Giáo sư Nghiêm Toản và Hoàng Xuân Hãn
Do
tiếng Việt có nhiều từ gốc Hán nên vốn tiếng Hán giúp tôi tránh các sai
lầm trong dùng từ như “yếu điểm” thay vì “điểm yếu”… mà thỉnh thoảng
báo chí hiện nay vẫn có khi lẫn lộn. Tuy nhiên cái lợi đó có đủ lớn và ý
nghĩa thực dụng của nó có đủ quan trọng để chúng ta dạy chữ Hán cho học
sinh bậc trung học như TS Đoàn Lê Giang nêu lên hay không?
Tôi
học trung học (lớp 6 – lớp 12) theo chương trình Miền Nam trước năm
1975. Năm lớp 6 có học chữ Hán. Thật ra, năm đó chỉ học vài tiết, chủ
yếu để biết viết một số từ Hán Việt như nhất, nhị, tam hay thiên (trời),
thượng (trên) thôi. Năm lớp 10 được GS Nghiêm Toản, do quen biết riêng,
kèm chữ Hán 1 năm nữa theo ý muốn riêng của gia đình. Lên đại học, tôi
theo ngành kỹ thuật và vào đời với ngành kỹ thuật.
Tôi
thấy cái lợi của việc biết tiếng Hán là vốn từ vựng tiếng Việt trong
tôi phong phú hơn, có thể diễn đạt các ý nghĩ đa dạng của mình một cách
chính xác và tế nhị hơn. Do tiếng Việt có nhiều từ gốc Hán nên vốn tiếng
Hán giúp tôi tránh các sai lầm trong dùng từ như “yếu điểm” thay vì
“điểm yếu”… mà thỉnh thoảng báo chí hiện nay vẫn có khi lẫn lộn…
Tuy
nhiên cái lợi đó có đủ lớn và ý nghĩa thực dụng của nó có đủ quan trọng
để chúng ta dạy chữ Hán cho học sinh bậc trung học như TS Đoàn Lê Giang
nêu lên hay không? Bài viết này xin ghi lại các ý kiến có liên quan của
GS Nghiêm Toản và học giả Hoàng Xuân Hãn với hy vọng giúp vào đề tài
gây nhiều tranh luận gần đây.
GS
Nghiêm Toản là thầy dạy tại trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn những năm
50, 60 thế kỷ trước. Ông cho rằng lịch sử đất nước khiến dân Việt đem
nhiều thành tố tiếng Hán vào trong tiếng Việt, do đó cần biết tiếng Hán
để làm phong phú hơn tiếng Việt của chúng ta. Tôi còn nhớ ông nói, đại ý
rằng:
“Cách
người dân ta dùng tiếng Hán cho thấy mức độ dẻo dai để tồn tại của
người Việt trước áp lực đồng hóa của người Hoa. Trước khi bị Bắc thuộc,
người Việt đã có tiếng Việt của riêng mình, nhưng không biết đã có chữ
viết chưa. Một ngàn năm bị Hoa trị, người Việt không để mất tiếng nói
của mình, lại có thêm tiếng Hán, và tiếng Hán này dần dần được Việt hóa
trở thành yếu tố Hán-Việt trong tiếng Việt. Sau khi độc lập, người Việt
lại biết dùng cách viết chữ Hán mà tạo ra chữ viết cho tiếng Việt, tức
là chữ Nôm. Cho tới gần đây, người Việt lại biết dùng chữ Quốc ngữ tiện
lợi hơn thay thế chữ Hán và chữ Nôm. Cho nên yếu tố Hán-Việt trong tiếng
Việt không cho thấy tính lệ thuộc của người Việt, mà trái lại càng cho
thấy tính độc lập dẻo dai của người nước ta. Biết cách dùng yếu tố
Hán-Việt cộng với dùng chữ Quốc ngữ, chúng ta tạo ra một ngôn ngữ Việt
Nam đủ sức diễn tả tinh tường và truyền bá rộng rãi các ý niệm, khái
niệm kỹ thuật và triết học khó hiểu nhất ”.
Tôi
có thể thưa với các anh chị rằng GS Nghiêm Toản đã truyền cho tôi sự
rung động vì lòng tự hào với tinh thân độc lập, tự chủ của ông cha trước
người Trung quốc.
Sau
này, tôi lại có dịp học hỏi với GS Hoàng Xuân Hãn. Ông là một bậc túc
nho Âu học mà tấm lòng, ý chí và sự đóng góp cho nền độc lập nước nhà
trên bảy mươi năm trước còn được nhiều người Việt Nam thời nay ghi nhớ.
Ông là nhân vật chính chuyển đổi nền giáo dục Việt Nam từ Pháp ngữ sang
Việt ngữ một cách căn bản. GS Hoàng Xuân Hãn đồng quan điểm với GS
Nghiêm Toản như trình bày bên trên. Nhưng về phương diện giáo dục thì
ông bàn luận như sau, cũng xin ghi lại đại ý:
“Trong
giáo dục, tôi chủ trương thực tế. Quốc dân cần biết kỹ thuật phương
Tây, cần biết học thuật phương Tây. Mình cần một ngôn ngữ càng giản dị,
càng dễ hiểu càng tốt để dân mình học được nhanh. Muốn giản dị mà đủ ý
thâm sâu, mình cần vận dụng các yếu tố Hán-Việt. Tôi nghĩ người mình
không cần học Hán văn, nhưng cần học một căn bản Hán-Việt để có danh từ
khoa học mà học hỏi kiến thức thế giới. Căn bản Hán-Việt giúp ta làm
giàu có và hàm súc hơn tiếng nước ta, cùng với đó ta dùng chữ Quốc ngữ
phổ biến kiến thức rộng rãi cho quốc dân. Quốc dân cũng nên biết nguồn
gốc của yếu tố Hán-Việt, chữ Hán, chữ Nôm, chữ Quốc ngữ… trong ngôn ngữ
nước mình”.
GS Hãn trình bày ý của ông rất rõ:
“Tôi
nghĩ bậc trung học mình có môn Việt văn. Học sinh ở một lớp thích hợp,
như lớp troisième chẳng hạn (tức lớp 9) thì ta dành một số giờ học của
môn Việt văn mà học về Hán-Việt, chữ Hán, chữ Nôm, chữ Quốc ngữ… Học về
chữ Hán chứ không phải học Hán văn. Mục đích là để người đi học biết
nguồn gốc và phân biệt được các loại chữ viết trong ngôn ngữ Việt Nam
qua các thời kỳ lịch sử. Chỉ cần cái căn bản vậy thôi. Sau này, ai theo
ngành Hán Nôm, ngành Cổ Văn, ngành Sử ký sẽ học sâu hơn chữ Hán, chữ
Nôm. Ai theo các ngành kỹ thuật không cần học thêm, nhưng cũng đã có cái
căn bản để không bị lầm lạc khi dùng tiếng Việt thông dụng và tiếng
Việt khoa học, kỹ thuật. Khi cần, những người này có thể dùng tự điển
Hán-Việt do các người chuyên môn soạn thảo”.
Trong
cuộc sống đời thường, tôi thấy không ít người không có khái niệm rõ rệt
về tiếng Việt, tiếng Hoa, chữ Hán, chữ Nôm, chữ Quốc ngữ… Ý của GS
Hoàng Xuân Hãn là nên giảng dạy ở bậc trung học để người học hiểu và
phân biệt được các khái niệm ấy một cách minh tường. Chú ý rằng GS Hãn
chủ trương không nên giảng dạy chữ Hán ở bậc học này.
Đọc
các bài viết của TS Đoàn Lê Giang, về mặt học thuật, tôi thông cảm với
ông. Chúng ta thường bắt gặp các lỗi về dùng chữ (từ vựng) và lỗi đặt
câu (văn phạm) trên báo chí hiện nay, kể cả các tờ báo nghiêm túc, kể cả
trong các bài viết về những đề tài văn hóa, nghệ thuật…Trước năm 1975,
báo chí Miền Nam thường có các mục như “Nhặt Sạn” hay “Nhổ Cỏ Vườn Văn”…
nhằm lượm lặt và phân tích các lỗi ấy. Các mục này góp phần giữ gìn và
phát triển sự giàu có và trong sáng của tiếng Việt. Người phụ trách mục
ấy cần có căn bản Hán-Việt vững chắc, uyên thâm. Đây mới là những người,
tôi nghĩ, cần học chữ Hán. Còn người đọc bình thường thì không cần mất
thì giờ học. Chúng ta còn cần phải bỏ thêm một số môn học vô bổ, nặng
nề, kìm hãm tri thức để con em chúng ta có thì giờ thư giãn, hưởng thụ
văn hóa, phát triển ước mơ, hoài bão và học hỏi các kỹ năng sống trong
môi trường sống tiến bộ…
Là
người quan tâm tới đề tài, nhưng không nằm trong chuyên môn, tôi chỉ
xin ghi lại ý kiến các bậc có thẩm quyền vài mươi năm trước…
Lê Học Lãnh Vân
Source : http://motthegioi.vn/chuyen-hom-nay-c-155/gs-nghiem-toan-gs-hoang-xuan-han-noi-ve-giang-day-tieng-viet-tieng-han-42209.html
0 nhận xét:
Đăng nhận xét