Thứ Ba, 27 tháng 9, 2016
« Sống lửa » cùng Nguyễn Thiện Đạo
14:07
Hoàng Phong Nhã
No comments
Tạp san Đoàn Kết thực hiện cuộc phỏng vấn với nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo về quyển sách đầu tay của ông.
ĐK : Xin chào nhạc sĩ, được biết Sống Lửa
là quyển sách truyện đầu tay của nhạc sĩ. Thời gian để ấp ủ, chuẩn bị ý
tưởng nghe nói là một năm, và thời gian viết ra cho đến khi hoàn thành
khoảng 4 tháng, quyển sách có chứa đựng một sự ám ảnh nào đó rất cá nhân
của nhạc sĩ hay không ?
NS NTD : Từ
tấm bé, tôi luôn say mê văn thơ. Ám ảnh cá nhân đằng đẳng gần như suốt
đời. Đến hôm nay cho ra đời Sống lửa đã giải toả nỗi u uất sâu kín. Chao
ôi ! Một quyển sách tựa một lông tơ mà nặng trĩu tâm bào. Nếu không du
học Pháp lúc tuổi 13 (1953) để trở thành nhạc sĩ – phương tiện bao quanh
mở rộng- thì có lẽ tôi đã làm văn thơ, nhưng chắc chắn sẽ thành
« écrivain maudit ».
ĐK :
Với 93 tác phẩm âm nhạc, nhạc sĩ đã đánh dấu tác phẩm thứ 94 của mình
bằng một quyển truyện, nhạc sĩ đánh giá việc này như thế nào : thử sức
văn học, lấn sân văn chương, làm chuyện khác thường, hay còn là vì một
lý do nào khác ?
NS NTD :
Tôi không thử sức văn cũng không lấn sân văn chương. Tất cả những nghĩ
suy, trăn trở, yêu đương, nhức nhói tim gan trước nhân tình thế thái :
bất công, bạo lực, gian tham, hiềm tỵ, vọng ngoại, phản phúc đan xen kỳ
vọng, ước mơ, tuyệt mỹ, ánh hồng cùng lòng yêu nước, yêu dân tộc , tôi
đã gói ghém thật lòng trong Sống lửa.
ĐK :
Nhạc của nhạc sĩ được đánh giá mang tính rất tiên phong, cao cấp, khó
hiểu vì sự trừu tượng và kỹ thuật âm nhạc quá cao, chỉ dành cho những ai
thật sự trong giới âm nhạc cao cấp. Vậy tác phẩm truyện Sống Lửa này
của nhạc sĩ, có những yếu tố gì giống với đặc điểm ấy trong âm nhạc của
nhạc sĩ không ?
NS NTD :
Âm nhạc là một ngôn ngữ trừu tượng nên xa thực tế. Văn chương là một
ngôn ngữ gần thực tế. Cấu trúc một áng văn chương khác hẳn hình thức cấu
trúc một nhạc phẩm. Tôi mạn phép thiết nghĩ mỗi người đọc Sống lửa có
thể lĩnh hội theo « sở thích » cùng với vốn văn hoá của mình.
ĐK :
Chúng ta sẽ nói về các chi tiết cho quyển sách. Theo nhận xét của chúng
tôi, quyển sách có văn phong tương đối dễ tiếp cận với nhiều đối tượng
độc giả, tình tiết rất li kỳ, có nhiều nhân vật có tên trong lịch sử
Việt Nam từ cổ tới kim. Trước hết, nhạc sĩ giới thiệu đây là quyển
truyện dựa phần nào vào gia phả của chính mình, điều đó có thể thấy qua
tuyến nhân vật chính từ đời Trần Chí Bằng đến đời Trần Thiện Thanh, kéo
dài 700 năm. Nhưng điều chưa thấy ai làm là viết truyện để kể chuyện
xấu-tốt, ăn chơi, lạm quyền,… của các cụ kỵ tổ tiên mình bao giờ, điều
này có vẻ hơi khác với tinh thần truyền thống « xấu che tốt khoe » hay
không phạm húy các cụ kỵ nhà mình, nhạc sĩ có chia sẻ gì về việc này ?
NS NTD: « Nhân
vô thập toàn ». Chính diện và phản diện cũng như âm dương ở trong mỗi
con người. Từ thuở hồng hoang nhân loại đến nay có xã hội nào khẳng định
mình là chí thiện chí mỹ đâu ! Hoạ chăng vài câu khẩu hiệu thức thời…
Qua các cụ tổ tôi kể, họ cũng là những nhân vật sống trong một xã hội
nhất định, tôi lấy nhân vật để tả xã hội.
ĐK :
Theo chúng tôi nhận xét và so sánh, những bản nhạc của nhạc sĩ hầu hết
đều phá cách nhưng vẫn theo chuẩn mực của nhạc hàn lâm, hay nói ngược
lại, tuy khuôn khổ, mẫu mực nhưng cũng rất phá cách, kỳ lạ, nổi loạn ;
điều đó thể hiện qua sự kết hợp với những nhạc cụ lạ, với nghệ thuật múa
đương đại, và đặc biệt là nhiều đoạn nhạc mạnh hoặc mang tính « bạo
lực » hoặc rất tối (sombre) như phần khuất của một tôn giáo. Trong Sống
Lửa, nhiều tình tiết cũng như thế, tuy thể hiện bằng ngôn ngữ đã dịu đi
rất nhiều để hợp với văn phong sách văn học, nhưng vẫn rất mạnh và dạn
dĩ, đôi khi có thể tạo ra một độ sốc nào đó. Khuynh hướng đột ngột
chuyển tông, hoặc nổi loạn khi viết sách thường được lý giải rằng tác
giả có những ức chế trong ý thức hoặc từ vô thức. Có phải nhạc sĩ từng
có những uẩn ức, kìm nén nào trong cuộc đời mình, hoặc có thể nói, nhạc
sĩ vốn thường muốn đột phá mạnh mẽ như thể để phá đi một bức tường nào
đó hay không ?
NS NTD :
Người nghệ sĩ sáng tác luôn phải đột phá. Trước hết phải tìm cái hay.
Nếu cứ ghìm mình tìm cái đúng, sợ cái sai thì có cơ là rơi vào cái bẫy
» rập khuôn « . Cổ nhân có câu » Bất phẫn bất phát « : Đúng ! không
phẫn uất thì không phát huy được tinh hoa. Trong sáng tác tôi luôn phẫn
uất !
ĐK :
Trong truyện có rất nhiều biểu tượng và nhân vật Việt Nam như thói quen
của nhạc sĩ xưa nay là luôn đặt tên và dùng ca từ Việt Nam cho hầu hết
các bản nhạc quốc tế của mình, tuy nhiên trong Sống Lửa lại có những
hình ảnh rất không Việt Nam, ví như trong chương 3 mang tên Quái, người
đọc có thể tìm thấy những tình huống và tên gọi rất phương Tây như : dã
thú hút máu người, homosexuel, hay cảnh quất roi vào 3 cô gái,… Ngoài
ra, rải rác trong truyện, người đọc cũng có thể tìm thấy những trích dẫn
liên quan đến Tây Thi, đến Richard Wagner, cách dùng từ hiện đại như
« zombie ». Như vậy có ngược lại với mạch truyện vốn rất thuần Việt
không ? Và nhạc sĩ có nghĩ đây là một hướng rất mới mà có thể độc giả
Việt Nam chưa thể tiếp nhận được trọn vẹn phong cách này, và lựa chọn
thủ pháp viết này có thể tạo ra thiệt thòi cho tác giảvì có thể một số
độc giả sẽ chỉ trích là « lai Tây »?
NS NTD: Nhà
thơ Nguyễn Thuỵ Kha có viết về Sống lửa : Nguyễn Thiện Đạo lại xuyên
thủng không gian bốn chiều để tìm đến chiều thứ năm — chiều tâm linh—
Sống lửa không phải là truyện tả thực mà thực hư – hư thực quyện kết như
một bức tranh Liêu trai… Thế giới phẳng và toàn cầu hoá ( đang dẫn nhân
loại đến ngày tận thế ) nâng ta đến với Wagner ( Tây), Tây Thi ( Đôn )
một cách óng ả…
ĐK: Xin cảm ơn nhạc sĩ.
Chúng tôi
không đưa ra một kết luận nào về các tác phẩm và chủ đề văn hóa được
trao đổi, chỉ đưa ra những cách nhìn mới về những giá trị truyền thống,
phần còn lại là do mỗi độc giả tự nhận định và kết luận trong bối cảnh
và cá tính của mình.
Nhạc sĩ
Nguyễn Thiện Đạo đã ra đi lúc 16h ngày 20/11 (giờ Pháp). Tuyển tập các
bài viết hiện dang dở, được nhạc sĩ chuẩn bị từ lúc còn sống, sẽ được
hoàn thành theo đúng tâm nguyện của nhạc sĩ – nhà văn hóa Việt Nam.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét