Nhiều
trận mưa lớn đã nhấn chìm bãi đỗ máy bay của Tân Sơn Nhất đến 30 cm,
hàng loạt chuyến bay buộc hạ cánh nơi khác, nghiêm trọng nhất có thể
phải đóng cửa sân bay nếu nước tràn vào làm nổ biến thế trong trạm điện.
TP HCM đang vào cao điểm mùa mưa khiến sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) đối diện tình trạng ngập thường xuyên.
Để bơm cưỡng bức nước ra ngoài, chặn nước tràn vào trạm điện mỗi khi trời mưa lớn, khu
vực Đài chỉ huy cũ được bố trí 2 máy bơm công suất 1.000 m3 mỗi giờ;
gần trạm điện, nhiều bao cát cũng được trang bị... Nhiệm vụ "giải cứu"
Tân Sơn Nhất được giao cho hàng chục nhân viên túc trực thường xuyên.
|
Máy bơm công suất 1.000 m3 tại khu vực thường xảy ra ngập ở Tân Sơn Nhất. Ảnh: A.X
|
Liên tục trong 2 năm qua, sân bay Tân Sơn Nhất không thoát khỏi tình
trạng bị nước nhấn chìm bãi đỗ máy bay sau những trận mưa có lưu lượng
lớn, ảnh hưởng đến việc khai thác và đặc biệt là an toàn bay. Sự việc
bắt đầu từ trận mưa ngày 15-16/8/2015, mở ra nỗi lo của sân bay mỗi khi Sài Gòn có mưa.
Tiếp đó, cơn mưa chiều 9/10/2015 khiến sân bay ngập 20 cm. Nước mưa
không thoát kịp đã tràn vào nhà đặt máy phát điện trạm nguồn Đài chỉ huy
tại khu vực Đài chỉ huy cũ. Nhân viên sân bay phải bắc ván, dùng bao
cát, bạt nylon để ngăn không cho nước tràn vào trạm điện Đài chỉ huy.
Nước ngập sâu nhất ở thời điểm 16h nhưng may mắn là sau đó mưa nhỏ lại,
nước rút từ từ đến 20h thì hết.
Trận mưa với lưu lượng 168 mm ập xuống Tân Sơn Nhất trong 2 giờ ngày
26/8 cũng khiến các bãi đỗ 10-14, 51-56 và 24-25 ngập sâu hơn 30 cm.
Đường lăn M1 tại khu vực này phải dừng hoạt động khoảng một giờ chờ nước
rút. Cơn mưa cũng khiến gần 70 chuyến bay đến Tân Sơn Nhất bị ảnh
hưởng. Trong đó có 2 chuyến bị hủy, 14 chuyến phải hạ cánh xuống các sân
bay lân cận như Liên Khương, Cam Ranh... 4 chuyến bay quốc tế không hạ
cánh được phải đáp xuống sân bay của Campuchia, Thái Lan.
Nhiều hành khách phản ánh, việc mưa ngập tại Tân Sơn Nhất khiến họ trễ
bay 2-3 giờ. Đặc biệt, có khách đi chuyến 17h50 nhưng đến 22h chưa được
bay. Tại khu vực nhà chờ tại sân bay, mỗi khi có mưa lớn đều đông nghịt
người cho trễ chuyến kéo dài.
Hay mới đây, hôm 11/9, mưa lớn lại khiến bãi đỗ máy bay nằm gần đường Phan Thúc Duyệt biến thành sông.
Theo lãnh đạo Tân Sơn Nhất, tình trạng ngập ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả khai thác
bởi đây là sân bay lớn nhất nước, trung bình mỗi ngày có khoảng 630
chuyến (dịp hè đến 750 chuyến). Việc trễ chuyến kéo dài dây chuyền, ảnh
hưởng đến hàng nghìn hành khách. Khi đó, máy bay sẽ bay lòng vòng trên
trời chờ hạ cánh hoặc phải đáp xuống sân bay khác.
Ngoài ảnh hưởng đến hành khách, sân bay bị ngập còn tác động đến hạ
tầng kỹ thuật như đường băng, các phương tiện phục vụ, hỗ trợ trong sân
bay... có thể khiến nhiều hạng mục hư hỏng, xuống cấp. Trong đó, trận
ngập chiều 9/10/2015 được đánh giá nguy hiểm nhất khi nước mưa tràn vào
nhà đặt máy phát điện trạm nguồn Đài chỉ huy tại khu vực Đài chỉ huy cũ.
"Tình huống nghiêm trọng nhất có thể phải đóng cửa sân bay nếu nước tràn vào làm nổ biến thế", lãnh đạo Tân Sơn Nhất đánh giá.
Trước việc an toàn bay bị đe dọa, sân bay Tân Sơn Nhất đã "cầu cứu"
UBND TP HCM, chỉ ra nguyên nhân gây ngập là do mương thoát nước A41 từ
đường Phan Thúc Duyện và đường Cộng Hòa (phường 13, quận Tân Bình) có
nhiều chỗ bị lấn chiếm. Bên cạnh đó, người dân xả rác, chất thải xuống
mương gây ách tắc dòng chảy. Nhiều vị trí lòng mương bị lấn một nửa so
với thiết kế ban đầu. Trong khi đây là những nhánh mương bảo đảm thoát nước cho 50% lượng nước tại khu vực sân đỗ tàu bay của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Cũng cho tình trạng ngập tại Tân Sơn Nhất nghiêm trọng có thể phải dừng hoạt động của sân bay, Cục trưởng Hàng không Lại Xuân Thanh nói với báo Thanh Niên:
"Đã là công trình sân bay liên quan đến hoạt động an toàn thì phải đảm
bảo không ngập úng. Tuy nhiên, các sân bay nằm độc lập có hệ thống thoát
nước riêng như sân bay Cam Ranh (Nha Trang) không bị ảnh hưởng, còn các
sân bay nằm trong lòng thành phố, phụ thuộc vào hệ thống thoát nước của
thành phố thì phải chịu trận chung. Cái khó là ngoài sân bay cũng ngập
thì nước trong sân bay thoát đi đâu".
|
Hệ thống cống thoát nước ra kênh A41, tại khu vực này nước thường không thoát ra kịp gây ngập bãi đổ. Ảnh: A.X
|
Mới đây, TP HCM đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn cấp tìm giải pháp
chống ngập cho Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Trước mắt, phải nạo
vét, duy tu thường xuyên để đảm bảo thoát nước qua rạch A41 trong mùa
mưa. Các hành vi lấn chiếm, xâm hại trái phép hệ thống thoát nước phải
có biện pháp xử lý, tránh ảnh hưởng đến dòng chảy của rạch.
UBND quận Tân Bình cũng đề xuất UBND TP HCM đầu tư Dự án cải tạo mương
Nhật Bản (phường 2) với số vốn 360 tỷ đồng để giải quyết ngập cho sân
bay. Đây là mương hở, rộng 3-4 m, từ sân bay Tân Sơn Nhất qua nút giao
Tân Sơn Nhất - Bình Lợi – Trường Sơn – Hồng Hà hướng ra công viên Gia
Định (quận Phú Nhuận) với chiều dài 745 m.
Dự kiến ngày 17/9 UBND TP HCM và các đơn vị liên quan sẽ họp triển khai khẩn cấp các biện pháp chống ngập cho Tân Sơn Nhất.
Duy Trần - Ngọc Hận
Posted in: Tin tức
Gửi email bài đăng này
BlogThis!
Chia sẻ lên Facebook
0 nhận xét:
Đăng nhận xét