Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Năm, 15 tháng 9, 2016

Câu Chuyện Đại Học

Câu chuyện mà tôi sắp kể đây vốn là của một người bạn. Nó gợi lên nhiều suy nghĩ mà tôi mong muốn được chia sẻ cùng các độc giả, đặc biệt hơn là những người đang ở lứa tuổi của tôi, hay nhỏ tuổi hơn, những người trẻ.

Bạn tôi kể rằng cậu có người em họ học cấp ba ở Việt Nam khi ấy đang chuẩn bị thi đại học. Đại học. Một bước ngoặt đặc biệt quan trọng trong quãng đường học tập của mỗi người. Bạn đang đứng trước những lựa chọn khác nhau, những điều bạn muốn học, muốn biết. Lựa chọn ngành, bạn khởi đầu sự trang bị cho bản thân những kiến thức cần thiết để đến với cuộc sống lao động cống hiến trong tương lai. Đại loại là như vậy… Cậu bạn tôi rất quan tâm đến điều này và cậu ấy cũng từng có câu chuyện chọn nghề của riêng mình một vài năm về trước. Cậu ấy hỏi người em rằng em ấy muốn học ngành gì? Thi vào trường nào? khi mà thời điểm đưa ra quyết định đã kề rất gần rồi (hoàn thành hồ sơ nguyện vọng chọn ngành). Em ấy trả lời: « Em thi ban A ([1]). »
_ Vậy là em sẽ học ngành gì?
_ Em không biết nữa. Nhưng em sẽ thi ban A.
_ Ban A cụ thể là như thế nào? Có nhiều ngành sẽ thi ban A lắm.
_ … em không biết…
Bạn tôi ngạc nhiên, bạn tôi suy nghĩ, bạn tôi trầm tư… Em của cậu không phải là một trường hợp hiếm gặp, nếu không nói là tương đối đại trà…

Cậu đem câu chuyện kể lại với chúng tôi trong một buổi trà nước. Cậu hỏi tôi, sau khi đã tự hỏi mình, vì sao đến lúc gần thi Đại học rồi mà em cậu cũng như một bộ phận các em học sinh năm cuối cấp lại chưa biết được mình muốn học ngành gì? Vì sao các em vẫn không có định hướng? Và đáng ngạc nhiên hơn, rất nhiều em không hề trăn trở hay hoang mang vì điều đó. « Thi ban A » là một câu trả lời mơ hồ và sai ý. Nhưng đối với em họ của bạn tôi, em ấy chỉ cần biết nhiêu đấy thôi. Em ấy sẽ thi ba môn Toán, Lý, Hóa vì có khả năng học tốt ở ba môn ấy. Em ấy sẽ chọn một ngành học xét tuyển thông qua ban A và một trường có cơ hội đậu vào. Nhiều học sinh của nhiều thế hệ đã chọn con đường này để có thể vào Đại học, sau đó học và tốt nghiệp, và kiếm việc làm…
Câu chuyện sau đấy, tôi không tiếp nữa. Đó là một hoạch định có vẻ hợp lý phải không?

Chỉ tiếc rằng, Đại học không phải là đích đến… Coi việc đậu Đại học là điều quan trọng nhất cần làm đối với một học sinh năm cuối phổ thông e rằng là một tầm nhìn hơi hẹp mà hệ quả không phải ai cũng ý thức được.
Vì sao tôi lại nói thế? Chẳng phải đậu và tốt nghiệp đại học là định hướng chính của lớp lớp thế hệ học sinh tri thức và của cả xã hội hiện đại sao?
Việc vào Đại học (chứ không phải là bản thân muốn học gì, học như thế nào) đã trở nên quá quan trọng trong xã hội nước ta rồi. Ở Việt Nam, nhìn chung đậu vào là khá khó so với việc học, lên lớp và tốt nghiệp đại học. Nói khác đi, nếu vào được, ra trường là điều hiển nhiên. Tôi cho là Đại học đang trở thành một thứ để bảo vệ sĩ diện (của học sinh lẫn gia đình, thậm chí nhà trường và xã hội) nhiều hơn là ý nghĩa giáo dục mà nó đem lại. Tương tự như vấn đề trọng bằng cấp vậy.

