Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Hai, 12 tháng 9, 2016

Bản chất đang thay đổi của quyền lực


Nguồn: Nye, Joseph S. “The Changing Nature of Power” (Chapter 1) in J.S. Nye, Soft Power: The Means to Success in World Politics (New York: Public Affairs, 2004), pp. 1-32.
Biên dịch: Vũ Trọng Cương | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Hơn bốn thế kỷ về trước, Nicolo Machiavelli khuyên răn các quân vương nước Ý rằng thà để thiên hạ sợ mình hơn là yêu mình. Nhưng trong thế giới ngày nay, có được cả hai điều này là hay hơn cả. Giành được trái tim và khối óc của quần chúng lúc nào cũng là điều thiết yếu, và trong thế giới thông tin toàn cầu ngày nay, nó còn quan trọng hơn bao giờ hết. Thông tin là sức mạnh, và công nghệ thông tin ngày nay quảng bá tin tức đến đại chúng một cách rộng rãi hơn bao giờ hết. Tuy vậy, các nhà lãnh đạo hầu như chỉ bỏ ra rất ít thời gian để suy nghiệm bản chất của quyền lực đã thay đổi ra sao, và cụ thể hơn, là làm sao hội nhập các khía cạnh “mềm” vào sách lược sử dụng quyền lực của họ.
Quyền lực là gì?
Quyền lực cũng như thời tiết. Ai cũng phụ thuộc vào nó, bàn về nó nhưng chẳng mấy ai hiểu được nó. Cũng như nông gia và các nhà khí tượng học tìm mọi cách để dự báo thời tiết, các lãnh tụ và nhà phân tích chính trị cố gắng miêu tả và dự đoán thay đổi trong các mối quan hệ quyền lực. Quyền lực cũng như tình yêu, khó định nghĩa hay đo lường hơn là cảm nhận, nhưng không có nghĩa là nó không tồn tại. Theo định nghĩa trong từ điển, quyền lực là khả năng làm được việc gì đó. Ở mức định nghĩa tổng quan này, quyền lực có nghĩa là khả năng đạt được kết quả mà mình mong muốn. Định nghĩa trong từ điển cũng cho rằng quyền lực là khả năng tác động hành vi của người khác để cho những điều này xảy ra. Hợp nhất các định nghĩa này một cách cụ thể hơn, quyền lực là khả năng gây ảnh hưởng lên hành vi cuả người khác để đạt được kết quả mình mong muốn. Có nhiều cách khác nhau tác động lên hành vi con người. Có thể  đe doạ cưỡng ép, có thể dụ dỗ mua chuộc, hay cũng có thể khuyến dụ họ hợp tác vì cả hai bên cùng chung mục đích.
Có người nhận thức một cách hạn hẹp về quyền lực; theo họ, chỉ có quyền chỉ huy hay quyền cưỡng chế. Điều này xảy ra khi bạn buộc người ta thực hiện những hành vi mà trong hoàn cảnh bình thường họ không thường làm như vậy.1 Bạn hô “Nhảy!” là họ nhảy. Đây có vẻ như là một trắc nghiệm hết sức đơn giản về quyền lực, nhưng thực ra sự việc không đơn giản chút nào. Ví dụ nếu những người dưới quyền chỉ huy của bạn vốn đã thích nhảy nhót như đám con nít cháu tôi thì sao? Khi chúng ta đo lường quyền lực dựa trên những biến đổi trong hành vi của người khác, trước hết ta phải biết sở thích của họ. Nếu không, chúng ta sẽ phạm sai lầm khi đánh giá quyền lực, tựa như chú gà trống tưởng rằng tiếng gáy của mình làm mặt trời mọc. Quyền lực có thể tan biến dễ dàng khi hoàn cảnh thay đổi. Đứa bé bắt nạn bạn bè mình ngoài sân chơi, buộc chúng phải nhảy nhót theo ý mình, sẽ nhanh chóng mất quyền lực khi hết giờ ra chơi, và cả lớp trở lại môi trường có kỷ luật chặt chẽ. Một nhà độc tài tàn bạo có thể giam cầm hoặc hành hình một nhà bất đồng chính kiến, nhưng điều đó không chứng tỏ là nhà độc tài có nhiều quyền lực, đặc biệt khi người bất đồng chính kiến sẵn sàng tử vì đạo. Quyền lực luôn luôn phụ thuộc vào bối cảnh trong đó các mối quan hệ tồn tại với nhau.2
Thường rất khó khăn để có thể tiên liệu hành vi người khác khi ta không hiện diện để chỉ huy họ. Nhưng hơn thế nữa, như chúng ta sẽ thấy sau đây, có khi chúng ta đạt được ước nguyện của mình qua ảnh hưởng hành vi của họ mà không cần chỉ huy họ. Nếu bạn tin rằng mục đích của tôi là chính đáng, tôi có thể thuyết phục bạn ủng hộ tôi mà tôi không cần đe doạ hoặc mua chuộc bạn. Ta có thể đạt được những hệ quả mình mong muốn mà không cần có quyền lực rõ ràng đối với họ. Ví dụ một số tín đồ Thiên Chúa Giáo tuân thủ theo lời răn dạy của Đức Giáo Hoàng về án tử hình không phải vì họ sợ rút phép thông công mà vì tôn trọng thẩm quyền đạo đức của ngài.  Hoặc một số người theo Hồi giáo chính thống có khuynh hướng đồng tình với các hoạt động của Osama bin Laden không phải vì bị đe dọa hay mua chuộc mà vì họ tin các mục đích đấy là chính đáng.
Các chính trị gia thực dụng và người thường cho rằng những vấn đề về hành xử và động lực là quá phức tạp. Vì vậy, họ dùng một định nghĩa thứ hai về quyền lực và xem nó đơn giản là sự sở hữu khả năng hoặc nguồn lực có thể tác động đến hệ quả mong muốn. Do đó, họ cho một quốc gia là hùng mạnh nếu nó có khá đông dân số và nhiều đất đai, tài nguyên thiên nhiên phong phú, kinh tế phồn vinh, quân đội hùng hậu, và xã hội ổn định. Tác dụng của định nghĩa thứ hai này là làm cho khái niệm quyền lực trở nên cụ thể hơn, dễ đo lường và dự đoán hơn. Nhưng định nghĩa này có một số vấn đề. Khi quyền lực được xem là đồng nghĩa với nguồn lực tạo ra nó, sẽ xuất hiện nghịch lý là người có nhiều quyền lực không phải lúc nào cũng đạt được hệ quả mong muốn.
Nguồn lực của quyền lực không dễ chuyển hóa thành kết quả mong muốn giống như tiền bạc. Sức mạnh để chiến thắng trong một trò chơi này có thể chẳng có tác dụng gì trong một trò chơi khác. Cầm trong tay những lá bài tốt theo kiểu chơi poker trong khi bạn lại đang chơi trò bridge thì chẳng giúp được gì.3 Ngay cả khi bạn đang chơi poker, nếu bạn có bài tốt nhưng không biết chơi đúng cách thì bạn vẫn thua như thường. Có sẵn nguồn lực để tạo ra quyền lực không hề bảo đảm là lúc nào bạn cũng đạt được ý nguyện của mình. Một ví dụ khác là cuộc chiến Việt Nam. Xét về tài nguyên, Hoa Kỳ vượt xa Việt Nam, nhưng rốt cuộc họ thất bại trong cuộc chiến này. Và Hoa Kỳ là siêu cường duy nhất trên thế giới vào năm 2001, thế nhưng họ đã không thể ngăn chặn thảm hoạ ngày 11 tháng 9.
Biến đồi nguồn lực thành quyền lực theo nghĩa đạt đuợc ước nguyện của mình đòi hỏi phải có chiến lược bài bản và tài lãnh đạo khéo léo. Tuy nhiên, chiến lược thường không thoả đáng và lãnh đạo hay sai lầm – ví dụ điển hình là các nước Nhật Bản và nước Đức vào năm 1941, hay Saddam Hussein năm 1990. Trong bất cứ trò chơi nào, đánh giá được ai có tay bài tốt thường là bước đi đầu tiên. Quan trọng không kém là hiểu được trò chơi đó. Nguồn lực nào tạo ra hành vi quyền lực trong một bối cảnh cụ thể? Dầu hoả không phải là một nguồn lực đáng kể trước khi có công nghiệp hoá; uranium cũng chẳng hề quan trọng khi thời đại hạt nhân chưa ra đời.
Trong những giai đoạn trước đây, chúng ta dễ dàng đánh giá nguồn lực tạo nên quyền lực trên trường quốc tế. Phép kiểm chứng kinh điển đối với một siêu cường trên chính trường quốc tế là “sức mạnh tham chiến.”4  Trải qua nhiều thế kỷ, với tiến bộ của khoa học kỹ thuật, nguồn lực tạo ra sức mạnh tham chiến cũng đã thay đổi. Ví dụ như vào thế kỷ 18 ở châu Âu, dân số là một nguồn lực quan trọng vì đó là cơ sở để thu thuế và tuyển mộ binh sĩ. Vào năm 1815 khi kết thúc các cuộc Chiến tranh Napoleon, nước Phổ đưa ra trước các đồng minh thắng trận tai Hội nghị Viên một kế hoạch tỉ mỉ về việc tái thiết cùng với việc chuyển giao lại lãnh thổ và dân số để duy trì cán cân quyền lực với nước Pháp. Vào giai đoạn tiền dân tộc chủ nghĩa, họ chẳng cần quan tâm những người phải di dân không hề nói tiếng Đức. Tuy nhiên, trong vòng năm mươi năm sau, chủ nghĩa dân tộc phát triển nhanh chóng, và việc nước Đức chiếm đóng Alsace và Lorraine của Pháp năm 1870 trở thành một trong những lý do gây ra Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Các tỉnh bị chia cắt, trước đây được xem là tài sản, thì nay đã trở thành món nợ trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc lên cao. Nói tóm lại, không thể đánh giá nguồn lực tạo quyền lực mà không xem xét đến bối cảnh. Trước khi bạn xét đoán ai có bài tốt, bạn cần phải hiểu bạn đang chơi trò chơi nào và giá trị của các lá bài thay đổi ra sao.
Ví dụ sự phân phối nguồn lực tạo quyền lực trong thời đại thông tin ngày nay biến đổi rất nhiều tuỳ theo từng vấn đề. Chúng ta thường nghe nói là Hoa Kỳ là siêu cường duy nhất trong một thế giới “đơn cực”. Nhưng bối cảnh ngày nay phức tạp hơn ta tưởng nhiều. Nghị trình trên chính trường quốc tế trở nên giống như ván cờ vua ba chiều; để thắng được ván cờ này phải đi quân trên cả hàng dọc và hàng ngang. Trên bàn cờ thứ nhất là các vấn đề quân sự kinh điển giữa các quốc gia; Hoa Kỳ quả thực vẫn là siêu cường duy nhất với tầm hoạt động quân sự toàn cầu, và trên bình diện này ta có thể dùng những khái niệm truyền thống như đơn cực và bá chủ. Tuy nhiên trên bàn cờ thứ hai về các vấn đề kinh tế giữa các quốc gia, sự phân phối quyền lực trở nên đa cực. Hoa Kỳ không thể đạt được kết quả mong muốn về mậu dịch, chống độc quyền, hoặc điều tiết tài chính nếu không có sự thoả thuận với Liên minh Châu Âu, Nhật, Trung Quốc và các nước khác. Vì vậy không thể xem Hoa Kỳ là bá chủ. Trên bàn cờ thứ ba liên quan đến các vấn đề liên quốc gia như khủng bố, tội phạm quốc tế, biến đổi khí hậu, và sự lây lan các căn bệnh truyền nhiễm, quyền lực đuợc phân phối rộng rãi và tổ chức khá hỗn độn giữa các thành tố quốc gia và phi quốc gia. Trên bình diện này thì càng không thể nói rằng đây là một thế giới đơn cực hay Hoa Kỳ là một đế chế – cho dù có sự tuyên truyền từ cả hai phiá tả và hữu.  Và đây là phạm trù những vấn đề đang xâm nhập vào thế giới đại chiến lược. Thế nhưng nhiều lãnh đạo chính trị vẫn còn đang tập trung hoàn toàn vào các nguồn lực quân sự và các giải pháp quân sự kinh điển – vốn nằm trên bàn cờ thứ nhất. Họ lầm lẫn điều kiện cần với điều kiện đủ. Họ vẫn chỉ là những đấu thủ một chiều trong cuộc chơi ba chiều. Xét về lâu dài, đó là con đường dẫn đến thất bại, vì để đạt được thắng lợi trên bàn cờ liên quốc gia thứ ba đòi hỏi phải dùng đến quyền lực mềm.
Quyền lực mềm
Ai cũng đã quen thuộc với quyền lực cứng. Chúng ta hiểu rằng sức mạnh về kinh tế và quân sự có thể khiến đối tác thay đổi lập trường của họ. Quyền lực cứng dựa trên sự khuyến dụ (“củ cà rốt”) hay đe dọa (“cây gậy”). Nhưng đôi khi bạn có thể đạt được ước nguyện mà không cần đe doạ hay dụ dỗ. Cách gián tiếp để để đạt được ước nguyện có khi còn được gọi là “bộ mặt thứ hai của quyền lực.” Một quốc gia có thể đạt được ước nguyện của mình trên trường quốc tế bởi vì các quốc gia khác – vốn ngưỡng mộ các giá trị của nó, noi theo tấm gương của quốc gia này, ước muốn có được sự phồn vinh và cởi mở như vậy – muốn đi theo bước chân của quốc gia đó. Hiểu theo nghĩa này, chúng ta thấy được tầm quan trọng về việc sắp đặt các nghị trình và thuyết phục các quốc gia khác trên chính trường quốc tế, chứ không phải buộc họ phải thay đổi bằng cách đe dọa sử dụng sức mạnh quân sự hoặc cấm vận kinh tế. Quyền lực mềm, vốn lôi cuốn các đối tác mong muốn đạt được điều mà bạn cũng muốn, tạo điều kiện để hợp tác hơn là cưỡng chế.5
Nền tảng của quyền lực mềm là khả năng định hình ý muốn của đối tác. Ở mức độ cá nhân, chúng ta ai cũng quen thuộc với sức mạnh của sự quyến rũ và cám dỗ. Trong quan hệ lứa đôi hay hôn nhân, quyền lực không nhất thiết nằm trong tay người có sức mạnh hơn, mà trái lại phụ thuộc vào sự quyến rũ huyền bí. Trong thế giới thương trường, các quản trị gia khôn ngoan hiểu rằng tài lãnh đạo không chỉ đơn thuần là phát ra mệnh lệnh mà còn đòi hỏi họ phải làm gương và cuốn hút nhân viên để cho họ cũng mong muốn đạt được thành quả như các nhà lãnh đạo đã muốn. Rất khó có thể điều hành một tổ chức thuần túy thông qua mệnh lệnh. Bạn cũng cần các thành viên tin vào các giá trị của bạn. Tương tự như thế, các biện pháp cảnh sát dựa vào cộng đồng ngày nay phụ thuộc vào việc lực lượng cảnh sát có tỏ ra thân thiện và dễ mến nhằm khuyến khích cộng đồng giúp họ đạt được các mục tiêu chung hay không.6
Các lãnh đạo chính trị từ lâu đã hiểu được sức mạnh phát xuất từ sự quyến rũ. Nếu tôi có thể khiến bạn muốn làm điều tôi muốn, tôi không cần dùng đến củ cà rốt hay cây gậy để bạn phải làm theo ý tôi. Trong khi lãnh đạo tại các quốc gia theo chính thể độc đoán thường hay cưỡng chế hay phát hành mệnh lệnh, chính trị gia tại các quốc gia dân chủ phải dựa vào sự kết hợp giữa khích lệ và thu hút. Quyền lực mềm là thành tố không thể thiếu được trong chính trị thường ngày trong xã hội dân chủ. Để có thể định hình được ý muốn, người ta cho rằng phải tồn tại các kỹ năng trừu tượng như cá tính thu hút, văn hoá, các giá trị và thể chế chính trị, các chính sách được xem là hợp lệ hay có thẩm quyền đạo đức. Nếu nhà lãnh đạo đại diện các giá trị mà những người khác cũng muốn tuân theo, ông ta không phải tốn nhiều công sức để lãnh đạo họ.
Quyền lực mềm không đơn thuần đồng nghĩa với ảnh hưởng. Bởi vì dù sao ảnh hưởng cũng có thể xuất phát từ quyền lực cứng bằng răn đe hay mua chuộc. Quyền lực mềm cũng hàm chứa nhiều hơn là tính thuyết phục hay khả năng tranh biện, mặc dù đây là một trong những thành tố quan trọng. Nó cũng là năng lực thu hút, và sự thu hút thường dẫn đến chấp thuận. Nói một cách đơn giản, xét về ứng xử, quyền lực mềm là quyền lực quyến rũ. Xét về nguồn lực thì nguồn lực tạo ra quyền lực mềm là những tài sản giúp gây được sự quyến rũ nói trên. Việc đánh giá xem một tài sản có phải là nguồn lực của quyền lực mềm vốn có khả năng quyến rũ có thể được thực hiện thông khảo sát ý kiến hoặc phỏng vấn các nhóm đại diện. Sự quyến rũ đó có tạo ra được hiệu quả chính sách mong muốn hay không phải được xét đoán riêng. Sự quyến rũ không nhất thiết sẽ định hình được ý muốn của người khác, nhưng việc các nguồn lực của quyền lực không thể chuyển hóa được thành quyền lực thực tế thể hiện ở kết quả cụ thể không phải chỉ xảy ra đối với quyền lực mềm. Trước ngày nước Pháp thất thủ vào năm 1940, hai quốc gia Anh và Pháp có nhiều xe tăng hơn Đức, nhưng ưu thế sức mạnh quân sự đó không thể tiên liệu đúng kết quả trận đánh.
Một cách hiểu khác về sự khác biệt giữa quyền lực cứng và quyền lực mềm là xem xét tất cả các phương cách được dùng để đạt được kết quả mong muốn. Bạn có thể ra lệnh cho tôi thay đổi ý muốn của tôi và làm theo ý muốn của bạn bằng vũ lực hoặc trừng phạt kinh tế. Bạn có thể dụ dỗ tôi làm theo ý bạn bằng cách dùng sức mạnh kinh tế của bạn để mua chuộc tôi. Bạn có thể hạn chế các ước nguyện của tôi bằng cách sắp xếp lịch trình sao cho những nguyện vọng này có vẻ như quá ngông cuồng và trở nên không thực tế nữa. Hay bạn cũng có thể kêu gọi ý thức về tính quyến rũ, tình yêu, hay bổn phận trong quan hệ đôi bên và ý thức về giá trị chung mà hai bên cùng chia xẻ, về sự công bằng khi cả hai bên cùng đóng góp cho những mục đích và giá trị chung này.7  Nếu bạn thuyết phục được tôi cùng chia xẻ các mục đích của bạn mà không hăm doạ hay đổi chác – nói tóm lại, hành vi của tôi chịu tác động của sự quyến rũ tuy không nắm bắt được nhưng quan sát được – đó là lúc quyền lực mềm đang được vận hành. Quyền lực mềm sử dụng một loại tiền tệ khác (không phải sức mạnh, cũng không phải tiền bạc) để sản sinh ra sự hợp tác – sự quyến rũ của các giá trị hai bên cùng chia xẻ, sự công bằng và bổn phận đóng góp để đạt được mục đích chung. Cũng như Adam Smith từng nhận định: dường như có một bàn tay vô hình dẫn dắt con người khi họ đưa ra các quyết định trong một nền kinh tế tự do; quyết định của chúng ta trong thị trường ý tưởng thường được dẫn dắt bởi quyền lực mềm – sự quyến rũ vô hình thuyết phục chúng ta theo đuổi mục đích của người khác khi không hề bị hăm doạ hay mua chuộc.
Quyền lực cứng và quyền lực mềm liên hệ với nhau vì đấy là hai khiá cạnh của cùng một năng lực nhằm đạt được mục tiêu qua ảnh hưởng lên hành vi ngưởi khác. Hai dạng quyền lực chỉ khác nhau về mức độ, xét về bản chất hành vi và tính hữu hình của nguồn lực. Quyền năng chỉ huy – khả năng thay đổi những điều người khác làm được – dựa vào cưỡng chế hay dụ dỗ. Quyền năng thu phục – khả năng định hình những điều người khác muốn có – dựa vào tính thu hút về văn hoá và các giá trị, hay năng lực thao túng nghị trình các chọn lựa chính trị một cách khéo léo khiến cho các đối tác tự từ bỏ một số chọn lựa của mình vì chúng không tỏ ra thực tế. Các định dạng hành vi giữa quyền năng chỉ huy và quyền năng thu phục nằm trong phổ từ cưỡng chế, đến dụ dỗ kinh tế, đến thiết lập nghị trình (để người khác tự tuân theo- ND), đến thuần quyến rũ. Quyền lực mềm thường thiên về phía quyền năng thu phục trên phổ định dạng hành vi trên, trong khi quyền lực cứng thường gắn với xu hướng hành vi mệnh lệnh. Mối quan hệ này không phải là hoàn hảo. Ví dụ, đôi khi một số quốc gia bị thu hút bởi các quốc gia có quyền năng chỉ huy qua huyền thoại bất khả chiến bại, và quyền năng chỉ huy đôi khi tạo dựng nên các thể chế mà sau nay được công nhận là hợp pháp. Một nền kinh tế hùng cường không những có nguồn lực để chế tài và thưởng phạt mà còn tạo ra sức thu hút. Tuy nhiên, nói chung mối liên hệ tổng quan giữa các định dạng hành vi và các nguồn lực tỏ ra khá ổn định để chúng ta có thể dùng bảng tham khảo tóm tắt sau đây:8
(Vui lòng download bài  viết để xem bảng)
Trên chính trường quốc tế, nguồn lực sản sinh ra quyền lực mềm thường xuất phát từ các giá trị mà một tổ chức hoặc quốc gia thể hiện qua nền văn hoá, qua những ví dụ đưa ra qua phương thức hoạt động và chính sách trong nước cũng như phương pháp xử lý các mối quan hệ bên ngoài. Đôi khi nhà nước gặp khó khăn khi muốn kiểm soát và vận dụng quyền lực mềm. Điều đó không có nghĩa là quyền lực mềm bị giảm thiểu tầm quan trọng. Một vị cựu bộ trưởng ngoại giao Pháp đã nhận xét rằng người Mỹ có nhiều quyền lực vì họ có thể “tạo niềm cảm hứng của những ước mơ và khao khát, qua cách sử dụng thành thạo những hình tượng quốc tế trong phim ảnh và truyền hình, và cũng chính vì lý do này, đại đa số sinh viên nước ngoài đã đến học tập tại Hoa Kỳ.”9 Quyền lực mềm là một thực tại quan trọng. Ngay cả nhà hiện thực vĩ đại người Anh E. H. Carr vào năm 1939 đã mô tả quyền lực quốc tế dưới ba phạm trù: quân sự, kinh tế và sức mạnh tạo dư luận.10 Những ai phủ nhận tầm quan trọng của quyền lực mềm là người không hiểu được sức mạnh của sự cám dỗ.
Trong một cuộc gặp gỡ với Tổng thống John F. Kennedy, chính trị gia lão thành John J. McCloy đùng đùng nổi cơn thịnh nộ vì ông cho rằng chính quyền quan tâm quá đáng đến tính phổ cập và thu hút trên chính trường quốc tế: “Ý kiến thế giới ư? Tôi không tin vào ý kiến thế giới. Điều duy nhất ta cần quan tâm là quyền lực.” Nhưng cũng giống như Woodrow Wilson và Franklin Roosevelt, Kennedy hiểu rằng khả năng quyến rũ người khác và dịch chuyển ý kiến là một thành tố tạo nên quyền lực.11 Ông hiểu được tầm quan trọng của quyền lực mềm.
Như đã đề cập ở trên, cũng cùng một nguồn lực có thể ảnh hưởng cả chuỗi hành vi đi từ cưỡng chế đến quyến rũ. Một quốc gia đang trải qua giai đoạn suy thoái về quân sự lẫn kinh tế không những đánh mất nguồn lực tạo nên quyền lực cứng mà cả một phần năng lực định hình các lịch trình quốc tế cũng như tính quyến rũ của họ. Một số quốc gia bị thu hút bởi các quốc gia có quyền lực cứng qua huyền thoại bất khả chiến bại và tính thiên định. Cả Hitler và Stalin đều nỗ lực xây dựng những huyền thoại trên. Quyền lực cứng cũng có thể được dùng để kiến lập đế chế và các thể chế nhằm đặt ra lịch trình nghị sự cho các tiểu quốc – ví dụ như Liên Xô đã từng cai trị các quốc gia trong khối Đông Âu. Tổng thống Kennedy đã tỏ ra quan ngại đúng đắn khi ông thấy rằng mặc dù qua các cuộc trưng cầu dân ý, Hoa Kỳ được lòng dân hơn, nhưng nó cũng cho thấy đa số công chúng cho rằng Liên Xô vượt trội hơn trong chương trình thám hiểm vũ trụ và sức mạnh vũ khí hạt nhân.12
Quyền lực mềm không phụ thuộc vào quyền lực cứng. Toà thánh Vatican đương nhiên có quyền lực mềm cho dù Stalin đã từng mỉa mai với câu hỏi, “Đức Giáo Hoàng có được mấy sư đoàn trong tay?” Đã có một thời Liên Xô có rất nhiều quyền lực mềm, nhưng nó đã đánh mất ít nhiều quyền lực này sau khi xâm lăng Hungary và Tiệp Khắc. Quyền lực mềm của chính quyền Liên Xô tiếp tục suy giảm mặc dù nguồn lực cứng về kinh tế và quân sự ngày càng gia tăng. Do thực thi các chính sách tàn bạo, quyền lực cứng của Liên Xô đã làm suy yếu quyền lực mềm của chính họ. Trái lại, quyền lực mềm ở một mức độ nào đó đã củng cố tầm ảnh hưởng của chính quyền Liên Xô tại Phần Lan. Cũng tương tự, quyền lực mềm đã củng cố tầm ảnh hưởng của Hoa Kỳ tại các quốc gia Nam Mỹ trong thập niên 1930 khi Tổng thống Franklin Roosevelt đưa quyền lực mềm vào “chính sách láng giềng tốt.”13
Đôi khi các quốc gia có được thế lực chính trị rộng lớn hơn cả sức mạnh kinh tế và quân sự mà họ sở hữu; điều đó ngụ ý là các quốc gia này đã xác định lợi ích quốc gia của họ phải bao gồm những mục đích thu hút như viện trợ kinh tế và giữ gìn hoà bình. Ví dụ như trong hai thập niên qua, Na Uy đã đóng góp công sức vào những cuộc đàm phán hoà bình tại Philippines, bán đảo Balkan, Columbia, Guantemala, Sri Lanka, và khu vực Trung Đông. Người dân Nay Uy cho rằng đây là di sản nền văn hoá truyền giáo đạo Luther của họ, nhưng đồng thời, việc đảm nhiệm tư cách của một lực lượng giữ gìn hoà bình cũng đồng nhất quốc gia này với các giá trị mà những quốc gia khác cùng chia xẻ, và do vậy, đã nâng cao quyền lực mềm của Na Uy. Bộ trưởng Ngoại giao Jan Peterson lập luận rằng “chúng tôi quả thực dễ có cơ hội tiếp cận hơn,” vì ông cho rằng vị trí của Na Uy tại nhiều cuộc đàm phán đã nâng cao tính hữu ích và giá trị của họ đối với các quốc gia lớn hơn. 14
Michael Ignatieff cũng mô tả vị trí của Canada từ một góc nhìn tương tự: “Ảnh hưởng xuất phát từ ba phạm trù: thẩm quyền đạo đức với tư cách một công dân tốt mà chúng ta có ít nhiều, khả năng quân sự mà chúng ta có ít hơn nhiều, và khả năng tương trợ cộng đồng quốc tế.” Đề cập đến Hoa Kỳ, ông cho rằng “chúng ta có cái mà họ muốn. Họ cần có tính chính danh.”15 Đó chính là tiền đề gia tăng ảnh hưởng của Canada khi họ cần thương lượng với người hàng xóm khổng lồ Hoa Kỳ. Chính phủ Ba Lan quyết định gửi quân đến Iraq trong thời hậu chiến không chỉ nhằm được Hoa Kỳ sủng ái mà còn là phương cách tạo dựng lên một hình ảnh tích cực về Ba Lan trên trường quốc tế. Khi chính quyền Taliban sụp đổ tại Afghanistan vào năm 2001, Bộ Trưởng Ngoại Giao của Ấn Độ bay đến Kabul để chúc mừng tân chính phủ lâm thời. Trên chuyến bay này, họ không mang theo theo vũ khí hay lương thực, mà chất đầy băng hình phim ảnh và âm nhạc của Bollywood được nhanh chóng phân phát sau đó trong khắp thành phố.16 Trong chương ba tới, chúng ta sẽ thấy rằng nhiều quốc gia có sẵn nguồn lực sản sinh ra quyền lực mềm.
Các thể chế cũng có thể nâng cao quyền lực mềm của một quốc gia. Ví dụ như Anh Quốc trong thế kỷ 19 và Hoa Kỳ vào thời kỳ nửa sau thế kỷ 20 đã triển khai các giá trị của họ thông qua xây dựng các luật lệ và thể chế quốc tế phản ánh bản chất dân chủ tự do của nền kinh tế Hoa Kỳ và Anh Quốc: trong trường hợp Anh Quốc là sự tự do mậu dịch và nền kim bản vị; trong trường hợp Hoa Kỳ là các thể chế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Tổ chức Mậu dịch Thế giới, và Liên Hiệp Quốc. Khi các quốc gia chứng tỏ sức mạnh có tính chính đáng, họ sẽ không bị đối kháng khi thực thi nguyện vọng của mình. Nếu nền văn hóa và ý thức hệ của một quốc gia tỏ ra hấp dẫn, các quốc gia khác sẽ dễ dàng đi theo họ hơn. Nếu một quốc gia có thể định hình những luật lệ quốc tế tương thích với lợi ích và giá trị của quốc gia đó, hành động của họ sẽ hợp pháp hơn dưới cái nhìn của các nước khác. Nếu họ sử dụng các thể chế này và tuân thủ các luật lệ nhằm khuyến khích các quốc gia khác vận dụng hay hạn chế hoạt động theo chiều hướng mà họ mong muốn, họ sẽ không cần dùng đến củ cà rốt và cây gậy vốn tốn sẽ kém hơn nhiều.
Nguồn lực của quyền lực mềm
Quyền lực mềm của một quốc gia dựa trên ba nguồn lực chính: nền văn hoá (ở những điểm thu hút), giá trị về chính trị (áp dụng trong và ngoài nước), và chính sách đối ngoại (khi được cho là hợp pháp và phù hợp đạo đức).
Chúng ta hãy bắt đầu với văn hoá. Văn hoá bao gồm các giá trị và tập tục vốn đem lại ý nghĩa trong một xã hội. Văn hoá có nhiều biểu hiện khác nhau. Thường người ta hay phân biệt giữa văn hoá cao cấp như văn chương, nghệ thuật, và giáo dục, vốn rất thu hút giới trí thức, và văn hóa đại chúng vốn nhằm giải trí đại đa số quần chúng.
Khi văn hoá của một quốc gia bao gồm những giá trị phổ cập và các chính sách của họ quảng bá các giá trị và quyền lợi mà những quốc gia khác đồng chia xẻ, nền văn hoá sẽ giúp gia tăng khả năng quốc gia đó có thể đạt được ước muốn của mình thông qua các mối quan hệ mang tính thu hút và nghĩa vụ mà nó hình thành. Những giá trị hẹp hòi và các nền văn hoá cục bộ hiếm khi tạo ra được quyền lực mềm. Hoa Kỳ có lợi thế từ một nền văn hoá phổ quát. Nhà biên tập người Đức Josef Joffe đã từng đưa ra luận điểm là quyền lực mềm của Hoa Kỳ còn rộng lớn hơn cả các tài sản quân sự và kinh tế gộp lại. “Văn hoá Mỹ, cho dù là bình dân hay cao cấp, đều tỏa sáng mãnh liệt; điều này chỉ xảy ra trước đây dưới thời đế chế La Mã – nhưng ở đây có một khuynh hướng mới mẻ. Thế lực về văn hoá của La Mã và Liên Xô trước đây dừng lại tại biên giới quân sự của họ. Trong khi đó, quyền lực mềm của Hoa Kỳ thống trị trên một đế chế rộng lớn mà nơi đó mặt trời không hề lặn.”17
Một số nhà phân tích cho rằng quyền lực mềm chỉ đơn thuần là sức mạnh văn hóa đại chúng. Sai lầm của quan điểm này là đồng hoá quyền lực mềm với các nguồn lực văn hoá được dùng để tạo ra quyền lực này. Họ nhầm lẫn nguồn lực văn hoá với hành vi thu hút. Ví dụ, nhà sử học Niall Ferguson mô tả quyền lực mềm là “những sức mạnh phi truyền thống như các sản phẩm văn hoá và thương mại” và rồi ông phủ nhận nó vì lý do “thực ra, nó rất mềm.”18 Dĩ nhiên, nước ngọt của hãng Coke và bánh mì Big Macs không nhất thiết cuốn hút nhân dân các nước đạo Hồi khiến họ yêu mến nước Mỹ. Có thông tin cho rằng nhà độc tài Bắc Triều Tiên Kim Jong Il rất thích pizza và phim ảnh Mỹ, nhưng điều đó không ảnh hưởng đến chương trình vũ khí hạt nhân của ông. Rượu ngon, phô mai chua, không bảo đảm nước Pháp sẽ được yêu mến; tính phổ biến của trò chơi Pokemon không hề đảm bảo nước Nhật sẽ đạt được những kết quả mong muốn từ các chính sách của họ.
Điều này không có nghĩa phủ nhận văn hóa đại chúng vốn thường là nguồn lực tạo ra quyền lực mềm. Nhưng như chúng ta đã thấy ở trên, hiệu quả của bất kỳ nguồn lực sức mạnh nào cũng phụ thuộc vào bối cảnh. Xe tăng không còn là sức mạnh quân sự khi dùng nó trong vùng đầm lầy hay rừng rú. Than và sắt không hề là nguồn lực lớn lao khi một quốc gia không có cơ sở công nghiệp hạ tầng. Có những người Serb đi ăn tại nhà hàng McDonald’s nhưng vẫn ủng hộ Milosevic. Nhiều người dân ở Rwanda phạm những tội ác tày trời trong khi mặc áo thun có những biểu trưng của Hoa Kỳ. Phim ảnh Mỹ vốn tạo sự thu hút cho nước Mỹ tại Trung Hoa hay Nam Mỹ lại cũng có thể gây ra phản cảm và làm suy giảm quyền lực mềm của họ tại Ảrập Xêút hay Pakistan. Nhưng nhìn chung, các cuộc trưng cầu dân ý cho thấy nền văn hoá đại chúng của Hoa Kỳ gây ra những ấn tượng như “hứng thú, kỳ lạ, phong phú, mạnh mẽ, tiền phong về hiện đại hoá lẫn sáng tạo.”19 Những hình này trở nên quyến rũ “trong một thời đại mà người ta muốn tham gia vào một cuộc sống tốt đẹp theo lối Mỹ, ngay cả khi trong quan điểm chính trị, họ ý thức được mặt trái của nước Mỹ về hệ sinh thái, cộng đồng hay sự bất bình đẳng.”20 Ví dụ, trong khi giải thích xu hướng kiện tụng để khẳng định quyền lợi tại Trung Quốc, một nhà hoạt động xã hội trẻ đã nêu ra, “Chúng ta đã xem nhiều phim ảnh Hoa Kỳ, trong đó đầy rẫy những cảnh đám cưới, đám ma, và đi hầu toà. Bởi vậy, bây giờ chúng ta nghĩ rằng đâu có gì là lạ khi trong đời mình cũng ra hầu toà vài lần cho biết.”21 Nếu mục đích của Hoa Kỳ là củng cố hệ thống luật pháp tại Trung Quốc, những bộ phim này có lẽ còn hiệu quả hơn cả những bài diễn văn của ngài đại sứ rao giảng về tầm quan trọng của vấn đề pháp trị.
Như chúng ta sẽ thấy trong chương tiếp theo, sự hấp dẫn (hay phản cảm) của văn hoá đại chúng Mỹ tại các khu vực khác nhau và đối với các nhóm khác nhau tạo điều kiện thuận lợi hay bất lợi cho các viên chức Hoa Kỳ quảng bá chính sách của họ. Trong một số trường hợp, ví dụ như Iran, cũng cùng thứ phim ảnh từ Hollywood trong khi gây khó chịu cho giới giáo sĩ hồi giáo lãnh đạo lại rất thu hút giới trẻ. Tại Trung Quốc, văn hoá Mỹ vừa cuốn hút lại vừa bị tẩy chay trong những nhóm người khác nhau.
Thương mại chỉ là một trong những phương cách trao đổi văn hoá. Sự trao đổi văn hoá cũng xảy ra qua liên hệ cá nhân, thăm viếng, và trao đổi. Ý tưởng và giá  trị mà Hoa Kỳ xuất khẩu tồn tại trong đầu óc của hơn nửa triệu du học sinh hàng năm học tập tại các trường đại học Hoa Kỳ và sau này trở về quê hương, hay trong đầu óc của những nhà kinh doanh châu Á hồi hương sau khi họ thành đạt tại Thung lũng Silicon – chúng đều dễ dàng thẩm thấu trong tầng lớp ưu tú nắm trong tay quyền lực. Đa số các lãnh tụ Trung Quốc đều có con cái được đào tạo tại Hoa Kỳ. Con cái họ sẽ có cái nhìn thực tế về Hoa Kỳ; cái nhìn này thường mâu thuẫn với những hình ảnh biếm hoạ trong truyền thông chính thức tại Trung Quốc. Cũng tương tự như khi Hoa Kỳ đang cố thuyết phục Tổng thống Pakistan Musharaf thay đổi chính sách của ông và tăng cường hỗ trợ các hoạt động của Hoa Kỳ tại Afghanistan, cuộc trò chuyện với người con trai của ông vốn đang làm việc tại Boston chắc chắn đã giúp ít nhiều cho quyết định của ông.
Chính sách đối nội và đối ngoại của chính phủ cũng là một nguồn lực khác nữa. Ví dụ, vào thập niên 1950, sự phân biệt chủng tộc trong nước làm suy giảm quyền lực mềm của Hoa Kỳ tại châu Phi, và ngày nay án tử hình cũng như luật lệ kiểm soát vũ khí lỏng lẻo làm suy yếu quyền lực mềm của Hoa Kỳ tại châu Âu. Tương tự, chính sách đối ngoại cũng ảnh hưởng mạnh đến quyền lực mềm. Trường hợp điển hình là chính sách về nhân quyền của Tổng thống Jimmy Carter cũng như các nỗ lực của chính phủ nhằm quảng bá dân chủ dưới thời Tổng thống Reagan và Clinton. Tại Argentina vào thập niên 1970, chính phủ quân sự bác bỏ các chính sách nhân quyền của Mỹ; hai mươi năm sau, những chính sách này đã đem lại cho chính phủ Hoa Kỳ quyền lực mềm đáng kể khi những người theo Tổng thống Peron vốn bị tù đày trước đây lên nắm chính quyền. Chính sách có thể có tác dụng dài hạn cũng như ngắn hạn và thay đổi tùy theo bối cảnh. Hoa Kỳ được xem là quốc gia thân hữu với Argentina vào thập niên 1990 phản ảnh chính sách của Tổng thống Jimmy Carter vào thập niên 1970, và nhờ vậy đã khiến cho chính phủ Argentina ủng hộ chính sách Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc và vùng bán đảo Balkan. Dù sao chăng nữa, quyền lực mềm của Hoa Kỳ đã bị xói mòn đáng kể khi bối cảnh thay đổi lần nữa vào thập kỷ sau này khi mà Hoa Kỳ thất bại trong việc cứu trợ nền kinh tế Argentina khi nó sụp đổ.
Chính sách nhà nước có thể tăng cường hoặc phí hoài quyền lực mềm của một quốc gia. Chính sách đối nội lẫn đối ngoại nào tỏ ra đạo đức giả, ngạo mạn, hay dửng dưng với công luận, hoặc dựa trên quan điểm thiển cận phục vụ cho quyền lợi quốc gia, đều có thể hủy hoại quyền lực mềm. Ví dụ như khi trưng cầu ý kiến cho thấy sức thu hút của Hoa Kỳ bị giảm mạnh sau cuộc chiến tranh Iraq vào năm 2003, những người tỏ ra thiếu thiện cảm với Hoa Kỳ nói rằng họ phản đối chính sách của Tổng thống Bush và chính quyền của ông chứ không phải dân chúng Mỹ nói chung. Cho tới nay, họ tách biệt người Mỹ và văn hoá Mỹ với chính sách của chính phủ Mỹ. Dân chúng tại phần lớn các quốc gia vẫn tiếp tục ngưỡng mộ Hoa Kỳ trong các lãnh vực kỹ thuật, âm nhạc, điện ảnh, và truyền hình. Nhưng đại đa số cho hay họ không thích ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Mỹ tại sứ xở họ. 22
Cuộc chiến tranh Iraq năm 2003 không phải là chính sách đầu tiên làm cho Hoa Kỳ không được ưa chuộng. Như chúng ta sẽ thấy trong chương tiếp theo, ba mươi năm trước, nhân dân trên toàn thế giới phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam, và vị thế của Hoa Kỳ phản ảnh tính bất cập của các chính sách thời bấy giờ. Sau này, khi Hoa Kỳ thay đổi chính sách của họ và ký ức cuộc chiến tranh đã đi vào quá khứ, Hoa Kỳ thu hồi lại được đa phần quyền lực mềm đã bị đánh mất trước đây. Quá khứ có lập lại hay không trong hậu kỳ chiến tranh Iraq sẽ còn phụ thuộc vào sự thành công các chính sách tại Iraq, tiến triển trong mâu thuẫn Israel và Palestine, và nhiều yếu tố khác nữa.
Những giá trị mà một chính phủ đấu tranh để bảo vệ trong nước (ví dụ như dân chủ), trong các thể chế quốc tế (qua hợp tác với các quốc gia khác), và chính sách đối ngoại (thúc đẩy hoà bình và nhân quyền) đều ảnh hưởng mạnh mẽ đến ước nguyện của người khác. Nhà nước có thể thu hút hoặc xô đẩy người ta thông qua ảnh hưởng những hành động của họ. Nhưng nhà nước không có khả năng sở hữu quyền lực mềm như họ sở hữu quyền lực cứng. Những tài sản trong quyền lực cứng như quân đội hoàn toàn thuộc về nhà nước; những tài sản khác hiển nhiên là thuộc về quốc gia, ví dụ như dầu khí và các khoáng sản; và một số tài sản khác lại có thể được chuyển giao dưới quyền kiểm soát tập thể, như hãng hàng không dân dụng có thể được huy động trong tình hình khẩn cấp. Trái lại, nhiều nguồn lực của quyền lực mềm hoàn toàn tách riêng khỏi nhà nước và chỉ đóng góp một phần khi nhà nước huy động. Ví dụ như trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, văn hoá đại chúng Mỹ thường đối đầu với các chính sách nhà nước. Ngày nay, phim ảnh Hollywood với các diễn viên nữ ăn mặc hở hang và lối sống phóng túng, hoặc những nhóm Cơ Đốc Giáo cấp tiến lên tiếng chỉ trích Hồi Giáo là một tôn giáo độc ác, đều đứng ngoài sự kiểm soát của chính phủ trong một xã hội tự do, nhưng dù sao cũng ảnh hưởng xấu đến các nỗ lực của chính quyền nhằm cải thiện quan hệ với các quốc gia Hồi Giáo.

——–
Chú thích
  1. Robert Dahl, Who Governs: Democracy and Power in an American City (New Haven: Yale University Press, 1961).
  2. David Baldwin, “Power Analysis and World Politics: New Trends versus Old Tendencies,” World Politics, 31, 2 (01/1979), trang 161-94.
  3. Như trên, trang 164B.
  4. A. J. P. Taylor, The Struggle for Mastery in Europe, 1848-1918 (Oxford: Oxford University Press, 1954), trang xxix.
  5. Lần đầu tiên tôi giới thiệu khái niệm này trong cuốn Bound to Lead: the Changing Nature of American Power (New York: Basic Books, 1990) Chương 2. Nó được xây dựng trên cái mà Peter Bachrach và Morton Baratz gọi là “bộ mặt thứ hai của quyền lực.” Xem bài “Decision and Nondecisions: An Analytical Framework,” American Political Science Review (09/1963), trang 632-42.
  6. Tôi biết ơn Mark Moore đã vạch ra điều này.
  7. Xem Jane J. Mansbridge, Beyond Self-Interest (Chicago: University of Chicago Press 1990).
  8. Kinh tởm và căm ghét cũng khiến con người hành động, nhưng kết quả sinh ra thường không như người gây ra những cảm xúc này mong muốn. Trong khi có thể xem kinh tởm là một hình thức “quyền lực mềm tiêu cực,” thuật ngữ này không đồng nhất với định nghĩa tôi đưa ra cho rằng quyền lực là khả năng tạo ra được kết quả mà mình mong muốn. Vì vậy, tôi dùng từ “kinh tởm” như là từ phản nghĩa của “hấp dẫn”.
  9. Hubert Védrine cùng Dominique Moisi, France in an Age of Globalization (Washington, D.C.: Brookings Institution Press, 2001) trang 3.
  10. E. H. Carr, The Twenty Years’ Crisis, 1919-1939: An Introduction to the Study of International Relations (New York: Harper & Row, 1964) trang 108.
  11. John McCloy và Arthur Schlesinger, Jr., trích dẫn theo Mark Haefele, “John F. Kennedy, USIA, and World Public Opinion,” Diplomatic History 25, I (Winter 2001), trang 66.
  12. Như trên, trang 75. Xem thêm dữ liệu USIA trong Richard L. Merritt và Donald J. Puchala, Western European Perspectives on International Affairs (New York: Frederick A. Praeger, 1968) trang 513-38.
  13. John P. Vloyantes, Silk Glove Hegemony: Finnish-Soviet Relations, 1944-1974 (Kent, Ohio: Kent State University Press, 1975) dùng thuật ngữ “soft sphere of influence”.
  14. Frank Buni, “A Nation That Exports Oil, Herring and Peace,” New York Times, 21/12/2002, trang A3.
  15. Michael Ignatieff, “Canada in the Age of Terror – Multilateralism Meets a Moment of Truth,” Options Politiques, 02/2003, trang 16.
  16. Jehangir Pocha, “The Rising Soft Power of India and China,” New Perspective Quarterly 20 (Winter 2003), trang 9.
  17. Joseph Joffe, “Who’s Afraid of Mr. Big?” The National Interest, Summer 2001, trang 43.
  18. Niall Ferguson, “Think Again: Power,” Foreign Policy, 01-02/2003.
  19. Neal M. Rosendorf, “Social and Cultural Globalization: Concepts, History and America’s Role,” trong Joseph Nye và John D. Donahue, eds., Governance in a Globalizing World (Washington, D.C.: Brookings Institution Press, 2000), trang 123.
  20. Todd Gitlin, “Taking the World by (Cultural) Force,” The Straits Times, Singapore, 11/01/1999, trang 2.
  21. Elisabeth Rosenthall, “Chinese Test New Weapon from West: Lawsuits,” New York Times, 16/06/2001, trang A3.
  22. Pew Global Attitudes Project, View of a Changing World June 2003, (Washington, D.C.: Pew Research Center for the People and the Press, 2003) trang 22-23.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét