+ Kỹ thuật của tương lai được
tiến hành theo kế hoạch, có điều tiết, định hướng kinh tế - kĩ thuật đối
với việc kiểm soát và đánh giá công nghệ
+ Các chính sách chế định đều
phải được thông qua “công nghệ trí tuệ”.Cho rằng chủ nghĩa tư bản hiện
đại đã biến đổi về chất, trở thành “Xã hội công nghiệp”
+ Không còn là chủ nghĩa tư bản cũng không phải là chủ nghĩa xã hội
+ Trong xã hội: khoa học kĩ
thuật có vai trò ngày càng tăng và chiếm địa vị quyết định, chế độ tư
hữu mất dần tác dụng, mâu thuẫn xã hội được loại trừ.
* Là
sản phẩm của chủ nghĩa tư bản đế quốc, trường phái thể chế đang trong
qua trình vận động, chưa kết thúc. Do đó, sự đánh giá chưa phải là kết
luận cuối cùng.
Trường phái thể chế có những tiến bộ, đó là:
+ Trong khi nhận thức được vai
trò và tác động của các mặt đời sống xã hội, đặc biệt nhận thức khá sâu
sắc tác động của khoa học kĩ thuật và công nghệ đối với sự phát triển
kinh tế trong xã hội hiện đại, trường phái thể chế đặt vấn đề nghiên cứu
tổng thể nền kinh tế, xã hội trong qua trình vận động lịch sử, nghiên
cứu kinh tế trong mối liên hệ tác động với các mặt khác của đời sống xã
hội do đó ít nhiều khắc phục mâu thuẫn, cứu vãn sự sụp đổ của chủ nghĩa
tư bản, làm cho chủ nghĩa tư bản có sự biến đổi thích nghi.
+ Là cơ sở của các học thuyết chính trị - xã hội tư bản như: thuyết hội tụ, thuyết phúc lợi chung, “Nhà nước tư bản toàn cầu”.
+ Nghiên cứu giúp chúng ta nhìn
nhận khoa học hơn về học thuyết Mác - Lênin. Phạm vi rộng, đụng chạm
đến nhiều mặt của đời sống xã hội nên để hiểu đầy đủ cần có hiểu biết
rộng, phối hợp nghiên cứu đa ngành, liên ngành: kinh tế, chính trị, xã
hội học, tâm lí học, lịch sử,...
Những hạn chế của trường phái thể chế là:
+ Nói chung đứng trên quan điểm
duy tâm khi nghiên cứu kinh tế, xã hội (phủ định vai trò cơ sở kinh tế
của quan hệ sản xuất, quan hệ sở hữu, đề cao vai trò của các yếu tố kinh
tế như: tâm lí, pháp lí, tri thức...).
Bản chất: Là một trào lưu tư
sản dù có phê phán gay gắt những khuyết tật của xã hội tư bản và thậm
chí có những đại diện được coi là “những người cấp tiến”.
+ Phản ánh hệ tư tưởng tư sản, đứng trên lập trường giai cấp tư sản bênh vực lợi ích của tư bản độc quyền và CNTB.
+ Mọi lí luận đưa ra đều nhằm chống lại chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ nghĩa xã hội.
Về hoàn cảnh lịch sử và đặc điểm của trường phái thể chế
Truyền bá rộng rãi từ những năm 20 -
30 của thế kỷ XX nhưng xuất hiện sớm hơn, đó là từ cuối thế kỷ XIX,
trong quá trình CNTB chuyển từ tự do cạnh tranh sang độc quyền và sự
thống trị của độc quyền., đồng thời có sự thoái trào của kinh tế chính
trị tư sản cổ điển.
Tư tưởng cơ bản là của trường phái
thể chế là đề cao vai trò của các thể chế xã hội của khoa học kĩ thuật
trong sự phát triển kinh tế. Động lực của sự phát triển xã hội là các
thể chế xã hội.
Đặc điểm nổi bật nhất của các học
thuyết kinh tế trường phái thể chế là tính không thuần nhất. Không thừa
nhận tác động của các quy luật kinh tế khách quan, không phân tích sự
phát triển của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất mà chỉ phân tích
sự tiến hóa của tư liệu sản xuất.
Các đại biểu của trường phái này đã
thay thế môn kinh tế bằng môn lịch sử và sự phân tích tâm lí.Thay thế
nghiên cứu lí luận bằng phương pháp mô tả.
Về nội dung cơ bản:
Cần hiểu và phân biệt các khuynh hướng trong trường phái thể chế từ khi xuất hiện đến nay, các khuynh hướng nổi bật là:
Trường phái thể chế cũ (cổ điển)
Có các khuynh hương tiêu biểu sau:
Khuynh hướng thể chế tâm lí - xã hội (Đại biểu: Veblen - Được coi là người sáng lập trường phái thể chế).
Là người đặt nền móng và đề xướng
thuyết “kĩ thuật quyết định”: đề cao vai trò tri thức trong sự phát
triển xã hội hiện đại, cho rằng có thể thay đổi chế độ bằng cách chuyển
chính quyền vào tay giới trí thức kĩ thuật.
Khuynh hướng thể chế pháp lí - xã hội (Commons):
Truyền bá chủ nghĩa cải lương
trong phong trào công nhân.Xác định bản chất của tư bản không phải là
bóc lột công nhân và tạo giá trị thặng dư mà là quan hệ thị trường, và
trong điều kiện CNTB hiện đại thì biểu hiện như là “sự cạnh tranh không
trung thực”.Từ đó có thể sử dụng các cơ quan pháp luật để sửa chữa. Hoàn
thiện các tiêu chuẩn pháp chế sẽ đem lại khả năng cho tiến bộ xã hội.
Khuynh hướng thể chế thống kê (Mitchell)
Lí giải sự phát triển xã hội không
phải là sự phát triển của cá nhân mà là sự hoàn thiện mối liên hệ tập
thể các thành viên. Nhìn thấy sự phát triển trong sự tiến hóa của các
thể chế, tăng quy chế Nhà nước và sự can thiệp của thể chế Nhà nước vào
kinh tế nhưng không đánh giá được tính hợp lí của thể chế này mà chỉ tái
hiện và mô tả.
Trường phái thể chế mới
Dựa trên thuyết “Kĩ thuật quyết
định” của Veblen và trong điều kiện cách mạng khoa học kĩ thuật và công
nghệ phát triển. Bao gồm các thuyết “Xã hội công nghiệp”, “Xã hội công
nghiệp mới”, “Xã hội hậu công nghiệp”.
Có các học thuyết sau:
Thuyết xã hội công nghiệp (những năm 60 của thế kỷ XX):
Tuyên bố thủ tiêu vai trò chủ đạo
của sở hữu trong kinh tế, chuyển vai trò quyết định phát triển kinh tế
sang các công ty lớn. Tập trung quyền lực công ty vào tay các nhà khoa
học và quản lí, ứng dụng kĩ thuật, quản lí có tổ chức nhằm đáp ứng các
yêu cầu cơ bản của xã hội, nhờ Nhà nước điều tiết.
Thuyết “Xã hội công nghiệp mới”:
Dùng lăng kính “công nghệ học quyết
định”. Sự tiến bộ của khoa học kĩ thuật quyết định sự tiến hóa xã hội.
Làm cho chủ nghĩa tư bản tiến hóa sang “Xã hội công nghiệp mới”
Thuyết “Xã hội hậu công nghiệp”: Trọng tâm: “Nguyên lí trục”
Sự phát triển xã hội gắn với sự
thay đổi về kinh tế, kỹ thuật, văn hóa – chính trị. Mỗi lĩnh vực dựa
trên nguyên lí một trục nhất định. Xác định “xã hội hậu công nghiệp”
theo trục công nghệ và tri thức.
Cho rằng chủ nghĩa tư bản hiện đại
đã biến đổi về chất, trở thành “Xã hội công nghiệp”. Không còn là chủ
nghĩa tư bản cũng không phải là chủ nghĩa xã hội
Về đánh giá khái quát
Là sản phẩm của chủ nghĩa tư bản đế quốc, trường phái thể chế đang trong quá trình vận
động, chưa kết thúc. Do đó, sự đánh giá chưa phải là kết luận cuối cùng.
Trước mắt tạm thời có những nhận định sau về trường phái thể chế:
+ Đã nhận thức được vai trò và tác
động của các mặt đời sống xã hội, đặc biệt nhận thức khá sâu sắc tác
động của khoa học kĩ thuật và công nghệ đối với sự phát triển kinh tế
trong xã hội hiện đại.
+ Bản chất: Là một trào lưu tư sản
dù có phê phán gay gắt những khuyết tật của xã hội tư bản và thậm chí có
những đại diện được coi là “những người cấp tiến”. Mọi lí luận đưa ra
đều nhằm chống lại chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ nghĩa xã hội.
+ Nghiên cứu giúp chúng ta nhìn
nhận khoa học hơn về học thuyết Mác - Lênin. Phạm vi rộng, đụng chạm đến
nhiều mặt của đời sống xã hội nên để hiểu đầy đủ cần có hiểu biết rộng,
phối hợp nghiên cứu đa ngành, liên ngành: kinh tế, chính trị, xã hội
học, tâm lí học, lịch sử,...
1. Hoàn cảnh lịch sử ra đời và đặc điểm của các học thuyết kinh tế trường phái thể chế?
2. Những nội dung tư tưởng cơ bản của trường phái thể chế mới?
3. Trình bày những đóng góp của
trường phái thể chế mới trong việc nghiên cứu các hiện tượng kinh tế
hiện nay và ý nghĩa của việc nghiên cứu trường phái này?
0 nhận xét:
Đăng nhận xét