Liệu chăng chúng ta đang quá đề cao danh xưng, nhãn mác mà quên đi bản chất, ý nghĩa thật sự của việc gặt hái chúng và cống hiến về sau?

Người người nhà nhà chắt chiu thời gian, tiền bạc, sức lực để con em luyện thi đậu Đại học, và học Đại học. Việc đậu Đại hoc có thể coi là việc hệ trọng của cả dòng họ hay thôn xóm.
Còn câu chuyện sau đi khi bước chân vào giảng đường, ra trường và hơn nữa lại không mấy được quan tâm…
Đại học có thật sự xứng đáng để trở thành ao ước, niềm tự hào của lớp lớp thế hệ học sinh phổ thông đến thế? Hay đây chỉ đơn thuần là môi trường giúp chúng ta trang bị những yếu tố cơ bản để theo đuổi những việc chúng ta muốn làm? Nếu bản thân không xác định được chúng ta muốn làm gì, thì thi Đại học hay thậm chí Tốt nghiệp ra trường có còn vẹn nguyên ý nghĩa hay không?

Một người bạn của tôi vừa hoàn thành bảo vệ đồ án tốt nghiệp. Bạn ấy chia sẻ trên mạng xã hội một dòng suy nghĩ: « Kết thúc những năm tháng Đại học. Kế hoạch tiếp theo là gì? Mục tiêu tiếp theo là gì? Mong muốn tiếp theo là gì? Minh phải làm gì đây? »
Ở tuổi 23, sau một chặng đường học tập dài và vất vả, để rồi khi vượt qua, bạn ấy lại có chút hoang mang không rõ sẽ muốn làm gì với tất cả hành trang có được. Có đáng tiếc không?

Trên thực tế, ở lứa tuổi mười bảy, mười tám, việc yêu cầu các em phải xác định rõ ràng cụ thể đam mê của bản thân thật không đơn giản. Đấy có thể là thứ mà cả đời chúng ta kiếm tìm. Nhưng có quá nghiệt ngã khi các em cứ như những con cừu ngoan được đưa đẩy theo một con đường vạch sẵn mà không ý thức được con đường ấy có thật sự tốt hay phù hợp với mình?
Việc chọn trường học ở Việt Nam thật sự quan trọng vì nếu lỡ như bạn (tỉnh táo) nhận ra mình đã chọn sai và muốn quyết định lại thì sẽ gặp một vài rào cản không đơn giản: gia đình, thời gian, công sức, tiền bạc, áp lực xã hội. Bên cạnh đó, không thể phủ nhận rằng rất nhiều các bạn trẻ học đại học mà không thể tự thuyết phục được lí do chọn ngành, vẫn ra trường, kiếm việc làm và thành công.

Định nghĩa thành công còn cần bàn luận nhưng đại ý rằng có thể nuôi sống bản thân, phát triển sự nghiệp và hài lòng với công việc ấy. Có thể các bạn ấy may mắn nhận ra mình phù hợp thậm chí yêu thích ngành học mà mình « ngẫu nhiên » hoặc được gia đình – xã hội hay ảnh hưởng từ bên ngoài giúp định hướng lựa chọn. Có thể các bạn ấy cũng không tốn thời gian suy nghĩ đến việc có thật sự hợp và thích ngành học hay không, khi nó chỉ đơn thuần là công cụ kiếm sống (tiền bạc) và thăng tiến (địa vị xã hội), như một việc phải làm.
Nhưng công việc bạn sẽ làm có đơn giản là như thế? Bạn đang định hướng cho bản thân chọn và theo đuổi một tương lai mà bạn sẽ gắn bó cả đời. Sẽ thế nào nếu cả đời bạn bị gò ép, « phải » làm công việc ấy? Vậy sự yêu thích công việc có ý nghĩa đến đâu trong quyết định lựa chọn của bạn? Vì sao nó không phải là một trong những ưu tiên hàng đầu? Vì sao không bắt đầu định hướng chọn ngành bằng những điều chúng ta muốn làm? Khi làm việc với niềm vui, lao động sẽ không còn là gánh nặng, công việc sẽ là môi trường để thỏa mãn bản thân, khó khăn sẽ trở nên dễ dàng chấp nhận hơn vì bạn hiểu giá trị mà nó chứa đựng.

Sự tâm huyết với nghề có thể có được nếu bạn thiếu đam mê không? Và khi bạn thật sự đam mê, thật sự tâm huyết, việc phát triển niềm đam mê ấy sẽ mang đến cho bạn những điều khác nữa… Vì thế, hãy cẩn trọng và không ngừng suy nghĩ bản thân muốn gì. Ý muốn có thể thay đổi theo thời gian vì nhiều lí do, nhưng ít nhất ở mỗi thời điểm, chúng ta luôn ý thức và xác định được nó.

Câu chuyện về chọn ngành thi Đại học có lẽ chỉ là câu chuyện nhỏ, bình thường trong cuộc sống đa sắc và thường xuyên biến đổi quanh ta. Nhưng ảnh hưởng của nó đến sự nghiệp và cuộc đời của mỗi con người khi lựa chọn học vấn là công cụ giúp gặt hái tương lai thì không đơn giản như thế. Tôi mong muốn chia sẻ với các bạn về việc ý thức khi quyết định và hành động của bản thân mình. Điều ấy giúp ta tự tin chịu trách nhiệm về nó và thuyết phục niềm tin của người khác.

Các bạn ạ, chúng ta được gọi là thế hệ trẻ, hiện đại và trí thức. Chúng ta có suy nghĩ độc lập và tràn đầy nhiệt huyết. Đừng đánh mất bản thân vì những gì mà chúng ta nghe, làm nhưng không thật sự hiểu. Không có gì dễ hơn và không có gì thiếu trách nhiệm hơn việc làm theo những gì được hướng dẫn sẵn, nghe theo những điều có sẵn, đặt niềm tin vào những thứ tồn tại sẵn mà không ý thức được chúng.
Tôi không có cách nào đưa ra cho các bạn một lời khuyên đúng, hay một cách thức để xác định các bạn cần làm gì. Nếu tôi có, tôi cũng không mong các bạn tin hay áp dụng một cách máy móc.
Chúng ta không có một định nghĩa chung cho sự đúng đắn, không có công thức chung cho sự thành công hay hạnh phúc.
Tôi chỉ cho rằng ta luôn cần lắng nghe ta, vì chỉ có ta mới có thể sống và cảm nhận cuộc đời mình.
Vì vậy tự hỏi bản thân thật sự muốn gì, sâu thẳm, luôn là việc ý nghĩa ngay cả khi việc ấy không hề dễ dàng đạt được câu trả lời. Nhưng câu trả lời cũng sẽ không đến nếu ta không tự đặt dấu hỏi, có phải không?

Nguyễn Bảo Thư


[1] Ở Việt Nam, các ngành học được xét tuyển đầu vào bằng hình thức thi một số môn cơ bản. Các môn ấy được chia thành « ban » theo một tiêu chí nhất định được thống nhất bởi hệ thống giáo dục toàn nước. Kì thi đại học là kì thi chung (Cùng một ban sẽ thi cùng lúc, có cùng đề, cùng thang điểm trên toàn quốc gia).
Có những ban cơ bản như ban A (ba môn thi là Toán ,Lý,Hóa) thường dành cho ngành thiên về kĩ thuật, các môn nghiên cứu – ứng dụng lĩnh vực khoa học tự nhiên; ban B (Toán, Hóa, Sinh) cho các ngành liên quan đến y học và sinh học; ban C (Văn, Sử, Địa) đối với những môn thiên về Xã hội, Văn hóa; ban D (Toán, Văn, Ngoại Ngữ) phục vụ cho các ngành liên quan đến Xã hội, Du lịch, Ngoại giao…
Ngoài ra còn có những ban đặc biệt được bổ sung những môn năng khiếu tương ứng với yêu cầu của ngành (ban V thi Toán, Lý, Vẽ để vào trường Kiến Trúc, ban H, ban M, v.v)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét