Tâm Diệu
Công cuộc tranh đấu đòi quyển
bình đẳng tôn giáo của Phật Giáo Việt Nam bắt đầu ở Huế với cái chết của tám Phật
tử đêm 8/5/1963 tại đài phát thanh, rồi cuộc tự thiêu của Hòa Thượng Thích Quảng
Đức ngày 11/6/1963 tại Sài Gòn và chiến dịch “nước lũ” tổng tấn công chùa chiền
toàn quốc đêm 20 rạng ngày 21/ 8/1963. Ba biến cố lịch sử quan trọng của
phong trào Phật Giáo tranh đấu này dẫn đến cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng
kéo dài nửa năm và kết thúc bằng cuộc chính biến lật đổ chính quyền của Tổng thống
Ngô Đình Diệm.
Khởi đầu từ ngày từ 8-5-1963 và
chấm dứt vào đêm 20 tháng 8 năm 1963 là cuộc tranh đấu của Phật Giáo, tiếp
sau đó là cuộc cách mạng toàn diện của học sinh, sinh viên, và quân dân
Miền Nam Việt Nam.
Kể từ năm 1963 đến nay (tháng 11năm 2013) là tròn nửa thế kỷ. Năm mươi năm trôi qua, một thời gian đủ dài để
con người có thể lắng dịu tâm tư và các kho lưu trữ tài liệu mật của các bộ Ngoại
Giao, Quốc Phòng, và cục Tình báo Trung Ương Hoa Kỳ cũng đã giải mật cho công
chúng tự do vào xem để mọi người có thể nhìn lại lịch sử ngày 1-11-1963 một
cách rõ ràng.
May mắn thay chúng ta có thể tiếp
cận các kho lưu trữ tài liệu này một cách dễ dàng qua một số bản dịch Việt ngữ
được dịch rất nghiêm túc bởi hai dịch giả Nguyên Giác và Nguyễn Kha. Những bản
dịch này được hai dịch giả tuyển dịch từ những tài liệu chính thức có độ khả
tín cao và khách quan (thông tin nội bộ dùng để
làm việc-operational, không có tính cách tuyên truyền), bao gồm phúc
trình kín, mật và tối mật, biên bản chính thức
của những thảo luận nội bộ, điện văn trao đổi hàng ngày giữa Bộ Ngoại Giao, Bộ
Quốc Phòng, Toà Bạch Ốc, Cục Tình báo Trung ương ở Washington và tòa Đại sứ Hoa
Kỳ ở Sài Gòn. Những tài liệu này đã được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ giải mật và xuất
bản thành 5 tập với tựa đề: Foreign
Relations of the United States, 1961-1964 (Bang
giao quốc tế của Hoa Kỳ, 1961-1964), thường
được giới nghiên cứu biết và sử dụng dưới tên gọi (acronym) “FRUS”. Thêm vào đó là hồ sơ tối mật về Cuộc Chiến Việt
Nam “The Pentagon Papers” do Ủy ban Đặc
nhiệm Nghiên cứu về Việt Nam của Bộ Quốc Phòng nghiên cứu, soạn thảo và xuất bản
thành 4 tập.
Qua nội dung các bản dịch đó,
chúng ta có thể biết được những gì thực sự đã xảy ra trong những ngày trước và
sau cuộc chính biến 1-11- 1963.
Trước khi giới thiệu toàn bộ các bản dịch,
chúng tôi mạn phép tóm lược vài điểm ghi nhận quan trọng của chính các dịch giả,
theo diễn biến sự kiện. Phần chi tiết, xin mời quý độc giả mở các links liên hệ
để xem bản dịch Việt và đối chiếu với các bản ảnh copy từ các văn bản nguyên gốc
bằng tiếng Anh đính kèm.
BIẾN CỐ NGÀY
8-5-1963 TẠI HUẾ
Trước hết là các điện văn trao đổi
giữa Tòa Lãnh Sự Mỹ ở Huế, Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn, và Bộ Ngoại Giao Mỹ ở
thủ đô Washington trong đêm xảy ra biến cố 8/5/1963 tại đài phát thanh Huế. Điểm quan trọng trong biến cố
này là ai đã bắn súng và ném lựu đạn vào đám đông trước đài phát thanh đêm
8/5/1963. Theo điện văn báo cáo về Washington, địa phương quân dưới quyền Thiếu
Tá Phó Tỉnh Trưởng Đặng Sỹ đã nổ súng và ném lựu đạn (điện văn số 116).
Tuy nhiên, trong một điện văn khác ông Đại sứ Nolting, sau khi hội kiến với TT
Ngô Đình Diệm cho biết ông Diệm tin rằng Việt Cộng hoặc thành phần bất đồng chính kiến đã
ném lựu đạn vào đám đông. (điện văn số 131). [01]
Tiếp theo các điện văn trao đổi
là bản phúc trình của Trung Ương Tình Báo (CIA) ở Washington báo cáo lên Tổng
Thống Mỹ Về Cuộc Thảm Sát Huế 1963, trong đó ghi rằng, khi giải tán đám động
3,000 Phật Tử, trách nhiệm thảm sát tại Đài Phát Thanh Huế là do 3 lực lượng: cảnh sát, Dân Vệ và
quân đội. Hồ sơ CIA nơi đây cũng nói: chính sách của chính phủ ông Diệm
là thiên vị Thiên Chúa Giáo, nhưng Phật Từ trước giờ vẫn lặng lẽ chịu đựng,
cho tới khi xảy ra biến động Huế. [02]
CUỘC TỔNG TẤN
CÔNG CÁC CHÙA ĐÊM 20-8-1963
Sự kiện tại Huế ngày 8 tháng 5
năm 1963 – một sự kiện dẫn tới những gì được gọi là cuộc khủng hoảng Phật giáo
và khởi sự cho một chuỗi sự kiện đã tận cùng dẫn tới việc đảo chánh lật đổ chế
độ Ngô Đình Diệm – đã xảy ra một cách tình cờ và bất ngờ theo sự nhận định của 36 nhà
phân tích của Mỹ về tình hình Phật Giáo Việt Nam thời gian từ ngày 8-5-1963 tới
ngày 21-8-1963 trong hồ sơ The Pentagon
Papers.
Cũng theo tài liệu này thì nguyên
nhân xảy đến chuỗi sự kiện này là do chính quyền Ngô Đình Diệm đã biệt đãi Thiên Chúa Giáo và kỳ
thị Phật Giáo. [03]
Và các nỗ lực hòa giải giữa Phật
Giáo và chính quyền đã không thành công. Thông Cáo Chung 16-6-1963 không được
ông Diệm thực thi vì bị ông
bà Nhu phá hoại; Cao điểm sự tráo trở của chính phủ Ngô Đình Diệm là
cuộc tổng tấn công chùa chiền toàn quốc đêm 20 rạng ngày 21-8-1963, bắt 1.400
nhà sư trong đó có hai vị lãnh đạo Phật Giáo cao cấp là Hòa Thượng Thích Tịnh
Khiết (Hội chủ của Tổng Hội Phật giáo Việt Nam)
và Thượng Tọa Thích Tâm Châu (Chủ tịch Ủy ban
Liên phái Bảo vệ Phật Giáo).
Điều
đáng chú ý là trong suốt năm 1963, chính ông Nhu đã đoạt quyền ông Diệm để đối
phó với cuộc khủng hoảng Phật giáo đang càng lúc càng lan rộng nhờ được sự tiếp
tay của các lực lượng quần chúng khác. Thậm chí ông Nhu còn cho ông Diệm là người
nhu nhược và “đã
biểu lộ sự chống đối mãnh liệt ông Diệm và chính phủ của ông ta” đến mức dự định đảo chánh ông Diệm (FRUS
256 - Bản Ghi nhớ của Phó Giám đốc Kế hoạch CIA Helms, ngày 16-8-1963, gửi Phụ
tá Ngoại trưởng Hilsman [04]). Ông Nhu đã thăm dò những điều kiện đàm phán sơ khởi
với lãnh đạo Cọng sản ở Hà Nội (theo Death of a
Generation,
Howard Jones, Oxford University Press, 2003[05]) , đã từng thiết
lập danh sách viên chức Mỹ sẽ bị ông ám sát (FRUS
68 - Điện văn của Giám Đốc Phòng Tình Báo và Nghiên Cứu Thomas Hughes trình lên
Ngoại Trưởng Hoa Kỳ ngày 6-9-1963[06]), đã tuyên bố với nhật báo Ý L’Expresso
ngày 3-10-1963 sẽ “cắt đầu” Đại sứ (cha vợ)
Trần Văn Chương (FRUS 186 - Điện văn số POL 15S
VIET của Đại sứ Cabot Lodge gửi cho Bộ Ngoại Giao ngày 7-10-1963[07]) , … Lý
giải cho những động thái điên cuồng đó
của ông Nhu, các vị Đại diện Ba Lan tại Ủy hội Quốc tế Kiểm soát Đình
chiến ICC là Mieczylaw Maneli, Chánh Văn phòng Phủ Tổng thống Võ
Văn Hải, Bộ trưởng Phụ tá Quốc phòng Nguyễn Đình Thuần đều cho là ông
Nhu bị bệnh
tâm thần, ám ảnh bởi bệnh hoang tưởng “… Vào giai đoạn đó, Nhu sa vào
vòng nghiện ngập và điều đó đã đẩy ông ta đến những trạng thái cực đoan… Người
ta bắt đầu thấy những dấu hiệu điên loạn trên mặt ông ta, nhìn bất động như kẻ
mộng du, với một nụ cười lạnh lùng cố hữu …” (theo
Roger Hilsman, To Move A Nation, Doubleday Inc. and Co., New York 1967,
trang 480 [08])
Không khí chính trị căng thẳng tại
Sài Gòn từ ngày Hoà Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu đến giữa tháng 8-1963 đã
cho các nhà quan sát Hoa Kỳ thấy rằng cuộc tranh chấp giữa Phật Giáo và chính
quyền đang diễn tiến. Tuy nhiên, khi cuộc chạm trán xảy ra, trong cuộc tổng tấn
công đêm 20 rạng ngày 21-8-1963 nhắm vào các chùa với lệnh thiết quân luật trên
toàn miền Nam, các nhà ngoại giao Hoa Kỳ đã hoàn toàn bất ngờ.
Họ cũng nhận định Quân đội VNCH bất
mãn vì bị dân chúng đổ tội tấn công các chùa, trong khi thực tế quân đội không biết gì về việc
ông Ngô Đình Nhu ra lệnh cho Đại Tá Lê Quang Tung dẫn Lực Lượng Đặc Biệt bất ngờ
tấn công các chùa và tin tức tình báo cho biết ông Nhu đã gài vũ khí, chất nổ vào chùa
để vu vạ.[09] Và chính Mỹ cũng bất mãn vì ông Diệm không
hòa giải với Phật Giáo, và chính trận tổng tấn
công các chùa chiền đã xé bỏ bản Thông Cáo Chung 16-6-1963 mang chữ ký của hai
nhà lãnh đạo, Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết và Tổng Thống Ngô Đình Diệm.
CUỘC ĐIỀU TRA CỦA PHÁI ĐOÀN LIÊN HIỆP QUỐC - PHÚC TRÌNH
A/5630
Ngày 4-9-1963, 14 nước bao gồm
Afghanistan, Algeria, Cambodia, Ceylon, Guyana, India, Indonesia, Mông Cổ,
Nigeria, Pakistan, Rwanda, Sierra Leone, Somalia, Trinidad và Tobago (sau đó,
thêm hai nước Mali và Nepal) đưa vấn đề Phật giáo Việt Nam ra trước Đại Hội Đồng
Liên Hiệp Quốc (LHQ) với nội dung cáo buộc chính quyền Việt Nam Cộng hòa vi phạm
các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc.
Một tháng sau, ngày 4/10/1963, Việt Nam Cộng hoà gửi thư lên Đại Hội đồng Liên
Hiệp Quốc mời một phái đoàn sang Việt Nam điều tra về tình hình tôn giáo tại Việt
Nam. Cuối tháng Mười, Liên Hiệp Quốc cử phái
đoàn gồm 16 thành viên đại diện 7 quốc gia Afghanistan (trưởng phái đoàn),
Brazil, Ceylon, Costa Rica, Dahomey, Morroco và Nepal sang Việt Nam điều tra
tìm hiểu sự thật. Phái đoàn đến Phi trường Tân Sơn Nhứt tối 24-10-1963, và bắt
đầu từ hôm sau chỉ tiếp xúc các giới chức chính quyền và phỏng vấn các nhân chứng
trong 6 ngày (mà riêng 2 ngày cuối tuần là 26 và 27/10 thì phần lớn thời
gian phái đoàn ở khách sạn đọc tài liệu). Cuộc điều tra kết thúc sớm hơn dự liệu
khi chế độ Diệm bị lật đổ vào đúng ngày lễ Các Thánh (Toussaint, 1-11) của Công
giáo, ngày mà tất cảc cơ quan chính phủ được nghỉ lễ. Và phái đoàn rời Sài Gòn
ngày 3-11-1963.
Có ba tài liệu chính thức của
Liên Hiệp Quốc và một công trình nghiên cứu đại học liên quan đến cuộc điều tra
về đàn áp Phật giáo tại Nam Việt Nam của LHQ:
- Tài liệu A/5630 - Phúc trình của Phái đoàn Điều tra Liên Hiệp Quốc tại
Nam Việt Nam, hoàn tất ngày 7-12-1963. (Document A/5630 - Report of the
United Nations Fact-Finding Mission to South Viet-Nam)
- Đề mục Thảo luận số 77 (Agenda Item 77)
- Biên bản Buổi họp Khoáng đại thứ 1280 của Đại Hội đồng LHQ, Phiên họp
thứ 18, ngày 13-12-1963 (United Nations General Assembly, Eighteen Session,
1280th Plenary Meeting – Official Records)
- Khảo luận in thành sách “Một Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân Quyền” (A
United Nations High Commissioner For Human Rights) của Giáo sư Roger
Stenson Clark, do Martinus Nijhoff (Hòa Lan), xuất bản năm 1972.
Cả 4 tài liệu nầy đều có một kết
luận giống nhau: Dù thu thập được một số dữ kiện ở cả hai phía chính quyền và
phía nạn nhân Phật giáo, nhưng Phúc trình A/5630 của Liên Hiệp Quốc đã chưa đưa ra một kết luận khẳng
định hay phủ định nào trong cuộc điều tra về đàn áp Phật giáo tại Việt Nam vì cuộc điều
tra chưa hoàn tất do biến cố 1-11-1963 xảy ra trong lúc đó. Giáo sư Roger Clark
tóm tắt một cách chính xác như sau trong Khảo luận của mình:
“It arrived in Saigon in late
October and heard a number of witness. Unfortunately for the scholar, the
affair ended inconclusively as a
result of the successful coup against President Diem that took place while the
Mission was in Saigon”. (Phái đoàn đến Sài Gòn vào cuối tháng Mười và đã
nghe một số nhân chứng. Không may cho các học giả, công việc bị kết thúc dang dở vì cuộc đảo chánh Tổng thống Diệm đã thành
công khi Phái đoàn đang ở Sài Gòn) [10]
CUỘC CHÍNH BIẾN 1-11-1963
Điểm quan trọng trong các tài liệu
nói về cuộc chính biến 1-11-1963 là ai khởi xướng và lập kế hoạch đảo chánh. Ông
Henry Cabot Lodge, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Tướng Trần Văn Đôn hay Tướng
Dương Văn Minh?
Theo điện văn của Thứ Trưởng Ngoại
Giao George Ball gửi ông Lodge đề ngày 24-8-1963 mang số 243 cho biết ông đã chỉ
thị cho Đại sứ Lodge phải áp lực ông Diệm gạt bỏ ông bà Nhu ra khỏi chính phủ, nghĩa là vẫn sẽ duy trì Đệ Nhất Cọng hòa và
riêng ông Diệm vẫn làm Tổng Thống, và nếu điều kiện nầy không thỏa đáng
thì được hiểu là Mỹ đồng ý một “sự thay thế” lãnh đạo tại miền Nam.[11] [12]
Theo Bản Ghi Nhớ viết ngày 30
tháng 7-1966 của Bộ Ngoại Giao/CIA gửi Tòa Bạch Ốc ghi trong tài liệu “Chính quyền Johnson nhìn lại Biến cố
1-11-1963”[13]
thì Mỹ không cản nổi cuộc
đảo chánh vốn đã manh nha từ trước ngày ông Nhu hạ lệnh tổng tấn
công chùa chiền 20-8-1963 như (1) Trung
Tá Đỗ Khắc Mai, Tham Mưu Trưởng Không Lực VNCH, đã bày tỏ ý định vận động một
cuộc lật đổ nhà Ngô; ý định này được ghi lại trong điện văn 165, đề ngày
11-6-1963, do Tòa Đại Sứ Mỹ gửi về Bộ Ngoại Giao;
và (2) theo Bản Ghi Nhớ số 118 đề ngày 16-9-1963, viết bởi Paul M. Kattenburg,
Phó Giám Đốc Đông Nam Á Sự Vụ tại Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho biết đã có thêm một
số (ít nhất
là 10) âm mưu đảo chánh khác, vận động từ phía các sĩ quan cấp tá và
nhiều lãnh tụ đảng phái, kể cả những cọng sự viên thân tín của ông Diệm. Trong
những người tham dự âm mưu lật đổ nhà Ngô có cựu Đại sứ Trần Văn Chương, thân
phụ của bà Ngô Đình Nhu. Ngoài ra Tướng Lê Văn Kim ngày 23-8-1963, đã gặp Rufus
Phillips, Giám đốc USOM Rural Affairs, và nói rằng quân đội VNCH đã sẵn sàng đảo
chánh để lật đổ chế độ nhà Ngô vì đó là cách duy nhất để giữ lòng dân – vì quân
đội và dân chúng đều bất mãn tột độ khi Phật Giáo bị đàn áp.
Như thế, qua các tài liệu đã giải
mật, người đọc có thể thấy rõ ràng cuộc đảo chánh 1-11-1963 nhằm lật đổ chế độ
Ngô Đình Diệm không khởi nguồn từ xúi giục của bất kỳ ngoại nhân nào, kể cả từ
Hoa Kỳ. Điều này được thấy trong phần kết
luận của Bản Ghi Nhớ viết ngày 30
tháng 7-1966 của Bộ Ngoại Giao/CIA gửi Tòa Bạch Ốc nói ở trên và theo một tài
liệu khác từ kho lưu trữ hồ sơ của Ủy Ban
Đặc Tuyển Thượng Viện Hoa Kỳ cho biết, trước cuộc đảo chánh một ngày, chính
quyền Hoa Kỳ ở Washington bị
nhiều áp lực từ viên tướng Tư Lệnh MACV Harkins phản đối tất cả những âm mưu đảo
chánh ông Diệm và từ Cố vấn An Ninh Quốc gia Hoa Kỳ nói Lodge nên khuyến cáo (các tướng lãnh Việt Nam) nên hủy bỏ đảo chánh và Đại sứ Lodge điện
văn về Mỹ ngày 30-10-1963 nói rằng chuyện đảo chánh hoàn toàn nằm trong tay phía người Việt, còn Mỹ không
cản ngăn gì được. Cũng trong ngày đó, Tướng Trần Văn Đôn hứa sẽ tiết lộ
kế hoạch đảo chánh cho Đại sứ Lodge biết 4 giờ đồng hồ trước khi đảo
chánh khởi động. Tuy nhiên, vào ngày 1-11-1963, Tòa Đại sứ Mỹ chỉ được báo trước
4 phút mà thôi. [14]
Tâm Diệu
Ban Biên TậpTVHS
______________________________________
[01]
CÁC ĐIỆN VĂN TRAO ĐỔI GIỮA HUẾ SÀI GÒN VÀ WASHINGTON (Biến cố đêm 8/5/1963
tại Huế)
[02] CIA BÁO CÁO TỔNG THỐNG
MỸ VỀ CUỘC THẢM SÁT HUẾ 1963
[03] THE PENTAGON PAPERS:
BIẾN ĐỘNG PHẬT GIÁO Từ Ngày 8-5 Tới 21-8-1963
[04] NGÔ
ĐÌNH NHU MUỐN THAY THẾ ÔNG NGÔ ĐÌNH DIỆM LÀM TỔNG THỐNG
[05] NGÔ
ĐÌNH NHU THƯƠNG THUYẾT VỚI HÀ NỘI
[06] ĐIỆN
VĂN 68 NGÀY 6-9-1963: NHU LẬP DANH SÁCH ÁM SÁT VIÊN CHỨC MỸ
[07] VUA LÊ NGÔ ĐÌNH DIỆM VÀ CHÚA TRỊNH NGÔ ĐÌNH NHU
[08] VUA LÊ NGÔ ĐÌNH DIỆM VÀ CHÚA TRỊNH NGÔ ĐÌNH NHU
[09]
ĐIỆN VĂN 274: CHIẾN DỊCH TẤN CÔNG CHÙA
[10]
PHÚC TRÌNH A/5630 ĐÃ KẾT LUẬN NHƯ THẾ NÀO?
[11]CHIẾN DỊCH TỔNG TẤN CÔNG CÁC CHÙA ĐÊM 20-8-1963 VÀ CÁC
HỆ QUẢ
[12] ĐIỆN VĂN 243 TỐI MẬT NGÀY 24/8/1963
[13]
CHÍNH QUYỀN JOHNSON NHÌN LẠI BIẾN CỐ 1-11-1963
[14]
ÁP LỰC GIỜ CHÓT CỦA MỸ ĐÒI HỦY BỎ CUỘC LẬT ĐỔ NHÀ NGÔ
Posted in: Chính Trị,Tôn Giáo
Gửi email bài đăng này
BlogThis!
Chia sẻ lên Facebook
0 nhận xét:
Đăng nhận xét